Hồi 71: Thâm Cốc Giấu Bửu Kinh

Hồi 71: Thâm Cốc Giấu Bửu Kinh


Hồi 71: Thâm Cốc Giấu Bửu Kinh


Ngọc Động chân nhân lầm lũi băng qua một đoạn u cốc hoang vu, bỗng nghe từ xa vọng lại trong hơi gió có tiếng nhạc ai tấu “Tình tang!”.

Chân nhân là người sành âm điệu, nghe tiếng nhạc vẳng đưa biết rõ có người đang tấu đàn tranh, mà loại tranh cầm là một trong những nhạc khí thời cổ khó học hơn cả tì bà, nếu chẳng phải là bậc tài hoa khó mà học cho tinh thuần nhạc vận.

Ngọc Động chân nhân thầm nghĩ nơi Mãn Thiên sơn tuyệt địa này chẳng một kẻ nào dám bén mãng đến, ông đã băng đèo vượt núi hơn hai ngày trời, chẳng gặp một bóng người, cho đến dân Mèo Mán cũng không có nốt, tại sao lại có vị cao nhân nào ở giữa chốn nước độc này gẩy đàn tranh một cách ung dung đến thế?

Lòng hiếu kỳ thúc giục, muốn xem cho rõ tận tường, ông bèn lắng tai nhận định tiếng đàn, phát giác được giọng tranh xuất phát từ dưới đáy cốc, giữa một khoảng rừng rậm rì.

Ngọc Động chân nhân vì muốn tránh khỏi quấy rầy tinh thần của người gẩy đàn, phá mất nhã hứng của đối phương, nên rón rén bước chân xuyên thẳng vào rừng, quanh co theo tàn cây bụi rậm hơn mười trượng xa, chợt cảm thấy phía trước mặt quang đãng, sáng sủa lạ thường.

Té ra nơi đây là một khoảng đất trống trải độ vài mẫu vuông, chính giữa khoảng đất trống có một tấm bàn thạch, rộng độ mười trượng.

Có một vị đang ngồi xếp bằng trên tấm bàn thạch ấy, hình dáng kỳ lạ vô cùng, mình mặc một chiếc áo nửa tăng nửa tục, tóc trên đầu quấn tròn thành một cục to xù, xem bộ dáng thì trán vồ mũi quặp, hai mắt sâu hóm vào trong, râu rồng tua tủa bõ quanh hàm, da dẻ màu đồng cổ, hai chân để trên ngồi theo lối tĩnh tọa, trong lòng ôm một chiếc đàn tranh bằng sắt, tay hữu uyển chuyển, buông bắt dây tơ, vang lên những tiếng tình tang, dưới tấm bàn thạch lúc nhúc vô số giống vật lẫn lộn nửa xám nửa xanh.

Ngọc Động chân nhân định nhãn nhìn kỹ, không khỏi râu tóc đều dựng đứng lên.

Té ra dưới phiến đá chỗ quái nhân ngồi kia, lúc nhúc hàng trăm con rắn độc dài ngắn không đều, kỳ hình quái trạng, đủ các màu sắc.

Đám rắn độc ấy con nào cũng khoanh tròn mình lại đầu ngóc lên cao nghệu, hướng vào chỗ quái nhân ngồi.

Giọng thanh tưng lên một tiếng, bầy rắn cũng lắc lư một cái, lại có mấy con rắn to đầu bạnh ra, dẹp lép như cái mặt trăng, chiếc bụng dán xuống mặt đất như cọng lát khô, say sưa theo tiếng đàn tranh lắc lư, múa máy vặn vẹo mình mẩy trông rất buồn cười.

Trừ mấy trăm con rắn to ấy ra, từ trong các bụi rậm bãi hoang giữa rừng, bốn hướng tám phương kéo ra không biết cơ man nào là độc xà đủ cả màu sắc, hình trạng ngoằn ngoèo bò đến bên tấm bàn thạch khoanh tròn từng cục, cử chỉ không khác bầy rắn trước.

Ngọc Động chân nhân thấy thế, trong lòng ngầm suýt xoa khen phục, vì theo sự nghe thấy của ông, trên đời không thiếu gì kẻ có tài dậy rắn, bao năm qua lại biên cảnh Tây Nam mấy tỉnh, cũng từng phen du lịch qua bên Miến Điện, thấy những vị tăng nhân khổ hạnh miền Tây Trúc dùng một ống tiêu để lên miệng thổi, khiến cho một con mãng xà và trăn nữa, lắc lư, nhảy múa theo nhịp tiêu, vặn vẹo uốn khúc theo ý sai khiến.

Song công cụ để huấn luyện của họ, phải là một ống tiêu và hơn nữa chỉ cẩn thận sai khiến được những con rắn đã được dạy dỗ thuần thục mà thôi.

Còn vị trung niên quái nhân này, phương pháp khiển rắn thật là khác biệt.

Với một cây đàn tranh bằng sắt đơn giản lại có thể dẫn dụ hàng trăm, hàng ngàn con rắn ở khắp kẹt rừng xó núi, đều kéo ra ngoài, bản lãnh khiển rắn của hắn thật là thế gian hãn hữu.

Vị quái khách trung niên ấy tấu một hơi mấy khúc nhạc tranh, bao nhiêu rắn lớn nhỏ trong rừng đều lũ lượt kéo ra theo hướng tiếng đàn.

Trong khoảnh khắc nơi chỗ phiến đá hắn ngồi, trước sau phải trái, bốn bên tám phía, sau chỗ ngồi lấy ra hai chiếc giỏ tre để trên phiến đá, rồi thình lình năm ngón tay thoăn thoắt búng lên cung đàn, tiếng tranh lại tính tình tang tang vang lên gấp rút như thác đổ mưa dồn, mười phần khích động, mường tượng như tiếng sát phạt ngựa hí người reo rập rờn chết chóc.

Bầy rắn đang uốn éo múa may bỗng ùn ùn bò lên, ngẩng đầu cụp đuôi bò gần đến nơi giỏ tre của quái nhân.

Ngọc Động chân nhân lúc ấy mới để mắt nhìn kỹ, thấy rõ đám độc xà ấy, con nào hai miệng cũng phùng lên, mường tượng như trong miệng có ngậm vật gì vậy.

Bọn chúng bò đến nơi chiếc giỏ tre liền há miệng nhả ra từng vật tròn tròn vào giỏ.

Ngọc Động chân nhân khi ấy mới vỡ lẽ, vật tròn mà bầy rắn phun trong miệng ra chính là những trứng của chúng.

Gã trung niên quái khách này dùng tiếng tranh để dụ bầy rắn với dụng ý thu gom trứng rắn đem về?

Vốn trứng rắn không phải là vật hiếm có, mỗi năm giữa mùa xuân hạ, nơi rừng sâu, núi hiểm hay trong đám cỏ hang đất đều vẫn thường gặp cả ổ lớn hàng chục trứng trở lên.

Nhưng vị trung niên quái khách này không nệ công khó dùng tiếng đàn để mê hoặc bầy rắn hàng ngàn con, bắt chúng tự động nhả trứng ra thật là chuyện lạ trong đời, nếu không thấy tận mắt khó mà tin được, chẳng hiểu hắn làm thế với dụng ý gì?

Hắn ta tuy mặt mày có vẻ nho nhã, nhưng trên người phảng phất một khí phái tà đạo bàng môn, với kiến thức quảng bác của ông chưa hề nghe ai nhắc nhở đến nhân vật hành động kỳ quặc đến thế.

Trong khi Ngọc Động chân nhân miệt mài trong sự trầm tư, thì bên kia động tác nhả trứng của bầy rắn cũng cực kỳ nhanh chóng.

Một con vừa nhả xong được trứng rắn của mình, dường như trút đi một trọng trách, luồn qua bên người quái khách quăng mình bỏ đi như bay vào rừng, con này vừa xong, con kia liền nối tiếp theo đuôi, chờ đến phiên mình cũng như đồng loại đi trước.

Không đầy một giờ đồng hồ, trong giỏ tre đã đầy ăm ắp đủ loại trứng rắn, hàng ngàn con rắn lúc nãy cũng bò đi sạch bách chẳng còn.

Quái khách nhìn thấy chiếc giỏ tre của mình đã vun đầy trứng rắn, mới ngừng ngay tiếng đàn, ngẩng đầu lên trời cười ha hả đắc ý.

Ngọc Động chân nhân không dằn được, bèn từ sau bụi cây hiện ra.

Gã trung niên quái khách thấy có người lạ, ban đầu thần sắc hơi ngạc nhiên, khoảnh khắc đổi sang vẻ nham hiểm, cất giọng nói chát chúa khó nghe như tiếng cú kêu, hỏi lớn:

– Đạo hữu phương nào, quá bước ngang nơi đây, bèo mây gặp gỡ, sao chẳng bước đến đàm đạo đôi câu cho phỉ dạ kẻ hào khách vậy.

Lời nói nghe qua hòa ái đơn giản, kỳ thật nội ý thâm hiểm cơ mưu.

Quái khách nọ đã dùng phương pháp nội gia trường âm công phu, do từ dưới đan điền phát ra ngoài, hai câu đầu tiếng nhỏ và trong, uyển chuyển như tơ trời lất phất khoảng không, khi rõ khi không, hai câu nói giữa cao dần và xa dần tựa như người từ trên mây nói vọng xuống, câu nói sau cùng, âm ba sang sảng như tiếng chuông, lại mường tượng như sấm trời bạo phát, làm cho màng nhĩ của Ngọc Động chân nhân bị chấn động suýt lủng đi vậy.

Ngọc Động chân nhân biết rõ quái khách định thị oai với mình. Nhưng Chân nhân là một vị đạo gia đức độ, tu hạnh cao thâm, nên không chấp nhất đến thái độ xấc xược của đối phương vừa rồi, lại còn chắp tay thi lễ và nói:

– Vô Lượng Thọ Phật, đạo danh của bần đạo là Ngọc Động, vì có chuyện đến phương Nam, qua ngang chốn này, ngẫu nhiên nghe được nhạc khúc thanh trong, ngờ là có cao nhân qui ẩn sơn lâm, nào ngờ tình cờ gặp được các hạ trổ tuyệt kỹ khiển dụ bầy độc xà, để thu nhặt trứng rắn trong vô ý kinh động đến các hạ mong các hạ bỏ qua cho.

Lời của Ngọc Động chân nhân mười phần hòa hạ, có thể nói là không khêu không chọc, cũng chẳng hài tội người ta.

Nào ngờ quái khách không ai khác lạ, mà chính là một ma đầu danh lừng Tây Vực, không những tánh tình quái dị mà độ lượng rất hẹp hòi, nghe hai câu sau cùng của Ngọc Động chân nhân liền khẽ biến sắc mặt.

Vì rằng ban đầu Ngọc Động chân nhân bảo là nghe tiếng đàn tranh tưởng là nơi đây có ẩn cao nhân đạo hạnh nên có ý đến bái kiến, chẳng ngờ sau lúc thấy mặt hoàn toàn chẳng phải và theo lời nói ấy chẳng lẽ mình chẳng là cao nhân sao? Gã quái khách này từ miền Tây Vực đến đây, lòng đầy cao ngạo, danh tiếng Nhạn Môn tam Ngọc vang lừng miền Trung Thổ, gã không những chẳng biết đến bao giờ mà trái lại còn lầm tưởng đối phương chẳng coi mình vào đâu, khóe miệng khẽ nhếch nụ cười ngạo mạn và nói:

– Đạo trưởng rất tán thưởng diệu kỹ khiển rắn của tôi chăng? Cam thất lễ, đấy chẳng qua là thuật mọn tổ truyền để dạy trùng mối của Bạch Đà sơn chúng tôi.

Ngọc Động chân nhân nghe ba tiếng Bạch Đà sơn không khỏi giật thót mình. Ông chợt nhớ lại mấy năm về trước, Ngọc Hư sư huynh của mình có nhắc nhở là nơi Bạch Đà sơn ở miền Tây Vực, biên giới Tân Cương, từ bao năm nay, ẩn cư một ma đầu lợi hại họ Âu Dương tánh tình cổ quái, võ công cao cường, tự lập thành một phái, trong núi sâu xây cất cung thất tráng lệ huy hoàng, thâu nạp vô số nam nữ tì nô, tích tụ không thiếu ngọc ngà vàng bạc nơi hoang cốc hưởng đủ mọi khoái lạc của thế nhân vua chúa.

Gã ma đầu họ Âu Dương này rất thiện nghề nuôi dạy độc xà ác mãng, từ trên thân thể của độc xà, lãnh ngộ không ít võ công kỳ độc, chế luyện nọc độc của bách xà, chế tạo vô số ám khí tuyệt độc. Chẳng ngờ y lại có thể đến Vân Nam, thật là một chuyện lạ lùng!

Ngọc Động chân nhân liền chắp tay ôn tồn nói:

– Té ra các hạ là Bạch Đà sơn chủ Âu Dương Liệt ở Tây Vực, cam thất kính!

Quái khách cười nhạt đáp:

– Nói quá lời, Âu Dương Liệt là gia huynh, còn tại hạ Âu Dương Phong. Gia huynh tạ thế đã hai năm nay, chức Sơn chủ truyền lại cho tại hạ chưởng quản.

Nguyên lai, cha của anh em Âu Dương Liệt là một tội phạm của Tống triều, bị đày đến Tân Cương sung quân, lấy vợ người Hồi sanh ra hai anh em Âu Dương Phong, nên tuy hai người thuộc về giòng Hán nhưng phân nửa có máu huyết của người Hồi.

Anh em Âu Dương Phong lớn lên vì tánh tình quen thói cường hung, không chịu nổi nếp sống thanh khổ mới gia nhập vào giới hướng mạ thảo khấu, chuyên việc cướp của đốt nhà.

Trong một lần đi ăn hàng, anh em Âu Dương Liệt vô tình cướp đoạt nhầm một số lễ vật gả công chúa của vua Hồi. Hồi Vương cả giận liền phái đại đội binh mã đến tiểu trừ.

Anh em Âu Dương Liệt phải dắt nhau vào núi sâu để trốn tránh sự truy tầm của quan quân.

Chẳng ngờ qua cơn biến thì lạc cả lối về.

Hai anh em cố sức tìm kiếm phương hướng nhưng ròng rả bảy tám ngày trời, lương thực bên mình đã cạn mà vẫn chưa tìm thấy lối cũ.

Hai anh em phải ăn cây, củ cỏ, cùng săn bắn chim muông để đỡ dạ.

Nhưng khổ nỗi lúc ấy vào tiết cuối thu mà Thiên Sơn là một dãy núi trùng điệp, ngoằn ngoèo trên ba ngàn dặm, mõm núi lúp xúp, mút tầm như biển cả, quanh năm tuyết phủ trắng xóa, huống hồ cuối thu tiết trời trở lạnh, tuyết rơi lác đác, khí lạnh thấu xương, cỏ cây bị che lấp dưới sâu, cho đến điểu thú cũng vào hang ẩn tích, chẳng thấy tăm hơi.

Hai anh em Âu Dương Liệt chẳng còn gì để mong đỡ lòng, thật chẳng khác nào hãm vào nơi tuyệt địa, hai người núp trong một động đá hoang tịch vừa đói, trơ mắt mà nhìn cái chết từ từ kéo đến.

Âu Dương Liệt là người có huyết tính can đảm, bèn bảo em:

– Này Phong đệ, tuổi anh lớn hơn em mười tuổi, sống hơn em trên thế gian đã nhiều, chết không còn ức hiếp gì nữa. Em còn trẻ sức mạnh, hà cớ phải chết một lượt với anh quá vô lối như thế. Hay là em cởi áo da trên người anh mặc thêm vào người, lấy tất cả lương thực còn lại của phần anh, bò ra khỏi sơn động tìm đường đào sanh vậy!

Âu Dương Phong chưa kịp đáp lời thì từ cửa động có tiếng xào xạc liên tiếp, rồi từ bên ngoài bò vào một vật dài trắng long lanh như tuyết.

Âu Dương Phong vội quay lại nhìn, mừng rỡ buột miệng kêu lên:

– Đại ca, bạch xà, bạch xà kìa! Chúng ta có vật đỡ lòng rồi.

Vật vừa bò vào quả đúng là một con rắn trắng như bạc dài độ tám tấc, lớn cỡ ngón tay.

Vốn ra trong động giá tuyết, trong núi bao nhiêu rắn rết, côn trùng đều tìm chỗ ẩn mình để đánh một giấc đông miên. Con rắn trắng này lại có thể hoạt động trong giữa tiết đông. Kể ra cũng là một chuyện lạ kỳ.

Âu Dương Liệt liền bảo:

– Phong đệ, mặc là rắn trắng hay rắn đen, tóm cho được nó để ăn, cố kéo dài sinh mạng.

Âu Dương Phong gật đầu tán đồng, rút ngọn dao bén nơi lưng ra, đập mạnh sống dao vào mình quái vật. Đấy là một sự khôn ngoan của gã, vì gã biết rõ loài rắn chịu đựng rất bền, nếu dùng lưỡi dao chặt ra làm đôi, nó có thể với hai khúc mình bị chặt đứt bõ trốn đi hai nơi, một chút chẳng khéo còn có thể bị nó cắn phản trở lại chết mà không kịp trối.

Nên Âu Dương Phong cố tình dùng sống dao đập lên mình rắn. Nó sẽ nổi điên mà phải mình cất cổ lên để mổ, Âu Dương Phong chỉ đợi có thế, lẹ làng buông rơi thanh đao, tay trái lẹ như chớp quảy tròn một cái phía dưới mang con rắn. Đồng thời gót chân cũng lẹ làng đạp lấy phía dưới đuôi rắn, và như vậy con bạch xà đành trơ mình vận cứng xương sống mà chịu, không sao vùng vẫy hay cắn mổ gì được nữa, chỉ kêu khè khè lè chiếc lưỡi nhọn đỏ như máu trông rất dễ sợ.

Anh em Âu Dương Phong thấy con bạch xà ấy, mình trắng như tuyết, chỉ nơi phía dưới bụng từ đầu chí đuôi có năm lằn sọc đỏ như sợi tơ máu.

Âu Dương Liệt thất thanh kêu lên:

– Úy chao! Quả là con Thiên Sơn Bạch Long đấy.

Thì ra loài rắn Bạch Long là danh sản quý giá của núi Thiên Sơn, kỳ thật chỉ là một loài rắn có màu trắng khác thường hơn đồng loại, mật của nó gọi là Bạch Long Đảm quý giá vô ngần, dùng vào y dược có thể cải tử hồi sinh, các vua chúa cõi Trung Nguyên trước nay thường bắt buộc chư hầu miền Tây Vực hằng năm cung hiến Bạch Long Đảm, đủ thấy nó là một vật quí báu hiếm hoi vô cùng!

Song vì Bạch Long không phải dễ tìm như loại rắn tầm thường. Sự hoạt động của nó cũng khác hẳn đồng loại, vì những giống rắn thông thường đến mùa đông đều chui rúc trong các hang hốc kín đáo để ngủ giấc đông miên, còn Bạch Long ở Thiên Sơn thì trái lại tới mùa đông tuyết giá mới ra khỏi ổ tìm thực vật. Thử nghĩ trừ những kẻ tham lợi liều mạng ra còn ai chịu mạo hiểm tính mạng, lặn lội trong mưa tuyết cắt da để vào tuyệt địa Thiên Sơn tìm Bạch Long bao giờ?

Hai anh em họ Âu trong lúc thúc thủ chờ chết chẳng ngờ vô tình bắt được một con Bạch Long xà, kể ra phúc quả còn dài.

Âu Dương Liệt liền bảo Âu Dương Phong:

– Phong đệ, anh em ta số mạng còn dài nên gặp con Bạch Long xà này, chúng ta mau mổ mật của nó ra, có thể đỡ đói trừ lạnh, sau đấy ta ăn thịt và huyết nó thì không còn sợ khí trời lạnh lẽo nữa, đấy là trời thương tình ban cho anh em ta đó, em mau ra tay đi.

Âu Dương Phong nhờ lời nói của anh thức tỉnh ngay, lập tức một tay nắm chặt lấy cổ rắn, tay kia móc thanh dao găm sắc bén bên người ra nhắm ngay bụng rắn vạch một đường dài, nơi chỗ da rách liền lòi quả mật rắn ra, mỗi người nuốt một nửa.

Sau đấy cắt đôi thân rắn ra, mỗi người chia nhau nửa phần vừa mút lấy máu, vừa nhai ngấu nghiến thịt sống của rắn rất ngon lành.

Hai anh em họ Âu ăn xong con Bạch Long Xà, độ một thời gian sau bữa cơm cảm thấy từ đan điền xông lên một luồng khí nóng, chạy luồn khắp châu thân, tinh thần bỗng chốc phát triển lạ thường, chân tay ấm áp trở lại, bên ngoài động gió tuyết ngất trời cũng chẳng biết lạnh là gì.

Âu Dương Phong cả mừng nói:

– Đại ca, chúng ta có cơ hội sống sót rồi, mau ra khỏi động tìm đường trở về.

Hai người đội tuyết băng ra khỏi sơn động, thẳng về phía trước, lúc ấy bọn họ không còn cảm thấy lạnh bao nhiêu, mặc cho gió tuyết quật vào da mặt, trong cơ thể vẫn ấm áp như đang ở bên cạnh lò sưởi đỏ, đi suốt một ngày một đêm vẫn không thấy đói.

Trong mưa tuyết lờ mờ, Âu Dương Phong phát giác phía trước mặt có một cốc núi thâm u.

Phàm những thâm cốc trong núi đều là nơi tránh gió rét mưa tuyết rất tốt.

Hai anh em bèn rảo chân về phía thâm cốc, quả nhiên không ngoài ý liệu hai người vừa vào được thâm cốc, cảm thấy khí lạnh, gió tuyết đã giảm đi phần nào.

Dưới gốc cây, cỏ vẫn còn rậm rì xanh um khác hẳn với bên ngoài cốc.

Âu Dương Phong mừng rỡ nói:

– Đại ca, chúng ta sắp đến chỗ có người ở rồi!

Âu Dương Liệt liền đảo mắt nhìn khắp đáy cốc, thấy nơi phía dưới đèo núi xa xa, hiện ra hai mái nhà tranh, hai anh em đều mừng rỡ, hướng về phía có nhà ở lầm lủi đi tới.

Tới nơi thấy nhà không đèn đóm gì cả, tối mù mù như căn nhà hoang, hai cánh cửa tre khép hờ chứ không đóng chặt.

Âu Dương Liệt tánh khí hung bạo, chẳng chút nể nang, lấy tay đẩy mạnh cửa phên tre, “Bùng!” một tiếng, từ bên trong phên cửa ào ra một luồng âm phong, chạm với khí trời bên ngoài, nhẹ lên một tiếng, khí lạnh xói buốt vào da thịt, khiến hai người đều nổi da gà lên cùng mình.

Hai anh em họ Âu Dương giật mình kinh hãi vội nhảy tót sang hai phía, rút đao cầm tay để phòng có vật gì quái dị từ trong nhà ra chăng?

Nhưng qua một hồi, bên trong nhà vẫn tối mù vắng hoe, chẳng nghe động tĩnh gì khác.

Âu Dương Phong bạo gan, lấy đá lửa bùi nhùi ra, bật lửa đốt lên soi rõ mọi vật trong nhà, hai anh em Âu Dương Phong mặc dù gan dạ bằng trời, cũng không khỏi kinh sợ đến tóc râu dựng ngược lên.

Bên trong gian lều tranh ấy có để một chiếc bàn vuông vức, trên bàn chất đầy từng đống sách da dê, bụi bậm bám đầy, phía sau chiếc bàn là một chiếc giường cũ, trên giường có một đạo nhân ốm khổ khắc đang ngồi xếp bằng tĩnh tọa, tựa như một tượng người phơi khô, chẳng phải là người, mắt thụt vào bên trong, dường như bị móc đi cặp mắt nhãn, giống như cái sọ người bọc da bên ngoài, nửa người nửa quỷ.

Âu Dương Liệt cố lấy hết can đảm hỏi:

– Tên đạo nhân rừng rú kia ở đâu thế! Làm gì ẩn núp trong lều tranh này, ngươi đi ra đây ngay hoặc may đại gia còn châm chế cho phần nào, bằng không thì máu ông sẽ chảy lập tức.

Réo gọi luôn hai ba hiệp, đạo nhân kia vẫn ngồi yên bất động.

Âu Dương Phong liền lượm một viên đá, nhắm ngay giường cỏ chọi liền, “Bộp!” một tiếng khô khan, viên đá trúng phóc ngay giường, thế mà gã đạo sĩ vẫn trơ trơ không chút phản ứng.

Khi ấy Âu Dương Phong la lên:

– Đại ca gã đạo nhân ấy chết cứng rồi mà!

Âu Dương Liệt nhảy tuốt vào trong, thấy đạo nhân ấy quả đã chết từ lâu rồi, mình mẩy khô rắn lại như đá, mọi đồ vật trong nhà đều hư mục cả.

Theo đó mà đoán thì đạo nhân ấy chết chẳng biết là bao lâu rồi nhưng không hiểu vì sao, thi hài không thúi rửa lại khô rắn như một tượng đá?

Lương khô bên giường đã ẩm ướt mục hư vừa đụng tay vào đã nát lên thành bụi vụn, đồ đạc dụng cụ cũng mục rệu, trừ đống giấy da trên là còn khá một chút.

Âu Dương Liệt thuận tay cầm lấy một tấm sách da dê lên xem, thấy trên da dê viết đầy chữ Hán, bèn kêu em:

– Phong đệ, em xem coi là sách gì đây đọc cho ngu huynh nghe thử!

Âu Dương Phong bẻ vài thanh tre trên vách, làm thành một cây đuốc, cầm tấm da dê đến bên ngọn lửa, xem thấy thanh thứ nhất đề bốn chữ khái tự: “Ngũ Độc kỳ kinh”.

Bên trong cuốn sách toàn là phương pháp và khẩu quyết luyện công, lít nhít dày đặc có chữ, có cả đồ hình lăng nhăng rối mắt, sau cùng có một trang riêng biệt kẹp vào qua quyển vở nội dung như sau:

– Bần đạo là Ngũ Độc Chân nhân Khương Thái Hư sanh tại phía hữu sông Triết, bình sanh ngưỡng mộ học thuyết của Huỳnh Thạch Công, Lão Tử, nghe đồn Bạch Đà sơn miền Tây Vực có chân tiên nên không ngại vạn dậm lộ trình đến đây, nào ngờ tới nơi chẳng thấy một người, ban sơ ngỡ là tiên nhân lánh mặt chẳng chịu gặp nên cố lưu lại nơi cùng cốc này lấy lương khô nước suối qua ngày, tình cờ trong thạch huyệt khám phá được Ngũ Độc Kỳ Kinh này, mở ra đọc thử, mừng rỡ như điên, quên ăn mất ngủ, dốc sức nghiên cứu hơn ba năm trời mới nghiền ngẫm thông suốt, hạ sơn nhiễu thế, giết người vô số, đến tuổi về già, mấy năm gần đây, trong mộng thường thấy năm quỷ vô thường tóc xõa máu me đầy người khóc than đòi mạng. Ô hô! Một chút nghĩ lầm, gây thành sai lớn, muốn vứt bõ Ngũ Độc Kỳ Kinh nhưng chưa được, muốn hủy bỏ độc kinh dạ lại chẳng đành, nên uống mật công rừng tự tận, hậu thế ngẫu nhiên gặp thi hài kẻ bạc số, xin hỏa táng tấm xác tan lẫn kinh độc, đừng để lại di hại thế nhân, công đức thật là vô lượng! Thái Hư tuyệt bút!

Âu Dương Liệt rị mọ từng chữ đọc hết tấm huyết thư, mới rõ được đôi chút.

Vị đạo trưởng chết trên giường kia là Khương Thái Hư, uống mật công hủy mình, căn lều tranh này dựng lên giữa nơi cùng âm khí bế, do đấy mà thi hài qua mấy mươi năm vẫn không rữa nát.

Âu Dương Phong cầm lấy quyển Ngũ Độc Kỳ Kinh lật qua mấy trang, bất thần vỗ bàn la lên:

– Này đại ca! Bổn chân kinh này có chỗ dụng lớn lắm đấy, nói không chừng…

Câu sau cùng chưa nói hết, bỗng “rắc rắc!” mấy tiếng vang lên, chiếc bàn rệu mục kia bị sức cái đập tay của Âu Dương Phong liền sập ngay xuống đất, gãy ba gãy năm từng miếng, những tấm sách da dê rơi đầy trên mặt đất, vừa vặn từ bên ngoài phên cửa một cơn gió trốt thổi lên, hốt hơn mấy mươi trang da dê bay ra khỏi cửa.

Âu Dương Liệt tru tréo lên to:

– Không xong gió trốt kỳ kinh bay đi rồi chạy theo lượm lại mau.

Hai anh em tuôn ra khỏi cửa vừa chạy vừa bò bốn chân tám tay quýnh thu nhặt những tấm da dê rơi vãi trên mặt tuyết trắng, nhưng vì gió núi quá mạnh, hai anh em đã nhặt được bảy trang trở về còn năm trang nữa bị gió cuốn bay mất tung luôn.

Anh em Âu Dương Liệt dậm chân tiếc rẻ chắc lưỡi liên hồi, chính vì thế mà Tây Độc Âu Dương Phong tuy liệt danh trong hàng Ngũ Bá, nhưng là kẻ yếu nhất trong năm người, chỉ cậy vào những xà độc xà trùng, bàng môn ngoại thuật để chống đỡ với tài nghệ chân chính của Tứ bá thôi. Trận gió thổi năm tấm da dê ấy rất có quan hệ cho nhân vật trong Ngũ Bá sau này.

Hai anh em họ Âu sau khi nhặt nhanh xong các tấm da dê còn sót lại bèn đóng kín cửa phên, sau đó đem từng trang da dê kia lại thành một quyển, trừ năm tấm bị gió cuốn thiếu đi, bảy trang còn lại cũng tạm gọi là đầy đủ một bộ Ngũ Độc Kỳ Kinh.

Hai người thay phiên nhau đọc suốt từ đầu đến cuối quyển Kỳ Kinh một lượt, cảm thấy khá nhiều hứng thú, vì nội dung quyển kinh bao la vạn thuật công phu, từ luyện công đến luyện quyết, đủ cả nội gia ngoại trạng, phương thức tập luyện chỉ dẫn rất rành rẽ từng chi tiết, lại còn có cả cách thức nuôi rắn độc, huấn luyện mãng xà, cùng những pháp chế luyện độc dược, thậm chí những mật phương lạc thú giữa nam nữ nơi phòng the tẩm bổ hút tinh v.v. cũng đều ghi chú hết sức tận tường.

Hai anh em họ Âu như gặp được kỳ dị bảo trân, bắt đầu từ hôm đó, lưu lại luôn ở Bạch Đà sơn cốc để luyện môn độc công.

Đầu tiên hai người đem thi hài Ngũ Độc Chân nhân hỏa táng sau núi, sau đấy rảo quanh khắp sơn cốc một lượt thấy nơi đây đất đai phì nhiêu, hoa trái thạch mậu, thú rừng dẫy đầy khả thể nuôi sống được hai người.

Âu Dương Liệt và Âu Dương Phong an lòng tạm trú trong lều tranh một mặt săn bắn trồng tỉa qua ngày, một mặt chuyên cần, nghiên cứu độc kinh, hai anh em vốn có căn bản võ thuật, thiên tánh sẵn độc như sài lang, luyện môn công phu bàng môn tả đạo ấy rất hợp với cơ bản, nên tấn bộ nhanh hơn người thường thập phần, trong vòng mười năm đã trở nên hai tay tuyệt kỹ kinh người.

Cách đấy vài năm sau, một vùng Tây Bắc bỗng xuất hiện hai tên đại đạo vô hình, lúc ẩn lúc hiện giữa vùng sa mạc Oa Bích giết người đoạt vật, còn hung tàn hơn cả bọn sơn lâm hướng mã, lúc đến như khi đi, hành tung bí mật khó lường, những lương dân bị giết hại cho đến thi hài cũng biệt tích luôn.

Đồng thời nơi Bạch Đà sơn cốc hoang liêu bỗng xuất hiện mấy tòa cung điện nguy nga như hoàng cung vua chúa, trong cung điện vô số nam nữ tì từ các nơi mua về cho đến những cô tóc vàng mắt xanh da trắng như ngọc từ xứ Âu Châu đem về bán cũng có, các sắc các giống mỹ nữ khắp xứ gần như đủ cả trong tòa cung điện ấy.

Theo lời thương khách buôn bán trong Bạch Đà sơn về thuật lại thì chủ nhân của cung điện ấy xa hoa sung sướng còn hơn các bậc vương hầu, trân châu bảo thạch còn nhiều hơn cả sao trên trời, vàng bạc đầy dẫy kho phòng như núi, dường như không phải là cảnh giới của nhân gian mà đó là động đào thiên giới, còn Âu Dương Liệt vì sao mà chết và do đâu mà Âu Dương Phong lại lên kế vị chức Bạch Đà sơn chủ thì Ngọc Động chân nhân không sao hiểu nổi.

Ngọc Động chân nhân sau khi nghe Âu Dương Phong thổ lộ tên tuổi ra, biết hắn là một ma đầu trứ danh ở Tây Vực. Chân nhân vốn chẳng muốn giao du với tà đạo nhưng lỡ cùng y gặp mặt chuyện trò khó thối thoát được, đành phải ngồi xuống cùng y qua loa vài lời cho khỏi mích lòng.

Hai người cùng ngồi đối diện nhau trên phiến đá cách xa nhau một trượng.

Âu Dương Phong bèn lên tiếng:

– Ngu hạ lần này không ngại ngàn dặm xa xôi đến đất Miêu Cương, trừ sự thu nhặt trứng rắn đem về Bạch Đà sơn ấp dưỡng ra còn muốn kết giao một số dị nhân ẩn tích mai danh nơi thâm sơn tuyệt lãnh, đạo trưởng đối với công phu thổ nạp hẳn là tinh thông lắm vậy.

Ngọc Động chân nhân rúng động trong lòng, cúi đầu chắp tay chậm rãi đáp:

– Nào có như thế, bần đạo cũng chẳng qua được biết một vài phép thô thiển vỡ lòng thôi!

Âu Dương Phong bèn nói tiếp:

– Đạo trưởng không nên khiêm tốn, tại hạ đối với thuật nội công có ít nhiều nghiên cứu, chỉ hiềm thiếu cao nhân chỉ điểm, Hội Đốc hai mạch làm thế nào mới có thể tương thông với Khí Hải nơi đan điền, mong đạo trưởng ban lời chỉ giáo.

Hai câu nói bình thường thuận miệng thốt lời y, khiến Ngọc Động chân nhân không khỏi giật mình đánh thót, vì phàm luyện võ công phải biết luật nội ngoại ngũ hành.

Nội ngũ hành: tâm, can, tì, phế, thận.

Ngoại ngũ hành là: thân, tay, đầu, mắt, chân.

Nếu một người luyện tới mức nội, ngoại hành câu thông nhau thì bản lãnh có thể đổ ngã núi non, mỗi cái nhấc tay đỡ chân, hoặc cái chỉ cái xỉa của ngón tay cũng có thể giết người trong khoảnh khắc.

Âu Dương Phong lại hỏi cách câu thông hai mạch Hội Đốc với Khí Hải ở Đan Điền, chính là câu thông với thận và bao tử hai tạng. Mà trong ngũ tạng thì Tì tạng thuộc Kim, Thận thuộc Thủy.

Trong hai hành Kim và Thủy có một lối câu vô hình của trời đất, là một chướng ngại khó câu thông nhất của các nội gia vận khí nội công.

Nếu như thông được cây cầu trời đất ấy, bản lãnh kể như đã tuyệt đỉnh cao thâm.

Hội chính là Hội Âm, Đốc là Đốc mạch, hai nơi huyệt đạo đó, đều ở thân người nơi cuối đường xương sống dưới mông. Hai huyệt đạo ấy nếu có thể câu thông với Khí Hải nơi phần bụng, bằng như là đem được chân khí chân kình nửa phần phía dưới thân thể vận tất cả vào hai cánh tay, chuyền ra bàn tay và mấy ngón thì những công phu nội gia như Mãng Ngưu Khí, Hỗn Nguyên Công cùng Kim Cang Chỉ hay Nhất Thiền Chỉ rất dễ luyện thành.

Ngọc Động chân nhân thành quả của nội công đã đạt được đến mức Lư Hỏa Thuần Thanh, đối với điểm võ học trọng yếu ấy làm gì chẳng thông suốt, nhưng vì thấy Âu Dương Phong cử chỉ lạ thường, lời ăn tiếng nói xấc xược, ngạo mạn không phải là người trong chính phái võ lâm. Hơn nữa hai người bất quá chỉ mới gặp mặt lần đầu, đâu có thể đem khẩu quyết nội công liên quan đến tính mạng võ gia mà tùy tiện cho người biết một cách bừa bãi được, nên Ngọc Đông Chân nhân khẽ lắc đầu từ chối nói:

– Thật không phải với Âu Dương sơn chủ, vì nội công của bần đạo rất thô thiển, đâu đáng khoe tài chỉ dạy ai, cái gì gọi là Hội Đốc câu thông Đan Điền, bần đạo quả tù mù chẳng hiểu, mong Âu Dương sơn chủ chỉ giáo thêm cho bần đạo.

Âu Dương Phong hết sức bất mãn, dùng giọng mũi “Hừ!” một tiếng, tay áo trái phất trở ngoài mường tượng như dùng tay áo phủi bụi trên một phiến đá, kỳ thật đã kẹp theo một luồng cương khí hùng mạnh đẩy ập vào kẻ đối diện.

Nếu Ngọc Động chân nhân chẳng vận khí kình chống đỡ tất phải rớt khỏi tấm thạch bàn. Ông vội trầm khí đan điền xuống hạ bàn thân, dùng phép Thiên Cân Trụy định thân hình vững như đá núi.

Chưởng lực của Âu Dương Phong đẩy tới toàn thân Ngọc Động chân nhân vẫn y nhiên bất động.

Âu Dương Phong bèn cười lên ha hả nói:

– Đạo hữu quả đúng là kẻ đại trí giả ngu, tài cao vờ ra dốt, song Âu Dương Phong này nhất ý cầu học nghề hay, do lòng chí thành chứ không ngoại ý, nếu đạo hữu chẳng tin lời, ngu hạ có một chút lễ vật gọi là…

Nói đến đây, bèn từ ở trong túi lôi ra một xâu minh châu màu sắc lung linh, quả là loài dạ minh châu giá đáng liên thành rực rỡ hào quang, xâu ngọc ước độ hai mươi viên, mỗi viên lớn bằng trái nhãn, chỉ cần được một viên, suốt đời cũng sung sướng ấm no.

Âu Dương Phong giơ cao xâu chuỗi ngọc và nói tiếp:

– Nếu đạo trưởng bằng lòng chỉ dạy Âu Dương Phong thì xâu minh châu này xin kính dâng đạo trưởng gọi là lễ tương kiến, còn mời đạo trưởng đến tận Bạch Đà sơn Cốc cùng chung hưởng tiêu diêu lạc thú của nhân gian, đạo trưởng có thể cỡi bỏ lớp phong trần để thưởng thức thế giới thiên đàng của tệ xá.

Ngọc Động chân nhân thấy y ngang nhiên đem vật ngọc ngà trần tục để lung lạc mê hoặc mình, liền biến ngay sắc mặt, phủi áo đứng dậy nói:

– Lời của Sơn chủ sai rồi, bần đạo là kẻ xuất gia cầu đạo, tuyệt bỏ lợi danh tham dục. Âu Dương sơn chủ lại dùng vật ô uế này để dẫn dụ kẻ xuất gia chẳng lẽ định phá hoại giới hạnh thanh tu của tôi sao? Đạo chẳng đồng chẳng nên giao kiến, bần đạo xin tạ từ nơi đây!

Ngọc Động chân nhân nhìn thấy Âu Dương Phong là người hạ tiện vô cùng, lòng dạ lại lang độc hiểm ác, nên chẳng muốn lôi thôi buộc ràng với y thêm làm gì, bèn đứng dậy cáo biệt.

Âu Dương Phong thấy Ngọc Động chân nhân không bị mình lung lạc được, bèn cười lên gian hiểm, xách cây đàn tranh đứng dậy, cất cười âm trầm nói:

– Đạo trưởng, rượu kính không uống đòi uống rượu phạt chăng?

Ngọc Động chân nhân chưa kịp đáp lời, thì Âu Dương Phong, bỗng ngầm vận nội kình, bứt đứt dây vàng xỏ ngang chuỗi minh châu, vung tay rải một cái, hai mươi viên ngọc quí, thẳng băng một đường tựa như một chuỗi sao xẹt, lửa hoa bay vút ra, mỗi viên ngọc đều nhắm chuẩn yếu huyệt trên châu thân Ngọc Động chân nhân lao nhanh tới.

Chân nhân tay trái đang phe phẩy, chợt thấy Âu Dương Phong đem ngọc quí thế cho thiết đạn bắn vào người mình theo tuyệt kỹ “Mãn Thiên Sái Kim Tiền”, trong lòng không khỏi nổi giận, tay áo cuốn lên một cái, phất trần bên tay phải đảo vung loang loáng, vù vù lên mấy tiếng, hai mươi mấy viên ngọc nhanh mạnh như những hòn đạn sắt kia đều bị ngọn phất trần của Chân nhân cuốn gọn lại vận sức rũ một cái, từng viên ngọc quí rơi trên mặt đất vang lên những tiếng kêu nho nhỏ và nát biến như bột vụn.

Âu Dương Phong biết rõ công phu dùng phất trần để đánh bể những viên ngọc quí vừa rồi, Ngọc Động chân nhân vừa sử dụng tên là “Ưng Lạc Quần Nha” (ưng rơi giữa bầy quạ) là tuyệt kỹ tinh hoa trong Kim Cang nội gia công, tức thì đổi ngay sắc mặt tươi cười, vòng tay nói:

– Cam thất lễ, tại hạ nhất thời lóa mắt, không biết đạo trưởng là vị cao nhân, bụng đầy tuyệt kỹ nên múa rìu qua mắt thợ, thật hổ thẹn vô cùng, mong được tha thứ.

Ngọc Động chân nhân thấy y đã nói thế, không nỡ làm mất mặt đối phương, nên cũng ôn tồn cúi đầu đáp:

– Vô lượng thọ phật, Âu Dương sơn chủ quá lời thôi! Xin tái kiến.

Ông vừa quay người bước đi, thình lình sau lưng nghe “vù!” một tiếng, rồi có một vật binh khí xé gió kẹp theo cả tiếng dây đồng ù ù rất lạ tai, nhắm ngay lưng mình quét xả tới.

Thật là một sự đột kích vừa nhanh vừa mạnh không thể lường trước được.

Ngọc Động chân nhân chẳng ngờ nổi Âu Dương Phong sâu hiểm độc ác đến thế, lửa giận ông bốc cao lên đầu, không còn vị nể gì được nữa. Ông lại biết rõ khí giới của Âu Dương Phong đang dùng đột kích mình chính là cây đàn tranh quái dị nọ, mà cây đàn tranh của y dùng thép ròng đúc thành, dây huyền làm bằng gân nai thật già, có thể thay thế khí giới tấn công kẻ địch, ông dù muốn tránh cũng chẳng kịp.

Ngọc Động chân nhân chỉ còn cách quay phắt người lại, cánh tay phải gạt mạnh trở ra. Chân nhân định bụng dùng nội lực Kim Cang Kình, lấy sống bàn tay bẻ cây thiết tranh của Âu Dương Phong, sau đấy trả lễ lại một đòn sát thủ, để y nếm mùi lợi hại.

Ngờ đâu cây thiết tranh của Âu Dương Phong lại tầm phỗng bên trong, đầu tranh có lưỡi gà, đầu lưỡi gà có gắn hai con rắn giả đúc bằng chất nhuyễn cang, thoa lên lớp sơn đen, in hệt như rắn thiệt, miệng rắn lại có hai chiếc nanh thép sắc bén tẩm luyện trong nọc rắn độc, có thể tự động nhả ra táp, y như rắn thật cắn phải vậy.

Ngọc Động chân nhân chẳng dè cây đàn tranh ấy lại giấu thứ ám khí độc giết người kia, cánh tay trái vừa chạm phải cây đàn, tức thì “vút! vút!” hai tiếng xé rít không khí, từ trong cây đàn bỗng bắn ra hai vật lạ giống như đầu rắn chích vào phía sau bả vai một cái đau nhói, liền khi cảm thấy nơi chỗ bị chích vừa ngứa vừa tê.

Chân nhân lập tức biết ngay là một phút vô ý bị trúng phải ám khí của tên ma đầu, lửa giận càng xung tim quát lên như sấm:

– Quân vô sỉ, bần đạo cùng mi liều mạng mới được!

Miệng quát tay đã vù ra chưởng quét tréo vào người Âu Dương Phong.

Âu Dương Phong thấy mình được thế, đắc ý cười lên như điên, nhảy lùi ra sau, nhanh như một cơn gió băng mình qua gộp đá chạy lủi vào rừng sâu.

Ngọc Động chân nhân căm hận cực cùng, tay phải vung mạnh đuôi phất trần quay ngược như mũi phiêu thương lao vun vút vào phía lưng của gã ma đầu.

Âu Dương Phong lẹ như cắt lủi tuốt vào rừng tràn về một phía, đuôi phất trần lao chẳng trúng, ghim sọc vào một thân cây rừng, cán phất trần lút sâu vào thân cây trên nửa thước.

Âu Dương Phong lỏn sâu vào rừng, cất cao giọng nói vọng lại:

– Lão thầy chùa mũi trâu còn định ăn thua với ta nữa sao, chỉ một giờ sau là mi mất mạng rồi đấy, liệu mà tìm chỗ chôn thây đi!

Ngọc Động chân nhân sực nghĩ lại cũng phải, mình đã trúng ám khí của đối phương nếu còn đuổi theo giao đấu dùng sức chạy nhảy thì lại càng mau chết. Vì nếu cùng đối phương giao tay, huyết mạch càng gia tốc để lưu chuyển khắp châu thân, độc khí vào tim phổi công phạt càng mau hơn, một giờ đồng hồ sau là ngã chết chẳng phương cứu chữa.

Ngọc Động chân nhân nghĩ thế bèn lớn tiếng quát mắng:

– Tặc tử, bần đạo cùng mi người dưng kẻ lạ, chẳng oán chẳng thù người lại đan tâm hạ độc thủ ta như thế này, còn mặt mũi nào mà tự xưng tông sư miền Tây Vực, thật là quân tồi bại sài lang.

Âu Dương Phong từ bên trong rừng, cười lên khách khách nghe rất quái dị và nói:

– Tuy ta hạ độc thủ hại mi, nhưng trên người ta vẫn có thuốc chữa, nếu mi muốn còn mạng cũng dễ chỉ cần đưa ra yếu quyết, nội công thế nào để câu thông thận tì hai tạng, khai xuyên cây cầu Thiên Địa của bản thể, ta sẽ lập tức chữa ngươi hết độc ngay, còn có thể hóa địch thành bạn, chết sống hai lòng tự ý ngươi chọn lấy! Khè…Khè!

Y càng cười, Ngọc Động chân nhân nghe lửa giận càng xông cao, cảm thấy nơi bộ phận ngứa ngáy của vết thương dần dần lan rộng ra xung quanh, sau bả vai nhức người như bị trăm ngàn con ong độc đang đốt cắn phải.

Ngọc Động chân nhân giọng căm hận nói:

– Âu Dương Phong, mi tưởng dùng thủ đoạn đê tiện hèn hạ ấy có thể bức bách ta phải khai yếu quyết nội công cho mi học sao? Bần đạo dù chết chí vẫn không sờn, thà bỏ mạng chứ không thể chỉ dạy tên học trò đê tiện và vô sỉ như mi, hơn nữa ta vẫn có thuốc để giải độc được, mi đừng lầm.

Nói đoạn, quay người dùng thuật lục địa phi hành chạy vun vút ra khỏi sơn cốc, ròng rã một đêm hai ngày mới vào đến địa phận thành Đại Lý. Nhưng vì sức đã cùng lực kiệt để tranh thủ với độc tố đang lan dần trong cơ thể. Tới bờ tường hoàng thành thì thần trí đã mê man dở hôn dở tỉnh, nên vừa gắng sức thoát khỏi rào tường đã từ trên mái ngói lăn rớt xuống đất, nhưng vẫn còn cố định được trí nhớ nhờ Đoàn Cẩm giúp mình chạy chữa vết thương.

Đoàn Cẩm sau khi nghe xong, giận đến tóc tai dựng ngược, hận không được tức thời đến Mãng Thương sơn tìm Âu Dương Phong để trả hận.

Crypto.com Exchange

< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác


Võ lâm ngũ bá