Chương 026 Tam quốc diễn nghĩa
HỒI 26
Viên Bản Sơ hao binh tổn tướng;
Quan Vân Trường treo ấn gói vàng.
Viên Thiệu toan chém Huyền Đức. Huyền Đức khoan thai bước lên nói:
– Minh công chỉ nghe một lời mà muốn dứt tình ngay? Bị từ khi ở Từ Châu thất tán, em là Quan Vũ không biết còn hay mất; thiên hạ người giống nhau không ít, chắc đâu tướng mặt đỏ râu dài là Vân Trường, minh công sao không xét cho kĩ?
Viên Thiệu vốn là người hay do dự, nghe Huyền Đức nói bèn trách Thư Thụ:
– Tí nữa ta nghe lời ngươi, giết mất người hiền.
Rồi lại mời Lưu Bị lên trướng ngồi, bàn cách báo thù cho Nhan Lương. Dưới trướng có một người tiến lên nói:
– Nhan Lương với tôi như anh em, nay Lương bị giết, tôi phải rửa hận.
Người ấy mình cao tám thước, mặt như mặt con giải trũi tên Sú, là danh tướng ở Hà Bắc. Thiệu mừng nói:
– Phi người không ai báo được thù cho Nhan Lương. Ta cho đem mười vạn quân, qua ngay Hoàng Hà, đuổi giết quân Tào.
Thư Thụ nói:
– Không nên. Nay nên đóng quân ở bến Diên Tân rồi chia một nửa sang bên Quan Độ, mới thực là thượng sách. Nếu đem cả binh sang sông, phỏng thử có điều gì, thì rút về làm sao được?
Thiệu mắng:
– Chỉ vì các ngươi làm trì hoãn lòng quân, kéo dài ngày tháng để lỡ việc lớn đó thôi. Ngươi há lại không biết câu: “Binh quý thần tốc” hay sao?
Thư Thụ trở ra, than rằng:
– Người trên thì kiêu căng, kẻ dưới thì tham công; nước sông Hoàng Hà chảy cuồn cuộn, ta cũng đành liều chăng!
Rồi cáo bệnh, không ra bàn việc quân nữa.
Huyền Đức nói:
– Bị đội ơn lớn, chưa lấy gì báo đáp, nay muốn cùng đi với Văn tướng quân, trước là để báo đáp minh công, sau là để dò xem tin tức Vân Trường.
Thiệu ưng ý, sai Văn Sú cùng Huyền Đức lĩnh tiền bộ, Sú nói:
– Huyền Đức là tướng bị thua luôn, cho ra quân không lợi. Nay chúa công muốn cho ông ấy cùng đi, tôi xin chia ba vạn quân để ông ta đi sau làm hậu bộ.
Bởi thế Văn Sú lĩnh bảy vạn đi trước, Huyền Đức lĩnh ba vạn đi sau.
Đây nói Tào Tháo từ khi thấy Quan Công chém được Nhan Lương, lại càng kính trọng lắm, làm biểu tâu lên triều đình, phong cho Vân Trường là Hán Thọ đình hầu, đúc ấn giao cho Quan Công.
Chợt có tin báo: Viên Thiệu lại sai đại tướng là Văn Sú sang sông Hoàng Hà, hiện đã đóng quân ở bến Diên Tân.
Tháo sai người đem dân cư ở đó dời sang phía tây sông, rồi đem quân ra đánh, truyền lệnh lấy hậu quân làm tiền quân, lấy tiền quân làm hậu quân, lương thảo cho đi trước, binh lính kéo đi sau.
Lã Kiền hỏi:
– Lương đi trước, quân đi sau là ý làm sao?
Tháo nói:
– Lương thảo đi sau, bị cướp mất nhiều, nên cho đi trước?
Kiền lại hỏi:
– Thế lúc giặc đến, thì làm thế nào?
Tháo nói:
– Bấy giờ sẽ liệu.
Kiền trong bụng nghi hoặc, không hiểu. Tào Tháo cứ sai chở lương thảo và các xem đồ đi men sông đến Diên Tân. Tháo ở hậu quân, nghe thấy tiền quân reo hò, vội cho người ra xem, mọi người đều báo:
– Văn Sú dẫn binh lại, quân ta đều bỏ cả lương thảo, bốn mặt chạy tán loạn, hậu quân thì ở xa, bây giờ làm thế nào?
Tháo lấy roi trỏ vào hai cái gò đất ở phía nam, bảo:
– Chỗ kia có thể tạm tránh.
Người, ngựa vội vàng chạy cả lên gò đất.
Tháo truyền cho quân sĩ cởi áo giáp, ngồi nghỉ, thả hết cả ngựa ra.
Quân Văn Sú kéo ập ngay đến. Các tướng nói:
– Giặc đã đến, xin cho thu ngựa lại rồi kéo về Bạch Mã.
Tuân Du vội vàng ngăn lại:
– Chính là để dử giặc, sao lại lui!
Tháo đưa mắt cho Tuân Du mà cười. Du biết ý, không nói nữa. Quân Văn Sú đã lấy được lương thảo xa trượng, lại tranh nhau cướp ngựa. Quân sĩ nhốn nháo mất cả hàng ngũ.
Bấy giờ Tháo sai quân, tướng xuống đánh. Quân Văn Sú rối loạn. Quân Tào vây bọc lại. Văn Sú một mình chống chọi, quân sĩ giày xéo lẫn nhau mà chạy. Văn Sú ngăn cấm không được, cũng phải quay ngựa chạy nốt. Tháo đứng trên nói trỏ xuống bảo:
– Văn Sú là danh tướng Hà Bắc, ai có thể bắt cho ta?
Trương Liêu, Từ Hoảng hai ngựa cùng xông ra, gọi to:
– Văn Sú đừng chạy nữa.
Văn Sú ngoảnh lại, thấy hai tướng đuổi theo, cắp vững ngọn giáo, giương cung đặt tên, định bắn Trương Liêu. Từ Hoảng kêu to lên:
– Tướng giặc không được bắn trộm.
Trương Liêu cúi đầu vội tránh, mũi tên cắm ngay vào cái chỏm mũ, đứt phăng dải mũ, Liêu cố sức đuổi. Văn Sú lại bắn phát nữa trúng ngay giữa trán ngựa. Ngựa gục hai chân trước, Liêu ngã xuống đất. Văn Sú quay ngựa trở lại, Từ Hoảng tay cầm búa lớn, giơ lên đánh chặn đường. Quân Văn Sú ở mặt sau kéo đến. Hoảng liệu địch không nổi, quay ngựa chạy về. Văn Sú cứ men sông đuổi theo. Chợt thấy hơn mười quân kị mã, cờ hiệu phất phới, một tướng đứng hầu, cầm long đao tế ngựa đến, chính là Quan Vũ.
Quan Công quát to một tiếng: “Tướng giặc đừng chạy!” rồi xông lại đánh Văn Sú. Chưa được ba hiệp, Văn Sú thấy núng liền quay ngựa chạy. Ngựa quan Công chạy nhanh, sấn kịp ngay sau lưng Văn Sú, Quan Công đưa một nhát dao, Văn Sú ngã chết ngay dưới chân ngựa.
Tào Tháo ở trên gò đất thấy Quan Công chém được Văn Sú, thúc quân sĩ ùa cả ra đánh. Quân Hà Bắc ngã xuống sông chết quá nửa. Lương thảo và ngựa lại bị quân Tào cướp lại được cả.
Quan Vũ dẫn vài mươi quân kị mã tả xông hữu đột. Giữa lúc đánh nhau dữ dội, Huyền Đức dẫn ba vạn quân theo sau vừa kéo đến. Thám tử đi trước trở về báo:
– Lần này lại là tướng đỏ mặt râu dài chém chết Văn Sú rồi.
Huyền Đức vội vàng tế ngựa lên xem, cách sông trông thấy một đội quân mã, đi lại như bay, trên lá cờ viết bảy chữ “Hán Thọ đình hầu Quan Vân Trường”.
Huyền Đức tạ thầm trời đất:
– Em ta quả nhiên còn ở bên Tào Tháo!
Huyền Đức định gọi sang chào hỏi, nhưng quân Tào kéo đến, Huyền Đức phải thu quân về.
Viên Thiệu đem quân tiếp ứng đến Quan Độ hạ trại. Quách Đồn. Thầm Phối nói:
– Phen này lại là Quan Vũ giết chết Văn Sú, thế mà Lưu Bị còn giả cách không biết.
Viên Thiệu nổi giận mắng:
– Thằng giặc tai to, sao dám như thế?
Một lát Huyền Đức vào. Thiệu thét lôi ra chém.
Huyền Đức nói:
– Tôi có tội gì?
Thiệu nói:
– Mày lại cố ý sai em mày giết mất của ta một viên đại tướng nữa, sao lại nói là vô tội?
Huyền Đức nói:
– Xin để tôi giải bày một lời rồi hãy giết: Tào Tháo vốn ghét tôi, nay biết tôi ở chỗ minh công, sợ tôi giúp minh công, nên sai em tôi giết hai tướng. Minh công biết, tất nhiên giận tôi. Thế là Tháo muốn mượn tay minh công để giết tôi đó. Xin minh công nghĩ lại.
Viên Thiệu nói:
– Huyền Đức nói phải lắm! Tí nữa các ngươi để ta phải chịu cái tiếng giết người hiền.
Nói rồi, quát tả hữu lui ra và mời Huyền Đức lên ngồi trên trướng. Huyền Đức nói:
– Bị nay đội ơn khoan hồng của minh công, không biết lấy gì báo đáp. Nay muốn sai một người tâm phúc đem mật thư đưa cho Vân Trường, cho biết tin tôi ở đây. Em tôi tất phải đi suốt ngày đêm đến ngay giúp minh công, cùng đánh Tào Tháo, để báo thù cho Nhan Lương, Văn Sú, minh công nghĩ thế nào?
Viên Thiệu mừng nói:
– Ta được Vân Trường tức là được một viên tướng giỏi gấp mười Nhan Lương, Văn Sú.
Lưu Bị viết thư, chưa tìm được người được sai đi. Thiệu truyền lui quân về Võ Dương, hạ trại liên tiếp vài mươi dặm, đóng quân lại, không ra đánh nữa.
Tháo sai Hạ Hầu Đôn đem quân chặn cửa ải Quan Độ, còn mình thì rút quân về Hứa Đô, mở đại yến mời các quan và mừng công Vân Trường. Nhân bảo Lã Kiền:
– Hôm trước ta cho lương thảo đi trước, quân đi sau, là mẹo để dử giặc. Bấy giờ duy chỉ có Tuân Du biết ý ta.
Mọi người đều thán phục.
Đương ăn yến, chợt có người báo:
– Đất Nhữ Nam có giặc Hoàng Cân là Lưu Tích, Cung Đô rất là ngang tàng, Tào Hồng đánh mãi không được xin cho quân ra cứu.
Vân Trường nghe nói, tiến lên thưa:
– Tôi xin đem hết sức khuyển mã phá giặc Nhữ Nam.
Tháo nói:
– Vân Trường vừa có công to, chưa kịp trọng thưởng được, ta sao lại để Vân Trường đi đánh giặc phải chịu khó nhọc?
Quan Công nói:
– Tôi nhàn rỗi lâu nay hay sinh bệnh tật. Xin cho tôi đi một chuyến.
Tào Tháo khen là có chí khí, điểm năm vạn quân, sai Vu Cấm, Nhạc Tiến làm phó tướng, hôm sau đi liền.
Tuân Úc thầm bảo Tháo:
– Vân Trường vẫn có lòng về với họ Lưu, nếu biết có tin ở đâu, thì y đi ngay, không nên sai đi đánh luôn.
Tháo nói:
– Lần này để y lập công, lần sau không sai đi nữa.
Quan Công lĩnh binh đến gần Nhữ Nam, dừng quân đóng trại. Đang đêm bỗng bắt được hai người đi do thám. Quan Công trông trong hai người, nhận được một người là Tôn Càn, liền đuổi tả hữu ra, rồi hỏi Càn rằng:
– Từ khi tan vỡ, không nghe thấy tin tức gì, sao ông lại ở đây?
Càn nói:
– Tôi từ khi trốn nạn, xiêu dạt sang Nhữ Nam, may gặp được Lưu Tích cho vào nương tựa ở đó. Nay tướng quân sao lại ở bên Tào Tháo? Thế còn Cam, My hai phu nhân thì thế nào?
Quan Công đem hết cả chuyện đầu đuôi thuật lại cho Tôn Càn nghe. Càn nói:
– Mới đây tôi nghe tin ông Huyền Đức ở bên Viên Thiệu, muốn sang theo, chưa có dịp nào tiện. Nay Lưu Tích, Cung Đô hai người đã hàng Thiệu, cùng giúp đánh Tào. May đâu lại gặp tướng quân đến đây, nên mới sai quân dẫn đường, tôi giả làm quân do thám đến báo để tướng quân biết. Ngày mai, Lưu Tích, Cung Đô hai người ra đánh giả cách thua tướng quân một trận. Ông đem hai phu nhân đến chỗ Viên Thiệu để gặp Huyền Đức.
Quan Công nói:
– Anh ta đã ở bên Viên Thiệu, thế nào sớm tối ta cũng sang ngay. Nhưng ta đã chém mất hai tướng của Viên Thiệu, sợ có việc biến xảy ra.
Càn nói:
– Để tôi đến đó xem hư thực ra sao, rồi sẽ về báo lại.
Quan Công nói:
– Ta được trông thấy anh ta, dù có chết cũng không từ. Nay ta về Hứa Đô, từ giã Tào Tháo đã.
Rồi đang đêm ngầm tiễn Tôn Càn đi.
Hôm sau, Quan Công dẫn quân ra, Cung Đô mặc áo giáp ra trận, Quan Công hỏi:
– Chúng bay sao dám làm phản triều đình?
Đô đáp:
– Mày là đứa phản chủ, còn trách gì ta?
Quan Công hỏi:
– Ta thế nào là phản chủ?
Đô đáp:
– Lưu Huyền Đức ở bên Viên Bản Sơ, sao mày lại đi theo Tào Tháo.
Quan Công không trả lời, quất ngựa múa đao xông vào. Cung Đô bỏ chạy ngay. Quan Công đuổi theo. Đô ngoảnh lại bảo Quan Công rằng:
– Ân nghĩa chủ cũ, không nên quên. Ông cứ cho quân tiến nhanh lên, ta nhường Nhữ Nam cho.
Quan Công biết ý, thúc quân xông vào. Lưu Tích, Cung Đô cùng giả làm thua, chạy tản ra bốn mặt. Quan Công cướp được châu quận, yên dân xong, rút quân về Hứa Xương.
Tào Tháo ra ngoài quách đón, khao thưởng quân sĩ. Ăn yến xong, Vân Trường về nhà, vào thăm hai chị, đứng ở ngoài cửa. Cam phu nhân hỏi:
– Hai lần chú ra quân, có nghe tin hoàng thúc ở đâu chưa?
Quan Công đáp:
– Thưa chưa!
Rồi trở ra. Hai phu nhân hu hu khóc, nói:
– Hoàng thúc dễ thường mất rồi. Chú sợ hai chị em ta buồn rầu, nên giấu không nói thật chứ gì?
Đương khóc, có một người lính già đứng hầu ngoài cửa, nói:
– Xin hai phu nhân đừng khóc. Chúa công hiện ở bên Hà Bắc với Viên Thiệu.
Hai bà hỏi:
– Sao nhà ngươi biết?
Người lính thưa:
– Tôi theo Quan tướng quân đi đánh giặc, có người ở trên trận nói chuyện.
Hai bà gọi ngay Vân Trường đến trách:
– Hoàng thúc chưa từng phụ ngươi bao giờ, nay ngươi được chịu ân Tào Tháo, quên cả nghĩa cũ, không lấy sự thực bảo chúng ta là cớ làm sao?
Quan Công cúi đầu nói:
– Anh nay thực ở Hà Bắc, em chưa dám để hai chị biết, là sợ việc lỡ ra tiết lộ, không lợi. Việc này nên lo tính thong thả, không nên vội vàng.
Cam phu nhân nói:
– Chú nên lo tính cho mau.
Quan Công lui về, nghĩ cách nên đi thế nào, đứng ngồi không yên.
Nguyên là Vu Cấm dò biết Lưu Bị ở Hà Bắc, đã báo với Tào Tháo. Tháo sai Trương Liêu đến dò ý Quan Công. Quan Công hôm ấy đương ngồi buồn, Trương Liêu vào mừng:
– Nghe anh khi ra trận, đã biết tin Huyền Đức, nên em đến mừng.
Quan Công đáp:
– Chủ cũ tuy ở đó, nhưng chưa được gặp, đã có chi đáng mừng.
Liêu lại hỏi:
– Anh kết thân với Huyền Đức, so giữa anh với tôi, bên nào thân hơn.
Quan Công nói:
– Tôi với anh là nghĩa bầu bạn; tôi với Huyền Đức bầu bạn mà là anh em, anh em mà lại là vua tôi, hai đường ví với nhau thế nào được?
Liêu mới hỏi:
– Nay Huyền Đức ở Hà Bắc, anh có đi theo không?
Quan Công nói:
– Lời nói ngày trước, sao lại trái được! Nhờ Văn Viễn hết lòng trình bày hộ tôi với thừa tướng.
Trương Liêu đem lời Quan Công về nói lại với Tào Tháo. Tháo nói:
– Ta đã có cách giữ lại.
Quan Công đương ngồi nghĩ ngợi, chợt thấy báo có người bạn cũ đến hỏi thăm. Quan Công mời vào, thì là người không quen bao giờ. Quan Công hỏi:
– Ông là ai?
Người lạ đáp:
– Tôi là Trần Chấn, người ở Nhữ Nam, bộ hạ của Viên Thiệu.
Quan Công giật mình, vội vàng bảo tả hữu lui ra, rồi hỏi:
– Tiên sinh lại đây chắc có việc gì?
Chấn đưa ra một phong thư, Quan Công mở ra xem thì là thư của Huyền Đức, đại lược trong thư nói:
“Bị cùng túc hạ, kết nghĩa vườn đào, thề cùng sống thác, nay sao nửa đường bỏ nhau, cắt đứt ân nghĩa? Túc hạ nếu muốn lập công danh, toan đường phú quý, Bị xin đem đầu dâng túc hạ để túc hạ lập nên công lớn. Thư nói không xiết, chịu chết ngồi chờ lệnh.”
Quan Công xem xong thư, khóc to nói:
– Tôi không phải không muốn tìm anh, chỉ vì chẳng biết anh ở đấy, chớ đâu dám cầu phú quý mà quên lời thề cũ.
Trần Chấn nói:
– Huyền Đức mong đợi ông lắm. Ông đã không trái ước cũ, nên đi nhanh đến gặp Huyền Đức.
Quan Công nói:
– Làm người sinh trong trời đất, không có thủy chung, không phải là quân tử. Ta lúc lại đây phân minh, thì lúc ở đây đi cũng phải phân minh. Nay tôi viết thư, nhờ tiên sinh đem về cho anh tôi biết trước, để tôi từ giã Tào Tháo, sẽ đem cả hai chị về gặp anh tôi sau.
Chấn nói:
– Ngộ Tào Tháo không nghe thì làm thế nào?
Quan Công đáp:
– Ta thà chết, chớ sao chịu ở lại đây!
Chấn nói:
– Ông mau viết thư trả lời, để Lưu sứ quân khỏi mong đợi.
Quan Công viết thư đáp lại:
“Trộm nghĩ: đã là nghĩa thì không bao giờ phụ lòng; đã là trung thì không bao giờ sợ chết. Vũ này từ thuở nhỏ bé đọc sách, hơi biết lễ nghĩa. Xem truyện, Dương Giốc Ai và Tả Bá Đào thường than thở hai ba lần, mà sa nước mắt.
Khi trước giữ thành Hạ Phì, trong lòng không có thóc chứa, ngoài chẳng có viện binh, đã toan liều chết, nhưng vì có trọng trách đối với hai chị, không dám quyên sinh để phụ lòng ủy thác của anh, cho nên còn tạm nương náu đây, mong có ngày cùng nhau tụ hội.
Mới đây em đến Nhữ Nam, mới biết tin anh. Xin lập tức từ giã Tào công, đem hai chị về. Em bằng có bụng khác, thân người cùng giết. Moi gan rạch mật, bút giấy nói không hết lời, bái kiến có ngày, xin nhủ lòng soi xét.”
Trần Chấn mang thư về, Quan Công vào nhà trong nói với hai chị, rồi vào ngay tướng phủ để từ biệt Tào Tháo. Tháo đã biết trước, sai treo một cái biển “Hồi tị” ở ngoài tướng phủ. Quan Công đành lủi thủi trở về, sai những người tùy tùng cũ, thu xếp xe ngựa sẵn sàng, lại dặn bảo trong nhà: Phàm bao nhiêu những đồ Tào Tháo cho, đều để cả lại, cái tơ cái tóc cũng không được mang đi.
Hôm sau Quan Công lại đến tướng phủ để từ tạ. Ngoài cửa vẫn có biển “Hồi tị”. Quan Công đến luôn mấy lần, đều không được vào, bèn đến nhà Trương Liêu để nói chuyện. Liêu cũng cáo ốm không ra. Quan Công nghĩ:
– Đây là Tào thừa tướng có ý không cho ta đi. Chí ta đã quyết, há lại còn dùng dằng ở lại nữa sao?
Bèn viết một phong thư từ tạ Tào Tháo. Thư như sau:
“Tôi từ trước đã thờ hoàng thúc, thề cùng sống chết, trên: Trời cao, dưới: đất dày, đều đã chứng giám; ngày nọ thất thủ Hạ Phì, tôi xin ba điều, đã được thừa tướng chấp nhận. Nay được tin chủ cũ ở bên Viên Thiệu, tôi nhớ lại lời thề ngày trước há dám sai trái? Ơn mới tuy hậu, nghĩa cũ khó quên, dâng thư cáo từ, xin soi xét cho. Ơn còn thiếu chưa báo được hết, xin đợi khi khác.”
Viết xong, dán lại, sai người mang đến tướng phủ. Một mặt đem những vàng bạc đã được tặng mấy lần trước gói hết cả lại bỏ vào kho, treo ấn Hán Thọ đình hầu trên sảnh đường, rồi mời hai phu nhân lên xe.
Quan Công cưỡi ngựa Xích Thố tay cầm thanh long đao, dẫn bọn người tùy tùng cũ đi hộ tống xa trượng, đi tắt ra cửa thành. Lính canh cửa ngăn lại, Quan Công trừng mắt, giơ long đao lên, quát to một tiếng, lính canh lẩn tránh hết cả. Quan Công ra khỏi cửa thành dặn những người tùy tùng:
– Các ngươi hộ tống xa trượng đi trước. Ngộ có người đuổi theo, đã có ta ở sau chống lại. Không được để hai phu nhân sợ hãi.
Quân hầu cứ theo đường cái quan, đẩy xe đi.
Tào Tháo đang ngồi cùng mọi người bàn tán chuyện Quan Công thì có người mang thư của Quan Công vào trình.
Tháo mở ra xem, thất kinh nói:
– Vân Trường đi mất rồi!
Chợt lại có tướng giữ cửa bắc phi ngựa lại báo:
– Quan Công cướp cửa đi ra, xe ngựa đồ đạc hơn hai mươi người, đi về phía bắc.
Lại có người ở nhà Quan Công đến báo:
– Quan Công gói hết cả các đồ vàng bạc của thừa tướng cho ngày trước, để ở trong kho. Mười người mĩ nữ để ở nhà trong, ấn Hán Thọ đình hầu thì treo ở nhà sảnh đường, những kẻ hầu người hạ của thừa tướng cắt đến đều không đem đi, chỉ mang những người tùy tùng cũ và hành lí tùy thân đi ra cửa bắc.
Mọi người đều ngạc nhiên. Một viên tướng nhả ra nói:
– Tôi xin đem ba nghìn quân thiết kị bắt sống Quan Vũ đem về nộp thừa tướng!
Mọi người nhìn xem là ai, thì là Sái Dương.
Thế mới thực là:
Muốn xa muôn trượng hang rồng rắn,
Lại gặp ba nghìn lính hổ lang.
Chưa biết Sái Dương xin đi đuổi Quan Công thế nào, xem đến hồi sau mới tỏ.