Chương 080: Trận Ôn Hoàng bị quạt Mầu phá tiêu
Na Tra nổi giận, lên xe phong hỏa, đến trước ải kêu lớn:
– Chúng bây vào báo với chủ tướng, gọi Long An Khiết ra đây ta bảo.
Từ Phương liền sai Long An Khiết ra đấu chiến.
Long An Khiết thấy Na Tra đã biết ngay người tài phép song toàn, tính phải ra tay trước liền giục ngựa tới hỏi:
– Ngươi phải Na Tra chăng?
Na Tra chưa kịp trả lời đã thấy Long An Khiết đâm tới một giáo, vội vàng đỡ ra rồi đánh lại.
Long An Khiết quăng Tứ chi tô lên, và nói:
– Na Tra, xem bửu bối của ta kia.
Na Tra ngó lên thấy hai chiếc vòng nẹo lại, nghe tiếng khua rổn rảng, không biết vật gì.
Giây phút Tứ chi tô rớt xuống đất.
Long An Khiết lấy làm lạ, vì không biết Na Tra là cốt bông sen.
Na Tra cười lớn:
– Ngươi làm cái trò gì lạ vậy?
Nói rồi rùng mình một cái, hiện ra ba đầu tám tay, mặt xanh nanh bạc, hình tượng kỳ dị, quăng Càn khôn quyện lên, nói lớn:
– Ðôi vòng của ngươi làm chi ta nổi, vậy ta trả lại cho ngươi một chiếc vòng này.
Long An Khiết tránh không khỏi, bị chiếc vòng của Na Tra đánh trúng nhằm đầu, sa xuống yên, bị Na Tra đâm một thương chết tươi.
Na Tra rút gươm cắt lấy thủ cấp Long An Khiết thâu binh về trại vào ra mắt Tử Nha, thuật hết mọi điều.
Tử Nha mừng rỡ, truyền đem bêu đầu ngoài ngõ dinh.
Quân thua về báo lại, Từ Phương hay được tin than:
– Ải này chỉ còn một mình ta, làm sao giữ cho nổi, tướng tá chết hết, triều đình lại không cho viện binh.
Than rồi viết sớ cho người về Triều Ca cấp báo.
Bỗng có quân vào thưa:
– Ngoài cửa ải có một vị đạo sĩ xin ra mắt.
Từ Phương truyền mời vào.
Ðạo sĩ bước vào là một người có ba con mắt, mặt xanh, tóc đỏ, nanh bạc, tròng vàng.
Từ Phương bước đến chào hỏi, đối đãi như bậc thượng khách.
Ðạo sĩ nói:
– Ta là Lữ Nhạc, ở Cửu Long đảo, trước kia có thù với Tử Nha nên nay đến đây giúp tướng quân rửa hờn.
Từ Phương mừng rỡ nói:
– Cơ nghiệp Thành Thang có phước lớn nên mới khiến có tiên đến giúp.
Nói rồi truyền quân dọn tiệc đãi đằng, và kể các việc bại trận vừa rồi.
Lữ Nhạc an ủi:
– Tướng quân chớ lo, để ngày mai tôi ra trận bắt tướng Châu cho xem.
Rạng ngày, Lữ Nhạc đến bên dinh Châu khiêu chiến.
Quân vào báo lại:
– Ngoài dinh có một ông đạo mặt xanh tóc đỏ mời Nguyên soái ra trận.
Tử Nha không ngờ là Lữ Nhạc nên kéo cả đệ tử ra ngoài chừng nhận ra Lữ Nhạc, cả đệ tử đều nổi giận nghiến răng. Tử Nha nói:
– Lữ Nhạc đạo nhân không biết sức mình, trước đây ngươi đã bại tẩu bỏ trốn, sao nay còn đến đây nạp mạng?
Lữ Nhạc nói:
– Chúng bây chớ khoe tài. Hận thù lúc trước nay ta đến đây để rửa nhục. Ta sẽ quyết với các ngươi một còn một mất.
Lôi Chấn Tử nạt lớn:
– Thất phu! Không biết thân phận lẽ nào chúng ta dung cho ngươi hai lần?
Nói rồi quạt cánh bay đến đánh liền. Mộc Tra, Lý Tịnh, Na Tra, Vi Hộ đồng hét lên một tiếng áp vào trợ chiến.
Lữ Nhạc bị các tướng Châu phủ vây, phải hiện ra ba đầu sáu tay mặt xanh nanh bạc mà chống cự.
Giây phút Lữ Nhạc quăng Liệt ôn ấn lên đánh nhằm Lôi Chấn Tử sa xuống đất.
Các tướng áp lại cứu Lôi Chấn Tử đem về.
Tử Nha quăng roi Ðả thần tiên lên đập nhằm lưng Lữ Nhạc.
Lữ Nhạc chịu không nổi chạy về ải Xuyên Vân.
Từ Phương ra nghênh tiếp và an ủi:
– Ðạo trưởng giao đấu tài lắm chỉ vì chúng ỷ đông còn đạo trưởng có một mình làm sao cự lại.
Lữ Nhạc nói:
– Tại ta nóng nảy nên bị thất cơ, nếu ta đợi vị đạo hữu của ta ít hôm nữa đến đây rồi sẽ ra binh thì không sợ gì chúng nó.
Từ Phương hỏi:
– Ðạo trưởng còn có người bạn nào sắp đến đây sao?
Lữ Nhạc nói:
– Ta đã có hẹn trước với bạn ta rồi.
Bấy giờ Tử Nha trở về dinh thấy Lôi Chấn Tử bị thương, lòng phiền muộn vô cùng, không biết thuốc gì để cứu chữa. Các tướng không được lệnh xuất chinh cứ lóng nhóng mãi.
Còn Lữ Nhạc mấy hôm liền không khiêu chiến đợi người bạn đến.
Hôm nọ, có quân vào báo:
– Ngoài thành có một đạo nhân xin vào ra mắt.
Lữ Nhạc mừng rỡ nói lớn:
– Ðúng là người bạn của ta đã đến.
Nói rồi ra trước cửa thành rước vào.
Ðạo sĩ bước đến làm lễ.
Từ Phương hỏi:
– Vị đạo trưởng này danh hiệu là gì?
Lữ Nhạc nói:
– Người này là Trần Canh bạn của ta, hứa đến đây giúp tướng quân bắt Võ Vương và Khương Thượng.
Từ Phương cảm tạ rồi truyền quân dọn tiệc đãi đằng.
Lữ Nhạc hỏi Trần Canh:
– Sư đệ luyện bửu bối hôm trước nay đã hoàn thành chưa?
Trần Canh đáp:
– Vì tôi cố hoàn thành bửu bối ấy mà đến đây trễ một chút. Ngày mai chúng ta giao đấu với Tử Nha.
Hôm sau Lữ Nhạc sai Trần Canh chọn ba ngàn quân kéo ra trước thành dàn trận, còn mình thì đến trước dinh Châu khiêu chiến.
Tử Nha hay tin triệu tập các tướng dặn:
– Mấy hôm nay Lữ Nhạc im lìm nay đến khiêu chiến chắc có điều lạ, các ngươi phải giữ gìn cẩn thận mới được.
Bỗng có quân báo:
– Dương Tiễn đã giải lương về đến.
Tử Nha truyền cho vào.
Dương Tiễn nói:
– Lương thực tôi giải đúng kỳ và đủ số không trễ.
Tử Nha nói:
– Nay có Lữ Nhạc đến đây ngăn cản làm quân ta không thể tiến được. Nó giúp Từ Phương giữ ải Xuyên Vân…
Dương Tiễn nói:
– Lữ Nhạc trước kia thất bại đã bỏ trốn nay sao còn dám cản đường. Vậy thì Nguyên soái ra trận cho tôi xem thử.
Tử Nha y lời dẫn các tướng ra ngoài dinh bố trận.
Lữ Nhạc kêu Tử Nha nói:
– Ta với ngươi hận chất bằng non, thù sâu tợ biển, quyết một mất một còn mà thôi. Ngươi là đệ tử Ngọc Hư, ta là môn đồ Triệt giáo, hơn thua nhau chỉ về pháp thuật, cần gì đấu sức cho mất công. Ðể ta lập một trận, nếu ngươi biết trận ấy tên là trận gì thì ta tình nguyện theo ngươi đánh Trụ, còn nếu ngươi không biết thì ta với ngươi thử tài cho biết thấp cao.
Tử Nha nói:
– Ðạo hữu không giữ phận tu hành, muốn lập trận gì thì cứ lập, ta làm sao cản trở nổi.
Lữ Nhạc liền trở về trước thành cùng với Trần Canh lập trận độ nửa giờ thì hoàn thành, Lữ Nhạc trở lại trước dinh Châu kêu Tử Nha nói:
– Tử Nha, ta đã lập trận xong, ngươi đến đó xem thử.
Tử Nha dẫn Na Tra, Vi Hộ, Lý Tịnh và Dương Tiễn đến xem.
Dương Tiễn nói với Lữ Nhạc:
– Chúng ta vào xem trận, các ngươi chớ dùng tà thuật hại lén nhé.
Lữ Nhạc cười lớn, mắng:
– Dương Tiễn, ngươi khinh ta là con nít hay sao lại nói lời ấy?
Tử Nha dẫn bốn đệ tử vào trận xem hoài không rõ là trận gì nghĩ thầm:
– Nếu không biết là trận gì thì làm sao phá được?
Bỗng nhớ đến lời Nguyên Thỉ tiên tri rằng đến ải Xuyên Vân có trận Ôn Hoàng, liền nói nhỏ với Dương Tiễn:
– Thầy ta có dặn, chắc đây là trận Ôn Hoàng.
Dương Tiễn thưa:
– Nếu vậy để tôi tìm cách trả lời, dò xét cử chỉ nó ra sao cho biết.
Tử Nha dẫn bốn tướng ra ngoài, Lữ Nhạc đón lại hỏi:
– Các ngươi biết tên trận này hay không?
Dương Tiễn nói hớt:
– Lữ đạo trưởng ơi! Trận ấy nhỏ mọn lắm chẳng có gì đáng gọi là tài năng.
Lữ Nhạc nổi giận nói:
– Ngươi biết trận gì mà nói dóc?
Dương Tiễn cười lớn:
– Ấy là trận Ôn Hoàng, mà các ngươi lập chưa xong. Nguyên soái ta đợi hoàn thành sẽ phá.
Lữ Nhạc nghe nói rụng rời, đứng sững như pho tượng.
Dương Tiễn theo Tử Nha và các tướng vào trại. Ai nấy đều khen Dương Tiễn thông minh, dùng mánh khóe làm cho tướng địch thất thần.
Tử Nha nói:
– Tuy đã trả lời làm cho Lữ Nhạc nản chí, song không biết cách phá trận thì liệu làm sao?
Na Tra thưa:
– Miễn nói cho xong việc, rồi thủng thẳng sẽ tính. Vả lại trận Thập tuyệt, Tru tiên, mà còn phá được thay, huống chi trận nhỏ như vầy lo làm chi cho mệt.
Tử Nha nói:
– Ðành vậy, xong lời xưa có nói: “Không lo xa thì họa tới gần”. Chớ khinh trận nhỏ mà bị hại.
Các tướng đều nói:
– Nguyên soái tính phải lắm.
Mọi người đều lo kế phá trận, xong không ai có ý kiến nào hay.
Bỗng có quân vào báo:
– Có Vân Trung Tử tới.
Tử Nha mừng rỡ nói với các tướng:
– Thật Võ Vương hồng phước tày trời, nên lúc nào lâm nạn đều có kẻ sẳn sàng lo lắng.
Nói rồi đồng ra nghinh tiếp, mời Vân Trung Tử vào trong, Tử Nha hỏi:
– Có phải đạo huynh đến đây phá trận Ôn Hoàng của Lữ Nhạc không?
Vân Trung Tử đáp:
– Chính vì việc ấy mà ta đến đây.
Tử Nha tạ ơn và nói:
– Số tôi mắc nhiều tai nạn, nhờ quý vị đạo huynh nhọc lòng giải cứu. Nhưng chẳng biết trận ấy ra thế nào? Phải làm sao mới phá được?
Vân Trung Tử nói:
– Trận này về phần Nguyên soái phá, chứ chúng tôi không đủ tài lực.
Tử Nha thất kinh hỏi:
– Tôi không biết cách nào để phá trận thì làm sao?
Vân Trung Tử nói:
– Số Nguyên soái mắc nạn một trăm ngày trong trận ấy, chờ mãn hạn có người đến cứu. Còn tôi đến đây chỉ để thay Nguyên soái, tạm giữ ấn Nguyên nhung trong thời gian đó mà thôi.
Tử Nha nói:
– Nếu đạo huynh giúp đỡ như vậy, dầu tôi có mắc nạn cũng chẳng hề chi.
Nói rồi trao ấn soái và cờ lệnh cho Vân Trung Tử.
Các tướng sĩ đem việc ấy nói đến tay Võ Vương, Võ Vương liền đến trướng nói với Tử Nha.
– Ta nghe Thượng phụ muốn phá trận, lòng ta chẳng đành. Nếu tranh đua mà cực khổ như vậy, thà lui về nước để hưởng thanh bình.
Tử Nha làm thinh, Vân Trung Tử nói:
– Xin hiền vương an lòng, số trời đã định, dẫu trốn đi đâu cũng chẳng khỏi, huống chi làm tướng ra trận thì hoạn nạn là chuyện thường, có chi mà sợ.
Võ Vương làm thinh không dám cãi nữa.
Bấy giờ Lữ Nhạc và Trần Canh đem hai mươi mốt cây lộng Ôn hoàng để vào trong trận, chia ra chín cung tám hướng, sắp đặt an bày. Giữa trận lại có lập một cái đài bằng đất, dùng phù ấn án ngữ.
Hai người sắp hoàn thành trận đồ, bỗng có quân vào báo:
– Có một đạo sĩ đến tìm lão gia.
Lữ Nhạc truyền mời vào ra mắt, thấy người đó là Lý Bình, mừng rỡ nói:
– Lý đạo hữu đến đây chắc là giúp tôi đánh Châu bắt Khương Thượng.
Lý Bình nói:
– Không phải như vậy! Tôi đến đây để can đạo hữu, vì khi đi dạo chơi dọc đường, tôi nghe đạo hữu lập trận Ôn Hoàng, nên tôi phải bôn bả đến đây mà khuyên giải. Nay Trụ Vương vô đạo, khí số nhà Thương đã hết, các chư hầu đều phản, thì Trụ Vương mất nước đã đành. Còn Võ Vương là người có đức, trên sánh Thuấn, Nghiêu, dưới vừa lòng dân chúng, ấy là chúa thánh ra đời, thì thu giang sơn nhà Thương cũng là lẽ phải. Vả lại, Tử Nha vâng lệnh thầy phò Châu diệt Trụ, họp chư hầu tại đất Mạnh Tân, giết vua Trụ tại ngày Giáp Tý. Số trời định như vậy, đạo hữu làm trái đi, lẽ nào tôi chẳng can gián? Nếu đạo hữu nghe lời tôi, dẹp trận về non để Võ Vương và Tử Nha chinh phạt, còn mình lo việc tu hành, chẳng tham dự việc can qua, thì khỏi lo gì đường họa phước. Xin lui một bước cho nhân lạc là hơn.
Lữ Nhạc cười rằng:
– Lý đạo huynh nói còn sai lầm! Ai chẳng biết trước đây giáo chủ ta đã họp với tam giáo nghị bảng Phong Thần, giúp Châu diệt Trụ. Ðó là khí số của trời đất, chúng ta là người tu hành lẽ nào chẳng biết? Nhưng, môn đồ Xiển giáo cậy mình hành đạo, khi dễ Triệt giáo chúng ta là bàng môn tả đạo, hiếp bức đủ điều, lắm lời nhục mạ, đạo huynh không biết hay sao. Tôi lập trận này không phải bênh vực Trụ Vương, chống lại vua Võ, mà để cảnh cáo môn đồ Xiển giáo biết rằng Triệt giáo không phải vô dụng, thấp hèn như họ tưởng.
Lý Bình nói:
– Ðạo hữu lấy cớ gì mà cho Xiển giáo khinh chúng ta?
Lữ Nhạc nói:
– Thân Công Báo là môn đồ Xiển giáo, thấy ý khinh miệt của Xiển giáo đối với Triệt giáo còn đem lòng tức tối thay, huống chi chúng ta là người trong giáo hệ. Môn đồ Xiển giáo chẳng những khinh chúng ta, mà còn khinh cả vị giáo chủ của chúng ta nữa. Ðạo huynh không nghe việc Quảnh Thành Tử đến cung Bích Du ăn nói lỗ mãng, khinh Triệt giáo chúng ta là loài có lông, có sừng hay sao? Ðến như vị sư tôn chúng ta là Thông Thiên giáo chủ còn không chịu nổi hành động khinh bỉ ấy phải xuống lập trận Tru tiên nơi ải Giới Bài để răn người Xiển giáo. Chúng ta là môn đồ, dù phải chết cũng cố bảo tồn giáo hệ của chúng ta.
Lý Bình nói:
– Tôi thấy Tử Nha tuy gặp nhiều tai nạn, song đều vượt qua khỏi. Như trận Thập tuyệt, Tru tiên là những trận dữ, mà chưa làm gì được, thì trận Ôn Hoàng của đạo huynh có ích gì. Xe trước đã gãy, xe sau phải lấy đó làm gương, đạo huynh phải xem xét lại.
Lý Bình nói năm bảy lượt, Lữ Nhạc vẫn không nghe, lấy bút hạ chiến thư, sai người đem tới cho Tử Nha.
Chiến thư viết như sau:
“Cửu Long đảo Luyện khí sĩ là Lữ Nhạc, gửi thư cho Nguyên soái Tây Kỳ Khương Tử Nha được rõ:
Thường nghe, kẻ tu hành thì lấy đức làm gốc, người đạo nghĩa lấy khiêm tốn làm đầu. Thế mà nhiều lần Xiển giáo khi dể Triệt giáo chúng tôi, nay tôi lập trận này, nếu môn đồ Xiển giáo liệu không phá được thì kéo nhau ra trước trận hàng đầu, tôi sẽ dẹp trận để binh Châu tiến bước, bằng cứ tưởng mình tài cao phép giỏi liều mạng xông vào trận dữ, thì chắc binh tướng không còn. Ý định thế nào xin cho biết”.
Tử Nha xem chiến thư, phê đàng sau mấy chữ hẹn ngày mai phá trận.
Người đem thơ trở về trình cho Lữ Nhạc xem, Lữ Nhạc mừng rỡ chuẩn bị sẳn sàng.
Ngày hôm sau Vân Trung Tử mời Tử Nha đến, trao cho ba lá bùa, một lá dán trước ngực, một lá dán sau lưng, một lá giắt trên mão, lại cho một hoàn thuốc để trừ lúc lên cơn.
Xảy nghe quân vào báo:
– Có Lữ Nhạc khiêu chiến.
Tử Nha cỡi Tứ bất tướng ra trận, còn Võ Vương và các tướng lược trận đàng sau.
Tử Nha kêu lớn:
– Lữ Nhạc, ngươi lập trận dữ hại ta, ta nguyền với ngươi một trận cho biết sức, chỉ sợ ngày sau ngươi ăn năn không kịp.
Lữ Nhạc giục con lạc đà mắt thau tới, chém Tử Nha một gươm, Tử Nha đỡ ra đánh lại. Hai bên giao chiến, hơn mười hiệp, Lữ Nhạc bỏ chạy vào trận Ôn Hoàng, Tử Nha giục thú đuổi theo, Lữ Nhạc nhảy lên đài Bát quái, quăng lọng phép chụp Tử Nha, Tử Nha thấy cát đen, khói đỏ vãi xuống, liền lấy Hạnh Huỳnh kỳ che thân, và uống hoàn thuốc linh đơn chịu trận.
Lữ Nhạc thấy Tử Nha đã mắc vào trận liền giục lạc đà chạy ra ngoài kêu lớn:
– Tử Nha đã chết trong trận rồi, còn Cơ Phát hãy ra đây nạp mạng.
Võ Vương nghe nói kinh hãi, hỏi Vân Trung Tử:
– Nếu quả Thượng phụ bỏ mình trong trận, thì ta sống làm gì?
Vân Trung Tử nói:
– Không hề gì đâu. Lữ Nhạc nói dối, Tử Nha chỉ mắc nạn trong đó ít lâu, mãn hạn sẽ có người đến cứu.
Lý Tịnh, Vi Hộ, Lôi Chấn Tử, và ba anh em Na Tra đều nổi giận, hét lên một tiếng:
– Chúng ta bắt Lữ Nhạc phân thây, trả thù cho Nguyên soái.
Nói rồi áp tới vây Trần Canh và Lữ Nhạc vào giữa, đánh thôi cát bụi mịt mù, vang trời dậy đất.
Na Tra biến ra ba đầu tám tay đánh Trần Canh một Càn khôn quyện, Dương Tiễn quăng Hạo thiên khuyển lên, cắn cổ Lữ Nhạc đổ máu. Hai người thất kinh chạy vào trận.
Các tướng không dám đuổi theo, cùng nhau trở lại dinh Châu.
Võ Vương sầu thảm, hỏi Vân Trung Tử:
– Thượng phụ bị trận này chừng nào mới ra khỏi?
Vân Trung Tử nói:
– Mãn hạn một trăm ngày mới thoát khỏi được.
Võ Vương thất sắc hỏi:
– Nhịn đói ba tháng mười ngày làm sao sống được?
Vân Trung Tử nói:
– Xin hiền vương chớ ngại. Trước kia tại trận Hồng sa, hiền vương cũng bị nạn một trăm ngày, nhưng vẫn không chết, thì Tử Nha chết sao được?
Tuy có lời Vân Trung Tử khuyên giải, Võ Vương cũng buồn bã không vui, coi một ngày dài hơn một năm vậy.
Còn Lữ Nhạc, mỗi ngày vào trận ba lần, cứ lấy lọng Ôn Hoàng quăng xuống.
Tử Nha nhờ có Hạnh huỳnh kỳ che chở, hào quang chiếu sáng, không đến nỗi hại thân.
Lữ Nhạc thăm trận rồi lại trở vào ải bàn luận với Từ Phương.
Từ Phương hỏi:
– Ðạo trưởng cầm Tử Nha trong trận bao lâu Tử Nha mới chết? Và bao giờ mới triệt thoái được quân Châu?
Lữ Nhạc nói:
– Thủng thỉnh sẽ hay, tướng quân lo việc ấy làm chi cho mệt.
Từ Phương nói:
– Vậy thì phải giải các tướng Châu vừa bị bắt về triều ca cho thiên tử xử trị, đồng thời viện thêm binh tướng đến giữ thành mới khỏi bị hại.
Lữ Nhạc nói:
– Ðó là nhiệm vụ của tướng quân. Tôi thiết tưởng bắt được tướng giặc không nên nhốt trong thành lâu.
Từ Phương nói:
– Nhân dịp này tôi sẽ viết sớ tâu với thiên tử về việc đạo trưởng đến lập trận trừ giặc.
Lữ Nhạc nói:
– Ðừng nói đến việc tôi làm gì, tôi không có ý hưởng lộc triều đình, việc làm của tôi chẳng qua là chuyện riêng giữa cá nhân tôi với Tử Nha thôi.
Từ Phương y lời ấy, viết sớ sai người giải tù nhân về Triều Ca.
Khi ấy viên tướng cạnh là Phương Nghĩa Chân bước ra xin đảm lãnh nhiệm vụ giải tù.
Bây giờ nói về ông Thanh Hư đạo nhân ở động Tử Dương, trong cơn rảnh rang ra ngoài hừng mát, trông thấy Dương Nhậm đang ngoạn kiển, sực nhớ đến công việc, liền nói với Dương Nhậm:
– Lúc này ngươi cũng nên ra mặt cứu bốn tướng Châu, và đến ải Xuyên Vân phá Ôn Hoàng trận.
Dương Nhậm nói:
– Trước kia tôi làm quan văn cho Trụ Vương, chỉ biết việc văn chương chữ nghĩa, từ khi được thầy cứu đem về đây, tôi có được tập luyện võ nghệ gì đâu mà thầy sai đi cứu tướng, phá trận?
Thanh Hư đạo nhân nói:
– Muốn trở thành tướng võ cũng chẳng khó gì. Hễ học thì biết. Ðã mang tiếng tu luyện mà không biết dụng võ thì chưa phải cao.
Nói rồi vào động lấy cây thương Phi điểu đem ra vườn tập cho Dương Nhậm múa men một hồi.
Dương Nhậm là người có tên trong bảng Phong thần, lại thông minh, nên tập chẳng bao lâu đã thuộc.
Thanh Hư đạo nhân nói:
– Ta cho ngươi con thú Vân Hà mà cỡi, và cho một cây quạt Ngũ hỏa thần diệm, hễ vào trận cứ theo cách ta truyền mà làm, lo gì không giết được Lữ Nhạc? Vả lại, Hoàng Phi Hổ và các tướng đang bị nhốt trong tù xa, giải đi dọc đường, ngươi phải cứu những người ấy trước, sau này mới dễ phá ải.
Dương Nhậm lạy tạ thầy, cầm quạt và thương, lên lưng thú, vỗ sừng nó một cái, con Vân Hà bay bổng như chim.
Bay trên mây một hồi, Dương Nhậm trông thấy thú linh sa xuống cách ải Ðồng quan chừng ba mươi dặm, bên đường có một tướng đang giải xe tù, trên cờ có đề mấy chữ: Giải Tây Kỳ phản tướng.
Dương Nhậm liền vỗ thú chạy đến đón đường kêu lớn:
– Hãy đứng lại, có ta đến đây.
Quân sĩ thấy có người đón đường thất kinh chạy trở lại báo với Phương Nghĩa Chân:
– Ðằng trước có một người dị hình, dị tướng, ngăn cản đầu quân. Người ấy hai con mắt có mọc ra cánh tay nhỏ, trong hai bàn tay đều có con mắt, năm chòm râu dài, phất phơ theo gió.
Phương Chân Nghĩa cậy mình võ giỏi, liền xốc ngựa tới, quả thấy Dương Nhậm tướng mạo khác thường, trong lòng kinh hãi, liền nạt lớn:
– Ngươi là ai dám đón đường ta?
Dương Nhậm ôn tồn nói:
– Ta là quan Thượng Ðại phu Dương Nhậm. Tướng quân ơi! Trụ Vương vô đạo lắm, thiên hạ về Châu hết, tướng quân chớ cãi trời mà mang họa.
Phương Nghĩa Chân nói:
– Ta vâng lệnh chủ tướng giải phản tặc về, sao ngươi dám đón đường quân sĩ?
Dương Nhậm nói:
– Ta vâng lệnh thầy ta xuống ải Xuyên Vân phá trận Ôn Hoàng. Ta khuyên ngươi đầu hàng minh chúa, để khỏi mất phong hầu.
Phương Nghĩa Chân thấy Dương Nhậm nói nhỏ nhen, tưởng Dương Nhậm chỉ là một quan văn, trói gà không chặt, liền trợn mắt hét lớn:
– Nghịch tặc! Ðã phản chúa còn muốn dụ dỗ ta sao?
Nói rồi đâm một giáo. Dương Nhậm đỡ ra đánh lại. Hai tướng đánh cầm đồng.
Dương Nhậm sợ để lâu, quân sĩ giết mất bốn tướng, liền lấy quạt Ngũ hỏa thần diệm ra quạt mấy cái tức thì Phương Nghĩa Chân cả người và ngựa đều tiêu ra gió.
Bởi cây quạt này dữ lắm nên có thơ rằng:
Quạt bay ra lửa cháy rần rần,
Cháy núi tiêu non thiệt phép thần
Khói dậy gió tuôn oai tợ sấm,
Dù cho tài giỏi chẳng nên gần.
Dương Nhậm thấy phép báu lạ lùng, ngồi trên lưng thú sững sờ, còn bao nhiêu quân sĩ thất kinh chạy toán loạn.
Hoàng Phi Hổ tưởng Dương Nhậm là thần tiên giáng hạ, ngồi trong tù xa lớn tiếng hỏi:
– Chẳng hay ông là vị thần chi, cứu chúng tôi khỏi họa.
Dương Nhậm nhìn biết Hoàng Phi Hổ, liền xuống lưng thú đáp:
– Hoàng tướng quân! Tôi không phải người lạ cũng không là thần tiên, trước kia là quan Thượng đại phu Dương Nhậm. Bởi Trụ Vương thất chánh, bày cất Lộc đài, tôi hết lòng can gián bị hôn quân khoét mắt, nên mọc ra hai cái tay nhỏ như vầy. Nhờ thầy tôi cứu sống, nay sai tôi xuống cứu bốn tướng và phá trận Ôn Hoàng.
Nói rồi liền mở cửa tù xa. Bốn tướng mừng thoát chết, bước ra ngoài lạy tạ.
Dương Nhậm nói:
– Bốn vị tướng quân khoan về trại, hãy kiếm nhà dân sự mà nương ngụ, đợi tôi phá trận Ôn Hoàng xong, đem quân cướp ải, chừng ấy hễ nghe tiếng pháo nổ thì trà trộn vào thành làm nội công.
Bốn tướng y theo lời dặn. Dương Nhậm cỡi thú Vân hà bay khỏi ải Xuyên Vân, sa xuống trước trại. Binh Châu thấy người dị tướng, đều thất vía kinh hồn.
Dương Nhậm nói:
– Không hề chi đâu. Ta không phải là người của Trụ Vương đâu mà sợ, hãy vào tâu với Võ Vương rằng ta là Dương Nhậm đến xin ra mắt.
Quân vào báo:
– Có một tướng dị hình đến trước ải xin vào yết.
Vân Trung Tử biết Dương Nhậm tới, truyền mời vào.
Dương Nhậm làm lễ rồi thưa:
– Có sư thúc ở đây lo chi phá trận không được?
Vân Trung Tử đỡ Dương Nhậm dậy, giới thiệu với các tướng rồi dẫn vào ra mắt Võ Vương.
Võ Vương kinh hãi hỏi:
– Vì cớ nào mà mặt mày ra thế ấy?
Dương Nhậm tâu lại việc Trụ Vương khoét mắt được tiên nhân cứu chữa vân vân.
Võ Vương mừng rỡ, truyền dọn yến tiệc thết đãi.
Dương Nhậm lại thuật chuyện cứu bốn tướng dọc đường và vâng lệnh thầy dạy đến phá trận Ôn Hoàng.
Vân Trung Tử khen:
– Ngươi đến đây đúng kỳ lắm! Chỉ còn ba ngày nữa Tử Nha mãn hạn một trăm ngày.
Các tướng thấy có thêm được Dương Nhậm, ai nấy mừng vui khôn xiết.
Ðến ngày thứ ba, Dương Nhậm cỡi thú đi trước, Võ Vương, Vân Trung Tử, và các tướng theo sau lược trận.
Dương Nhậm đến trước thành kêu lớn:
– Lữ Nhạc, sao không ra mắt ta?
Lữ Nhạc liền hiện ra ba đầu sáu tay, cầm gươm đến trước trận, thấy Dương Nhậm dị tướng dị hình kinh hãi hỏi lớn:
– Ngươi tên họ là chi?
Dương Nhậm nói:
– Ta là Dương Nhậm, học trò ông Thanh Hư đạo nhân, vâng lệnh xuống phá trận Ôn Hoàng.
Lữ Nhạc cười lớn:
– Ngươi là một đứa tiểu đồng theo hầu hạ dám phách lối như vậy sao.
Nói rồi liền chém một gươm.
Dương Nhậm đỡ ra rồi đâm lại.
Hai tướng đánh được ba hiệp, Lữ Nhạc bỏ chạy vào trận Ôn Hoàng, Dương Nhậm kêu lớn:
– Lữ Nhạc, coi ta vào phá trận.
Nói rồi giục thú xông vào.