Tựa của Kim Dung – THƯ KIẾM ÂN CỪU LỤC

Tựa của Kim Dung – THƯ KIẾM ÂN CỪU LỤC

Tựa của Kim Dung

Tiểu thuyết viết để con người đọc. Nội dung của tiểu thuyết là con người.

Tiểu thuyết viết về tính cách và tình cảm của một người, vài người, một nhóm người, hoặc ngàn vạn người. Con người được phản ánh qua hoàn cảnh theo trục hoành, qua tao ngộ theo trục tung, mà cốt yếu là bởi quan hệ giữa con người với nhau. Trong tiểu thuyết dài, hình như duy nhất chỉ có Rôbinsơn Phiêu lưu ký là viết về một người, cụ thể hơn là viết về quan hệ giữa nhân vật chính với thiên nhiên; nhưng về sau cũng có xuất hiện một người khác là anh hầu Thứ Sáu. Tiểu thuyết ngắn viết về một người thì nhiều hơn, nhất là tiểu thuyết cận đại và hiện đại, thông qua quan hệ giữa con người với hoàn cảnh để thể hiện thế giới nội tâm của người đó. Có một số tiểu thuyết viết về động vật, thần tiên, yêu quái, nhưng cũng dùng phép nhân cách hóa để mô tả như người.

Lý luận truyền thống về tiểu thuyết của Tây phương thường phân tích tác phẩm theo ba phương diện: hoàn cảnh – nhân vật – tình tiết. Vì cá tính và sở trường của các tác giả tiểu thuyết là khác nhau, nên họ cũng đặt ba phương diện này nặng nhẹ khác nhau. Về cơ bản thì tiểu thuyết võ hiệp cũng như các loại tiểu thuyết khác, đều viết về con người. Nhưng hoàn cảnh của tiểu thuyết võ hiệp thường diễn ra vào đời xưa; nhân vật chủ yếu là những người có võ công; tình tiết thì đặt nặng đấu tranh kịch liệt.

Bất cứ loại tiểu thuyết nào cũng có chỗ đặc biệt nhấn mạnh. Tiểu thuyết ái tình thì đặt nặng những tình tiết có liên quan đến tình cảm và tình dục giữa nam và nữ. Tiểu thuyết tả thực thì tập trung diễn tả hoàn cảnh và nhân vật của một thời đại đặc biệt nào đó. Loại tiểu thuyết như Tam Quốc Diễn NghĩaThủy Hử thì diễn tả quá trình đấu tranh của những nhóm rất đông nhân vật. Tiểu thuyết hiện đại thì đặt trọng tâm vào biển diễn tâm lý của nhân vật.

Tiểu thuyết là một loại hình nghệ thuật. Nội dung cơ bản của nghệ thuật là tình cảm và cuộc sống của con người. Ý nghĩa chủ yếu của nghệ thuật là chữ “Mỹ”, cái đẹp mang nghĩa rộng. Tiểu thuyết cần cái đẹp trong ngôn ngữ, trong bút pháp, trong bố cục kết cấu.

Với mục đích là biểu hiện nội tâm của một nhân vật nào đó trên thế giới, thì hình thức nào cũng được cả. Tác giả có thể cắt ra một nhát để phân tích mổ xẻ theo chủ quan, cũng có thể kể lại câu chuyện một cách khách quan bằng hành động và lời nói của nhân vật.

Khi đọc một bộ tiểu thuyết, độc giả cảm nhận lại tâm lý của nhân vật trong tiểu thuyết. Cùng một bộ tiểu thuyết, có người đọc thấy rung động mãnh liệt, có người lại thấy chán ngán vô vị. Khi cá tính và tình cảm của độc giả tiếp xúc với cá tính và tình cảm được thể hiện trong tiểu thuyết, có thể sinh ra những phản ứng khác nhau.

Nhạc sĩ có quyền thể hiện tình cảm thông qua dương cầm, vĩ cầm, dàn nhạc giao hưởng, hay chỉ là thanh nhạc, công cụ nào cũng tốt. Họa sĩ thì có thể lựa chọn những hình thức sơn dầu, màu nước, thủy mặc, hoặc khắc gỗ. Vấn đề không phải là sử dụng hình thức nào, mà là thủ pháp biểu hiện có tốt hay không, có thể tương thông với tâm hồn của độc giả thính giả khán giả, làm nảy sinh ra cảm giác đồng điệu trong tâm lý của họ hay không.

Tiểu thuyết là một loại hình nghệ thuật. Có nghệ thuật hay, mà cũng có nghệ thuật dở. Ở đây chúng ta nói nghệ thuật hay hay dở là xét trên phạm trù mỹ học, không xét về phạm trù thiện ác. Tiêu chuẩn để xét đoán hay hay dở là tình cảm thật hay không thật, chứ không phải là đúng hay sai theo khoa học (giống như võ công có thể không thật về mặt sinh lý hay khoa học, nhưng có thể là thật trong cảm nhận). Còn thiện hay không thiện về đạo đức, chính là có lợi hay có hại đối với người cầm quyền. Đương nhiên bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có ảnh hưởng đối với xã hội, nên có thể xem đó là tiêu chí để đánh giá, nhưng đó lại là một kiểu đánh giá khác rồi.

Ở châu Âu thời Trung cổ, thế lực của Cơ đốc giáo bao trùm lên hết thảy, nên khi đến tham quan các viện bảo tàng Âu Mỹ chúng ta thấy tranh vẽ thời Trung cổ đều lấy đề tài từ thánh kinh, cái đẹp trong cơ thể phái nữ cũng được biểu hiện thông qua hình tượng thánh mẫu. Mãi đến thời Phục Hưng, hình ảnh của người phàm mới được thể hiện trong hội họa và văn học. Phục Hưng trong văn nghệ có nghĩa là quay lại miêu tả con người như thời Hy Lạp và La Mã, không còn tập trung miêu tả thần thánh nữa.

Từ xưa đến nay, quan điểm về văn nghệ của người Trung Quốc cứ chăm chăm vào “văn dĩ tải đạo”, hoàn toàn tương tự với quan điểm văn nghệ trong thời kỳ đen tối của châu  Âu Trung cổ, chỉ dùng tiêu chuẩn thiện hay bất thiện mà đánh giá văn nghệ. Những bản tình ca trong Kinh Thi, Nhân Tình Phủ của Đào Uyên Minh, những bài từ nói về tương tư luyến ái của Tư Mã Quang, Âu Dương Tu,… đều bị người ta tiếc rẻ mà cho rằng đó là vết khuyết trên viên ngọc sáng, hoặc có hảo ý lắm thì cố giải thích là có nội dung gì khác ngầm chứa bên trong. Họ không chấp nhận văn nghệ dùng để diễn đạt tình cảm, cho rằng chức năng duy nhất của chữ viết chỉ là phục vụ cho chính trị và xã hội.

Khi viết tiểu thuyết võ hiệp, tôi chỉ xây dựng và hư cấu một số nhân vật, diễn tả những tao ngộ của họ trong một hoàn cảnh đặc biệt ở Trung Quốc cổ, không có pháp trị, thường xuyên phải dùng võ lực để giải quyết tranh chấp hay những điều bất hợp lý trên đời. Xã hội lúc đó và xã hội bây giờ đã hoàn toàn khác hẳn, nhưng tính cách và tình cảm của con người lại không thay đổi bao nhiêu. Những chuyện hoan hỉ tương phùng, lệ rơi tương biệt của người xưa hoàn toàn có thể khơi nguồn cho tình cảm tương tự trong tâm linh của độc giả hiện đại. Quí vị độc giả có thể dùng quan điểm mỹ học để xét đoán, đánh giá thủ pháp diễn đạt là giỏi hay kém, kỹ xảo diễn đạt có chín mùi hay không, cá tính nhân vật có được khắc sâu hay không, chỉ xin đừng xem đây là tác phẩm nghệ thuật cấp thấp. Dù sao đi nữa, tôi cũng không cố ý viết để tải một loại đạo gì đặc biệt.

Tôi viết tiểu thuyết võ hiệp, cũng viết cả bình luận chính trị, triết học, lịch sử và tôn giáo, nhưng những thể loại này khác hẳn tiểu thuyết võ hiệp. Quí vị độc giả đọc các loại sách này dĩ nhiên có thể bình luận đúng sai, phán đoán chân giả. Độc giả có thể đồng ý, đồng ý phần nào, mà cũng có thể hoàn toàn phản đối.

Về tiểu thuyết thì tôi mong độc giả chỉ đánh giá là thích hay không thích, là có phần cảm động hay hoàn toàn chán ngán. Điều làm tôi vui mừng nhất, là độc giả yêu thích hoặc căm ghét nhân vật nào đó trong tiểu thuyết của tôi. Nếu được như thế, có nghĩa rằng nhân vật trong tiểu thuyết đã có chỗ đứng trong lòng độc giả. Mong muốn lớn nhất của tác giả tiểu thuyết chính là xây dựng được vài nhân vật sống động, trở thành con người có máu có thịt trong lòng người đọc.

Nghệ thuật là sáng tạo.  Âm nhạc sáng tạo ra những giai điệu đẹp, hội họa sáng tạo ra những hình ảnh đẹp, tiểu thuyết sáng tạo ra nhân vật và thế giới nội tâm của con người. Giả tỉ chỉ cần phản ánh thế giới khách quan y như thực, thì đã có máy ghi âm, máy chụp hình, chẳng cần âm nhạc hay hội họa nữa làm gì. Đã có báo chí, có sách sử, có phóng sự truyền hình, có thống kê điều tra xã hội, có bệnh án của bác sĩ, có hồ sơ nhân sự trong đảng bộ và cục cảnh sát, hà tất phải có thêm tiểu thuyết.

Tuy tiểu thuyết võ hiệp chỉ là những tác phẩm thông tục, phục vụ đại chúng, mạnh về giải trí, nhưng đối với đa số người thích đọc sách thì cũng có phần nào ảnh hưởng. Chủ ý mà tôi muốn truyền đạt là yêu mến và tôn trọng đất nước dân tộc của mình lẫn của người; sống hòa bình hữu nghị giúp đỡ lẫn nhau; coi trọng chính nghĩa; phản đối những tính toán ích mình hại người; ca tụng tín nghĩa, tình bằng hữu, tình yêu trong trắng và chân thật. Hãy ngợi khen những con người hành động vì chính nghĩa, không đếm xỉa đến bản thân mình. Hãy khinh miệt chuyện tranh quyền đoạt lợi, những hành vi và tư tưởng ích kỷ bỉ ổi. Khi đọc tiểu thuyết võ hiệp, mong rằng quí vị độc giả không chỉ nằm mộng ban ngày đến những thành công vĩ đại, mà có thể nghĩ rằng mình là một người tốt, mình cố làm việc tốt, nghĩ rằng mình phải yêu đất nước, yêu xã hội của mình, giúp đỡ người khác cùng đạt được hạnh phúc.

Tiểu thuyết võ hiệp không phải là loại tác phẩm hiện thực. Không ít nhà phê bình cho rằng trong văn học chỉ có chủ nghĩa hiện thực là đáng kính, ngoài ra toàn là rác rưởi. Nói vậy thì cũng như nói võ công của phái Thiếu Lâm là tối cao vô thượng, còn những phái như Võ Đang, Không Động, Thái Cực Quyền, Bát Quái Chưởng, Không Thủ Đạo, Nhu Đạo, Quyền Anh… đều nên phế bỏ hết. Chúng ta tôn trọng Thiếu Lâm là thái sơn bắc đẩu trong võ học, nhưng những môn phái nhỏ hơn cũng đồng thời tồn tại. Có thể võ công những phải đó không cao hơn Thiếu Lâm, nhưng mọi người đều có quyền suy nghĩ và sáng tạo theo cách của riêng mình. Người thích ăn món Quảng Đông. không thể ra chủ trương cấm tiệt những món Bắc Kinh, Tứ Xuyên, Sơn Động, Hàng Châu. Người thích củ cải, người thích rau xanh, nhân tâm tùy sở thích. Không nên nâng tiểu thuyết võ hiệp lên cao quá đáng, mà cũng không nên một nét sổ toẹt nó. Bất luận thứ gì cũng nên vừa phải, như vậy mới tốt.

Tác phẩm tập của tôi gồm ba mươi sáu quyển được viết từ năm 1955 đến 1972, tức là mười ba mười bốn năm, bao gồm mười hai bộ tiểu thuyết trường thiên, hai bộ tiểu thuyết trung thiên và một bộ tiểu thuyết đoản thiên, một bài bình truyện về lịch sử nhân vật, lại thêm mấy bài khảo cứu về lịch sử. Quá trình xuất bản cũng rất đáng ngạc nhiên. Ở Hồng Kông, Đài Loan, nước ngoài, ngay cả Trung Quốc đều xuất bản trước những ấn phẩm sao chép, sau đó mới xuất bản những bản chính do tôi hiệu đính và ủy quyền. Ở Trung Quốc, trước khi Tam Liên xuất bản thì chỉ có một nhà xuất bản ở Thiên Tân là Văn Nghệ Bách Hoa được tôi ủy quyền xuất bản Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Nhà xuất bản này sửa lỗi, in ấn cẩn thận, và chi trả tiền bản quyền theo hợp đồng đầy đủ. Tôi đã nộp thuế thu nhập theo luật định, số còn lại thì quyên góp cho mấy cơ quan văn hóa và ủng hộ cho hoạt động cờ vây, đây quả là một kinh nghiệm rất vui. Ngoài ra mọi lần xuất bản khác đều hoàn toàn chưa được tôi ủy quyền. Mãi sau này tôi mới chính thức ủy quyền cho nhà xuất bản Tam Liên Thư Cục ở Bắc Kinh, hợp đồng đến cuối năm 2001. Sau này chuyển qua một nhà xuất bản khác ở Trung Quốc, chủ yếu vì khu vực gần nhau nên dễ dàng thông cảm và hợp tác với nhau trong công việc.

Nói về những bản in không chính thức, thì việc không đóng bản quyền cũng chưa phải là quan trọng. Rất nhiều bản in cẩu thả sai sót rất nhiều, lại còn có người mượn tên Kim Dung để viết tiểu thuyết võ hiệp đem xuất bản. Nếu viết hay thì tôi cũng không dám nhận vơ tiếng tốt về mình, nói gì những cuốn chỉ diễn tả đấm đá vô vị, tình dục nặng mùi, tôi không sao vui được. Cũng có một số nhà xuất bản in ấn lại tác phẩm của các tác giả khác tại Hồng Kông và Đài Loan, mà dùng bút hiệu của tôi. Tôi nhận được thư của vô số độc giả, đại đa số đều tỏ ý không hài lòng.

Cũng có người chưa được tôi nhờ cậy đã tự ý viết phê bình. Ngoài ba vị tiên sinh Phùng Kỳ Dung, Nghiêm Gia Viêm, Trần Mặc kiến thức thâm hậu, lại cố gắng hết sức khiến tôi phải bái phục, còn những bài bình luận khác thì phần nhiều trái với nguyên ý của tác giả. May mà bây giờ đã dừng xuất bản, nên những cuộc tranh chấp đó đã tạm thời kết thúc.

Có một số bản in không chính thức còn nói rằng tôi cùng với Cổ Long, Nghề Khuông đã ra vế đối Băng tỉ băng thủy băng để thách tìm về đối thứ hai, đây quả là một chuyện đùa giỡn quá đáng. Câu đối trong Hán ngữ cũng có qui luật nhất định, chữ cuối cùng của câu thách đối thường là vẫn trắc, để câu đối lại sẽ kết thúc ở vần bằng; thế mà chữ “băng” lại có thanh bằng. Chúng tôi chưa bao giờ ra vế đối này để yêu cầu đối lại. Có rất nhiều độc giả Trung Quốc đã gởi vế đối cho tôi, thật là mọi người phải một phen uổng phí thời gian và tâm lực.

Để cho độc giả dễ dàng phân biệt, tôi đã lấy chữ đầu tiên của mười bốn bộ tiểu thuyết trường thiên và trung thiên của tôi ghép lại thành một câu đối: Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc, Tiếu Thư Thần Hiệp Y Bích Uyên. (Tiểu thuyết đoản thiên Việt Nữ Kiếm không liệt kê trong đó, nhưng sư phụ của tôi về vi kỳ là Trần Tổ Đức tiên sinh lại tuyên bố thích nhất là Việt Nữ Kiếm.) Khi tôi viết bộ tiểu thuyết đầu tiên, thật sự là không biết có viết được bộ thứ hai hay không. Khi viết bộ thứ hai, cũng hoàn toàn không nghĩ đến bộ thứ ba sẽ dùng đề tài gì, càng không biết sẽ đặt tên sách là gì, vì thế câu đối này không thể gọi là chỉnh được. Phi Tuyết không thể đối với Tiếu Thư, Liên Thiên không thể đối với Thân Hiệp, BạchBích lại cùng thanh trắc. Nếu ra một vế đối để tìm cách đối lại, dùng chữ tự do, chắc chắn có thể lựa chọn cho có ý nghĩa và hợp luật hơn.

Không ít độc giả đã viết thư cho tôi, hỏi một câu giống nhau: “Trong những bộ tiểu thuyết của ông viết, ông cho rằng bộ nào hay nhất và thích bộ nào nhất”. Câu này tôi không trả lời được. Khi viết những bộ tiểu thuyết này, tôi chỉ có một nguyện vọng là không lặp lại những nhân vật, tình tiết, tình cảm, thậm chí là những chi tiết mình đã từng viết. Vì khả năng có giới hạn mà nguyện vọng này chưa đạt được, nhưng tôi vẫn luôn luôn nỗ lực theo hướng đó. Đại thể là trong mười lăm bộ tiểu thuyết này mỗi bộ đều khác nhau, đều chứa đựng tình cảm và tư tưởng của tôi trong lúc viết, chủ yếu là tình cảm. Nhân vật chính diện trong bộ nào tôi cũng thích, cũng vì chuyện tao ngộ của họ mà vui vẻ hay buồn bã, có lúc cũng cảm thấy bi thương vô hạn. Nói về kỹ xảo viết lách thì sau này có tiến bộ hơn, nhưng kỹ xảo không phải là điều quan trọng nhất. Điều mà tôi coi trọng nhất, vẫn là cá tính và tình cảm.

Những bộ tiểu thuyết này đã được dựng thành phim nhựa hay phim truyền hình ở Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc và Singapore. Có bộ được dựng thành ba bốn phim khác nhau, ngoài ra lại còn kịch nói, kinh kịch, kịch Quảng Đông, nhạc kịch. Vì thế mà lại có một vấn đề nữa xuất hiện. Nhiều người muốn hỏi bộ phim điện ảnh hoặc truyền hình nào được cải biên thành công nhất, diễn viên chính nào phù hợp nhất với những nhân vật trong nguyên tác của tôi.

Thật ra thì hình thức biểu hiện của điện ảnh và truyền hình hoàn toàn khác với tiểu thuyết, rất khó so sánh. Phim truyền hình thì có thời lượng dài còn dễ phát huy, phim ảnh thì bị hạn chế rất lớn. Hơn nữa, khi đọc tiểu thuyết thì có xảy ra quá trình hình tượng hóa nhân vật của độc giả. Nhiều người đọc cùng một bộ tiểu thuyết, nhưng vai nam hay nữ chính xuất hiện trong đầu mỗi người chưa chắc đã giống nhau. Đó là vì ngoài việc đọc những chữ viết trong sách, độc giả còn hòa trộn thêm kinh nghiệm, cá tính, tình cảm yêu ghét của mình vào nhân vật. Điện ảnh và truyền hình lại cố định hình tượng nhân vật, khán giả không được tự do tưởng tượng. Vì thế tôi không thể nói bộ nào là tốt nhất, chỉ có thể nói những bộ tệ nhất là những bộ sửa chữa nguyên tác đến mức cha mẹ nhìn không ra, miệt thị tác giả và độc giả đến mức trắng trợn.

Tiểu thuyết võ hiệp đã kế thừa truyền thống lâu dài của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Trong những bộ tiểu thuyết võ hiệp sớm nhất của Trung Quốc, phải kể đến Cầu Nhiệm Hiệp Khách, Hồng Tuyến Nhiếp Anh Nương, Côn Luân Nô, sau đó là Thủy Hử, Tam Hiệp Ngũ Nghĩa, Nhi Nữ Anh Hùng Truyện. Những bộ tiểu thuyết võ hiệp viết tương đối cẩn thận hiện nay đều coi trọng quan điểm luân lý truyền thống của Trung Quốc, như tôn trọng chính nghĩa khí tiết, xả mình cứu người, giúp đỡ kẻ yếu, tự hào dân tộc. Độc giả cũng không nên tập trung nghiên cứu về võ công diễn tả trong tiểu thuyết. Có những điều thực tế không thể thực hiện, nhưng truyền thống tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc vẫn là truyền thống tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc. Nhiếp Ảnh Nương biết co rút thân thể để chui vào trong bụng người khác, rồi từ trong miệng nhảy ra, chắc chắn không ai tin đó là chuyện thật. Nhưng truyện về Nhiếp Anh Nương mấy ngàn năm nay vẫn được người ta yêu thích.

Trong những tiểu thuyết thời kỳ đầu của tôi, quan niệm chính thống về vương triều người Hán hết sức rõ ràng. Về sau này thì quan niệm coi các dân tộc của Trung Quốc là bình đẳng mới trở thành cơ bản, chính vì quan niệm lịch sử của tôi đã có phần tiến bộ. Điều này rõ nhất là trong Thiên Long Bát Bộ, Bạch Mã Khiếu Tây PhongLộc Đỉnh Ký. “Phụ thân” của Vi Tiểu Bảo đủ cả Hán Mãn Mông Hồi Tạng. Mà cả trong tiểu thuyết đầu tay Thư Kiếm Ân Cừu Lục, nhân vật chính Trần Gia Lạc về sau cũng có hiểu biết và cảm tình tốt hơn với người Hồi tộc.

Chủng tộc nào, tôn giáo nào, ngành nghề nào cũng có người tốt người xấu. Có hoàng đế xấu thì cũng có hoàng đế tốt, có cẩu quan thì cũng có những thanh quan biết yêu bá tánh. Trong sách thì người Hán, người Mãn, người Khất Đan, người Mông Cổ, người Tây Tạng đều có tốt có xấu. Ngay cả các hòa thượng, đạo sĩ, lạt ma, thư sinh, võ sĩ, hào kiệt võ lâm cũng có cá tính và phẩm chất khác nhau. Có một số độc giả thích chia người thành hai loại, tốt xấu phân ra minh bạch, rồi lại từ cá thể mà qui nạp đến nguyên cả quần thế, chuyện đó hoàn toàn không phải là bản ý của tác giả.

Muốn xem xét những sự kiện và nhân vật trong lịch sử, phải đặt vào trong đúng hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Giữa các triều Tống-Liêu, Nguyên-Minh, Minh-Thanh, giữa các dân tộc Hán–Liêu-Mông–Mãn đã có đấu tranh kịch liệt. Nhiều người cầm quyền còn lợi dụng tôn giáo để làm công cụ chính trị. Tiểu thuyết chỉ muốn diễn đạt quan niệm và tâm lý của con người lúc đó, không thể đem so sánh với quan niệm của hậu thế hay thời hiện đại.

Tôi viết tiểu thuyết, chủ ý chỉ là khắc sâu diễn tả cá tỉnh, diễn tả lại những nỗi vui buồn của con người. Tiểu thuyết của tôi không mạt sát điều gì cả, nếu có trách cứ gì, thì đó chỉ là những mặt ám muội đê tiện trong nhân tính mà thôi. Quan điểm chính trị cùng lý luận xã hội thì lúc nào cũng có thể thay đổi, nhưng nhân tính thì thay đổi rất ít.

Trong Phụ Nữ Lưỡng Địa Thư của Lưu Tái Phục tiên sinh và ái nữ của ông là Lưu Kiếm Mai cùng viết, Kiếm Mai tiểu thư đã nhắc đến một lần nói chuyện của mình với Lý Đà tiên sinh. Lý tiên sinh nói: “Viết tiểu thuyết cũng như chơi đàn dương cầm vậy, hoàn toàn không có con đường tắt, dứt khoát phải trèo lên từng cấp, phải khổ luyện tích lũy từng ngày một, học không đủ thì không hành được.” Tôi rất đồng ý với quan điểm này. Mỗi ngày tôi đọc sách tối thiểu cũng bốn năm giờ, chưa từng gián đoạn. Sau khi thôi làm việc ở tòa báo, tôi đã cố gắng theo các đại học trong ngoài nước. Mấy năm nay, về học vấn tri thức tuy có tiến bộ, nhưng về tài khí lại không tiến bộ chút nào, nên mặc dù đã tu chỉnh mấy bộ tiểu thuyết này đến ba lần, nhưng rất nhiều người xem xong vẫn phải thở dài. Cũng giống như một nhạc công dương cầm, cho dù mỗi ngày luyện đến hai mươi giờ chăng nữa, nếu thiên phận không đầy đủ thì đừng nói là mơ trở thành thiên tài như Chopin hay Liszt, mà thấp hơn mấy bậc cũng mãi mãi không vươn tới nổi.

Đây là lần thứ ba tôi sửa chữa, đã sửa được nhiều chữ sai, chữ lệch và những chữ dùng lầm, bổ sung mấy chỗ sơ sót, đa số là do được quí vị độc giả chỉ cho. Có những đoạn sửa lại và viết dài thêm, đó là kết quả tôi thu nhận từ các nhà phê bình và các cuộc nghiên cứu hội thảo. Đương nhiên vẫn còn rất nhiều khuyết điểm chưa sửa chữa được vì khả năng của tác giả có giới hạn, đó là chuyện lực bất tòng tâm. Rất mong quí vị độc giả viết thư bảo cho tôi biết những chỗ còn sai sót trong truyện. Tôi coi mỗi độc giả là một người bạn của mình, lúc nào cũng hoan nghênh các bạn quan tâm và chỉ giáo.

Hồng Kông, tháng 4-2002

comments

THƯ KIẾM ÂN CỪU LỤC