Hồi 60: Giết Cướp Thoát Thân
Hồi 60: Giết Cướp Thoát Thân
Thấy bốn người trong gia đình đều bất tỉnh mê man, Đào Tông Kĩnh phẹt một bãi nước miếng xuống đất nói:
– Toàn là đồ vô dụng, nhát như cheo!
Lại quay sang bảo tả hữu:
– Đem ba cái xác chết, vùi ngoài đồng trống lau quét máu me cho sạch sẽ, hai thằng già với mụ lão tống giam xuống hầm tối. Đêm nay dọn sẵn lễ mừng ta cùng mỹ nhân thành thân!
Trịnh, Võ hai người đối với việc Đào Tông Kĩnh giết người như đã quen mắt, chẳng tỏ chút gì lạ hay trách cứ, còn cười bảo:
– Hiền đệ nói gì lạ vậy? Nếu đêm nay thành thân phải để cho ngu huynh cung hạ chớ!
Đào Tông Kĩnh hết sức cao hứng, sai cắt thủ hạ chuẩn bị mọi thứ.
Tuy trong sơn trại chẳng giăng hoa kết đèn nhưng đêm ấy cũng náo nhiệt vô cùng, nhộn nhàng và vang lên tiếng cười hô hố khả ố của bọn lâu la đầu mục.
Đêm mới vừa buông canh, Đào Tông Kĩnh mặc một chiếc áo tân lang do mười mấy tên đầu mục dắt hoa tươi theo hầu hí hửng đi đến lữ đường chờ đợi tân nương ra giao bái trời đất.
Nào ngờ y chờ cả buổi, trống ngũ âm trổi lên mấy lượt cũng chẳng thấy cô dâu bước ra.
Đào Tông Kĩnh đang hồ nghi phân vân thì từ ngoài vọng lại tiếng la hét vang trời, rồi có mấy tên tiểu cướp chạy đâm sầm vào hổn hển báo cáo:
– Đại vương, không xong rồi! Tân nương chẳng biết từ đâu nhặt được chiếc kéo, thấy người là đâm túi bụi, đã có ba người bị nàng đâm trúng thương rồi!
Đào Tông Kĩnh cả giận hét to:
– Đâu có thể lộng như vậy được! Con tiện tỳ này chẳng chịu ra bái lễ tơ hồng, dám liều lĩnh đến như thế ấy sao!
Y quên cả chiếc áo tân lang hoa lệ trên ngực, nhảy ba bước chạy đến tân phòng.
Quả như lời báo cáo, Phùng Hương Điệp nắm chặt một mũi kéo sáng loáng đang cùng hai mụ đàn bà có phận sự phù dâu cấu xé lăn lộn nhau trên mặt đất.
Đào Tông Kĩnh cơn điên nổi lên, chẳng hỏi ngọn ngành búng chân đá mỗi mụ phù dâu nhào hết về một phía.
Phùng Hương Điệp từ dưới đất lồm cồm ngồi dậy, chiếc áo tân nương đã rách be bét khắp nơi.
Đào Tông Kĩnh quát to:
– Nàng điên rồi sao? Đêm nay ta cùng nàng giao bái trời đất để kết tình chồng vợ, sao nàng còn ở đây làm trò quỷ gì thế?
Phùng Hương Điệp mặt phấn đổi màu xanh, lắng lặng chẳng đáp lời, thình lình giơ cao mũi kéo đâm vào người Đào Tông Kĩnh!
Nhưng dù sao nàng chỉ là một cô gái yếu đuối, làm sao bì kịp với một gã sức vóc vạm vỡ lại tinh thông võ nghệ?
Mũi kéo chưa chạm được vào làn áo của đối phương thì trên mặt đã “bốp!” một tiếng.
Hương Điệp hứng trọn vẹn một cái tát tai phũ phàng của tên cướp biển, xiểng niểng không sao gượng được té ngửa dưới đất!
Đào Tông Kĩnh định tiến lên túm lấy tóc nàng kéo dựng dậy nào ngờ Phùng Hương Điệp hả rộng đôi môi son táp nhầu vào bắp chuối non của y.
Đào Tông Kĩnh đau điếng nhảy dựng lên, chân còn lại bung ra một bước, đá nàng nhào trái trở ra sau.
Phùng Hương Điệp, chẳng thèm kêu rên, đứng phắt dậy, chộp lấy đồ vật trên bàn, ném liên tiếp vào mặt tên cướp, khiến kiếng, lược, bình, chung trà, tất cả vật dụng trong phòng thi nhau rớt bể nát.
Đào Tông Kĩnh cả giận, hét vang:
– Con tiện tỳ đáng ghét kia, mi tưởng là liều chết chứ không ưng thuận rồi Đào lão gia đây chịu thua mi sao! Được lắm, để cho mi xót dạ đau lòng thử xem mi còn cưỡng lý đến bực nào cho biết!
Nói đoạn quay sang dặn nhỏ tên thủ hạ mấy câu.
Tên tiểu tặc liền gật đầu đi liền, khoảnh khắc sau trở lại còn dắt theo hai người một nam một nữ.
Phùng Hương Điệp thấy mặt hai người ấy, liền run rẩy biến sắc, té ra hai người bị trói dính vào chính là cha mẹ của nàng.
Đào Tông Kĩnh quát một tiếng ra lịnh, đám lâu la liền nắm đầu dây rút treo vợ chồng họ Phùng, treo tòn ten trên xà nhà, tựa như tuồng đánh đu một thứ.
Đào Tông Kĩnh khoái trá cười lên hô hố và quát:
– Con tiện tỳ, nếu mi chẳng chịu thành thân với ta, ta sẽ treo cha mẹ mi như thế và đánh cho thịt nát da rơi mới thôi, thử xem mi có đau lòng hay không?
Y lại quát thủ hạ đem đến một ngọn roi đuôi cá đuôi gai chơm chởm.
Tên cướp chúa hung ác dị thường, vừa tiếp lấy ngọn roi đã vung “phắc!” một tiếng quất vào người Phùng Lai, khiến chiếc áo trên người ông bị rách xoạt một đường dài, máu tươi bắn ra lốm đốm trên mặt đất.
Phùng Lai đau đớn kêu thét lên như bị chọc tiết!
Đào Tông Kĩnh cười lên hăng hắc nghe rất khả ố, vung ngọn roi cá đuối kêu vun vút trong không khí định đánh vào mông Tần thị.
Phùng Hương Điệp hoảng hốt la to:
– Tôi chịu rồi! Ông đừng đánh mẹ tôi!
Đào Tông Kĩnh thâu nhanh ngọn roi trở về cười sằng sặc bảo:
– Cưng ơi! Cái đó gọi là “Rượu dâng không uống, uống rượu phạt, chưa thấy quan tài, lệ chưa rơi!” hì hì!
Y vẫy tay ra dấu cho bọn tiểu tốt thả vợ chồng Tần thị xuống đất.
Phùng Hương Điệp vội chạy đến ôm mẹ khóc ngất và nói:
– Má đừng trách con gái má bất hiếu!
Phùng Lai bị bọn cướp hành hạ hơn nửa ngày trời, lại lãnh thêm ngọn roi vào lưng thấu tim phổi, thở hổn hển bảo con gái:
– Điệp nhi…cha dù chết cũng chẳng hề gì, con phải giữ đừng cho thất tiết.
Phùng Hương Điệp lòng đau như xé quỳ trước mặt cha khóc đáp:
– Thưa cha con làm sao dám trái lời cha giáo huấn từ lâu, con… con xin lạy tạ ân cha mười sáu năm dưỡng dục cù lao!
Nói xong nàng cúi đầu phủ phục xuống đất khóc như mưa.
Phùng Lai hiểu rõ dụng ý của con gái mình, cười thảm não nói:
– Hay! Hay! Con có thể làm như vậy, cha dù dưới cửu tuyền cũng an lòng nhắm mắt! Công mẹ con, công mười tháng cưu mang, con cũng nên lạy tạ ơn mẹ mới phải!
Hương Điệp khóc không thành tiếng.
Đào Tông Kĩnh đã đợi lâu không chịu được quát lớn:
– Mẹ mẹ cha cha cái đếch khô gì, có mau đổi áo tân nương ra ngoài bái đường cho mau hay không?
Hương Điệp biết lần này mình ra tay, sẽ mãi không còn thấy mẹ cha, đau đớn vạn phần ruột mềm từng khúc, nhưng trước sự bức bách của tên dâm tặc, chỉ đành riu ríu đứng dậy, nước mắt trào dâng như suối, thê thảm nói:
– Cha mẹ nên thận trọng, con đi đây!
Tần thị nghe thấu thâm ý dặn dò của con gái, ôm chặt Hương Điệp vào lòng.
Đào Tông Kĩnh thấy gai mắt cả giận quát:
– Hai con chó già kia cứ mẹ mẹ cha cha với con gái, mãi làm cái trò khỉ khô gì thế? Bộ định đưa ma hay sao? Có mau buông tay hay không, nếu còn lôi thôi đừng trách lão gia chẳng vị tình cha vợ đấy!
Y lại quay sang hét ra lịnh bọn tiểu tốt:
– Đưa hai con chó già đáng ghét này ra khỏi nơi đây mau!
Tiếp theo đấy y quát tháo bọn tỳ nữ dắt tân nương ra sau thay đổi kiết phục!
Phùng Hương Điệp đã ôm sẵn ý định, nước mắt ráo hoảnh đôi ngươi ngời tia sáng lạ thường, bị bọn tỳ nữ kéo thẳng vào phòng, cài hoa thoa phấn rồi dắt đến lễ đường cùng Đào Tông Kĩnh giao bái Thiên Địa một lễ nghi hoàn tất trong tiếng sáo nhạc tưng bừng.
Đào Tông Kĩnh mặt mày hí hửng tưởng đâu đêm nay có thể cùng người đẹp vầy duyên cá nước!
Sau canh hai đêm ấy, Đào Tông Kĩnh nơi khách đường mọi người đổ rượu say mèm, chân nam đá chân xuôi trở về tân phòng.
Phùng Hương Điệp gầm đầu ngồi yên trên giường, hỷ nương ngồi kế bên khuyên nhủ.
Đào Tông Kĩnh vừa bước vào phòng lập tức khoát tay xua đuổi đám hỷ nương.
Đám hỷ nương biết rõ tánh hung ác của Câu Bác Vỹ Quy nên mạnh ai nấy riu ríu chuồn.
Đào Tông Kĩnh cười khẩy bảo Hương Điệp:
– Chúng ta là vợ chồng rồi còn gì nữa mà thẹn thùng! Uống vài hiệp rượu cẩn với ta đi cưng!
Phùng Hương Điệp nghiến răng, gượng vẻ mặt vui vẻ đáp:
– Đại vương đêm hôm nay tiện thiếp đã là người của Đại vương, nhưng thiếp có một điều yêu cầu Đại vương, chẳng hay Đại vương thuận lòng chăng?
Đào Tông Kĩnh hồ nghi nhìn khuôn mặt mỹ miều như hoa xuân, cười lên hô hố nói:
– Nương tử, có chuyện gì cứ nói ra chẳng ngại?
Phùng Hương Điệp nói:
– Cha thiếp tuổi già hay bịnh, mẹ thiếp thể chất cũng yếu đuối dễ đau, hai người không thích ở trên hải đảo, Đại vương thương thiếp thật lòng xin ban cho người chút ân huệ, cấp cho chiếc thuyền con, bảo hai người lập tức rời khỏi nơi đây.
Đào Tông Kĩnh ngạc nhiên hỏi:
– Ủa! Hai ông bà không chịu ở trên đảo thật sao! Lưu lại trên Hắc Phong đảo này có phải tiện hơn không, khỏi sợ tên Ngõa tri phủ bắt bớ truy tầm gì hết.
Phùng Hương Điệp lắc đầu đáp:
– Không được, ông là người trói gà không chặt, bảo ông ở trong sào huyệt bọn cướp phỏng có ích lợi gì! Ông cũng không thể giúp các ngươi đánh lộn giựt đồ chẳng lẽ ngồi không tọa hưởng hay sao, ông là người khí khái không chịu như thế đâu.
Đào Tông Kĩnh không chịu được sự lải nhải gạt ngang:
– Rồi, rồi! Nếu ông không ưng ở nơi đây chúng chẳng cầm cọng làm gì, đêm tối như thế này, mai sẽ cấp thuyền cho ông bà đi ngay!
Phùng Hương Điệp lại nói:
– Hai ông bà muốn rời khỏi đêm nay chớ chẳng chịu nhìn con gái sa vào tay giặc. Đại vương nên lập tức cấp thuyền đưa hai ông bà đi cho rồi!
Nếu như ngày thường, tất Đào Tông Kĩnh sẽ nghi ngờ nhưng vì đêm nay y cao hứng đến tuyệt độ, lại có hơi men chếch choáng nên chẳng chút suy nghĩ đắn đo gật đầu ưng thuận.
Rồi lập tức bảo hai người xuống thuyền đi là xong chuyện.
Y bèn gọi một tên lâu la dặn dò mấy câu, bảo phải chuẩn bị một chiếc thuyền đưa vợ chồng Phùng lão tiên sinh rời khỏi đảo.
Tên lâu la nhất nhất vâng lời theo lịnh.
Phùng Hương Điệp thấy cha mẹ mình đã thoát hiểm mới yên lòng, nàng mỉm cười cố tạo vẻ tươi cười cầm lấy bình rượu rót đầy dâng lên.
Đào Tông Kĩnh mừng rỡ cười híp mắt tay trên chân dưới làm đủ trò khả ố.
Phùng Hương Điệp một mực tránh né và nói:
– Đại vương, thiếp là người của Đại vương rồi vội làm gì, hãy uống thêm vài ly hợp cẩn với thiếp đã chớ!
Đào Tông Kĩnh lè nhè đáp:
– Phải lắm! Rượu say gối vế mỹ nhân êm mềm hương thoảng nản lòng trượng phu hè… hè..! Nương tử, rượu uống!
Phùng Hương Điệp liên tiếp rót bảy tám chén rượu ép Đào Tông Kĩnh uống cạn.
Đào Tông Kĩnh nửa say men rượu, nửa say sóng tình, bị Hương Điệp chuốc rượu cho một hơi, say nằm dựa ngửa trên ghế thái sư, ngáy vang như sấm.
Phùng Hương Điệp khẽ lay gọi y.
– Đại vương!
Đào Tông Kĩnh lảm nhảm đáp vài tiếng rồi ngáy trở lại nhau rống, chứng tỏ y đã say mèm như đất cục.
Hương Điệp cắn chặt hàm răng, cởi chiết mão phụng trên đầu, đi đến bên giường lôi dưới chiếu ra một chiếc kéo sáng loáng mà nàng đã ăn cắp được của bọn người hỷ nương lúc nãy và giấu sẵn nơi ấy!
Phùng Hương Điệp bậm môi giơ cao mũi kéo đâm lút cáng vào yết hầu của tên cướp.
Thì ra nàng từ thuở nhỏ được phụ thân dạy dỗ theo khí tiết thơ hương, trong đầu óc đầy dẫy những nhân vật nữ lưu trinh liệt như “Trinh nữ truyện”, “Liệt nữ từ”…. Thường lấy nhân vật trong cốt truyện để tự răn lấy mình, nên đâu thể chịu thất thân với bọn cướp sát nhân.
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác