Chương 038: Tứ Thánh phò Trụ đánh Tây Kỳ
Thái sư Văn Trọng nghe Kiết Lập nhắc đến bằng hữu, liền nhớ lại bốn người bạn ở Hải đảo, nên đắc ý vỗ tay nói lớn.
– Ta mải lo việc nước nên quên mất mấy người bạn thân. Nếu không có ngươi nhắc đến thì biết bao giờ thiên hạ thái bình.
Nói rồi ra lệnh cho Kiết Lập và Dư Khánh giữ gìn trướng phủ, và nói:
– Các ngươi ở nhà trông coi mọi việc, ta đi ba bữa sẽ về.
Văn Trọng sửa soạn xong, cỡi hắc kỳ lân, đưa tay vỗ vào đầu nó một cái, con kỳ lân bốn chân chúm lại, bay thẳng lên mây.
Người sau có thơ khen rằng:
Hắc kỳ lân vật báu cõi đời nầy
Vỗ gạc chân sanh bốn cụm mây
Bay khắp cỏi trần trong một lát
Phép tiên mầu nhiệm ở trong tay.
Văn Thái Sư bay đến Cửu Long đảo thấy khói un cuồn cuộn, sóng bủa trùng trùng, liền giục kỳ lân sa xuống trước cửa động
Xem thấy phong cảnh rất xinh, bá tòng rậm rạp.
Thật là:
Chỉ có người tiên chơi cảnh ấy
Vốn không thoát tục đến nơi đây.
Văn Thái Sư đang xem hoa, bỗng có đồng tử bước ra.
Văn Thái Sư hỏi:
– Có thầy ngươi ở nhà không?
Ðồng tử đáp:
– Thầy tôi đang đánh cờ trong động.
Văn Trọng nói:
– Ngươi vào thưa có Thái Sư ở trào Thương đến ra mắt.
Ðồng tử vào báo. Bốn vị đạo sĩ hay tin liền ra trước cửa động đón tiếp.
Văn Thái Sư gặp bạn mừng rỡ đi theo vào động.
Một trong bốn vị đạo sĩ nắm tay Văn Trọng nói:
– Chúng tôi ẩn mặt tại bốn cù lao nầy đã lâu vắng bạn bè, nay hiền hữu có việc gì tìm đến?
Văn Thái Sư nói:
– Tôi chịu ơn vua và lời thác cô của Tiên đế nên mải lo việc nước, không có dịp đến thăm quý hữu. Vừa rồi tại Tây Kỳ có Khương Thượng, vốn là học trò tu tại núi Côn Lôn, cậy phép thần thông giúp Cơ Phát làm loạn. Tôi sai Trương Quế Phương đi đánh dẹp, nhưng Trương Quế Phương cự không lại. Tôi muốn đem binh thảo phạt ngặt vì trong nước không có ai, nên phải đánh liều đến đây cầu cứu quý hữu giúp giùm một tay trừ loài cường bạo cứu kẻ suy vi thì thật may cho tôi lắm.
Ông đạo sĩ ngồi trước cất tiếng lanh lảnh nói:
– Ðạo huynh đã đến đây, bần đạo lẽ nào không ra giúp Trương Quế Phương mà trừ Khương Thượng cho an xã tắc.
Ba vị đạo sĩ ngồi sau đồng nói:
– Vương đạo huynh đã vì Văn đạo huynh mà ra sức, ba tôi lẽ nào lại ngồi yên.
Văn Thái Sư nghe cả bốn vị đạo sư đều tỏ ý giúp mình, lòng mừng khôn xiết.
Bốn vị đạo sĩ ấy là:
1. Vương Ma
2. Dương Sum
3. Cao Hữu Càng
4. Lý Hưng Bá
(Bốn vị này sau phong thần làm tứ Thánh, chầu tại đình Linh Tiêu. Tất cả những vị tu tiên mà ít phước đều phải thành thần).
Khi ấy Vương Ma nói với Văn Trọng:
– Ðạo huynh về trước. Chúng tôi sẽ sửa soạn đến sau.
Văn Trọng căn dặn:
– Quý hữu đã thương tình, xin đừng để trễ việc.
Vương Ma nói:
– Ðể tôi sai đồng tử đưa các con thú đến Tây Kỳ trước, chúng tôi sẽ tới Triều Ca gặp đại huynh.
Văn Thái Sư tạ ơn rồi giã biệt. Cỡi Hắc kỳ lân ra khỏi động.
Bốn vị đạo sĩ sắp đặt xong đều độn thổ qua Triều Ca nội trong ngày ấy.
Ngươi sau có thơ khen:
Ngũ hành độn thổ rất linh thiêng
Chẳng dụng ngựa xe chẳng dụng thuyền
Trời đất giáp vòng đi một khắc
Trong đời ai sánh phép thần tiên.
Bốn vị đạo sĩ đến Triều Ca, quân dân trong thành trông thấy khiếp vía. Vì Vương Ma mặt tròn như mặt nguyệt, mình mặc áo đen. Dương Sum mặt đen như lọ, râu đỏ như máu, cặp chân mày vàng, hình dung cổ quái. Cao Hữu Càng mặc áo điều, mặt và tóc đỏ trên đầu chừa hai vá, còn Lý Hưng Bá thì đầu đội mão đuôi cá, mình mặc áo huỳnh bào, mắt đỏ như trùng táo, râu dài đến rún, mình cao một trượng rưỡi.
Vương Ma đến trước cửa thành gọi quân canh hỏi:
– Dinh Văn Thái sư ở đâu?
Quân trong thành không dám ló đầu ra, chỉ lên tiếng đáp:
– Ði thẳng qua hướng Nam, đến cầu Nhị long thì tới.
Bốn vị đạo sĩ tìm đến trướng phủ.
Văn Thái Sư mừng rỡ đón chào, rước vào dinh dọn tiệc đãi đằng, vì mấy vị nầy thuộc về Triệt Giáo, không ăn chay.
Sáng hôm sau, Văn Thái Sư vào chầu vua Trụ và tâu:
– Tôi vừa thỉnh được bốn vị đạo sư ở Cửu Long đảo, nhờ họ đến Tây Kỳ chinh phạt Võ vương.
Vua Trụ phán.
– Các vị ấy có lòng giúp quả nhơn, sao Thái Sư không đưa họ vào ra mắt ta?
Văn Thái Sư vâng chỉ, vội vã về dinh dắt bốn vị đạo sĩ vào chầu.
Vua Trụ xem thấy thất kinh, mặt mày tái mét.
Bốn đạo sĩ nói:
– Chúng tôi đồng ra mắt thánh thượng.
Vua Trụ phán:
– Trầm cảm ơn bốn vị tiên trưởng. Nhờ Thái Sư thay mặt trẫm dọn tiệc tại đền Hiển Thánh đãi đằng.
Vua Trụ phán rồi lui vào cung.
Tiệc mở tưng bừng, Văn Thái Sư mời bốn vị đạo sĩ vào đãi yến.
Vương Ma nói:
– Nay ăn uống chưa vui, đợi chúng tôi đến Tây Kỳ trừ Khương Tử Nha xong sẽ về đây vui say một bữa cho phỉ tình.
Nói rồi bốn người đồng ra khỏi.
Văn Thái Sư đưa đi hơn bốn dặm đường mới trở về trướng phủ.
Còn bốn vị đạo sĩ độn thổ đi một lát đã tới Tây Kỳ, đồng tìm đến trại Trương Quế Phương.
Quân vào báo, Trương Quế Phương vội ra ngoài nghênh tiếp, thỉnh bốn vị vào nội dinh làm lễ ra mắt.
Vương Ma thấy Trương Quế Phương và Phong Lâm trong người có vẻ đau đớn, liền hỏi:
– Chắc hai ngươi bị thương gì đó phải không?
Phong Lâm đưa chả vai ra, thuật chuyện giao tranh vừa rồi bị Na Tra đánh trúng.
Vương Ma xem xét vết thương một hồi rồi nói:
– Ấy là Càn Khôn Quyện, bửu vật của Thái Ất chơn nhơn đánh nhằm.
Liền lấy viên thuốc trong bầu nhai nhỏ, thoa vào vết thương, tức thì vết thương lành lại như trước.
Trương Quế Phương thấy vậy mừng rỡ, cởi áo đưa cánh tay ra xin điều trị.
Vương Ma cũng thoa thuốc như vậy, rồi hỏi:
– Khương Tử Nha đóng quân cách bao xa?
Trương Quế Phương thưa:
– Tử Nha đóng quân tại thành Tây Kỳ cách đây bảy mươi dặm. Bởi tôi thất trận, bị chúng cướp trại nên mới lui về chốn này.
Vương Ma truyền tấn binh.
Trương Quế Phương tuân lệnh, đốt một tiếng pháo lớn làm hiệu, kéo binh đến đóng trại tại Ðông môn.
Quân thám mã trông thấy vào báo với Tử Nha:
– Ðại binh Trương Quế Phương kéo tới Ðông môn, đang hạ trại.
Tử Nha đang bàn luận việc binh, nghe tin ấy, liền hỏi các tướng:
– Quế Phương vừa bại trận, nay lại kéo đến đây chắc là có binh viện. Chúng ta phải đề phòng mới được.
Nói rồi truyền các tướng quân phòng đâu đó nghiêm nhặt.
Bên ngoài Trương Quế Phương cũng chỉnh đốn binh mã, đợi lệnh giao tranh.
Vương Ma nói với Trương Quế Phương:
– Ngày mai ngươi đem binh ra khiêu chiến, gọi cho được Tử Nha ra ngoài thành, chúng ta núp dưới cờ để nói chuyện với nó một chút.
Dương Sum lại nói với Phong Lâm:
– Ta cho mấy đạo bùa nầy ngươi đem giăng trên cổ ngựa, kẻo ngựa của ngươi thấy con thú ta cỡi sẽ bị rũ liệt bốn chân.
Phong Lâm theo lời dặn, đem bùa giắt trên các cổ ngựa.
Rạng ngày Trương Quế Phương kéo binh ra trận, đến trước cửa thành kêu lớn:
– Tử Nha! Hãy ra đây ta nói chuyện cho mau!
Quân vào báo:
– Trương Quế Phương gọi đích danh Thừa Tướng ra trận.
Tử Nha liền kéo cờ năm sắc, tay cầm gươm báu chói lòa, kéo quân ra khỏi thành, gọi Trương Quế Phương mắng lớn:
– Ngươi là tướng bại trận, còn mặt mũi nào đám đến đây.
Trương Quế Phương nói:
– Việc binh thắng bại là lẽ thường, có gì mà xấu hổ.
Trương Quế Phương vừa dứt tiếng thì đã nghe trống lệnh nổ ầm ầm, bốn vị đạo sư cỡi bốn con thú dữ xông ra.
Vương Ma cỡi con Bê Ngang, Dương Sum cỡi con Ton Nghê, Cao Hữu Càng cỡi con Beo gấm, Lý Hưng Bá cỡi con Trạnh Nanh.
Tử Nha và các tướng vừa trông thấy đều té nhào xuống ngựa.
Bởi các con ngựa chiến thấy bốn con thú dữ, đều rũ chân ngã lăn xuống, duy có Na Tra đứng trên xe và Hoàng Phi Hổ cỡi thần ngưu nên không té.
Bốn vị đạo sĩ thấy Tử Nha té đến nỗi sập mão đều cười lớn và nói:
– Không hề gì đâu! Cứ thủng thẳng mà dậy.
Tử Nha sửa áo mão ngay thẳng, nhìn bốn vị đạo sĩ thấy một người mặt đen, một người mặt trắng, một người mặt đỏ, một người mặt vàng, cỡi bốn con quái thú, liền hỏi:
– Chẳng hay bốn vị đạo huynh ở núi nào, động nào đến đây có việc chi chỉ bảo?
Vương Ma nói:
– Chúng ta ở Cửu Long đảo tên Vương Ma, Dương Sum, Cao Hữu Càng, Lý Hưng Bá, vốn là người tu về đại tiên. Bởi Văn Thái Sư cầu khẩn, nên đến đây tỏ vài ý kiến với ngươi.
Tử Nha hỏi:
– Quí vi đại huynh muốn nói gì xin cho biết?
Vương Ma nói:
– Chúng ta muốn tỏ ba điều, mong rằng ngươi không từ chối.
Thứ nhất: Võ vương phải làm tôi vua Trụ.
Thứ nhì: phải xuất của kho mà khao quân
Thứ ba: phải giao Hoàng Phi Hổ cho Trương Quế Phương giải về Triều Ca.
Tử Nha nói:
– Ðiều thứ nhất chúa công tôi là Võ vương luôn luôn giữ phận không bao giờ có ý khi quân, chưa bao giờ có hành động tạo phản thì vẫn là tôi của nhà Thương. Còn điều thứ hai và thứ ba tôi chưa thể quyết định ngay bây giờ được, xin hẹn lại ba hôm để về tâu với chúa công tôi quyết định liệu.
Nói rồi truyền lui binh vào thành. Bên này Quế Phương cũng thâu binh vào trại.
Sau khi Tử Nha vào thành xong, Hoàng Phi Hổ đến trước quỳ thưa:
– Xin Thừa Tướng đem gia đình tôi nạp cho Trương Quế Phương để Võ vương khỏi lụy.
Tử Nha đỡ dậy và nói.
– Hoàng tướng quân đừng nghĩ như vậy. Sở dĩ ta phải dùng kế hoãn binh là vì chúng nó có những con quái thú chưa từng thấy. Nếu giao binh phần thất lợi hãy về chúng ta, ta định vào thành cùng các tướng tìm mưu đối địch.
Hoàng Phi Hổ lạy tạ và lui về.
Chiếu hôm ấy Tử Nha tắm gội xong xuôi, gọi Na Tra và Võ Kiết đến dặn:
– Hai ngươi ở lại giữ thành, ta phải về núi Côn Lôn một lần nữa. Nói rồi độn thổ đi liền.
Khi về đến trước cửa động, gặp Bạch Hạc đồng tử đi ra, Tử Nha đón lại nói:
– Ngươi vào thưa với thầy, có ta về đây xin ra mắt.
Bạch Hạc đồng tử vào báo.
Nguyên Thỉ đòi Tử Nha vào, nói:
– Bốn anh em Vương Ma đánh ngươi, ngươi sợ gì mà chạy về?
Tử Nha thưa:
– Bốn người ấy dùng bốn con quái thú làm cho các ngựa chiến trông thấy đều bị rũ liệt, té lăn xuống đất. Thật là chuyện phi thường, đệ tử chưa từng thấy.
Nguyên thỉ nói:
– Ta cũng có dùng một con thú sống từ thuở khai thiên lập địa đến nay gọi là con Tứ Bất Tướng.
Nói rồi truyền Bạch Hạc vào vườn đào dắt con thú ấy ra. Con thú ấy hình dạng như vầy:
Ðầu lân đuôi trại vóc như rồng
Chân đạp hào quang thấu chín trùng
Bốn biển mười châu đi nhứt khắc
Ba non năm núi đến như không.
Bạch Hạc đồng tử dắt con Tứ Bất Tướng ra, Nguyên Thỉ nói:
– Khượng Thượng, bởi ngươi tu bành bốn mươi năm khó nhọc lại thay ta lo việc phong thần, nên ta cho ngươi con thú này, cỡi về Tây Kỳ mà đấu với các con quái thú ở Cửu Long đảo.
Nói rồi truyền Nam Cực tiên ông lấy ra cho Tử Nha một cây roi dài ba thước năm tấc sáu phân, có hai mươi sáu mắc, mỗi mắc có bốn điệu bùa. Roi ấy gọi là Ðả Thần Tiên.
Nam Cực tiên ông đưa roi cho Tử Nha.
Tử Nha quỳ xuống nhận lãnh, rồi lạy Nguyên Thỉ và thưa:
– Còn việc gì khác xin thầy làm ơn chỉ dạy.
Nguyên Thỉ nói:
– Ngươi đi qua biển Bắc, có một người đang đợi ngươi. Vậy ta cho ngươi một cây Hạnh Quỳnh Kỳ. Cờ nầy thuộc thổ, trong cờ có thẻ mà không có chữ. Khi có việc gì nguy hiểm nó sẽ hiện chữ ra, ngươi cứ xem đó thì biết.
Tử Nha mừng rỡ, lãnh cờ và từ giã.
Ra khỏi cửa động, Nam Cực tiên ông theo đưa đến núi Kỳ Lân rồi mới trở về cung Ngọc Hư.
Tử Nha leo lên lưng Tứ Bất Tướng, vỗ lên gạc nó một cái, tức thì nó bay lên mây, chỉ chốc lát nó lại sa xuống núi bên kia gần mé biển.
Núi ấy mặt trước cao vòi vọi, tòng bá mịt mù, cỏ hoa thơm ngát. Dưới chân núi là biển lớn, sóng vỗ bao la.
Tử Nha xem thấy phong cảnh khen rằng:
– Núi nầy có long mạch rất tốt, chắc có anh hùng ẩn dật.
Nói vừa dứt tiếng, thấy dưới chân núi nổi lên một lùm mây, một ngọn gió thổi tạt qua làm cho vầng mây ấy tan đi, và hiện ta một vật rất kỳ dị, ghê gớm:
Ðầu giống lạc dà dữ tợn thay
Cổ cao như ngỗng lúc co ngay
Tai bằng trâu nước che lên sợ
Râu tợ tôm càng gió lắc lay
Chân tợ móng hùm mà một cẳng
Tay như vút ó đủ hai tay
Mắt lồi sáng chói dường sao Ðẩu
Vảy cá cùng mình nhảy thật hay!
Tử Nha xem thấy con quái ấy nhảy chồm tới thất kinh, mồ hồi toát ra đầy mình.
Con quái ấy hét lớn:
– Ăn một miếng thịt của Khương Thượng sống cả ngàn năm. Ðố ngươi chạy đi đâu cho khỏi.
Tử Nha quýnh quáng hỏi:
– Vốn không thù oán gì sao ngươi lại muốn ăn thịt ta?
Cơn quái ấy nói:
– Ăn một miếng thịt sống ngàn năm, cần gì phải nói đến chuyện thù oán?
Tử Nha không biết tính lẽ nào, nhớ đến cây Hạnh Quỳnh Kỳ vội giở ra xem. Quả nhiên cây cờ ứng chữ rõ ràng.
Tử Nha xem xong bình tĩnh nói với con quái vật:
– Số ta bị ngươi ăn thịt thì dù có chạy đi đâu cũng không khỏi. Nhưng ta thách ngươi một điều, nếu ngươi nhổ được cây cờ ta lên thì ta nộp mạng cho ngươi, còn nhổ không được thì đừng hòng làm bậy.
Nói rồi dựng cây cờ xuống đất, con quái vật thấy cây cờ cao chừng hai trượng, tưởng đó là một trò chơi, làm phách bước đến đưa tay trái giở thử, nhưng giở không lên, nó đổi sang tay mặt giở cũng không nổi, nó giận lắm dùng cả hai tay nhưng vẫn không nhúc nhích.
Tử Nha liền vỗ tay một cái, nghe tiếng sấm nổ vang, hai tay con quái dính trong cán cờ, lấy ra không được.
Tử Nha rút gươm báu cầm tay nói lớn:
– Ta chém quách đồ yêu nghiệt.
Con quái liền năn nỉ:
– Xin Thượng tiên lấy lòng từ bi dung mạng cho tôi. Vốn tôi không biết, tại Thân Công Báo lừa phỉnh tôi.
Tử Nha nghe nói đến Thân Công Báo, lấy làm lạ hỏi:
– Ngươi hung dữ muốn ăn thịt ta, chớ Thân Công Báo có can hệ gì trong việc nầy?
Con quái thưa:
– Tôi là Long Tu Hồ, sanh nhằm đời vua Thiếu Hạo, cha là rồng, mẹ là heo. Tôi luyện khí âm dương cầu trường sanh bất tử, không có ác tâm, nhưng vì hôm trước Thân Công Báo đi ngang qua đây có nói với tôi là hễ ai ăn được thịt Khương Tử Nha thì sống lâu ngàn tuổi. Tôi nghe lầm lời ấy, nên mới hành động thế nầy, không dè ngài đức trọng đạo cao, xin mở lòng hà hải, dung cho tôi một chuyến.
Tử Nha nói:
– Nếu ngươi chịu làm đệ tử của ta thì ta dung tha tánh mạng.
Long Tu Hồ nói:
– Tôi xin kính ngài làm sư phụ.
Tử Nha truyền Long Tu Hồ nhắm mắt lại, rồi vỗ tay một cái.
Long Tu Hồ nghe một tiếng sấm vang, hai tay không còn dính trong cây cờ nữa, vội quỳ xuống làm lễ tạ ơn.
Tử Nha hỏi:
– Ngươi có tài phép gì không?
Long Tu Hồ thưa:
– Ðệ tử có tài quăng tay không mà ra đá chẳng khác nào mưa vãi, dầu quăng mấy ngày cũng không hết.
Tử Nha nghe nói mừng rỡ nghĩ thầm:
– Nếu dùng người nay đi cướp dinh trại địch thì hay lắm.
Liền lên lưng con Tứ Bất Tướng đem Long Tu Hồ về Tây Kỳ.
Khi Tử Nha vào đến trướng phủ, Long Tu Hồ cũng theo sau.
Các tướng trông thấy kinh hãi thầm thì với nhau:
– Hôm nay Thừa Tướng dẫn yêu tinh ở đâu về như vậy!
Tử Nha thấy các tướng sợ sệt, liền cười lớn nói:
– Người nầy là Long Tu Hồ ở Bắc hải, ta mới thâu về làm đệ tử.
Các tướng đồng đến gần ra mắt.
Tử Nha hỏi:
– Mấy hôm nay công việc thế nào?
Võ Kiết thưa:
– Binh tướng bên Thương không đến nữa.
Tử Nha truyền quân phòng bị đợi đến lúc thuận tiện sẽ tính việc giao chiến.
Bấy giờ Trương Quế Phương đợi đến năm ngày, không thấy Tử Nha khai binh, và nạp Hoàng Phi Hổ, liền vào thưa với bốn vị đạo sư:
– Nay đã quá kỳ sao chưa thấy Tử Nha đến trại, chắc là nó gạt chúng ta đấy.
Vương Ma nói:
– Nếu Tử Nha không tuân lệnh thì chúng ta sẽ làm cho thành Tây Kỳ máu chảy thành sông, xương phơi tợ núi.
Qua đến ngày thứ tám.
Dương Sum nói với Vương Ma:
– Khương Tử Nha đến hôm nay vẫn chưa thấy trả lời, vậy chúng ta phải hỏi nó cho giáp mặt.
Vương Ma bảo Trương Quế Phương:
– Ngươi chuẩn bị dẫn quân ra trước thành, kêu Khương Tử Nha ra mà hỏi, nếu nó còn ấm ứ, chúng ta đánh cho một trận rồi ban sư cho sớm.
Trương Quế Phương vâng lệnh khiến Phong Lâm phát pháo kéo binh ra.
Tử Nha nghe quân báo liền truyền Na Tra, Long Tu Hồ và Hoàng Phi Hổ đồng kéo binh ra thành.
Vương Ma thấy Tử Nha cởi Tứ Bất Tướng thì giận mắng lớn:
– Khương Thượng, ngươi là đứa thất phu, hứa hẹn với ta để có thì giờ đi mượn con Tứ Bất Tướng. Ấy là ngươi quyết tình giao đấu với chúng ta rồi.
Dứt lời giục Bê Ngang đến, vung gươm chém.
Na Tra cản lại và nói:
– Không được phạm đến Sư thúc ta.
Liền vung giáo dài ra đỡ. Hai người đồng ra sức đánh với nhau gươm giáo như bay, chém đâm tở mở.
Vương Sum sợ Vương Ma đùng gươm ngắn không cự nổi với giáo dài, liền lấy hột châu Khai Thiên trong túi da beo liệng vào mặt Na Tra một cái.
Na Tra bị Khai Thiên Châu trúng mặt, không thấy đường nào đánh đỡ nữa, té nhào xuống xe.
Vương Ma lướt tới muốn chém, Hoàng Phi Hổ kịp thời cản lại, quân sĩ khiêng Na Tra về thành.
Vương Ma đang đánh với Hoàng Phi Hổ, Dương Sum lại quăng trái châu ra nữa, Hoàng Phi Hổ tối mặt té xuống thần ngưu.
Long Tu Hồ nhẩy ra đỡ thương, quân Châu cứu Hoàng Phi Hổ về được.
Long Tu Hồ hét lớn:
– Ðừng giết Ðại tướng, có ta đến đây.
Vương Ma xem thấy tướng kỳ dị, ngỡ là yêu quái hiện đến.
Có bài thơ nói về Long Tu Hồ như vầy:
Ðầu lạc đà nên lớn
Cổ tiên hạc quá dài,
Cả mình như vảy cá
Cặp mắt tợ sao mai
Mười dấu tai quăng đá
Một giò cứ nhảy nai
Gặp Long Tu Hồ tới
Không chết cũng mang tai!
Cao Hữu Càng thấy tướng quái gở, liền lấy Hỗn Nguyên Bửu Châu quăng lên.
Long Tu Hồ bị trái châu đập nhằm vai, đau quá chạy riết vào thành.
Vương Ma và Dương Sum đồng giục thú đến đánh với Tử Nha.
Tử Nha đưa gươm ra đỡ, song thấy tướng tá của mình bị thương hết nên lòng kinh hãi. Bị Lý Hưng Bá quăng Tinh Ðại Châu trúng nhằm ngực, suýt nhào xuống đất.
Tử Nha giục con Tứ Bất Tướng chạy như bay về hướng Bắc hải.
Vương Ma giục Bê Ngang đuổi theo, quyết bắt Tử Nha cho được, nên người chạy như tên bắn, kẻ đuổi theo lẹ tợ gió bay.
Tử Nha đã bị thương lại bị đuổi nà đến, thất kinh vỗ vào đầu con Tứ Bất Tướng bay thẳng lên trời.
Vương Ma cười lớn nói:
– Ðó là phép thường không có gì là lạ.
Nói rồi vỗ đầu con Bê Ngang bay vút lên mây đuổi theo như vũ bão.
Bởi số Tử Nha phải chịu bầm dập, nên trốn không khỏi tai nạn.
Vương Ma lấy cục Khai Thiên Châu quăng tới, trái châu đánh nhằm lưng. Tử Nha nhào xuống đất chết tươi. Con Tứ Bất Tướng cũng sa xuống, đứng một bên giữ thây chủ.
Vương Ma cho thú đáp xuống quyết lấy thủ cấp.
Xảy nghe trong rừng có tiếng ca vọng ra:
Liễu mùa gió đưa phưởng phất
Hoa trôi nước chảy là đà
Ướm hỏi ở đâu cho biết,
Vừng mây vốn thật là nhà.
Vương Ma trông thấy người vừa ca biết ngay đó là Văn Thù quảng pháp thiên tôn ở động Vân Tiêu, liền hỏi:
– Ðạo huynh đi đâu vậy?
Văn Thù nói:
– Vương đạo hữu! Bần đạo vâng lệnh Ngọc Hư cung đến đây gặp đạo huynh để có vài lời. Ðạo huynh không nên giết Tử Nha vì năm lẽ sau đây:
Thứ nhất: khí số thành Thang đã dứt.
Thứ hai: Tây Kỳ chân chúa ra đời.
Thứ ba: đạo Xiển Giáo của ta phải phạm sát sinh.
Thứ tư: Tử Nha được hưởng giàu sang trên thế gian.
Thứ năm: Tử Nha thế cho Ngọc Hư cung lo việc Phong thần.
Vì năm điều ấy nên sai Tử Nha xuống thế. Còn đạo hữu là người tu Triệt Giáo, thân hưởng thanh nhàn, lẽ đâu ngừng tay làm việc dữ, há chẳng nhớ đôi liễn trên cung Bích Du có nói:
Ðóng cửa tụng huỳnh đình, thiệt bực cố thành ngôi chánh quả.
Tách mình qua Tây thổ là người tên đứng bảng phong thần.
Tuy đạo hữu đánh chết Tử Nha mà còn có thể an toàn được, như đạo hữu nghe lời khuyên của bần đạo trở về Cửu Long đảo quyết chí tu thân. Như vậy coi như trăng chưa khuyết, đá chưa mòn, còn nếu cãi lời bần đạo thì ăn năn muộn lắm.
Vương Ma nghe nói nổi xung hét lớn:
– Văn Thù chớ khoe tài trí. Ngươi với ta cùng một thể sao dám buông lời trăng khuyết trăng tròn. Ngươi có Danh sư, ta cũng có Giáo chủ, ai dám khi dễ ai?
Nói rồi cầm gươm chém Văn Thù một nhát.
Ngay lúc đó có một đạo đồng mặc áo vàng, chừa hai vá, ở sau lưng Văn Thù cầm song kiếm lướt tới, kêu lớn:
– Chớ vô lễ với thầy ta. Có ta là Kim Tra đấu sức.
Nói rồi hỗn chiến với Vương Ma.
Có bài thơ rằng:
Hai người ba kiếm quyết giao phong
Chuyển động bên sườn núi Ngũ Long
Cũng bởi Thành Thang cơ nghiệp dứt
Xui người bạc phước khó dằn lòng.
Văn Thù thấy hai người giao đấu không phân thắng bại, liền lấy Ðộn Long Thun là vật báu của Phật, kêu là Thất Bửu Kim Liên hình giống như một cây nọc, có ba cái khoen, quăng lên, tức thì hiện ra ba cái vòng lớn tròng lấy Vương Ma.
Vương Ma bị xiềng một vòng nơi cổ, một vòng nơi lưng, và một vòng nơi chân, đứng chết cứng bên chiếc nọc vàng.