Chương 092 Tam quốc diễn nghĩa
HỒI 92
Triệu Tử Long ra sức giết năm tướng;
Gia Cát Lượng dùng mẹo đoạt ba thành.
Khổng Minh mang quân đến Miện Dương, qua mộ Mã Siêu liền sai Mã Đại mặc đồ tang rồi thân vào tế bái. Đoạn về trại, bàn định việc tiến quân. Chợt có tin báo Ngụy chủ sai Hà Hậu Mậu điều quân mã các xứ Quan Trung đến chống cự. Ngụy Diên lên trướng, hiến kế rằng:
– Hạ Hầu Mậu là con nhà phú quý, ngu si không biết gì. Tôi xin dẫn năm nghìn tinh binh, lấy đường ra Bao Trung, men núi Tần Lĩnh, sang mé đông, qua hang Tí Ngọ, tiến lên mặt bắc, chắc chỉ trong vòng mười ngày đến được Trường An. Hạ Hầu Mậu nếu thấy tôi đến bất thình lình, tất phải bỏ thành, nhằm phía Hoành Môn, Để Các chạy trốn. Tôi lại chuyển sang mặt đông đánh vào, thừa tướng thúc đại quân từ đường Tà Cốc tiến lên. Như thế, từ Hàm Dương trở sang mé tây, chỉ một trận là địch được cả.
Khổng Minh cười, nói:
– Ngươi khinh Trung Nguyên không có người giỏi chăng? Nếu có người xui đem binh chặn đường hẻm trong núi, thì chẳng những năm nghìn người bị hại, mà còn làm tổn mất nhuệ khí của quân ta, mẹo ấy quyết không nên dùng.
Diên nói:
– Nếu thừa tướng cứ đi theo đường lớn thì họ tất khởi hết quân Quan Trung ra chống dây dưa ngày tháng, bao giờ mới lấy được Trung Nguyên?
Khổng Minh nói:
– Ta từ Lũng Hữu nơi con đường rộng rãi, tiến quân đúng phép, lo gì không đánh được!
Nói rồi, nhất định không nghe mẹo Ngụy Diên. Diên buồn bực không vui.
Khổng Minh sai người thúc Triệu Vân tiến quân.
Hạ Hầu Mậu ở Trường An, tụ tập các đạo quân mã. Bấy giờ, có đại tướng ở Tây Lương là Hàn Đức, sức khỏe địch nổi muôn người, sử búa khai sơn cực giỏi, dẫn tám vạn quân Tây Khương lại, ra mắt Hạ Hầu Mậu; Mậu trọng thưởng và cho làm tiên phong. Đức có bốn con, là Hàn Anh, Hàn Giao, Hàn Quỳnh, Hàn Kỳ, đều tinh thông võ nghệ, giỏi cung ngựa. Đức dẫn bốn con và tám vạn quân Thục kéo đến. Hai bên dàn trận. Đức ra ngựa, bốn con sắp hàng hai bên. Đức quát lên rằng:
– Quân phản nghịch kia, sao dám xâm phạm vào cõi ta?
Triệu Vân nổi giận, vác giáo tế ngựa thách Hàn Đức ra đánh. Con cả là Hàn Anh thúc ngựa ra đánh được ba hiệp, bị Vân đâm một giáo chết quay xuống ngựa. Con thứ hai là Hàn Giao thấy vậy, múa đao lại địch, Vân giở oai hổ khi xưa, đánh rất hăng, Giao không chống nổi. Con thứ ba là Hàn Quỳnh vác phương thiên kích đến đánh ập vào. Vân không chút nao núng, rối loạn. Hàn Kỳ thấy hai anh đánh không đổ Triệu Vân, cũng tế ngựa ra, múa đôi đao nhật nguyệt vây bọc Triệu Vân vào giữa mà đánh. Vân một mình đứng giữa, chống đỡ ba mặt. Một lát, Hàn Kỳ trúng phải giáo ngã ngựa, các tướng bên Hàn Đức vội vàng xô ra đem về. Vân rê ngọn giáo vừa đánh vừa chạy. Hàn quỳnh bỏ kích, rút cung tên ra bắn luôn ba phát, đều bị Vân múa giáo gạt được cả. Quỳnh tức quá, lại vớ ngọn kích đuổi theo bị Vân bắn một phát tin vào giữa mặt lăn xuống ngựa chết. Hàn Giao khoa đao chém sang. Vân quẳng giáo đi, né qua mũi đao, sấn vào bắt sống Hàn Giao đem về trận, rồi lại tế ngựa ra lấy ngọn giáo.
Hàn Đức thấy bốn con cùng bị về tay Triệu Vân, ruột gan như xé, xông ngay vào trận. Quân Tây Lương vốn biết tiếng Triệu Vân, nay thấy Vân vẫn khỏe mạnh như xưa, không ai dám ra địch. Hễ Triệu Vân đi đến đâu người dạt ra đến đấy, một ngựa một thương, qua lại xông xáo, như vào chỗ không người.
Người sau có thơ khen Tử Long rằng:
Một người, một ngựa, một cây thương,
Tuổi bảy mươi rồi sức vẫn cường!
Bốn tướng một tay khua sạch nhẵn,
Anh hùng nào khác trận Đương Dương?
Đặng Chi thấy Triệu Vân đại thắng, liền xua quân Thục đánh bủa vào. Quân Tây Lương thua to chạy tán lạc cả. Hàn Đức suýt nữa bị Triệu Vân bắt sống, phải bỏ áo giáp, đi chân không, mới trốn thoát.
Vân và Đặng Chi thu quân về trại. Chi mừng nói rằng:
– Tướng quân đã bảy mươi tuổi, vẫn còn anh dũng như xưa. Nay tại trước trận, chém được bốn tướng, thật là đời hiếm có!
Vân nói:
– Thừa tướng cho ta là nhiều tuổi, không thèm dùng đến, cho nên ta phải tỏ sức cho biết thôi.
Liền sai người Hàn Giao đến nộp và báo tin thắng trận với Khổng Minh.
– Hàn Đức dẫn bại quân về ra mắt Hà Hậu Mậu, khóc lóc thuật lại sự việc. Mậu bèn dẫn quân đến đánh Triệu Vân. Thám mã báo tin về trại Thục, Vân lên ngựa vác thương dẫn hơn nghìn quân ra trước núi Phượng Minh dàn trận. Hạ Hầu Mậu đội mũ chỏm vàng, cưỡi ngựa trắng, tay cầm thanh đao lớn, đứng dưới cửa cờ, thấy Triệu Vân cưỡi ngựa vác giáo, đi lại rong ruổi, Mậu muốn ra đánh, Hàn Đức nói:
– Triệu Vân giết mất bốn con tôi, thù ấy tôi không báo không xong!
Liền vác búa khai sơn, tế ngựa xốc vào chém Triệu Vân. Vân nổi giận, khoa giáo lên địch. Đánh được vài ba hiệp, Vân lại đâm chết Hàn Đức, rồi thúc ngựa sấn tới bắt Hạ Hầu Mậu. Mậu vội vàng sang, quân Ngụy thua một trận nữa, lui hơn mười dặm hạ trại.
Hà Hầu Mậu bàn với chúng rằng:
– Ta vẫn nghe tiếng Triệu Vân, nay mới biết mặt. Lão ấy tuổi già mà còn anh hùng thế này, mới tin trận Đương Dương, Trường Bản khi xưa. Không ai địch nổi hắn thì làm thế nào bây giờ?
Tham quân Trình Võ là con Trình Dục, hiến kế rằng:
– Tôi nghĩ Triệu Vân có khỏe mà kém khôn, không lấy gì làm lo lắm. Ngày mai đô đốc nên phục sẵn hai toán quân, rồi dẫn quân ra dụ địch, dử Triệu Vân đến, đô đốc lên núi chỉ huy bốn mặt quân sĩ, vậy bọc cho dày, chắc bắt được hắn.
Mậu nghe theo, sai Đổng Hy dẫn ba vạn quân phục mặt tả, Tiếc Tắc dẫn ba vạn quân phục mặt hữu. Hôm sau Hạ Hầu Mậu mở cờ đánh trống kéo ra. Triệu Vân, Đặng Chi đến đón đánh.
Đặng Chi ngồi lên ngựa bảo với Triệu Vân rằng:
– Đêm qua quân Ngụy thua chạy, hôm nay lại đến, tất có mưu mẹo gì đây! Lão tướng quân phải phòng trước mới được,
– Thứ chúng nó như bọn trẻ con miệng còn hơi sữa, làm trò gì được! Hôm nay ta bắt sống ráo cho mà xem!
Nói đoạn, tế ngựa ra, tướng Ngụy là Phan Toại địch được vài hiệp thì bỏ chạy. Vân đuổi sấn vào. Tám viên tướng Ngụy đổ ra chặn lại, để cho Mậu chạy trước, rồi lần lượt cũng tháo chạy nốt. Triệu Vân thừa thế đuổi theo, Đặng Chi kéo quân tiếp sau, vào sâu nơi trọng địa. Bỗng đâu bốn mặt tiếng reo nổi lên như sấm, Đặng Chi vội vàng rút quân về, thì đã thấy mặt tả có Đổng Hy, mặt hữu có Tiết Tắc, hai mặt đổ ra; Đặng Chi ít quân, không sao cứu được; Triệu Vân bị vây giữa trận. Xông đông xáo tây, quân Ngụy vây lại càng dày thêm. Thủ hạ của Triệu Vân chỉ có hơn nghìn người. Khi đánh đến sườn núi, thấy Hạ Hầu Mậu ở trên chỉ huy ba quân, Vân chạy sang đông thì trỏ về đông, chạy sang tây thì trỏ về tây. Bởi thế, Triệu Vân không sao ra thoát trùng vây, mới dẫn quân đánh lên núi; đá gỗ ở lưng chừng lăn xuống, Vân cũng không sao lên được. Vân đánh từ giờ Thìn đến mãi giờ Dậu, mỏi mệt lắm, phải xuống ngựa nghỉ một lát, đợi trăng mọc rồi lại đánh. Vân vừa cởi giáp ngồi xuống thì ánh trăng ló ra; bỗng bốn mặt lửa sáng rực trời, trống khua ầm ĩ, tên đạn như mưa, quân ngụy ồ đến, gọi to lên rằng:
– Triệu Vân xuống ngựa hàng đi cho mau!
Vân vội vàng lên ngựa ra địch, thì quân mã bốn mặt đã kéo sát đến nơi. Cung nỏ bắn ra rất nhiều, Vân không sao tiến lên được, bèn ngẩng mặt lên trời than rằng:
– Ta không chịu già, phen này chết ở đây mất!
Bỗng đâu, ở mé đông bắc, tiếng reo nổi lên ầm ĩ, quân Ngụy nhao nhao chạy trốn. Một toán quân đánh thốc vào giữa trận; tướng đi đầu cầm một ngọn bát xà mâu, dưới cổ ngựa đeo một cái đầu lâu. Vân trông ra thì là Trương Bào. Bào gặp Triệu Vân, nói rằng:
– Thừa tướng sợ lão tướng quân rủi ro, cho nên sai tôi dẫn năm ngàn quân đến tiếp ứng. Nghe tin lão tướng bị khốn ở đây, tôi vừa đánh vào trùng vây, vừa gặp Ngụy tướng là Tiết Tắc chặn đường, tôi đã giết chết!
Vân mừng rỡ, bèn cùng với Trương Bào đánh ra góc tây bắc. Lại thấy quân Ngụy hoảng hốt bỏ đao quẳng giáp chạy trốn, một toán quân vừa reo vừa đánh vào, tướng đi đầu, nách cắp thanh long đao, tay xách một cái đầu lâu. Vân trông ra thì là Quan Hưng.
Hưng nói:
– Tôi phụng mệnh thừa tướng, e lão tướng lỡ làng gì chăng, dẫn năm ngàn quân đến đây tiếp ứng. Vừa hay gặp tướng Ngụy là Đổng Hy chặn đường, tôi chém chết mang đầu về đây! Thừa tướng cũng sắp đến sau.
Vân nói:
– Hai tiểu tướng đã lập được kì công, sao không thừa dịp này bắt lấy Hạ Hầu Mậu để định việc lớn?
Trương Bào nghe nói, lập tức dẫn quân đi. Hưng nói:
– Ta cũng đi lập công mới được!
Vân ngoảnh lại bảo tả hữu rằng:
– Hai tướng ấy vào hàng con cháu ta, còn biết tranh nhau mà lập công, huống chi ta là cựu thần triều đình, lại không bằng bọn họ ru? Ta đành liều một mạng già này để báo ơn tiên đế mới phải!
Bởi thế, cũng dẫn quân đi bắt Hạ Hầu Mậu. Đêm hôm ấy ba mặt quân dồn lại đánh tan quân Ngụy. Đặng Chi đem quân đến tiếp ứng, chém giết quân Ngụy thây nằm khắp nội, máu chảy thành sông. Hạ Hầu Mậu là người trẻ tuổi, vô mưu chưa trải việc trận mạc bao giờ, thấy quân tình bối rối, không biết nghĩ thế nào, liền dẫn hơn một trăm tướng giỏi, chạy trốn ra quận Nam An. Quân sĩ không có chủ tướng, cũng tan vỡ hết cả.
Hưng, Bào nghe tin Hạ Hầu Mậu trốn ra Nam An, thâu đêm đuổi theo. Mậu vào được thành, sai đóng chặt cửa lại, canh giữ cẩn thận. Hưng, Bào đuổi đến nơi, vây kín xung quanh. Triệu Vân theo sau vừa tới, ba mặt quây vào đánh rát. Một lát, Đặng Chi cũng dẫn quân đến vây đánh luôn mười ngày, nhưng vẫn chưa sao hạ được thành.
Sực có tin báo rằng:
– Thừa tướng để quân ở lại Miện Dương, tả quân đóng ở Dương Bình, hữu quân đóng ở Thạch Thành, còn ngài thì dẫn trung quân đến đây.
Triệu Vân, Đặng Chi, Quan Hưng, Trương Bào cùng ra đón rước, lạy mừng và thuật chuyện mấy hôm liền chưa hạ được thành. Khổng Minh ngồi một cỗ xe nhỏ, diễu xem quanh thành một lượt, rồi về trại lên trướng, các tướng đứng cả xung quanh nghe lệnh.
Khổng Minh nói:
– Quận này thành cao hào sâu, khó lòng phá được. Việc chính của ta không phải ở đây, nếu các ngươi cứ đánh mãi, phỏng quân Ngụy chia đường đến Hán Trung thì ta nguy mất.
Đặng Chi nói:
– Hạ Hầu Mậu là phò mã nước Ngụy, nếu bắt được hắn thì gấp trăm lần chém tướng khác. Nay hắn đang bị trốn ở đây, chẳng lẽ bỏ mà đi sao?
Khổng Minh nói:
– Ta đã có mẹo khác, ở đây mé tây liền quận Thiên Thủy, mé bắc giáp quận An Định, không biết thái thú hai xứ ấy là ai?
Quân do thám bẩm rằng:
– Thái thú quận Thiên Thủy là Mã Tuân, thái thú quận An Định là Thôi Lượng.
Khổng Minh mừng lắm, mới lần lượt gọi Ngụy Diên, Quan Hưng, Trương Bào, và hai người tâm phúc, dặn dò mưu mẹo, sai cứ y kế mà làm. Các tướng lĩnh mệnh, ai nấy dẫn quân đi.
Khổng Minh ở ngoài thành Nam An, sai quân sĩ vận rơm củi chất dưới thành, phao tin muốn đốt thành. Quân Ngụy thấy vậy, cười ầm cả lên, không sợ hãi chút nào.
Nói về thái thú An Định là Thôi Lượng ở trong thành, nghe tin quân Thục vây Nam An, Hạ Hầu Mậu bị khốn, rất lấy làm lo sợ, liền điểm chừng bốn ngàn quân mã giữ vững thành trì.
Chợt có một người từ mé chính nam đi đến, nói có việc cơ mật. Thôi Lượng gọi vào hỏi, người ấy thưa rằng:
Tôi tên là Bùi Tự, tướng tâm phúc dưới trướng Hạ Hầu đô đốc. Nay phụng mệnh đến cầu cứu hai quận Thiên Thủy, An Định. Trong thành Nam An đang nguy cấp lắm, ngày nào cũng đốt lửa làm hiệu, mong ngóng viện quân ở hai quận mà không thấy đến. Bởi thế, sai tôi phá vòng vây, lại đây cáo cấp, xin kíp đem quân đến làm ngoại ứng cho. Nếu quân hai nơi đến, đô đốc tôi sẽ mở cửa thành ra đón tiếp.
Lượng hỏi:
– Có văn thư đô đốc không?
Tự thò tay vào túi lấy văn thư ra, thì mồ hôi đã thấm ướt. Tự đưa Lượng xem qua một lượt, rồi đổi lấy con ngựa khác, vội vàng lại lên ngựa tuốt sang quận Thiên Thủy.
Chưa được mấy bữa, lại có tên kị mã đến báo rằng:
– Thái thú ở Thiên Thủy đã cất quân cứu viện Nam An xin An Định mau mau lại tiếp ứng cho.
Thôi Lượng cùng các quan bàn bạc rằng:
– Nếu không đi cứu, bỏ mất quân Nam An và để Hạ Hầu phò mã bị hại thì tội đổ vào đầu của hai quân này cả, vậy phải đi cứu mới xong.
Lượng lập tức điểm quân mã kéo đi, để quan văn ở lại giữ thành. Đoàn quân đi về đường Nam An, xa xa trông thấy ánh lửa bốc lên tận trời bèn giục quân khuya sớm đi cho mau. Khi gần đến, còn cách năm chục dặm, bỗng nghe mé trước mé sau tiếng reo nổi lên như sấm, Tiểu mã báo rằng: Trước mặt có Quan Hưng chặn ngang, sau lưng có Trương Bào đuổi tới. Quân An Định chạy tán loạn cả. Lượng sợ hết vía, dẫn hơn trăm thủ hạ lẻn vào con đường nhỏ, liều chết chạy thoát được về An Định. Khi đến gần bên hào thấy trên thành bắn tên xuống như mưa. Lượng trông lên đã thấy tướng Thục là Ngụy Diên gọi to bảo rằng:
– Ta đã cướp được thành rồi, sao không hàng đi cho sớm?
Nguyên là Ngụy Diên cho quân sĩ ăn mặc giả làm quân An Định, phục sẵn một chỗ, đợi quân Thôi Lượng đi khỏi rồi, ngay đêm hôm ấy đến nói lừa cho mở cửa, rồi kéo ùa vào hạ ngay được thành.
Thôi Lượng rụng rời hết vía, chạy sang quân Thiên Thủy. Đi chưa được một thôi đường lại gặp một toán quân dàn ra, dưới lá cờ hiệu, một người chít khăn lượt, cầm quạt lông, mặc đạo bào, đội mũ cánh bạc, ngồi chĩnh chện trên một chiếc xe. Lượng trông ra chính là Khổng Minh, vội vàng quay ngựa rút lui, lại thấy Quan Hưng, Trương Bào hai mặt đổ dồn lại, kêu to rằng:
– Hàng đi cho mau!
Lượng lấy bốn bề rặt quân Thục cả, mới chịu hàng, cùng về trại lớn.
Khổng Minh thiết đãi Thôi Lượng tử tế, rồi hỏi rằng:
– Thái thú ở Nam An chơi với ông có thân thiết không?
Lượng thưa:
– Người ấy tên là Dương Lăng, em họ Dương Phụ, cùng với tôi là người quận láng giềng với nhau, rất thân tình.
Khổng Minh nói:
– Tôi muốn nhờ ông vào thành thuyết phục Dương Lăng, bắt sống Hạ Hậu Mậu có được không?
Lượng thưa:
– Nếu thừa tướng sai tôi vào thành, xin hãy tạm rút quân mã đi đã.
Khổng Minh lập tức truyền cho quân mã bốn mặt thành hãy tạm rút lui hai chục dặm hạ trại.
Thôi Lượng cưỡi ngựa đến bên thành gọi cửa Dương Lăng sai người mở cửa tiếp vào. Lượng thuật hết tình hình đầu đuôi cho nghe.
Lăng nói:
– Chúng ta chịu ơn dày nhà Ngụy, sao nỡ bỏ mà theo người khác, nên nhân mẹo giặc mà dùng mẹo mình.
Bèn dẫn Thôi Lượng vào ra mắt Hạ Hầu Mậu, kể hết đầu đuôi công việc.
Mậu hỏi:
– Nên dùng mẹo gì?
Dương Lăng nói:
– Tôi xin giả vờ dâng cửa thành, lừa cho quân Thục kéo vào rồi giết sạch đi.
Thôi Lượng làm theo kế ấy, ra ngoài thành nói với Khổng Minh rằng:
– Dương Lăng xin dâng cửa thành cho đại quân vào để bắt Hạ Hầu Mậu. Lăng muốn bắt lấy, nhưng vì quân thủ hạ không được bao nhiêu, cho nên chưa giám kinh động.
Khổng Minh nói:
– Việc ấy rất dễ. Nay có quân hàng cũ của túc hạ hơn trăm người, ta sai tướng Thục, ăn mặc giả làm quân An Định trà trộn đi vào. Trước hãy phục ở phủ Hạ Hầu Mậu và hẹn sẵn với Dương Lăng, đợi đến nửa đêm sẽ mở cửa thành, trong ứng ngoài hợp.
Thôi Lượng nghĩ thầm rằng nếu không dắt tướng Thục đi, thì Khổng Minh sinh nghi; chi bằng hãy tạm dắt vào, rồi đem chém trước đi, đốt lửa để dử cho Khổng Minh vào thành thịt luôn là xong. Bởi thế, liền vâng lời.
Khổng Minh dặn rằng:
– Ta sai tướng thân tín là Quan Hưng, Trương Bào theo ông vào trước, nên nói thác ra rằng quân cứu đã đến, để cho yên bụng Hạ Hầu Mậu; hễ thấy lửa cháy thì ta vào thành bắt sống Mậu.
Bây giờ vào lúc hoàng hôn, Quan Hưng, Trương Bào lĩnh mật kế của Khổng Minh, nai nịt lên ngựa, cầm khí giới, đi lẫn vào đám quân An Định, theo Thôi Lượng đến Nam An. Dương Lăng ở trên mặt thành, dựa vào bao lơn hỏi rằng:
– Quân mã ở đâu đến đó?
Thôi Lượng nói:
– Quân An Định đến cứu đây!
Lượng bắn trước một phát vào trong thành, trên đầu buộc một phong thư, nói rằng:
“Gia Cát Lượng sai hai tướng vào trước, phục sẵn ở trong thành, để làm nội công; chớ làm cho hai tướng ấy kinh động vội, sợ tiết lộ mất mẹo mực của ta, đợi vào trong phủ sẽ tính cũng vừa.”
Dương Lăng đem thư trình Hạ Hầu Mậu và thuật lại công việc, Mậu nói:
– Gia Cát Lượng đã mắc mẹo rồi; ta nên phục sẵn vài trăm tay đao phủ ở trong phủ, nếu hai tướng Thục theo Thôi thái thú đến thì đóng cửa lại mà giết trước đi; rồi sẽ lên mặt thành đốt lửa, dử cho Gia Cát Lượng kéo vào, chắc rằng bắt được Gia Cát Lượng.
Dự bị đâu đấy, Dương Lăng trở lên mặt thành nói rằng:
– Có phải quân An Định, thì mở cửa cho vào!
Quan Hưng theo Thôi Lượng đi trước, Trương Bào theo sau. Dương Lăng xuống nghênh tiếp. Hưng khoa chém ngay Dương Lăng ngã ngựa. Thôi Lượng giật mình, quay ngựa chạy lui. Vừa đến cầu treo thì Trương Bào quát to lên rằng:
– Quân giặc kia chớ chạy! Quỷ kế của chúng mày lừa thế nào được thừa tướng ta?
Nói dứt lời, phóng một nhát mâu đâm Thôi Lượng chết nốt.
Quan Hưng lên mặt thành đốt lửa, bốn mặt quân Thục kéo ùa cả vào. Hạ Hầu Mậu luống cuống, vội vàng mở cửa nam cố chết đánh ra. Một toán quân chặn lại, tướng đi đầu là Vương Bình, hai người đánh nhau mới được một hiệp, Mậu bị Bình bắt sống, còn quân lính chạy tan cả.
Khổng Minh vào thành Nam An, chiêu dự quân dân, không mảy may tơ hào đến của dân. Các tướng dâng công, Khổng Minh sai giam Hạ Hầu Mậu vào trong xe tù.
Đặng Chi hỏi rằng:
– Thừa tướng sao lại biết Thôi Lượng trá hàng?
Khổng Minh nói:
– Ta vốn biết người ấy không có bụng hàng, nên ta sai vào thành, hắn tất đem hết tình hình nói với Hạ Hầu Mậu, mà lại định dùng mẹo ta để đánh ta. Nghe giọng nói ta cũng đủ biết là trá rồi. Ta lại sai hai tướng cùng đi với hắn để cho yên tâm. Nếu hắn thật lòng, tất gàn trở việc ấy. Hắn vui vẻ cùng đi, là sợ ta sinh nghi đó. Hắn nghĩ rằng để hai tướng vào thành rồi sẽ giết đi cũng được và để quân ta vững dạ, cứ việc ung dung kéo vào. Ta đã dặn trước hai tướng vào đến cửa thành thì giết phăng bọn hắn đi. Trong thành chắc không có xếp đặt trước quân ta theo chân kéo vào, đó là đánh nước bất thình lình.
Các tướng đều bái phục.
Khổng Minh nói:
– Ta sai người tâm phúc trá xưng tướng Ngụy tên là Bùi Tự để lừa cho Thôi Lượng kéo ra. Ta cũng đã cho người đến lừa quân Thiên Thủy, nay chưa thấy tin tức gì, không biết tại sao. Vậy ta nên thừa dịp này đến đánh lấy luôn quận ấy.
Bèn lưu Ngô Ý ở lại giữ Nam An, Lưu Diệm giữ An Định, thay cho Ngụy Diên đem quân đánh Thiên Thủy.
Nói về thái thú quận Thiên Thủy là Mã Tuân, từ khi nghe tin Hạ Hầu Mậu bị vây trong thành Nam An, liền hội các quan lại bàn bạc. Bọn Lương Tự, Doãn Thưởng, Lương Kiền nói rằng:
– Hạ Hầu phò mã là cành vàng lá ngọc, nếu có sơ suất điều gì, ta cũng khó tránh được tội ngồi nhìn không cứu. Thái thú sao không khởi hết quân mã lại cứu?
Mã Tuân còn đang phân vân, thì có tin báo Hạ Hầu phò mã sai một tướng tâm phúc là Bùi Tự đến. Tự vào phủ đưa công văn cho Tuân coi, và nói rằng:
– Đô đốc sai tôi đến cầu hai quận An Định, Thiên Thủy, phải mau mau đến cứu ngay cho.
Nói đoạn, vội vã đi luôn.
Hôm sau, có báo mã đến nói rằng quân An Định đã đến trước rồi, thái thú phải hỏa tốc đến mà hội họp.
Mã Tuân toan cất quân đi, bỗng có một người tự ngoài đi vào, nói rằng:
– Thái thú mắc phải mẹo Gia Cát Lượng mất rồi!
Chúng nhìn xem ai thì là người ở huyện Ký, quận Thiên Thủy, tên là Khương Duy, tự Bá Ước. Cha tên là Quýnh, khi xưa có làm quan công tào ở quận Thiên Thủy, vì giặc Khương nổi loạn, bị chết vì việc nước. Duy tự thuở nhỏ, xem rộng các sách, binh pháp, võ nghệ, việc gì cũng tinh thông, thờ mẹ rất có hiếu. Về sau được làm trung lang tướng, giúp việc quân ở đây.
Bấy giờ Khương Duy bảo Mã Tuân rằng:
– Gần đây nghe tin Gia Cát Lượng đánh Hạ Hầu Mậu, vây thành Nam An, dẫu giọt nước cũng không chảy thoát ra ngoài được. Vả lại, Bùi Tự là một tướng nhỏ nhặt vô danh, xưa nay không ai biết tới bao giờ, huống chi lại không có công văn của An Định. Cứ thế mà xét, người này tất là tướng Thục, trá xưng làm tướng Ngụy, lừa thái thú ra khỏi thành, mà họ thì phụng sẵn quân ở gần đây, thừa cơ cướp lấy thành của ta.
Mã Tuân nghĩ ra, mới nói rằng:
– Nếu không có Bá Ước nói rõ như thế, suýt nữa ta mắc phải mẹo gian!
Duy cười, nói:
– Thái thú khoan tâm, tôi có một mẹo này bắt được Gia Cát Lượng, giải được vây thành Nam An.
Đó mới là:
Dùng mưu ta đã chắc ta là giỏi,
Chọi trí ai ngờ có kẻ hơn?
Chưa biết mẹo mực ra sao, xem đến hồi sau phân giải.