Viết thêm – Ỷ THIÊN ĐỒ LONG KÝ
“Ỷ Thiên Đồ Long ký” là bộ thứ ba trong bộ sách “Xạ điêu”.
Nhân vật nam chủ chốt trong ba bộ sách này có tính cách hoàn toàn khác nhau. Quách Tĩnh thành thực chất phác, Dương Quá phóng đãng sâu sắc, cá tính của Trương Vô Kỵ tương đối phức tạp, cũng khá mềm yếu. Trương Vô Kỵ thiếu chút khí khái anh hùng, trong cá tính cố nhiên có nhiều ưu điểm, song cũng có nhiều khuyết điểm; có lẽ giống với mọi con người bình thường. Dương Quá có tính chủ động tuyệt đối. Quách Tĩnh về chuyện lớn thì rất chủ động, còn trong mọi chuyện nhỏ thì phải chờ Hoàng Dung thúc giục. Còn Trương Vô Kỵ suốt đời chịu ảnh hưởng của người khác, bị hoàn cảnh chi phối, không cách gì thoát khỏi sự ràng buộc. Trong ái tình, Dương Quá vùi đầu say mê Tiểu Long Nữ, bất chấp mọi quy phạm của xã hội; Quách Tĩnh thì dao động ngả nghiêng giữa Hoàng Dung với Hoa Tranh công chúa, đơn thuần xuất phát từ giá trị đạo đức. Trương Vô Kỵ thì trước sau dùng dằng không dứt khoát, đối với bốn cô nương Chu Chỉ Nhược, Triệu Mẫn, Ân Ly và Tiểu Chiêu, dường như chàng yêu Triệu Mẫn sâu sắc hơn cả, cuối cùng cũng nói với Chu Chỉ Nhược như thế, nhưng trong đáy lòng, rốt cuộc chàng yêu cô nào hơn, chỉ e chính chàng cũng không biết. Tác giả cũng không biết; đã miêu tả cá tính của chàng ta như vậy, thì toàn bộ sự phát triển phải do tính cách mà định, chứ tác giả cũng không thể can thiệp.
Người như Trương Vô Kỵ, dù võ công cao đến mấy, cuối cùng cũng không thể trở thành lãnh tụ lớn về chính trị. Đương nhiên, chàng ta căn bản không muốn làm, nếu miễn cưỡng phải làm, thì cuối cùng cũng nhất định thất bại. Lịch sử chính trị ba ngàn năm của Trung Quốc sớm đã đưa ra kết luận minh xác rồi. Một lãnh tụ chính trị thành công ở Trung Quốc, thì điều kiện thứ nhất là “nhẫn nhịn”, bao gồm nhẫn nhịn kiềm chế bản thân, nhẫn nhịn khoan dung người khác, cùng sự tàn nhẫn đối phó chính trị. Điều kiện thứ hai là “quyết đoán rõ ràng”; điều kiện thứ ba là ham muốn quyền lực cực mạnh. Trương Vô Kỵ không hề có các điều kiện ấy. Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn đều có tài năng chính trị, cho nên hai cô gái ấy tuy xinh đẹp, song không khả ái.
Trong trái tim tôi, tôi thích nhất Tiểu Chiêu. Chỉ tiếc là không thể để cho nàng sống cùng Trương Vô Kỵ, nghĩ thật đáng buồn.
Bởi thế trong bộ sách này, chuyện tình yêu thời trước không được thật đẹp, tuy rằng trong thực tế có thể khá hơn chút ít.
Trương Vô Kỵ không phải là một lãnh tụ giỏi, nhưng có thể là người bạn tốt của chúng ta. Thực ra, trọng điểm tình cảm của bộ sách này không phải là chuyện tình yêu nam nữ, mà là tình nghĩa giữa nam giới với nhau, tình cảm giữa Võ Đang thất hiệp, tình cảm của Trương Tam Phong đối với Trương Thúy Sơn, của Tạ Tốn đối với người con nuôi là Trương Vô Kỵ.
Thế nhưng, nỗi đau đớn của Trương Tam Phong khi thấy Trương Thúy Sơn tự vẫn, của Tạ Tốn khi nghe tin Trương Vô Kỵ bị chết, trong sách được miêu tả quá hời hợt, trong cuộc sống thực tế không phải như vậy.
Đó là vì hồi viết sách, tôi còn chưa hiểu rõ.
KIM DUNG
Tháng 3 năm 1977