Chương 034: Võ Thành Vương ra mắt Tử Nha

Chương 034: Võ Thành Vương ra mắt Tử Nha



Chương 034: Võ Thành Vương ra mắt Tử Nha





Hoàng Cổn dẫn hai đứa cháu đến trước ải quì lạy, nói với Hàng Vinh:

– Hoàng Cổn cúi ra mắt quan Tổng binh mà chịu tội.

Hàng Vinh đáp lễ rồi nói:

– Lão tướng quân! Việc này là việc triều đình, rất trọng tôi chẳng dám tự chuyên. Lão tướng có điều gì muốn nói, xin trình bày thử.

Hoàng Cổn nói:

– Họ Hoàng tôi phạm tội chết đã đành, không thể dung được. Nhưng có việc này quan Tổng binh có thể châm chế được. Nếu quan Tổng binh mở lòng nhân đức thì cha con tôi dầu chết cũng mang ơn.

Hàng Vinh nói:

– Lão tướng muốn xin gì cứ tỏ bày nghe thử.

Hoàng Cổn nói:

– Con tôi gây nên tội, tôi làm cha có chết cũng đành lòng. Song nghĩ họ Hoàng mấy đời trung nghĩa, có công lao với nước nhà, nay chẳng may mắc nạn, nếu để chết tuyệt tộc cũng thảm thương. Bởi vậy tôi đến mong nhờ Tướng quân xin thương trẻ thơ ngây vô tội rộng dung cho đứa cháu bảy tuổi của tôi qua khỏi ải để sau nầy hương lửa cho họ Hoàng.

Hàng Vinh đáp:

– Lão tướng quân nói lầm rồi, vả tôi cầm quyền quan ải, trấn thủ địa đầu, lẽ nào đi vị tình riêng mà quên phép chánh? Nếu tôi muốn được lòng lão tướng thì phạm luật triều đình. Hễ thương người thì hại mình, thà chịu mất lòng lão tướng để khỏi tội sau nầy.

Hoàng Cha nói:

– Xin Tổng binh xét lại, cứ nạp bốn cha con tôi và thằng cháu lớn về Triều Ca cũng đũ rồi, còn thằng Thiên Tường là đứa con nít mới lên bảy tuổi, tha nó cũng chẳng can chi.

Hàng Vinh nói:

– Tôi chỉ có quyền bắt mà không có quyền tha. Lão tướng muốn gì thì cứ đợi về Triều Ca trước mặt vua mà xin.

Hoàng Cổn thở dài nói:

– Tổng binh nở nào hẹp lượng như vậy. Lời xưa có nói: Kẻ có quyền cao mà hẹp lượng ví như vào núi báu mà lại về không. Người đời mấy ai được vô sự trăm năm. Vả chăng họ Hoàng tôi không phải khi không mà tạo phản. Tôi e chẳng bao lâu tai nạn sẽ đến bất cứ một kẻ nào hiện là trung liệt, thờ vua.

Hàng Vinh nói:

– Lão tướng không cần phải chỉ dạy tôi nhiều. Chừng nào tôi làm phản qua đất Tây Kỳ sẽ thả Hoàng Thiên Tường ra.

Hoàng Cổn năn nỉ hết sức, Hàng Ving cũng nhất định không nghe.

Hoàng Cổn nổi giận nói với hai cháu:

– Vì thương hai cháu, ông đã hạ mình năn nỉ hết lời, nhưng Hàng Vinh là đứa mặt người dạ thú. Thôi ba ông cháu chúng ta cứ vào ngục, để nó giải về triều, dù chết cũng thơm danh hơn là xin xỏ quân thất phu vô đạo.

Hoàng Phi Hổ thấy cha mình dắt hai đứa cháu vào ngục vùng khóc lớn lên:

– Không dè hôm nay lại đúng như lời cha nói hôm trước. Thật tội con đáng chết làm hư tiếng trọn mấy mươi năm.

Hoàng Cổn nói:

– Ngươi đã làm lỡ việc, còn ăn năn làm gì nữa. Thân làm một vị vương ở tại triều, cầm đầu các tướng lảnh trong nước, dù muốn phản Trụ đầu Châu ít ra cũng phải sắp đặt trong ngoài cho gọn, đưa những tướng tâm phúc của mình ra trấn ải ngoài để lúc ra đi khỏi bị ai ngăn trở. Ðàng này ngươi chỉ biết tức tối hôn quân giết vợ mình vụt ra đi, không nghĩ gì nguy hiểm như thế còn gì bất trí hơn.

Hoàng Phi Hổ nghe cha mắng, biết lỗi làm thinh, lòng thầm trách các gia tướng:

– Cũng tại bọn này đốc thúc, trong lúc bối rối ta đã quên tất cả. Ðến nay mới rõ lời cha ta là đúng.

Còn Hàng Vinh sau khi bắt trọn gia đình Hoàng Phi Hổ liền cướp hết báu vật, đoạt hết quân lương, làm mấy chiếc tù xa sắp đặt giải về Triều Ca lãnh thưởng. Quan quân dọn tiệc ăn mừng, suốt ngày đêm vui cười không dút.

Hôm sau, Hàng Vinh chọn tướng giải tù xa.

Dư Hóa nói:

– Từ đây đến Triều Ca đường sá xa xôi tôi phải ra tay giải tù mời chắc chắn.

Hàng Vinh nói:

– Nếu tướng quân chịu khó với ta phen này thì ta yên lắm không còn lo lắng gì nữa.

Nói rồi vào trướng nghỉ ngơi.

Rạng ngày, Hàng Vinh cấp ba ngàn nhân mã theo Dư Hóa, giải mười một phạm nhân. Các tướng canh dọn tiệc tiễn hành đồng theo đưa Dư Hóa hai dặm đường.

Dư Hóa kéo quân ra đi giữa bầu không khí tưng bừng náo nhiệt.

Ði khỏi tám mươi dặm thì đến ải Giới Bài. Hoàng Cổn ngồi trong tù xa thấy quan ải của mình thì ngậm ngùi rơi lụy. Dân chúng trong thành đều kéo nhau ra xem, ai nấy thương tình che mắt khóc.

Dư Hóa truyền tấn binh, thẳng đến ải Xuyên Vân.

Nói về núi Càng Nguyên, động Kim Quang, ông Thái Ất đang ngồi trên giường Bích du, cảm thầy trong lòng hồi hộp, liền đánh tay xem thử việc gì, thấy gia quyến họ Hoàng mắc nạn, thì nghĩ:

– Họ Hoàng phản Trụ đầu Châu là thuận theo lẽ trời, nay rủi mắc nạn, lẽ nào ta biết mà làm ngơ không cứu.

Liền gọi Kim Hà đồng tử truyền rằng:

– Hãy mời sư huynh ngươi ra đây cho ta dạy việc.

Kim Hà đồng tử tuân lệnh, thẳng đến vườn đào, thấy Na Tra đang tập võ liền gọi lớn:

– Thầy cho mời sư huynh đến lập tức.

Na Tra vội vào lạy trước giường, thưa:

– Chẳng hay thầy dời đệ tử đến dạy việc chi?

Thái Ất nói:

– Cha con Hoàng Phi Hổ đều mắc nạn tại ải Xuyên Vân, ngươi mau xuống đó cứu người đưa qua ải Tụy thủy rồi trở về đây.

Na Tra tánh ưa chinh chiến, nghe thầy sai đi đánh người thì mừng lắm, liền cầm giáo lên xe Phong Hỏa, thẳng xuống ải Xuyên Vân.

Người sau có bài thơ nói việc Na Tra xuống Xuyên Vân ải như sau:

Chân đạp xe linh thấu chín trùng

Càng nguyên phép báu tặng anh hùng

Ào ào gió lửa bay như chớp

Thẳng đến Xuyên Vân lẹ chẳng cùng.

Chẳng mấy chốc Na Tra đã đáp xuống trước ải Xuyên Vân, đứng trên một gò ruộng, nhìn quanh bốn phía, thấy một đạo quân cờ xí rộn ràng, gươm giáo lởm chởm.

Na Tra nghĩ thầm:

– Mình là kẻ vô can, đón đánh chúng mà không có duyên cớ thì lạt lẽo lắm. Vậy phải kiếm chuyện gây rắc rối cho chúng nổi xung rồi mới đánh thì thú vị hơn.

Nghĩ rồi đạp xe ra đón giữa đường, hát nghêu ngạo:

Sống lâu như núi mấy muôn đời

Chỉ sợ thầy ta chẳng sợ trời

Hôm trước lão quân đi lỡ bước

Cục vàng mãi lộ tặng cầm hơi.

Na Tra đón đường ca hát, quân sĩ không đi được trở lại báo với Dư Hóa:

– Có một tướng đứng trên xe đón đường, chúng tôi không qua được.

Dư Hóa truyền lệnh đồn binh giục thú chạy đến xem.

Na Tra liền hỏi:

– Tướng nào đến làm gì vậy?

Dư Hóa nói:

– Sao ngươi chặn đường không cho quân ta đi?

Na Tra nói:

– Ta chiếm cứ đất nầy đã lâu, bất luận vua quan hay dân sự ai đi qua cũng phải nạp tiền mãi lộ. Nếu ngươi muốn cho đoàn quân đi qua đây thì cứ đếm đầu người mà tính tiền.

Dư Hóa cười ngất nói:

– Ta là quan Tiên phuông, họ Dư tên Hóa, là bộ hạ của Hàng Vinh làm chức Tổng binh tại ải Tụy thủy. Nay ta vâng lệnh giải mấy tên phản tặc họ Hoàng về Triều ngươi tài cán chi mà dám đón đường chận ngõ. Mau tránh ra kẻo mất mạng.

Na Tra nói:

– Ôi chà, ta tưởng ngươi kéo quân đi đánh giặc, chớ ngươi là quan giải tội nhân thế nào cũng ăn nhiều của hối lộ, vậy thì cứ tính đầu người trả gấp hai tiền mãi lộ ta mới chịu.

Dư Hóa nổi giận hét lớn:

– Súc sanh, ta hơi đâu mà nghe ngươi nói xàm.

Nói rồi đâm Na Tra một kích. Na Tra cầm giáo gạt ngang, đánh được ít hiệp. Na Tra sức mạnh như thần, Dư Hóa thất kinh không dám chống cự, quay thú chạy dài.

Na Tra hét lên:

– Ngươi trốn đàng nào cho khỏi?

Vừa nói vừa đạp xe đuổi theo. Dư Hóa mừng thầm lấy Lục Hồng Phang quăng lên, quyết bắt Na Tra, chẳng ngờ Na Tra đưa tay túm lấy cây phướng phép giắt vào lưng gọn trơn.

Dư Hóa mặt biến sắc, Na Tra kêu lớn:

– Dư Hóa, ngươi còn phép chi nữa không?

Dư Hóa mất phép, túng thế phải quay lại đánh liều.

Na Tra nghĩ thầm:

– Thầy ta dặn xuống đây cứu họ Hoàng, nếu ham giao đấu để chúng giết mất cả gia quyến họ Hoàng thì nguy.

Nghĩ rồi lấy Kim Chuyên quăng lên.

Dư Hóa thấy hào quang chói sáng thất kinh chưa biết tránh né ra sao thì đã bị Kim Chuyên đánh vào mặt, phun máu, ôm lưng thú chạy dài.

Na Tra không đuổi theo, quay xe lại đánh đuổi đoàn quân giải tù xa chạy tán loạn.

Na Tra thấy mấy người ngồi trong tù xa, tóc bay phất phới, lệ nhỏ dầm dề, liền gọi lớn:

– Ai là Hoàng tướng quân?

Hoàng Phi Hổ hỏi lại:

– Ân nhân là ai vậy?

Na Tra nói:

– Tôi là học trò của ông Thái Ất ở núi Càng Nguyên, động Kim Quang. Thầy tôi biết các ông mắc nạn, nên sai tôi xuống giải cứu.

Hoàng Phi Hổ mừng rỡ tạ ơn.

Na Tra lấy Kim Chuyên đập bể tù xa, cứu các nạn nhơn ra khỏi. Ai nấy đều tạ ơn.

Na Tra nói:

– Các ông thủng thỉnh mà đi. Tôi sẽ theo đưa các ông qua khỏi ải Tụy thủy.

Các tướng nói:

– Ơn tướng quân giải cứu, chúng tôi chẳng bao giờ dám quên.

Na Tra nói:

– Chúng ta ngày nay chưa quen biết. Nhưng sau nay còn nhiều gặp gỡ.

Mừng được thoát nạn, các tướng đều hăm hở cầm thương lên ngựa trở lại ải Tụy Thủy.

Bấy giờ Dư Hóa bị Na Tra đánh một Kim Chuyên, hộc máu chạy trở về ải Tụy Thủy. Nhờ con thú chạy mau nên đến nơi chẳng mấy chốc.

Hàng Vinh đang ngồi uống ruợu trong dinh, bàn chuyện họ Hoàng với chúng tướng, xảy nghe báo Dư Hóa trở lại thì kinh hải nghĩ thầm:

– Dư Hóa mới đi sao lại trở về, chắc có việc gì biến loạn.

Liền đòi Dư Hóa vào dinh hỏi:

– Sao Tướng quân trở lại? Ta xem hình như Tướng quân bị thương.

Dư Hóa quì thưa:

– Chúng tôi giải phạm nhân gần đến ải Xuyên Vân, xảy gặp một người đứng trên hai bánh xe. Người ấy không xưng họ tên, chỉ ca lảm nhảm trong miệng và đón đầu binh đòi tiền mãi lộ. Tôi tức giận giao đấu với người ấy mấy hiệp, chẳng ngờ người ấy sức mạnh phi thường, tôi đánh không lại, phải dùng Lục Hồng Phang ra bắt. Nhưng người ấy có tài thâu mất phép báu của tôi. Tôi trở lại đánh nữa bị gã liệng phép mầu đánh tôi gần bể mặt, nhờ con thú của tôi chạy nhanh tôi mới về được đến đây, chớ nếu là ngựa thường thì bỏ mạng rồi.

Hàng Vinh hỏi:

– Còn cha con Hoàng Phi Hổ thì thế nào?

Dư Hóa thưa:

– Thân tôi chạy thoát chết, không hiểu thế nào nữa.

Hàng Vinh giậm chân than:

– Công lao chúng ta rất nhiều nhưng lại không cầm được phản thần. Nếu Thiên tử hay được việc này thì tội chúng ta chẳng nhỏ.

Các tướng đồng thưa:

– Chúng tôi nhắm sức Hoàng Phi Hổ không thể qua khỏi ải, cũng không dám trở lại Triều Ca. Xin Tổng binh cho lệnh thủ thành, kẻo quân gian thừa cơ đoạt ải.

Các tướng đang bàn tính, bỗng có quân vào báo:

– Ngoài thành có một tướng cỡi xe, cầm giáo, gọi Dư tướng quân ra đấu chiến.

Dư Hóa nói:

– Ấy là người đã đánh tôi chạy đó.

Hàng Vinh nổi giận truyền quân đồng kéo ra thành, bổn thân cầm gươm đi trước.

Na Tra xem thấy Hàng Vinh đội mão vàng, cỡi ngựa kim, cầm thương sắt, mặc áo đỏ, nịt đai ngọc, liền giục lẹ đến.

Hàng Vinh hỏi:

– Ngươi là người nào mà dám đến cửa ải?

Na Tra nói:

– Ta là Na Tra, học trò của ông Thái Ất, vâng lệnh thày xuống cứu họ Hoàng. Vì ta chưa đánh chết Dư Hóa nên phải đến đây.

Hàng Vinh nói:

– Ngươi cả gan dám cướp tù xa, còn dám đến đây sanh sự?

Na Tra nói:

– Nhà Thương đã hết số, chúa Tây Kỳ sắp ra đời. Dòng họ Hoàng phản Trụ đầu Châu là hợp với khí số trời đất, sao ngươi dám bắt.

Hàng Vinh nổi giận lướt ngựa tới đánh liền. Cờ phất trống rung tướng vây, binh ó, làm rộn cả chiến trận.

Na Tra thương pháp thần, múa giáo vù vù không hề nao núng.

Hàng Vinh đang đánh với Na Tra, xảy thấy anh em Hoàng Phi Hổ xốc tới quyết bắt cho được Hàng Vinh để rửa hận.

Dư Hóa gượng gạo đưa binh ra cự.

Na Tra thấy Hoàng Phi Hổ theo tới liền quăng cục Kim Chuyên lên, đánh trúng vào kính hộ tâm của Hàng Vinh bể nát.

Hàng Vinh kinh hãi chạy dài.

Dư Hóa hét lớn:

– Na Tra chớ hiếp chủ ta.

Nói rồi xông vào hổn chiến.

Na Tra quăng Càn Khôn Quyện lên, đập Dư Hóa gãy tay, lòi xương cánh. Dư Hóa gần sa xuống đất, liền giục thú tìm đàng chạy trốn.

Na Tra lấy ải Tụy Thủy, còn Hoàng Phi Hổ và các tướng rượt quân chạy như ong.

Vào ải rồi, anh em Hoàng Phi Hổ kiểm điểm quân lương, thâu lại những báu vật và lương thảo mà mình đã bị mất, tuyển lại ba ngàn binh đã theo mình từ ải Giới Bài, cùng nhau đề huề lên đường sang Tây Kỳ.

Na Tra đưa tới núi Kim Kê thì từ giã.

Hoàng Phi Hổ và các tướng đồng nói:

– Chúng tôi nhờ ơn Công tử giải nạn, nếu sau này gặp nhau, nguyện kết cỏ ngậm vành.

Na Tra nói:

– Các tướng nay về đầu Châu, ngày sau chúng ta còn gặp gỡ. Tôi cũng sẽ xuống Tây Kỳ phò Châu chúa, khi ấy sẽ xum vầy.

Các tướng từ biệt. Na Tra đạp xe Phong Hỏa trở về núi Càng Nguyên.

Hoàng Phi Hổ dẫn ba ngàn gia binh, gia tướng cũ, bảo hộ cha già con trẻ hiệp đoàn trải qua non nước xa xôi.

Có bài thơ người sau như vầy:

Ðã qua năm ải chẳng lo chi

Lặn suối trèo non có ngại gì?

Từ ấy Tử Nha binh đã động

Ðể xem các nẻo phạt Tây Kỳ.

Ðoàn người của Hoàng Phi Hổ đi khỏi núi Thú Dương, qua núi Ðào Hoa, núi Yên Sơn, rồi đến núi Tây Kỳ. Từ đó đến Tây Kỳ còn chỉ có bảy mươi dặm.

Hoàng Phi Hổ truyền đóng trại lại nghỉ ngơi và thưa với cha:

– Con xin vào Tây Kỳ trước yết kiến Tử Nha xem sự việc thế nào. Nếu Võ Vương dùng chúng ta thì con trở lại dẫn binh tướng vào thành, còn không cha con mình sẽ tính phương khác.

Hoàng Cổn nói:

– Con tính như vậy phải lắm.

Hoàng Phi Hổ mặc đồ trắng, lên yên thẳng đến Tây Kỳ, dọc đường ngắm phong cảnh tốt tươi nhân dân thuần hậu, già trẻ kính vì, phong tục thanh cao.

Hoàng Phi Hổ nhủ thầm:

– Nhiều người khen đất Tây Kỳ có Thánh nhân, thật quả không sai. Ấy là đất Thuấn trời Nghiêu.

Hoàng Phi Hổ vào thành, hỏi thăm dinh Khương Thừa Tướng.

Quân trong thành trông thấy liền dẫn Hoàng Phi Hổ đến nơi.

Hoàng Phi Hổ nói với những tên quân gác cổng:

– Các ngươi vào bẩm giùm với Thừa Tướng có Hoàng Phi Hổ từ Triều Ca đến đây xin ra mắt.

Nói rồi đưa một lá đơn đệ nạp. Quân hầu vào báo.

Tử Nha xem rồi, nghĩ thầm:

– Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ có việc gì đến đây ra mắt?

Liền sửa soạn áo mão chỉnh tề ra đón vào.

Hoàng Phi Hổ trông thấy Tử Nha liền làm lễ ra mắt, Tử Nha đáp lễ và nói:

– Ðại vương đến phủ tôi trễ tiếp nghinh, xin rộng lòng miễn chấp.

Hoàng Phi Hổ nói:

– Tôi là người mắc nạn, nay bỏ Thương về Châu khác nào chim đã mất rừng, xin đỗ nhờ một nhánh, như Thừa Tướng chẳng bỏ, tôi nguyện cảm đức vô cùng.

Tử Nha mời ngồi.

Hoàng Phi Hổ nói:

– Tôi là kẻ mạt tướng của nhà Thương ruồng bỏ, dám đâu sánh vai cùng Thừa Tướng.

Tử Nha nói:

– Tôi tuy nay làm Thừa Tướng nhưng trước kia là người dưới tay của Ðại Vương. Ðại Vương chớ nên khiêm nhường thái quá.

Hoàng Phi Hổ thấy Tử Nha thiệt tình hậu đãi, xá một cái, rồi ngồi ghé sang một bên.

Tử Nha hỏi:

– Ðại Vương có điều gì bực tức mà bỏ Trụ Vương?

Hoàng Phi Hổ nói:

– Trụ Vương mồi ngày mỗi vô đạo không còn kể gì đạo thần tử nữa, vừa rồi nghe lời Ðắt Kỷ hiếp vợ tôi bỏ mình, Hoàng Quí Phi đến can gián cũng bị Trụ Vương bênh Ðắt Kỷ ném xác xuống Lộc đài. Tôi nghĩ rằng vua chẳng chính thì tôi đầu ngoại quốc. Ấy cũng là lẽ thường, nên tôi bỏ Triều Ca thoát qua năm ải đến đây xin làm trâu ngựa. Nếu Thừa Tướng mà dùng, không chê kẻ bất tài thiếu trí thì chúng tôi xin đội ơn.

Tử Nha mừng rỡ nói:

– Nếu Ðại Vương bằng lòng ở đây giúp sức thì Võ vương may mắn biết chừng nào. Vậy xin đại vương ra nghỉ đỡ ngoài công quán, chờ tôi vào tâu lại.

Hoàng Phi Hổ từ giã lui ra ngoài quán dịch, còn Tử Nha vào đền Hiển thánh ra mắt Võ vương.

Bấy giờ Võ vương ra ngồi trên điện, thấy có quan đương giá vào tâu:

– Có Thừa Tướng đến hầu việc.

Võ Vương truyền chỉ mời vào.

Tử Nha làm lễ xong, Võ vương phán:

– Tướng Phụ ra mắt quả nhơn có việc chi?

Tử Nha tâu:

– Chúa Công có việc vui mừng lắm! Nay Võ Thành vương Hoàng Phi Hổ bỏ Trụ đầu Châu ấy là điềm Tây Kỳ làm chúa thiên hạ.

Võ Vương hỏi:

– Hoàng Phi Hổ có phải là dòng quốc thích nơi Triều Ca không?

Tử Nha tâu:

– Ðúng vậy. Xưa tiên vương thường nói, khi ở Dũ Lý ra nhờ ơn Hoàng Phi Hổ mới thoát nạn, nay Hoàng Phi Hổ về đầu phải lấy lễ mà hậu đãi.

Võ vương nhớ lại lời Văn vương trước kia liền truyền chỉ cho mời.

Hoàng Phi Hổ được lệnh mời vào, vội quì lạy, tâu:

– Tôi là Hoàng Phi Hổ kẻ mắc nạn, xin chúc đại vương muôn tuổi.

Võ vương đáp lễ và nói:

– Quả nhơn mộ danh tướng quân đã lâu, vì tướng quân danh vang trong thiên hạ, ân trải bốn phương, ai cũng mến đức, khen tài. Ngày nay quả nhơn được gặp mặt thì may mắn biết chừng nào.

Hoàng Phi Hổ tâu:

– Nhờ đức Ðại Vương dung nạp người cô thế, lánh dữ tìm lành, chúng tôi nguyện rán sức mà báo đền ơn chúa.

Võ Vương phán hỏi Tử Nha:

– Xưa Hoàng tướng quân làm chức gì?

Tử Nha tâu:

– Làm chức Trấn quốc Võ Thành vương.

Võ vương phán:

– Nay quả nhơn cải đi một chữ, phong làm Khai quốc Võ Thành vương.

Hoàng Phi Hổ quỳ lạy tạ ơn.

Võ vương truyền yến tiệc thết đãi.

Trong bữa tiệc, Hoàng Phi Hổ thuật lại chuyện Trụ Vương lỗi đạo cang thường.

Võ vương nói:

– Vua tuy chẳng ngay, tôi cũng phải chính. Ta cốt ở cho trọn đạo thì thôi.

Kế đó Võ vương truyền Tử Nha xây cất dinh thự cho Hoàng Phi Hổ.

Tử Nha tuân lệnh thi hành.

Tiệc mãn ai nấy ra về.

Hôm sau, Hoàng Phi Hổ vào đền lạy tạ và tâu với Võ vương:

– Cha tôi là Hoàng Cổn, em ruột tôi là Phi Báo, Phi Bưu, con tôi là Thiên Lộc, Thiên Tước, Thiên Tường, em bạn tôi là Hoàng Minh, Châu Kỷ, Long Hoàn, Ngô Khiêm, độ ngàn gia đinh và ba ngàn nhơn mã, còn đang đóng trại ngoài Kỳ Sơn, chưa dám vào một lượt.

Võ Vương phán:

– Nếu có Lão tướng quân theo nữa, xin rước vào vào thành, còn các binh tướng tùy tùng, y như chức cũ.

Crypto.com Exchange



Phong thần diễn nghĩa