Chương 033: Hoàng Phi Hổ đánh ải Tụy Thủy
Hoàng Minh nhìn xa xa thấy Hoàng Cổn dẫn binh bố trận, liền nói với Long Hoàn:
– Lão gia bố trận và để tù xa trước ải, tôi đoán chắc không phải điềm lành.
Long Hoàn nói:
– Ðể đợi ra mắt lão gia, xem lão gia dạy lẽ nào rồi sẽ tính.
Mấy anh em đồng giục ngựa đến trước ải.
Hoàng Phi Hổ bái Hoàng Cổn một cái, và thưa:
– Con bất hiếu là Phi Hổ xin ra mắt phụ thân. Vì mặc giáp trong mình, làm lễ không trọn, xin phụ thân dung thứ.
Hoàng Cổn trợn mắt hỏi:
– Ngươi là ai đó?
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Con là Phi Hổ đây. Cha hỏi gằn làm gì vậy?
Hoàng Cổn nạt lớn:
– Nhà ta phò Thiên tử bảy đời, lòng trung có một, chỉ biết ngay chúa thảo cha. Nay ngươi vì báo thù một con vợ mà làm hư tiếng bảy đời, mất giống trâm anh, nhơ danh hào kiệt, ngươi đã không nhìn chúa còn kể gì cha? Ngươi sống thì hổ với nhân gian, chết thì nhục với ông bà giòng giống. Ta không nhìn đứa phản loạn là con, ngươi đừng gọi la là cha nữa.
Hoàng Phi Hổ bị cha mắng, ngồi trên lưng trâu làm thinh không dám nói lại.
Hoàng Cổn thấy vậy nạt lớn:
– Súc sanh! Ngươi muốn làm con thảo tôi ngay, hay muốn làm tôi loàn con giặc
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Xin cha cắt nghĩa hai điều ấy cho con rõ.
Hoàng Cổn nói:
– Như ngươi muốn làm tôi ngay con thảo thì mau xuống yên, nạp mình đặng ta bỏ vào tù xa, giải về Triều Ca trị tội, chuộc lại tiếng xấu muôn đời, còn như ngươi muốn làm tôi loàn, con giặc thì cứ đâm ta một giáo, khi ta chết rồi, mặc ý cho ngươi muốn phản Trụ đầu Châu, làm nhơ danh xú tiết.
Hoàng Phi Hổ nghe nói liền thưa:
– Xin cha đừng bắt tội con, để trẻ xuống yên để cha giải về kinh đô cho đẹp lòng cha.
Dứt lời toan nhảy xuống lưng thần ngưu.
Hoàng Minh lật đật cản lại nói lớn:
– Đừng xuống yên mà mang họa. Bởi Trụ vương vô đạo chẳng kể đến tôi trung, làm nhiều điều thất đức nên bất đắt dĩ chúng ta mới phải như vầy. Ai lại không muốn ngồi hưởng giàu sang, giữ lấy quyền quí, bỏ cái đã có, đi tìm cái chưa có, thật là chuyện đau lòng. Lời xưa nói: Hễ chúa lấy lễ đãi tôi, thì tôi tận ngay thờ chúa. Nay vua chẳng chánh mà bắt tôi phải giữ trung làm sao? Chúng ta đã qua khỏi năm ải, khổ cực đủ điều, lẽ nào chịu chết oan ức.
Hoàng Phi Hổ nghe Hoàng Minh nói, lòng lưỡng lự, ngồi cúi mặt làm thinh.
Hoàng Cổn mắng lớn:
– Hoàng Minh! Ngươi là đứa nghịch tặc. Ta chắc con ta không có lòng quấy, chúng bây xúi giục con ta mới làm phản. Rất đỗi trước mặt ta, các ngươi còn dám cản trở không cho Phi Hổ xuống yên, ấy là các ngươi chọc tức ta đó.
Nói rồi lướt ngựa tới chém Hoàng Minh một đao.
Hoàng Minh giơ búa ra đỡ, và nói:
– Xin Lão tướng quân xét lại, hễ tôi trung phải thờ chúa thánh chứ chúa đã lỗi đạo, trở thành một hôn quân, mà chúng ta cớ theo phò, chẳng những đã mù quáng, mà còn giúp hôn quân có thế lực để hại nước hại dân. Làm một vị tôi thần cúi đầu phò một ông vua hôn ám không xấu hổ sao? Vả lại hôn quân đã giết con gái mình, hại con dâu mình phủ phàng như vậy mà lão tướng không thấy tủi nhục trong lòng là cớ gì?
Hoàng Minh còn muốn nói nữa, nhưng Hoàng Cổn nói giận hét lớn:
– Phản tặc! Ngươi đừng đem ba tấc lưỡi khiêu gan ta.
Hét rồi chém tiếp một đao.
Hoàng Minh đứa búa ra đỡ, và nói:
– Ba anh em Hoàng Phi Hổ là con, ba anh em Hoàng Thiên Lộc là cháu, lão tướng muốn nói thì nói, còn như bọn chúng tôi đây không phải là con cháu gì hết, lão tướng không thể ngăn cấm chúng tôi được.
Dứt lời vung búa đánh với Hoàng Cổn.
Châu Kỷ thấy vậy cũng xốc vào nói:
– Tôi cũng xin chịu lỗi, không lẽ bỏ Hoàng Minh.
Long Hoàn và Ngô Khiêm cũng nóng mặt xông vào đánh tiếp.
Bốn tướng bốn góc vây Hoàng Cổn vào giữa.
Hoàng Phi Hổ thấy bốn tướng vây đánh cha mình, nóng lòng nghĩ thầm:
– Bọn nầy thật vô lễ, trước mặt ta mà nó dám vây đánh cha ta như vậy?
Bỗng nghe Hoàng Minh kêu lớn:
– Chúng tôi đã cầm chân bác tại đây, sao anh không qua cho khỏi ải, đợi chừng nào nữa?
Hoàng Phi Hổ nghe nói như vậy, hiểu ý bốn tên gia tướng của mình, liền giục thần ngưu khiến bọn gia đinh đẩy xe ra cửa ải.
Hoàng Cổn thấy con cháu mình đi hết, tức giận nhào xuống yên rút gươm toan tự vận. Hoàng Minh liền nhảy xuống ngựa, ôm lấy Hoàng Cổn và nói:
– Xin bác đừng làm vậy.
Hoàng Cổn trợn mắt mắng:
– Chúng bay là quân ăn cướp, xúi giục con tao làm phản, còn làm bộ phui pha.
Hoàng Minh nói:
– Xin bác bớt giận để tôi nói rõ sự tình. Thật chúng tôi đã ngăn cản Võ Thành vương hết sức, nhưng Võ Thành vương cứ một mực làm phản mà thôi. Nếu chúng tôi không theo phò, Võ Thành vương giết chúng tôi đi, nên chúng tôi phải chịu đỡ đợi ra đến ải trước mặt bác, chúng tôi sẽ lập mưu bắt lại đưa về Triều Ca. Lúc nãy tôi nháy bác hoài mà bác không thèm để ý, tôi sợ lậu kế nên hối Võ Thành vương đi cho khuất mắt, để thưa với bác cho tường tận.
Hoàng Cổn nghe nói vội hỏi:
– Bây giờ các ngươi tính kế làm sao?
Hoàng Minh nói:
– Bác lên ngựa chạy theo Võ Thành vương bảo trở lại ải quan rồi cha con sẽ cùng đến Tây Kỳ một thể. Như vậy thế nào Võ Thành vương cũng trở lại.
Hoàng Cổn cười gằn:
– Ngươi là đứa súc sanh, mưốn lừa phỉnh ta nhập bọn.
Hoàng Minh nói:
– Không phải tôi khuyên bác đầu thật, ấy là nói gạt cho Hoàng Phi Hổ trở về thành, rồi bác dọn cơm nước đãi đằng, bốn anh em tôi sắm dây xiềng cho sẵn. Lúc nào bác gõ ly rượu, chúng tôi sẽ ra tay, trói tất cả bỏ vào tù xa, giải về kinh là xong chuyện.
Hoàng Cổn khen:
– Tướng quân thật là người tử tế, không hổ mặt trung lương.
Khen rồi nhảy lên ngựa chạy theo, gọi lớn:
– Bớ Hoàng Phi Hổ, hãy trở lại đây để cha thu góp đồ đạc cùng nhau đến Tây Kỳ luôn, chớ một mình cha ở lại đây thế nào cũng mang tội.
Hoàng Phi Hổ nghe kêu nói nhỏ với hai em:
– Lẽ nào cha mình lại đổi ý mau như vậy?
Hoàng Phi Bưu nói:
– Chắc là kế của Hoàng Minh, chứng ta nên trở lại xem sự việc như thế nào?
Bàn luận xong, Hoàng Phi Hổ truyền đẩy xe trở về thành.
Hoàng Cổn thấy con cháu mình trở về giả cách làm mặt vui truyện dọn cơm nước thết đải, và nói:
– Cha nghĩ lại lời Hoàng Minh nói rất phải. Lẽ nào chúng ta lại đem cái trung mà thờ một bạo chúa. Thôi để cha thu góp đồ đạc rồi cùng theo mấy cha luôn thể.
Sàu người ngồi lại ăn uống, còn bốn tướng hầu hạ hai bên.
Hoàng Cổn đang nâng ly thấy Hoàng Minh đứng gần Hoàng Phi Hổ, bèn gõ vào ly rượu hai lần theo kế hoạch đã định, nhưng Hoàng Minh cứ việc làm lơ không hành động gì cả.
Lúc đó Long Hoàn hỏi nhỏ Hoàng Minh:
– Chúng ta liệu lẽ nào?
Hoàng Minh đáp nhỏ:
– Ngươi và Ngô Khiêm dọn đồ đạc bác lên xe, rồi đốt hai kho lương thảo, đợi ăn uống xong xả chúng ta sẽ đề huề lên ngựa ra đi. Chừng nào bác có hỏi ta, ta sẽ kiếm lời phân giải.
Hai tướng lật đật làm y theo kế. Còn Hoàng Cổn thấy Hoàng Minh không chịu bắt trói Hoàng Phi Hổ, lừa dịp kêu Hoàng Minh đến bên án hỏi riêng:
– Ta gõ vào chung rượu đã hai lần, sao ngươi không ra sức?
Hoàng Minh nói:
– Bốn tướng không đồng một lượt, nếu tôi hành động trước việc không xong.
Xảy thấy quân vào báo:
– Hai kho lương thảo đều bị lửa cháy ngất trời…
Rồi trong lúc lộn xộn, gia binh gia tướng của Hoàng Phi Hổ đều kéo nhau ra khỏi ải, chi còn lại một mình Hoàng Minh.
Hoàng Cổn chắt lưỡi than:
– Ta mắc mưu bọn súc sanh này rồi!
Hoàng Minh nói:
– Cháu thưa thiệt với bác, Trụ vương vô đạo, thường hại kẻ tôi trung. Những kẻ tận trung trước sau gì cũng phải chết. Nếu chúng ta ở lì đợi đến ngày hôn quân giết đi, té ra chúng ta là lũ mất trí sao? Châu Võ vương là kẻ đại nhơn đại độ, đáng mặt minh quân, chúng ta qua đó mà phò tức là bỏ chỗ tối tìm chỗ sáng, kẻ thức thời không thể chê trách chúng ta được. Hiện giờ chúng ta qua đầu Châu coi như là những kế đi lánh nạn mà thôi.
Hoàng Cổn ngẫm nghĩ rồi than:
– Tôi không phải thả con đi làm phản, ngặt vì bạo chúa lỗi đạc không còn bào chữa vào đâu được, nếu tôi có theo con tôi thì cũng chỉ là đi lánh nạn, chớ không phải có lòng phản chúa.
Nói rồi lạy về Triều Ca tám lạy, treo ấn Nguyên soái tại dinh, dẫn ba ngàn tinh binh của mình ra khỏi ải Giới Bài.
Người sau có thơ rằng:
Làm kế đồng ra ải Giới Bài
Hoàng Minh rộng trí lại cao tài
Nào hay Tụy Thủy lừng oai thế
Ðến nỗi anh hùng mắc nạn tai
Tướng giở phép mầu hay bắt chúng
Phận già yếu sức phải thua trai
Na Tra ví chẳng trừ Dư Hóa
Ðâu có vua tôi phá Lộc đài.
Hoàng Cổn dẫn binh mã theo con, ngồi trên ngựa nói với Hoàng Minh:
– Ngươi ngỡ là cứu con ta nhưng thực ra ngươi làm hại cả dòng họ ta hết.
Hoàng Minh hỏi:
– Bác nói vậy là có ý gì?
Hoàng Cổn nói:
– Chúng ta không thể nào thoát khỏi mảnh lưới của Trụ vương được. Cách đây tám mươi dặm có ải Tụy Thủy, tướng giữ ải này là Hàng Vinh, có một người bộ hạ tên Dư Hóa tài phép phi thường ai cũng kiêng nể, nên gọi là Thất thủ Tướng quân. Người này cởi con thú mắt lửa tròng vàng, thường cầm cây Phương thiên họa kích. Ðánh trăm trận trăm thắng. Chúng ta đến đó thế nào cũng bị bắt.
Hoàng Cổn nói dứt lời, nhìn thấy Hoàng Thiên Tường mới lên bảy tuổi, ngồi khóc mếu máo trên lưng ngựa, thì mủi lòng than:
– Kẻ lớn khôn mắc nạn đã đành, đứa con nít chưa rời vú mẹ cũng lâm vào thảm trạng như vậy.
Ðoàn quân của Hoàng Phi Hổ đi gần tới ải Tụy Thủy thì Hoàng Cổn truyền dừng quân lại. Quân thấy vào báo với Hàng Vinh:
– Hoàng Cổn và Võ Thành Vương kéo qua từ ải Giới Bài đến đây.
Hàng Vinh ngồi ngẫm nghĩ cười thầm:
– Hoàng Cổn làm tới chức nguyên soái, chức lớn hơn người thế mà để cho con làm phản, xét cũng nực cười.
Nghĩ rồi truyền nổi trống nhóm chư tướng lại để thương nghị.
Các tướng ứng hầu đủ mặt, Hàng Vinh nói:
– Cha con Hoàng Cổn làm phản, kéo binh mã đến đây. Vậy các tướng phải đem binh ra ngoài thành chận đường chúng nó.
Chư tướng vâng lệnh đi liền.
Bấy giờ Hoàng Cổn nhìn con cháu than:
– Hôm nay con cháu đứng hầu hai bên, ngày mai chẳng biết ai còn ai mất.
Ai nấy nghe nói đều buồn bã vô cùng.
Trời rừng sáng đã có quân vào báo:
– Dư Hóa đem binh khiêu chiến.
Hoàng Cổn liền hỏi:
– Ai dám đi đánh trận nầy?
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Con xin ra trận.
– Nói rồi cầm giáo lên lưng trâu ra khỏi trại gặp một người dữ tợn râu tóc đỏ ngoe, mặt mũi vàng lườm, chân mày rô, con mắt lộ.
Dư Hóa chưa biết mặt Hoàng Phi Hổ, thấy Hoàng Phi Hổ cởi trâu năm sắc, năm chòm râu dài đuột, mắt phụng mày tằm, mão vàng giáo bạc, liền hỏi:
– Tướng nào xuất trận đó?
Hoàng Phi Hổ nói:
– Ta là Võ Thành vương Hoàng Phi Hổ nay Trụ vương lỗi đạo nên ta định sang Tây Kỳ tị nạn. Còn ngươi tên họ là chi?
Dư Hóa đáp:
– Tiểu tướng là Dư Hóa thuở nay chưa biết mặt đại vương, song cũng nghe tiếng đại vương là tôi của Thành Thang, làm quan cực phẩm. Nghĩ lại họ Hoàng giàu sang quyền quý hơn ai hết. Có điều chi không vừa ý mà làm phản Triều Ca.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Tướng quân nói cũng phải, song luận đạo quân thần thì chúa phải lấy lễ đãi tôi, tôi phải hết lòng thờ chúa. Chớ nay thiên hạ ai cũng biết Trụ vương là một hôn quân, làm tôi một hôn quân ai mà không xấu hổ. Ðã vậy vua lại ưa nịnh ghét trung, kẻ trung thần lần lượt bị tiêu diệt hết, cho nên lòng người tiêu tán, thiên hạ đảo huyền. Tôi thần nào càng có quyền uy phú quý thì lại càng thấy cảnh đau lòng nhiều hơn. Nay nếu tướng quân lấy tình rộng rãi, cho chúng tôi đến Tây Kỳ lánh nạn thì ơn ấy sau này chẳng quên.
Dư Hóa aói:
– Ðại vương nói sai rồi. Bổn phận tôi giữ ải, đâu dám tư tình? Nếu đại vương không phản, tôi mở cửa rước vào, nhưng nay đại vương đã trở lòng, tôi lẽ nào dám thả? Ðại vương cũng biết phép, tôi không lẽ nói nhiều, xin đại vương xuống yên để chủ tướng tôi giải về Triều Ca cho bệ hạ phân xử, may ra bá quan bảo tấu, lấy công xưa mà chuộc tội ngày nay. Chứ như đại vương muốn qua khỏi ải này, chẳng khác leo cây tìm cá.
Hoàng Phi Hổ nghe nói nổi giận mắng:
– Bốn ải kia ta còn qua khỏi, huống chi một Tụy Thủy quan? Nếu ngươi có tài thì cứ giao đấu với ta.
Nói rồi đâm Dư Hóa một giáo. Dư Hóa đưa kích ra đỡ. Hai tướng đành vùi với nhau bụi bay ngất trời bốn phương mù mịt.
Hoàng Phi Hổ đang giận, nên rán sức bình sanh múa cây giáo bạc tít mù, Dư Hóa đánh không lại giục ngựa chạy dài. Hoàng Phi Hổ đuổi theo gần kịp.
Dư Hóa liền lấy cây phướng trong túi phất lên. Cây phướng ấy là Lục Hồn Phang, phép của ông tiên Nhất Khí ở Bồng Lai truyền cho Dư Hóa.
Cây phướng vừa liệng lên cao liền hóa ra một ngọn khói đen bắt Phi Hổ đi mất. Dư Hóa lại quăng cây phướng ấy vào ải, các tướng bắt Hoàng Phi Hổ trói tức thì.
Thắng trận, Dư Hóa liền rút quân về.
Hàng Vinh hay tin Dư Hóa đã bắt được Hoàng Phi Hổ, liền truyền quân dẫn đến trướng.
Hoàng Phi Hổ vào đứng sững không quỳ.
Hàng Vinh hỏi:
– Triều đình không dám mích lòng ngươi việc gì mà ngươi hành động như vậy?
Hoàng Phi Hổ cười mỉa đáp:
– Ngươi là tướng trấn ngoài ải, quen thói mượn lệnh triều đình làm oai hiếp dân chúng, chớ không rõ trong trào rối loạn đến bực nào. Nay ngươi đã bắt được ta muốn làm gì thì làm, lựa phải nói chi cho nhiều chuyện.
Hàng Vinh nói:
– Ta trấn ải này thì phải giữ bổn phận đón kẻ gian, bắt tôi nghịch, hơi đâu mà nói chuyện với ngươi.
Nói rồi truyền quân giam Hoàng Phi Hổ vào ngục hình, chờ bắt hết cả đoàn sẽ giải về Triều Ca một lượt.
Bên kia Hoàng Cổn sai Hoàng Phi Hổ ra trận, lòng lo lắng không an, đang ngồi trông tin. Bỗng nghe quân báo:
– Dư Hóa bắt đại vương đem về ải rồi.
Hoàng Cổn thất kinh than:
– Súc sanh! Bởi không nghe lời ta lên lập công cho chúng nó.
Kế Dư Hóa lại đem binh đến khiêu chiến, Hoàng Cổn hỏi:
– Có tướng nào dám ra quân chăng?
Hoàng Minh, Châu Kỷ đồng thưa:
– Hai tôi xin xuất trận.
Hai tướng nói rồi xách búa lên ngựa ra khỏi trại điểm mặt Dư Hóa hét lớn:
– Thất phu, ngươi cậy phép tà bắt anh ta, thù sâu như biển.
Nói rồi xốc ngựa tới chém đùa. Dư Hóa đưa kích ra đỡ. Ba tướng đánh nhầu một trận hơn ba mươi hiệp.
Dư Hóa chống cự không lại quay ngựa bỏ chạy. Hoàng Minh, Châu Kỷ đuổi theo, bị Dư Hóa quăng Lục Hồn Phang lên bắt hết đem về dâng cho chủ tướng.
Hàng Vinh truyền đem nhốt vào ngục chung với Hoàng Phi Hổ.
Quân thất trận chạy về báo với Hoàng Cổn hay.
Hoàng Cổn cúi đầu than thở.
Bỗng có quân vào báo:
– Dư Hóa đem quân đến khiêu chiến trước trại.
Hoàng Cổn hỏi:
– Tướng nào dám ra trận nữa chăng?
Hoàng Phi Bưu, Hoàng Phi Báo thưa:
– Hai con xin ra sức báo thù anh.
Hai tướng liền cầm thương lên ngựa, ra trước trận gọi Dư Hóa mắng:
– Dư Hóa! Ngươi cậy có tà thuật bắt anh ta, hai ta nguyện ra đây lấy đầu ngươi mà trả thù.
Nói rồi hiệp lực đánh Dư Hóa hơn hai mươi hiệp, làm cho Dư Hóa bại trận chạy dài. Hai tướng đuổi theo. Dư Hóa cũng dùng phép cũ bắt nạp.
Hàng Vinh truyền giam lại hết.
Còn Hoàng Cổn hay tin hai con bị bắt lòng buồn bực vô cùng. Suốt đêm không hề nhắm mắt.
Trời vừa mờ sáng đã nghe quân vào báo:
– Dư Hóa dẫn quân đến khiêu chiến nữa.
Hoàng Cổn hỏi:
– Ai dám xuất trận?
Long Hoàn và Ngô Khiêm đồng thưa:
– Hai tôi không sợ tà thuật. Xin ra trận báo cừu.
Nói rồi cầm kích lên ngựa xông ra trận, thấy mặt Dư Hóa, nổi giận mắng lớn:
– Tặc tử đừng cậy phép tà hung hăng. Trận này chúng ta quyết xé xác ngươi mà bảo thù.
Ba tướng đánh nhau ba mươi hiệp, Dư Hóa chạy dài, hai tướng đuổi theo cũng bị Dư Hóa dùng phướng bắt sống đem về nạp.
Hàng Vinh truyền đem giam lại một chỗ. Dư Hóa đánh thắng bốn trận liên tiếp bắt được bảy tướng, Hàng Vinh mừng rỡ, dọn tiệc ăn uống, và hiu hiu tự đắc thế nào phen này giải bọn Hoàng Phi Hổ về triều cũng được triều đình thưởng công.
Bấy giờ Hoàng Cổn nghe tin hai tướng vừa ra trận cũng bị bắt nữa. Lòng bối rối nhìn ba đứa cháu đang đứng hầu hạ mình. Ðộng lòng rơi lụy, thầm nhủ:
– Ta tưởng bọn gia tướng họ Hoàng cũng có chút ít tài năng, ngờ đâu chẳng có đứa nào thắng nổi thằng Dư Hóa cả, thế thì có hy vọng gì qua ải Tụy Thủy. Hoàng Phi Hổ thật bất trí, không lượng trước sức mình. Nay đến nỗi này còn biết tính sao đây.
Lại nghe Dư Hóa đến khiêu chiến nữa.
Thứ tôn Hoàng Thiên Lộc bước ra bái ông nội mình, thưa:
– Cháu xin ra trận để trả thù cha, thù chú.
Hoàng Cổn nói:
– Con còn nhỏ tuổi, đánh sao lại Dư Hóa! Rất đỗi cha con mà còn bị chúng bắt kia.
Hoàng Thiên Lộc nói:
– Nay cha, chú con đã bị chúng bắt hết, con còn sống cũng chẳng ích gì, xin ông cho con ra liều sanh tử giữa chiến trận còn hơn.
Hoàng Cổn nhìn cháu, khuyên:
– Cháu có đi phải cẩn thận lắm mới được.
Hoàng Thiên Lộc vâng lệnh cầm thương lên ngựa, ra trước trận mắng lớn:
– Thất phu, ngươi ỷ có phép tà bắt cả gia đình ta, ta quyết với ngươi một còn một mất.
Nói rồi đâm một giáo, Dư Hóa đưa kích ra đỡ liền.
Hoàng Thiên Lộc tuy tuổi nhỏ, nhưng là con nhà tướng, múa cây giáo tợ chong chóng làm cho Dư Hóa không biết đường nào mà đỡ. Thật là một tiểu anh hùng trong thiên hạ vậy.
Người đời sau có thơ khen:
Trên đời xem có một
Dưới thế vẫn không hay
Râu đỏ đừng khoe phép
Mây xanh mới trổ tài
Nghé tơ nào sợ cọp
Beo nhỏ cũng ăn nai
Ðâm xẻ đùi Dư Hóa
Mất vía lại kinh oai.
Hoàng Thiên Lộc thương pháp như rồng, sức mạnh như cọp, đánh Dư Hóa ngẩn ngơ. Vừa đấu được vài mươi hiệp, Hoàng Thiên Lộc trổ tài đâm trúng đùi Dư Hóa một nhát, Dư Hóa kinh hãi giục ngựa chạy ngay.
Hoàng Thiên Lộc nóng trả thù cha, nên đuổi theo lập tức.
Dư Hóa tuy bị thương, song phướng phép hãy còn liền giở miếng cũ, bắt Hoàng Thiên Lộc đem về nạp cho chủ tướng.
Hàng Vinh truyền giam lại một đoàn.
Lúc ấy Hoàng Phi Hổ đang ngồi trong ngục thất buồn bã vì bảy anh em đều bị bắt hết. Bỗng thấy quân gát ngục đưa Hoàng Thiên Lộc vào nữa.
Hoàng Phi Hổ rơi lụy, nói:
– Không ngờ cả gia đình ta đều bị một tay Dư Hóa.
Mọi người đều nghiến răng, hận Dư Hóa vô cùng, còn Hoàng Cổn nghe thì Hoàng Thiên Lộc bị bắt, lòng rối như tơ vò không biết kế gì thoát nạn được, nhắm lại còn có ba ông cháu, khó nỗi xông ra quan ải mà cũng khó lòng trở lại Triều Ca, liền gọi ba ngàn quân sĩ của mình lại, nói:
– Chúng bay hãy góp hết tiền bạc lương thực của ta đem theo hối lộ cho Hàng Vinh, để nó thả chúng bay qua khỏi ải dung thân nơi khác, còn ba ông cháu ta bề nào cũng chết.
Quân sĩ đồng thưa:
– Xin lão gia chớ phiền. Người lành không lẽ trời phụ.
Hoàng Cổn nói:
– Dư Hóa có phép tà chúng ta cự sao lại. Nếu ra trận cho nó bắt thì mất cả thanh danh bấy lâu nay.
Ai nấy đều ngậm ngùi, không biết kế gì bàn tính nữa.
Hoàng Cổn thấy hai đứa cháu mình đứng một bên ủ rũ, lòng không nỡ, liền nói:
– Thôi hai cháu chớ buồn, để ông hạ mình năn nỉ với Hàng Vinh xin tha mạng sống cho hai cháu. Ðược như vậy ông có chết cũng đành, dòng họ Hoàng còn người hương hỏa.
Nói rồi cất mão, thay áo trắng mặc đồ hèn, dắt hai đứa cháu tới cửa ải, gọi quân giữ cửa nói:
– Chúng bay vào bẩm với Hàng Tổng binh, có ta là Hoàng Cổn xin vào ra mắt.
Quân vào báo.
Hàng Vinh cười thầm:
– Hoàng Cổn trước đây quyền cao chức trọng, lão là ngoại thích của vua, nhưng nay lão thả con làm phản triều đình thì lão có tội liên can. Ðã là một tội lớn thì còn quyền lực gì nữa. Dù lão có đến đây nói gì ta cũng chẳng cần đếm xỉa đến lời nói của lão nữa.
Nói rồi dàn binh nghiêm chỉnh, bước ra cửa ải mà xem, thấy Hoàng Cổn quì trước, hai cháu quì sau, mặt mày ủ dột.