Hồi 33 – Tề Vương Nấu Dầu Luột Lịch Sinh
Hồi 33 – Tề Vương Nấu Dầu Luột Lịch Sinh
H
àn Tín kéo binh rời nước Triệu, tiến qua phía Bắc, vượt sông Hoàng Hà, theo đường lớn thẳng đến nước Tề. Dọc đường, các quận, huyện trông thấy đều sợ hãi, bỏ trốn.
Giữa lúc đó, Tề vương vẫn cùng Lịch Sinh uống rượu suốt ngày bàn việc giao hảo giữa Tề, Hán.
Quân thám thính hay tin, tất tưởi chạy về báo. Tề vương giật mình, lập tức đòi Ðiền Hoành đến hỏi:
– Ta đã theo lời Lịch Sinh dâng hàng biểu tại sao Hàn Tín còn kéo quân đến. Như thế này thi ta đã lầm mưu Lịch Sinh rồi.
Ðiền Hoành nói:
– Quân Hàn Tín hơn ba mươi vạn kéo thẳng đến đây. Tôi vừa được tin, toan báo với Ðại vương.
Tề vương nói:
– Rõ ràng là Lịch Sinh định tâm làm cho ta không phòng bị, rồi mật báo Hàn Tín kéo binh đến đánh. Tội ấy đáng giết.
Ðiền Hoành nói:
– Tuy vậy, Ðại vương chớ giết Lịch Sinh vội. Bây giờ phải đào hầm, đắp lũy phòng bị, rồi sao người sang Sở cầu cứu. Ðợi Hàn Tín kéo đến dưới thành coi Lịch Sinh giảng giải với Hàn Tín ra sao đã rồi sẽ liệu.
Ðương bàn luận, quân Hàn Tín đã kéo đến bên thành cách ba mươi dặm hạ trại khí thế rất hăng.
Tề vương tức giận, cho đòi Lịch Sinh vào cung, hỏi:
– Ngày trước Tiên sinh viết thư bảo Hàn Tín rút quân, bây giờ hắn lại kéo quân sang đây, đó là Tiên sinh thông mưu đánh lừa ta, khiến cho ta không phòng bị, rồi kéo quân sang đánh.
Lịch Sinh đáp:
– Tôi sang đây hiện có chiếu của Hán vương, không phải tự ý lén đi. Bây giờ Hàn Tín trái ước như vầy, chẳng lẻ hắn đã hại tôi mà cũng khinh cả Hán vương nữa sao?
Tề vương nói:
– Tiên sinh khuyên ta hàng Hán, mà đại binh của Hàn Tín vẫn còn kéo đến dưới thành, cho dù Tiên sinh không lừa ta, nhưng thực sự không thể không ngờ vực.
Vậy Tiên sinh viết cho Hàn Tín một bức thư nữa. Nếu Hàn Tín rút quân thì lời Tiên sinh là thực, bằng hắn không rút quân thì rõ là Tiên sinh đến đây để lừa gạt, ta dẫu kính trọng Tiên sinh đến đâu cũng không thể dung tha.
Lịch Sinh nói:
– Viết thư sang, e Hàn Tín không chịu nghe. Tôi xin phép cùng đi với sứ giả nước Tề đến đó nói tận mặt, chắc rằng Hàn Tín phải lui binh.
Tề vương cười nhạt, nói:
– Tiên sinh sang đó, nếu Hàn Tín chịu nghe thì Tiên sinh trở về đây thật, nhưng nếu hắn không nghe, lẽ nào Tiên sinh còn dám trở lại. Như thế hóa ra ta đã thả cọp về rừng sao? Ta muốn giữ Tiên sinh ở lại đây làm con tin.
Lịch Sinh nói:
– Ðại vương đã có ý ấy, tôi xin viết thư cho Hàn Tín. Còn việc sống, chết đối với bản thân tôi, lúc này không quan trọng bằng bảo vệ uy tín cho nhà Hán.
Tức thì, Lịch Sinh thảo một bức thư giao cho người thân tín làm sứ giả, dặn đi dặn lại phải cố sức nói với Hàn Tín:
– Dẫu Nguyên soái không coi Lịch Sinh ra gì, nhưng Lịch Sinh vâng mệnh Hán vương đến đây, Nguyên soái cũng nên vì Hán vương mà giữ lấy chữ tín.
Sứ giả tuân lời, đem thư thẳng đến dinh Hàn Tín, thuật lại cặn kẽ những lời dặn của Lịch Sinh.
Hàn Tín mở thư ra xem, trong thư nói:
” Trước dây, Nguyên soái phúc thư hứa sẽ rút về Thành Cao. Vì vậy Tề vương đã thảo hàng biểu dâng cho Chúa thượng. Nay Nguyên soát lại dốc quân đánh Tề tỏ rằng lời nói của Nguyên soái tiền hậu bất nhất, Tề vương nghi tôi là kẻ lừa dối, ai uốn chém đầu cho hả giận. Tôi dẫu chết cũng chẳng sợ gì, song mệnh vua là thể hiện của một nước, xin Nguyên soái nghĩ lại. Sứ giả của Hán bị giết, sau này mệnh lệnh của vua Hán ai còn tin nữa? Chẳng lẽ Nguyên soái đành lòng đem uy tín của Chúa thượng chôn vùi trong bội tín sao?
Tự Cơ xin cuối đầu lạy nguyên soái hai lạy, mong Nguyên Soái thương tình “.
Hàn Tín xem thư xong, dụ dự chưa quyết. Khoái văn Thông hỏi:
– Nguyên soái muốn theo lời Lịch Sinh sao?
Hàn Tín đáp:
– Lịch Sinh vâng mệnh vua, sang dụ Tề. Nay ta đánh Tề tất họ giết Lịch Sinh đi. Như vậy là trái mệnh vua.
Khoái Văn Thông nói:
– Trước kia Chúa thượng sai Nguyên soái đánh Tề, sau sai Lịch Sinh sang dụ Tề mà không có chiếu chỉ cho Nguyên Soái đình binh. Như vậy là lỗi ở Chúa thượng chứ đâu phải ở Nguyên Soái?
Hàn Tín nói:
– Tuy vậy, nếu Tề giết Lịch Sinh tức là chính ta giết hắn. Việc làm này quá tàn nhẫn, ta không nỡ.
Khoái Văn Thông nói:
– Mạng của Lịch Sinh sao bằng công nghiệp lớn lao của Nguyên soái. Tiếc một Lịch Sinh, sự nghiệp cao Nguyên soái sẽ bị mờ, không còn ai để ý đến nữa.
Hàn Tín ngẫm nghĩ rồi nói:
– Thôi! Ta đành vì sự nghiệp của ta mà hy sinh Lịch Sinh đi vậy.
Nói xong, thảo phúc thư giao cho sứ giả đem về, và dặn:
– Trước kia Lịch Ðại phu sang dụ Tề, đáng lẽ phải tâu với Hán vương hạ chiếu bảo ta đình binh mới phải. Lịch Ðại phu đã tự ý sang Tề, ấy là muốn mạo nhận công lao cho mình. Vả lại, Tề vốn khiếp sợ quân ta đóng nơi nước Triệu, cực chẳng đã phải quy hàng, chứ không phải bản ý. Ngày nay Tề hàng, nhưng chẳng bao lâu Tề lại phản chừng ấy độ binh từ đàng xa đến dẹp thật quá mệt nhọc. Chi bằng nhân đây đánh một trận, định cả nước Tề, để trừ mối hại về sau. Dù có hại đến tính mệnh Lịch Ðại phu, nhưng có lợi cho muôn dân sau này khỏi sa vào cảnh tang tóc. Xin Lịch Ðại phu chớ vì thế mà oán ta.
Sứ giả đem lời Hàn Tin thuật lại với Lịch Sinh.
Lich Sinh giận dữ hét lớn:
– Ta bị thằng luồn khố hại mạng rồi.
Tề vương nghe việc đó lòng căm tức Lịch Sinh, nói:
– Ðứa thất phu này, không đủ tín nhiệm mà dám sang đây múa mép, làm hại ta.
Liền gọi tả hữu lấy vạc dầu nấu sôi truyền bắt Lịch Sinh, quăng vào luộc.
Thương thay, Lich Sinh mang cả uất hận chìm trong vạc dầu kinh khủng đó.
Dân chúng trong thành thầm thì tiếng chê trách truyền ra đến tận bên ngoài. Hàn Tín nghe được tức giận tự mình đốc quân vây thành, đánh rất dữ.
Tề vương sợ hãi, gọi Ðiền Hoành vào hỏi:
– Cứu binh ở Bành Thành chưa đến kịp, mà quân Hán công thành rất gấp. Vậy phải làm thế nào?
Ðiền Hoành thưa:
– Cứ như binh lực của địch quân thì chẳng bao lâu cửa thành bị vở. Chẳng lẻ ngồi chịu chết, thà rằng đêm nay mở cửa thành đem hết lực lượng ra liều chết đánh một trận được thua sẽ hay.
Tề vương theo lời, liền sai kiểm điểm binh mã, và khiến người lên mặt thành do thám địch tình.
Trời sẩm tối, quân vào báo:
– Dinh trại quân Hán đèn đuốc sáng choang, quân kỳ rực rỡ, trống canh đâu đó hẳn hòi.
Ðiền Hoành hăng hái nói:
– Ðã quyết đánh thì không sợ hãi rụt rè, xin Ðại vương cứ truyền lệnh.
Tề vương liền đốc quân mở cửa thành kéo ra.
Vừa ra khỏi thành vài dặm, gặp đạo quân của Tào Tham đi tuần:
– Tào Tham một mặt dàn quân nghênh chiến, một mặt sai người về trung quân báo cho Hàn Tín biết.
Chẳng bao lâu, Hàn Tín xua quân đến, vây quân Tề kín mít.
Ðiền Hoành không chống cự nổi, chỉ che chở cho Tề vương, mở huyết lộ chạy trốn.
Vì trời tối quá, không thể phân biệt được hiệu cờ, hàn Tín sợ giết lầm quân mình, không cho đuổi theo. Nhờ đó, Ðiền Hoành mới đem được Tề vương và một toán quân chạy thẳng đến huyện Cao Mật.
Sáng hôm sau, Hàn Tín dẫn quân vào thành phủ dụ dân chúng, ủy lạo quân sĩ rồi bàn kế để đuổi bắt Tề vương.
Khi đến huyện Cao Mật, Tề vương vội vã viết biểu sai người đến ngay Quảng Vũ cầu cứu.
Sứ giả bôn ba đến Quảng Vũ, vào ra mắt Hạng vương thuật lại mọi việc.
Hạng vương xem biểu xong, tức thì đòi Long Thư và Chu Lan vào nói:
– Các ngươi phải lãnh ba vạn tinh binh, thẳng đến xứ Lâm Tri, Cao Cầu, đánh Hán cứu Tề. Nước Tề hiện nay rất nguy ngập, nếu có gì quan trọng xảy ra, phải lập tức sai người phi báo về đây. Ta sẽ đem đại binh tiếp ứng.
Long Thư tâu:
– Xin Ðại vương cứ yên lòng. Tôi đi chuyến này quyết chém được đầu Hàn Tín mới chịu về.
Hạng vương đắc ý, liền cởi tấm áo hồ cừu đang mặc, ban cho Long Thư, và thưởng cho cả hai người hai chung ngự tửu.
Hai tướng tạ ơn, bái biết, kéo quân lên đường.
Cách mấy ngày sau, đại binh của Long Thư đến Cao Mật, đóng trại cách thành ba mươi dặm.
Lúc đó, quân Tề cùng quân Hán chống nhau ; thành Cao Mật đang nằm trong tình trạng hấp hối.
Hàn Tín được tin Long Thư kéo quân đến, liền gọi các tướng vào dinh, nói:
– Long Thư là một danh tướng của Sở, ta phải đánh bằng mưu chứ không thể địch bằng sức.
Các tướng đều chăm chú nghe lệnh. Hàn Tín kề tai mỗi người dặn nhỏ mấy câu, ai nấy tuân theo, lãnh binh kéo đi.
Bên kia Long Thư sau khi đóng trại xong, cũng gọi Chu Lan đến bàn bạc.
Long Thư nói:
– Người ta đồn Hàn Tín là bậc anh hùng, nhưng tôi xét thấy chẳng qua là đứa hư danh. Thuở nhỏ Hàn Tín xin cơm nguội Phiếu mẫu, luồn trôn gã bán thịt giữa chợ, nếu là bậc anh hùng lúc thất thời cũng vẫn giữ phẩm giá không thể bê tha chịu nhục như vậy.
Chu Lan nói:
– Tướng quân xét việc như vây lầm lẩn! Hàn Tín tuy có cái dĩ vãng không tốt nhưng từ khi đầu Hán đến nay, đánh đâu thắng đó, một tay lấy Tam Tần, hạ cả Yên, Triệu. Ðến như Bá vương một kẻ trí dũng có thừa mà còn thua Hàn Tín trận xa chiến thay! Tướng quân phải phòng bị cẩn thận chớ nên khinh địch.
Long Thư nói:
– Hàn Tín lập được những công trận là vì hắn chưa gặp tay địch thủ. Nếu gặp kẻ có trí, có dũng thì Hàn Tín cũng phải thảm bại như nhiều kẻ khác mà thôi!
Nói xong, thảo chiếu thư, sai người đưa đến cho Hàn Tín.
Trong thư viết:
” Ðại tướng nước Sở là Long Thư bảo cho các tướng Hán biết.
Hàn Tín diệt Ngụy, cướp Triệu, nay lại xăm lấn nước Tề tội rất lớn. Nay ta đem binh đến đây quyết bắt cho được Hàn Tín để trị tội. Các ngươi nên xếp giáp quy hàng bằng không thì lau cổ chờ gươm, đừng có mong chống cự “.
Hàn Tín xem thư nổi giận, toan chém sứ giả, các tướng vội can:
– Dẫu Long Thư có vô lễ, Nguyên soái cũng chớ nên chém sứ, làm cho thiên hạ chê cười.
Hàn Tín liền truyền đánh sứ giả ba chục roi, làm nhục, rồi thả về.
Sứ giả về đến dinh Sở, đem hết đầu đuôi thuật với Long Thư.
Long Thư tức tối, muốn ngay đêm ấy kéo quân đánh Hàn Tín. Chu Lan can mãi, Long Thư mới chịu hoãn lại một đêm.
Sáng hôm sau, Long Thư dậy sớm, truyền lệnh quân sĩ nấu cơm. Ăn uống xong, Long Thư phân thành đội ngũ, kéo ra trước trận, thách Hàn Tín giao chiến.
Hàn Tín cỡi ngựa xông ra, theo sau một đoàn kỵ binh hùng hổ.
Long Thư chỉ vào mặt Hàn Tín, mắng:
– Mày là tôi nước Sở, trốn đi đầu Hán, mang danh một đứa phản thần như vậy còn dám đến đậy chịu chết sao?
Hàn Tín cười lớn, nói:
– Mày là đứa vô danh tiểu tốt, làm sao biết được chí anh hùng mà mày dám vô lễ như thế?
Long Thư giận dữ, cầm đao xông vào đánh Hàn Tín. Hàn Tín đưa thương ra đỡ.
Hai bên đánh nhau một hồi, Long Thư càng đánh càng hăng. Hàn Tín giả cách thua, quày ngựa bỏ chạy.
Long Thư cười lớn, vừa giục ngựa đuổi theo, vừa nói:
– Ta biết bản lĩnh đứa hư danh ấy rồi mà!
Chu Lan thấy vậy phi ngựa theo, cản lại nói:
– Xin tướng quân chớ đuổi theo e lầm mưu Hàn Tín.
Long Thư nói:
– Nó đánh không lại ta, bỏ chạy thì còn mưu mô gì nữa.
Chu Lan nói:
– Quân Hán rất đông, tướng mạnh rất nhiều, Hàn Tín chỉ đem theo có một toán quân kỵ e rằng chúng phục quân đâu đây chăng?
Long Thư lòng cũng nghi ngại, liên thu binh về trại.
Hàn Tín thấy Long Thư không đuổi theo liền quay ngựa về dinh, nghĩ ra một kế, chiều hôm ấy cho vài tên quân, đến trước trại Sở, chửi mắng thậm tệ.
Long Thư tức giận kéo quân ra, hét lớn:
– Thằng luồn trôn, hãy đem đầu đến đây chịu chết.
Hàn Tín vỗ ngựa đến, cười lớn, nói:
– Ta nghĩ ngươi từ xa mới đến, còn mỏi mệt, không nỡ xuống tay. Lần này ta quyết không dung mạng.
Long Thư vung đao đâm tới, Hàn Tín rước đánh vài hiệp rồi cũng bỏ chạy.
Long Thư tức giận, đốc quân đuổi theo, và nói:
– Ta quyết đến phá tan dinh trại và lấy đầu ngươi cho ngươi xem.
Quân Long Thư đuổi đến bờ sông Duy Thủy thì Hàn Tín đã lội qua khỏi sông rồi.
Nước sông cạn, bốn bề chỉ thấy bãi cát mênh mông.
Chu Lan lòng nghi hoặc, nói với Long Thư:
– Duy Thủy là con sông lớn, mà nay lại không có nước, chắc là Hàn Tín đã lấp thượng lưu, đợi lúc quân ta sang sông tháo tung nước xuống. Tướng quân nên đề phòng.
Long Thư đang hăng đuổi giặc, nhìn thấy bóng ngựa của Hàn Tín cách bờ sông bên kia chưa bao xa, liền truyền quân lội sang sông và nói:
– Không theo giết Hàn Tín còn đợi đến bao giờ.
Lúc đó, trời đã tối, dòng sông Duy Thủy rất rộng, cát bãi mênh mông. Quân của Long Thư qua đến giữa sông chợt thấy có cắm một ngọn đèn leo lét, Long Thư lấy làm lạ, đến gần xem, thì thấy bên đèn có một cái bảng gỗ viết sáu chữ lớn: “Thắp đèn lồng, giết Long Thư”.
Chu Lan và quân sĩ cũng đồng xúm lại xem.
Long Thư nói:
– Ðây là kế của Hàn Tín muốn cho ta nghi hoặc, không dám đuổi theo đó.
Chu Lan nói:
– Ðang lúc đêm tối, chẳng lẽ họ vừa chạy đến đây lại làm ra tấm bảng này ngay được. Chắc là ám hiệu để quân phục biết chỗ kéo đến đánh. Ta chém phăng cho mất cái đèn này, tất quân địch phải lạc hướng.
Long Thư khen phải, vung đao chém rơi chiếc đèn.
– Chiếc đèn vừa rơi, hai bên bờ sông tiếng quân vang dậy, đồng thời nước sông Duy Thủy ở thượng lưu ầm ầm trút xuống. Quân Sở đang ở giữa dòng, người ngựa đều trôi phăng đi hết.
Long Thư nhờ cởi con ngựa Liên Ý Câu, thấy làn nước lũ, vội vàng quất mấy roi, con ngựa bắn mình thoát được sang bờ sông phía Bắc. Chu Lan lúc đó đã đề phòng nên thoát khỏi, song biết chạy trốn phương nào.
Bấy giờ Long Thư mới biết kế của Hàn Tín, ngăn nước ở thượng lưu, và dùng tấm bảng chọc tức Long Thư, để Long Thư giận đập chiếc đèn, quân phục thấy chiếc đèn vở, kéo quân đến đánh.
Thoát khỏi dòng nước, Long Thư hoàn vía toan tìm đường chạy thì bên đường hai tiếng pháo nổ vang, Tào Tham, Hạ Hầu Anh kéo binh đến, vây Long Thư vào giữa.
Long Thư tuy có sức mạnh song một mình làm sao địch nổi muôn người, muốn mở vòng vây tẩu thoát, nhưng bị Tào Tham lẹ tay chém một đao đầu rơi xuống ngựa.
Hàn Tín nghe tin Long Thư đã tử trận, liến truyền lệnh đuổi theo Chu Lan, nhưng tìm mãi không thấy dấu vết, phải rút quân về.
Tề vương ở Cao Mật hay tin Hàn Tín chém Long Thư, đuổi Chu Lan, lòng lo lắng, đòi Ðiền Quảng và Ðiền Hoành đến thương nghị.
Tề vương nói:
– Long Thư, một hổ tướng, trí dũng song toàn mà còn bị Hàn Tín giết. Ta sức yếu thế cô, làm sao giữ thành cho nổi. Chi bằng thừa lúc quân Hán chưa đến vây thành, đem binh mã trốn ra hải đảo, mai danh ẩn tích, để xem Hán, Sở tranh hùng, thắng lợi về ai rồi sẽ tính.
Ðiền Quảng và Ðiền Hoành cũng cho vậy là phải.
Vua tôi sắp xếp xong đêm ấy mở cửa thành phía Ðông kéo ra.
Chẳng ngờ Hàn Tín đã đoán trước, sai Hạ Hầu Anh đem quân mai phục sẵn.
Tề vương vừa ra khỏi thành đã bị Hạ Hầu Anh bắt trói, đem nạp cho Hàn Tín.
Ðiền Quảng và Ðiền Hoành sợ hãi, cố mở đường thoát thân, nhưng Ðiền Quảng cũng bị bắt, chỉ có Ðiền Hoành thoát được.
Hàn Tín nói:
– Tiếc thay, Ðiền Hoành lại chạy mất.
Ðại binh Hàn Tín kéo vào thành Cao Mật vỗ an bá tánh, rồi ra bản văn, kêu gọi các phủ, huyện về hàng.
Các phủ, huyện được tin Tề vương bị bắt, đâu đấy đều hàng cả.
Bình xong nước Tề, Hàn Tín chuyển quân đến đóng nơi Lâm Tri, kinh đô nước Tề.
Nơi đây, cung điện nguy nga, phong cảnh tươi đẹp, Hàn Tín rất thích ý.
Khoái Kiệt thấy vậy tỏ ý với Hàn Tín:
– Ðất Tề phong phú, Ðông có Lang Gia, Tây có Trọc Hà, bốn bề kiên cố, đất rộng dân đông, thật là một nơi hùng cứ. Nay tướng quân đã bình được rồi, quân uy lừng lẫy, tưởng nên dâng một lá biểu, xin quyền lãnh cái ấn Tề vương, trấn thủ nơi đây dùng làm căn bản. Ðó là dịp tốt, xin chớ bỏ qua.
Ðang lúc bàn bạc, có tin sứ giả Hán vương sai đến.
Hàn Tín vội bước ra đón sứ.
Thi lễ xong, sứ giả nói:
– Có chiếu thư của Hán vương gởi đến.
Hàn Tín vội tiếp chiếu mở ra xem.
Chiếu rằng:
” Ta dùng kế của Nguyên soái lấy lại hơn mười quận của Sở, thanh thế mỗi ngày thêm lừng lẫy. Song, Bá vương quản thúc Thái công lâu ngày, tình cha con cách biệt. Gần đây Bá vương lại muốn dưỡng binh mưu tính việc tranh hùng. Ta nghĩ giữ nhau lâu ngày quân sĩ mõi mệt, e có sơ thất chăng, vậy muốn mượn cái sức của Nguyên soái vừa mới thắng Tề đem về cự với Sở.
Nguyên soái nên thu xếp trở về ngay để cùng ta bàn bạc. Ta đang mong đợi “.
Hàn Tín xem chiếu xong, khoản tiếp sứ giả, toan chỉnh đốn quân sĩ để khởi hành.
Khoái Kiệt nói:
– Cơ hội này chính là lúc Nguyên soái nên sai người cùng sứ giả trở về xin phong cho ấn Tề vương, trước được làm vua Tề rồi, sau sẽ hiệp binh đánh Sở. Nếu bỏ qua cơ hội e muốn cũng không được nữa.
Hàn Tín nói:
– Lời đó rất hợp ý ta.