Hồi 09: Coi Thủy Triều Gặp Tai Nạn

Hồi 09: Coi Thủy Triều Gặp Tai Nạn


Hồi 09: Coi Thủy Triều Gặp Tai Nạn


Hoàng viên ngoại từ khi nghe Hiểu Vân thiền sư giảng giải về nhà hết lòng làm điều thiện. Những nơi tô tượng, đúc chuông, xây chùa, đắp đường, làm trường học việc gì viên ngoại cũng tham gia đóng góp.

Đối với Hoàng Cố, viên ngoại càng hết sức thương yêu, những nơi nào có lửa tuyệt đối không cho lại gần, nhất là những chốn bếp nước, hay những chỗ đốt vàng mã, đều bắt Hoàng Cố tránh cho xa.

Cả đến lúc nhúm lửa đốt đèn cũng không cho Công tử lại gần. Thật là Hoàng viên ngoại đã làm hết sức của mình để tránh tai nạn theo như lời Hiểu Vân thiền sư đã nói.

Hoàng viên ngoại là người rất tin ở số mệnh, nên hết lòng gìn giữ và dặn bảo lũ gia nhân phải theo lời của viên ngoại mà ngăn giữ Hoàng Cố.

Vì sự giữ gìn săn sóc chu đáo như vậy nên Hoàng Cố cũng rất sợ lửa, trông thấy lập tức Công tử lánh xa.

Quang âm thấm thoát, ngày tháng như thoi đưa, chẳng mấy chốc đã qua ba năm, Hoàng Cố đã được mười lăm tuổi, tức là năm mà Hiểu Thiện thiền sư xem tướng và nói trước Hoàng Cố sẽ gặp nạn lửa mà chết yểu.

Hoàng viên ngoại càng hết sức đề phòng, không rời Công tử một phút nào.

Từ bữa ăn, đến giấc ngủ, viên ngoại tự mình coi sóc từng tý một.

Ngay cả chiếc đèn thắp trong phòng của Công tử, viên ngoại cũng không cho thắp lên nữa, qua hạ sang thu chỉ còn mấy tháng nữa là Hoàng Cố sẽ thoát nạn. Hoàng viên ngoại hết sức vui mừng.

Hàng năm cứ đến ngày Trung Thu là tất cả những người vùng Chiết Đông đều kéo đến bò sông Tiền Đường xem nước thủy triều lên xuống.

Sông Tiền Đường ở gần huyện Hải Ninh lại còn có tên là Chỉ Giang nữa. Từ phía đông chảy ra biển, hình như cái loa kèn ngoài rộng trong hẹp.

Ngoài cửa Tiền Đường lại có mấy hòn đảo nhỏ nhô lên khỏi mặt nước, những lúc nước triều lên sóng đánh vào những hòn đá đó thành những con nước cao lên đến mấy chục trượng trông rất là ngoạn mục.

Người dân ở tỉnh Triết Đông lại có những lời tương truyền rằng đến xem thủy triều có thể bớt được sự tai nạn.

Dĩ nhiên Hoàng viên ngoại cũng mang Hoàng Cố đến xem thủy triều sông Tiền Đường.

Bằng hữu Vào ngày mười sáu tháng tám, hai cha con viên ngoại và người nhà đến bờ Tiền Đường giang, trên đường đi gặp biết bao nhiêu du khách các nơi đổ đến.

Người đi, kẻ lại dập dìu như đám hội. Nhiều căn liều mới dựng làm chỗ bán các thức ăn và giải khát.

Hoàng viên ngoại tìm một tiệm ăn trong sạch, dẫn Hoàng Cố và gia nhân vào chọn chỗ ngồi khoáng khoát.

Bọn tửu bảo lăng xăng chạy đến mang nước trà và các món điểm tâm lại, hai cha con viên ngoại vừa ăn vừa chuyện trò rất vui vẻ.

Hoàng Cố bẩm chất rất thông minh, tài văn thơ đã nổi tiếng, thấy cảnh sinh tình, chỉ phút chốc đã làm liền mấy bài thơ, ý tứ thanh cao, lời thơ lưu loát. Hoàng viên ngoại nghe Công tử bình thơ thì trong lòng tự nghĩ:

– Xưa kia Lý Hà cỡi lừa du ngoạn, lúc trở về đã sáng tác được nhiều bài thơ bất hủ, tiếc thay mệnh bạc, chỉ sống đến năm 23 tuổi. Hoàng Cố mới thấy cảnh đã xuất khẩu thành chương thực là thiên tài, e không thoát khỏi yểu mệnh.

Hoàng viên ngoại nghĩ như thế, thốt nhiên buồn rầu, thở dài một tiếng.

Hoàng Cố thấy viên ngoại đang vui vẻ, bỗng nhiên thay đổi như thế không hiểu vì lẽ gì, chàng muốn cho viên ngoại khuây lãng nên reo to:

– Phụ thân, nước thủy triều đã lên kìa, thật là thập vạn quân thanh bán dạ triều.

Hoàng viên ngoại và tất cả mọi người đều nhìn ra ngoài sông lúc bấy giờ mặt trời đã xế về Tây.

Mặt trăng mới mọc phía đông, từ đàng xa bỗng tuôn lên một luồng sóng bạc trắng xóa, cuồn cuộn chảy vào, nhọn gió đưa theo mát lạnh.

Ngọn sóng càng đến gần, càng nghe thấy tiếng ầm ầm, vang dậy như thiên binh vạn mã. Ngọn sóng cao lên bảy tám trượng như trái núi đổ xô tới reo vào bờ, bọt tung lên trắng xóa, cảnh vật bỗng huyên náo cả lên, Hoàng viên ngoại cầm tay Hoàng Cố dắt ra khán đài cho mãn nhãn.

Hai cha con đang mải mê ngắm cảnh những hòn đảo nhỏ ở ngoài xa bị những luồng sóng lớn bao phủ như chìm hẳn xuống đáy biển.

Mặt trăng đã lên cao, chiếu xuống mặt nước lấp lánh, nhô lên nhô xuống trông như trăm ngàn con rắn bạch.

Ngờ đâu tai nạn lại mang đến thình lình, đằng sau hai cha con có một lão trượng ăn mặc tỏ ra một bực giàu có, hút ống điếu dài ngoằng.

Ông ta nhét đầy thuốc vào ống, mang đá lửa ra đánh để hút thuốc, gió thổi thật mạnh, phải đánh đến bốn năm lấn mới mồi được điếu thuốc.

Lão trượng hít một hơi thật dài, bất ngờ có một luồng gió mạnh thổi đến, tàn thuốc trong ống bay ra, rớt ngay vào cỗ áo của Hoàng Cố, chỉ một loáng, tàn lửa đã cháy loang một mảng áo khá lớn, mùi vải khét nghẹt.

Một tên gia nhân đứng đằng sau Hoàng Cố kêu to:

– Nguy to! Nguy to! áo của thiếu chủ nhân cháy rồi.

Vừa kêu vừa chạy lại đập đập vào vai áo để dập tắt lửa đi, Hoàng Cố đang say sưa ngắm cảnh thiên nhiên, thốt nhiên thấy tiếng kêu của tên gia nhân, thấy nóng ở sau cổ, ngoảnh lại, thấy khói bay và thấp thoáng có ánh lửa, thì hoảng kinh chẳng còn hồn vía, đáng lẽ Hoàng Cố cởi áo ra và để gia nhân dập một chút thì hết ngay.

Nhưng đã ba năm nay Hoàng Cố bị ám ảnh bởi câu nói của vị thiền sư chủ trí tại Thiền Đông tự là sau đây mình sẽ chết vì nghiệp lửa, cho nên khi thấy lửa cháy ngay ở cổ áo mình thì hốt hoảng không còn bình tĩnh, lập tức nhảy xuống khán đài, nhắm thẳng bờ biển chạy tới.

Từ khán đài đến biển chỉ cách độ mười trượng, Hoàng Cố tâm thần bất định, cắm cổ chạy tới như bay, nhào ngay xuống nước, với mục đích dập tắt lửa mà thôi.

Hoàng viên ngoại cùng mấy tên gia nhân trong lúc bất ngờ thấy Hoàng Cố phóng mình xuống khán đài, không kịp ngăn trở.

Đến khi Hoàng công tử chạy xuống bờ biển, thì Hoàng viên ngoại cũng vội vã, tất tả đuổi theo, nhưng Hoàng Cố đã lao vụt xuống mặt nước đánh “Ùm” một tiếng, đồng thời lúc đó nước thủy triều lại dâng lên, ngọn nước trắng xóa cao bằng nóc nhà đổ tới ầm ầm, kéo luôn Hoàng công tử ra ngoài biển khơi, Hoàng viên ngoại cả kinh kêu to:

– Hoàng Cố! Hoàng Cố!

Nhưng than ôi! Ngọn nước vô tình đã mang đứa con độc nhất của họ Hoàng ra biển cả không còn tung tích nữa.

Hoàng viên ngoại gào thét như điên cuồng nhắm mắt định gieo mình tự tử, kẻ gia nhân chạy tới ôm chặt lấy viên ngoại kéo vào, can gián chẳng dứt. Hoàng viên ngoại vừa la vừa khóc, khi thấy ông già hút thuốc làm cháy áo của Hoàng Cố thì không nén được cơn giận dữ nắm ngay lấy ngực áo ông quát to:

– Lão già khốn kiếp, mau thường mạng cho con ta.

Nói dứt lời, Hoàng viên ngoại tay đấm, chân đá, xé rách cả quần áo của ông già nọ. Lão trượng họ Kim không thể ngờ có sự xảy ra như vậy, cố gỡ mà không được, bị Hoàng viên ngoại nắm được chòm râu cứ thế mà rứt, lão già họ Kim đau kêu trời như bọng!

Mọi người chung quanh thấy thế vừa thương hại, vừa buồn cười, xúm lại gỡ mãi Hoàng viên ngoại mới chịu rời tay ra.

Quần áo lão trượng họ Kim đã rách nát tả tơi, bộ râu đẹp đẽ đã bị vặt trụi quá nửa.

Vừa đau, vừa tức, lại vừa sợ, họ Kim chưa kịp nói năng gì thì Hoàng viên ngoại đã chỉ tay vào mặt quát mắng:

– Lão già gần kề miệng lỗ kia, mi thật là vô dụng, hút làm gì mà để cho lửa tạt cháy áo con ta, khiến nó sợ hãi chạy nhào xuống biển, mới bị nước cuốn đi, mi phải thường mạng cho con ta nếu không ta cũng quyết liều cái mạng già này với mi.

Nói rồi Hoàng viên ngoại lăn sả vào toan đánh họ Kim một trận nữa. Mọi người đều xúm vào can ngăn, mỗi người một lời khuyên giải.

Còn Hoàng Cố trong lúc thảng thốt, không kịp suy nghĩ cho là nhảy xuống nước sẽ dập tắt được ngọn lửa, chẳng dè bị luồng sóng lớn cuốn ra biển, nhồi lên nhồi xuống, như có sức ép ngàn cân dồn vào ngực không kịp kêu lên một tiếng nào, ngất xỉu đi.

Tâm hồn phiêu phiêu, chẳng biết ỏ dưới biển cả bao lâu, bỗng giật mình choàng tỉnh, thấy nằm trong một cái khoang thuyền, sực nhớ lại chuyện vừa qua không hiểu mình còn sống hay đã chết, ngước mắt nhìn quanh, thấy bên cạnh một lão trượng đang ngồi uống rượu, trước mặt còn có một cuốn sách viết một hàng chữ lớn: “Châu Dịch Kinh Thi”. Hoàng Cố chống tay ngồi dậy thì đầu hoa mắt choáng, kêu sẽ lên hai tiếng:

– Ối chao!

Lão trượng giật mình quay lại, hai mắt sáng quắc như hai ngôi sao lóng lánh nhìn Hoàng Cố mỉm cười, cất tiếng sang sảng như tiếng chuông đồng dịu dàng nói:

– Con đã tỉnh dậy đấy ư, hãy nằm im một chút cho khỏe hẳn đã. Cớ sao con lại bị rơi xuống bể?

Hoàng Cố hãy còn ngơ ngẩn giây lát tâm thần ổn định thì thuật lại hết đầu đuôi gốc ngọn. Lão nhân nghe xong vuốt râu cười khanh khách:

– Số con chưa chết, nên con gặp được ta giải cứu, thôi con còn yếu sức hãy nằm yên nghỉ.

Hoàng Cố vâng lời nằm yên, chàng liếc mắt quan sát thấy con thuyền, chẳng được lớn lắm, không phải thuyền câu, ngoài ông lão ra còn có một người trai tráng đang chèo.

Lão nhân cầm bình rượu tu một hơi, đoạn cất tiếng sang sảng ngâm bản “Hái Dâu” của Âu Dương Tu, giọng lão trượng rất tốt vang lên tiếng trong, tiếng đục, trầm bổng du dương.

Trong lúc tửu hứng, nguồn thơ lai láng, bỗng nhiên lão trượng nói to:

– Rượu suông không có đồ nhắm còn gì buồn hơn, đề ta bắt mấy con cá lên làm đồ nhắm và nấu bát cháo ăn chơi.

Nói dứt lời, lão trượng bước khỏi khoang ra mũi thuyền nhìn xuống mặt biển.

Ông ta giơ tay phóng hờ xuống mặt nước, một tiếng “ùm” vang lên, chiếc thuyền tròng trành muốn đắm.

Hoàng Cố thất kinh, vội vàng nhỏm dậy giữ chặt lấy mạn thuyền nhìn ra, thấy khi ba đào sóng lặng mặt biển trỏ lại bình thường thì ở dưới nước bỗng nổi lên một đôi cá dài chừng hai thước, ngửa bụng lên trời, thoi thóp cựa quậy.

Người chèo thuyền tức thì ngưng tay, vớt cặp cá đó lên. Hoàng Cố là một đứa trẻ thông minh, chuyên cần đọc sách, làu thông kinh sử, tuy không biết một chút gì về võ nghệ, nhưng đã được xem nhiều trong sách vở, biết rằng loại cá này thường ở dưới nước tới hơn mười thước.

Lão nhân chẳng những đã nhìn thấy, lại còn dùng chưởng phong đánh xuống chết luôn hai con một lúc thì biết rằng võ công của ông ta rất cao siêu nên reo to:

– Chà! Lão trượng sử dụng miếng “Phách Không chưởng” thật là quá ư lợi hại!

Lão trượng ngoảnh lại cất tiếng cười ha hả:

– Tiểu tử, mi cũng biết sử dụng “Phách Không chưởng” sao?

Hoàng Cố lật đật trả lời:

– Bẩm lão trượng, tiểu nhi chẳng biết võ nghệ, nhưng thường xem sách thấy nói rằng “Phách Không chưởng” nếu luyện tới đợt nhất, có thể cách một bức tường mà làm tắt cây đèn cầy, đánh vỡ bụng một con bò cách xa một trượng, còn lão trượng đánh xuống mặt nước mà chết cá không phải là “Phách Không chưởng” hay sao? Chẳng hay lão trượng cao danh quí tính là chi xin cho tiểu nhi được biết.

Lão trượng vuốt râu cả cười:

– Ta họ Châu, khá khen cho con cũng thông minh đấy. Nhưng sai mất rồi, “Phách Không chưởng” là dương cương, chỉ có thể phá hoại được vật cứng, nhưng đối với nước biển là chất lỏng thì vô dụng, nên không thể giết chết con cá trong nước, miếng võ của ta gọi là “Hỗn Nguyên Nhất Khí chưởng” so với “Phách Không chưởng” còn cao siêu hơn nhiều, con có muốn học không?

Lão trượng họ Châu là một vị danh tướng ở cuối đời Bắc Tống, tên gọi là Châu Đồng là sư phụ của Nhạc Phi, văn học và võ công của họ Nhạc là do Châu Đồng truyền dạy. Sau này đại phá quân Kim, trở thành một anh hùng của dân tộc Trung Hoa. Mọi người đều sùng bái, đã có nhiều người nhầm tưởng Châu Đồng chỉ có một đồ đệ là Nhạc Phi.

Thật ra, trước khi Châu Đồng thu Nhạc Phi làm đồ đệ, thì Châu lão anh hùng đã có mấy đệ tử trước rồi. Trong đó, Hoàng Cố là một trong những đồ đệ đó.

Lúc Hoàng Cố xem nước thủy triều vì sợ bị lửa cháy nên nhảy liều xuống nước để dập tắt đi chẳng dè bị giòng nước cuốn ra ngoài biển, nhưng số mệnh không chết nên gặp Châu Đồng ngồi thuyền đi thăm bạn ỏ Định Hải trở về cứu thoát.

Lúc đó, Hoàng Cố đã bị uống nhiều nước, nên đã bất tỉnh nhân sự, hơi thở thoi thóp.

Châu Đồng dùng phương pháp cấp cứu riêng cứu tỉnh và ngắm dung mạo của Hoàng Cố thấy tướng mạo khôi ngô, dung nhan khác tục, thì ý muốn thu làm đồ đệ truyền dạy võ công cho chàng.

Khi Hoàng công tử nghe Châu Đồng nói thế thì cũng có vẻ mừng rỡ phục xuống lạy Châu Đồng và nói:

– Ơn Châu lão bá đã cứu tử hoàng sanh, nay lại thu làm đồ đệ, tiểu bối tuy học văn nhưng vẫn ưa nghề võ, nếu được lão bá truyền dạy thì tiểu bối xin hết sức theo học cho thành tài.

Châu Đồng lại cười nói:

– Con tên họ là gì, quê quán ở đâu, song thân còn hay mất?

Hoàng Cố lại đem gia thế kể lại cho Châu lão trượng nghe.

Châu Đồng vui mừng lộ ra nét mặt cười nói:

– Té ra con là cháu nội của Lỗ Trực Công, một gia đình nho phong nề nếp, để ta đưa con về Hải Ninh, cho phụ thân con được an lòng và xem người có chịu cho ta thâu nhận con làm đệ tử hay không, rồi sau sẽ quyết định.

Nói xong Châu Đồng ra lệnh cho người chèo thuyền quay trở lại, hướng về phía Hải Ninh rong ruổi. Nửa ngày sau thuyền đã cặp bến, Hoàng Cố lên bờ dẫn Châu Đồng về gia trang.

Gia nhân thấy Hoàng Cố về thì trợn tròn đôi mắt, mồm há hốc không người nào nói được một câu nào, Hoàng Cố thấy vậy thì hiểu rõ một phần nào liền nói lớn:

– Sao chúng bây đứng ngây người ra như phỗng vậy, mau mau vào báo với lão gia, ta được Châu bá phụ cứu thoát khỏi nạn thủy tai rồi…

Lúc đó, gia nhân mới reo to lên:

– Té ra thiếu chủ, chúng con cứ ngỡ là…..

Tên đó nói chưa dứt câu đã cắm đầu chạy vào trong nhà. Hoàng viên ngoại đang than khóc, nghe tên gia nhân vào báo tin lành thì quá ư mừng rỡ đầu chẳng kịp đội khăn chân không kịp xỏ giầy, cứ thế chạy tới ra ngoài.

Mới tới phòng tiếp khách đã thấy Hoàng Cố và Châu Đồng vào tới nơi. Lão viên ngoại đưa cả hai tay ra ôm chặt Công tử vào lòng nghẹn ngào không ra tiếng, nước mắt chảy dài trên má, nửa khóc nửa cười, bấy lâu chỉ thốt được mấy tiếng:

– Trời! Con con…

Hoàng Cố thấy viên ngoại quá tiều tụy không sao cầm lòng cho được cũng òa lên khóc. Thế là hai cha con cứ ôm chặt lấy nhau mà khóc om sòm.

Châu Đồng trông thấy tình của hai cha con viên ngoại như thế cũng phải cảm động, đứng im lặng chẳng nói câu nào.

Một lúc, Hoàng viên ngoại mới chợt nhớ ra, vội buông Công tử hướng vào Châu Đồng chắp tay xá dài một cài thật sâu:

– Lão phu cam thất lễ, xin quí khách lượng thứ đi cho, ơn tiên sanh cứu tử cho tiểu nhi chẳng khác nào cải tử hoàn sinh cho cả thân già này nữa. Kính mời quí khách ngồi chơi.

Châu Đồng vội đáp lễ và nói:

– Xin viên ngoại chớ bận lòng, đó là nhờ hồng phúc của viên ngoại cao dày, nên khiến xui cho tôi gặp gỡ lệnh lang chớ có chi gọi là ơn nghĩa.

Hoàng viên ngoại kéo ghế mời Châu Đồng ngồi và sai gia nhân pha trà giải lao. Những đồ tang chế mang ra vườn sau đốt hết. Mở tiệc ăn mừng, giết bò, mổ heo thết đãi họ hàng và lân bang hàng xóm.

Hoàng Cố mang câu chuyện mình bị giòng nước kéo ra bể, mười phần chết chín, đã mê man hồn quế. May nhờ Châu Đồng vớt lên và đã tốn bao nhiêu sinh lực mới cứu được thoát khỏi tay tử thần.

Hoàng viên ngoại lại toan sụp lạy Châu Đồng để tạ ơn, họ Châu vội vàng do tay ngăn lại và nói:

– Xin viên ngoại chớ nên làm thế, khiến cho tiểu đệ giảm thọ mất thôi. Đây cũng là do số trời định trước, tai ương của Công tử chỉ có thế. Tiện đây, tiểu đệ cũng muốn yêu cầu viên ngoại một việc.

Hoàng viên ngoại sốt sắng trả lời:

– Vâng! Vâng! Ân nhân muốn điều chi, xin cứ dạy bảo, lão phu hết sức tuân theo. Ân nhân muốn bao nhiêu tài vật cứ chỉ giáo, lão phu không dám tiếc chút nào.

Châu Đồng cả cười nói:

– Không, không, viên ngoại chớ có tưởng nhầm ý của đệ, không bao giờ đệ nghĩ đến tiền tài đâu.

Nói đến đây họ Châu bỗng nghiêm nét mặt nói tiếp:

– Đây cũng là duyên trời rủi khiến cho đệ cứu được điệt nhi. Đệ ngắm tướng mạo của lệnh lang, thật là phi phàm xuất chúng, tướng mạo hơn người, ắt sao trở thành người hữu dụng, nên ý ngu hạ muốn thâu nhận lệnh lang làm đồ đệ. Chẳng hay viên ngoại nghĩ sao?

Hoàng viên ngoại đã nghe danh Châu Đồng là giáo sư của kinh thành cấm quân võ nghệ cao siêu, danh tiếng vang lừng trong thiên hạ.

Nay thấy Châu Đồng tự ý yêu cầu thâu nhận Hoàng Cố làm môn đồ thì còn gì mừng hơn nữa, vội vàng chấp tay vái tạ và nói:

– Ơn đại huynh cải tử hoàn sinh, gia đình tiểu đệ chưa biết lấy gì báo đáp cho xứng đáng, nay mong ơn đại huynh lại quá thương tiểu nhi cho được thụ giáo thì phúc đức họ Hoàng thật là to tát.

Châu Đồng cũng dùng lời khiêm nhượng đáp lại. Hoàng viên ngoại chọn ngày lành tháng tốt mổ heo làm lễ cho Hoàng Cố bái lạy Châu Đồng nhận làm sư phụ.

Châu Đồng từ đó lưu lại Hoàng gia trang, mang tài nghệ ra truyền bảo cho Hoàng Cố cả văn lẫn võ.

Cách dạy của họ Châu cũng khác thường, ngày lẻ học văn, ngày chẵn học võ, về văn không chú trọng đến văn thơ ca nhạc, mà chỉ quan tâm đến luận văn Cổ, Kim và làm những bài phê bình cuộc thế trong thiên hạ.

Châu Đồng dạy cho Hoàng Cố biết Thái Công, am phù Tôn, Ngô binh pháp, về võ không trọng luyện về quyền, chưởng, đao, kiếm mà chỉ chuyên chú về nội công.

Quang âm thấm thoát, ngày tháng tựa thoi đưa, chẳng mấy chốc đã qua một năm, tài văn, võ của Hoàng Cố đã có căn cơ.

Châu Đồng lại dạy thêm cho Hoàng Cố các cách tế thế an bang, còn võ công thì tập luyện thêm gân cốt.

Thời gian thấm thoát lại trải qua ba năm nữa. Hoàng Cố lúc đó được mười chín tuổi. Hoàng viên ngoại giục chàng thu xếp hành trang để đi thi huyện, hy vọng có thể đậu cử nhân, làm vinh quang cho tổ tông. Ngờ đâu, Hoàng Cố nhất định chối từ không đi thi.

Hoàng viên ngoại thấy chàng từ chối, thì hết sức ngạc nhiên hỏi rằng:

– Sao con lại không chịu đi thi, như thế chẳng uổng công bao nhiêu ngày nấu sử sôi kinh, lại phụ lòng sư phụ con truyền dạy.

Hoàng Cố cung kính đáp:

– Dám thưa phụ thân, có phải đâu học hành là để được làm quan. Hiện nay trong triều gian thần đang lộng hành, không bà con thân thích ắt không được thu dụng, nếu không dùng tiền tài đút lót ắt không bao giờ thi đậu. Trong triều bại hoại, phần đông là tụi giá áo túi cơm, chỉ muốn vơ vét cho đầy túi tham để tha hồ xa hoa phung phí, hầu non, gái đẹp mặc cho lê dân đồ thán. Con ứng thi nào có ích gì? Nếu may mà đỗ đạt thì cũng ra lòn vào cúi nào có vinh chi. Con học để biết cách xử thế, phải đâu ra làm quan mới làm nên công việc vĩ đại. Xưa kia Tín Lăng Quân cướp Phù cứu Triệu, Trương Tử Phòng giúp Lưu Bang đại phá Hạng Võ dựng lên Hán triều cả bốn trăm năm, đâu có phải ra làm quan mới lưu danh muôn thuở.

Hoàng viên ngoại biết tính Hoàng Cố cương cường ý đã quyết thì dù có mắng chửi hay bắt ép cũng không được.

Nghĩ mình sinh con có một mống mà bảo không được, quá suy nghĩ, uất ức thành bệnh, được mấy tháng thì mất.

Hoàng Cố thương cha khóc chảy ra máu mắt. Tống tang cho Hoàng viên ngoại xong xuôi, theo thể chế của người xưa họ Hoàng cự tang ba năm.

Trong ba năm ấy Châu Đồng lại dạy chàng thêm nhiều kiến thức. Nhưng tánh của Hoàng Cố càng lớn càng quái dị chỉ mải mê theo môn học của Hoàng lão lấy thuyết vô vi mà trị quốc, lại theo cách sống của Trúc Lâm thất hiền đời nhà Tấn, chơi bời trong thế gian, lấy sự phong lưu làm thú, tư tưởng rất là siêu thoát.

Ý Châu Đồng thì muốn truyền thụ tất cả sở học cho Hoàng Cố, khiến cho Hoàng Cố trở nên một người văn võ kiêm toàn, mai sau giúp nước.

Ngờ đâu, chàng chán cả người đời, chán cả vũ trụ, chỉ thích sống riêng biệt thì đâu phù hợp với ý nguyện của tôn sư.

Bởi vậy cho nên sau khi đã dạy cho chàng suốt mười năm trời, Châu Đồng đành âm thầm rời khỏi nhà họ Hoàng.

Từ đó Hoàng Cố vẫn chứng nào tật ấy, trước hết giải tán gia đinh, bán sạch cửa nhà, đồng ruộng lấy tiền đi chu du năm hồ bốn biển cho thỏa chí bình sinh, thỉnh thoảng cũng có đôi ba lần hành hiệp tác nghĩa.

Chưa đầy một năm phung phí hết tiền, Hoàng Cố phải nghĩ đến giúp việc cho các tiêu cục để kiếm tiền độ nhựt. Nhưng chàng thường đòi hỏi thái quá mỗi lần lấy tám trăm, một ngàn lạng vàng.

Có lần chàng đi đến tỉnh Sơn Đông huyện Lịch Thành (tức là Tế Nam phủ ngày nay) ghé thăm Tổng tiêu đầu Hà Chấn Viễn là một người tiếng tăm lừng lẫy ở Sơn Đông, Hà Chấn Viễn tước hiệu Kim Đao vô địch, thường được xưng tụng là: Thần Quyền Trấn Sơn Đông.

Hoàng Cố đưa danh thiếp xin yết kiến, gặp mặt Hà Chấn Viễn Hoàng Cố vừa mở miệng là ngỏ ý muốn lấy hai ngàn lạng vàng.

Hà Chấn Viễn tức giận, nhưng cố nén mỉm cười mà rằng:

– Các hạ với tôi chưa từng quen biết, nay muốn lấy hai ngàn lạng vàng tôi khó lòng vâng chịu. Nếu muốn lấy tiền xin các hạ vui lòng biểu diễn võ công cho tôi được thưởng thức tài năng quán thế của các hạ.

Hoàng Cố lạnh lùng đáp:

– Ngài muốn xem võ công của tôi sao? Được, xin thứ lỗi cho!

Vừa nói dứ lời, Hoàng Cố đưa tay đập mạnh trên bàn, ngón tay như móc sắt móc ra một mảnh gỗ, rồi ném vào giá để làm binh khí làm gãy ba cây đinh ba thành hai đoạn.

Ngón tuyệt kỹ ấy của chàng làm Hà Chấn Viễn giật mình khâm phục.

Thường thường chỉ có sắt chém đứt gỗ chứ có bao giờ lại xảy ra sự ngược đời gỗ làm đứt sắt?

Vậy mà Hoàng Cố đã có thể dùng mảnh gỗ nhỏ ném gẫy ba cây đinh ba một lúc đủ hiểu võ công của chàng cao siêu đến bực nào.

Hoàng Cố bỗng quát to lên rằng:

– Một mảnh gỗ này liệu nhà ngươi tính xem có đáng hai ngàn lạng vàng hay không?

Hà Chấn Viễn thấy tuyệt kỹ của họ Hoàng bụng sợ hãi nhưng trước thái độ xấc xược của Hoàng Cố, cũng nổi giận lớn tiếng mắng:

– Sao lại ngang ngược như thế được? Ngươi phá hoại binh khí của ta, rõ ràng là cố ý gây sự hãy tiếp một quyền này!

Chưa dứt lời, đã sử dụng thần quyền tuyệt kỹ với thế “Mãnh Hổ Hạ Sơn” Hà Chấn Viễn vung tay quyền đánh thẳng vào ngực Hoàng Cố.

Hoàng Cố cười ha hả tường chừng như không cử động mà thân mình đã rời khỏi chiếc ghế từ lúc nào. Ngọn quyền Hà Chấn Viễn đánh ra đụng vào chiếc ghế làm nát vụn ra như cám.

Hoàng Cố cười gằn mà rằng:

– Tài nghệ có như thế mà đã gọi là Thần Quyền Vô Địch ư? Thật là nghe tiếng chẳng bằng gặp mặt! Hãy coi ta đây!

Vừa nói vừa đưa chân đá nhẹ vào những mảnh gỗ vụn dưới đất, tung lên như đạn bắn vào mặt Hà tổng tiêu đầu.

Hà Chấn Viễn không ngờ võ công của đối phương ảo diệu đến bực ấy, vội chuyển mình tránh cho làn đạn gỗ vụn khỏi trúng mặt, nhưng cũng không tránh khỏi mấy mảnh.

Nên nhớ rằng không thể coi thường cú đá của Hoàng Cố. Chỉ có một mảnh gỗ vụn nhỏ bắn vào người cũng đau nhức vô cùng.

Hà Chấn Viễn thét to lên một tiếng, rút thanh Kim đao quý ra dùng thế “Đại Bàng Triển Dực” chém vào đỉnh đầu Hoàng Cố.

Ngờ đâu đao vừa chém xuống đã nghe vang “bốp bốp” hai tiếng, mặt đã bị Hoàng Cố đánh trúng một bốp tay, đao trong tay cũng bị chàng giựt được bẻ gãy làm đôi, liệng xuống đất.

Kim Đao Hà Chấn Viễn, Thần Quyền Trấn Sơn Đông, chỉ trong một hiệp, đã liên tiếp bị thiệt hại ba lần.

Hoàng Cố võ công cao siêu đến bực ấy thật là thần xuất, quỷ mạt, thế gian chưa từng mắt thấy tai nghe.

Hà Chấn Viễn tức giận thét lớn:

– Tiểu tử này phải chăng dùng tà thuật! Bạn hữu ta đâu! Hãy giúp ta bắt lấy nó!

Hơn mười người giúp việc tiêu cục, thảy đều là những nhân vật võ nghệ siêu quần nổi tiếng võ lâm, lập tức đổ xô lại bao vây Hoàng Cố.

Hoàng Cố quát lớn lên một tiếng, hai tay vung lên, xông vào đám đông người. Bốp, bốp mấy tiếng liên tiếp, bảy người bị Hoàng Cố bốp tai, giựt mất binh khí, bẻ liệng đi, đồng thời dùng chân đá ngã những người khác.

Chỉ trong khoảnh khắc hơn mười vị tiêu sư oai dũng đều mặt mày sưng vù, la lối om sòm, chen nhau cạy ra ngoài cửa.

Hoàng Cố cười ha hả nói:

– Võ công như thế mà cũng xưng là giang hồ hảo hán! Thôi tôi cũng không nhận số tiền hai ngàn lượng nữa đâu. Hẹn lần khác sẽ gặp lại.

Dứt lời, liền bước ra cử đi thẳng.

Sau vụ đại náo Tổng tiêu cục của Kim Đao Hà Chấn Viễn, Hoàng Cố đã nổi tiếng trong giới giang hồ. Mỗi khi chàng ghé lại tiêu cục nào nhờ giúp đỡ thì các tiêu cục đầu ai nấy đều nén lòng cam giận, giả bộ tươi cười, hai tay đưa tiền dâng nạp không dám bớt một đồng.

Hoàng Cố lấy được tiền không tốn mồ hôi nước mắt như vậy, lại tha hồ tiêu xài phung phí.

Cứ như vậy ba năm liền, các tiêu cục phía Bắc Đại Hà, đều coi Hoàng Cố như thần, một lòng sợ phục, tuy thù ghét chàng nhưng không một ai dám hé răng, đừng nói chi đến tỉ thí võ nghệ với chàng.

Sau đó, có lẽ Hoàng Cố cảm thấy chán nản vì suốt mấy tỉnh miền Bắc, võ lâm hào kiệt không một ai dám chống trả chàng nữa, nên bỗng đi biệt tăm biệt tích. Từ đó các tiêu cục mới được yên vì không bị người đến quấy nhiễu tống tiền.

Hoàng Cố vắng bóng giang hồ như vậy là đi về phương nào? Thì ra chàng trở về quê cũ ẩn cư ở núi Nhạn Đãng phía Tây Triết Giang, chuyên tâm luyện tập về dịch lý, theo mấy cuốn sách của sư phụ là Châu Đồng để lại cho, nhất là về tiên thiên dịch ý, thái công âm phù và ngũ hành kỳ môn.

Những phép tắc vừa kể, trong cổ thư của Trung Hoa, gọi là “Kỳ Môn thuẫn pháp”, tuyệt nhiên không phải là dùng để gạt người, cổ nhân hành quân dàn trận đều có sử dụng.

Danh tiếng nhất trong lịch sử là vào đời Xuân Thu Chiến Quốc, Tôn Tẫn đại phá Bàng Quyên đã có lần sử dụng “Lục Giáp trận pháp”.

Tiếc thay từ ngày Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, làm tan hết nền văn hóa nước Tàu, phép “Kỳ Môn thuẫn pháp” này cũng đã thất lạc, cùng với bao nhiêu sách khác, có chăng chỉ còn một vài người nhớ được ít nhiều bí truyền cho con cái.

Mãi đến đời Ngụy, Thục, Ngô, Tam Quốc.

Gia Cát Lượng được cha vợ truyền thụ phép “Kỳ Môn thuẫn pháp” tuy không đầy đủ như trước, song cũng đã dàn được “Bát Quái Trận Đồ” bao vây đại tướng của Đông Ngô là Lục Tốn. Nhưng sau đời Tam Quốc không còn thấy một ai thông hiểu phép bày bố “Kỳ Môn Bát Trận” nữa.

Hoàng Cố tự phụ là thông minh tuyệt thế, quyết tâm luyện cho được “Kỳ Môn thuẫn pháp” nên lui về một vùng thâm u là núi Nhạn Đãng, xếp đá bày trận, chuyên tâm luyện tập nửa năm, liền tìm ra phương hướng của Kỳ môn bát trận, lại nghiên cứu thêm sáu tháng nữa mới nghĩ ra cách bày bốn trọng môn đảo đi nghịch lại, không thấy sai lầm.

Bấy giờ chàng mới bắt mấy con thú nhỏ, thả vào Kỳ môn thạch trận ấy, thấy chúng xông xáo chạy quanh tìm đường ra mà không thoát.

Thấy vậy tự biết là đã học thành công, Hoàng Cố sung sướng quá đỗi, vùng cười lên như phát cuồng dại.

Sau đó chàng bèn nảy ra một ý nghĩ kỳ dị là nếu dùng võ công trác tuyệt của mình, tìm ra biển cả, chiếm một hải đảo làm bá chủ một vùng hải ngoại, thu nạp môn đồ dựng lên một môn phái riêng biệt, dẫu không lưu danh vạn đại cũng có thể nổi tiếng võ lâm.

Quyết định rồi, Hoàng Cố liền rời ngay Nhạn Đãng sơn, tiến về phía bể, mong tìm được hòn đảo hợp ý nguyện.

Chàng lần theo ven biển Sơn Đông, từ bán đảo này, đi ngược lên phía trên, trước tiên Trường Sơn bát đảo, Triều đảo quần, đến vịnh Giao Châu, qua các đảo Lao Sơn, Thất Tinh, kiếm tìm, lựa chọn hơn ba chục hòn đảo, không tìm được đảo nào vừa ý.

Về sau, đi tới một hòn đảo ở tận ngoài Hoàng Hải, thấy hợp ý mình nên xếp đá thành “Kỳ môn bát trận” nào ngờ lại gặp Vương Trùng Dương đi ngang qua, vì dùng thuyền lấy nước ngọt mà phá rối thạch trận của chàng.

Hoàng Cố vốn tính tình kỳ quái, tức giận phá nát Kỳ môn thạch trận, khắc thơ trên đá, ngồi thuyền đi thẳng.

Đó là nguyên nhân tại sao Hoàng Cố lại dấn thân ra hoang đảo, nhưng chuyện đó hãy tạm gác lại một bên.

Nói về Vương Trùng Dương, đáp thuyền của Đinh Nhị Mao, vượt qua Hoàng Hải, đến tận cùng cửa biển nầy, tức là phía Bắc Đông Hải, Đinh Nhị Mao bỗng lấy ra từ đáy thuyền một lá cờ đen hình tam giác buộc dây kéo lên ngọn cột buồm.

Vương Trùng Dương nhìn thấy lá cờ này không khỏi giật mình kinh ngạc vì ngay giữa cờ có thêu một chiếc đầu lâu màu trắng, phía dưới có hai cái xương giao nhau, rõ ràng là lá cờ hiệu của bọn hải tặc.

Vương Trùng Dương bèn hỏi Đinh Nhị Mao:

– Vì cớ gì bọn ngươi lại dương lá cờ kỳ quái này lên như vậy?

– Kỳ quái ư?

Hai người con Đinh Nhị Mao vội vàng đáp:

– Lá cờ này đối với bọn thương thuyền chúng tôi đắt giá lắm, xin quý khách biết cho rằng mỗi năm chúng tôi phải nộp năm lạng vàng mới được cấp phát lá cờ này đấy!

Vương Trùng Dương không khỏi kinh ngạc mà rằng:

– Năm lạng vàng mua một lá cờ? ích lợi của nó ra sao mà phải trả đắt giá như vậy?

Đinh Nhị Mao thở dài đáp:

– Quý khách không rõ, vì mới đi đường bể lần đầu nên không hiểu luật lệ trên mặt bể!

Vương Trùng Dương bỗng tỉnh ngộ:

– À! Thì ra đây là cờ hiệu của bọn giặc bể, cấp phát cho các người.

Đinh Nhị Đao run sợ nói:

– Xin quý khách giữ lời, chớ gọi là giặc bể, mà phải gọi là… hảo hán.

Vương Trùng Dương mỉm cười nói:

– Vâng thì gọi là hảo hán. Vậy những hảo hán có lá cờ này dữ dằn lắm phải không?

Người con lớn của Đinh Nhị Mao nhanh miệng đáp:

– Đúng lắm. Quý khách nói không sai. Bao nhiêu thuyền qua lại miền Đông Hải này đều phải nộp tiền cho Nữ Đại Vương, nhận lấy cờ hiện này.

Vương Trùng Dương nghe thấy ba tiếng “Nữ Đại Vương” không khỏi lấy làm kỳ thú, mỉm cười nói:

– À, té ra người cầm đầu các hảo hán là một vị Nữ Đại Vương? Nữ Đại Vương chắc là xinh đẹp lắm phải không?

Đinh Cương thuận miệng, liền thuật cho Vương Trùng Dương nghe mọi chuyện.

Thì ra từ ba năm nay, tại Đông Hải đã xuất hiện một “Nữ Đại Vương”, họ Tôn tên Phượng Cô nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, tuổi mới đôi mươi nhưng ác độc không ai bằng, giết người không sờn tay, nhắm mắt.

Bọn hải tặc thần phục, tôn Phượng Cô lên làm nữ chúa cầm đầu cả một bọn cướp bể gọi là Hắc Phượng bang.

Thế lực Hắc Phượng bang rất hùng mạnh, thuyền bè có hàng trăm chiếc, lâu la kể đến hai ngàn.

Khu vực hoạt động của bọn hải tặc này bao trùm cả một vùng biển phía Bắc từ Hoàng Hải Tề Lỗ, phía Nam sát Châu Sơn quần đảo ở Triết Giang. Sào huyệt của chúng, cứ như thiên hạ nói, hình như ở gần Trường Giang Khẩu, Giang Tô.

Cả một vùng bể này bất luận là thuyền buôn hay thuyền đánh cá, gặp thuyền của Hắc Phượng bang đều chắc chắn là hàng hóa bị cướp, người bị sát hại.

Tôn Phượng Cô lại thường dẫn “Hắc Phượng bang” lên đất liền đánh cướp, xung đột với quan binh ở ven biển.

Trong các trận giao tranh, Phượng Cô đầu thắt khăn đỏ hai tay đao, xông pha lãnh đạo bộ hạ.

Chớ tưởng lầm cô là phận nữ nhi, sự hung dữ của cô đã khét tiếng cả một vùng.

Có lần đụng độ với quan binh, một mình cô đã giết ba Thống chế, một viên Đề hạt, uy danh lừng lẫy, khiến quan binh trông thấy cô là đã chạy tán loạn không dám cự địch.

Sau này Phượng Cô đặt ra quy lệ ở trên mặt biển, thuyền bè nào đi qua Đông Hải, mỗi chiếc phải dâng nạp cho “Hắc Phượng bang” năm lạng vàng, nộp tiền rồi sẽ được cấp phát một lá cờ tam giác màu đen thêu sọ và xương người màu trắng, đi qua Đông Hải phải treo lá cờ lên ngọn cột buồm.

Hải tặc thấy cờ hiệu, biết là đã nộp tiền sẽ không đánh cướp nữa. Cha con Đinh Nhị Mao mới tới Ngao Đẩu dương đã vội lấy cờ treo lên, nguyên do là như vậy.

Vương Trùng Dương nghe rõ đầu đuôi, nhìn kỹ lá cờ ghê gớm ấy rồi vụt nói:

– Lá cờ này quả thật giúp người ta đi lại yên ổn ở Đông Hải ư? Nếu muốn giả mạo thì làm bao nhiêu lá cờ như thế mà không được?

Đinh Nhị Mao cười nói:

– Mang cờ giả mạo đâu phải là chuyện dễ? Nếu Nữ Đại Vương biết được chắc chắn sẽ toi mạng. Đừng tưởng lá cờ ấy cũng giống như muôn ngàn lá cờ khác, đầu mỗi cái xương có in một dấu nhỏ hình chim phượng hoàng chắp cánh không ai giả mạo được. Năm vừa qua Sùng Minh đảo thuộc tỉnh Giang Tô có một người đánh cá làm giả một lá cờ ra biển đánh cá đến lần thứ ba bị bọn hải khấu hay biết lập tức báo cáo với Nữ Đại Vương. Thế là bao nhiêu người trên thuyền đều bị quăng xuống bể làm mồi cho cá. Từ đó không còn một ai bạo gan nghĩ đến chuyện giả mạo lá cờ nữa.

Đinh Cương nói tiếp:

– Chúng tôi nộp tiền ngày nào tháng nào họ cũng đều ghi rõ không hề lầm lẫn.

Trùng Dương nghe xong câu chuyện của cha con Đinh Nhị Mao bỗng sinh lòng mến phục Tôn Phượng Cô, tuy là hải tặc nhưng bản lãnh phi thường, tài năng xuất chúng, nếu điểm hóa cho nàng, khuyên nàng cải tà quy chánh chắc có thể trở nên người hữu dụng.

Chàng đương nghĩ ngợi bỗng nghe Đinh Nhị Mao la lớn:

– Hảo hán tới kia rồi!

Mọi người hoang mang xao xuyến. Vương Trùng Dương đưa mắt nhìn về phía trước thấy xa xa xuất hiện một chiếc thuyền lón phăng phăng rẽ sóng tiến đến, trên ngọn, một trong ba cột buồm phất phới một lá cờ tam giác màu đen thêu đầu lâu và xương trắng. Đinh Nhị Mao cuống quýt nói với Trùng Dương:

– Hảo hán đến xét thuyền đấy. Kính xin tôn ông vui lòng tạm lánh xuống đáy thuyền một lát.

Vương Trùng Dương biết rằng đấy là luật lệ trên mặt biển nên mỉm cười vào trong ghe lánh mặt.

Một lát sau, chiếc thuyền ba buồm kia càng ngày càng xáp lại gần. Cách thuyền của Đinh Nhị Mao chừng mấy trượng bọn thủy thủ quăng móc sắt móc vào mạn thuyền của Đinh Nhị Mao rồi mấy tên hải khấu nhảy ào sang hung năng quát lớn:

– Mau hạ cờ xuống cho ta xét.

Đinh Nhị Mao vâng lệnh kéo cò xuống. Bọn hải khấu tất cả bốn tên chuyền tay nhau xét soi tìm dấu đỏ hình chim phượng hoàng in trên lá cờ. Chúng lại lật sổ kiếm tìm rồi quát hỏi:

– Mi là Đinh Nhị Mao phải không? Năm ngoái có nộp năm lạng vàng tính đến tháng sau là hết hạn, lần sau đi ngang qua đây phải nạp tiền lệ nghe không?

Đinh Nhị Mao vâng dạ luôn mồm, tiễn đưa bọn hải khấu lui về thuyền của chúng.

Ngờ đâu lúc thuyền hải tặc sắp khởi hành bỗng một cột buồm gãy làm hai đoạn. Cờ và buồm đều rơi xuống bể, thuyền tròng trành muốn chìm làm cho mấy tên hải khấu té ngang té ngửa.

Đinh Nhị Mao biết là Vương Trùng Dương đánh gãy và chính bọn hải khấu cũng nhận biết, lớn tiếng quát:

– Bọn này táo gan thật, dám ẩn giấu gian tế dưới thuyền.

Chúng chưa dứt lời, Trùng Dương đã từ từ bước ra cười ha hả:

– Bọn giặc cỏ này muốn thu tiền lệ phí chăng? Được ta cũng muống bọn mi hàng năm phải dâng nạp cho ta một số tiền biết chưa?

Nghe Vương Trùng Dương nói vậy, bọn hải tặc đều căm gan tím ruột hè nhau rút binh khí ra, vù vù hai tiếng, hai ngọn phi tiêu bay thẳng vào mặt Trùng Dương, chàng cười to hơn nữa:

– Thứ đồ rỉ sét này thì làm gì được ai mà dám hung hăng làm bậy.

Vừa nói, Trùng Dương vừa vung tay bắt hai ngọn phi tiêu rồi trở tay phát ra hai mũi phi tiêu liền bay ngược lại phía bọn hải khấu găm vào giữa ngực hai tên giặc.

Chúng la lớn lăn xuống mạn thuyền không cựa quậy. Ngờ đâu chúng không chết, Vương Trùng Dương chỉ dùng cán phi tiêu ném trúng huyệt đạo, chúng chỉ cảm thấy tê buốt ngã xuống không vùng vẫy được mà thôi.

Trên thuyền giặc, tất cả có hơn hai chục tên hải khấu thấy đồng bọn bị đã thương vừa sợ vừa giận. Ai nấy đều muốn nhảy sang vây đánh Vương Trùng Dương.

Chàng bỗng quát lớn lên một tiếng, cấm chiếc neo ở trên boong giơ cao lên, tính cả dây xích dài chừng mấy trượng, chiếc neo phải nặng tới một trăm năm mươi cân.

Bọn hải tặc thấy chàng là một thư sinh nhỏ thó, mà có sức cầm nổi cái neo giơ lên ngang mặt coi nhẹ như không thì cũng không khỏi giật mình kinh sợ.

Vương Trùng Dương lớn tiếng nói:

– Bọn mi thật là phường túi cơm giá áo mà đòi chống cự với ta sao nổi?

Nói rồi liền cầm chiếc neo ném sang phía thuyền giặc làm bọn chúng hoảng hồn né tránh về phía sau.

Chiếc neo như theo lệnh Trùng Dương rơi đúng vào mạn thuyền của bọn hải khấu làm thủng một lỗ vuông hàng thước. Bọn chúng la hoảng, sợ thuyền chìm.

Vương Trùng Dương lại giơ tay trái cầm dây xích quay ba vòng quát lên một tiếng “trúng” đánh ngang vào chiếc thuyền khiến cột buồm và mui thuyền đều bay vọt lên không trung, rơi xuống biển. Thân thuyền rung động. Bọn cướp la lớn:

– Xin đại hiệp tha tội cho.

Trùng Dương thấy chúng biết sợ, liền kéo chiếc neo lại nói:

– Bọn mi hãy mau xa chạy cao bay cho khuất mắt ta.

Chiếc thuyền đã bị hư hại không tài nào bơi đi được nữa.

Trùng Dương lại nói:

– Ta đã bảo bọn mi phải đi cho mau, sao còn chùng chình chưa ra khỏi thuyền. Trên thuyền phải chăng có hai chiếc tam bản, hãy mau thả xuống bơi đi cho mau, nếu không ta đánh chìm thuyền đừng oán trách.

Bọn hải khấu nghe chàng nói như vậy hoảng kinh, vội vã chen nhan hai mươi mấy con người chia làm hai tốp xuống ghe chạy trốn.

Vương Trùng Dương cười nói với Đinh Nhị Mao:

– Này ông chủ thuyền họ Đinh, lần này tôi đã kiếm cho ông được một chiếc tàu lớn, chỉ đem tháo ra bán gỗ cũng có thể được năm chục lạng vàng đủ nộp lệ phí trong mười năm.

Crypto.com Exchange

< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác


Võ lâm ngũ bá