Chương 053: Ðặng Cửu Công dâng sắc chinh Tây

Chương 053: Ðặng Cửu Công dâng sắc chinh Tây



Chương 053: Ðặng Cửu Công dâng sắc chinh Tây





Tàn quân của Văn Thái Sư chạy về ải Tụy Thủy báo lại với Hàng Vinh:

– Văn Thái Sư tử trận tại Tuyệt Long lãnh rồi.

Hàng Vinh thất kinh, lật đật viết sớ sai người cấp tốc về Triều Ca báo tin.

Vi Tử xem sớ mặt tái ngắt, thở không ra hơi vội chạy đến Lộc đài tìm vua Trụ.

Trụ Vương đang uống rượu nghe hát với Ðắt Kỷ.

Thấy Vi Tử vào, tức giận nói:

– Trẫm không vời sao Vương bá vào đây làm gì?

Vi Tử vâng sớ và tâu:

– Văn Thái Sư tử trận, việc quốc biến đã đến nơi rồi, xin bệ hạ để tâm lo lắng.

Trụ Vương xem sớ thất kinh, nói:

– Hôm trước nằm mộng thấy Thái Sư hiện về báo cho trẫm biết là Thái Sư tử trận nơi núi Tuyệt Long, nhưng trẫm không tin. Nay sự thật quả như vậy, trẫm đau đớn biết chừng nào.

Vi Tử nói:

– Văn Thái Sư là rường cột nhà Thương, nay chết đi thì vận nước sẽ rối rắm. Tây Kỳ thế đang mạnh, khó trừ được.

Trụ vương nói:

– Bây giờ Văn Thái Sư đã từ trần rồi, biết sai ai đi đánh Tử Nha cho lại?

Vi Tử nói:

– Tây Kỳ binh rồng tướng mạnh, rất đổi Văn Thái Sư còn phải bỏ mình, không thể sai một tướng tầm thường cầm binh được.

Vậy phải hạ lệnh cho Ðặng Cửu Công lãnh chức Nguyên Nhung kéo binh ngăn đón Tây Kỳ mới được.

Trụ Vương hỏi:

– Ðặng Cửu Công tài phép thế nào?

Vi Tử nói:

– Ðặng Cửu Công trấn ải Tam Sơn, trước đây đánh đuổi Nam Bá Hầu Ngạc Thuận, như vậy tài trí có thể đương cự Tử Nha được.

Trụ vương y tấu, viết chiếu truyền Vương Trinh ra trấn ải Tam Sơn thế cho Ðặng Cửu Công, để Ðặng Cửu Công lãnh ấn Soái chinh Tây.

Vương Trinh tuân lệnh, lãnh chiếu đến ải Tam Sơn lập tức.

Ðặng Cửu Công tiếp được chiếu, liền lập bàn hương án, mở chiếu ra đọc như vầy:

“Thiên tử vấn tội chư hầu cốt trừ loạn cứu dân. Ðại tướng cầm binh cốt phò vua giúp nước. Ðặng Cửu Công cầm quyền Nguyên soái trấn ải Tam sơn, đuổi họ Ngạc vỡ tan, công lao thứ nhất, bình được phương Nam, công lao rất lớn. Nay tại Tây Kỳ, Cơ Phát tiếm xưng vương hiệu, chứa chấp phản thần, ý muốn nghịch mạng trời dấy động can qua, không kể đạo vua tôi, không kiêng phép nước, trẫm đã mấy lần sai tướng dấy binh vấn tội, nhưng Cơ Phát không lượng sức mình, không ăn năn tội lỗi giết tướng thiên triều, phá binh thiên tử, tội ấy chất bằng non. Nay trẫm bản cho khanh búa Việt, cờ Mao, đai vàng mảo bạc, cầm nước, tế thế an bang. Ðược như vậy thì công của khanh rất lớn, không phụ lòng mong ước của trẫm. Trẫm sẽ chia đất đền ơn. Chẳng quên công khó.”

Ðặng Cửu Công đọc chiếu rồi đồng tạ ơn với các tướng.

Vương Trinh nói:

– Quan tổng binh mới là Khổng Tuyên sẽ ra trấn ải này thế cho ngài, xin ngài hưng binh chinh Tây gấp gấp.

Nói rồi lên ngựa trở về Triều Ca báo tin lại Trụ Vương hay.

Hôm sau, Khổng Tuyên được lệnh vua đến ải Tam Sơn thế cho Ðặng Cửu Công trấn giữ.

Ðặng Cửu Công giao hết các việc rồi điểm tướng tế cờ, định ngày tấn binh.

Bỗng ngoài thành có quân chạy vào báo:

– Có một thằng lùn cao không đầy ba thước mộc, đến trước cửa thành, xin ra mắt lão gia và dâng thơ.

Ðặng Cửu Công lấy làm lạ truyền cho vào và lấy thư xem thử, thì ra người đó là Thổ Hành Tôn được Thân Công Báo viết thư tiến cử.

Ðặng Cửu Công thấy tướng lùn, nghĩ tài năng không bao nhiêu, dùng trong quân ngũ cũng chẳng ích lợi gì, muốn đuổi đi cho khuất mắt, song có thơ Thân Công Báo không lẽ không vị tình, ngồi ngẫm nghĩ một lúc, không biết dùng Thổ Hành Tôn vào việc gì.

Qua một hồi đắn đo, Ðặng Cửu Công nói với Thổ Hành Tôn:

– Ðã có thơ của Thân đạo huynh đến đây ta không dám phụ. Vậy ta cho ngươi làm chức Ngũ quân đốc lương.

Nói rồi phong Thái Loan đi Tiên phuông, Ðặng Tú làm phó tiên phong, Triệu Thăng và Tôn Diệm Hồng làm chức Cứu ứng để phòng trợ chiến, lại cho con gái mình là Ðặng Thiền Ngọc đi theo mình hầu hạ.

Bố trí quân ngũ xong, Ðặng cửu Công kéo quân đi hơn nửa tháng mới tới ải Tây Kỳ, truyền quân đóng trại nơi cửa Ðông.

Bấy giờ uy thế của Tây Kỳ nổi như phao. Từ khi Tử Nha phá được binh Văn Trọng, các chư hầu đều tùng phục, dân chúng đều một lòng một để phò vua.

Ngày kia có quân thám mã về báo:

– Ðặng Cửu Công từ ải Tam Sơn kéo đại binh đến cửa Ðông thành đóng trại.

Tử Nha hỏi các tướng:

– Người ấy bản lãnh thế nào?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Người ấy cũng thuộc vào hàng tướng giỏi của nhà Thương.

Tử Nha cười lớn:

– Tướng giỏi đến đâu cũng không sợ, chỉ sợ bọn bàng môn tả đạo thì khó trừ.

Ðặng Cửu Công sau khi an dinh hạ trại xong, đợi cho đến lúc trời sáng, hỏi các tướng:

– Ai dám cầm binh đánh trận đầu?

Tiên phuông Thái Loan liền xin ra trận, lãnh hai ngàn binh mã đến dưới thành khiêu chiến.

Quân vào báo, Tử Nha hỏi:

– Tướng nào dám xuất trận?

Nam Cung Hoát xin ra binh cự địch.

Tử Nha nhận lời.

Nam Cung Hoát cỡi ngựa kéo binh ra khỏi thành thấy tướng Trụ mặt vàng như nghệ, hình dung hung ác, sức mạnh như thần, liền lướt ngựa đến hỏi:

– Tướng nào dám đến đây chịu chết vậy?

Thái Loan nói:

– Ta là Thái Loan lãnh chức Tiên phong dưới quyền Ðặng Nguyên soái dưng chiếu chỉ chinh Tây. Các ngươi không biết giữ bổn phận tôi thần, sanh lòng phản trắc, nay binh trời đã đến đây vậy phải hàng đầu cho sớm, đừng để quân dân mang khổ.

Nam Cung Hoát nói:

– Rất đỗi như Văn Thái Sư, Ma gia tứ tướng, Trương Quế Phương mà còn bị bỏ thây nơi đất Tây Kỳ nầy thay, huống hồ các ngươi chẳng qua một lũ ruồi nhặng, làm gì nên thân, hãy đi về cho sớm kẻo mất mạng.

Thái Loan nổi giận giục ngựa đến chém liền, Nam Cung Hoát trổ tài siêu đao múa vun vút. Hai tướng đồng sức đánh nhau một hồi hơn ba mươi hiệp, Nam Cung Hoát khinh địch, nhắm Thái Loan sức chẳng hơn mình, nên dễ ngươi, bị Thái Loan chém cho một đao kề tận cổ. Nam Cung Hoát thất kinh né mình sang một bên, tuy không rụng đầu, nhưng lưõi dao cắt sượt một miếng giáp trên vai làm cho Nam Cung Hoát thất kinh quất ngựa bại tẩu.

Thái Loan thừa thắng chém giết binh Châu một hồi rồi thu binh về trại.

Ðặng Cửu Công khen:

– Tuy không chém được Nam Cung Hoát, nhwng cũng làm cho chúng vỡ mật.

Liền ghi công đầu cho Thái Loan.

Còn Nam Cung Hoát thất bại chạy vào thành chịu tội.

– Tôi đánh không lại Thái Loan, thiếu chút nữa bay đầu rồi.

Tử Nha nói:

– Việc binh cơ thắng bại là lẽ thường, song làm tướng ra trận chớ nên khinh địch. Nay đã bại trận đầu cũng nên lấy đó làm gương.

Rạng ngày, Ðặng Cửu Công truyền quân bố trận, bốn bề quân binh chỉnh tề, đến kêu Khương Tử Nha ra nói chuyện.

Khương Tử Nha được tin, liền khiến Tân Giáp dẫn binh ra trước, trong thành nổ lên một tràng pháo hiệu, cờ hồng kéo ra trước, kế đến là cờ xanh, rồi cờ trắng. Mỗi đội đều họp thành hàng ngủ uy nghiêm.

Ðặng Cửu Công xem thấy khen:

– Khương Tử tha đùng binh hay lắm. Nó quả là một tướng tài.

Lại nghe một tiếng pháo thứ tư nổ vang, tức thì một toán quân cờ đen kéo tới. Bốn đạo binh đứng theo bốn phía. Cuối cùng một đạo cờ vàng đi đến, có phướng Bát quái, hai mươi bốn viên chia tướng đều mặt giáp vàng, đội mão vàng phò Tử Nha. Còn Tử Nha cỡi con Tứ Bất Tướng đi giữa.

Ðặng Cửu Công thấy Tử Nha lập trận Ngũ phương rất chỉnh tề khen:

– Thật là danh bất hư truyền như thế thì làm sao Nguyên Soái ta không hao binh tổn tướng.

Khen rồi, Ðặng Cửu Công giục ngựa đến trước mặt Tử Nha xá một cái.

Tử Nha vội đáp lễ.

Ðặng Cửu Công nói:

– Cơ Phát là tôi phản, chống lại triều đình. Còn ngươi là đệ tử thánh tiên sao không biết suy xét? Lại ỷ mạnh uy hiếp thiên tử, cự với thiên binh giết hại lương đống. Ngươi đã phạm luật ắt khó toàn mạng. Vậy nay ta vâng lệnh thiên tử đến đây vấn tội, vậy hãy xuống ngựa mà chịu trói để cứu muôn dân. Bằng không thì thành Tây Kỳ ắt hóa ra tro.

Tử Nha cười ngạo nghễ nói:

– Ðại tướng công nói nghe mơ hồ quá. Nay chư hầu thiên hạ đều đầu Châu. Bởi vậy cho nên đạo binh của Văn Thái Sư không còn một tên lính nào về cả. Tôi thấy tướng quân binh không được hai mươi vạn, tướng không được mươi người, khác nào trứng đem chỏi với đá vậy. Tôi khuyên Tướng quân hãy thâu binh về thưa lại với Thiên tử: Nước Tây châu không làm phản, vì ai giữ nước ấy. Ðược như vậy thì tốt lắm, còn nếu không biết suy xét, tôi tính chắc thế nào cũng ôm hận như Thái Sư.

Ðặng Cửu Công tức giận quay qua nói với các tướng:

– Lão bán bột, đan gàu dám xúc phạm đến ta. Ta thề quyết không đội trời chung với nó.

Nói rồi giục ngựa đến múa siêu đao đâm liền.

Hoàng Phi Hổ giục thần ngưu ra trước cản lại nói:

– Ðặng Cửu Công! Chớ vô lễ mà bỏ mạng.

Xem thấy Hoàng Phi Hổ.

Ðặng Cửu Công lớn tiếng mắng.

– Phản tặc! Mi dám ra cự với ta sao?

Dứt lời xông vào đánh nhầu. Thế là hai người hổn chiến với nhau kịch liệt. Cây siêu đao trên tay của Ðặng Cửu Công và cây giáo của Hoàng Phi Hổ đua nhau chiếu hào quang chẳng khác rồng bay phượng múa.

Hai người đánh đến bốn mười hiệp vẫn bất phân thẳng bại, Na Tra đứng ngoài thấy Hoàng Phi Hổ không thể nào thắng nổi Ðặng Cửu Công nên xông vào trợ chiến. Ðặng Tú phi ngựa ra đón bị Hoàng Thiên Hóa đón đánh. Thái Loan múa đao xông vào bị Võ Kiết đón lại. Triệu Thanh cầm kích đến tiếp, Thái Ðiền cản lại giao công. Tôn Diệm Hồng lướt qua. Hoàng Thiên Trường đón lại, thế là hai bên hổn chiến, tiếng trống vang trời, cát bay mít mù tối tăm.

Na Tra và Hoàng Phi Hổ đánh với Ðặng Cửu công.

Ðặng Cửu Công thật là một trang nhiễu dõng, một mình cự với hai tướng, sức vẫn cầm đồng.

Na Tra quăng Càn Khôn Quyện lên, đánh nhằm cánh tay tả của Ðặng Cửu Công, Ðặng Cửu Công gãy xương, gần sa xuống đất.

Binh châu thấy Na Tra thắng trận, áp tới đánh.

Còn Thái Ðiền ơ hờ bị Triệu Thăng phun lửa nhằm, cháy đầu phỏng trán, râu tóc không còn một sợi, thất kinh cũng phải thâu binh.

Trận chiến đã tan, Ðặng Cửu Công về dinh cánh tay đau nhức ngồi đứng không yên, ăn ngủ không được, lòng lo lắng không cùng.

Bên kia Tử Nha thấy Thái Ðiền mặt mày cháy nám, cũng buồn bã truyền Thái Ðiền ra sau dinh dưỡng bệnh.

Cho đến mấy ngày sau, bệnh tình của Ðặng Cửu Công vẫn chưa giảm, Ðặng Thiền Ngọc thấy cha mình bị thương như vậy oán hận Na Tra lắm liền vào thưa với Ðặng Cửu Công xin ra trận báo thù.

Ðặng Cửu Công dặn:

– Na Tra là một dũng tướng, phép thuật lại cao cường, con phải cẩn thận mới được.

Ðặng Thiền Ngọc tuân lệnh cầm kiếm lên ngựa, dẫn quân ra khỏi thành, kêu Na Tra ra đối địch.

Tử Nha hay tin ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu chưa nói lời nào.

Hoàng Phi Hổ thấy thế hỏi:

– Thừa Tướng gặp nhiều trận lớn chẳng hề biết sợ, nó chỉ có một nữ tướng tầm thường sao Thừa Tướng phải suy nghĩ như vậy

Tử Nha nói:

– Phép dùng binh có ba điều kỵ là: đạo sĩ, thầy chùa và con gái. Ba kẻ ấy không dùng sức mạnh chiến thắng mà dùng tà thuật hại người ta e các tướng không đề phòng bị hại.

Na Tra nghe nói làm thinh không hỏi, liền bước ra thưa:

– Xin Thừa tướng an lòng. Tiểu tướng nguyện ra binh bắt nữ tặc cho.

Tử Nha nói:

– Ngươi có ra trận phải coi chừng mới được, đừng nóng nảy khinh địch mà bỏ mình đấy.

Na Tra ra trận thấy một nàng nhan sắc tuyệt trần, mắt xanh như nhung, môi thắm tợ son, tuổi chừng mười sáu.

Có bài thơ rằng:

Má phấn môi son đẹp tợ tiên

Giáp vàng mặc ngọc dáng thuyền quyên

Tiên Nga bị đọa nơi trần tục

Cùng với tiên lùn bị ép duyên.

Na Tra gọi lớn nói:

– Nữ tướng! Ta quyết ra đây tranh thắng phụ.

Ðặng Thiền Ngọc hỏi:

– Người tên họ là gì, dám ra đây chịu chết?

Na Tra nói:

– Ta là Na Tra, tướng tiên phong của Khương Nguyên soái. Còn nàng là phận đàn bà sao không ở trong phòng khuê lại cầm gươm trận, sức mấy mà dám đương đầu với hùng anh? Dầu nàng có tài cán bao nhiêu cũng không sánh nổi, mau về kêu tướng giỏi ra đây đánh với ta.

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Ngươi là kẻ thù của ta. Ngươi đánh cha ta bị thương, nay ta ra đây chém ngươi một đao cho hả giận.

Dứt lời mặt ngọc đỏ phừng, cầm kiếm xốc tới chém Na Tra mấy nhát.

Na Tra vội đưa giáo dài ra đỡ. Hai bên giao đấu được mười hiệp.

Ðặng Thiền Ngọc tính bề không cự lại, thầm nghĩ:

– Dùng sức chiến thắng một võ tướng là chuyện khó, chi bằng dùng phép thuật hại nó thì mau hơn.

Nghĩ rồi giả cách trá bại, giục ngựa chạy dài.

Na Tra cười lớn, vừa giục xe đuổi theo vừa nói:

– Sức con gái là bao nhiêu mà dám đương đầu với hổ tướng. Ta bắt sống nàng đem về dinh cho biết.

Ðặng Thiền Ngọc thấy Na Tra đuổi theo gần kịp liền dùng đá Ngũ Quang ném trái lại một viên, trúng nhằm sống mũi của Na Tra muốn xẹp.

Na Tra đau quá, nước mắt chảy ròng ròng, tâm thần hoảng hốt không dám đuổi theo nữa, vội thu binh về thành ra mắt Tử Nha thưa:

– Tôi bị nữ tướng ném vật gì nặng quá, xẹp sống mũi.

Tử Nha nói:

– Ta ở trên thành xem thấy vật đó là đá Ngũ Quang, chiếu ánh sáng năm sắc. Cũng may là ngươi kịp thu binh về nếu không đã mất mạng.

Hoàng Thiên Hóa nói nhỏ với Na Tra:

– Hễ làm tướng ra trận thì tai nghe tứ hướng, mà đỗi b6zl phương, có gì một cục đá ném tới như vậy mà tránh không khỏi để đến nổi xẹp sống mũi?

Na Tra nghe nói xấu hổ vô cùng, đã bị thương còn bị bạn bè châm biếm nữa.

Bấy giờ Ðặng Thiền Ngọc thắng trận thu binh về dinh thuật lại mọi việc cho Ðặng Cửu Công hay và nói:

– Hôm qua Na Tra đánh cha bị thương ở tay, nay con ném đá làm nó xẹp mũi, thù ấy đã trả được.

Ðặng Cửu Công tuy khen con, song trong lòng không yên, vì vết thương vẫn còn đau nhức.

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Nếu cha chưa hài lòng, thì ngày mai con xin ra trận bắt Na Tra đem về đây cho cha trị tội.

Ðặng Cửu Công nói:

– Tướng Châu nhiều người vũ dõng, tài phép nhiệm mầu, con có ra binh phải cẩn thận kẻo lầm mưu địch.

Ðặng Thiền Ngọc tuân lệnh, ngày hôm sau dẫn binh ra thành khiêu chiến.

Quân vào báo.

Tử Nha hỏi:

– Tướng nào dám ra trận

Hoàng Thiên Hóa lãnh mạng, Tư Nha căn dặn phải để phòng.

Ðặng Thiền Ngọc thấy một tướng cởi ngựa ra thành liền lướt tới hỏi:

– Tiểu tướng tên gì đó?

Hoàng Thiên Hóa đáp:

– Ta là Hoàng Thiên Hóa, con trai của Võ Thành Vương. Nàng có phải Ðặng Thiền Ngọc, hôm qua đã ném đá làm cho đạo huynh ta bị thương chăng?

Ðặng Thiền Ngọc nói:

– Hôm nay ta quyết ra bắt hết các ngươi đem về dinh trị tội. Hãy xuống ngựa đầu hàng, khỏi mất công ta đánh đập.

Hoàng Thiên Hóa cười lớn:

– Nàng sức mấy mà phách lối như vậy?

Nói rồi đập xuống một chùy.

Ðặng Thiền Ngọc đưa bửu kiếm ra đỡ. Ðánh được ít hiệp Ðặng Thiền Ngọc quày ngựa bỏ chạy, Hoàng Thiên Hóa biết ý nên không chịu đuổi theo, chỉ đứng một chỗ cười ngất.

Ðặng Thiền Ngọc hổ ngươi, mặt ngọc đỏ bừng quay lại nói với Hoàng Thiên Hóa:

– Thằng nhỏ nhát như thỏ! Ngươi không dám đuổi theo ta sao?

Hoàng Thiên Hóa bị mỹ nhân khích lệ, không giữ được bình tĩnh, liền vỗ Kỳ lân đuổi đến.

Ðặng Thiền Ngọc thấy Hoàng Thiên Hóa đuổi theo gần kịp liền ném trả lại một cục đá.

Tuy Hoàng Thiên Hóa đã biết trước, nhưng cục đá ấy hào quang chiếu sáng, làm cho đôi mắt Hoàng Thiên Hóa chói lòa, không thấy đường tránh, nên bị trúng vào sống mũi còn nặng hơn Na Tra hôm trước.

Hoàng Thiên Hóa thất kinh ôm đầu chạy về trướng phủ.

Tử Nha thấy Hoàng Thiên Hóa bị thương, liền hỏi:

– Sao ngươi không đề phòng?

Hoàng Thiên Hóa thưa:

– Bàn tay của nữ tướng thuật dịu dàng, ném đá lẹ như gió, tôi không đủ tài để tránh.

Tử Nha nói:

– Thôi hãy vào trong dinh mà dưỡng bịnh.

Na Tra hay tin Hoàng Thiên Hóa bị thương, liền chạy ta khiều vai nói nhỏ:

– Hễ làm tướng ra trận thì mắt xem tứ hướng, tai dõi bốn phương sao lại để một đứa con gái quăng đá cho xẹp mũi.

Hoàng Thiên Hóa nổi giận cải:

– Ta nói chơi với ngươi, sao ngươi lại lấy lời ấy châm biếm ta?

Na Tra nói:

– Bởi hôm qua ngươi dạy ta bài học, nên ta phải nhắc lại cho ngươi nhớ.

Hai người to tiếng cải nhau.

Tử Nha bước ra hét lớn:

– Hai ngươi nên lấy việc quốc gia làm trọng, lẽ nào vì một lời nói chơi mà để xích mích tình anh em.

Hai tướng biết lỗi mình lui vào hậu dinh.

Còn Ðặng Thiền Ngọc thắng thêm một trận nữa, thâu quân về thưa lại với Ðặng Cửu Công.

– Hôm nay Hoàng Thiên Hóa cũng bị con ném đá sưng mũi như Na Tra.

Ðặng Cửu Công mừng thầm, song vết thương nơi cánh tay chưa lành không tìm được kế gì để mưu đồ việc lớn.

Hôm sau Ðặng Thiền Ngọc lại xin phép cha dẫn quân đến dưới thành khiêu chiến.

Quân vào báo, Tử Nha hỏi:

– Hôm nay ai dám ra trận chăng?

Dương Tiển nói nhỏ với Long Tu Hồ:

– Nàng ấy chỉ có tài quăng đá mà thôi, nếu anh chịu trổ tài thì tôi sẽ theo anh giúp sức.

Long Tu Hồ nghe Dương Tiển nói khích mình, liền phụng mạng ra đi, và xin cho Dương Tiển theo sau lược trận.

Ðặng Thiền Ngọc thấy trong thành một quái vật xông ra, hình dung kỳ dị, thất kinh hỏi lớn:

– Ngươi là giống gì đó vậy?

Long Tu Hồ nói:

– Ta là Long Tu Hồ, đệ tử của Khương Thừa Tướng.

Ðặng Thiền Ngọc hỏi:

– Ngươi đi đâu đó?

Long Tu Hồ nói:

– Ta vâng lệnh Thừa Tướng ra bắt ngươi đem nạp.

Nói rồi vung hai tay liệng đá ầm ầm.

Ðặng Thiền Ngọc thấy Long Tu Hồ hai tay không mà quăng ra từng viên đá to bằng cái chậu, cái thau, song quăng chẳng được xa. Tuy vậy, Ðặng Thiền Ngọc sợ trúng nhằm đầu ngựa, nên phải lùi trở lại.

Long Tu Hồ rượt theo liệng mãi.

Ðặng Thiền Ngọc nổi giận thò vào túi lấy viên đá Ngủ Quang của mình ném trả.

Long Tu Hồ né tránh không kịp, trúng nhằm cần cổ ngoẹo cổ, thất kinh chạy về.

Ðặng Thiền Ngọc ném luôn một cục nữa, Long Tu Hồ té nhào.

Ðặng Thiền Ngọc giục ngựa tới, vung gươm lấy thủ cấp.

Crypto.com Exchange



Phong thần diễn nghĩa