Chương 007: Bí Trọng bày mưu phế Khượng Hậu
Khương Hoàng Hậu nói dứt lời lên xe trở về cung.
Vua Trụ đang say nghe những lời nói của Khương Hậu chẳng khác nào như những gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt, cơn giận dữ nổi lên, mắng lớn:
– Ðồ khốn nạn, không biết điều. Trẫm tưởng tình sai mỹ nhân múa hát cho nghe, đã không màng tới còn làm ra mặt dạy đời. Khổ vì nó ở địa vị chánh cung, do tiên quân lựa chọn, nếu không ta sai lấy dùi đồng đập cho nát óc mới hả giận.
Vua Trụ nói lảm nhảm, đôi mắt lim dim, ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.
Ðến canh tư, Trụ Vương mới giật mình tỉnh rượu thấy trong mình không được khoan khoái, nhớ lại những lời của Khương Hoàng Hậu vừa rồi thì lửa giận còn đang trong lòng, liền gọi Ðắc Kỷ bảo:
– Mỹ nhân ơi, Chánh cung vô lễ, lòng Trẫm chưa nguôi, vậy mỹ nhân múa hát một hồi nữa để Trẫm làm khuây.
Ðắc Kỷ quỳ tâu:
– Từ rày sắp lên thần thiếp không dám múa hát nữa.
Trụ Vương hỏi:
– Vì sao mỹ nhân lại nói thế?
Ðắc Kỷ tâu:
– Hoàng Hậu quở trách việc ca hát là hư nhà hại nước, thần thiếp xét lời ấy cũng có lý. Thần thiếp thân phận tôi đòi, vào chầu bệ hạ, được bệ hạ yêu dấu gần gũi một phút không rời. Nếu trái lệnh Hoàng hậu, một là phải bị đuổi ra khỏi cung cấm không còn được thấy mặt bệ hạ nữa, hai là Hoàng Hậu lấy cớ nói thần thiếp quyến rũ bệ hạ bỏ bê việc nước, kết tội thần thiếp thì thần thiếp lấy gì mà che chở nổi?
Ðắc Kỷ nói dứt lời, đôi dòng nước mắt chảy ròng ròng xuống má, mặt mày ủ ê, trông rất khổ nảo.
Vua Trụ thấy thế càng giận Khương Hoàng Hậu hơn, nói:
– Mỹ nhân cứ ca hát cho Trẫm giải khuây. Con khốn nạn ấy chẳng đếm xỉa tới làm gì. Ðể mai Trẫm sẽ phế nó xuống, lập mỹ nhân lên làm Hoàng Hậu. Trẫm uy quyền tuyệt đỉnh, muốn làm gì chẳng được?
Ðắc Kỷ giả cách hoan hỉ, múa hát tưng bừng, suốt đêm không nghỉ.
Ngày kia nhằm ngày mồng một, các cung phi đều phải vào chầu Hoàng Hậu theo lệ thường.
Hoàng Quý Phi và Dương Quý Phi đến trước.
Hoàng Hậu và hai Quý Phi đang ngồi tâm sự thì có cung nga vào báo:
– Có Tô Ðắc Kỷ đứng hầu ngoài cửa.
Khương Hoàng Hậu cho vào.
Ðắc Kỷ khép nép vào đến nơi, thấy Khương Hoàng Hậu ngồi giữa, Hoàng Quý Phi và Dương Quý Phi ngồi hai bên vội sụp lạy ra mắt.
Khương Hoàng Hậu truyền cung phi đỡ dậy, Ðắc Kỷ đứng hầu một bên trông rất là phải lễ.
Dương Quý Phi đến trước mặt hỏi:
– Tô mỹ nhân là người nầy có phải không?
Khương Hoàng Hậu đáp:
– Phải. Nàng nầy chính là Tô Ðắc Kỷ, con gái Tô Hầu ở Ký Châu.
Dứt lời, Khương Hoàng Hậu quay trở lại quở Ðắc Kỷ:
– Thiên tử ở cung Thọ Tiên, ngày đêm đắm mê tửu sắc, phế việc triều đình, sao ngươi không có một lời can gián, cứ ngày đêm đờn ca múa hát, làm cho rối lòng thiên tử, đến nỗi thiên tử không tưởng đến việc phải quấy, nghe lời nịnh, giết tôi ngay, bỏ phép Thành Thang, làm suy mối nước. Những việc ấy là tại ngươi cả. Nếu ngươi không chừa thói cũ, chẳng tuân lệnh trên. Ta sẽ lấy phép công mà trị đó.
Ðắc Kỷ giận đỏ mặt, nhưng buộc thế phải làm thinh, cúi đầu không nói nửa lời.
Tan buổi chầu, Ðắc Kỷ trở về ngồi một mình than thở.
Người cung nga hầu cận là Cổn Quyên trông thấy thế, bước đến hỏi:
– Nương Nương vào chầu Hoàng Hậu có việc gì không vui?
Ðắc Kỷ nghiến răng:
– Ta là Hậu Phi, được bệ hạ yêu dấu, mà Khương Hoàng Hậu ỷ quyền Chánh Cung mắng nhiếc ta trước mặt hai vị Quý Phi, xấu hổ không thể tả. Oán này biết bao giờ mới trả được?
Cổn Quyên nói:
– Bệ hạ đã hứa cho Nương Nương lên làm Hoàng Hậu thì lo gì oán ấy không trả xong?
Ðắc Kỷ nói:
– Tuy bệ hạ yêu ta mà hứa như vậy, chớ phế một Hoàng Hậu không phải là dễ. Triều thần sẽ ngăn cản, thiên hạ sẽ dèm siểm. Hơn nữa, Chánh Hậu còn sờ sờ ra đó. Bệ hạ làm sao xô xuống được mà đưa ta lên chiếc ghế uy quyền ấy? Muốn được việc phải tìm cách giết Chánh Cung đi thì mới xong. Ngươi có mưu nào hay không?
Cổn Quyên nói:
– Tôi là phận đàn bà con gái, tính kế sao được? Nếu Nương Nương muốn mưu việc lớn thì nên cậy một vị đại thần bày mưu mới tiện.
Ðắc Kỷ hỏi:
– Vị đại thần nào dám vào đây? Vả lại, ta xem phần các quan trong triều đều chống đối bệ hạ, nếu ta mời tới e lậu tiếng chăng.
Cổn Quyên nói:
– Tôi có biết quan cận thần Bí Trọng được vua yêu dùng và cũng rất ham tiền của địa vị. ngày mai nhân lúc bệ hạ đi dạo vườn, Nương Nương cho mời Bí Trọng đến đây tôi sẽ cậy Bí Trọng bày một kế mà hại Hoàng Hậu. Xong việc, Nương Nương nhớ bảo tâu với Thánh Hoàng cho Bí Trọng thăng chức thì thế nào Bí Trọng cũng thỏa lòng.
Ðắc Kỷ nói:
– Việc này ta cậy vào ngươi. Nhớ đừng để lộ chuyện nguy hiểm đấy.
Cổn Quyên nửa nói đùa nửa nói thật:
– Ðịa vị của Nương Nương hiện giờ muốn gì chẳng được, huống hồ hại một Hoàng Hậu. Xin cứ để tôi lo cho.
Ðắc Kỷ nói:
– Ta chỉ sợ Bí Trọng không chịu giúp.
Cổn Quyên nói:
– Danh giá là miếng mồi sai khiến muôn người. Chỉ sợ Nương Nương không cần đến thôi, chứ nếu sai khiến thì ai chẳng tuân.
Hôm sau trời nóng, Ðắc Kỷ rủ Trụ Vương ra dạo ngoài vườn hoa. Cổn Quyên thừa dịp sai nữ tỳ mời Bí Trọng đến cung, lén đưa cho Bí Trọng một bức mật thư và nói:
– Thư nầy do Tô Nương Nương gởi. Quan Ðại Phu phải coi một mình đừng tiết lộ cho ai biết. Nếu việc thành công thì tước quyền không nhỏ. Phải mau mau tính kế, đừng để trễ.
Bí Trọng nhận mật thư, trở về dinh mở ra xem, thấy Ðắc Kỷ nhờ tìm kế giết Khương Hoàng Hậu.
Bí Trọng nghĩ thầm:
– Khương Hoàng Hậu là con gái của Khương Hoàn Sở, mà Khương Hoàn Sở đang trấn tại Ðông Lổ, binh rồng tướng mạnh vô địch khắp chư hầu. Ðã vậy, Khương Hoàn Sở có đứa con trai là Khương Văn Hoán tài năng xuất chúng, cầm đầu tướng lãnh dư ngàn người, nếu ta hại không được e chết cả họ. Vả lại Khương Hoàng Hậu ở với thiên tử đã sanh được hai vị Hoàng Tử, thế lực trong ngoài như vậy thực khó lòng trừ được. Tốt hơn hết ta không nên động đến nguy hiểm.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Bí Trọng thấy cũng không xong. Ðắc Kỷ là cục cưng của vua Trụ, nếu không lập kế hại Khương Hoàng Hậu, làm phật lòng Ðắc Kỷ, thì trong lúc vua say rượu, hoặc đang lúc ấp yêu, Ðắc Kỷ tâu ra tâu vào, mạng mình chắc chết….
Tới lui khó nghĩ, ngồi đứng không yên, Bí Trọng tính cả ngày vẫn không tìm ra được mưu kế nào thích đáng. Bỗng có tên gia nhân khổ người vạm vỡ, mình cao một trượng, lưng nách như voi vừa đi tới. người tên Khương Hoàn, trước kia ở tại Ðông Lổ, nghèo khổ được Bí Trọng đem về sai khiến bấy lâu nay.
Vừa thấy Khương Hoàn, Bí Trọng nẫy sanh ra một kế, vội gọi Khương Hoàn đến hỏi:
– Khương Hoàn, ngươi đi đâu vậy?
Khương Hoàn thưa:
– Tôi thấy vắng đại quan nơi thính đường nên đi tìm. Xin đại quan tha lỗi.
Bí Trọng nói:
– Ngươi có lòng với ta như vậy là điều tốt, tội lỗi gì đâu. Ngươi ở với ta được bao nhiêu lâu rồi?
Khương Hoàn nói:
– Ðã năm năm, tôi từ Ðông Lổ sang đây sống nhờ đại quan. Trước kia tôi nghèo khổ quá, ngày nay được no ấm như vầy, tôi tưởng ơn của đại quan không biết ngày nào tôi trả nổi.
Bí Trọng nói:
– Ta nuôi ngươi lâu nay là có ý dùng vào việc lớn. Nay việc lớn đã đến, chẳng biết ngươi có vì ta mà hết lòng không?
Khương Hoàn thưa:
– Tôi mang ơn đại quan, dù tan xương nát thịt tôi vẫn không dám từ nan. Nếu đại quan có việc gì cần đến kẻ ngu muội này thì xin cứ chỉ bảo.
Bí Trọng nói:
– Việc này hệ trọng lắm. Nếu ngươi làm được chẳng những lộc lớn quyền cao mà ngươi có thể tiến thân nữa. Nhưng nếu ngươi để lậu ra cho người ngoài biết được thì chúng ta chết cả lũ.
Khương Hoàn nói:
– Xin đại quan tin vào lòng trung thành của tiểu nhân là đủ.
Bí Trọng liền dặn nhỏ Khương Hoàn hồi lâu rồi trao mật kế. Khương Hoàn tuân lệnh ra đi.
Bí Trọng lại thảo một mật thư, nói rõ kế của mình, lén trao cho Cổn Quyên trình lên cho Ðắc Kỷ biết.
Ðắc Kỷ xem thư mừng lắm, đinh ninh chuyến này nhất định hại Khương Hoàng Hậu như chơi.
Ngày kia nhân lúc Trụ Vương đang vui, Ðắc Kỷ liền tâu:
– Bệ hạ vì quá quyến luyến thần thiếp không ngự triều. Thần thiếp e bỏ lâu ngày các quan sanh dị tâm. Vậy ngày mai bệ hạ nên bỏ chút ít thì giờ ra đàm luận quốc sự.
Trụ Vương khen:
– Mỹ nhân có ý lo đến xã tắc. Ðàn bà như vậy thật là ít có, dẫu những Phi Hậu hiền đức tới đâu cũng không sánh kịp. Thôi để ngày mai Trẫm lâm trào họp bàn với các quan cho mỹ nhân đẹp dạ.
Trụ Vương có ngờ đâu đó là mưu mô của Bí Trọng đã thông đồng với Ðắc Kỷ.
Sáng hôm sau Ðắc Kỷ lại hối thúc Trụ Vương lâm triều.
Trụ Vương truyền nổi trống đền để triệu tập các quan đến hầu cho đủ mặt.
Các quan ai nấy đều lạ lùng, không hiểu tại sao đã mấy tháng trời đắm mê tửu sắc, ở mãi trong cung, bỏ phế triều chính, nay Trụ Vương bỗng nhiên đổi khác.
Mọi người đều sửa soạn triều bái chúc mừng.
Vua Trụ từ trong cung Thọ Tiên ngồi long xa đi ra, hai bên có tả hữu hộ giá. Khi đến Phấn Cung, đèn thắp sáng lòa, mùi hương ngào ngạt. Xẩy có một người cao lớn, ẩn mình trong xó, đầu bịt khăn ngang, tay cầm gươm báu, nhảy ra hét lớn:
– Hôn quân đắm mê tửu sắc, ta vâng lệnh Hoàng Hậu đến giết hôn quân, đem sự nghiệp Thành Thang về cho chúa ta sửa trị.
Nói rồi lướt tới đâm đùa. Các quan bảo giá liền cản lại giật gươm, bắt trói người ấy tức khắc.
Vua Trụ giận lắm, truyền dẫn tên thích khách ra trước triều vấn tội.
Các quan tung hô xong, Trụ Vương gọi Hoàng Phi Hổ và Tỉ Can đến trước đền, nói:
– Hôm nay Trẫm lâm triều có chuyện lạ lùng lắm.
Tỉ Can hỏi:
– Bệ hạ có việc gì vậy?
Trụ Vương nói:
– Lúc ta ra đền, vừa đến Phấn Cung, có một người trong xó tối nhảy ra chém Trẫm. Tuy đã bắt được nó rồi, nhưng việc này rất trọng đại, cần phải tra xét kỹ càng để hiểu rõ ngọn nghành hành động phản loạn ấy.
Hoàng Phi Hổ thất kinh, hỏi các quan:
– Ðêm hôm rồi vị nào tuần đền mà để gian tế lén vào cung được?
Quan Tổng Binh Lê Hùng quỳ thưa:
– Tôi tuần cả đêm không thấy ai hết. Chắc là vào lối canh năm nó trà trộn với quan trào vào lầu Phấn Cung để xuẩn nghịch đấy.
Hoàng Phi Hổ truyền dẫn tên thích khách ra.
Trụ Vương nói:
– Ai muốn thay mặt Trẫm tra xét vụ này?
Bí Trọng liền bước tới quỳ tâu:
– Hạ thần xin lãnh việc này cho.
Ðó chính là âm mưu của Bí Trọng lập ra trước.
Tên thích khách là Khương Hoàn, gia nhân của Bí Trọng sai khiến.
Bí Trọng làm quan gián nghị, lẽ ra không có quyền tham dự vào việc tra xét gian nhân, nhưng vì Bí Trọng sợ để người khác tra xét, đánh đập, Khương Hoàn khai toạc ra thì mang họa.
Trụ Vương nhận lời.
Bí Trọng dẫn Khương Hoàn ra trước Ngọ Môn, không tra hỏi, đánh đập gì hết mà Khương Hoàn vẫn khai đủ điều.
Bí Trọng vội vào trước bệ, quì tâu:
– Hạ thần đã tra hỏi gian nhân xong. Việc rất quan trọng.
Các quan ai nấy đều lắng tai nghe.
Trụ Vương hỏi:
– Ðứa hung phạm nghe lời ai sai khiến mà hành động như vậy?
Bí Trọng gật gù tâu:
– Việc này hạ thần chẳng dám tâu.
Trụ Vương hét:
– Ngươi đã lãnh mệnh tra hỏi gian nhân, sao lại ú ớ như vậy?
Bí Trọng nói:
– Nếu bệ hạ tha tội cho hạ thần, hạ thần mới dám thuật lại lời của gian nhân đã cung khai.
Trụ Vương nói:
– Ngươi cứ khai sự thật, giữa đây có đầy đũ mặt văn võ bá quan xét xử.
Bí Trọng tâu:
– Thích khách họ Khương tên Hoàn là gia tướng của Ðông Bá Hầu Khương Hoàng Sở. Nó vâng lệnh Khương Hoàng Hậu làm chuyện thí quân để Khương Hoàng Sở có dịp cướp ngôi. Nay bệ hạ phước lớn tày trời nên gian nhân mới bị bắt.
Trụ Vương nghe tâu vổ án hét như sấm:
– Khương Hậu là người hôn phối của Trẫm mà làm điều phản nghịch như vậy thì còn đạo lý gì nữa. Nếu trong cung đã sinh tệ thì họa tới bên mình. Giặc bên ngoài còn đề phòng được chớ giặc trong thành làm sao giữ được? Trẫm giao việc này cho Tây Cung Hoàng Quí Phi tra hỏi Khương Hậu cho rõ ràng rồi tâu lại cho Trẫm biết.
Dứt lời Trụ Vương đứng dậy về cung tức khắc, không hỏi han gì đến các việc khác đang chờ mệnh vua.
Các quan hôm ấy vào triều bệ kiến đã sắp xếp rất nhiều công việc để tâu trình, nhưng gặp việc bất thường như vậy ai nấy đều bàn tán xôn xao quanh vụ thí quân, và cũng không nói đến việc riêng của mỗi người nữa.
Quan Ðại Phu Dương Nhậm nói với Hoàng Phi Hổ:
– Khương Hoàng Hậu lâu nay có tiếng đoan chính và hiền lành, trị trong cung rất phải phép, chưa chắc đã làm chuyện như vậy. Tôi nghi trong cung có kẻ bày mưu để hại Hoàng Hậu chăng? Nếu chúng ta bỏ về hết, gian nhân có dịp lộng hành thì oan cho Hoàng Hậu lắm. Vậy chúng ta ở lại đây, đợi tin Tây Cung Hoàng Quí Phi tra xét ra sao đã rồi sẽ liệu.
Các quan nghe theo, họp nhau nơi đền Cửu Giao chờ tin tức.
Bây giờ Khương Hậu đang ngồi trong cung, xẩy thấy quan Phụng Ngự cầm chiếu vua đem vào. Khương Hậu vội quỳ nghe đọc chiếu như sau:
“Hoàng Hậu ví thiên tử như đất sánh với trời, làm mẹ chung cả thiên hạ, mà chẳng lo đức chánh cho tròn. Lẽ ra phải coi sóc việc trong cung, giữ gìn giềng mối, để tiếng tốt về sau. Thế mà lại nuôi trai mạnh là Khương Hoàn, khiến núp trong Phấn Cung đón đường giết Trẫm. May mà mạng Trẫm chưa tuyệt nên mới bắt được gian nhân. Sau tra trước đền, gian nhân thú nhận rằng Khương Hậu tư thông với cha là Khương Hoàng Sở toan cướp ngôi vua. Như thế đạo tam cang không tròn. Trẫm đã truyền bắt Khương Hoàng Hậu giải đến Tây Cung, nhờ Thứ Phi tra hỏi. Vậy Thứ Phi cứ chiếu theo công luận chớ nên vị tình.
Nay sắc ”
Khương Hoàng Hậu nghe đọc chiếu xong khóc rống lên, nói:
– Ôi chao! Tại sao có việc lạ lùng? Ta xưa nay ở trong cung lo bề đức hạnh, tránh điều lỗi, sợ tiếng chẳng lành. Chẳng biết thằng giặc nào sanh sự, đổ tiếng xấu cho ta như vậy? Nay thiên tử không xét, lại giải đến Tây Cung, thân ta còn gì nhục nhã hơn. Mất còn không kể, chỉ uổng tiếng làm người không trọn nghĩa nhân.
Hoàng Hậu tuy khóc nức nở, song phải theo quan Phụng Ngự đến Tây Cung.
Hoàng Quí Phi tiếp chỉ, xem xong để trên án.
Khương Hoàng Hậu quì nói:
– Lâu nay tôi sửa trị trong cung việc gì cũng ngay thẳng, lấy nhân đức làm gương. Nay chẳng biết việc dữ do đâu xảy đến, bệ hạ không xét lại nhất quyết đổ lỗi cho tôi. Xin Quí Phi xét lại kẻo oan tình.
Hoàng Quí Phi nói:
– Trong chiếu, thiên tử đề quyết Hoàng Hậu sai Khương Hoàn thí vua, đoạt giang sơn cho Khương Hoàng Sở. Vua lại có ý dứt tình hôn phối, bỏ nghĩa cang thường. Nếu việc này như vậy, tội đáng tru di.
Khương Hoàng Hậu nói:
– Xin Quí Phi xét lại. Cha tôi cầm đầu hai trăm trấn chư hầu nhỏ, thân làm Quốc Trượng, chức đến Tam Công, con gái làm Chánh Cung, cháu ngoại làm Thái Tử, sau bệ hạ muôn tuổi có phải con tôi lên nối ngôi không? Hễ con nối nghiệp thì tôi làm Thái Hậu, cha tôi thêm vinh hiển. Lẽ đâu cha tôi mưu phản để hai trăm chư hầu kéo binh tới vấn tội, để tiếng xấu thiên thu. Tôi dẫu đàn bà cũng không đến đổi ngu muội làm chuyện thí quân vô lý như vậy. Nếu Quí Phi đem lời này nói đến tai thiên tử, may ra thiên tử thấu đáo lý tình, tôi được giải oan, thì ơn của Quí Phi không nhỏ.
Hoàng Quí Phi còn đang băn khoăn thì chiếu đã đến giục.
Hoàng Quí Phi liền lên kiệu đến cung Thọ tiên.
Vua Trụ hỏi:
– Con khốn đó đã chịu tội chưa?
Hoàng Quí Phi tâu:
– Tôi tuân lệnh tra hỏi rất nghiêm, Khương Hoàng Hậu quả là kẻ vô tội. Tôi chắc trong triều có gian tế, hành động như vậy để vu oan giá họa cho Hoàng Hậu đó.
Trụ Vương hỏi:
– Ái khanh lấy bằng chứng gì mà luận như vậy?
Hoàng Quý Phi tâu:
– Tôi xét Khương Hoàng Hậu là người hôn phối của bệ hạ đã lâu ngày, lại sanh được Ðông Cung. Nếu sau bệ hạ chầu trời, tự nhiên Hoàng Hậu sẽ lên ngôi Thái Hậu, ức gì đâu mà lại gây họa dữ? Còn như Ðông bá Hầu thân làm Quốc Trượng trị hai trăm trấn chư hầu, bỏ chức mình lên làm vua, còn Hoàng Hậu bỏ chức mình lên làm Công Chúa? Ðiều ấy dù đứa ngu cũng chưa làm, huống hồ cha con Khương Hoàng Sở là kẻ ngay vua thảo chúa? Xin bệ hạ xét lại lý tình, nghĩ công ơn và đạo đức của Chánh Cung đã mười mấy năm theo hầu bệ hạ mà tha tội cho Chánh Cung thì ơn ấy rất trọng.
Vua Trụ nghe nói ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Lời của Quý Phi phân tách rất rành rẽ, tình lý thấu đáo. Ðây chắc Hoàng Hậu bị hàm oan, nhưng rõ nguyên nhân do đâu.
Ðắc Kỷ bước tới, chúm chím cười, Trụ Vương hỏi:
– Mỹ nhân cười gì vậy?
Ðắc Kỷ tâu:
– Hoàng Quý Phi đã bị Chánh Cung dùng tình cảm lung lạc sự thật rồi. Xưa nay kẻ làm dữ bao giờ cũng sắp đặt lý lẽ để chống đối. Chớ căn cứ vào lý lẽ mà tin theo hành động. Lý lẽ chỉ có giá trị đối với người ngay thẳng mà không có nghĩa gì đối với kẽ tham lam. Nay tội ác đã vỡ lở ra rồi, dù là kẽ ba đầu sáu tay cũng không ai chịu mình là tội phạm. Hành động thí quân tang chứng đã rành rành. Khương Hoàn là tay chân của Khương Hoàng Sở, ai cũng biết, thì Hoàng Hậu còn chối vào đâu nữa. Vả lại trong tam cung lục viện, Khương Hoàn không chỉ ai, lại đề quyết Hoàng Hậu thì sao gọi Hoàng Hậu là vô tội được?
Vua Trụ ngồi trầm tư:
– Tình lý thật khó minh.
Ðắc Kỷ nói:
– Trong đời không ai chịu mình là kẻ có tội. Nếu muốn tỏ rõ sự thật bệ hạ chỉ cần đem cực hình ra tra khảo tự nhiên biết hết.
Hoàng Quý Phi nói:
– Tô mỹ nhân nói sai rồi. Hoàng Hậu án với vua là mẹ thiên hạ. Từ Tam Hoàng, Ngũ Ðế đến nay, hễ Chánh Cung có tội hình chỉ được phép lưu đày, hoặc biếm sang lãnh cung, chớ không được tra tấn, chém giết.
Ðắt Kỷ nói:
– Xưa khác, nay khác. Luật hình là để sửa trị muôn người, không vì sang mà không chịu tội, cũng không vì hàn mà phải cực hình. Nếu luật chỉ đặt ra để trừng trị riêng kẻ thiếu uy quyền thì còn gì lẽ công bình? Xin bệ hạ cứ xuống lệnh khoét Hoàng Hậu một con mắt. Con mắt là mộng của trái tim, Hoàng Hậu sợ đau tất phải khai thiệt.
Vua Trụ nói:
– Ta bỏ điều luật tiên quân trừng trị Chánh Cung như vậy, các triều thần dị nghị chăng?
Ðắc Kỷ nói:
– Triều thần sẽ cho bệ hạ là một minh quân, không thiên vị. Dù vợ con có tội vẫn xét trị ngay thẳng.
Vua Trụ khen phải, liền truyền chỉ thi hành.
Hoàng Quý Phi thấy lệnh vua độc ác như vậy chết điếng, đứng nhìn một lúc rồi lên kiệu ra về.
Bấy giờ Khương Hoàng Hậu còn ở tại Tây Cung, đợi lời xin tội của Hoàng Quý Phi.
Hoàng Quý Phi về đến thấy Khương Hậu thì khóc oà, nói:
– Hoàng Nương ơi! Tôi có lòng tâu xin cho Hoàng Nương khỏi tội, bệ hạ sắp nghe theo, nhưng Ðắc Kỹ ghen hờn, thù oán, bày bệ hạ khảo tra, khoét một con mắt của Hoàng Nương để Hoàng Nương nhận tội. Bệ Hạ không tưởng tình chăn gối, đã nghe theo lời con ác phụ đó. Bây giờ biết làm sao? Hay Hoàng Nương chịu tội đỡ để bảo vệ thân xác rồi sau sẽ liệu.
Khương Hoàng Hậu vừa khóc vừa nói:
– Cám ơn em có lòng thương chị, song chị cũng là người có học, lẽ nào tiếc sinh mạng mình mà chịu tiếng nhơ. Chị đã không có hành động giết chồng, phản vua, thì chịu đỡ làm sao được. Nếu vua không thương chị thì thì chị chịu tan xương nát thịt mà thôi. Dầu phải chết để bảo tồn danh tiết chị cũng vui, huống hồ khoét một mắt.
Hoàng Quý Phi nói:
– Tôi xem Ðắc Kỷ tàn nhẫn lắm, thế tất bày nhiều việc ác nữa. Bệ Hạ là đấng chí tôn, thân xác chúng ta không dám tiếc, chỉ cần chúng ta làm sao bảo vệ được tiếng thơm muôn đời, không phản vua, hại nước là được rồi.
Hoàng Hậu và Quý Phi còn đang than thở thì đã có chiếu vua đến giục, bảo Hoàng Hậu phải khoét một mắt.
Quý Phi quá đau lòng, lại một lần nữa khuyên Hoàng Hậu:
– Hay chị chịu đỡ cho qua cơn sóng gió rồi sẽ tính. Nếu để khoét mắt thì còn chi tính mạng?
Khương Hoàng Hậu nói:
– Thà chết cũng đành, tôi không thể chịu tội vô cớ được.
Quang Phụng Ngự nhiều lần thúc hối, cực chẳng đã Quý Phi mới tuân lệnh khoét một mắt của Khương Hoàng Hậu để trong chậu vàng đem về dâng cho vua. Máu chảy lai láng. Hoàng Hậu ngã lăn xuống đất bất tỉnh.
Có thơ than:
Khoét mắt đau lòng kẽ trung lương
Ðắm sắc quên tình, nịch quân vương
Ngàn năm oán hận đời còn nhớ
Số kiếp phôi pha mảnh má hường
Hoàng Quý Phi động lòng khóc tức tưởi, theo chân viên quan Ngự phụng đến cung Thọ Tiên để yết kiến vua Trụ.
Vua Trụ thấy mặt Hoàng Quý Phi liền hỏi:
– Con khốn nạn ấy bị khoét mắt đã thú nhận tội lỗi rồi chứ?
Hoàng Quý Phi quỳ tâu:
– Khương Hậu không có lòng bất nghì, quyết không chịu tội oan. Tôi ép chịu đỡ, Khương Hậu cũng không nghe, thà chịu chết chớ không chịu tiếng nhơ. Tôi phải tuân lệnh bệ hạ khoét mắt đến dâng, thật đau đớn khi nhìn vào chậu này.
Trụ Vương nhìn vào trong chậu vàng có để con mắt đầy máu tươi, lòng bất nhẫn, nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ ăn năn hối hận, nhưng đã muộn, liền day qua trách Ðắc Kỷ:
– Trẫm nghe lời mỹ nhân khoét con mắt của Hoàng Hậu, té ra vẫn không tra ra án. Nếu Hoàng Hậu vô tội mà bị hành hình như vậy các quan trách Trẫm thì Trẫm biết phải trả lời làm sao?
Ðắc Kỷ nói:
– Thần thiếp tưởng Chánh Cung có bụng hại chồng phản chúa. Nay việc đã lỡ như vậy rồi, nếu không làm cho Chánh Cung chịu tội thì tội ác sẽ dồn lên bệ hạ hết. Hơn nữa, Ðông Bá Hầu đang trấn một cõi, binh hùng tướng mạnh, nếy hay được chuyện này tất đem binh vấn tội bệ hạ, báo oán cho con, bệ hạ liệu làm sao?
Trụ Vương nghe nói toát mồ hôi, hỏi:
– Bởi ta nghe lời mỹ nhân mới sanh chuyện như vậy. Bây giờ ta biết liệu làm sao?
Ðắc Kỷ nói:
– Việc đã lỡ rồi. Bây giờ phải làm thế nào cho Khương Hoàng Hậu nhận tội thì mới che mắt được các quan, và Ðông bá Hầu khỏi viện cớ để cử binh.
Trụ Vương bấy giờ như bị dồn vào tường, lòng bối rối, không biết phải tính sao, tới lui đều bất tiện, ngồi làm thinh giây lâu mới mở lời hỏi Ðắc kỷ:
– Mỹ nhân có cách nào làm cho Khương Hoàng Hậu chịu tội không?
Ðắc Kỷ nói:
– Bệ hạ cứ truyền cho Hoàng Quý Phi tra khảo đến mức, thế nào khương Hoàng hậu cũng không chịu đau nổi, buộc lòng phải nhận tội.
Trụ Vương hỏi:
– Mỹ nhân định tra khảo cách nào?
Ðắc Kỷ nói:
– Dùng bàn ủi đồng thật nóng, ủi vào hai bàn tay, hơi nóng cháy ruột gan, lẽ nào không chịu tội?
Trụ Vương nói:
– Theo lời Hoàng Quý Phi thì Khương hậu đã chịu hàm oan, ta khoét một mắt đã là tàn nhẫn lắm rồi, nỡ nào còn dùng lửa đốt hai bàn tay nữa?
Ðắc Kỷ nói:
– Việc đã đến nước nầy chẳng khác nào cỡi cọp, nhảy xuống sẽ bị cọp ăn mất. Thà để Khương Hoàng Hậu chịu oan còn hơn bệ hạ mắc tội với chư hầu và các quan văn võ.
Trụ Vương cực chẳng đã phải truyền chỉ làm y như lời Ðắc Kỷ.
Hoàng Quý Phi nghe nói hồn vía lên mây, vội vả trở về cung, thấy Khương Hậu máu me dầm dề, còn nằm rên rỉ dưới đất, trông rất thảm thiết.
Hoàng Quý Phi nói:
– Chị ơi! Chuyến này chắc chết. Vua nghe lời Ðắc Kỷ bày chuyện tàn nhẫn. Chẳng biết kiếp trước chị mang tội gì mà kiếp nầy mắc phải tai ương như vậy.
Vừa nói vừa đỡ Khương Hậu dậy. Sau một hồi đau đớn, Hoàng Quý Phi lại khuyên:
– Thôi chị đánh liều chịu đỡ để bảo tồn tánh mạng. Tôi thấy bệ hạ quá nuông chìu Ðắc Kỷ không kể đến tình vợ chồng rồi. Nếu chị không nhận tội, bệ hạ sẽ truyền nướng bàn ủi đỏ dí vào hai bàn tay chị. Hình phạt thảm khốc như vậy làm sao chị chịu nổi.
Khương Hậu khóc lóc nói:
– Số phần chị đã như vậy thì liều một thác cho xong. Thôi em làm chứng cho lòng chị, chị đành nhắm mắt, cắt đứt dây oan nghiệt.
Nói vừa dứt lời thì có quan Phụng ngự đem bàn ủi đến và truyền lệnh:
– Vâng chỉ bệ hạ, nếu khương Hoàng Hậu không chịu tội thì đốt hết hai bàn tay.
Khương Hậu lòng sắc đá, chẳng thà chết chớ không chịu nhơ danh, liền đưa hai bàn tay ra hứng lấy cực hình.
Quan Phụng ngự để hai bàn ủi nóng lên, thịt cháy xèo xèo, khét lẹt, mấy ngón tay cong quắp lại, các gân guốc cháy khô.
Khương Hậu hét lên một tiếng rồi chết giấc.
Người sau có làm thơ than:
Bàn ủi đỏ lòm ngọn lửa than
Hai tay như sắt, dạ như vàng
Thương cho bảy lá gan trinh tiết
Dẫu nạn mười năm chữa hết oan
Hoàng Quý Phi không dám mở mắt nhìn, bụm mặt khóc như mưa.
Thấy Khương Hoàng hậu chết giấc, Hoàng Quý Phi khiến quan Phụng ngự thôi tra khảo rồi lên xe đến cung thọ Tiên tâu với Trụ vương:
– Khương Hoàng hậu bị hành hình hai bận, chết giấc hai lần, vẫn nhất thiết không nhận hàm oan. Tôi chắc trong cung có gian thần bày mưu hại Khương Hậu đó. Nay bệ hạ đối xử với Chánh Cung quá tàn nhẫn trong lúc Chánh Cung vô tội, tôi e sẽ xảy ra việc chẳng lành.
Vua Trụ thất kinh, nói:
– Việc này trẫm lỡ nghe lời mỹ nhân, bây giờ biết làm sao?
Ðắc Kỷ lại quỳ tâu:
– Bệ hạ chớ lo, Khương Hoàn còn đó, xin bệ hạ cho Hổ Oai tướng Triệu Ðiền, Triệu Lôi dẫn Khương Hoàn đến cung Tây đối nại trước mặt giai nhân mình, Khương Hậu không còn chối cãi vào đâu nữa.
Trụ Vương khen:
– Mỹ nhân nói phải.
Liền truyền lệnh làm y kế ấy.