Hồi 29: Trên Đảo Đào Hoa

Hồi 29: Trên Đảo Đào Hoa


Hồi 29: Trên Đảo Đào Hoa


Thanh y quái nhân là một thiếu niên mỹ mạo, tuổi chưa đầy ba mươi, mày kiếm mắt sao, da ngọc môi hồng, phong độ uy nghi tuấn kiệt. Châu Bá Thông từ nhỏ đến lớn chưa gặp một người nào đẹp trai như thế, chàng nhìn đến ngẩn người há hốc miệng toàng hoạc ra trông rất buồn cười.

Vị thiếu niên mỹ mạo thấy vậy khẽ miệng cười và nói:

– Tại hạ họ Hoàng tên Cố, biệt hiệu tự là Dược Sư với lệnh huynh cũng có chút tình biết nhau, tiện xá cũng gần đây không xa, mời nhân huynh ghé chơi.

Châu Bá Thông vui vẻ nhận lời liền:

– Phải! Phải!

Nhưng chàng vẫn đứng yên một chỗ không nhích bước.

Hoàng Dược Sư phải nhắc lại:

– Xin mời nhân huynh.

Châu Bá Thông như sực nghĩ ra điều gì bèn hỏi:

– Nhà của tôn huynh ở đâu? Cũng trên đảo này chăng?

Hoàng Dược Sư khẽ mỉm cười không trả lời, rồi bất thần tung mình nhảy lên một gò nổng cao sát bờ biển, rút trong tay áo ra một ống tiêu ngắn bằng ngọc, để lên môi, thổi lên một tiểu khúc, tiếng tiêu cao vút réo rắt như tiếng hạc gáy từng không, như tiếng loan gọi bạn đêm trường.

Châu Bá Thông lòng buồn rười rượi nghĩ thầm:

– Minh hỏi “Nhà mi ở đâu” y lại thổi tiêu tấu lên bản gì nghe muốn rã ruột.

tánh của y thật là cổ quái, thật là dị thường.

Hoàng Dược Sư thổi xong một tiêu khúc mới nhảy trở xuống đất, ngẩn đầu ra bãi biển, mắt nhìn lên trời và nói bông lông:

– Thuyền tới rồi!

Châu Bá Thông đưa mắt nhìn ra mặt bể thì thấy xa xa ngoài sóng nước có ba chiếc buồm xanh đang căng gió, một chiếc đại thuyền có lầu đang từ từ tiến gần đến Lục Hoành đảo. Châu Bá Thông nghĩ thầm trong bụng:

– Ồ! Thì ra chiếc lầu thuyền này của y, thảo nào y mới có những khí phái như vậy!

Chốc sau, chiếc lầu thuyền đã tiến sát bờ, Hoàng Dược Sư vẫy tay mời Châu Bá Thông và nói:

– Lên đi!

Châu Bá Thông định khiêm cung vài câu theo phép lịch sự, nhưng sực nghĩ người này có những điểm khí phách như một danh sĩ, tánh tình phóng khoáng, cử chỉ hành động tựa như Trúc Lâm thất hiền đời Tần, kết giao với những hạng người này, họ kỵ nhất là lối khách sáo câu nệ.

Nghĩ xong chàng liền lẳng lặng theo chân Hoàng Dược Sư nhảy lên thuyền.

Trên thuyền có vài tên thủy thủ và hai tên gia bộc, bọn họ vừa thấy Hoàng Dược Sư trở lên thuyền, vội cúi chào nghênh đón. Châu Bá Thông bước vào khoang thuyền, chàng ngạc nhiên hơn nữa.

Thì ra trong khoang thuyền này bày trí hết sức kỳ mỹ hoa lệ, song rèm bốn phía dùng toàn tơ gấm danh tiếng của đất Hàn Châu, bức lụa nào cũng thêu hoa, điểu, trùng ngư, mũi thêu khéo léo trông như hình sống, trên kỷ nhỏ có bầy chiếc cổ bình rất quý, mui thuyền lợp ngói quí nhà Hán, không khí trong phòng vừa tao nhã vừa cổ kính, trên sàn thuyền trải loại thảm Bắc Kinh, để chân lên mềm êm như bước lên nhung lụa, kỳ quái hơn hết là một góc khoang thuyền, chất đầy sách toàn những bản tuyển chọn, trên giá sách có một lư đồng cổ đốt bằng thứ trầm danh tiếng của miền Tây Vực, khói trắng nghi ngút bay lên, mùi hương tỏa khắp khoang thuyền.

Châu Bá Thông giật mình thầm nghĩ, gã họ Hoàng có được chiếc thuyền như thế này tất nhiên y là đại phú gia ở một cõi nhưng chàng hồ nghi không hiểu tại sao y là một nhân vật đại phú, lại có thể luyện được một bản lĩnh tráng tuyệt như thế được!

Hoàng Dược Sư nhìn rõ ý nghĩ của Châu Bá Thông, chàng khẽ cười, rồi vỗ tay hai cái. tức thì hai tên gia bộc chạy vào chờ lịnh và cũng trong lúc ấy đầu bếp đã từ khoang tàu bưng lên một mâm đồ ăn cùng một hũ rượu.

Châu Bá Thông bị vây hơn nửa ngày liên tục trên Lục Hoành đảo, trong bụng đã trống, ngửi thấy mùi thơm của tiệc rượu, đói đến nước miếng muốn chảy ra, tưởng đâu chủ nhân sẽ lên tiếng mời mình nhập tiệc. Nào ngờ Hoàng Dược Sư phất tay ra dấu với gia bộc, gã gia bộc ấy liền bưng đến cho Châu Bá Thông một hộp đựng y phục.

Hoàng Dược Sư cười và bảo:

– Huynh đài, bộ quần áo ấy dơ rồi, mời huynh đài hãy thay quần áo tắm rửa trước đã.

Châu Bá Thông thẹn đỏ mặt, mới hay mình không ra giống gì cả, bùn đất lem luốc khắp người, ba phần như quỷ, bảy phần tợ người. Thuyền bè của người ta tần thiết sang trọng như vậy, buổi tiếc thanh nhã thế kia, mình lại có thể để nguyên áo quần hôi hám dơ dáy mà ngồi ăn uống với chủ nhân sao được?

Chàng ngượng ngập tiếp lấy hộp quần áo, gia nhân liền dẫn chàng ra khoang sau pha nước vào bồn cho chàng tắm rửa.

Châu Bá Thông vừa lau mặt vừa hỏi người gia nhân:

– Này! Chủ nhân của các anh là đại phú gia ở địa phương nào, nhà cửa ông ấy ở đâu?

Gã gia nhân chỉ lắc đầu rồi hả họng dùng tay chỉ vào miệng mình, Châu Bá Thông bàng hoàng sửng sốt, thì ra gã gia nhân này là một kẻ câm, nghe được mà không thể nói.

Sau khi tắm rửa đổi thay y phục xong xuôi. Châu Bá Thông vội vàng trở lại khoang trước, thấy Hoàng Dược Sư tay cầm một quyển sách, đang đọc bài từ Thắng Vương Các, giọng ngâm nghe sang sảng dường như y đang đọc đến chỗ cao hứng cho đến Châu Bá Thông bước vào, y vẫn lờ đi như chẳng thấy. Bài từ Thắng Vương Các rất dài, y lại chậm rãi đọc từng chữ một, khiến cho cái bụng đói của Châu Bá Thông sôi lên rầm rầm, bào bọt như muôn ngàn con kiến đang bò trong bao tử.

Hoàng Dược Sư đọc đến trang cuối của bài từ tới hai trang chót trong bài thơ thất tuyệt, y ngâm đi ngâm lại, vỗ đùi đánh đét một cái cười lên ha hả rồi mới xếp sách đứng dậy và nói:

– Ồ! Châu huynh, thật có lỗi! Thật có lỗi!

Nói xong, liền mời Châu Bá Thông vào bàn tiệc. Châu Bá Thông không chút khách sáo ăn uống nghiến ngấu như hổ đói, chỉ trong khoảnh khắc, bàn tiệc sạch trơn không còn một món, hũ rượu cũng cạn tới đáy bình.

Ăn uống no nê xong, gia nhân dâng trà đến, lá trà xanh sẫm, nhỏ li ti, đúng là trà Vũ Di Tiên của Phước Kiến, mùi thơm ngát mũi, ngửi thấy đã phát thèm.

Châu Bá Thông nhìn ra ngoài song thuyền.

Lục Hoành đảo đã khuất dạng từ lúc nào, thuyền đang lênh đênh giữa biển cả, trời nước một màu xanh thẫm, cuối đường chân trời, mờ hiện lên một dãy cù lao, tròn trịa như cái vỏ ốc màu xanh, lúc ẩn lúc hiện giữa muôn ngàn sóng nước.

Châu Bá Thông hớp một ngụm trà, rồi bỗng cất tiếng hỏi Hoàng Dược Sư:

– Võ học của Hoàng huynh trác tuyệt, dám hỏi lệnh tôn sư là ai? Hoàng huynh sanh phương bằng nghề chi? Sao lại đến miền Đông Hải này? Nếu chẳng có gì đáng ngại, xin vui lòng cho tiểu đệ được biết.

Hoàng Dược Sư cười lớn và đáp:

– Châu huynh quá khen rồi. Tiểu đệ tuy rất háo võ, nhưng tư chất quá kém cỏi, nên chỉ học được có chút ít tài mọn, đâu dám nhận lấy bốn chữ “võ học trác tuyệt” kia. Còn sự làm ăn của tiểu đệ ư? Cũng chả giấu Châu huynh làm gì, tôi chuyên nghề ăn cướp, những đồ vật trên thuyền này, từ món nhỏ đến món lớn, chẳng thứ nào là không phải đồ cướp đoạt mà có, nói ra Châu huynh sẽ cười chê tiểu đệ mất!

Châu Bá Thông nghe nói giật mình. Trong con mắt chàng thì võ học của Hoàng Dược Sư so với sư huynh Vương Trùng Dương hơn kém chẳng bao nhiêu mà y lại bảo chỉ học được chút tài mọn, lời nói ấy đương nhiên là lời khiêm tốn.

Còn như y nhìn nhận mình là kẻ cướp và tất cả đồ vật trên thuyền đều là những món hàng cướp đoạt được, sự ấy khó ai mà tin tưởng nổi! Nhưng giọng nói và cử chỉ của y thì không phải là lời nói dối, tại sao lại dùng người câm làm kẻ gia bộc? Tóm tắt mà nói, Châu Bá Thông cảm thấy người hiện đang ngồi trước mặt chàng, từng cử chỉ, từng lời nói của y đều hàm súc sự bí mật và quái dị khó lường.

Hoàng Dược Sư nói xong câu ấy, đôi mắt oai nghiêm long lanh nhìn vào mặt Châu Bá Thông như dò xét và hỏi:

– Châu huynh nghĩ sao?

Châu Bá Thông khẽ rùng mình, chàng cảm thấy lời hỏi của chủ nhân bao hàm những ẩn ý không lành, chàng lơ đãng gật đầu và đáp:

– Chẳng nghĩ sao cả, làm kẻ cướp cũng chẳng hề gì, làm đạo tặc nhưng có đạo được rồi!

Lời nói ấy là chàng bắt chước theo lối ngôn ngữ bình nhật của Trùng Dương thường nói mà nói theo. Hoàng Dược Sư khoái trá cười lớn và nói tiếp:

– Không sai! Đạo tặc cũng có đạo nghĩa của Đạo! Hà..! Tệ xá ở trước mặt, nơi dãy cù lao ấy đấy.

Châu Bá Thông nhìn ra ngoài cửa sổ thuyền thấy nơi đường chân trời hiện ra một dãy quần đảo.

Ở xa nhìn thấy núi xanh như vẽ, mây trắng quyện sườn non, khi ẩn khi hiện, tựa như cảnh trí Đào Nguyên, u nhàn như Bồng Lai tiên động. Châu Bá Thông chắt lưỡi hít hà trước phong cảnh mỹ lệ của thiên nhiên, liền quay lại hỏi:

– Nhà của huynh đài ở trên đảo ấy à? Không hiểu đảo ấy tên gọi là chi?

Hoàng Dược Sư thản nhiên đáp:

– Đấy là Đào Hoa đảo, tệ xá của tiểu đệ ở trên đảo đó.

Châu Bá Thông thầm nghĩ:

– Hòn đảo này gọi là Đào Hoa đảo, tên nghe rất nhã, thấy trên đảo xanh biếc một màu, hẳn là có rất nhiều thảm cảnh rừng núi thiên nhiên…

Chiếc lầu thuyền đã dần dần tiến gần đến đảo. Thủy thủ trên thuyền lăng xăng xả buồm cuốn dây. Châu Bá Thông lúc ấy mới phát giác được những thủy thủ trên thuyền đều câm cả, người nào cũng dùng tay ra dấu để thế lời nói, nên khi làm lụng chẳng nghe một tiếng cãi vã ồn ào.

Châu Bá Thông trong lòng thầm kinh ngạc vô cùng.

Độ nửa giờ sau là thuyền đã cặp vào bờ, chỗ này có một bực đá cho người lên xuống. Hoàng Dược Sư bước ra khỏi thuyền khẽ nhún chân một cái, thân hình nhẹ nhàng đạp lên bực đá, Châu Bá Thông cũng không chịu kém, phi thân nhảy theo bén gót. Hoàng Dược Sư thấy thân pháp của chàng cao diệu hơn người thầm khen ngợi trong lòng, liền lên tiếng mời:

– Thỉnh nhân huynh lên đảo!

Trên đảo cỏ xanh mướt, mát như tấm thảm nhung. Trừ những bãi cát ra, khắp nơi đều trồng đầy kỳ hoa dị thảo, cùng những thảo mộc lạ kỳ không biết tên chi. Châu Bá Thông là người sinh trưởng ở phương Bắc, bao nhiêu lâu nay mãi theo sư phụ để luyện võ trên núi Tung Sơn, nên đối với cảnh trí thiên nhiên trên hòn đảo này, hoa thơm cỏ lạ mọc đầy, thật là chưa hề thấy qua, chưa hề thưởng thức được, trong lòng khoan khoái lâng lâng, lòng rắn mắc nổi dậy, liền với tay để ngắt đóa hoa bên đường chơi, nào ngờ Châu Bá Thông vừa mới giơ tay ra, liền cảm thấy nơi lắc léo bả vai tê buốt, bàn tay đang định bẻ hoa như mất cả sức lực từ từ xuội hẳn xuống, Châu Bá Thông kinh ngạc đến giật mình.

Bỗng nghe Hoàng Dược Sư đang đi phía sau cất tiếng cười:

– Châu huynh, hoa đẹp chỉ nên ngắm mà không nên bẻ.

Vừa nói vừa dùng tay vỗ nhẹ sau lưng chàng một cái, cánh tay của chàng trong trạng thái tê buốt liền hết ngay. Châu Bá Thông vội quay đầu lại thấy Hoàng Dược Sư tay cầm ống ngọc tiêu miệng nở nụ cười. Nhưng mắt chàng lại tóe ra những tia nhìn lạnh lẽo và sắc bén vô cùng.

Châu Bá Thông hơi biến sắc mặt, chàng hiểu rỏ lúc nãy Hoàng Dược Sư đã chơi một vố trên vai mình, thủ pháp “Thấu Cốt Đả Huyệt” và môn Thấu cốt đả huyệt mà y không thèm dùng ngón tay để điểm huyệt một cách thông thường, mà y lại dùng ngọc tiêu trên tay, để phát ra nội gia khí kình xuyên vào cơ thể của chàng mà phong bế huyệt đạo, thật sự lúc nãy Hoàng Dược Sư đã dùng thanh ngọc tiêu ấn vào Hồn Môn huyệt của Châu Bá Thông mà huyệt ấy chính là tổng hối của các đường huyết mạch trên cánh tay, khiến bàn tay của Châu Bá Thông mất cả sức lực và phải buông xuôi xuống. Sau đấy Hoàng Dược Sư lại vỗ nhẹ vào “Mệnh Môn huyệt” để giải huyệt cho chàng trong thời gian nháy mắt, thủ pháp của Hoàng Dược Sư thật kỳ diệu thần tốc, có thể nói là đã đến thượng đỉnh rồi vậy.

Nếu như lúc bình thường, với tính khí cương ngạnh sẵn có, Châu Bá Thống tất đã trở mặt sanh tiếng cãi cọ rồi, nhưng chàng sực nghĩ lại.

Người họ Hoàng này tà hay chánh, lai lịch như thế nào cũng chưa biết được rành rẽ, hơn nửa nơi đây là địa điểm sào huyệt của y. Nếu nhứt thời động tay động chân thì phần bất lợi vế chàng nhiều hơn, nên Châu Bá Thông cố đè nén bực tức trong lòng quay đầu lại nói:

– Tiểu đệ bất quá thấy hoa lạ sanh thích ý, nếu không được phép bẻ thì thôi vậy.

Hoàng Dược Sư đi trước dẫn lộ đưa Châu Bá Thông vào trong hoa viên, xuyên qua hướng trái, rồi rẽ hướng phải, vòng sang Đông, quẹo bên Tây, Châu Bá Thông đầu óc quay cuồng cảm thấy như chàng đang lạc vào biển xanh cây cối, chàng lại cảm thấy những bụi cỏ, lùm hoa trong hoa viên này, Hoàng Dược Sư cố ý trồng lên không phải chỉ để tô điểm thắng cảnh, hay thưởng ngoạn giải trí như những hoa viên tầm thường khác, mà trái lại những bụi hoa, những lùm cây đều có ý sắp đặt theo kỳ môn trận pháp, nên mỗi nhóm thảo mộc trong vườn đều án theo những vị trí đặc biệt, mới nhìn thì dường như mọc loạn xạ không còn đâu phân biệt lối đi, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy đường lối sắp đặt hết sức khéo léo tinh vi. Nếu không có chủ nhân thân hành dẫn đường thì bất kỳ người nào cũng không thể đi vào được hoặc có thể đi vào thì cũng không còn tìm đâu lối để ra!

Châu Bá Thông thầm kinh hãi trong lòng, rất may là lúc nãy chàng dằn được không cùng Hoàng Dược Sư động thủ, bằng chẳng vậy thì đã nguy to rồi. Đối phương chỉ cần dẫn chàng vào giữa rừng hoa cỏ, quanh qua quẹo lại đôi ba lượt là mình hết mong trở ra mà bị hãm trong trận pháp của hoa viên này, giống như hôm qua đã lạc lối trong Hải Loa trận không khác!

Đi hơn nửa giờ, cây cỏ đã thấy thưa dần rồi trước mặt hiện ra một tòa tịnh xá. Hoàng Dược Sư mời khách bước vào. Châu Bá Thông thầm suy đoán lúc nãy trên thuyền chủ nhân đã trần thiết như thế thì chắc hẳn nơi trú thất của y còn chưng bày bao nhiêu kỳ trân dị bảo quý giá nữa?

Nào ngờ, khi chàng đặt chân vào phòng thì mới hay biết, sự tưởng tượng ban nãy hoàn toàn sai hẳn với sự thật. Trong gian tịnh xá này chỉ là một cái thơ phòng chẳng có gì trần thiết sang trọng cả, bàn ghế vật dụng đều là loại tầm thường, nơi trung đường chỉ treo vỏn vẹn một bức tranh phong cảnh họa theo lối thủy mạc của Ngô Đạo Tử, hai bên treo hai câu đối. Bên tả đề:

“Kỳ La đồi lý mai thần kiếm”

(Trong đồi Kỳ La chôn kiếm thần) Câu đối bên hữu viết:

“Tiên Cổ thanh trung lão Khách Tinh”

(Giữa tiếng trống tiêu có Khách Tinh) Châu Bá Thông lẩm nhẩm đọc xong liền nghĩ thầm:

– Không biết hai câu đối của chủ nhân có ẩn ý gì mà khó hiểu quá.

Hoàng Dược Sư chờ khách an tọa xong liền lên tiếng hỏi:

– Lịnh sư huynh là Trùng Dương chân nhân, võ công cái thế, Hoàng Dược Sư tôi rất khâm phục. Nghe nói Trùng Dương chân nhân thời gian gần đây đến núi Hoa Sơn ở Thiên Tây, lấy được bộ Cửu Âm chân kinh, chuyện này có thật hay không?

Châu Bá Thông thấy đối phương vừa mở miệng đã hỏi ngây đến chuyện ấy, thì giật mình đánh thót.

Chuyện Vương Trùng Dương được Cửu Âm chân kinh trên võ lâm rất ít người biết rõ. Châu Bá Thông cũng có nghe qua Trùng Dương kể lại sự Tây Độc Âu Dương Phong muốn được quyển sách ấy, đã hai lần dùng Xà Trận để mong trừ Trùng Dương nhưng không có kết quả. Còn Hoàng Dược Sư này ở tận hoang đảo giữa Đông Hải, sao cũng biết được chuyện này?

Châu Bá Thông khẽ rún mình lo ngại, vờ ngạc nhiên hỏi:

– Ủa? Tệ sư huynh được Cửu Âm chân kinh sao? Cửu Âm chân kinh là quyển sách gì? Sư huynh của tôi đến Hoa Sơn tìm được chân kinh hồi nào? Chuyện ấy thật tiểu đệ không biết rồi!

Hoàng Dược Sư cười lạnh lùng một tiếng rồi đứng phắt dậy nói:

– Lời nói chẳng thật tình, mời khách ra ngay!

Châu Bá Thông không ngờ chủ nhân tiếp khách không đầy hai câu nói mà đã trở mặt đuổi mình ra khỏi cửa, chàng không dằn được nư giận, phủi tay áo đứng ngay dậy, bước chân ra khỏi cửa đi liền.

Nhưng chàng vừa bước ra cửa, thì Hoàng Dược Sư bỗng gọi giật lại:

– Chậm đã!

Châu Bá Thông quay phắt lại, chưa kịp mở miệng, Hoàng Dược Sư đã lên tiếng trước:

– Mi tưởng như vậy đi ra được ư? Mi có thể dời khỏi Đào Hoa đảo này được sao?

Châu Bá Thông chợt tỉnh ngộ, gian tịnh thất này bốn phía đều là rừng hoa cỏ dại cây cối rậm rạp được bố trí thành hình Kỳ Môn Bát Trận, nếu y không dẫn đường thì chàng khó mà tìm được nẻo ra.

Hoàng Dược Sư vẫn lạnh lùng nói tiếp:

– Bất luận kẻ nào để chân đến Đào Hoa đảo của ta đều phải theo một quy luật nhất định, dù cho kẻ ấy là Hoàng đế hay lão tử tiên ông cũng không thể vượt lệ được!

Châu Bá Thông bực tức hỏi:

– Quy luật là gì, mi nói thử xem?

Lúc ấy Hoàng Dược Sư mang lên một chiếc mặt nạ khác, trên mặt nạ hiện ra nét nghiêm lạnh như băng tương phản với chiết mặt nạ trên Lục Hoành đảo rất nhiều, y cười gằn một tiếng rồi đáp:

– Nếu kẻ nào tới đảo Đào Hoa này, mà ta thấy không xứng đáng cho ta làm bạn, thì ta nhất định bắt kẻ ấy để đây một vật trong cơ thể của họ, giống như những thủy thủ và gia bộc của ta vậy.

Châu Bá Thông sực nhớ lại, lúc chàng thay đổi y phục trên thuyền, chàng có hỏi người gia bộc Hoàng Dược Sư là đại phú gia ở địa phương nào và lai lịch ra sao? Gã gia bộc nọ liền hả họng lắc đầu, cho nên nói chẳng được. Ai ngờ cái lưỡi của y đã bị Hoàng Dược Sư cắt mất!

Hoàng Dược Sư bảo mình bắt chước theo như những gia bộc của y, tức là y gián tiếp muốn cắt chiếc lưỡi của mình. Châu Bá Thông nghe như lửa giận bốc thẳng lên đỉnh đầu, liền mắng to lên:

– Đồ tà ma ngoại đạo! Hừm! Làm gì có cái luật lệ vô lý ấy!

Hoàng Dược Sư cười lên ha hả, nói:

– Ta là tà ma ngoại đạo chăng? Hà hà… Không sai chút nào cả! Biệt danh của ta là Đông Tà, chú họ Châu kia hãy biết thân mà cắt lưỡi để lại làm thuốc, khỏi bận sứt ta ra tay!

Châu Bá Thông giận đến mắt nổ đom đóm, chửi toáng lên:

– Để lại mi cái khỉ khô!

Nói xong vung ra một chưởng theo thế “Thôi Sơn Trấn Hải” (Đẩy núi chận biển) đấm mạnh vào ngực đối phương.

Hoàng Dược Sư chẳng thèm tránh né, dường như xem chưởng vừa rồi của Châu Bá Thông chẳng ra trò gì cả. Châu Bá Thông giật mình thầm nghĩ:

– Chưởng lực của ta cho đến Đông Hải song quái bản lĩnh như thế mà còn chẳng dám chống đỡ, cái gã kỳ khôi này cậy vào đâu mà dám ngang nhiên hứng đòn như vậy? Hừ! Phải rồi, y chẳng dùng công phu mượn sức đánh sức là gì, mình chớ nên mắc mưu của y!

Nghĩ xong bèn chậm hẳn thế chưởng lại, để đề phòng bất trắc. Quả nhiên không ngoài ý liệu, chưởng phong của Châu Bá Thông vừa chạm đến thân hình của Hoàng Dược Sư, chàng liền cảm thấy trên thân thể y dường như thoa lên một lớp dầu chẳng có chút bíu tay, lại còn có một luồng tiềm lực vô hình hít lấy chưởng lực của Châu Bá Thông vào người y.

Châu Bá Thông cả kinh, vội rụt tay quyền trở lại theo thế “Hồi Long Quy Hác” (rồng nội về đầm) trong Thái Ất quyền pháp của Toàn Chân phái.

Quyền ấy sức mạnh trên mấy trăm cân, nhưng đầu quyền của chàng đã bị Hoàng Dược Sư hút cứng rồi. Châu Bá Thông cố vùng vẫy nhưng cũng không thoát khỏi sức hút của đối phương.

Trong lúc hoảng hốt, chàng lập tức dùng ngón tay điểm vào mặt Hoàng Dược Sư theo thế “Ly Long Thái Châu” (rồng Ly chọn ngọc), hai ngón tay như mũi chĩa định đâm hai mắt đối phương.

Hoang Dược Sư vẫn bất động chẳng thèm tránh né, định bụng chờ hai ngón tay của đối phương điểm tới, y vẫn dùng hấp lực của Hỗn Nguyên Cang để hút lấy ngón tay của địch thủ.

Nào ngờ Châu Bá Thông lần này đã có kinh nghiệm và hai ngón tay vừa điểm vừa rồi là thế hư, giữa lúc hai ngón tay vừa sắp điểm tới thì bất thần chàng vung hai chân lên sử dụng Thiền Phong thố pháp nhảy sát đến tấn công đối phương. Hoàng Dược Sư không thể không phân nội lực để chống đỡ, tay tả chộp mạnh trở xuống, nhưng thế cước vừa rồi cũng lại là thế hư, gạt cho đối phương phải bận chống đỡ, lực hấp bị phân tán, và chàng thừa thế thâu quyền trở về, thân hình chàng tựa như mũi tên bay, nhảy vụt ra ngoài.

Hoàng Dược Sư bàn tay vừa chộp vào khoảng không liền hiểu mình đã trúng kế dương Đông kích Tây của Châu Bá Thông. Tay tả không cần thâu về mà đẩy chéo trở lên một luồng chưởng lực vô hình, thế mạnh tợ sóng thần trên mặt biển bay áp tới tấn công kẻ địch.

Châu Bá Thông lúc còn lơ lửng giữa không, hai chân chưa chấm đất, làm sao chống đỡ được? Tức thì nghe “bùng” một tiếng. Châu Bá Thông lãnh trọn ngọn chưởng phong văng thẳng vào vách tường nơi có treo bức họa, bức liễn gì cũng rơi nhầu trên mặt đất cả!

Chưởng lực vừa rồi của Hoàng Dược Sư hùng mạnh vô song, nếu như người khác có lẽ đã bị đụng đến bể đầu nát óc, gân cốt gãy lìa, nhưng Châu Bá Thông từ thuở nhỏ đã rèn luyện nội công, nên căn cơ rắn chắc hơn người, thân hình chàng vừa chạm vào vách tường, chàng liền dùng ngay công phu nội gia “Mềm như bông”, khiến cho thân hình mềm nhũn ra, rồi đáp nhẹ nhàng trên mặt đất. Người chàng vẫn nguyên vẹn không bị một chút xây xát nào. Hoàng Dược Sư thấy thế, khâm phục trong lòng.

Tuy không bị thương nhưng Châu Bá Thông đã hiểu rõ công lực của Hoàng Dược Sư trên hẳn mình một bậc, nếu cùng y giao đấu thêm, chỉ nắm lấy thất bại mà thôi, tốt hơn hết là mau thoát khỏi căn nhà này trước rồi sẽ tính sau!

Nghĩ xong, Châu Bá Thông liền nhún chân định dùng thân pháp Yến Tử Trắc Phi (chim yến vụt bay) để luồn ra khỏi nhà. Nào ngờ, lại có bóng xanh trước mặt, Hoàng Dược Sư đã phi thân trước chàng và nhanh như cắt đóng sầm cánh cửa lại rồi hoa thanh bạch ngọc tiêu tựa như làn bạch quang thế như muốn điểm vào huyệt đạo của chàng. Châu Bá Thông hốt hoảng nhảy lui trở ra phía sau.

Chàng thầm kinh khiếp cho thân pháp quá thần tốc của Hoàng Dược Sư, cất tiếng kêu lên:

– Họ Hoàng kia, ta cùng ngươi từ xưa đến nay vô cừu vô oán, nay ngươi muốn tìm Cửu Âm chân kinh thì hỏi ngay sư huynh ta là Vương Trùng Dương, chứ ta thật vô can!

Hoàng Dược Sư “Hừ” một tiếng trong cổ họng và nói:

– Ồ, võ công của Trùng Dương chân nhân, ta hết sức khâm phục, nhưng vì lúc nãy ngươi đánh ta một chưởng, đá ta hai bước, lẽ đâu ta có thể quên đi mà chẳng báo đáp? Hãy nếm một chưởng trả lễ của ta.

Nói chưa dứt tiếng, Hoàng Dược Sư hai bàn tay chập lại hai cánh tay giao chéo nhau, đấm thẳng vào mặt vị khách quý của mình.

Châu Bá Thông thấy chủ nhân cứ mãi ép bức mình, chàng không thể không ra tay ứng chiến nên vội sử dụng Thái Ất quyền của Toàn Chân phái, một chưởng giơ lên hộ thân, một chưởng đón lấy quyền phong của đối phương vừa áp đến.

Chàng hiểu rõ đối phương có Hỗn Nguyên khí công rất lợi hại, nên chủ ý lấy “thủ” làm “công”, Thái Ất quyền pháp của Toàn Chân phái kỳ diệu tuyệt cùng, pho quyền ấy chính là nguyên thủ của Thái Cực quyền sau này, nên khi đem ra sử dụng, trầm mạnh như núi Ngũ Nhạc, khí thế tựa như công Giang Hà tuôn chảy, kín đáo cẩn mật hơn cả tường đồng vách sắt, quyền phong khi vụt lên, lúc hạ xuống, thế mạnh tưởng chừng như rồng vờn, cọp nhảy.

Quyền pháp của Hoàng Dược Sư lại kỳ dị biến hóa độc đáo khác thường, thân hình quay tròn như chiếc xe gió, bám theo người Châu Bá Thông xoay tít như cái chong chóng. Quyền pháp đến lúc nhanh cực độ, thì trái phải, trên dưới bốn bên tám hướng đâu đâu cũng thấp thoáng bóng xanh của Hoàng Dược Sư cả, song quyền múa tít như hai con thoi, khắp nơi đều lấp loáng bóng quyền của y như hoa đào lớp lớp rơi rụng không ngừng.

Pho quyền pháp ấy chính là tuyệt kỹ Đào Hoa Lạc Anh chưởng pháp của Hoàng Dược Sư.

Châu Bá Thông lần đầu gặp phải lối quyền kỳ ảo như thế, thấy hoa cả mắt, nếu chàng chẳng dùng Thái Ất quyền để lấy “thủ” làm “công” thì đã gánh lấy sự thất bại rồi.

Trong gian tịnh thất nhỏ bé, đôi bên quây quần đấu nhau dữ dội đã hơn trăm hiệp. Châu Bá Thông mấy lần định xông ra khỏi nhà, nhưng rốt cuộc vẫn vô phương thoát khỏi vòng vây quyền ảnh của đối phương!

Tuy “Lạc Anh quyền pháp” của Hoàng Dược Sư kỳ dị biến hóa khôn lường, thế quyền dầy đặc như mưa rơi cũng không thể phá nổi bức tường kiên cố như sắt thép của Thái Ất quyền.

Châu Bá Thông vừa đấu vừa thầm kêu khổ liên miên mà trong bụng Hoàng Dược Sư cũng hết sức nóng nảy, thầm nghĩ danh tiếng của Toàn Chân phái quả danh bất hư truyền, cho đến một tên sư đệ của họ mà đấu cũng chẳng thắng nổi thì còn mong gì áp đảo được Vương Trùng Dương để đoạt lấy Cửu Âm chân kinh.

Đấu hơn trăm hiệp nữa, tổng cộng trước sau trên hai trăm hiệp, đang khi Châu Bá Thông đấu mệt bở hơi tai thì bất thần Hoàng Dược Sư thâu nhanh quyền pháp nhảy ra khỏi vòng chiến và quát lớn:

– Họ Châu kia, Thái Ất quyền của ngươi quả kỳ diệu, ta cho mi nghỉ ngơi một ngày, mốt ta sẽ tái đấu với ngươi. Sớm tối gì ta cũng tìm ra cách phá quyền pháp của ngươi!

Nói xong, không đợi Châu Bá Thông trả lời, hắn tung mình một cái bay vút qua cửa sổ ra bên ngoài và khoảnh khắc sau người y dã biến mất trong những lùm cây cối.

Crypto.com Exchange

< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác


Võ lâm ngũ bá