Hồi 20: Tuyệt Kỹ Khiếp Quần Hùng
Hồi 20: Tuyệt Kỹ Khiếp Quần Hùng
Thấy đám bang chúng hùng hổ tiến lên, Vương Xứ Nhất, Lưu Xứ Quyền, Tôn Bất Nhị ba người định rút kiếm tiến lên, Vương Trùng Dương ngăn lại nói:
– Các đồ đệ không nên tiến nữa, vì bọn chúng còn có rắn độc! Để sư phụ đối phó được rồi!
Nói xong liền cúi mình xuống, hai tay hốt hai nắm đá vụn phất nhẹ cây phất trần trên tay, thân hình như một con chim đại bàng từ trên nửa không vút xuống nhanh như một trận cuồng phong bay xẹt vào giữa đám đông bang chúng.
Lúc đám bang chúng ào ạt tiến lên, thì bầy rắn khi nãy cũng lúc nhúc di động bò nhanh đến gần Mã, Khưu, Đàm ba người. Trùng Dương thấy rõ như thế liền hú lên một tiếng lảnh lót, ném mạnh hai nắm đá vụn hay vào bầy rắn, sức mạnh của những viên đá bị ném ấy tựa như những viên thiết đạn khổng lồ trúng vào đầu rắn nát nhầu, trúng vào lưng rời vai, gãy xương, bầy rắn bị đám mưa đá kinh khủng kia đả kích, hoảng sợ nhốn nháo thối lui, lủi trốn bốn phía sạch trơn.
Thân hình Trùng Dương “Vút” một cái đã phi tới sát bên Thiết Hưng, phẩy nhẹ phất trần trên tay cản lấy xà trượng của đối phương rồi hất mạnh ra ngoài khiến Thiết Hưng không gượng được thối lui lia lịa ra sau hơn mấy bước.
Y chưa kịp đứng vững đã nghe Trùng Dương quát lên sang sảng:
– Thiết bang chủ, các hạ đem bang chúng đến đây để vấn tội bần đạo, giao phong nhau đã ba trận, sao các hạ chưa tự lượng mà rút lui đi?
Thiết Chưởng bang chủ thẹn đến mặt đen càng thêm đen, lời của Trùng Dương không sai chút nào, mình đường đường một Bang chủ mà bản lĩnh không bì kịp đệ tử của đối phương còn nói gì đến chuyện giao tranh với Trùng Dương được!
Nhưng nghĩ lại, nếu rút lui nhục nhã như thế này, còn gì sĩ diện của Thiết Chưởng bang? Đã biết rằng là bại, nhưng bại cách nào cho dễ coi một chút để giữ chút ít thể thống mới được!
Nghĩ thế, Thiết bang chủ liền cả giận, nói lớn:
– Họ Vương kia, bản lĩnh của ngươi quả thật cao cường nhưng nhà ngươi chưa làm ta phục được!
Trùng Dương cười một hồi dài và đáp:
– Các hạ hãy ra lệnh cho thủ hạ ngừng tay, bần đạo làm cho các hạ bại đến xiểng liểng, dập dầu xuống đất mới thôi!
Bang chúng của Thiết Chưởng thấy Trùng Dương đã chịu ra tay, liền lật đật rút lui, nhưng có mấy gã hung hăng không tự lượng sức mình nhảy bổ đến tấn công Tam tử, chỉ trong nháy mắt đã bị Khưu Xứ Cơ lia kiếm đuổi chạy như giông.
Thiết Hưng nghe Trùng Dương bảo thế, cười khẩy một tiếng rồi quay sang quát đám bộ hạ:
– Bọn ngươi mau lui xuống?
Chờ bọn thủ hạ lui xong, Thiết Hưng nói với Trùng Dương:
– Ngươi định giao đấu với ta phải không? Được lắm, tuy ta biết rõ không phải là đối thủ của ngươi, nhưng ta cũng cố gắng để lãnh hội vài chiêu tuyệt học của Toàn Chân phái ngươi cứ đến.
Lời nói của Thiết Hưng vừa rồi tuy cứng rắn nhưng khẩu khí yếu xìu. Trùng Dương cười thầm trong bụng, rồi xếp bằng tròn, ngồi ngay ngắn dưới đất, quay sang hỏi đồ đệ:
– Các ngươi ai có khăn tay không? Mau đem ra đây ta có chuyện dùng!
Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ, Đàm Xứ Đoan, đều rút khăn tay ra dâng cho sư phụ.
Trùng Dương đem ba chiếc khăn tay nối lại thành một như trò chơi hú tim, dùng ba chiếc khăn tay bịt kín hai mắt đoạn cột lại thật chắc. Thiết Hưng hết sức ngạc nhiên không hiểu Trùng Dương sắp giở trò quỷ thuật gì?
Trùng Dương bịt kín xong đôi mắt, dùng phất trần chỉ ngay Thiết Hưng và nói:
– Thiết bang chủ, bần đạo ngồi dưới đất dùng phất trần đấu với Bang chủ, nếu cây xà trượng trên tay Bang chủ điểm trúng vào người bần đạo một cái, hoặc chỉ chạm nhẹ vào quần áo của bần đạo thì kể như bần đạo đã thua! Hay là Bang chủ có thể bức bách bần đạo phải đứng dậy hoặc phải di động chỗ ngồi, cũng kể là bần đạo thua, điều kiện tỷ thí như vậy, Bang chủ có bằng lòng không?
Trùng Dương dám bịt mắt để giao đấu với đối phương, có mắt cũng như mù, như vậy cũng thiệt thòi lắm rồi, lại thêm ngồi dưới đất không được nhích mình, đứng dậy, càng bất lợi cho chàng rất nhiều.
Thiết Hưng sửng sốt đến cực độ, sáu đệ tử của Toàn Chân phái cũng ngơ ngẩn nhìn nhau, vì Thiết Hưng tuy bản lĩnh không bằng sư phụ, nhưng cũng là một Bang chủ oai danh, võ công đâu phải hạng tầm thường. Sư phụ quá rộng rãi như vậy, vạn nhất có điều sơ xuất, thì oai danh của Toàn Chân phái sẽ tổn thương rất nhiều.
Nhưng Thiết Hưng nghe xong lại tỏ vẻ kinh sợ vô cùng. Vì trên bộ môn võ thuật có một môn công phu gọi là Bế Mục Hoán Chưởng. Lúc luyện Bế Mục Hoán Chưởng phải dùng khăn bịt kín hai mắt, rồi chỉ cậy vào hai lỗ tai và cảm giác của thân thể, để nhận định phương hướng của địch thủ tấn công, tùy cơ mà ứng địch.
Môn công phu này chỉ có thủ mà không thể công, cho nên động tác rất trầm ẩn, quyền cước ít hay dùng đến, nhưng mà lúc xuất thủ lại nhanh chóng dị kỳ, chuyên về sự khóa chặt tay chân của địch thủ, chỉ cần nắm được là xương cốt gãy lìa.
Thủ pháp ấy thường áp dụng trong đêm tối đấu nhau, hoặc trong thạch động hay mật thất, những chỗ tối đen không có ánh sáng, nếu gặp địch thủ tấn công một cách bất ngờ, đem công phu Bế Mục Hoán Chưởng này ra ứng chiến, nếu võ công được tinh diệu phối hợp với cầm nã thủ pháp, có thể cướp được khí giới của địch một cách dễ dàng.
Trước đám đông của mấy trăm bang chúng, Trùng Dương dám ngang nhiên đem công phu Bế Mục Hoán Chưởng ra thử thách như thế, Thiết Hưng càng suy nghĩ càng kinh hãi không cùng. Nhưng đối phương đã nhường chấp y như thế, nếu y không dám giao đấu với địch thủ, thì còn chi oai danh của Bang chủ, cầm đầu một phái võ.
Nghĩ thế, y bèn dộng mạnh cây song xà trượng xuống đánh “Coong” một cái và nói:
– Hay lắm! Mi dám giao đấu với ta bằng cách này rõ ràng là mi không xem Thiết mỗ này vào đâu! Hừ! Để ta xem môn Bế Mục Hoán Chưởng công phu của mi tinh vi đến mức độ nào?
Nói chưa dứt tiếng thì “Vù” một cái, song xà trượng của y đã điểm nhanh vào ngực đối phương. Trùng Dương nghe tiếng gió, biết song xà trượng của Thiết Hưng tấn công phía trước mặt, bèn ngồi thẳng lưng, thuận tay vung ngọn phất trần một cái, đuôi ngọn phất trần tủa thành một vòng tròn độ hai thước cuốn lấy xà trượng của kẻ địch.
Thức ấy gọi là “Thiên Thân Đảo Khóa” (lưới trời đảo ngược) một thức trong Toàn Chân kiếm pháp mà Trùng Dương đem áp dụng vào cây phất trần.
Thiết Hưng vội hồi trượng trở về, rồi nhanh như một tia điện vụt mạnh trở ra tấn công vào eo lưng của đối thủ theo chiêu “Thám Hải Đồ Long” (dò biển giết rồng), Trùng Dương không chút bối rối, dùng cán phất trần từ trên tay hất chéo trở xuống thành thức “Thiết Tỏa Trầm Giang” kêu “Coong” một tiếng cây Long xà trượng của Thiết Hưng bị đỡ bật ra ngoài.
Thiết Hưng hai lần xuất kỳ bất ý đột kích đối phương, nào ngờ Trùng Dương bản lãnh cao cường nên ung dung đón bắt một cách dễ dàng. Y cả giận liền quát to lên một tiếng, rồi biến nhanh xà trượng sử dụng Bát Tiên trượng pháp loang loáng bốn phương tám hướng tấn công Trùng Dương tới tấp, nhanh như gió cuốn mưa tuôn.
Mọi người đứng lượt trận bên ngoài chỉ thấy bóng một người bay tới nhảy lui thấp thoáng như hình rối trong chiếc đèn kéo quân, cuồng loạn quay tròn. Còn một người thì ngồi im bất động như bụt tượng chùa quang, chỉ trong khoảnh khắc hai người đã giao tay nhau trên ba mươi chiêu.
Thiết Hưng thấy cây phất trần của Trùng Dương phòng vệ kín mít bốn phương, hễ đâm trái đỡ trái, đâm phải đỡ phải, cây song xà trượng của mình như đụng phải tường đồng vách sắt. Thầm suy tính nếu đánh mãi như thế này thì địch khỏe y mệt, dù cho không bại, nhưng cũng mệt hà hơi. Y bỗng nhiên quay ngoắc thân hình, vòng ra phía sau lưng Trùng Dương, hư một trượng, thực một trượng, y liên tiếp tấn công ra bốn thế hư khiến Trùng Dương phải liên tiếp vung phất trần ra đón đỡ vào khoảng không mà không chạm được trượng của đối phương.
Thiết Hưng chỉ chờ dịp ấy là nhanh như chớp giơ cao xà trượng dồn tất cả sức mạnh đâm thẳng vào “Mệnh Môn huyệt” nơi giữa sau lưng Trùng Dương theo thế “Tiên Hạc Tróc Ngư” (hạc tiên đớp cá) đồng thời rung mạnh thân trượng điều khiển cho hai chiếc đầu rắn nơi đầu trượng bật vút ra ngoài mổ mạnh vào sọ ót của Trùng Dương, một chiếu biến thành hai thức nhanh ảo khôn lường khiến cho sáu đệ tử của Toàn Chân phái đều thất thanh kêu lên:
– Chết rồi! Lần này sư phụ bại rồi!
Nào ngờ Trùng Dương cười dài một tiếng, rồi nhanh nhẹn ném mạnh chiếc phất trần bên tay tả ra khỏi tay, đuôi phất trần như có người điều khiển xòe ra như chiếc dù cuốn tròn lấy đầu xà trượng.
Cái ném ấy bề ngoài trông rất nhẹ, nhưng kình lực hùng mạnh phi thường, thiếu chút nữa là hất Thiết Hưng té nhào xuống đất. Và trong khi Thiết Hưng còn loạng choạng chưa đứng vững, Trùng Dương đã ung dung thâu cây phất trần trở về tay, đồng thời vận dụng Nhất Dương chỉ vào ngón tay mặt chỉ trái ra phía sau, nhưng may là chàng còn chút lòng hiếu sinh hèn chỉ sử dụng có ba thành chân lực vào cái chỉ ấy.
Thiết Hưng đột nhiên thấy trước ngực đau nhói một cái, huyệt “Khí Môn” dường như mũi kiếm soi vào đau buốt đến tim phế. Y la lên một tiếng:
– Ối cha!
Rồi loạng choạng thối lui lia lịa ra sau mười mấy bước thân hình lảo đảo lắc lư như một kẻ say rượu, buông rơi cây xà trượng té “bộp” xuống đất không thể đứng dậy nổi.
Bọn bang chúng của Thiết Chưởng bang cả kinh lầm tưởng Bang chủ của mình trúng phải ám khí của đối phương nên hô lên một tiếng, ồ ạt xông tới trước.
Hà Vĩ Chân Từ Quảng tức giận không kịp phân biệt đen trắng quát lên một tiếng thật lớn hai tay vận sức bắn ra liên tiếp sáu mũi Độc Hà Châm tấn công Trùng Dương. Mũi Độc Hà Châm ấy nhỏ li ti như sợi lông, nhưng dài đến năm tấc, được nhét trong cái ống đồng tựa hình như còn một cây, mỗi ống nhét ba mũi, chỉ cần vung tay một cái, trong ống liền có cơ quan đẩy mạnh, ba mũi độc châm sẽ bị bắn vút ra, đối phương trúng phải là chết không phương cứu chữa.
Từ Quảng được giới giang hồ đặt cho uy hiệu Hà Vĩ Châm là nhờ môn ám khí đặc biệt ấy. Nào ngờ độc châm vừa bay ra chưa phạm tới thân hình Trùng Dương đã thấy Trùng Dương phẩy nhẹ tay áo một cái và lạ thay, sáu mũi độc châm đang thẳng đường bay tới vun vút, bỗng kêu lên vù vù xoáy tròn một chỗ như sáu chiếc chong chóng, rồi đột nhiên quay đầu bay trở về hướng Từ Quảng.
Trong lúc bất ngờ không kịp phòng bị, Từ Quảng bị trúng hết mấy mũi. Loại độc châm này khác hẳn với những loại ám khí khác, vừa trúng vào người là lập tức hít sâu vào trong thịt chất độc liền theo huyết mạch chạy ngược lên tim, chỉ trong chớp mắt là tính mạng không còn. Trừ khi có sẵn đá nam châm bên mình, kịp thời phong bế huyệt mạch thì may ra mới có thể bảo toàn tính mạng được.
Cho nên Từ Quảng vừa trúng phải độc châm của mình liền ngã nhào xuống đất, giãy giụa kêu la có mấy tiếng là dốc tố đã phát ra, chết cấp kỳ tại trận.
Bọn bang chúng Thiết Chưởng vừa sợ vừa giận, la hét ồ ạt tiến lên định liều mạng với Trùng Dương, vì theo luật lệ của bang hội trong giới giang hồ thì khi Bang chủ gặp phải hiểm nguy hay bị kẻ thù sát hại thì bang chúng phải có bổn phận không được tiếc rẻ tính mạng mình, xả thân bao vây kẻ địch, dù phải thịt nát xương tan cũng không hề hối tiếc.
Trùng Dương thấy thế liền quát lớn:
– Khoan đã! Ta không phải dùng ám khí, tánh mạng Bang chủ của các ngươi vẫn không sao.
Chàng nói đến đây vụt đứng ngay dậy, thần sắc hiên ngang lẫm liệt, bọn bang chúng đang hung hăng như hổ đói, lập tức dịu xuống, mọi người dường như khiếp sợ trước chính khí ôn hòa, nhưng không kém oai vũ của Trùng Dương nên đồng loạt đứng im nhìn chàng mà không dám bạo động.
Trùng Dương chậm rãi bước đến trước mặt Thiết Hưng cười gằn và nói:
– Lúc nãy bần đạo đã hứa trước với mi là sẽ cho mi bại tới xiểng liểng mới thôi! Vậy bây giờ mi đã phục chưa? Ta làm kẻ mù, mi làm người sáng, ta ngồi im để mi tấn công, nhưng rốt cuộc mi vẫn là kẻ bại. Mi còn lời nào không phục nữa chăng?
Thiết Hưng bị Trùng Dương điểm ngay huyệt “Khí Môn” đau đớn không chịu được, trên ngực như bị tảng đá ngàn cân đè lên nghẹt thở gần như đứt hơi, đau thấu lên tận óc, nhưng vì khí môn bị điểm, nên không nói được. Y nghe Trùng Dương thốt ra những lời như vậy, vừa hổ thẹn vừa giận tức, tự nghĩ đối phương đã nói thế dù không phục cũng không được.
Nghĩ xong y liền miễng cưỡng gật đầu, cái gật đầu ấy vô hình trung đã biểu lộ lòng khuất phục của y. Trùng Dương mỉm cười dùng tay vỗ nhẹ vào ngực y, “Bộp” một tiếng. Lạ lùng thay! Thiết Hưng bị cái vỗ nhẹ ấy, liền nhảy mũi “Hách xì!” thật lớn, thân hình khôi phục như bình thường.
Trùng Dương lập tức thối lui ra sau, vòng tay thi lễ nói:
– Thiết bang chủ, chúng ta kẻ phương Nam người đất Bắc, biến kiếm đao thành nghĩa tri giao, xin Bang chủ nên sớm đưa bang chúng trở về Hồ Quang là phải hơn!
Thiết Hưng từ lúc thành tài đến nay, chưa khi nào bị bại như thế này, bây giờ bị địch thủ đánh cho xiểng niễng đến phải té bò dưới đất phẫn uất và nhục nhã biết để đâu cho hết. Nhưng võ công của Trùng Dương cao diệu hơn y gấp trăm lần muốn gỡ lại chút ít danh dự cũng không làm sao gỡ được, bởi thế y ngẩn người ngồi bẹp dưới đất tựa như hình cây, tượng gỗ, chợt nghe có vài bang chúng kêu lên:
– Bang chủ, Từ phó bang chủ bị tử thương rồi. Thù này chúng ta không thể quên được.
Thiết Hưng hơi biến sắc, Trùng Dương liền nói:
– Chư vị hơi quá lời một chút, chỉ biết hận người mà quên đi lỗi mình. Lúc nãy tệ sư đệ bị Thiết bang chủ ám toán thiếu chút nữa là tuyệt mạng, nếu như bần đạo không dùng khí công thốt huyết pháp để chạy chữa thì đã chết rồi còn đâu?
Và như vị Từ phó bang chủ kia lén dùng độc châm để ám toán bần đạo, nếu bần đạo không kịp dùng khí công để phản kích có phải đã chết vì độc thủ của y không?
Đấy là tại Từ phó bang chủ tự chuốc lấy đại họa, chứ nào phải bần đạo cố tâm gây ra? Chư vị sao cứ mãi xúi giục nhau để gây sự, thật không thức thời chút nào cả!
Thiết Hưng quay lại quát lớn:
– Chúng ta đã thua rồi, chết được như thế còn đỡ nhục nhả hơn! Lui mau!
Bọn bang chúng tuy nhốn nháo bất bình nhưng sợ lịnh của Bang chủ, nên chỉ đành thu liệm thi hài của Từ Quảng, lủi thủi kéo nhau xuống núi.
Trùng Dương cũng dắt sáu đệ tử trở về Yên Hà động. Khưu Xứ Cơ bèn chấp tay thưa:
– Bạch sư phụ, bọn Thiết bang chủ sau lần bại trận này thế nào cũng nuôi thù kết oán với Toàn Chân phái chúng ta đến tận xương tủy, nếu sau này trên đường giang hồ vạn nhất gặp phải bọn chúng, ta nên đối xử thế nào cho phải?
Trùng Dương nói:
– Thì chỉ còn cách cậy vào võ công và khổ luyện của mỗi đồ đệ thôi. Thầy đã nghĩ một phương pháp khảo sát võ nghệ của các đệ tử khi đã thành tài sắp rời sư môn, y như cách thức mộc nhân mộc mã và La Hán Đường của chùa Thiếu Lâm, là mỗi khi đệ tử nào thấy sở đắc võ thuật đã đầy đủ, muốn hạ san, thì nhất định phải vượt qua Mộc Nhân Cảng, dẹp trừ được chướng ngại mộc nhân mộc mã mới được phép rời chùa. Sau này thày cũng phải chế ra một phương pháp mường tượng như thế để trắc nghiệm võ công của các con cho chắc chắn, rồi mới có thể cho các con xuống núi hành đạo được.
Tôn Bất Nhị liền hỏi:
– Thưa sư phụ, sư phụ sẽ dùng phương pháp nào để khảo sát võ công của chúng con?
Trùng Dương lắc đầu mỉm cười mà không trả lời.
Chàng lại hối thúc các đệ tử tiếp tục việc mài mỏng chiếc hộp đựng Cửu Âm chân kinh.
Sáu đệ tử thay phiên nhau mài mãi, thời gian đã thấm thoát hơn năm, chiếc hộp mỏng manh làm bằng sừng tê giác kia càng ngày càng láng mịn hơn và đã mỏng đi hết phân nửa Trùng Dương hết sức vui mừng vì nguyện vọng của mình sắp đến ngày thành tựu. Nhưng chiếc hộp càng được mài sâu vào thì chất sừng bên trong lại càng cứng rắn dị thường!
Sáu đệ tử của Trùng Dương liên tục mài thêm nửa năm trời, cảm thấy chất sừng rắn hơn đá không thể mài được nữa.
Cửu Âm chân kinh vẫn còn bao trùm trong vòng bí mật. Trùng Dương hết sức khổ tâm, chàng sực nghĩ lúc Hải Vân Tử làm chiếc hộp này, tất nhiên phải có phương cách cưa xẻ được sừng tê giác, nếu không, ông ta làm sao tạo thành chiếc hộp? Rất tiếc Hải Vân Từ đã chết từ hai trăm năm nay,. không thể kêu ông sống dậy mà hỏi thăm cho ra. Chàng cố nặn óc nghĩ ngợi hết mấy ngày đêm mới thấy được lờ mờ hy vọng.
Vương Trùng Dương nghĩ rằng, sừng tê giác là một loại rất quý trọng như ngọc châu, giá đáng liên thành. Những phú gia tầm thường ít khi mua nổi. Chỉ trừ ở Hoàng cung vương mới có mà thôi. Như vậy tất nhiên trong cung vua thế nào cũng có vật chế tạo bằng loại tê giác, thì tại sao Trùng Dương không đến Hoàng cung để dò hỏi cho ra phương thức cưa xẻ loại sừng tê giác này? Nghĩ như vậy, chàng quyết định tới đế kinh một chuyến để dò hỏi cho được chuyện kia.
Chàng dặn dò sáu đệ tử coi chừng động phủ, một mình một ngựa lên đường đến kinh đô của Triệu Tống, nào ngờ vừa ra khỏi Tung Sơn chưa tới huyện Đăng Phong, bỗng thấy trên đường đi có vô số dân chúng chạy nạn, người nào mặt mày cũng lo âu sợ sệt, dắt díu trẻ thơ, tay bồng tay bế, chạy loạn về hướng Nam. Trùng Dương kinh hãi lầm tưởng đê Huỳnh Hà bị vỡ, nước sông Huỳnh tràn vào gây nạn thủy tai, cho nên bá tánh mới dắt díu đi tị nạn như thế!
Chàng vội tiến tới đón số người chạy loạn hỏi thăm.
Nào ngờ khi hỏi thăm, chàng nghe được một tin tức kinh thiên động địa:
quân Kim từ phương Bắc tràn đến tấn công đã xâm nhập Trung Nguyên, thế mạnh như chẻ tre, chúng đã qua khỏi địa đầu sông Hoàng Hà và sắp sửa sang sông để công hãm thành Biện Lương.
Quân Kim rất hung ác, đại quân kéo đến đâu là hãm hiếp phụ nữ, tàn sát và cướp bóc đến đấy, dã man hơn cả rợ Khiến Đơn năm xưa gấp mấy mươi lần, cho nên bá tánh dọc hai bên Hoàng Hà phải bỏ nhà cửa điền sản tản cư đến miền Nam.
Trùng Dương hết sức thất vọng, lần này chàng quyết đến kinh đô Biện Lương để dò la cho ra cách thức cưa xẻ hộp Cửu Âm chân kinh thì vừa đúng đế kinh bị nạn binh đao, thật là xui xẻo.
Chàng toan quay về Tung Sơn nhưng sực nghĩ, tuy mình là đạo sĩ xuất gia, nhưng cũng là con dân của đất nước, triều đình gặp tai họa, nhân dân bá tánh trong cơn nước lửa dầu sôi, sao mình khoanh tay mà nhìn. Chàng cân nhắc một lúc rồi quyết định tiếp tục cuộc hành trình.
Càng hướng sâu về phương Bắc, càng mục kích những sự thương tâm, dân chúng chạy loạn càng ngày càng đông, chật cả đường đi. Qua khỏi huyện Lan Phong thì cảnh vật thay đổi một cách đột ngột vườn vắng ruộng hoang, khói bếp lạnh tanh không có tiếng chó sủa không một dáng người.
Thôn trấn, chợ búa bị đốt phá sập đổ điêu tàn, thỉnh thoảng bên vệ đường rải rác một vài thây người đứt đầu, thủng ruột. Không cần đoán cũng đủ hiểu đó là thành tích của đoàn quân khát máu để lại.
Trùng Dương càng thấy càng thêm phẫn nộ nhưng một sự việc làm chàng hết sức lạ lùng là từ Tung Sơn đến Lan Phong huyện, suốt một quãng đường dài, không hề thấy bóng dáng một tên lính Tống.
Trùng Dương thầm nghĩ nếu Kim binh quả đã bao vây Biện Lương thì các cánh quân phủ huyện không ít thì nhiều cũng đem binh đến giải cứu kinh thành, thế tại sao mình đi suốt một đoạn đường trên trăm dặm đến đế đô mà chẳng thấy một tên quân binh của Tống trào, chẳng lẽ kinh đô đã bị công phá và đại quân của nhà Tống đã bị hủy diệt toàn bộ rồi sao?
Trùng Dương nghĩ đến đây lòng hết sức kinh khiếp sợ thầm. Đi thêm hai chục dặm mới thấy dáng quân sĩ, nhưng không phải là quân binh của nhà Tống mà là đoàn quân kị mã của bọn Kim, từ toán hoặc tám hoặc mười người, giục ngựa xuôi ngược trên đường cái quan không ngớt.
Trùng Dương khó nhọc lắm mới tìm được một căn nhà tơi tả trong khói lửa của một nông phu, để tạm trú ẩn. Trong nhà có một lão già bị gãy chân đã hai hôm rồi không tìm dược một chút cơm cháo gì đỡ lòng, đói nằm thoi thóp trên giường, Trùng Dương lập tức đem lương khô trong người ra cho ông lão già lót dạ.
Trùng Dương sau khi đút cho ông lão vài miếng cơm khô rồi đổ cho ông lão ít ngụm nước lã. ông lão dần dần tỉnh dậy. Trùng Dương mới hỏi han sự việc đã trải qua.
Thì ra trước đây mười ngày, Kim quân phá được thành Biện Lương, xua quân càn quét khắp hoàng thành còn bắt cả Huy Tông Thái Thượng Hoàng và đương kim Hoàng đế là Khiêm Tông cùng tất cả văn, võ triều thần, cung tần mỹ nữ trong cung trên ngàn người dùng xe trâu áp giải về phương Bắc. Biện Lương trở thành vô chủ, trật tự vì thế mà rối loạn khắp trong thành ngoài nội.
Thành Biện Lương rất kiên cố, hào rộng lũy cao, lương thực rất sung mãn, dù cho triều Tống có suy nhược cách nào, binh sĩ có ô tạp cách nào đi nữa, cũng có thể kiên thủ được một thời gian nhưng tại sao trước sau không đầy mấy ngày để cho quân Kim hạ được, đến nỗi vua chúa quan quân đều bị giặc bắt đi?
Nguyên vì Kim chúa đã cấu kết với Tống triều Thừa tướng là Trương Bang Xương làm nội gián.
Chờ quân Kim đến tấn công Hoàng Thành, Trương Bang Xương sẽ theo kế trong ứng ngoài hiệp, mở cửa thành cho binh Kim tràn vào, đập phá lăng miếu cung, bắt mất Tống triều hai chúa. Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn từ lúc khai lập nhà Tống truyền lại con cháu không đầy một trăm năm chục năm thì bị cảnh quốc phá gia vong.
Tịnh Khang là niên hiệu cuối cùng của triều đại nhà Tống vậy.
< Xem thêm truyện hay, đặc sắc khác