Chương 042: Thái Sư thâu được bốn Tướng thần
Thấy ba tướng giận dữ kéo nhau lên núi, Tân Hoàn liền bước xuống cản lại và nói:
– Các anh đừng vô lễ. Lão gia là Thái Sư Văn Trọng ở triều Thương, hiện đang cầm quân đánh Tây Kỳ lẽ ra chúng ta phải tiếp đón Thái Sư mới phải.
Ba người nghe nói đều xuống ngựa, đến trước mặt Văn Trọng quì thưa:
– Chúng tôi nghe danh lão gia đã lâu, không nghênh tiếp mà còn xúc phạm, tội chúng tôi thật đáng chết, xin lão gia dung tình.
Văn Thái Sư nói:
– Vì các ngươi không biết nên xúc phạm đến ta thì chẳng có tội chi, nay ta muốn các ngươi theo ta đi dẹp giặc Tây Kỳ để sau nầy được vinh hiển.
Cả bốn anh em đồng quì lạy tuân lời, và thỉnh Văn Thái Sư về trại để đãi trà nước.
Văn Thái Sư theo bốn người đến nơi, thấy dinh trại cất hai dãy, lâu la đông nghẹt, lương thảo đầy kho.
Văn Thái Sư nói:
– Nay các người đã bằng lòng theo ta thì phải hỏi bọn lâu la, đứa nào muốn theo thì theo, đứa nào không muốn theo thì chia của đã tích trữ bấy lâu nay cho chúng nó về xứ.
Tân Hoàn tuân lệnh truyền lại với lâu la. Ðứa thì muốn theo, đứa lại không muốn.
Tân Hoàn chia của, mỗi đứa lãnh một phần, chúng mừng rỡ vô cùng.
Tính lại số lâu la chịu theo hơn bảy ngàn người, lương thảo được ba vạn.
Sắp đặt xong, bốn anh em đồng ra lệnh đốt trại, nhập vào đội quân triều đình, kéo một lượt qua khỏi núi Huỳnh Hoa.
Người sau có thơ rằng:
Rực rỡ cờ hồng như ngọn lửa
Ruổi đong ngựa chiến tợ bào hao
Tây Kỳ hào kiệt đường mây nhóm
Văn Trọng binh gia tợ sóng xao.
Văn Thái Sư đang kéo binh đi, nhìn thấy trước mặt có một tấm bia khắc ba chữ là: Tuyệt Long lãnh thì dừng kỳ lân cả buổi, buồn bực làm thinh.
Ðặng Trung thấy vậy hỏi:
– Chẳng hay Thái Sư có việc chi nghĩ vậy mà vẻ người bơ phờ?
Văn Thái Sư nói:
– Thuở trước ta học đạo tại cung Ðức Du, lúc chân tài đã năm mươi tuổi. Thầy ta là bà Kim Linh thánh mẫu sai xuống phò cơ nghiệp Thành Thang. Khi ra đi ta có hỏi một lời số mạng. Thày ta bảo là ta không nên gặp chữ Tuyệt. Nay kéo binh đến đây lại gặp chữ ấy, nên lòng ta chẳng vui.
Ðặng Trung và ba tướng đồng thưa:
– Thái Sư đa nghi quá! Lẽ nào một chữ ấy mà định họa phước chung thân cho kẻ trượng phu? Vả lại người lành thì trời giúp. Thái Sư tài cao đức trọng lo gì không dẹp nổi Tây Kỳ.
Tuy có lời khuyên giải, nhưng Văn Thái Sư vẫn chẳng nguôi ngoai. Các tướng thúc quân đi đến. Quân sĩ lướt tới như mây gió, giáo gươm chơm chởm, tiếng chân người dội cả một góc trời.
Ngày kia, trong lúc đại binh đang tiến bước có thám mã trở lại thưa:
– Binh đã gần đến cửa Nam thành Tây Kỳ rồi.
Thái Sư truyền quân đóng trại. Tướng sĩ vào lịnh phát pháo đồn binh.
Bấy giờ bên Tây Kỳ, quân thám thính được tin vội về báo với Tử Nha:
– Văn Thái Sư dẫn ba mươi muôn binh đóng trại phía Nam thành.
Tử Nha nói:
– Trước kia ta có ở Triều Ca, song chưa biết mặt Thái Sư Văn Trọng, nay người đã kéo binh đến đây, để ta xem thử thế nào cho biết.
Nói rồi dẫn các tướng lên mặt thành.
Tử Nha thấy binh Thái Sư nghiêm trang tề chỉnh, chắt miệng khen thầm:
– Văn Thái Sư nổi danh bốn biển thật xứng đáng. Cứ như lối cầm binh thế này thì tiếng đồn quả không sai.
Nói rồi xuống thành thương nghị.
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Xin Thừa Tướng đừng lo. Rất đổi Ma gia tứ tướng còn phải rơi đầu, huống chi Thái Sư Văn Trọng tuổi tác đã già, sức lực bao nhiêu mà ngại.
Tử Nha nói:
– Tuy vậy mặc lòng, song ta buồn vì quân dân Tây Kỳ phải nạn chiến tranh, rơi xương đổ máu, biết chừng nào cho được thái bình.
Các tướng đang bàn luận, có quân vào báo:
– Văn Thái Sư sai sứ đến hạ chiến thư.
Tử Nha cho vào.
Quân giữ cửa tuân lệnh khai thành đón sứ.
Tử Nha tiếp lấy chiến thư, trong thơ đại ý viết như sau:
“Thái Sư nhà Thương gồm chức Chinh Tây Nguyên soái là Văn Trọng, gởi cho Thừa Tướng Tử Nha rõ.
Nghe rằng: Hễ làm tôi phản chúa thì mang tội nghịch thiên. Nay chúa trị chín Châu, oai vang bốn biển, mà Tây Kỳ làm loạn. Cơ Phát xưng vương, lại chứa kẻ phản thần chẳng kiêng quốc pháp. Vua sai binh vấn tội, ngươi nghịch lại thiên oai, dám bêu đầu đại thần, chẳng vị lòng thượng quốc. Dẫu bằm da xé thịt tội ấy chưa đền, lấy nước phá thành cũng chưa xứng đáng.
Nay ta vâng chiếu chỉ đến phá thành trì, như ngươi thương xót mạng dân thì vua tôi hàng đầu thọ tội. Còn không tính trước, đợi cháy núi lở non thì không chừa ngọc đá.
Chiến thư đã tới, thương nghị cho mau”.
Tử Nha đọc chiến thơ xong hỏi sứ thần:
– Ðại tướng tên chi?
Tưởng ấy thưa:
– Tôi là Ðặng Trung
Tử Nha nói:
– Ðặng tướng quân về thưa lại với Văn Thái Sư rằng ta kính lời với Văn Thái Sư trong ba ngày sẽ ra trận.
Ðặng Trung từ giã ra khỏi thành về đến dinh thưa lại với Văn Trọng.
Cách ba hôm sau, Văn Thái Sư phát pháo, dẫn binh ra trước mặt thành.
Giữa lúc đó trong thành Tây Kỳ cũng nổi lên một tràng pháo, tức thì cửa phía Nam mở toạc, bốn cây cờ xanh ra trước, bốn tướng cỡi ngựa theo sau đứng sang hướng Chấn.
Có bài thơ rằng:
Bốn tướng cớ xanh áo mão xanh
Hướng Ðông binh đóng chặt như thành
Cầm thương vác giáo oai như cọp
Một tướng điều binh thảy rạng danh.
Tiếng pháo thứ nhì nổ, bốn cây cờ đỏ ra trước, bốn vị tướng theo sau kéo sang cung Ly bố trận.
Có bài thơ thư vầy:
Cờ đỏ áo điều cỡi ngựa Kim
Khác nào ngọn lửa cháy không trung
Sơn son cung ná thương ngù thắm
Bố trận phương Nam vững tợ đồng.
Tiếng pháo thứ ba nổ, bốn ngọn cờ trắng kéo ra, bốn viên tướng mặc bạch bào bước tới án bên hướng cung Ðoài.
Có bài thơ rằng:
Bạch giáp ngân khôi cỡi ngựa hồng
Gươm trần tợ tuyết rất oai nghiêm
Hướng Tây bố trận trông ghê gớm
Cờ trắng phau phau tuyệt áo xiêm.
Tiếng pháo thứ tư nổ, bốn ngọn cờ đen kéo tới, bốn vị tướng xông ra, dẫn binh trấn tại cung Khảm.
Có bài thơ rằng:
Ngựa Ô tướng giữ phất cờ đen
Tướng Bắc bày binh thật đáng khen
Như thế than hầm cùng khói tỏa
Ngựa xe đông nghẹt chẳng nơi chen.
Tiếng pháo thứ năm nổ, bốn cây cờ vàng phất phới giương ra. Bốn tướng kim khôi kim giáp xuất trận, chiếm cứ trung ương.
Có bài thơ rằng:
Kim khôi kim giáp kéo cờ vàng
Lập trận trung ương thấy rõ ràng
Sai khiến ngũ phương theo hiệu lịnh
Tử Nha bày bố rất nghiêm trang.
Khi ấy Thái Sư Văn Trọng thấy Tử Nha lập trận Ngũ Phương nghiêm trang tề chỉnh, binh tướng có thứ lớp, trận đồ sắp đặt oai nghiêm.
Na Tra cầm giáo đứng trên xe gần một bên. Dương Tiển, Kim Tra, Mộc Tra, Hoàng Ðộc Long, Tiết Át Hổ, Hoàng Thiên Hóa, Võ Kiết, … đồng bảo hộ Tử Nha cỡi con Tứ Bất Tướng đứng giữa trận. Bên hữu lại có Hoàng Phi Hổ cỡi con thần ngưu.
Tử Nha xem thấy Thái Sư Văn Trọng mặt như vàng bạc, râu đài đậm đuộc, gió thổi phất phớt tay cầm cặp Kim tiên oai phong lắm liệt, liền giục thú tới bái một bái và nói:
– Kính mừng Thái Sư! Tôi làm lễ không trọn, xin miễn chấp.
Văn Thái Sư hỏi:
– Ta nghe Khương Thừa Tướng là danh sĩ núi Côn Lôn, sao không biết trọng lẽ phải?
Tử Nha đáp:
– Tôi là đệ tử cung Ngọc Hư, hằng trọng niềm đạo đức, lẽ đâu dám nghịch mạng trời. Tôi phò vua giúp nước trên tuân lời chúa, dưới phụng lòng dân, biết kính người hiền, không ưa kẻ nịnh, giữ gìn bờ cõi, trấn giữ thành trì, trăm họ yên vui, sao gọi là không biết phải?
Văn Thái Sư nói:
– Ngươi chỉ biết trau chuốt lời nói mà không biết lỗi mình, nhà ngươi tôn Võ vương không có lệnh Thiên tử, ấy là tội khi quân tiếm mị. Chứa phản thần là tội đại nghịch. Vua sai tướng hưng binh vấn tội, ngươi dám chém giết muôn binh, ấy là tội phản. Nay ta đến đây ngươi cũng không phục, lựa lời xảo trá chống cự với thiên triều mà còn tưởng mình vô tội sao?
Tử Nha cười nhạt, nói:
– Thái Sư nói sai rồi. Tôi tôn Võ vương chưa kịp tâu với Thiên tử, song xét lại con thế chức cha là việc thường, nào có lỗi chi? Nay chư hầu trong thiên hạ đều phản lại nhà Thương, ấy không phải lỗi tại chư hầu, bởi thiên tử không kỷ cang, nên kẻ có trí không muốn thờ một bạo chúa. Còn việc Võ Thành vương thì quân bất chánh thần đầu ngoại quốc, ấy cũng là lẽ thường. Luận đến việc giết quân binh triều đình, là tại đại thần đem binh đến phá phách bờ cõi, giết tướng công thành, nên tôi phải chống đỡ chớ tôi chẳng hề đem một tên lính nào phạm đến ngũ quan, lại cũng chẳng giúp một chư hầu nào làm nghịch. Thái Sư danh vang bốn biển, oai dậy tám phương, nay đem binh đến đây e không khỏi mang tiếng vô cớ mà khinh địch, chứ tôi nào dám cự với Thái Sư. Nếu Thái Sư không cho lời tôi là dốt nát, xin Thái Sư lui binh về phủ, ai giữ nước nấy, cho trăm họ thái bình. Bằng chẳng xét ý trời, thì việc binh thắng bại không lấy gì làm chắc, xin Thái sư nghĩ lại.
Văn Thái Sư nghe Tử Nha nói cứng, nổi giận phừng phừng, lại thấy Hoàng Phi Hổ đứng gần đó liền nạt lớn:
– Nghịch thần Hoàng Phi Hổ, hãy đến ra mắt ta.
Hoàng Phi Hổ không biết làm sao lẩn mặt, túng phải giục trâu tới bái một bái và thưa:
– Tôi cách mặt đã mấy năm nay, may gặp được Thái Sư mà giải điều oan ức.
Văn Thái Sư hét lớn:
– Dòng họ Hoàng của ngươi giàu sang trong đại quốc, nay phụ vua phản chúa, phò Tây Kỳ mà giết đại thần. Tội đáng chết mười phần, còn tìm lời nói đớ.
Mắng rồi quay lại nói với các tướng:
– Hãy ra tay bắt phản tặc cho mau.
Ðặng Trung giục ngựa lướt ra vung búa chém Võ Thành vương.
Hoàng Phi Hổ đưa gươm ra đỡ.
Trương Tiết cầm gươm giục ngựa tới trợ lực với Ðặng Trung.
Nam Cung Hoát cản lại giao chiến.
Ðào Vinh lướt ngựa ra trước tiếp ứng, Võ Kiết cầm giáo đón lại giao phong.
Sáu tướng chia nhau thành ba cặp hỗn chiến, kẻ qua người lại búa chém thương đâm cát bụi đầy trời, binh reo dậy đất.
Tân Hoàn thấy ba tướng mình khó thắng, liền quạt cánh bay lên cao, cầm dùi sắt đánh vào đầu Khương Tử Nha.
Hoàng Thiên Hóa thấy vậy giục Ngọc kỳ lân bay theo, đưa song chùy đánh tới Tân Hoàn.
Các tướng Châu thấy Tân Hoàn có cánh bay cao, đội mão đầu cọp, mặt đỏ bầm như trái táo ai nấy đều kinh hải.
Còn Văn Thái Sư thấy Hoàng Thiên Hóa cỡi Ngọc kỳ lân cự với Tân Hoàn biết là người có phép tiên, liền giục hắc kỳ lân tới giơ roi đánh với Tử Nha.
Tử Nha đưa gươm thư hùng ra đỡ. Hai người cỡi hai con thú, đánh với nhau nổi gió sanh mây.
Văn Thái Sư quăng cây roi trống lên trời, bởi cặp roi ấy là rồng hóa ra nên sấm sét vang dậy, cây roi trống đánh nhằm vai Tử Nha té nhào luống đất.
Văn Thái Sư xông tới toan lấy thủ cấp, chẳng ngờ có Na Tra giục xe đến giơ thương ra đỡ và nói lớn:
– Không được hại sư thúc ta.
Nói rồi đâm một giáo, Văn Thái Sư đưa roi mái ra đỡ.
Tân Giáp thừa dịp ấy cứu Tử Nha vào thành.
Văn Thái Sư đánh với Na Tra được bốn năm hiệp, rồi cũng liệng roi trống lên, cây roi đánh trúng Na Tra nhào xuống đất.
Kim Tra lướt tới vung gươm đánh với Thái Sư.
Văn Thái Sư, thâu roi lại cự chiến, Mộc Tra và Hoàng Ðộc Long đồng xông đến một lượt trợ lực với Kim Tra.
Văn Trọng nổi giận, quăng cả cặp roi lên, cặp roi bay lượn như chim, đánh cả ba người nhào xuống đất một lúc.
Dương Tiển thấy vậy cầm thương giục ngựa lướt vào.
Văn Thái Sư thấy Dương Tiển dung mạo khác thường nghĩ thầm:
– Tây Kỳ có người lạ như vầy không làm phản sao được. Liền thâu roi đánh được ít hiệp, rồi cũng liệng roi lên trời. Cặp roi đánh nhằm đầu Dương Tiển văng lửa, mà đầu Dương Tiển vẫn trơ trơ.
Văn Thái Sư kinh hãi than:
– Thật là thần tiên, không phải người phàm tục.
Còn Ðào Vinh đánh với Võ Kiết thấy các tướng cầm đồng, liền lấy tụ phong phan rung rung vài cái, tức thì mây tuôn gió thổi, đá chạy, cát bay, ban ngày mà tối như ban đêm, trên trời đen như mực.
Quân Châu thất kinh tìm đường mà chạy, liệng chiêng bỏ trống, ném giáo quăng cờ không biết Ðông Tây Nam Bắc, giày xéo nhau mà chết.
Văn Thái Sư thắng trận thâu binh về trại, mở tiệc thưởng tướng khao quân cầm chắc trong vài ngày nữa sẽ lấy được Tây Kỳ.
Bên kia Tử Nha vào thành kiểm điểm binh mã thấy hao hơn phân nữa, liền thở dài than:
– Mới đánh trận đầu mà đã bại, bốn tướng bị thương, nay biết phải làm sao?
Dương Tiển thưa:
– Xin Thừa Tướng tịnh dưỡng vài ngày rồi sẽ tính kế ra binh. Tôi chắc Văn Trọng đắc thắng, thế nào cũng thờ ơ tự phụ.
Tử Nha khen phải, truyền binh tướng nghỉ ngơi, dưỡng sức hai ngày.
Ngày thứ ba, Tử Nha truyền phát pháo khai thành kéo quân ra trận.
Quân thám thính về báo với Văn Thái Sư.
Văn Thái Sư dẫn bốn tướng dàn binh bố trận.
Tử Nha lướt tới kêu Thái Sư Văn Trọng nói:
– Tôi với Thái Sư bữa nay quyết phân cao thấp.
Nói rồi rút song kiếm đánh liền. Văn Thái Sư múa song tiên cự địch.
Na Tra và Dương Tiển trợ chiến với Tử Nha.
Ðặng Trung xông vào, Hoàng Phi Hổ cản lại.
Trương Kiết, Ðào Vinh lược trận, bị Võ Kiết và Nam Cung Hoát cản ngăn.
Tân Hoàn xách dùi bay lên, bị Hoàng Thiên Hóa đón lại.
Năm cặp vừa sức hỗn chiến với nhau.
Văn Thái Sư đánh một hồi liệng cặp thư hùng lên.
Tử Nha liền quăng roi Ðả Thần Tiên cự lại.
Cây roi mái của Văn Trọng cự không lại cây roi Ðả Thần Tiên bị gãy làm đôi rơi xuống.
Văn Thái Sư hét lớn:
– Khương Thượng, ngươi phá phép báu của ta, ta quyết với ngươi một còn một mất.
Nhưng vừa dứt tiếng, Văn Thái Sư đã bị roi Ðả Thần Tiên của Tử Nha đánh nhào xuống kỳ lân, may nhờ có Kiết Lập, Dư Khánh lướt tới đỡ thương, nên Văn Thái Sư mới độn thổ trở về được dinh.
Tử Nha và các tướng Châu thừa thắng đánh binh Trụ tan rồi cùng nhau trở về thành.
Dương Tiển thưa:
– Ðêm nay chúng ta đi cướp trại thế nào cũng thắng.
Tử Nha khen phải, truyền các tướng lui về chuẩn bị sẳn sàng đợi đến canh hai sẽ xuất quân cướp trại.
Bấy giờ Văn Thái Sư bị thua trận trở về ngồi trước trướng buồn bã.
Các tướng vào ra mắt, Văn Thái Sư nói:
– Ta thường đánh Nam đẹp Bắc, chưa hề đại bại. Nay roi phép bị Tử Nha đánh gãy, ta nghĩ lại từ khi thầy ta truyền cặp giao long kim tiên cho đến nay chưa bao giờ bị mất danh tiếng. Nay bị gãy một cây, còn mặt mũi nào ra mắt thầy ta nữa.
Bốn tướng thưa:
– Việc binh thắng bại là lẽ thường, xin Thái Sư đừng phiền, thủng thẳng mà tính kế.
Còn bên thành Tây Kỳ.
Tử Nha chuẩn bị sẳn sàng, vừa hết canh một các tướng đều đến trước trướng nghe dạy việc.
Tử Nha truyền:
– Hoàng Phi Hổ, Hoàng Phi Bưu, Hoàng Minh phá dinh bên tả. Nam Cung Hoát, Tân Miễn, Tân Giáp phá dinh bên hữu. Na Tra, Hoàng Thiên Hóa phá cửa trước. Kim Tra, Mộc Tra, Hoàng Ðộc Long, Tiết Át Hổ, Long Tu Hồ với Võ Kiết đồng theo bảo hộ mình. Dương Tiễn đi đốt lương thảo. Lão tướng Hoàng Cổn thủ thành.
Sắp đặt xong ai lo phận sự nấy.
Bấy giờ Văn Thái Sư đang ngồi nghiệm kế, nhìn thấy hơi dữ ve vãn trước mắt, lòng sanh nghi lấy tiền gieo quẻ, biết đêm nay quân giặc đến cướp dinh. Nhưng Văn Thái Sư cho đó là việc thường không lấy gì làm sợ, bèn truyền:
– Ðặng Trung, Trương Tiết giữ tả dinh. Tân Hoàn, Ðào Vinh giữ hữu dinh. Dư Khánh, Kiết Lộc coi lương thảo.
Còn mình án ngự phía trước để cự địch.
Ðến canh hai, Tử Nha ra hiệu lịnh, các tướng Châu đồng áp vào dinh Thương một lượt theo kế hoạch đã vạch sẳn.