Hồi 6: Dập dềnh biển tối mênh mang
Ân Tố Tố nhìn thi thể Bạch Quy Thọ, Thường Kim Bằng, Nguyên Quảng Ba, Mạch Kình, Quá Tam Quyền ngổn ngang trên mặt đất, người nào động thủ với Tạ Tốn cũng không thoát chết, giờ nghe Tạ Tốn khiêu chiến với Trương Thúy Sơn, biết chàng võ công tuy cao, song hoàn toàn không phải là đối thủ của lão, bèn nói:
– Tạ tiền bối, thanh đao Đồ Long đã ở trong tay tiền bối, tất thảy mọi người đều thán phục tiền bối võ công cao cường, vậy tiền bối còn muốn gì nữa?
Tạ Tốn nói:
– Về thanh đao Đồ Long này, có mấy câu tương truyền lâu nay, cô nương có biết không?
Ân Tố Tố đáp:
– Vãn bối có nghe qua.
Tạ Tốn nói:
– Tương truyền đó là vật chí tôn của võ lâm, người nào có được nó, ra lệnh thế nào, thiên hạ đều phải tuân theo. Rốt cuộc thanh đao này có bí mật gì mà khiến quần hùng khắp thiên hạ phải tuân phục?
Ân Tố Tố nói:
– Tạ tiền bối việc gì cũng biết, vãn bối chính đang muốn thỉnh giáo.
Tạ Tốn nói:
– Ta cũng không biết. Ta muốn tìm một chốn thanh vắng để suy nghĩ kỹ về chuyện đó.
Ân Tố Tố nói:
– Vậy thì hay quá. Tạ tiền bối tài trí hơn người, Tạ tiền bối mà nghĩ không ra thì còn ai hiểu nổi.
Tạ Tốn nói:
– Hì hì, Tạ mỗ chưa đến nỗi cuồng vọng tự đại đâu! Nói về võ công, hiện nay trong thiên hạ người giỏi hơn ta thực chẳng phải ít. Chưởng môn phái Thiếu Lâm Không Văn đại sư này…
Nói tới đây lão dừng lại, vẻ mặt thoáng nét u ám.
– Hai vị đại sư Không Trí, Không Tính ở Thiếu Lâm tự, đạo trưởng Trương Tam Phong phái Võ Đang, rồi còn các vị chưởng môn phái Nga Mi, phái Côn Luân, vị nào chẳng có tuyệt học trong người? Phái Thanh Hải ở vùng biên cương phía Tây, võ công cũng có chỗ bí hiểm, độc đáo. Tả hữu Quang Minh sứ giả của Minh giáo… hì hì, chẳng phải loại thường. Rồi Bạch Mi Ưng Vương Ân giáo chủ của Thiên Ưng giáo cô nương, cũng là bậc kỳ tài hiếm có trên đời, ta chắc gì thắng nổi họ.
Ân Tố Tố đứng lên nói:
– Đa tạ Tạ tiền bối có lời khen ngợi.
Tạ Tốn nói:
– Ta lấy được thanh đao Đồ Long, dĩ nhiên không ít người ngoài sẽ thèm muốn. Hôm nay trên Vương Bàn sơn đảo này không một ai địch nổi ta, chẳng qua là do Ân giáo chủ tính lầm. Y tưởng rằng hai gã Bạch đàn chủ, Thường đàn chủ thừa sức đối phó với phái Hải Sa, bang Cự Kình, đâu ngờ giữa chừng Tạ mỗ lại xuất hiện…
Ân Tố Tố nói xen vào:
– Hoàn toàn không phải Ân giáo chủ tính lầm, chẳng qua Ân giáo chủ có việc hệ trọng, chẳng thể phân thân.
Tạ Tốn nói:
– Cứ cho là thế, nếu Ân giáo chủ ở đây, một là ta tự nghĩ võ công đôi bên kẻ tám lạng người nửa cân; hai là nghĩ đến giao tình cố nhân, rõ ràng chẳng nỡ tranh đoạt. Nếu thế, Tạ mỗ đâu tới đây làm gì?!! Ân giáo chủ xưa nay tự phụ tính toán không sai bao giờ, hôm nay thanh đao Đồ Long rơi vào tay ta, danh tiếng của giáo chủ khó tránh bị tổn hại.
Ân Tố Tố nghe Tạ Tốn nhắc có “giao tình cố nhân” với Ân giáo chủ, nàng liền cảm thấy đỡ lo, thế là tiếp tục tranh biện với Tạ Tốn, để lão quên đi cái việc đòi tỷ thí với Trương Thúy Sơn. Nàng nói:
– Việc người khó biết, ý trời khó đoán, vật bên ngoài không phải hễ muốn là được. Cho nên mới có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Tạ tiền bối phúc trạch thâm hậu, dễ dàng lấy được thanh đao Đồ Long, người khác dốc hết tâm cơ bày thiên phương bách kế vẫn chẳng đoạt được.
Tạ Tốn nói:
– Thanh đao này từ khi ra đời, không biết đã bao lần đổi chủ, cũng chẳng rõ nó đã gây cho chủ nhân của nó bao nhiêu cái họa sát thân. Hôm nay ta giành được nó, không chừng ngày mai lại có cao thủ giỏi hơn tới giết ta, đoạt mất đao này.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau, cảm thấy câu nói của lão đầy thâm ý. Trương Thúy Sơn nhớ đến tam sư ca Du Đại Nham chỉ vì liên quan đến thanh đao này mà hiện giờ chưa rõ sống chết ra sao, còn chàng chỉ mới nhìn thấy nó mà tính mạng đã do người ngoài định đoạt.
Tạ Tốn thở dài, nói:
– Hai ngươi văn võ song toàn, diện mạo tuấn nhã, giết đi chẳng khác gì đập nát một đôi ngọc khí quý giá, kể cũng đáng tiếc, nhưng tình thế này không thể không giết.
Ân Tố Tố sợ hãi, hỏi:
– Vì sao?
Tạ Tốn nói:
– Ta đoạt đao mang đi, nếu trên đảo để cho một người sống sót, ắt chỉ vài hôm sau cả thiên hạ đều sẽ biết thanh đao Đồ Long đang ở trong tay họ Tạ, người này đi tìm, kẻ kia đến kiếm Tạ mỗ. Tạ mỗ lại chưa phải là vô địch thiên hạ, lấy gì bảo đảm không có sơ sảy? Chẳng nói đâu xa, ngay Bạch Mi Ưng Vương, Tạ mỗ chắc gì đã thắng nổi, huống hồ Thiên Ưng giáo của y người đông thế mạnh, Tạ mỗ lại có một mình.
Nói đoạn lão lắc đầu, tiếp:
– Ân Thiên Chính cả nội công lẫn ngoại công đều cương mãnh vô song, Tạ mỗ hết sức thán phục… Nhớ ngày nào… Ôi…
Đoạn lại thở dài, lắc đầu.
Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: “Thì ra giáo chủ Thiên Ưng giáo tên là Bạch Mi Ưng Vương Ân Thiên Chính”. Chàng lạnh lùng nói:
– Thì ra Tạ tiền bối muốn giết người diệt khẩu.
Tạ Tốn nói:
– Không sai.
Trương Thúy Sơn nói:
– Đã vậy thì Tạ tiền bối cần gì phải kể tội mấy vị phái Hải Sa, bang Cự Kình, Thần Quyền môn?
Tạ Tốn cười ha hả, nói:
– Cái đó gọi là để chúng chết mà không oán hận, lúc chết vẫn phải bái phục ta.
Trương Thúy Sơn nói:
– Tạ tiền bối có lòng từ bi gớm.
Tạ Tốn nói:
– Người ta có ai không chết? Chết sớm chết muộn vài năm nào khác gì nhau? Trương ngũ hiệp và Ân cô nương đang tuổi xuân phơi phới, hôm nay bỏ mạng trên Vương Bàn sơn đảo, kể cũng tiếc thật. Nhưng một trăm năm nữa nhìn lại thì cũng có khác gì những kẻ kia đâu. Thời xưa giả dụ Tần Cối không hại chết Nhạc Phi, chả lẽ Nhạc Phi còn sống đến thời nay chăng? Người ta lúc chết chỉ cần tâm an lý đắc, không thống khổ vạn phần là được rồi. Những người học võ chúng ta muốn chết thư thái chẳng phải chuyện dễ. Bởi vậy ta muốn tỷ thí công phu với hai ngươi, ai thua sẽ chết, không gì công bằng hơn thế nữa. Hai ngươi còn trẻ, ta nhường lợi thế cho các ngươi. Binh khí, quyền cước, nội công, ám khí, khinh công, thủy công, tùy các ngươi chọn, ta sẵn sàng hầu tiếp.
Ân Tố Tố nói:
– Tạ tiền bối tự phụ quá đấy, tỷ thí công phu gì cũng được, đúng không?
Nàng nghe Tạ Tốn nói, biết hôm nay không còn cách gì tránh khỏi tai ương. Vương Bàn sơn đảo trơ trọi giữa biển, Thiên Ưng giáo lại ỷ đã có Bạch, Thường hai đại đàn chủ tại chỗ, chẳng thể sai sót, nên không phái cường viện tới đây. Nàng tuy nói cứng, nhưng giọng nghe đã hơi run.
Tạ Tốn ngẩn ra, nghĩ bụng lỡ nàng đòi ta thi may vá thêu thùa, chải đầu thoa phấn thì không ổn, bèn cao giọng nói:
– Dĩ nhiên chỉ tỷ thí trong phạm vi võ công, chả lẽ thi cả chuyện xơi cơm nốc rượu? Mà dù có thi xơi cơm nốc rượu, ngươi cũng chẳng thắng nổi cái hũ rượu túi cơm như ta đâu. Chúng ta chỉ tỷ thí một lần để quyết định thắng bại, các ngươi thua thì phải tự sát tức thời. Ôi, một đôi người ngọc tuấn nhã thế kia, ta quả thật không nỡ xuống tay hạ thủ.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nghe lão nói “một đôi người ngọc” thì cùng đỏ mặt.
Ân Tố Tố nhướn mày nói:
– Thế Tạ tiền bối thua cũng phải tự sát chứ?
Tạ Tốn cười:
– Ta thua sao được?
Ân Tố Tố nói:
– Tỷ thí ắt có kẻ thắng người thua. Vị Trương ngũ hiệp đây là danh gia đệ tử, không chừng có môn công phu thắng được Tạ tiền bối cũng nên.
Tạ Tốn cười, nói:
– Chàng ta mới ngần kia tuổi đầu, dù chiêu số cao mấy đi chăng nữa thì nội công cũng không thâm hậu.
Trương Thúy Sơn nghe hai người tranh biện, đang tính thầm: “Công phu gì mình có thể đấu ngang ngửa với lão ta nhỉ? Khinh công ư? Pho chưởng pháp mới học được ư?” Bỗng nhiên linh cơ nhất động, chàng nói:
– Tạ tiền bối, tiền bối đã buộc vãn bối động thủ, vãn bối đành bộc lộ sự kém cỏi vậy. Nếu vãn bối thua, sẽ rút kiếm tự sát liền; song nếu may mắn thủ hòa thì sao?
Tạ Tốn lắc đầu nói:
– Không có chuyện hòa, môn thứ nhất đấu hòa thì đấu môn thứ hai, khi nào phân rõ thắng bại mới thôi.
Trương Thúy Sơn nói:
– Được, nếu vãn bối thắng một chiêu nửa thức, vãn bối cũng không đòi hỏi tiền bối thế này thế nọ, chỉ xin tiền bối đáp ứng một điều thôi.
Tạ Tốn nói:
– Nhất ngôn vi định. Thế ngươi định tỷ thí môn gì?
Ân Tố Tố lo lắng, hỏi nhỏ:
– Chàng tính thi môn gì với lão ta? Có chắc thắng không?
Trương Thúy Sơn đáp nhỏ:
– Không dám chắc, cứ cố hết sức thôi.
Ân Tố Tố nói nhỏ:
– Nếu thấy không ổn, hai chúng mình tùy cơ đào tẩu, không lẽ bó tay chịu chết?
Trương Thúy Sơn gượng cười, nghĩ thầm: “Thuyền đã bị đánh đắm hết, trên hòn đảo nhỏ này còn biết đào tẩu đường nào?” Chàng sửa lại y phục, rút từ thắt lưng ra cây phán quan bút đúc bằng thép. Tạ Tốn nói:
– Trên giang hồ vẫn nghe danh Ngân Câu Thiết Hoạch Trương Thúy Sơn, hôm nay cây lang nha bổng hai đầu của ta được dịp lĩnh giáo tài ba của ngươi. Còn hổ đầu câu bằng bạc đâu, sao không đem ra nốt?
Trương Thúy Sơn nói:
– Vãn bối không đấu binh khí với Tạ tiền bối, chỉ thi viết vài chữ thôi.
Đoạn chàng thong thả tới bên vách đá thuộc ngọn núi bên trái, hít một hơi thật dài, hai chân nhún mạnh một cái, tung mình lên. Khinh công của phái Võ Đang đứng đầu các môn phái, vào thời điểm quyết định sống chết này nào dám sơ ý? Chàng tung mình lên cao hơn trượng, sử dụng tuyệt kỹ “Thê vân túng”, chân phải đạp vào vách đá một cái, mượn sức đẩy mình lên cao hơn hai trượng nữa, cây phán quan bút nhắm chuẩn vách đá, “xoẹt xoẹt” mấy tiếng, đã viết xong chữ “võ”. Viết xong một chữ, thân hình chàng sắp rơi xuống.
Tay trái chàng rút phắt cái ngân câu, móc ngay vào một kẽ nứt trên vách đá, treo giữ trọng lượng thân hình chàng, tay phải viết tiếp chữ “lâm”. Hai chữ này, mỗi nét mỗi vạch đều do Trương Tam Phong khổ công suy xét đêm nọ mà sáng tạo ra, bao hàm đủ âm dương cương nhu, tinh thần khí thế, có thể nói là một kiệt tác võ công của phái Võ Đang. Tuy Trương Thúy Sơn công lực còn non, nét chữ hằn vào đá chưa sâu, nhưng hai chữ ấy như rồng bay phượng múa, bút lực hùng kiện, tựa hồ được khắc nên bởi khoái kiếm trường kích vậy.
Xong hai chữ kia, chàng viết tiếp chữ “chí” và “tôn”, càng viết càng nhanh, chỉ thấy vụn đá rơi xuống rào rào, lúc như linh xà uốn khúc, lúc như mãnh thú chuyển mình, trong giây lát đã viết xong hai mươi bốn chữ. Việc viết chữ hằn sâu vào vách đá này thật đúng như mấy vần thơ Lý Bạch miêu tả “Tiêu phong sậu vũ kinh táp táp, Lạc hoa phi tuyết hà mang mang. Khởi lai hướng bích bất đình thủ, Nhất hàng sổ tự đại như đẩu. Hoảng hoảng như văn quỷ thần kinh, Thời thời chỉ kiến long xà tẩu. Tả bàn hữu túc như kinh lôi, Trạng đồng Sở Hán tương công chiến”[30].
Trương Thúy Sơn viết xong nét cuối cùng của chữ “phong”, ngân câu và thiết bút cùng đẩy một cái vào vách núi, xoay mình nhẹ nhàng khéo léo đáp xuống đúng ngay bên cạnh Ân Tố Tố.
Tạ Tốn lặng lẽ nhìn ba hàng chữ lớn trên vách đá hồi lâu, cuối cùng thở dài, nói:
– Ta chịu không viết nổi, ta thua rồi.
Nên biết hai mươi bốn chữ này, từ “Võ lâm chí tôn” đến “thùy dữ tranh phong”, là một pho bút ý do Trương Tam Phong sáng chế ra sau bao trăn trở suy tư; mỗi nét ngang, nét dọc, mỗi dấu chấm, dấu phẩy đều dung hợp thứ võ công tinh diệu nhất. Giả sử chính Trương Tam Phong tới đây, nhưng trước đó chưa qua một đêm khổ công suy tư thì cũng không có cái tâm cảnh thế này. Mà dù có được ngưng thần suy nghĩ hồi lâu, mới viết lên vách đá hai mươi bốn chữ kia, cũng quyết không đạt tới cảnh giới xuất thần nhập hóa như thế được. Tạ Tốn đâu biết căn nguyên bên trong, cứ tưởng Trương Thúy Sơn thấy cảnh tranh chấp thanh đao Đồ Long mà viết liền mấy câu tương truyền đó. Thực ra, ngoài hai mươi bốn chữ này, nếu bảo Trương Thúy Sơn viết các chữ khác, thì cảnh giới cao thấp, bút lực mạnh yếu sẽ lộ ra khác hẳn.
Ân Tố Tố vỗ tay cả mừng, nói:
– Tạ tiền bối thua rồi, không được nuốt lời đấy nhé.
Tạ Tốn nói với Trương Thúy Sơn:
– Trương ngũ hiệp lồng võ công vào thư pháp, mở con đường mới, khiến người ta sáng mắt, bội phục, bội phục! Trương ngũ hiệp có gì phân phó, xin cứ nói.
Bị buộc phải giữ lời cam kết, Tạ Tốn thật cảm thấy thất vọng lắm.
Trương Thúy Sơn nói:
– Vãn bối mạt học hậu tiến, may có chút kỹ năng nhỏ mọn nên được Tạ tiền bối khen ngợi, đâu dám nhận hai chữ “phân phó”? Chỉ đánh bạo cầu xin Tạ tiền bối chấp thuận cho một việc.
Tạ Tốn hỏi:
– Việc gì?
Trương Thúy Sơn nói:
– Tạ tiền bối cứ việc mang đao Đồ Long đi, nhưng hãy tha mạng cho mọi người trên đảo, chỉ yêu cầu họ thề độc, không được tiết lộ việc này.
Tạ Tốn nói:
– Ta đâu ngu tới mức tin vào lời thề của kẻ khác.
Ân Tố Tố nói:
– Hóa ra tiền bối nói không giữ lời; đã nói nếu thua sẽ nghe theo lời sai bảo của người khác, bây giờ lại nuốt lời là sao?
Tạ Tốn nói:
– Ta muốn nuốt lời thì nuốt lời đấy, ngươi làm gì được ta nào?
Rồi nghĩ lại, thấy mình ăn nói như thế quá ngang ngược, nên nói:
– Tính mạng của hai ngươi, ta tha cho; những kẻ khác thì không được.
Trương Thúy Sơn nói:
– Hai vị kiếm sĩ phái Côn Luân là danh môn đệ tử, bình sinh chưa làm điều ác…
Tạ Tốn ngắt lời chàng:
– Ác hay thiện gì đối với ta cũng vậy cả. Hai ngươi mau xé vạt áo lấy vải mà đút nút lỗ tai, rồi dùng hai tay bịt thêm bên ngoài cho kín. Muốn sống thì chớ có sơ hở.
Câu cuối cùng lão nói rất khẽ, hình như sợ người bên cạnh nghe thấy.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau, chưa hiểu Tạ Tốn có dụng ý gì, nhưng nhìn thái độ trịnh trọng của lão, ắt bên trong có duyên cớ gì đây, thế là vội xé vạt áo, lấy vải đút nút lỗ tai, rồi dùng hai tay bịt thêm bên ngoài nữa.
Đột nhiên Tạ Tốn há to mồm, hình như cất tiếng hú thật dài, hai người không nghe thấy, nhưng không hẹn mà thân hình cùng chấn động. Chỉ thấy tất cả mọi người Thiên Ưng giáo, phái Hải Sa, bang Cự Kình, Thần Quyền môn ai cũng há mồm líu lưỡi, mặt lộ đầy vẻ kinh hãi, tiếp đó biến thành vẻ đau đớn ghê gớm chịu khôn xiết, tựa hồ đang bị cực hình tra tấn, lát sau thì lần lượt ngã xuống, lăn lộn trên mặt đất.
Hai kiếm sĩ phái Côn Luân kinh hãi, vội ngồi xếp bằng, nhắm mắt, vận nội công chống đỡ tiếng hú. Trán họ mồ hôi to như hạt đậu chảy ròng ròng, các cơ mặt giật giật liên hồi, họ mấy phen đưa hai tay lên định bịt tai, nhưng không hiểu sao còn cách tai vài tấc đều lại buông thõng xuống. Bỗng chốc Cao, Tưởng hai người vọt lên cao hơn một trượng, rồi rơi phịch xuống đất, nằm bất động.
Tạ Tốn ngậm miệng ngừng hú, ra hiệu cho Trương, Ân hai người gỡ nút lỗ tai ra, nói:
– Bọn kia nghe tiếng hú của ta đã ngất lịm cả rồi, tính mạng có thể được bảo toàn, nhưng khi tỉnh dậy, thần kinh rối loạn hóa thành người mất trí, không nhớ và không thể kể lại chuyện đã chứng kiến ở đây được. Trương ngũ hiệp, điều phân phó của ngươi, ta đã thực hiện, hết thảy đám người kia, ta đều tha chết cho cả rồi đó.
Trương Thúy Sơn buồn rầu nghĩ thầm: “Lão tha chết cho họ, nhưng những người kia sống có khác gì chết, thà họ bị giết còn đỡ thảm khốc hơn”. Đối với hành vi tàn ác của Tạ Tốn, chàng thực vô cùng căm hận. Song nhìn Cao, Tưởng hai người đang nằm hôn mê kia, mặt mày vàng ệnh, chả khác gì xác chết, nghĩ thầm Tạ Tốn chỉ hú không thôi đã có thần uy kinh khủng như thế thì quả đáng sợ; nếu mình không nút lỗ tai, không hiểu tình cảnh giờ đây ra sao rồi.
Tạ Tốn thản nhiên, lạnh lùng nói:
– Chúng ta đi thôi!
Trương Thúy Sơn nói:
– Đi đâu kia?
Tạ Tốn nói:
– Về. Việc ở Vương Bàn sơn đảo xong rồi, còn ở lại đây làm chi?
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau, cùng nghĩ thầm: “Còn phải đi chung thuyền với tên ma đầu này một ngày một đêm nữa, trong mười hai canh giờ ấy không biết sẽ còn gặp biến cố gì đây?”
Tạ Tốn dẫn hai người đến sau một hòn núi phía tây đảo, thấy trong vịnh đậu một chiếc thuyền có ba cột buồm, là chiếc thuyền mà Tạ Tốn đã đi tới đây. Lão đến bên thuyền, cúi người nói:
– Mời hai vị lên thuyền.
Ân Tố Tố cười khẩy, nói:
– Lúc này Tạ tiền bối khách khí quá.
Tạ Tốn nói:
– Hai vị lên thuyền của ta, là khách quý của ta, sao lại không dùng lễ tiếp đãi chu đáo kia chứ?
Sau khi ba người lên thuyền, Tạ Tốn đưa tay làm hiệu lệnh cho các thủy thủ nhổ neo đưa thuyền ra.
Trên thuyền có tới mười sáu mười bảy thủy thủ, nhưng gã tiêu công cầm lái mỗi khi ra lệnh gì, chỉ giơ tay giơ chân, không nói một tiếng, tựa hồ tất cả bọn họ đều cấm khẩu. Ân Tố Tố nói:
– Tạ tiền bối tài thật, tìm được toàn những thủy thủ vừa câm vừa điếc.
Tạ Tốn cười nhạt, nói:
– Việc ấy có gì là khó? Ta chỉ cần tìm các thủy thủ mù chữ, rồi chọc thủng màng nhĩ và cho họ uống thuốc câm là xong.
Trương Thúy Sơn cảm thấy sởn gai ốc. Ân Tố Tố vỗ tay cười:
– Hay quá là hay! Đã câm điếc, lại mù chữ, Tạ tiền bối có bí mật gì, bọn họ cũng chẳng thể tiết lộ. Tiếc rằng họ còn phải lái thuyền, nếu không thì chọc cho mù luôn thể.
Trương Thúy Sơn lườm nàng một cái, trách:
– Ân Tố Tố, nàng là một cô nương non trẻ, sao nỡ tàn nhẫn như thế? Đây là một đại thảm sự trên thế gian, có gì đáng cười đâu?
Ân Tố Tố lè lưỡi, toan biện bạch, nhưng nhìn lại sắc diện của chàng, vội im lặng. Tạ Tốn thản nhiên nói:
– Lúc nào về tới đất liền, ta sẽ chọc mù mắt họ.
Trương Thúy Sơn nhìn mấy thủy thủ trên thuyền, thương thầm cho họ: “Chỉ một ngày đêm nữa thôi, các người ngay đôi mắt cũng không còn nốt”.
Buồm được kéo lên, thuyền từ từ quay mũi, Trương Thúy Sơn nói:
– Tạ tiền bối, còn những người trên đảo thì sao? Tiền bối đánh chìm hết thuyền của họ, họ biết về bằng gì?
Tạ Tốn nói:
– Trương tướng công, ngươi kể cũng tốt bụng, hỏi không sai, nhưng cũng đừng đa sự như đám đàn bà làm gì. Cứ mặc họ tự sinh tự diệt trên đảo, muốn ra sao thì ra, chẳng hay hơn sao?
Trương Thúy Sơn biết không thể nói lý lẽ với lão, đành im lặng nhìn con thuyền rời đảo xa dần, nghĩ thầm: “Những kẻ trên đảo tuy phần đông là bọn tác ác đa đoan, nhưng gặp cảnh ngộ bi thảm này, nếu không có ai đến cứu, nội nhật mươi ngày cũng chết hết thôi”. Lại nghĩ: “Hai đệ tử của phái Côn Luân bỏ mạng trên đảo, sư trưởng của họ tất phải tìm kiếm, xem ra võ lâm Trung nguyên chẳng mấy chốc sẽ nổi cơn sóng gió”.
Mấy năm qua Võ Đang thất hiệp tung hoành giang hồ, mọi việc đều chiếm thượng phong, thế mà hôm nay đành thúc thủ, tính mạng nằm trong tay kẻ khác, không cách gì phản kháng. Trương Thúy Sơn vừa buồn chán, vừa tức giận, chỉ cúi đầu ngẫm nghĩ, chẳng thèm để ý đến Tạ Tốn và Ân Tố Tố.
Lát sau, chàng quay đầu nhìn qua song cửa ngắm cảnh biển, thấy mặt trời sắp chìm vào các đợt sóng, ánh chiều tà chiếu trên mặt biển thành ngàn vạn con rắn vàng lấp lóa bất định; chàng đang xuất thần, chợt ngạc nhiên: “Sao tịch dương lại lặn ở phía đuôi thuyền?” bèn ngoảnh lại nói với Tạ Tốn:
– Tài công lái thuyền lạc hướng rồi, thuyền lại đi về hướng đông.
Tạ Tốn nói:
– Thì hướng đông, không sai.
Ân Tố Tố sợ hãi nói:
– Phía đông là biển cả mênh mông, mình đi đâu bây giờ vậy? Sao tiền bối không lệnh cho tài công đổi hướng?
Tạ Tốn nói:
– Ta chẳng đã nói với các ngươi rồi sao? Ta lấy được thanh đao Đồ Long, cần tìm một nơi yên tĩnh thanh vắng để suy nghĩ xem vì sao thanh đao này lại là “võ lâm chí tôn, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng”. Trung nguyên là vùng đất lắm chuyện, lỡ có người biết bảo đao trong tay ta, nay kẻ này đến cướp, mai kẻ khác tới trộm, cứ phải lo đánh đuổi họ cũng đủ nhiêu khê phiền toái, làm sao tĩnh tâm được? Nếu người tìm đến lại là cao thủ như Trương Tam Phong tiên sinh, giáo chủ Thiên Ưng giáo, Tạ mỗ chắc gì đã thắng nổi họ? Bởi vậy phải ra ngoài đại dương bao la, tìm một hoang đảo không dấu chân người để ở.
Ân Tố Tố nói:
– Vậy hãy cho chúng vãn bối về trước đi.
Tạ Tốn cười:
– Các ngươi về Trung nguyên thì lộ hết hành tung của ta ư?
Trương Thúy Sơn giận dữ đứng phắt lên, hỏi:
– Vậy tiền bối định sao đây?
Tạ Tốn nói:
– Đành phiền hai vị cùng ta sống cuộc đời tiêu dao khoái lạc trên hoang đảo vậy.
Trương Thúy Sơn nói:
– Lỡ mười năm, tám năm tiền bối vẫn chưa nghĩ ra bí mật của thanh đao Đồ Long thì sao?
Tạ Tốn nói:
– Thì hai vị ở trên hoang đảo với ta mười năm, tám năm; nếu cả đời ta chưa nghĩ ra, thì hai vị theo ta cả đời. Hai vị trai tài gái sắc, tình đầu ý hợp, trên hoang đảo kết thành phu thê, sinh nhi dục nữ, há chẳng hay lắm sao?
Trương Thúy Sơn cả giận, đập bàn quát:
– Lão chớ nói bậy!
Chàng liếc nhìn Ân Tố Tố, thấy nàng thẹn thùng cúi đầu, hai má đỏ bừng.
Chàng thầm hoảng sợ, có linh cảm rằng nếu ở lâu bên cạnh Ân Tố Tố, chỉ e chàng khó tự kiềm chế. Tạ Tốn là một cường địch, cái tâm viên ý mã trong lòng chàng còn là loại cường địch ghê gớm hơn, như thế bốn bề đầy rẫy nguy cơ, phải nhanh chóng thoát ra sớm chừng nào hay chừng ấy. Nghĩ vậy, chàng nén lửa giận, nói:
– Tạ tiền bối, tại hạ là người nói sao làm vậy, quyết không tiết lộ hành tung của tiền bối. Ngay bây giờ tại hạ có thể lập trọng thệ sẽ không tiết lộ những điều tai nghe mắt thấy hôm nay với bất cứ ai.
Tạ Tốn nói:
– Trương ngũ hiệp là hiệp nghĩa danh gia, một lời nặng ngàn vàng, nói như đao chém đá, chốn giang hồ sớm đã lan truyền như thế. Nhưng Tạ mỗ từ năm hai mươi tám tuổi đã lập trọng thệ, ngươi hãy coi ngón tay của ta đây.
Nói đoạn chìa tay phải ra, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố thấy ngón út đã bị chặt đứt, chỉ còn bốn ngón.
Tạ Tốn thong thả nói:
– Năm đó, người mà ta bình sinh sùng kính nhất, yêu quý nhất đã làm nhục ta, hại ta nhà tan cửa nát, phụ mẫu thê nhi của ta chỉ trong một đêm chết không còn một ai. Bởi vậy, ta chặt ngón tay lập thệ, Tạ mỗ còn sống ngày nào thì quyết không tin bất cứ ai cả. Năm nay ta bốn mươi mốt tuổi, mười ba năm nay ta chỉ làm bạn với cầm thú, ta tin tưởng cầm thú chứ không tin con người. Mười ba năm qua ta giết cầm thú ít hơn là giết người.
Trương Thúy Sơn rùng mình, nghĩ thầm, thảo nào lão có võ công tuyệt thế mà chốn giang hồ không hề nghe nhắc đến tên tuổi, biến cố mà lão gặp năm hai mươi tám tuổi hẳn phải vô cùng thảm khốc nên lão mới phẫn thế kỵ tục, lánh mình ẩn cư, căm hận hết thảy mọi người trong thiên hạ. Chàng rất thống hận hành vi tàn ác bạo ngược của Tạ Tốn, nhưng lúc này nghe lão nói thế, chàng bất giác cảm thấy đôi chút đồng tình, trầm ngâm giây lát, rồi nói:
– Tạ tiền bối, mối thâm cừu đại hận ấy, tưởng tiền bối đã báo phục rồi chứ?
Tạ Tốn nói:
– Chưa. Kẻ hại ta võ công cực cao. Ta chưa thắng được hắn.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố không hẹn mà cùng ồ lên một tiếng, nói:
– Còn lợi hại hơn tiền bối kia à? Người đó là ai vậy?
Tạ Tốn nói:
– Tại sao ta phải nói tên hắn ra cho mình thêm nhục? Nếu không phải vì mối thâm cừu đại hận ấy, ta hà tất phải đi cướp thanh đao Đồ Long? Hà tất phải khổ công tìm hiểu bí mật của thanh đao? Trương ngũ hiệp, ta vừa gặp ngươi đã thấy hợp tính, nếu không cứ như tính nết của ta thì ta đã chẳng để ngươi được sống đến phút này. Ta để cho hai ngươi sống thêm một thời gian nữa đã là phá lệ rồi, chỉ e sẽ có chuyện không hay.
Ân Tố Tố nói:
– Sống thêm một thời gian nữa là sao?
Tạ Tốn thản nhiên nói:
– Là chờ đến khi ta nghĩ ra bí mật của thanh đao Đồ Long, lúc rời hoang đảo ta sẽ giết hai ngươi. Ta nghĩ ra chậm ngày nào, hai ngươi được sống thêm ngày đó.
Ân Tố Tố nói:
– Ồ, thanh đao này nặng nề, chỉ được cái sắc bén, lửa nung không chảy, chứ có gì bí mật đâu? Câu “hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng” chẳng qua chỉ có nghĩa nó là thứ binh khí có thể làm bá chủ thiên hạ thôi.
Tạ Tốn nói:
– Nếu đúng là vậy, ba chúng ta sẽ ở hoang đảo một thời gian dài lắm đó.
Bỗng nhiên thần sắc của lão trở nên sầu thảm, tuyệt vọng, cảm thấy nếu Ân Tố Tố nói đúng thì suốt cuộc đời lão sẽ không thể báo cừu.
Trương Thúy Sơn nhìn thần sắc của lão, nhịn không nổi định nói vài lời an ủi. Nào ngờ Tạ Tốn hừ một tiếng, thổi tắt ngọn nến, nói:
– Ngủ thôi!
Đoạn thở dài một tiếng não nuột, một tiếng thở dài chứa đựng nỗi thống khổ vô cùng, nỗi tuyệt vọng vô tận, tưởng như không phải tiếng người, mà là tiếng rên của con thú bị thương sắp chết. Tiếng đó lẫn vào tiếng sóng biển bên ngoài con thuyền, Trương Ân hai người nghe thấy không khỏi rùng mình.
Từ cửa khoang thuyền, gió biển thổi vào từng cơn, Ân Tố Tố y phục mỏng manh, một lát sau rét không chịu nổi, bắt đầu run. Trương Thúy Sơn hỏi nhỏ:
– Cô nương lạnh hả?
Ân Tố Tố nói:
– Còn chịu được.
Trương Thúy Sơn cởi trường bào, nói:
– Cô nương khoác lên người đi.
Ân Tố Tố vô cùng cảm kích, nói:
– Không cần đâu, chàng cũng lạnh mà.
Trương Thúy Sơn nói:
– Ta không sợ lạnh.
Rồi cứ giúi trường bào vào tay nàng. Ân Tố Tố cầm lấy khoác lên vai, cảm thấy hơi ấm của Trương Thúy Sơn thật êm dịu, bất giác mỉm cười sung sướng trong bóng tối.
Trương Thúy Sơn chỉ nghĩ kế thoát thân, suy đi tính lại chỉ có một cách: “Không giết Tạ Tốn, không thể nào thoát”.
Chàng dỏng tai nghe, giữa tiếng ầm ào của sóng biển, chỉ nghe tiếng thở ngưng trọng của Tạ Tốn, rõ ràng lão đã ngủ say. Chàng nghĩ thầm: “Người này lập trọng thệ suốt đời quyết không tin ai, nay đi chung thuyền với ta, lão lại yên tâm nằm ngủ, không sợ ta hạ độc thủ hay sao? Dẫu thế nào ta cũng phải mạo hiểm tấn công. Nếu trì hoãn, cả đời ta sẽ phải theo lão sống nơi hoang đảo”. Chàng nhẹ nhàng xích lại bên Ân Tố Tố, định kề tai nói nhỏ với nàng vài câu, nào ngờ lúc ấy Ân Tố Tố quay mặt lại, đôi bên chạm nhau, môi của Trương Thúy Sơn đặt ngay lên má nàng.
Trương Thúy Sơn giật mình, định biện bạch là mình không có ý khinh bạc, song chưa biết nói sao. Ân Tố Tố trong lòng vui sướng, ngả luôn đầu vào vai chàng, cảm thấy êm đềm dịu ngọt, những mong con thuyền cứ trôi mãi thế này giữa đại hải mênh mông, trôi cả trăm năm đừng tới bến. Chợt Trương Thúy Sơn lại ghé môi nói nhỏ bên tai nàng:
– Cô nương đừng giận nhé.
Ân Tố Tố thẹn thùng, đỏ bừng mặt như một đóa hồng, cũng thấp giọng nói:
– Chàng thích muội, muội sung sướng vô cùng.
Nàng tuy hành sự tùy hứng, giết người không chớp mắt, nhưng trong ái tình, nào có khác chi mọi thiếu nữ trong thiên hạ biết yêu lần đầu, trong lòng vừa mừng vừa lo, vừa hoảng sợ, nếu không phải trong bóng tối, chắc đến nói cũng chả dám.
Trương Thúy Sơn ngẩn người, không ngờ lời xin lỗi của mình lại khiến đối phương thổ lộ chân tình. Ân Tố Tố kiều diễm tuyệt trần, từ lần gặp đầu tiên, nàng đối với chàng mặn mà đầy tình ý, bảy tiếng nàng vừa thốt ra đã thể hiện tất cả lòng yêu thương. Trương Thúy Sơn đang tuổi thanh xuân khí huyết dồi dào, tuy tự kiềm chế để giữ lễ, song rốt cuộc đâu phải gỗ đá, chỉ cảm thấy thân hình mềm mại của nàng ngả vào bên vai mình, mùi hương nhẹ nhàng ngây ngất xông lên mũi, chàng đang định nói với nàng vài lời tình tứ, bỗng sực nghĩ: “Trương Thúy Sơn, đại địch đang ở trước mặt, sao không lo đến? Lời giáo huấn của ân sư, mi quên sạch rồi ư? Dẫu nàng và mi có tình cảm với nhau, nàng có ơn với Du tam ca, nhưng suy cho cùng nàng xuất thân tà giáo, hành vi bất chính, mi có muốn lấy nàng, cũng phải thưa bẩm với ân sư, được lão nhân gia cho phép lại phải nhờ mai mối, há có thể làm điều xằng bậy trong bóng tối?” Nghĩ đến đây, chàng liền ngồi thẳng người dậy, nói nhỏ:
– Hai đứa mình phải tìm cách chế ngự lão ta, mới có thể thoát thân.
Ân Tố Tố đang mơ mơ màng màng, nghe chàng nói vậy bất giác ngẩn ra, hỏi:
– Gì kia?
Trương Thúy Sơn nói nhỏ:
– Hai ta lâm vào hiểm cảnh, nếu nhân lúc lão ta ngủ say mà tấn công thì không phải là hành vi của đại trượng phu. Ta sẽ gọi lão dậy, đấu chưởng với lão, nàng hãy ném ngân châm đả thương lão. Lấy hai địch một, kể ra không đúng cách con nhà võ, nhưng võ công của hai ta so với lão quá chênh lệch, đành phải dùng cách đó vậy.
Mấy câu này chàng nói thật nhỏ, nghe chỉ như tiếng muỗi vo ve, lại kề môi sát tai Ân Tố Tố mà nói, nào ngờ nàng chưa kịp đáp thì Tạ Tốn ở khoang sau đã cười ha hả, nói:
– Nếu ngươi bất ngờ đánh lén, Tạ mỗ tuy chẳng để cho ngươi làm được gì, song cũng còn chút hi vọng; nay lại muốn quang minh chính đại, bảo toàn môn phong nghĩa hiệp của danh môn chính phái, thì quả thật chỉ chuốc khổ vào thân thôi.
Chữ thôi vừa dứt, thân hình đã vọt tới trước mặt Trương Thúy Sơn, vung chưởng đánh vào ngực chàng.
Trương Thúy Sơn khi đang nghe lão nói, sớm đã ngưng tụ chân khí, ám vận công lực, đợi lúc chưởng của lão vừa đánh ra, liền giơ hữu chưởng sử dụng “Miên chưởng” sư môn tâm truyền chống đỡ. Hai chưởng đụng nhau, chỉ nghe khẽ “bộp” một tiếng, chưởng lực bài sơn đảo hải của đối phương đã ào tới. Trương Thúy Sơn biết công lực của đối phương hơn mình quá xa, nên đã dự tính trước chỉ thủ không công, cầm cự được phút nào hay phút đó. Vì thế khi hai chưởng đụng nhau, chưởng của chàng bị đẩy lùi tám tấc. Tám tấc sai biệt đó khiến chàng phòng ngự càng thêm dễ dàng, bất kể Tạ Tốn vận kình thế nào, nhất thời cũng không phá được chưởng lực phòng ngự của chàng.
Tạ Tốn đẩy ra liên tiếp ba luồng lực đạo, chỉ cảm thấy chưởng lực của đối phương yếu hơn mình rất nhiều, nhưng yếu mà không suy, nhẹ mà không kiệt, chưởng lực của lão càng đẩy ra càng mạnh, song Trương Thúy Sơn vẫn chống đỡ được. Tạ Tốn bèn đưa tay trái ra nhắm đỉnh đầu Trương Thúy Sơn mà đè xuống. Trương Thúy Sơn cánh tay trái hơi co lại, dùng chiêu “Hoành giá kim lương” chống đỡ. Võ công phái Võ Đang vốn lấy sự mềm khít làm sở trường, các phái khác không thể bì kịp, võ công đôi bên tuy chênh lệch rất xa, nhưng Trương Thúy Sơn vận dụng tâm pháp sư truyền, Tạ Tốn nhất thời vẫn chưa làm gì được.
Hai người đấu chưởng một hồi, Trương Thúy Sơn mồ hôi như tắm, người ướt đẫm, sốt ruột nghĩ thầm: “Sao Ân Tố Tố còn chưa xuất thủ? Lão ta đang toàn lực tấn công ta, Ân Tố Tố mà phóng ngân châm vào các huyệt của lão, dù không hạ được lão thì cũng buộc lão phải thu chưởng chống đỡ, chỉ trong một sát-na, lão sẽ lập tức bị trúng thương bởi chưởng lực của ta”.
Điều đó Tạ Tốn sớm đã nghĩ tới, lão cứ ngỡ rằng khi lão dùng song chưởng tấn công, Trương Thúy Sơn lập tức sẽ bị trọng thương, ai ngờ chàng tuy trẻ tuổi nhưng nội công lại phi phàm, chống đỡ đến hết một tuần trà rồi vẫn chưa núng thế. Hai người tỷ thí chưởng lực, đồng thời nghe ngóng động tĩnh từ phía Ân Tố Tố. Trương Thúy Sơn ngưng khí ở ngực, không dám mở miệng gọi nàng. Tạ Tốn thì không đến nỗi đó, nói:
– Tiểu cô nương, ngươi chưa động thủ là khôn, nếu không ta biến chưởng thành quyền, thì ý trung nhân của ngươi sẽ đứt hết gân cốt.
Ân Tố Tố nói:
– Tạ tiền bối, chúng vãn bối bằng lòng đi theo tiền bối, mau thu chưởng lại đi.
Tạ Tốn nói:
– Trương tướng công nghĩ sao?
Trương Thúy Sơn sốt ruột hết mức, trong bụng kêu thầm: “Phóng ngân châm đi, phóng đi! Cơ hội hiếm có này sao không nắm bắt?” Ân Tố Tố vội nói:
– Tạ tiền bối mau thâu chưởng lại, nếu không vãn bối sẽ liều mạng với Tạ tiền bối.
Tạ Tốn kỳ thực cũng sợ Ân Tố Tố bất ngờ dùng ngân châm tập kích lão, khoang thuyền chật hẹp, ngân châm nhỏ xíu, trong bóng tối phóng ra chỉ e vô hình vô thanh, thật chẳng dễ gì đối phó, dù lão có lập tức đánh chết Trương Thúy Sơn, cũng không đạt ý muốn, lão nghĩ thầm: “Con bé kia sợ uy thế của ta, không dám động thủ, chứ không thì trong tình cảnh này, chỉ e cả ba sẽ cùng phải chết”, bèn nói:
– Nếu các ngươi không có ý khác, ta có thể tha mạng cho cả hai.
Ân Tố Tố nói:
– Tiểu nữ không hề có ý gì khác.
Tạ Tốn nói:
– Vậy ngươi hãy lập thệ thay hắn đi.
Ân Tố Tố nghĩ một chút, rồi nói:
– Trương ngũ hiệp, hai ta không phải là địch thủ của Tạ tiền bối, thôi thì mình theo Tạ tiền bối ra hoang đảo ở một vài năm. Với tài trí của mình, việc tìm ra bí mật của thanh đao Đồ Long đối với Tạ tiền bối hoàn toàn không phải là chuyện khó, thôi để muội lập thệ thay chàng vậy!
Trương Thúy Sơn nghĩ thầm: “Thề với chả thốt! Mau phóng ngân châm, mau phóng ngân châm đi!” Khổ nỗi chàng không thể mở miệng, trong đêm tối chẳng có cách gì ra hiệu cho nàng, huống hồ cả hai tay đều đang dính chặt vào tay đối phương, muốn ra hiệu cũng chẳng được.
Ân Tố Tố thấy Trương Thúy Sơn trước sau không lên tiếng, bèn nói:
– Chúng tôi, Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn, quyết ý theo Tạ tiền bối sống trên hoang đảo cho đến khi tìm ra bí mật của thanh đao Đồ Long. Nếu chúng tôi có dị tâm, xin chịu chết dưới đao kiếm.
Tạ Tốn cười nói:
– Chúng ta là con nhà võ, chết dưới đao kiếm thì có gì lạ?
Ân Tố Tố nghiến răng, nói:
– Được, vậy thì tiểu nữ không sống đến hai mươi tuổi!
Tạ Tốn cười ha hả, thu chưởng về.
Trương Thúy Sơn toàn thân thoát lực, ngồi bệt xuống sàn thuyền. Ân Tố Tố vội đánh lửa thắp đèn dầu, thấy mặt chàng vàng như nghệ, hơi thở yếu ớt, thì nàng cuống quýt lo sợ, vội rút khăn tay lau mồ hôi đầm đìa trên mặt chàng.
Tạ Tốn cười nói:
– Đệ tử phái Võ Đang quả nhiên danh bất hư truyền, giỏi lắm!
Trương Thúy Sơn giận Ân Tố Tố bỏ lỡ cơ hội hiếm có không phóng ngân châm đánh địch, nhưng thấy nàng rưng rưng lệ, vẻ mặt đầy lo lắng, quả thật chí tình với chàng thì cảm động thở dài, toan nói vài lời an ủi, bỗng thấy trước mắt tối sầm, trong cơn mê man còn nghe loáng thoáng tiếng kêu của Ân Tố Tố:
– Lão Tạ kia, lão đánh chết Trương ngũ ca rồi, ta quyết liều mạng với lão.
Tạ Tốn chỉ cười ha hả.
Trương Thúy Sơn chỉ cảm thấy toàn thân lạnh giá, mồm mũi đầy nước mặn, chàng vốn đang mê man bị nước lạnh tạt vào người lập tức tỉnh lại. Ý nghĩ đầu tiên lóe lên là: “Chẳng lẽ đắm thuyền?” Chàng không biết bơi, vội quờ quạng đứng dậy. Ván thuyền dưới chân chao mạnh qua bên trái, nước trong thuyền hắt cả ra ngoài, nhưng cuồng phong vẫn rú rít, xung quanh người toàn là nước biển. Chàng chưa hiểu chuyện gì xảy ra, bỗng nghe Tạ Tốn quát to:
– Trương Thúy Sơn, mau ra đuôi thuyền giữ tay lái!
Tiếng quát ấy vang như sấm, trong cảnh gió to sóng cả vẫn toát ra đầy vẻ uy nghiêm. Trương Thúy Sơn không kịp nghĩ ngợi, nhảy ngay về phía đuôi thuyền, chỉ thấy một bóng đen bay qua, một thủy thủ đã bị sóng lớn hất khỏi thuyền xa tới mấy trượng, tiếp đó bị sóng cuốn mất tiêu.
Trương Thúy Sơn chưa tới được đuôi thuyền, lại có một con sóng khác ập tới. Con sóng này chẳng khác gì một bức tường nước khổng lồ, chỉ nghe sầm một tiếng, đã đánh văng mấy tấm ván thuyền bay đi. Lúc này võ công khổ luyện một đời của Trương Thúy Sơn có dịp sử dụng, hai chân chàng xuống tấn trên mặt sàn, như đóng đinh vào ván, không hề lay chuyển, chờ con sóng đi qua, mới sải bước tới đuôi thuyền, giơ tay giữ chặt tay lái.
Chỉ nghe mấy tiếng “phập phập” rất mạnh, Tạ Tốn đã dùng lang nha bổng đánh gãy cột buồm chính và cột buồm đằng mũi. Hai cây cột buồm mang theo hai cánh buồm trắng rơi luôn xuống biển.
Nhưng gió quá lớn, lúc này tuy chỉ còn một cột buồm ở phía đuôi còn no gió, nhưng thuyền vẫn cứ nghiêng ngả qua lại, quay cuồng trồi hụp trên mặt biển. Tạ Tốn cố sức hạ cánh buồm đó xuống, mặc dù võ công đầy mình, nhưng trước cái uy của sóng gió giữa đất trời, lão cũng đành thúc thủ vô sách. Cột buồm bị nghiêng sang trái, tới sát mặt nước, Tạ Tốn lớn tiếng chửi:
– Lão tặc thiên kia, sóng gió chi dữ vậy!
Xem chừng nếu do dự, thuyền sẽ bị lật úp, Tạ Tốn đành vung lang nha bổng đánh gãy nốt cây cột buồm cuối cùng.
Ba cột buồm đều gãy cả, con thuyền giữa sóng to gió lớn biến thành hồn ma vô chủ, chỉ theo gió mà trôi.
Trương Thúy Sơn gọi to:
– Ân Tố Tố, nàng ở đâu?
Chàng gọi mấy tiếng liền, không nghe nàng trả lời, gọi thêm lần cuối, chợt nghe như có tiếng khóc nghẹn ngào. Bỗng có một bàn tay vịn vào gối chàng, một con sóng lớn ào qua đầu chàng, giữa khối nước biển ấy có người ôm chặt ngang lưng chàng.
Khi con sóng đã tràn qua mặt thuyền, người ôm chàng kia đưa tay níu cổ chàng, dịu dàng hỏi:
– Trương ngũ ca, chàng nhớ muội lắm ư?
Trương Thúy Sơn cả mừng, tay hữu giữ chắc tay lái, đưa tay trái ôm chặt lấy Ân Tố Tố, thốt lên:
– Tạ trời tạ đất!
Chàng vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, nghĩ thầm: “Nàng đang ở bên ta đây, nàng không bị rơi xuống biển”. Trong thời điểm bất cứ lúc nào cũng có thể bị cuồng phong cự lãng cuốn xuống đáy biển, sống chết chỉ trong gang tấc, chàng bỗng phát hiện bản thân đang lo cho sự an nguy của Ân Tố Tố còn hơn cho chính mình.
Ân Tố Tố nói:
– Trương ngũ ca, hai ta có gì thì chết chung với nhau.
Trương Thúy Sơn nói:
– Đúng! Hai ta có gì thì chết chung với nhau.
Nếu ở cảnh ngộ thông thường, hai người chính tà khác biệt, phải suy tính rất nhiều, dù có tình luyến ái đằm thắm, cũng chẳng thể chỉ trong giây lát đã hai lòng như một. Còn lúc này hai người ôm chặt lấy nhau, xung quanh họ tối như mực, thân thuyền cứ kêu răng rắc không ngừng, bất cứ lúc nào cũng có thể vỡ nát thì trong lòng họ lại cảm thấy êm ái ngọt ngào lạ lùng. Sau một phen đấu chưởng với Tạ Tốn, Trương Thúy Sơn bị kiệt sức, nhưng giờ được khích lệ bởi ái tình của Ân Tố Tố, tinh thần chàng lập tức phấn chấn, dẫu bốn bề sóng to gió cả, trước sau chàng vẫn giữ vững tay lái không chút ngả nghiêng.
Tất cả số thủy thủ câm điếc đều đã bị cuốn xuống biển, trận cuồng phong bạo vũ này ập đến không một điềm báo trước. Thì ra dưới đáy biển đột nhiên có địa chấn, cộng với sự kích động của hải lưu, khí lưu mà gây nên giông bão, nếu Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn không phải là những người có võ công cao siêu, hẳn đã chẳng thể trụ nổi. Cũng may con thuyền này kiên cố, tuy nóc khoang, ván thuyền bị đánh vỡ xơ xác, nhưng thân thuyền vẫn nguyên vẹn.
Trên đầu mây đen đầy trời, mưa xuống như trút, bốn bề sóng cao như núi, chẳng thể phân biệt đông tây nam bắc. Mà dù có biết phương hướng thì cột buồm đã gãy cả, họ cũng chẳng cách gì lái thuyền đi được.
Tạ Tốn đi tới đuôi thuyền, nói:
– Trương huynh đệ, rất may có ngươi, thôi để ta cầm lái, hai ngươi vào trong khoang mà nghỉ.
Trương Thúy Sơn đứng dậy, trao lại tay lái cho Tạ Tốn, nắm tay Ân Tố Tố định bước đi, thì một con sóng lớn bay tới, hất văng hai người ra khỏi thuyền. Con sóng này ập tới quá đột ngột, hai người hoàn toàn không kịp phòng bị.
Trương Thúy Sơn vừa cảm thấy kinh hoàng thì thân hình đã bị hất tung lên không, lúc rơi xuống thì dưới chân đã là các lớp sóng giồi, tay trái vội chộp lấy cổ tay Ân Tố Tố, trong đầu chỉ có một ý nghĩ duy nhất: “Ta sẽ cùng nàng chết giữa biển cả, quyết không rời nhau”. Tay trái chàng vừa nắm được cổ tay Ân Tố Tố thì đột nhiên có một sợi dây chão quấn vào cánh tay phải, chỉ cảm thấy thân hình được kéo bay ngược lại, vượt qua ngọn sóng, trở lên thuyền. Hoá ra Tạ Tốn kịp thời phát giác, đã tung ngay sợi dây cột buồm ở dưới chân ra cuốn lấy hai người trở lại thuyền. “Bịch, bịch” hai tiếng, hai người đã nằm trên sàn thuyền. Một phen chết đi sống lại, quả thật không ai ngờ, Tạ Tốn cũng kêu lên:
– May quá!
Ví thử dưới chân không có sẵn sợi dây chão cột buồm, dù có tài ba gấp mười lần cũng chẳng cứu nổi.
Trương Thúy Sơn dìu Ân Tố Tố vào trong khoang, con thuyền lúc thì trồi lên cao như lao lên đỉnh núi, lúc lại hẫng hụt như rơi xuống vực sâu, nhưng hai người vừa trải qua giây phút nguy nan, lúc này chẳng còn chú ý tới hiện trạng nữa. Ân Tố Tố ngả người vào lòng Trương Thúy Sơn, kề môi bên tai chàng dịu dàng nói:
– Trương ngũ ca, nếu hai ta không chết, muội muốn được vĩnh viễn sống bên chàng.
Trương Thúy Sơn ngây ngất nói:
– Ta cũng đang định nói với nàng một câu: khắp thế gian này, chân trời góc biển, hai ta mãi mãi bên nhau.
Ân Tố Tố vui mừng vô hạn, nhắc lại:
– Khắp thế gian này, chân trời góc biển, hai ta mãi mãi bên nhau.
Hai người má tựa vai kề, thầm cảm tạ trận giông tố đáng sợ này.
Tạ Tốn thì trong bụng không ngớt kêu than, dù võ công cao cường đến mấy, trước cuồng phong hải lãng, cũng đành thúc thủ, đành phó mặc cho trời, sóng gió muốn đẩy tới đâu thì tùy.
Giông tố kéo dài hơn ba canh giờ mới giảm dần. Mây đen trên trời dần dần tan hết, trời sáng ánh sao đêm.
Trương Thúy Sơn đi tới đuôi thuyền, nói:
– Đa tạ tiền bối đã cứu mạng hai tiểu nhân.
Tạ Tốn lạnh lùng nói:
– Câu đó e rằng còn quá sớm. Tính mạng ba chúng ta, tám chín phần mười đang ở trong tay tặc lão thiên.
Trong đời Trương Thúy Sơn, chưa bao giờ nghe ai thêm chữ “tặc”[31] vào chữ “lão thiên”[32], thầm nghĩ người này hận đời tới mức chẳng còn úy kỵ gì nữa, song nghĩ lại, con thuyền nhỏ bé cô đơn trôi giạt trên biển cả mênh mông ngó bộ không mấy hi vọng. Chàng và Ân Tố Tố vừa mới thổ lộ ái tình với nhau, đang vô cùng lưu luyến thế gian, khác gì mỹ tửu vừa rót vào chén ngọc lại bị kẻ khác đoạt mất, cái cảnh tạo hóa trớ trêu với ba chữ “tặc lão thiên” càng ngẫm kỹ càng thấm thía.
Chàng thở dài, cầm lái thay Tạ Tốn, lão đã hơn nửa ngày vất vả mỏi mệt, liền vào khoang nằm nghỉ.
Ân Tố Tố ngồi bên Trương Thúy Sơn, ngẩng đầu nhìn sao trời, theo cái cán gáo chòm Bắc Đẩu, tìm thấy sao Bắc Cực, nàng thấy con thuyền thuận dòng hải lưu đang trôi về phương bắc, bèn nói:
– Ngũ ca, thuyền cứ trôi mãi lên phương bắc thế này.
Trương Thúy Sơn nói:
– Đúng thế, giá như thuyền trôi sang hướng tây, chúng mình mới có hi vọng về nhà.
Ân Tố Tố thừ người một lát, rồi nói:
– Giả sử thuyền cứ đi mãi về phía đông, không biết sẽ tới đâu.
Trương Thúy Sơn nói:
– Phía đông là biển khơi vô tận, chỉ lênh đênh bảy tám ngày là chúng ta hết nước uống…
Ân Tố Tố mới hưởng phong vị ái tình, như mơ như say, không muốn nghĩ đến cảnh đau thương chết chóc, nói:
– Nghe người ta bảo ngoài biển Đông có núi tiên, ở đó đó các vị tiên trường sinh bất lão, không chừng chúng ta sẽ tới được đảo tiên, gặp các vị tiên mỹ lệ…
Nàng ngẩng nhìn dải Ngân Hà trên trời, nói tiếp:
– Thuyền ta trôi mãi, có khi đến dải Ngân Hà, chúng mình sẽ gặp Ngưu Lang Chức Nữ trên cầu Ô Thước cũng nên.
Trương Thúy Sơn cười nói:
– Mình đem thuyền tặng cho Ngưu Lang, mỗi khi chàng ta muốn gặp Chức Nữ, chỉ việc chèo thuyền qua sông, khỏi phải đợi đến mồng Bảy tháng bảy mới qua cầu gặp được.
Ân Tố Tố nói:
– Mình đem thuyền tặng Ngưu Lang rồi, hai đứa mình muốn gặp nhau, biết lấy gì mà đi?
Trương Thúy Sơn mỉm cười, nói:
– Khắp thế gian này, chân trời góc biển, hai ta mãi mãi bên nhau. Đã ở bên nhau rồi, còn phải bơi thuyền qua Ngân Hà làm chi?
Ân Tố Tố cười sung sướng, mặt tươi như hoa mới nở, nắm lấy tay Trương Thúy Sơn mà vuốt ve.
Hai người tình cảm chứa chan như mật ngọt, tựa hồ có biết bao điều muốn nói, song lại thấy không cần phải thốt thành lời. Hồi lâu, Trương Thúy Sơn cúi xuống thấy Ân Tố Tố mắt rưng rưng lệ, vẻ mặt u buồn, vội hỏi:
– Nàng nghĩ gì vậy?
Ân Tố Tố nói nhỏ:
– Trên thế gian, dưới đáy biển, muội được ở bên chàng, nhưng mai sau chết đi, chàng được lên thiên đường, muội… muội… phải xuống địa ngục.
Trương Thúy Sơn nói:
– Đừng nói bậy nào.
Ân Tố Tố thở dài:
– Muội biết mà, trong đời muội đã làm nhiều việc ác, giết hại không biết bao nhiêu người.
Trương Thúy Sơn kinh hãi, thầm hiểu nàng là kẻ tàn ác, với chàng thực không phải mối lương duyên, nhưng phần thì ái tình đã đậm đà, phần thì trong cảnh thập tử nhất sinh giữa biển cả hãy khoan tính chuyện mai sau; bèn an ủi nàng:
– Từ rày nàng hãy sửa lỗi hướng thiện, tích công đức cho dày. Người đời có câu: “Biết lỗi mà sửa, không gì thiện hơn” đó.
Ân Tố Tố lặng thinh, lát sau nàng bỗng khe khẽ cất giọng ca khúc “Sơn pha dương[33]”: “Chàng với thiếp, thiếp với chàng, hai đàng cùng thương nhớ. Hỡi oan gia, sao kết mối duyên này. Kịp khi thác xuống tuyền đài, Diêm vương ném vào cối giã, lấy cưa cưa đầu, bỏ vào vạc dầu, vạc dầu ối a! Sống mà phạm tội, chết ắt mang gông, ối à mang gông. Ôi chao lửa cháy, cháy sém lông mày, mau quay đầu lại, quay đầu lại mau!”
Bỗng từ trong khoang thuyền vọng ra tiếng nói lớn của Tạ Tốn:
– Khúc ca hay, hay lắm! Ân cô nương, ta thấy cô nương hợp ý ta hơn hẳn cái gã Trương tướng công giả nhân giả nghĩa kia.
Ân Tố Tố nói:
– Tiền bối và tiểu nữ đều là kẻ ác, sau này tất sẽ bị đọa đày.
Trương Thúy Sơn nói nhỏ:
– Nếu sau này nàng bị đọa đày, ta sẽ cùng chịu cảnh đọa đày với nàng.
Ân Tố Tố vừa ngạc nhiên vừa vui sướng, chỉ thốt được hai tiếng “Ngũ ca!”
*
* *
Hôm sau, trời vừa sáng, Tạ Tốn dùng lang nha bổng đánh được một con cá chừng mươi cân. Cây lang nha bổng có móc câu ở đầu, dùng làm dụng cụ đánh cá rất tiện lợi. Ba người bị đói đã hai ngày. Cá sống ăn rất tanh, nhưng vẫn thấy ngon lành. Trên thuyền không có nước ngọt, đành ép thịt của cá lấy nước, tạm uống cho đỡ khát.
Hải lưu vẫn chảy về phía bắc, đẩy con thuyền không ngừng trôi về hướng đó. Ban đêm, sao Bắc Cực cứ lấp lánh ở mũi thuyền, mặt trời mọc phía hữu, lặn bên phía tả, mười ngày liên tục như vậy, con thuyền không hề đổi hướng.
Khí hậu mỗi ngày thêm lạnh, Tạ Tốn và Trương Thúy Sơn nội công thâm hậu, còn chịu được; Ân Tố Tố thì càng ngày càng tiều tụy, Trương Tạ hai người phải cởi áo ngoài cho nàng mặc, cũng chỉ đỡ rét phần nào. Trương Thúy Sơn nhìn nàng gượng vui, cố chống đỡ cái lạnh thì trong lòng chàng rất thương, nếu con thuyền cứ tiếp tục trôi ít hôm nữa về phương bắc, không khéo Ân Tố Tố bị chết cóng mất thôi.
Thật may là trời còn thương, một hôm thuyền đột nhiên trôi vào giữa một đàn hải cẩu. Tạ Tốn dùng lang nha bổng đánh chết mấy con, ba người lột da hải cẩu làm áo khoác lên người rất ấm, thịt hải cẩu ăn cũng được, cả ba vô cùng vui sướng.
Chiều nọ ba người đang ngồi ở đuôi thuyền trò chuyện, Ân Tố Tố cười hỏi:
– Loại cầm thú nào tốt nhất trên thế gian nhỉ?
Cả ba cùng cười, đáp:
– Hải cẩu!
Chợt có mấy tiếng keng coong nghe rất lạ. Ba người ngẩn ngơ. Tạ Tốn tái mặt, kêu lên:
– Băng trôi!
Lão lấy lang nha bổng thọc xuống biển khoắng mấy cái, quả nhiên lang nha bổng đụng phải một số khối đá cứng.
Lúc này, tâm tình cả ba người tức thời trở nên lạnh lẽo như băng giá, hiểu rằng nếu con thuyền tiếp tục ngày đêm trôi lên phương bắc, sẽ càng ngày càng lạnh, bây giờ trên biển chỉ xuất hiện các tảng băng nhỏ, dần dần mặt biển sẽ đầy băng, con thuyền sẽ bị kẹt trong băng, không di động được, cả ba sẽ hết đường sống sót.
Trương Thúy Sơn nói:
– Trong sách Trang Tử, Tiêu dao du có câu: “Tại miền cực bắc có biển tối, gọi là ao trời”. Chúng ta đã đến ao trời rồi chăng?
Tạ Tốn nói:
– Không phải ao trời thì cũng là biển tối, biển chết.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau cười khổ.
Tối và đêm hôm đó ba người cứ nghe tiếng các khối băng va vào nhau keng coong liên tục, không ai ngủ được.
Sáng hôm sau, mặt biển đã đầy các cục băng to bằng cái đấu, va vào thuyền nghe “cùng cục”. Tạ Tốn cười nhăn nhó, nói:
– Ta si tâm vọng tưởng, muốn tìm bí mật ẩn chứa trong thanh đao Đồ Long, ngờ đâu lại đến biển băng, làm người băng, thành băng nhân mai mối cho hai ngươi, thật là danh phó kỳ thực.
Ân Tố Tố đỏ mặt, nắm lấy tay Trương Thúy Sơn.
Tạ Tốn cầm thanh đao Đồ Long lên, hậm hực nói:
– Thôi thì ta cho mi xuống Long cung để mi giết rồng mẹ rồng con gì thì giết!
Lão toan quẳng thanh đao xuống biển, nhưng nghĩ sao đó lại thở dài, ném vào trong khoang thuyền.
Lại trôi về phương bắc bốn ngày nữa, các khối băng nổi trên mặt biển đã to như cái bàn, cái nhà, ba người hiểu rằng tình thế vô phương cứu vãn, chẳng thiết nghĩ đến chuyện sống chết nữa. Hôm đó, nửa đêm đang ngủ, bỗng nghe “sình” một tiếng lớn, con thuyền rung chuyển rất mạnh.
Tạ Tốn kêu to:
– Được lắm, hay lắm đấy! Đụng cha nó vào núi băng rồi!
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhìn nhau cười khổ, ngồi xích lại gần nhau, chỉ thấy nước biển lạnh buốt từ từ dâng lên ngập tới bắp chân, hiển nhiên đáy thuyền đã bị vỡ thủng. Rồi tiếng Tạ Tốn nói to:
– Hãy nhảy lên núi băng đi, sống thêm ngày nào hay ngày đó. Tặc lão thiên muốn ta chết sớm, ta không chịu, xem tặc lão thiên làm gì nổi ta!
Trương Ân hai người vọt ra mũi thuyền, trước mặt sáng lóa lên dưới ánh trăng một tòa núi băng lớn màu xanh tím, trông vừa đẹp lạ lùng, vừa đáng sợ. Tạ Tốn đã đứng trên một tảng băng hình thoi bên sườn núi băng, chìa cây lang nha bổng cho hai người níu lấy. Ân Tố Tố giơ tay kéo mạnh nó một cái, cùng Trương Thúy Sơn nhảy lên núi băng.
Đáy thuyền thủng một lỗ quá lớn, nên chỉ chừng ăn xong một bữa cơm, con thuyền đã chìm nghỉm mất tăm.
Tạ Tốn lấy hai tấm da hải cẩu trải xuống mặt băng, ba người kề vai ngồi xuống. Tòa núi băng này trông như một hòn núi nhỏ trên đất liền, nhìn ra chiều ngang chừng hai chục trượng, chiều dọc chừng tám chín trượng, so với con thuyền thì mặt bằng rộng rãi hơn nhiều. Tạ Tốn ngẩng mặt lên trời, hú một tiếng, nói:
– Ở dưới thuyền mãi buồn quá, thôi ta lên đây càng được giãn gân giãn cốt.
Đoạn lão đứng dậy, đi đi lại lại trên núi băng, ra chiều đắc ý. Mặt băng tuy trơn trượt, nhưng bước đi của lão trầm ổn, cứ như đi trên đất liền bằng phẳng vậy.
Núi băng theo chiều gió và thủy lưu vẫn không ngừng trôi về phương bắc. Tạ Tốn cười, nói:
– Tặc lão thiên tặng chúng ta một con thuyền lớn này, đón chúng ta đi hội kiến Bắc Cực tiên ông đây mà.
Ân Tố Tố hình như chỉ cần có tình lang bên cạnh là thỏa lòng, dù trời có sập nàng cũng chẳng màng. Trong ba người, chỉ một mình Trương Thúy Sơn cau mày, buồn rầu về vận nguy trước mắt.
Núi băng lại trôi về hướng bắc bảy, tám ngày nữa. Ban ngày băng trắng phản chiếu ánh nắng làm cháy rám da người, mắt bị chói sưng tấy lên, thành thử ban ngày họ lấy tấm da hải cẩu trùm đầu mà ngủ, chiều tối mới trở dậy bắt cá, săn hải cẩu. Kể cũng lạ thật, càng đi lên phương bắc, ngày càng dài ra, về sau ban ngày dài đến mười một canh giờ, ban đêm chỉ còn một canh giờ.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố càng lúc càng uể oải, mặt mày tiều tụy, riêng Tạ Tốn thần sắc dần dần khác thường, mắt phóng ra những tia sáng quái dị, thường giậm chân, chỉ tay lên trời mà chửi mắng, những lời lẽ oán độc trong lòng cứ thế xổ ra không còn kiềm chế được nữa.
Một chiều nọ, Trương Thúy Sơn đang che tấm da hải cẩu nằm ngủ bỗng nghe có tiếng Ân Tố Tố kêu to:
– Buông ta ra, buông ta ra!
Trương Thúy Sơn vội bật dậy, dưới ánh sáng lấp lóa của núi băng, thấy Tạ Tốn đang ôm chặt vai Ân Tố Tố, miệng cứ phát ra tiếng gầm gừ như mãnh thú. Mấy hôm nay Trương Thúy Sơn thấy Tạ Tốn thần sắc quái dị đã ngầm đề phòng, nhưng không ngờ lão lại xâm phạm Ân Tố Tố, chàng bất giác vừa ngạc nhiên vừa tức giận, nhảy vụt tới, thét lớn:
– Buông tay ra!
Tạ Tốn lầm lì nói:
– Tên gian tặc kia, mi giết chết thê tử của ta, được, hôm nay ta sẽ bóp chết thê tử của mi, cho mi phải sống cô quạnh một mình trên trần thế!
Đoạn lão dùng tay trái bóp cổ Ân Tố Tố. Ân Tố Tố kêu thất thanh một tiếng “á”.
Trương Thúy Sơn kinh hãi nói:
– Vãn bối không phải là kẻ cừu nhân của tiền bối, vãn bối không hề giết thê tử của tiền bối, tiền bối hãy mau tỉnh lại đi, vãn bối là Trương Thúy Sơn, Trương Thúy Sơn phái Võ Đang ấy mà, không phải là cừu địch của tiền bối đâu.
Tạ Tốn ngẩn ngơ, nói:
– Nữ nhân này là ai? Có phải mụ vợ của mi không?
Trương Thúy Sơn thấy lão nắm cổ Ân Tố Tố, rất lo sợ, vội nói:
– Đó là Ân cô nương, Tạ tiền bối, nàng không phải là thê tử của cừu địch đâu.
Tạ Tốn gầm lên:
– Bất kể nó là ai, thê tử của ta bị người giết hại, mẫu thân ta bị người giết hại rồi, ta phải giết sạch nữ nhân trong thiên hạ!
Đoạn tay trái bóp mạnh, Ân Tố Tố lập tức cảm thấy khó thở, không kêu được tiếng nào.
Trương Thúy Sơn thấy Tạ Tốn đột nhiên phát điên, không thể nói lý lẽ, vội ngưng khí dồn vào hữu chưởng vỗ vào hậu tâm của lão. Tạ Tốn hất tay trái ra sau, đánh lại một chưởng. Trương Thúy Sơn loạng choạng, vì mặt băng trơn trượt nên chàng ngã lăn ra. Tạ Tốn tung chân phải đá vào eo chàng. Trương Thúy Sơn biến chiêu thật lẹ, đẩy tay xuống băng, vọt người lên, dùng ngón tay điểm huyệt ở đầu gối Tạ Tốn. Tạ Tốn đá chân đến nửa đường thì giật ngược về, hữu chưởng đánh xuống đỉnh đầu chàng.
Ân Tố Tố nghiêng người, vung tay trái chém xuống đầu Tạ Tốn. Tạ Tốn chẳng để ý, tiếp tục giáng chưởng xuống đầu Trương Thúy Sơn. Trương Thúy Sơn dùng song chưởng đưa ra tiếp một chưởng của lão, tức thời chàng cảm thấy ngực khó thở, chân khí không vận lên nổi. Cú chém của Ân Tố Tố trúng vào gáy Tạ Tốn, chỉ thấy gáy của lão vừa dai vừa cứng, tay nàng bị dội trở ra, cạnh bàn tay tê dại đau điếng. Tạ Tốn hai mắt đỏ ngầu như tóe lửa, bàn tay hộ pháp của lão lại đưa ra tóm lấy cổ nàng, nàng kêu lên thất thanh.
Ngay lúc ấy, phía trước bỗng sáng bừng, ở phương bắc hiện ra một khung cảnh màu sắc kỳ dị khó tả, vô số màu sắc diễm lệ trong bóng tối lúc nở bùng ra, lúc thu gọn lại, ánh vàng xen lẫn màu tím nhạt, dải màu tím càng lúc càng dài ra, màu tím xen lẫn các tia vàng, lam, lục, hồng. Tạ Tốn sửng sốt kêu “ồ” một tiếng, buông cổ Ân Tố Tố ra. Trương Thúy Sơn cũng cảm thấy áp lực trên tay mình nhẹ hẳn đi.
Tạ Tốn hai tay chắp sau lưng, đi ra mạn bắc của núi băng, đăm đăm ngắm khung cảnh màu sắc kỳ ảo. Thì ra ba người theo hải lưu trôi đi, lúc này đã tới gần Bắc Cực, khung cảnh màu sắc kỳ ảo kia gọi là Bắc Cực quang, người Trung Hoa xưa nay chưa một ai được thấy bao giờ.
Trương Thúy Sơn bước lại đỡ Ân Tố Tố, trống ngực hai người còn đập thình thình.
Tối hôm đó, Tạ Tốn đứng ngắm Bắc Cực quang, không động tĩnh gì nữa. Sáng hôm sau màu sắc nhạt dần, Tạ Tốn cũng đã hồi tỉnh, không hiểu có quên biến chuyện phát điên chiều tối qua hay không mà ngôn ngữ cử chỉ lại rất nho nhã.
Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đều nghĩ thầm: “Phụ mẫu thê tử của Tạ Tốn đều bị sát hại, chẳng trách lão ta quá đau lòng, nhưng không biết cừu nhân của lão là ai?” Chỉ sợ bệnh điên của lão tái phát, hai người không dám nhắc đến chuyện đó.
Cứ thế mấy ngày nữa, núi băng tiếp tục trôi lên phương bắc. Tạ Tốn lại bắt đầu chửi rủa “tặc lão thiên” mỗi lúc một thậm tệ hơn, lắm lúc ánh mắt lão lại tóe ra tia sáng long sòng sọc giống như mãnh thú. Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố tuy không nói ra lời, nhưng đều ngấm ngầm đề phòng, chỉ e lão bất chợt nổi điên.
Một ngày kia, mặt trời đỏ ối cứ dừng lại mãi ở trên mặt biển phía tây, không chịu lặn xuống biển. Tạ Tốn đột nhiên nhảy lên, chỉ vầng dương mà lớn tiếng lăng mạ:
– Cái mặt trời kia mi cũng chọc tức ta, tặc thái dương, quỷ thái dương, ta mà có cây cung cứng, mũi tên dài, thì, hừ, chỉ bắn một phát là xuyên thủng cái mặt mi.
Lão đột ngột chém mạnh tay xuống băng, làm vỡ một tảng lớn, nhặt lên ném về phía mặt trời. Tảng băng văng xa hai chục trượng, rơi tõm xuống biển. Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố thầm kinh hãi, nghĩ bụng: “Cánh tay người này khỏe thật, nếu là mình, chỉ e ném không xa bằng một nửa”.
Tạ Tốn ném hết tảng này tảng khác, tổng cộng sáu, bảy chục tảng mà kình lực không suy giảm. Lão cứ ném tới ném lui, tựa hồ chưa tính đúng khoảng cách bao xa với mặt trời vậy. Rồi lão đá lung tung vào băng, khiến vụn băng bay tứ tung.
Ân Tố Tố can:
– Tạ tiền bối, hãy nghỉ đã, đừng chấp quỷ thái dương làm gì!
Tạ Tốn ngoảnh lại, mắt vằn các tia máu, ngẩn ngơ nhìn nàng. Ân Tố Tố thầm hoảng sợ, gượng nở nụ cười. Tạ Tốn bỗng nhiên hét lên, nhảy tới ôm lấy nàng, nói:
– Ta giết mi! Ta giết mi! Tại sao mi giết mẫu thân ta, giết nhi tử của ta?
Ân Tố Tố tưởng như mình đang bị kẹp trong một cái lồng sắt và cái lồng ấy cứ xiết chặt dần dần.
Trương Thúy Sơn vội gỡ tay Tạ Tốn ra, nhưng cánh tay lão không hề nhúc nhích. Thấy Ân Tố Tố lè lưỡi, nghẹt thở đến nơi, chàng liền vung chưởng giáng vào huyệt Thần Đạo ở hậu tâm lão, nghe “hự” một tiếng. Ai ngờ chưởng này như trúng vào sắt, Tạ Tốn vẫn cứ gầm gừ như dã thú, vòng tay càng xiết chặt thêm. Trương Thúy Sơn nói:
– Lão mà không buông ra, tại hạ sẽ sử dụng binh khí đó.
Thấy lão chẳng lý gì đến mình, chàng bèn rút cây phán quan bút điểm mạnh vào huyệt Tiểu Hải ở khuỷu tay lão. Tạ Tốn dùng tay phải giật lấy cây phán quan bút ném vèo xuống biển.
Ân Tố Tố thấy vòng tay lão lỏng ra, vội chuội xuống mà thoát ra ngoài. Tạ Tốn tả chưởng đánh xéo vào cổ Trương Thúy Sơn, tay hữu thì chộp lấy vai Ân Tố Tố, nghe “roẹt” một tiếng, cái áo da hải cẩu của nàng đã bị năm ngón tay của lão cào rách một đường. Trương Thúy Sơn biết nếu chàng né tránh, Ân Tố Tố hẳn sẽ bị Tạ Tốn chộp được, bèn tức thời sử chiêu “Tự tại phi hoa” trong Miên chưởng để chế ngự chưởng lực của lão, ai dè bàn tay chàng và cạnh bàn tay của lão vừa chạm vào nhau ngay lập tức cảm thấy có một sức hút cực mạnh, không tài gì tách ra được, chàng đành vận nội kình chống đỡ.
Sau khi dùng một chưởng chế ngự Trương Thúy Sơn, Tạ Tốn liền kéo chàng về phía Ân Tố Tố. Ân Tố Tố tung mình nhảy lên, hai chân chưa chạm xuống đất thì Tạ Tốn đá một cái làm bảy tám cục băng bay lên, có cục trúng vào đùi phải của nàng, nàng kêu “ối” và ngã lăn xuống.
Tạ Tốn đột nhiên phát xuất chưởng lực đánh Trương Thúy Sơn văng xa mấy trượng. Lực văng rất mạnh, Trương Thúy Sơn rơi xuống mép núi băng, băng trơn, khiến chân phải của chàng vừa tính đứng lên liền bị trượt, nghe “ùm” một tiếng, chàng đã rơi xuống biển.
comments