Hồi 20: Hiệp Khách Hành

Hồi 20: Hiệp Khách Hành

Long đảo chúa nói: “Nếu các vị còn chỗ nào hoài nghi, xin nói rõ hết ra.”

Bạch Tự Tại nói: “Long đảo chúa đã nói là mời bọn tại hạ đến đây để xem đồ giải bài thơ cổ. Vậy đó là cái gì, xin cho xem được chăng?”

Long đảo chúa và Mộc đảo chúa đều đứng dậy, Long đảo chúa nói: “Đó chính là vấn đề mà bọn tại hạ muốn thỉnh giáo ý kiến của các bậc cao minh.” Bốn tên đệ tử chạy ra, nắm lấy mép hai tấm bình phong rất lớn, từ từ kéo sang một bên, để lộ ra một đường hầm khá dài phía sau đại sảnh.

Long Mộc nhị vị đảo chúa nói: “Xin mời.” Rồi hai lão đi trước dẫn đường.

Quần hùng đều nghĩ: “Trong đường hầm này nhất định đã sắp đặt rất nhiều cơ quan để giết người.” Mọi người không nén nổi, mặt ai cũng biến sắc.

Bạch Tự Tại gọi: “Cháu rể! Hai ông cháu ta đi trước đi.” Thạch Phá Thiên vâng dạ, rồi để Bạch Tự Tại nắm tay dắt đi trước. Miệng lão cười ha hả, nhưng trong tiếng cười cũng không tránh khỏi có phần run rẩy. Những người khác cũng nghĩ, số kiếp đã tới thì khó mà chạy trốn, nên từng người một theo sau. Còn lại mười mấy người cứ ngồi tại bàn không dám nhúc nhích. Đám đệ tử Hiệp Khách Đảo và những người giúp việc cứ mặc kệ không lý gì đến họ.

Bạch Tự Tại dẫn đầu đoàn người đi chừng mười mấy trượng thì đến trước một cái cửa đá. Trên cửa đề ba chữ “Hiệp Khách Hành” theo lối cổ lệ. Một tên đệ tử áo vàng tiến lại, đẩy cửa đá ra nói: “Trong động này có hai mươi bốn gian thạch thất, xin mời các vị tùy ý vào xem, lúc nào mỏi mệt có thể ra ngoài động cho thoải mái. Trong thạch thất nào cũng có dự bị đầy đủ thức ăn vật dụng, các vị cứ tự tiện lấy mà dùng, bất tất phải khách sáo.”

Đinh Bất Tứ cười lạnh nhạt nói: “Cái gì cũng được tùy ý thì còn khách sáo làm chi? Nhưng không được tùy ý rời khỏi đảo phải không?”

Long đảo chúa cười ha hả nói: “Sao Đinh tiên sinh lại nói vậy? Các vị đã tự nguyện đến Hiệp Khách Đảo, thì lúc ra đi cũng chẳng ai dám miễn cưỡng lưu lại. Bãi biển đầy đủ thuyền lớn nhỏ, các vị muốn về lúc nào cũng được.”

Quần hùng sửng sốt. Chẳng ai ngờ Hiệp Khách Đảo lại dễ dãi thoải mái như vậy, muốn ở lại hay muốn đi về tùy ý. Lập tức có mấy người cất tiếng hỏi: “Bọn tại hạ muốn đi ngay bây giờ, có được không?”

Long đảo chúa nói: “Dĩ nhiên là được. Các vị coi tại hạ và Mộc huynh đệ là hạng người nào mà lại hỏi thế? Anh em tại hạ đãi khách không được chu đáo đã tự lấy làm hổ thẹn, có lý nào còn dám miễn cưỡng lưu khách?”

Quần hùng nghe Long đảo chúa nói vậy cũng hơi yên tâm, liền nghĩ: “Đã thế thì ta thử xem cổ thi đồ giải là cái thá gì rồi hãy ra về. Lão này đã nói là không miễn cưỡng giữ khách, thân phận của lão chẳng lẽ nuốt lời được hay sao?” Thế rồi mọi người lục tục đi vào trong thạch thất.

Trong thạch thất có tám ngọn đuốc rất lớn soi sáng, hướng Đông có một vách đá nhẵn nhụi trơn tru, trên mặt vừa khắc hình vừa khắc chữ. Ở đây đã có sẵn mười bảy mười tám người, kẻ chú ý ngưng thần, người đang ngồi luyện công. Có người nhắm nghiền hai mắt, miệng lẩm bẩm những gì không nghe rõ, lại có ba bốn vị đang lớn tiếng tranh luận với nhau.

Bạch Tự Tại chợt thấy một người quen quen. Lão để ý nhìn hồi lâu, rồi kinh hãi gọi: “Ôn tam huynh! Huynh… huynh ở đây ư?”

Lão này mình mặc áo đen, không ngớt đi lại trước phiến đá, họ Ôn tên gọi Nhân Hậu, là chưởng môn phái Bát Tiên Kiếm ở Sơn Đông. Giữa lão và Bạch Tự Tại vốn có giao tình nồng hậu, nhưng khi lão nhìn thấy Bạch Tự Tại lại không ra vẻ kinh ngạc, chỉ mỉm cười hỏi: “Sao huynh đến đây trễ thế?”

Bạch Tự Tại nói: “Mười năm trước ta nghe nói Ôn tam huynh bị Hiệp Khách Đảo mời đi ăn cháo Lạp Bát, tưởng rằng huynh… huynh đã chết rồi, lắm phen nghĩ mà thương tiếc… Ai ngờ…”

Ôn Nhân Hậu nói: “Ta vẫn bình yên ở đây nghiên cứu võ công thượng thừa, sao lại bảo là chết rồi? Tiếc là Bạch huynh đến chậm quá. Bạch huynh xem, câu đầu bài thơ là “Triệu Khách Mạn Hồ Anh”. Dưới này có chú giải Hồ là người ở Tây Vực. Trong truyện Thừa Can ở sách Tân Đường có câu: Mấy trăm người học nói theo tiếng người Hồ, tóc bới thành búi, may áo bằng lụa màu…” Lão vừa nói vừa trỏ vào phiến đá chỗ có chú thích bằng chữ, đọc cho Bạch Tự Tại nghe.

Bạch Tự Tại bất ngờ gặp cố tri, trong lòng hoan hỉ vô cùng. Lão rất muốn biết mọi việc ở đây cùng tình hình trên đảo, liền hỏi: “Ôn tam huynh! Mười năm nay huynh thế nào? Sao không đưa tin về Sơn Đông?”

Ôn Nhân Hậu trợn mắt nói: “Bạch huynh nói gì? Bức đồ giải cổ thi Hiệp Khách Hành này, câu nào cũng bao hàm những ý nghĩa màu nhiệm về võ học, cao thâm nhất từ cổ chí kim. Chúng ta đã đem hết tâm trí mà vẫn chưa tham ngộ được một hai phần trong đó, khi nào còn phân tâm để lo những chuyện tục lụy thế gian? Bạch huynh hãy xem, người trong bức đồ hình này dáng điệu phong nhã thanh tú, rõ ràng là văn nhân ở Giang Nam, tuyệt không giống hào kiệt nước Yên nước Triệu bi ca khẳng khái. Thế mà lại gọi là Triệu Khách, thật là kỳ lạ. Muốn giải đáp được vấn đề này, thì phải cố tìm ra mấu chốt trọng yếu, ngoài ra không còn cách nào khác.” Bạch Tự Tại nhìn lên bức họa trên vách đá, thì quả nhiên là một chàng thư sinh trẻ tuổi, tay trái cầm quạt, tay phải vung chưởng, vẻ mặt rất ung dung nhàn nhã.

Ôn Nhân Hậu nói: “Bạch huynh! Gần đây ta mới mò ra được. Sở dĩ trên đồ hình vẽ người phong nhã ôn hòa, để biểu hiện cái ý âm nhu. Trong chú giải có nói: Phải xuất thủ cứng rắn oai mãnh. Đương nhiên phải lấy âm nhu làm “thể”, lấy dương cương làm “dụng”, cái đó cũng không khó hiểu lắm. Nhưng thế nào là “thể”, thế nào là “dụng”, thì phải nghiên cứu sâu xa mới hiểu được.”

Bạch Tự Tại gật đầu nói: “Không sai! Ôn huynh! Đây là cháu rể của ta. Ôn huynh thử xem nhân phẩm gã thế nào? Tiểu tử! Ngươi lại chào Ôn tam gia gia đi.”

Thạch Phá Thiên đến gần, quỳ trước mặt Ôn Nhân Hậu khấu đầu gọi: “Ôn tam gia gia!”

Ôn Nhân Hậu nói: “Hay lắm, hay lắm!” Lão nói vậy, nhưng chẳng buồn để mắt nhìn đến Thạch Phá Thiên cái nào. Tay trái lão bắt chước tư thức người trong đồ hình, tay phải đột nhiên phóng chưởng đánh vèo một tiếng đánh thẳng ra. Lão nói: “Tả âm hữu dương, chắc là nghĩa lý như vậy.”

Thạch Phá Thiên nghĩ bụng: “Chưởng lực của Ôn tam gia gia thật là cao cường.”

Bạch Tự Tại đọc lời chú giải trên vách: “Trong thiên Thuyết Kiếm của Trang Tử có ghi: “Thái tử nói: nhà vua thấy các kiếm sĩ đều đầu bù tóc rối, đội mũ đính giải thô sơ, áo ngắn vạt sau”. Họ Tư Mã chú thích “Mạn hồ anh” là giải mũ trơn, mộc mạc, không có màu sắc rực rỡ.”

Lão bèn nói: “Ôn huynh! Theo ý kiến của ta thì hai chữ “Mạn hồ” phải để liền nhau mà giải thích. Mạn Hồ nghĩa là thô lậu cục kịch. Mạn Hồ Anh là giải mũ không diêm dúa, chứ không phải là giải mũ như người Hồ. Vậy chữ Hồ này nghĩa là hồ đồ luộm thuộm, chứ không phải nghĩa là người Hồ bên Tây Vực.”

Ôn Nhân Hậu lắc đầu cãi lại: “Không phải! Bạch huynh hãy xem xuống câu dưới: Bài Tả Tư Ngụy Đồ Phú có câu: Mạn hồ chi anh, phải chú như thế này: “Mạn hồ” là giải mũ của người võ sĩ. Giải mũ của võ sĩ thì thô lậu cũng được, mà diêm dúa cũng được. Mấy năm trước tiểu đệ đã thỉnh giáo chưởng môn Quả Nghị Môn ở Kinh Châu là Khang Côn Luân. Ông ta là người Hồ bên Tây Vực, chuyện gì của người Hồ ông ta đều biết hết. Ông ta nói là những võ sĩ người Hồ đội mũ có giải hình dạng thế này…” Lão nói tới đó, cúi lom khom lấy ngón tay vạch xuống đất.

Thạch Phá Thiên nghe hai lão bàn luận dài dòng, chẳng hiểu gì cả. Những bài chú giải bên vách đá, chàng lại mù tịt chẳng biết chữ nào. Chàng nghe đến nửa ngày mà không thấy gì hứng thú, bèn dạo qua gian thạch thất thứ hai.

Vừa vào cửa, chàng đã thấy kiếm khí tung hoành, bảy cặp đang tỉ đấu, đều dùng trường kiếm. Tiếng kiếm chạm nhau choang choảng không ngớt nghe chói cả tai. Kiếm pháp của những người này đang sử dụng cũng không giống nhau, biến hóa kỳ dị, hiển nhiên đều rất tinh thâm ảo diệu.

Bỗng thấy hai người qua lại mấy chiêu rồi ngừng đấu. Một lão già tóc bạc nói: “Lão đệ! Chiêu kiếm vừa rồi của lão đệ kể ra cũng rất tinh kỳ mãnh liệt. Nhưng lão đệ nên nhớ, năm chữ chủ chốt là: Ngô Câu Sương Tuyết Minh. Ngô câu chính là lưỡi đao cong, vậy lúc xuất kiếm chiêu phải tâm niệm hai chữ “loan đao”, nếu không thì mất cả bản ý. Dùng đao pháp để sử kiếm thì chẳng khó gì, nhưng phải sử kiếm đúng như loan đao, trong chỗ thẳng có chỗ cong, trong chỗ cong có chỗ thẳng, có thế mới đúng tôn chỉ của năm chữ Ngô Câu Sương Tuyết Minh.”

Lão già râu đen lắc đầu nói: “Đại ca! Đại ca chỉ chú trọng một mặt, mà lại quên mất những điểm trọng yếu khác. Đại ca hãy xem lại lời chú giải trên vách, trong bài Bảo Chiếu Nhạc Phủ có câu: “Cẩm đới bội ngô câu”. Thơ của Lý Hạ cũng có câu: “Nam nhi hà bất đới ngô câu”. Vậy chữ “đới” là đeo, mới là mấu chốt. Ngô câu đúng là lưỡi loan đao, nhưng chỉ “đeo” vào mình, chứ không đem ra sử dụng. Theo ý kiến của tiểu đệ thì ngô câu phải ẩn giấu trong kiếm pháp, tức là chuyển kiếm theo vòng tròn chứ không phải là uốn cong lưỡi kiếm thật sự.”

Ông lão râu bạc cãi lại: “Ngươi nói cũng có lý, nhưng không đúng. Ngô Câu Sương Tuyết Minh, rõ ràng là kiếm quang nhấp nhoáng, thì đâu có phải là ngô câu để trong vỏ? Làm gì có ai đeo đao kiếm bên mình mà không cất trong vỏ?”

Thạch Phá Thiên không muốn nghe hai người tranh chấp nữa, lại đi xem một cặp khác. Cặp này tỉ đấu mau lẹ, một người ra kiếm chiêu cực kỳ lợi hại tấn công rất rát, còn người kia chỉ dùng trường kiếm vạch những vòng tròn, gạt hết được những chiêu kiếm của đối phương.

Bất thình lình nghe “choang” một tiếng, cả hai thanh kiếm đều gãy, hai người đều nhảy vọt ra sau. Hán tử mặt đen thân hình cao lớn nói: “Lời chú giải trên vách đá nói rằng, trong thơ của Bạch Cư Dị có câu: “Vật khinh trực chiết kiếm, do thắng khúc toàn câu”. Rõ ràng lối đánh thẳng của tại hạ mới đúng với ý bài chú giải này.”

Lão kia là một đạo sĩ, Thạch Phá Thiên nhận ra chính là Thiên Hư đạo nhân, chưởng môn Thượng Thanh Quán, là sư huynh của vợ chồng Thạch trang chủ. Thạch Phá Thiên bất giác hơi sợ hãi, sợ lão gặp mình sẽ nổi giận. Nào ngờ lão ta hình như không thấy chàng, trong tay cầm nửa thanh kiếm gãy lắc đầu nói: “Ngô Câu Sương Tuyết Minh là chủ, còn Do Thắng Khúc Toàn Câu là khách. Trọng khách mà khinh chủ thì không phải là chính đạo.”

Thạch Phá Thiên đứng nghe hai người tranh biện về hai chữ “chủ khách” hàng giờ nữa, không ai chịu ai, mỗi lúc một to tiếng. Chàng chẳng hiểu gì, lại đưa mắt nhìn sang hướng Tây, thấy một đôi nam nữ đang tỉ kiếm.

Hai người này ra chiêu rất chậm rãi, chiêu nào cũng thử đi thử lại. Có lúc nam nhân ngừng tay ngoẹo đầu suy nghĩ, có lúc nữ nhân sử tới sử lui một chiêu kiếm đến tám chín lần. Xem chừng hai người này nếu không phải là vợ chồng thì cũng là anh em hay bạn đồng môn, vì họ có vẻ rất thân thiết với nhau, đồng tâm hiệp lực để nghiên cứu võ học, tuyệt không tranh chấp nửa lời.

Thạch Phá Thiên bụng bảo dạ: “Ta theo hai người này mà học, chắc có thể học được kiếm pháp tinh diệu hơn.” Chàng liền từ từ tiến lại gần.

Bỗng thấy nam nhân dừng tay một chút rồi vận khí phóng kiếm xéo ra, nhưng mới phóng ra nửa chừng lại thu về, lắc đầu một cái tỏ vẻ chán nản rồi thở dài nói: “Rút cục vẫn không đúng.”

Nữ nhân liền an ủi: “Viễn ca! So với năm tháng trước, chiêu này đã tiến bộ rất nhiều. Chúng ta thử nghĩ lại câu chú thích này: “Ngô câu là thanh bảo đao của Ngô Vương Hạp Lư”. Bảo đao của Ngô Vương Hạp Lư có chỗ nào khác biệt với bảo đao của người khác?”

Nam nhân thu trường kiếm về, đọc bài chú giải trên vách: “Sách Ngô Việt Xuân Thu chép rằng: “Hạp Lư đã có bảo kiếm Mạc Tà, còn ra lệnh cho người trong nước đúc ngô câu bằng vàng, ai làm tốt sẽ được thưởng trăm lạng vàng. Người Ngô làm câu rất nhiều, có kẻ tham được nhà vua trọng thưởng nên giết hai đứa con lấy máu pha với vàng, làm được đôi câu dâng lên Hạp Lư”. Thiên muội! Câu chuyện này thật là tàn nhẫn. Ai lại giết hai con của mình vì tham trăm lạng vàng thưởng bao giờ?”

Nữ nhân nói: “Muội đoán, không chừng hai chữ “tàn nhẫn” là yếu quyết của chiêu này. Tức là phải hạ thủ quyết liệt không nhân nhượng chút nào, dù chính con mình sinh ra cũng phải giết chết. Nếu không thế thì bài chú thích trên vách lại dẫn câu chuyện đó làm chi?”

Thạch Phá Thiên thấy nữ nhân này tuổi trạc tứ tuần, dung mạo rất thanh tú, nhưng nói đến chuyện ta giết con một cách thản nhiên, hoàn toàn không lộ vẻ trắc ẩn. Chàng phát sinh chán ghét không muốn nghe nữa, ngẩng lên nhìn vách đá thấy trên đó khắc đầy những chữ. Trong cả trăm ngàn nét chữ đó có khoảng hai ba chục nét vẽ rất giống thanh trường kiếm. Những thanh kiếm này hoặc ngang, hoặc thẳng, hoặc như dấu phẩy, hoặc như nét mác. Trong mắt những người biết chữ thì đó chỉ là một nét trong một chữ mà thôi, nhưng Thạch Phá Thiên không biết chữ nên chàng lại nhìn thấy chúng giống như kiếm dài kiếm ngắn, có thanh hướng lên, có thanh hướng xuống, có thanh như đang cất mình bay lên, có thanh lại như đang bằng băng rơi xuống.

Thạch Phá Thiên bắt đầu ngắm nghía từng thanh một. Khi chàng xem đến thanh kiếm thứ mười hai thì đột nhiên huyệt Cự cốt ở vai phải nóng ran, một luồng nhiệt khí rần rần phát khởi bên trong. Chàng nhìn sang thanh kiếm thứ mười ba, luồng nhiệt khí thuận theo kinh mạch chuyển tới huyệt Ngũ Lý. Xem đến thanh thứ mười bốn, luồng nhiệt khí chuyển vào huyệt Khúc Trì. Luồng nhiệt khí mỗi lúc một nóng lên, từ huyệt Đan Điền bốc lên không ngớt.

Thạch Phá Thiên rất lấy làm kỳ lạ, bụng bảo dạ: “Từ khi ta theo những đồ hình kinh mạch trên tượng gỗ mà rèn luyện, nội lực tăng tiến rất mau, nhưng chưa bao giờ nhanh chóng như lần này. Trong người ta giống như có lửa cháy, không chừng chất độc trong chén cháo Lạp Bát đã bắt đầu phát tác.”

Chàng nghĩ tới bát cháo xanh lè kịch độc đó thì không khỏi sợ hãi, nhưng cứ tiếp tục xem những hình kiếm vẽ trên vách đá. Nội lực cũng theo đó mà chuyển vận, luồng nhiệt khí trong bụng từ từ chuyển vận qua các huyệt đạo trong nội thể.

Thạch Phá Thiên bắt đầu xem lại từ thanh kiếm thứ nhất, rồi tuần tự xem tiếp xuống dưới. Luồng nội lực cứ ào ạt như nước sông, thuận đường mà chuyển vận. Chàng xem từ đầu cho đến thanh kiếm thứ hai mươi bốn, thì luồng nội lực phát khởi từ huyệt Nghinh Hương đã vận hành đến huyệt Thương Dương.

Thạch Phá Thiên nghĩ bụng: “Té ra hình những thanh kiếm này có liên quan đến việc tu luyện nội lực. Đáng tiếc là mình không hiểu những chữ trên vách, nếu biết thì cứ theo đúng phép mà luyện tập, lo gì chẳng học được một môn kiếm pháp ra trò? Chi bằng ta trở về phòng đầu, tìm Bạch gia gia để xin người cắt nghĩa cho nghe.”

Chàng liền chạy về phòng thứ nhất, đã thấy Bạch Tự Tại và Ôn Nhân Hậu mỗi người cầm một thanh kiếm gỗ, thi triển một chiêu lại tranh luận một hồi. Có lúc hai lão lại chỉ trỏ lên những chữ trên vách đá, lão nào cũng cố bảo vệ ý kiến của mình mà chỉ trích chỗ lầm lẫn của đối phương.

Thạch Phá Thiên kéo tay áo Bạch Tự Tại hỏi: “Gia gia! Những chữ này nói gì vậy?”

Bạch Tự Tại giải nghĩa cho chàng nghe mấy câu. Ôn Nhân Hậu liền nói xen vào: “Sai rồi! Sai rồi! Bạch huynh! Võ công Bạch huynh tuy cao thâm thật, nhưng ta ở đây đã mười mấy năm, chẳng lẽ mười năm công phu này là uổng phí? Có những chỗ ta tâm đắc mà huynh chưa lĩnh hội được.”

Bạch Tự Tại nói: “Học võ cũng giống như tu thiền của nhà Phật, mười năm khổ công tu luyện chưa chắc đã bằng một đêm hoát nhiên đại ngộ. Ta cho là câu này phải hiểu như thế mới đúng…”

Ôn Nhân Hậu lắc đầu lia lịa nói: “Không phải như thế!”

Thạch Phá Thiên nghe Bạch Tự Tại cùng Ôn Nhân Hậu tranh chấp không dứt, nghĩ bụng: “Những văn tự chú giải trên vách khó hiểu đến thế ư? Vừa rồi Long đảo chúa đã nói, họ đã mời không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm tới đây, trong số đó rất nhiều người học vấn uyên thâm, bàn cãi mấy chục năm trời mà chưa đưa ra được kiến giải. Ta một chữ cũng không biết, hà tất phải khổ công suy nghĩ cùng họ cho uổng phí.”

Trong nhà thạch thất, vô số người đi đi lại lại không ngớt. Đầu này một tốp, đầu kia một đám, chỗ nào cũng nghị luận gay go sôi nổi. Ai nấy đều phô bày ý nghĩ của mình, tự cho là phải. Chàng muốn kiếm một người nói chuyện cho đỡ buồn cũng không được, cảm thấy bơ vơ lạc lõng, liền bỏ đi xem những đồ hình trên vách đá.

Chàng tiếp tục quan sát hai mươi bốn thanh kiếm trong gian thạch thất thứ hai, thì phát giác ra phương vị cùng hình trạng các thanh kiếm hoàn toàn tương hợp với vị trí và đường lối vận chuyển của kinh mạch trong nội thể mình.

Bức đồ hình ở gian thứ nhất vẽ một chàng thanh niên thư sinh, ngoài ra không có gì nữa. Chàng xem một lúc, bỗng thấy tư thế phất tay áo của người trong đồ hình đó xem rất ung dung đẹp mắt. Bất giác chàng nhìn lại mấy lần, đột nhiên cảm thấy huyệt Uyển Mạch ở hông phải mình rung chuyển, phát sinh một luồng nhiệt khí đi theo Túc Thiếu Dương Đảm Kinh, hướng vào hai huyệt Nhật Nguyệt và Kinh Môn.

Thạch Phá Thiên mừng thầm, xem lại tỉ mỉ thì thấy những nét vẽ cấu tạo nên y phục, nét mặt và cây quạt của người trong đồ hình, nét nào cũng có liên quan tới nhau. Chàng liền thuận chiều nhìn xuống, thì quả nhiên nội lực trong nội thể cũng chuyển vận theo đường dây đó. Chàng liền nghĩ bụng: “Bút pháp trong họa đồ này phù hợp với kinh mạch trong thân thể, chẳng qua là chuyện rất đơn giản, ai cũng hiểu được. Còn những võ học cao thâm hơn thì mình không lĩnh hội được. Ngày trước những khi rảnh việc, mình đã đem những pho tượng gỗ ra luyện công theo nét vẽ trên người gỗ, thì bây giờ mình cũng theo đồ hình mà luyện một chút công phu thô thiển cho vui, đợi gia gia lĩnh hội được võ công thượng thừa rồi sẽ cùng nhau rời đảo trở về.”

Nghĩ vậy, chàng liền tìm đến chỗ bắt đầu nét bút, rồi luyện theo thứ tự. Bút pháp trên đồ hình này có nhiều chỗ khác với bút pháp thông thường. Nét bút thuận nghịch dị thường, có lúc đi từ dưới lên trên, lại có lúc đi từ phải sang trái, khác hẳn với nét bút viết vẽ thông thường trong sách vở cùng họa đồ ở nhân gian.

May ở chỗ Thạch Phá Thiên chưa học viết chữ bao giờ. Nên biết, bất luận là viết chữ hay vẽ tranh thì nét bút cũng đưa từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, chỉ có nét móc nét hất là đưa từ dưới lên trên, từ phải sang trái. Trong đồ hình này lại có những nét sổ từ dưới lên trên, nét hoành từ phải sang trái, những nét móc ngược từ trái sang phải cũng rất nhiều, ngược hẳn với sách vở bình thường. Nhưng chàng chẳng thấy gì là lạ, cứ theo đó mà luyện, giống như là một đứa trẻ mới bắt đầu tập viết mấy ngày, không biết là mình đang viết xuôi hay ngược nữa.

Những nét bút trên đồ hình, kể cả thuận lẫn nghịch là chín lần chín tám mươi mốt nét. Thạch Phá Thiên luyện được hơn ba mươi nét thì bụng đã đói meo. Chàng thấy bốn góc thạch thất bày đủ thứ bánh trái và trà nước, liền tới ăn trước rồi ra ngoài đi đại tiểu tiện. Rồi chàng lại trở vào phòng, chiếu theo những đường lối trên nét bút mà luyện tập. Trong thạch thất đèn đuốc sáng trưng, chàng cứ mệt thì ngồi tựa vào vách mà ngủ, đói lại lấy bánh mà ăn.

Thạch Phá Thiên không hiểu mình đã luyện mất bao nhiêu thời gian, thuộc lòng hết tám mươi mốt nét bút trên đồ hình thứ nhất. Chàng liền đi kiếm Bạch Tự Tại thì không thấy lão ở trong thạch thất đó nữa.

Thạch Phá Thiên hơi sợ hãi, bèn la gọi: “Gia gia! Gia gia!” Chàng hộc tốc chạy sang gian thạch thất thứ hai, nhìn vào thì thấy Bạch Tự Tại tay cầm kiếm gỗ, đang đấu cùng một vị đạo sĩ già, mặt mũi hồng hào như trẻ nít, mà mái tóc đã bạc phơ. Kiếm pháp hai người mới nhìn thì non nớt vụng về, nhưng hai thanh kiếm đều rút lên veo véo. Đúng là hai người đã dồn nội lực thượng thừa vào kiếm chiêu của mình.

Bỗng nghe vù một tiếng, thanh kiếm gỗ trong tay Bạch Tự Tại văng đi mất, còn thanh kiếm gỗ trong tay lão đạo sĩ lại gãy đôi. Hai người đồng thời lui lại hai bước.

Lão đạo sĩ kia mỉm cười nói. “Uy Đức tiên sinh được trời phú cho thần lực. Lão đạo này phải chịu hạ phong rồi, nhưng chúng ta đang tỉ thí kiếm pháp chứ không phải tỉ thí nội lực.”

Bạch Tự Tại nói: “Ngu Trà đạo trưởng! Kiếm pháp của đạo trưởng so với tại hạ còn cao minh hơn nhiều, tại hạ rất khâm phục. Nhưng đó là võ học truyền đời của phái Võ Đang, chứ không phải là môn kiếm pháp chú thích trên vách đá này.”

Ngu Trà đạo trưởng lại cười, gật đầu nói: “Theo ý Bạch tiên sinh thì sao?”

Bạch Tự Tại nói: “Trong câu Ngô Câu Sương Tuyết Minh này, chữ Minh có ý nghĩa rất sâu xa…”

Thạch Phá Thiên đi đến bên Bạch Tự Tại nói: “Gia gia! Chúng ta trở về được chưa?”

Bạch Tự Tại ngạc nhiên hỏi: “Ngươi nói gì?”

Thạch Phá Thiên nói: “Long đảo chúa đã nói, nếu chúng ta muốn về thì lúc nào cũng có thể tự do rời khỏi đảo. Ngoài bờ biển có rất nhiều thuyền bè, vậy chúng ta về được rồi.”

Bạch Tự Tại giận dữ quát: “Ăn nói bậy bạ! Sao phải gấp gáp như vậy?”

Thạch Phá Thiên thấy lão nổi giận, cũng hơi sợ bèn nói: “Bà bà đang đợi gia gia ở bờ biển. Người đã nói chỉ đợi đến mười tám tháng ba, đến ngày đó mà không thấy gia gia trở về, người sẽ nhảy xuống biển tự tử.”

Bạch Tự Tại ngẩn người ra nói: “Mười tám tháng ba ư? Chúng ta tới đây vào ngày mười tám tháng chạp, mới có mấy bữa, còn lâu, sợ gì? Thủng thẳng rồi hãy về cũng kịp.”

Thạch Phá Thiên rất lo lắng cho A Tú. Chàng nhớ lại cảnh tượng nàng đứng trên bãi biển tiễn đưa, vẻ mặt u sầu, tình cảm vô cùng thân thiết. Nếu có thể chắp cánh bay về, chắc chắn chàng sẽ bay ngay. Nhưng chàng thấy Bạch Tự Tại hoàn toàn chìm đắm vào võ học khắc trên vách đá, không hề có ý định trở về, mà cũng không thể bỏ lão lại để về một mình. Thạch Phá Thiên không dám nói gì nữa, chàng dạo bước tới gian thạch thất thứ ba.

* * *

Vừa bước chân vào thạch thất, chàng đã nghe tiếng gió ào ào rất gấp, ba lão già đang thi triển khinh công ở một tốc độ phi thường.

Ba lão này chạy nhanh đến mức cả gian thạch thất lộng gió ào ào, vừa đuổi nhau vừa chuyện trò không ngớt, giọng nói vẫn rất bình thường. Như vậy đủ thấy nội công của họ hết sức cao thâm, không vì nói chuyện mà phải bước chậm lại, hay phải thở gấp hơn.

Lão thứ nhất nói: “Bài thơ Hiệp Khách Hành là của đại thi gia Lý Bạch. Nhưng Lý Bạch là thi tiên chứ không phải kiếm tiên, làm sao trong vỏn vẹn hai mươi bốn câu thơ mà bao hàm được những đạo lý tối cao của võ học?”

Lão già thứ hai nói: “Người sáng chế ra môn võ học này phải là một đại tông sư võ học không ai sánh kịp từ cổ chí kim. Lão nhân gia chăng qua chỉ mượn bài thơ này của Lý Bạch để phô diễn võ công thần kỳ của mình mà thôi. Chúng ta cũng đừng quá chui sâu vào ngõ cụt, mãi câu nệ vào ý tứ trong bài thơ Hiệp Khách Hành này.”

Lão già thứ ba lên tiếng: “Lời nghị luận của Kỷ huynh thật sự là có lý, nhưng ta cho rằng câu Ngân Yên Chiếu Bạch Mã mà tách ra khỏi ý thơ của Lý Bạch thì không thể giải thích được.”

Lão già thứ nhất lại nói tiếp: “Đúng vậy! Chẳng những như thế, ta còn cho là phải liên hệ câu này với câu Tạp Đạp Như Lưu Tinh ở gian thạch thất thứ tư mới có thể giải thích cho đúng đắn. Chúng ta nghiên cứu võ học, không thể tầm chương trích cú để cắt nghĩa được.”

Thạch Phá Thiên thầm ngạc nhiên, tại sao ba người này đàm luận võ công mà không ngồi xuống nói chuyện, cứ đuổi nhau hoài như thế, vừa đuổi nhau vừa cãi nhau. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc là chàng hiểu rõ ngay.

Lão già thứ hai nói: “Các huynh tự cho là hiểu hai câu thơ này hơn ta nhiều. Nhưng tại sao lúc thi triển khinh công lại chẳng hơn gì, rút cuộc vẫn đuổi không kịp ta?”

Lão thứ nhất hỏi lại: “Vậy huynh có đuổi kịp ta không?” Ba người mỗi lúc một chạy nhanh hơn, vạt áo kêu phần phật. Ba người chạy vòng tròn, khoảng cách mãi không thay đổi, hiển nhiên công lực ngang nhau, chẳng ai hơn được ai.

Thạch Phá Thiên đứng xem một lúc, rồi quay đầu nhìn vào đồ hình khắc trên vách đá, thấy vẽ một con tuấn mã đang nghểnh cổ phóng nước đại, dưới vó có rất nhiều mây mù, chẳng khác gì đang bay trên trời. Chàng cứ theo biện pháp như trước mà tập trung vào con tuấn mã, thì cảm thấy khí nóng trong người bị ngừng trệ, không chuyển vận. Chàng nghĩ bụng: “Công phu trên bức vẽ này không giống như ở gian thạch thất thứ nhất và thứ hai.”

Chàng lại nhìn kỹ làn mây tỏa dưới chân ngựa, thì thấy luồng mây mù này tựa như không ngừng xô đẩy về phía trước, muốn phá tường vách bay ra ngoài. Thạch Phá Thiên xem một lúc nữa thì thấy nội lực cuồn cuộn nổi lên, không tự chủ được phải co chân mà chạy.

Chàng chạy quanh một vòng rồi nhìn lại làn mây tỏa trên vách, lại cảm thấy nội lực trong người xô đẩy rần rần, phải chạy quanh một vòng nữa. Vì chàng chưa từng học khinh công nên chân bước loạng choạng, người xiêu vẹo như say rượu, chạy chậm hơn ba lão già kia nhiều. Ba lão đó chạy được bảy tám vòng thì chàng mới chạy hết một vòng.

Bên tai chàng nghe văng vẳng tiếng ba lão kia mỉa mai: “Gã thiếu niên này ở đâu đến thế? Gã cũng học đòi chúng ta mà chạy. Ha ha, gã chạy giống cái gì nhỉ?”

Một lão nói: “Khinh công gã như vậy mà cũng đòi nghiên cứu võ công trên vách đá! Ha ha!”

Lão khác nói: “Người ta luyện bộ pháp giống như Túy Bát Tiên đã là cao minh lắm rồi. Chú em này lại giống đến Túy Cửu Tiên mới thật buồn cười.”

Thạch Phá Thiên thẹn quá, mặt đỏ ra đến mang tai, bèn dừng bước lại. Nhưng chàng vừa đưa mắt nhìn lên vách đá lại không nhịn được nữa, co giò chạy tiếp. Chạy được tám chín vòng thì tâm trí chàng để hết vào làn mây trên vách đá, cố nhớ lấy hình trạng. Ba lão già kia vẫn đem chàng ra làm trò cười, buông lời chế giễu, nhưng chẳng câu nào lọt vào tai chàng nữa.

Không hiểu Thạch Phá Thiên chạy được bao nhiêu vòng rồi, hình trạng đám mây trên vách đã ghi nhớ hết vào lòng, chàng mới dừng bước. Ba lão già bỏ đi lúc nào chàng cũng không hay. Bây giờ bên cạnh chàng lại xuất hiện bốn người khác tay cầm binh khí, đang mô phỏng tư thế ngựa phi vẽ trên vách đá mà chiết chiêu với nhau.

Bốn người này tỉ đấu ra vẻ hung hãn, miệng cứ tụng niệm gì đó, hình như là những câu chú giải ghi trên vách đá. Một người nói: “Ánh ngân quang rực rỡ, yên ngựa vững vàng.”

Một người khác nói: “Chiếu bạch, đã gọi là chiếu thì phải từ trên hướng xuống dưới, bạch tức là trong trắng thâm sâu.”

Người khác nói: “Thiên mã hành không, chớp mắt đã đi xa ngàn dặm.”

Người thứ tư lại nói: “Lý Thương Ẩn nói “Tay là thiên mã, tâm là quốc đồ”. Vận Phủ nói: “Đạo gia dùng tay làm thiên mã”. Thế thì thiên mã là tay, không phải là con ngựa thật.”

Thạch Phá Thiên nghĩ bụng: “Những khẩu quyết này cực kỳ huyền diệu sâu xa, mình thật sự không thể nào hiểu rõ được. Họ đã ở đây luyện kiếm ít ra là mười năm, mà nhiều là tới ba chục năm. Mình làm gì có thì giờ ở đây lâu như họ, thôi thì chỗ nào cũng xem qua một lượt cho biết.” Chàng liền qua gian thạch thất thứ tư, trên vách đá có đồ hình câu Tạp Đạp Như Lưu Tinh. Chàng cứ theo đồ hình để luyện tập.

* * *

Bài Hiệp Khách Hành gồm hai mươi bốn câu, thì ở đây cũng có hai mươi bốn gian thạch thất cùng đồ giải chú thích. Thạch Phá Thiên đi từ gian này sang gian khác, vì không biết chữ ghi trên vách đá, đành xem theo họa đồ mà luyện tập nội công cùng võ thuật.

Trong câu thứ năm là Thập Bộ Sát Nhất Nhân, thứ mười là Thoát Kiếm Tất Tiền Hoành, mười bảy là Cứu Triệu Huy Kim Trùy, mỗi câu là một loại kiếm pháp. Câu sáu là Thiên Lý Bất Lưu Hành, câu số bảy Sự Liễu Phất Y Khứ, câu số tám Thâm Tàng Thân Dữ Danh, mỗi câu là một loại khinh công. Câu số chín Nhàn Quá Tín Lăng Ẩm, số mười bốn Ngũ Nhạc Đảo Vi Khinh, số mười sáu Túng Tử Hiệp Cốt Hương thì mỗi câu là một loại chưởng pháp. Câu số mười ba Tam Bôi Thổ Nhiên Nặc, câu số mười tám Ý Khí Tố Như Sanh, câu số hai mươi Huyền Hách Đại Lương Thành là những công phu dạy phép vận khí luyện công.

Thạch Phá Thiên có lúc học rất mau, một ngày được hai ba môn, nhưng có khi đến mười bảy mười tám ngày cũng chưa xong một môn. Chàng chuyên tâm về võ học, hoàn toàn quên cả thời gian. Không biết đã mất bao nhiêu ngày, chàng đã luyện hết đồ hình trên vách đá ở hai mươi ba gian thạch thất.

Mỗi khi chàng học xong một đồ hình, tâm thần bình tĩnh, lại đến giục Bạch Tự Tại ra về. Nhưng Bạch Tự Tại đã luyện được khá nhiều võ học ghi trên vách đá, càng ngày càng đi vào chỗ say mê. Hễ lão thấy Thạch Phá Thiên đến thúc giục là ngoác miệng ra mà thóa mạ, bảo chàng là quấy nhiễu làm rối loạn tâm thần, trở ngại đến việc nghiên cứu võ công, về sau thấy chàng đến là lão vung quyền đánh luôn, không cho chàng đến gần nói chuyện.

Thạch Phá Thiên không làm sao được, bèn đi tìm bọn Phạm Nhất Phi, Cao Tam nương tử để bàn tính với họ. Chẳng ngờ bọn này cũng đang si cuồng, tâm thần chìm đắm cả vào võ học trên vách đá. Họ tranh nhau níu kéo chàng mà nói yếu quyết câu này ở chỗ nào, câu kia chú giải thế nào mới phải.

Thạch Phá Thiên kinh hãi nghĩ thầm: “Té ra hai vị Long Mộc đảo chúa mời cao nhân võ lâm đến đây nghiên cứu võ học, thật sự ai cũng được tự do ra về, nhưng ba mươi năm nay chẳng một người nào chịu rời khỏi đảo. Thế thì đủ biết những môn võ học trên vách đá này thật sự làm cho người ta say mê quá đỗi. May mà võ công mình kém cỏi, lại không biết chữ nghĩa, nên không đến nỗi chìm đắm vào như họ.”

Bọn Phạm Nhất Phi vì lòng tốt mà muốn giải thích văn tự trên vách đá cho chàng hiểu, nhưng chàng chỉ nghe qua quít mấy câu rồi kiếm cớ bỏ đi, không dám quay đầu lại. Chàng còn cố mau mau quên đi những lời chú giải đó, không dám nghĩ tới nữa.

Thạch Phá Thiên bấm đốt tay mà tính, thì ra đã ở Hiệp Khách Đảo hơn hai tháng rưỡi rồi, chỉ còn mấy hôm nữa là phải khởi hành ra về. Chàng nghĩ bụng: “Trong hai mươi bốn gian thạch thất này, ta đã xem được hai mươi ba rồi. Còn gian cuối cùng mình thử vào xem, chắc phải mất một hai ngày, còn nếu đồ hình quá khó khăn thì ta cũng chẳng học được nữa. Nếu gia gia nhất định không chịu đi, thì ta cũng phải về trước, đem tình hình trên đảo nói cho Sử bà bà cùng mọi người biết để họ yên tâm. Gia gia ở lại trên đảo để luyện công, hoàn toàn không có nguy hiểm chi hết.” Nghĩ vậy, chàng liền đi đến gian thạch thất thứ hai mươi bốn.

* * *

Chàng vừa bước vào đã thấy Long đảo chúa cùng Mộc đảo chúa đang ngồi xếp bằng trên đệm gấm, quay mặt vào vách đá, ngưng thần suy nghĩ ra chiều cực nhọc. Thạch Phá Thiên rất tôn kính hai lão này, chàng đứng tận ngoài xa không dám tới gần. Lúc đưa mắt lên nhìn vách đá, chàng hết sức thất vọng.

Hai mươi ba gian thạch thất kia đều có đồ hình trên vách đá, chỉ riêng gian sau cùng chỉ khắc văn tự chứ không có họa đồ. Thạch Phá Thiên nghĩ bụng: “Trong này đã không có đồ hình, thì còn gì để ta xem? Thôi thì ta đi nói với gia gia, rồi hôm nay ra về thôi.” Chàng nghĩ tới mấy ngày nữa sẽ được gặp A Tú, Thạch Thanh, Mẫn Nhu, trong lòng vui mừng khôn tả.

Chàng liền khom lưng hướng về Long Mộc đảo chúa lạy mấy lạy rồi nói: “Được hai vị đảo chúa khoản đãi, cho xem võ công trên vách đá để mở mang kiến thức, tiểu nhân cảm tạ vô cùng. Hôm nay tiểu nhân xin cáo từ.”

Long, Mộc hai vị đảo chúa vẫn chăm chú nhìn vào vách đá mà xuất thần, dường như chẳng nghe chàng nói, chẳng thấy chàng bái lạy. Thạch Phá Thiên biết trong lúc tu luyện võ học cao thâm, ai cũng phải tập trung tinh thần chăm chú, nên chàng cũng không trách cứ gì. Chàng liền hướng mắt nhìn lên vách đá một lúc, đột nhiên thấy văn tự trên vách đá dường như đang nhảy múa quay cuồng, bất giác cảm thấy chóng mặt.

Thạch Phá Thiên ráng trấn tĩnh tâm thần, nhưng nhìn lại những chữ trên vách đá thì lại thấy đầu váng mắt hoa. Chàng bèn nhìn ra chỗ khác, tự hỏi: “Chữ gì mà kỳ vậy? Hễ nhìn vào lại choáng váng đầu óc là nghĩa làm sao?” Chàng động tính hiếu kỳ, không dằn lòng được, lại quay vào giương mắt lên nhìn, thì thấy vô số nét bút trên vách đá tựa như đều biến thành những con nòng nọc đang nhúc nhích chuyển động. Nhưng nếu chỉ chăm chú nhìn một nét bút, thì con nòng nọc đó lại không chuyển động nữa.

Thuở nhỏ Thạch Phá Thiên phải sống một mình ở chốn hoang sơn. Đến mùa xuân, chàng thường vào khe núi bắt rất nhiều nòng nọc rồi nuôi ở những cái ao trên núi, đợi chúng mọc chân đứt đuôi biến thành ếch nhái, nhảy ra khỏi vũng kêu ồm ộp, inh ỏi cả một vùng sơn cước cho đỡ tịch mịch. Lúc này chàng tưởng như gặp bạn trong hồi thơ ấu, cũng thấy vui vẻ.

Chàng chú ý nhìn kỹ hình trạng từng con nòng nọc, chỉ thấy vô số nòng nọc đang bơi hoặc là lên trên hoặc là xuống dưới, tư thế mỗi con khác nhau thật là thú vị. Chàng xem một hồi, cảm thấy nội tức nhảy nhót ở huyệt Chí Dương sau lưng, bỗng nghĩ: “Thì ra những con nòng nọc vùng vẫy bơi lượn trên vách đá kia lại có liên quan đến nội khí.”

Chàng lại xem đến con nòng nọc khác thì huyệt Huyền Khu ở sau lưng lại nảy lên. Sau đó bỗng nội khí lan từ huyệt Chí Dương đến huyệt Huyền Khu, nối thành một sợi dây. Chàng nhìn sang con thứ ba thì luồng nội khí không thấy động tĩnh gì.

Đột nhiên chàng nghe một giọng bình thản lên tiếng: “Thạch bang chúa đang chú tâm đọc pho Thái Huyền Kinh, thì ra là một nhà học vấn uyên thâm, tinh thông cả Khoa Đẩu Văn Tự.”

Thạch Phá Thiên ngoảnh đầu lại, thấy cặp mắt sáng như điện của Mộc đảo chúa đang chăm chú nhìn mình. Chàng không khỏi đỏ mặt lên, vội đáp: “Tiểu nhân không biết chữ nào, chỉ thấy những con nòng nọc này thú vị, nên xem chơi một lúc mà thôi.”

Mộc đảo chúa gật đầu nói: “Thế thì phải rồi! Pho Thái Huyền Kinh này viết bằng lối cổ tự gọi là Khoa Đẩu Văn. Ta đang ngạc nhiên, Thạch bang chúa còn trẻ mà hiểu được lối chữ cổ xưa như vậy, thì phải là bậc kỳ tài hiếm thấy.”

Thạch Phá Thiên bẽn lẽn nói: “Nếu vậy tiểu nhân xin rút lui, không dám quấy nhiễu hai vị đảo chúa nữa.”

Mộc đảo chúa nói: “Bang chúa bất tất phải đi, cứ ở đây mà xem cũng chẳng hề chi, không phiền gì đến chúng ta đâu.” Lão nói xong, nhắm hai mắt lại.

Thạch Phá Thiên cũng muốn bỏ đi, nhưng lại sợ làm Mộc đảo chúa phật ý. Chàng định xem một lúc nữa rồi sẽ đi ra. Ngờ đâu chàng vừa nhìn tiếp lên mấy con nòng nọc trên vách đá, thì đột nhiên huyệt Trung Chú dưới bụng nảy lên một cái rất mạnh, khiến cho toàn thân chấn động. Chàng lẩm bẩm: “Mấy con nòng nọc này thật là cổ quái, chưa biến thành ếch nhái mà đã nhảy loạn lên.”

Bất giác tính trẻ nít lại nổi lên, chàng lần lượt ngắm nhìn từng con nòng nọc một, cho những huyệt đạo trong người lần lượt rung động, cảm thấy rất thích thú. Trên vách đá kể có đến hàng ngàn, hàng vạn con nòng nọc nhỏ, có lúc nội khí ở hai huyệt đạo nối thông được với nhau thì toàn thân cảm thấy rất khoan khoái.

Chàng thích thú quá, quên cả những câu Mộc đảo chúa vừa nói, bèn đi tìm những con nòng nọc thích hợp để những luồng nội khí ở huyệt đạo trong người mình thông được với nhau. Nhưng trên vách đá có không biết bao nhiêu là nòng nọc, mà muốn cho mấy trăm huyệt đạo liền lạc với nhau thành một luồng nội khí thông suốt toàn thân thì đâu phải chuyện dễ dàng?

Trong thạch thất này không nhìn thấy ánh mặt trời, chỉ có đèn lửa, dĩ nhiên chàng chẳng biết ngày đêm là gì, chỉ khi nào thấy bụng đói thì lấy mì mà ăn. Thạch Phá Thiên từ lúc vào thạch thất này đã ăn đến bảy tám bữa, những huyệt đạo trong người thông suốt nhau đã được khá nhiều.

Chàng tưởng chừng như những con nòng nọc nhỏ xíu kia cứ từng con một di chuyển dần vào các kinh mạch trong người chàng, tựa như chúng đã biến thành những con ếch nhỏ đang nhảy nhót trong tứ chi xương cốt. Thạch Phá Thiên vừa thích thú lại vừa kinh hãi, chỉ những chỗ huyệt đạo đã thông liền nhau thì luồng nội khí mới yên tĩnh lại một chút. Nhưng huyệt đạo này vừa bình ổn lại, thì huyệt đạo khác lại xôn xao.

Chàng như người đang mơ ngủ hay người bị ma ám, cứ ngưng thần nhìn vào văn tự trên vách đá. Chỉ khi nào mỏi mệt quá không chịu được nữa, chàng mới tựa lưng vào vách đá mà ngủ thiếp đi, vừa tỉnh dậy là cặp mắt lại bị hàng vạn con nòng nọc trên vách đá hút chặt vào.

Cứ si mê như thế, đói thì ăn, mệt thì ngủ, còn bao nhiêu thời gian chàng cứ chăm chú nhìn những con nòng nọc nhỏ đó. Có lúc chàng cũng thấy Long Mộc đảo chúa đưa mắt nhìn mình, mục quang rất kỳ lạ, chàng cũng thấy hơi xấu hổ, nhưng chỉ chốc lát là lại không để ý gì đến nữa.

Không biết đã bao lâu, Thạch Phá Thiên đột nhiên cảm thấy nội khí trong người ào ào cuộn lên, chỉ trong khoảnh khắc đã đả thông bảy tám chỗ còn tắc nghẽn. Sau cùng nội khí trong người chàng chẳng khác một con sông lớn, chảy cuồn cuộn từ huyệt Đan Điền lên Bách Hội, lại từ Bách Hội xuống Đan Điền, càng chảy càng mau.

Thạch Phá Thiên kinh hoảng không biết phải làm gì. Nhất thời chàng không có chú ý, chẳng biết làm thế nào cho được. Chàng cảm thấy khắp mọi chỗ trong người, khí lực rần rần không nơi phát tiết, tiện tay bèn phóng chưởng theo chưởng pháp Ngũ Nhạc Đảo Vi Khinh.

Chưởng lực phóng ra rồi, khí lực lại càng bồng bột. Tay phải chàng như cầm thanh kiếm vô hình, liền sử kiếm pháp Thập Bộ Sát Nhất Nhân. Tuy tay không có kiếm, mà kiếm khí lạnh ngắt cũng giàn giụa khắp gian thạch thất.

Kiếm pháp Thập Bộ Sát Nhất Nhân chưa sử hết, da thịt toàn thân chàng căng thẳng tựa như sắp nổ tung ra. Chàng không tự chủ được nữa, bỗng đưa luồng nội khí vận chuyển dọc kinh mạch theo bức đồ phổ Triệu Khách Mạn Hồ Anh. Đồng thời chàng khoa chân múa tay, tựa như người vui mừng quá đỗi, lại giống kẻ đau khổ điên khùng.

Thạch Phá Thiên vận khí theo đồ hình Triệu Khách Mạn Hồ Anh xong, tiếp tục chuyển sang đồ phổ Ngô Câu Sương Tuyết Minh. Rồi chàng không còn nghĩ ngợi gì nữa, từng bức đồ phổ trên vách đá tự nhiên lần lượt xuất hiện ra trong đầu óc. Từ bức số ba Ngân Yên Chiếu Bạch Mã đến bức số hai mươi ba Thùy Năng Thư Các Hạ, chàng thi triền ra một hơi, cứ như một môn võ công duy nhất. Lúc này bất luận là kiếm pháp hay chưởng pháp, nội công hay khinh công đều hòa hợp vào nhau thành một khối, không còn phân biệt được đâu là chưởng pháp, đâu là kiếm pháp nữa.

Lúc Thạch Phá Thiên diễn xong công phu Thùy Năng Thư Các Hạ, lập tức cảm thấy luồng nội khí vận ngược lên, liền theo câu thứ hai mươi hai Bất Tàm Thế Thượng Anh biểu diễn ngược lên tới câu số một Triệu Khách Mạn Hồ Anh. Bất giác chàng không nén nổi, hú lên một tiếng dài. Chỉ trong khoảng khắc, bao nhiêu công phu học ngày trước, bất luận là nội lực mà chàng tự tập ở mười tám pho tượng La Hán, cầm nã chàng được Đinh Đang truyền thụ, Tuyết Sơn kiếm pháp chàng thấy bọn đệ tử phái Tuyết Sơn rèn luyện cho nhau, Thượng Thanh kiếm pháp chàng được vợ chồng Thạch Thanh dạy cho, quyền pháp chưởng pháp của Đinh Bất Tứ, đao pháp của Sử bà bà, đồng thời kéo đến đảo lộn trong đầu óc chàng, tay chân múa lên loạn xạ không theo thứ tự gì cả.

Bất luận là công phu Tương Chả Đạm Chu Hợi cũng được, hay Thoát Kiếm Tất Tiền Hoành cũng được, chàng muốn thi triển môn gì tùy ý, không cần nghĩ tới nội khí, cũng chẳng cần nhớ tới chiêu thức. Hàng ngàn hàng vạn chiêu thức trên vách đá bỗng dưng từ vô thức mà phát ra không ngớt.

Thạch Phá Thiên càng diễn càng cảm thấy vui sướng, về sau chàng không nhịn được nữa, bật lên cười ha hả, buột miệng la lên: “Thật là tuyệt diệu!”

Đột nhiên chàng nghe thấy hai người hoan hô: “Quả nhiên tuyệt diệu.” Thạch Phá Thiên giật mình, dừng tay thu chiêu lại. Chàng thấy Long Mộc hai vị đảo chúa đứng trong góc thạch thất, lộ vẻ vừa kinh hãi vừa vui mừng đang chăm chú nhìn chàng.

Thạch Phá Thiên vội nói: “Tiểu nhân đã hồ đồ, xin hai vị miễn trách.” Chàng nghĩ bụng: “Phen này chắc hỏng bét rồi! Ta ở đây mà dám la hét lung tung, quấy nhiễu việc luyện công của hai vị đảo chúa.” Chàng không nén nổi, hoảng sợ vô cùng.

Hai vị đảo chúa trán toát mồ hôi đầm đìa, quần áo cũng ướt hết. Góc thạch thất chỗ hai lão đứng, nước lênh láng thành vũng. Long đảo chúa nói: “Thạch bang chúa được trời ban cho kỳ tài, thật là đáng mừng, thật là đáng mừng. Xin nhận của lão phu một lạy.”

Lão nói xong, phục xuống lạy. Mộc đảo chúa cũng sụp lạy theo.

Thạch Phá Thiên cả kinh, vội quỳ xuống khấu đầu lia lịa, trán rạp xuống đất kêu binh binh. Chàng nói: “Hai vị làm như vậy… như vậy… khách sáo, cái này… cái này… chết tiểu nhân mất.”

Long đảo chúa nói: “Thạch bang chúa… Xin… xin… đứng… đứng dậy!”

Thạch Phá Thiên đứng dậy, thấy Long đảo chúa cũng toan đứng thẳng người lên, nhưng đột nhiên lão lảo đảo người đi hai cái rồi ngồi phệt xuống đất. Mộc đảo chúa thì lấy hai tay chống xuống đất, cố gắng mãi cũng chưa đứng lên được.

Thạch Phá Thiên cả kinh nói: “Hai vị làm sao vậy?” Rồi chàng vội sang nâng đỡ Long đảo chúa ngồi dậy hẳn hoi, rồi dìu Mộc đảo chúa đứng dậy. Long đảo chúa lắc đầu mỉm cười, rồi nhắm mắt vận khí. Mộc đảo chúa chắp hai tay lại, cũng tự mình hành công.

Thạch Phá Thiên không dám quấy nhiễu, hết nhìn Long đảo chúa lại nhìn Mộc đảo chúa, trong lòng kinh nghi khôn xiết. Hồi lâu, bỗng nghe Mộc đảo chúa thở phào một cái rồi đứng phắt dậy, bước tới ôm lấy Long đảo chúa. Hai lão ôm lấy nhau phá lên cười ha hả, ra chiều hoan hỉ vô cùng.

Thạch Phá Thiên không hiểu vì lẽ gì mà hai lão lại vui mừng đến thế, nhưng không dám hỏi. Chàng thấy hai lão cười thì cũng ngớ ngẩn cười theo, nghĩ rằng đây không phải là chuyện xấu nên trong lòng cũng thấy nhẹ đi.

Long đảo chúa dựa vào vách đá từ từ đứng lên rồi nói: “Thạch bang chúa! Hai anh em lão phu mấy chục năm nay bị những mối nghi ngờ canh cánh bên lòng. Hôm nay được tôn giá phá giải, anh em ta thật là cảm kích không biết đến đâu mà nói.”

Thạch Phá Thiên lắp bắp hỏi lại: “Tiểu nhân… tiểu nhân… phá giải được cái gì?”

Long đảo chúa mỉm cười nói: “Thạch bang chúa hà tất phải khiêm nhường như vậy. Bang chúa đã hiểu thấu được những đồ giải trên vách đá về Hiệp Khách Hành này. Như vậy thì bang chúa chẳng những là người số một võ lâm hiện tại, mà ngoài bậc cao nhân tiền bối đã khắc đồ phổ lên vách đá xưa kia, e rằng cổ kim ít người bì kịp bang chúa.”

Thạch Phá Thiên hoảng sợ đáp: “Tiểu nhân không dám! Tiểu nhân không dám!”

Long đảo chúa nói: “Khoa đẩu văn tự khắc trên vách đá này, tại hạ cùng với Mộc huynh đệ mười phần chưa hiểu được một. Không biết Thạch bang chúa có chịu chỉ giáo cho bọn tại hạ hay không?”

Thach Phá Thiên nhìn Long đảo chủ rồi lại nhìn Mộc đảo chủ, thấy sắc mặt của hai lão rất thành khẩn, hình như họ sợ mình không chịu tiết lộ bí quyết ra. Chàng vội vàng nói: “Để tiểu nhân nói thật với hai vị là xong. Lúc tiểu nhân nhìn con nòng nọc này thì huyệt Trung Chú máy động một cái, xem tới con nòng nọc này thì huyệt Đại Thất lại nhảy lên.”

Chàng chỉ từng con nòng nọc mà giải thích cho hai người nghe, nói một hồi thì thấy cả hai ra vẻ mơ hồ, tựa như chẳng hiểu gì. Chàng bèn hỏi: “Tiểu nhân nói bậy bạ quá hay sao?”

Long đảo chủ nói: “Thì ra… thì ra… Thạch bang chúa xem là xem con… con nòng nọc chứ không phải xem chữ. Thế thì làm sao Thạch bang chúa hiểu được bài Thái Huyền Kinh?”

Thạch Phá Thiên đỏ bừng mặt, đáp: “Tiểu nhân từ thuở nhỏ chưa đọc sách bao giờ, thực tình một chữ cũng không biết. Nói ra thật là xấu hổ.”

Long Mộc đảo chúa kinh ngạc đến giật nảy người, đồng thanh hỏi: “Bang chúa không biết chữ ư?”

Thạch Phá Thiên lắc đầu đáp: “Tiểu nhân không biết. Khi tiểu nhân trở về Trung Nguyên, nhất định sẽ nhờ A Tú dạy cho biết chữ. Nếu không, ai cũng đều biết chữ, chỉ có tiểu nhân không biết chữ, để người ta chê cười thật là xấu hổ.”

Long, Mộc hai vị đảo chúa thấy vẻ mặt chàng thật thà, tuyệt không có ý xảo trá, thật không thể không tin. Long đảo chúa đầu óc hỗn loạn, nhìn vào vách đá hỏi: “Bang chúa đã không biết chữ, thế thì từ gian thạch thất thứ nhất cho đến gian thứ hai mươi ba, ai đã giải thích cho bang chúa nghe những chú thích trên vách đá?”

Thạch Phá Thiên đáp: “Không có ai giải thích cho tại hạ cả. Bạch lão gia gia giảng mấy câu, Phạm đại hiệp ở Quan Đông cũng giảng mấy câu mà tiểu nhân chẳng hiểu gì, nên không nghe tiếp. Tiểu nhân… tiểu nhân chỉ xem đồ hình rồi nghĩ vơ nghĩ vẩn, đột nhiên thấy những áng mây hoặc những thanh kiếm nhỏ trên đồ hình có liên quan với những luồng nhiệt khí trong nội thể mình.”

Mộc đảo chúa nói: “Bang chúa không biết chữ mà hiểu được đồ giải, chuyện này… chuyện này kể cũng lạ thật!”

Long đảo chúa nói: “Chẳng lẽ trong cõi mênh mang quả có ý trời? Hay là vị bang chúa này được trời ban cho kỳ tài?”

Mộc đảo chúa đột nhiên dậm chân nói: Tiểu đệ hiểu rồi! Tiểu đệ hiểu rồi! Đại ca! Té ra là thế!”

Long đảo chúa ngẩn người ra một chút, rồi cũng hiểu ngay. Hai lão cùng ở với nhau mấy chục năm trời, tu luyện với nhau hằng ngày, bản lãnh ngang nhau, trí lực cũng tương đương. Có điều Mộc đảo chúa vốn trầm lặng ít nói hơn, nên về ngoại giao thì lão kém Long đảo chúa một chút, nhưng ngộ tính thì lại nhanh hơn lão Long một chút. Hai người bốn bàn tay nắm chặt lấy nhau, trên sắc mặt cùng pha lẫn đau khổ với vui mừng.

Long đảo chúa quay lại nói với Thạch Phá Thiên: “Thạch bang chúa! May mà bang chúa không biết chữ nên mới phá giải được mối nghi ngờ sâu xa này, khiến anh em lão phu dù có chết cũng nhắm mắt được, không đến nỗi phải ôm hận mà chết.”

Thạch Phá Thiên, gãi đầu ngơ ngác hỏi: “Sao… sao lại chết cũng nhắm mắt được?”

Long đảo chúa khẽ thở dài rồi nói: “Té ra vô số văn tự chú thích ở đây, câu nào cũng cố ý đưa người ta vào con đường lạc lõng. Đã là người nghiên cứu đồ phổ, ai mà không cố chiêm nghiệm những câu chú giải?”

Thạch Phá Thiên kinh ngạc hỏi: “Đảo chúa nói vậy, thì ra bao nhiêu văn tự ở đây đều vô dụng cả ư?”

Long đảo chúa nói: “Chẳng những vô dụng mà còn có hại lớn là khác. Giả tỉ không có những bài chú thích này, thì hai anh em lão phu không đến nỗi phải tốn bao nhiêu tâm huyết, sức cùng lực kiệt, đau khổ mấy chục năm nay. Lẽ ra ít nhiều cũng phải có tiến triển chứ?”

Mộc đảo chúa cũng buồn rầu nói: “Thì ra bài Thái Huyền Kinh này không phải là khoa đẩu văn tự chi hết, chẳng qua… chẳng qua chỉ là những đường dây vẽ phương vị các kinh mạch mà thôi. Hỡi ôi! Uổng công bốn chục năm trời! Uổng công bốn chục năm trời!”

Long đảo chúa nói “Quả là Bạch Thủ Thái Huyền Kinh. Hiền đệ! Đầu tóc hiền đệ đã bạc trắng cả rồi!”

Mộc đảo chúa nhìn đầu Long đảo chúa, “Ồ” một tiếng. Tuy lão chẳng nói gì, nhưng trong lòng ba người đều hiểu, lão muốn nói: “Đầu tóc của đại ca lại chẳng bạc trắng rồi sao?”

Long, Mộc hai vị đảo chúa nhìn nhau buông tiếng thở dài. Cả hai bỗng lộ vẻ già nua, không còn thần thái oai nghiêm như ngày đãi cháo Lạp Bát nữa. Thạch Phá Thiên vẫn còn nhiều chỗ hoài nghi, liền hỏi: “Vị cao nhân đó đã viết rất nhiều văn tự lên vách đá, dắt người ta đi lạc đường là có mục đích gì?”

Long đảo chúa lắc đầu nói: “Mục đích của lão nhân gia thế nào, thật khó mà biết được. Có khi vị tiền bối võ lâm đó không muốn bọn hậu sinh lượm được kết quả một cách quá dễ dàng. Hoặc giả những câu chú thích là do người khác thêm vào cũng chưa biết chừng. Quá khứ đã xảy ra những gì, ai mà biết được.”

Mộc đảo chúa nói: “Cũng có khi vị võ lâm tiền bối này không ưa những người đọc sách nhai văn nhấm chữ, nên cố ý bày ra cạm bẫy này để chỉ có người thành thật trung hậu không biết chữ như Thạch bang chúa mới được hưởng.”

Long đảo chúa thở dài nói: “Dụng tâm của vị tiền bối đó quả là sâu sắc, còn ai suy đoán ra được?”

Thạch Phá Thiên thấy thần sắc hai lão lộ vẻ mệt mỏi, hùng khí tiêu tan, trong lòng chàng cũng thấy băn khoăn. Chàng liền nói: “Hai vị đảo chúa! Nếu những công phu mà tiểu nhân vừa học được là hữu dụng thật, thì tiểu nhân xin trình bày hết để hai vị hiểu rõ. Bây giờ chúng ta hãy về gian thạch thất thứ nhất để tiểu nhân nói lại từ đầu. Tiểu nhân nhất quyết không giấu giếm chút nào.”

Long đảo chúa lắc đầu, cười đau khổ nói: “Lòng thành của tiểu huynh đệ, hai người chúng ta xin tâm lãnh. Tiểu huynh đệ là người nhân hậu mới được hưởng phúc duyên này. Ngày sau tiểu huynh đệ dẫn dắt thiên hạ anh hùng, tạo phúc cho chúng sinh, thì bao nhiêu tâm huyết của hai anh em ta cũng không đến nỗi uổng phí.”

Mộc đảo chúa nói: “Đúng vậy! Những điều bí mật về đồ phổ này đã giải quyết xong, hai ta thỏa mãn tâm nguyện rồi. Dù tiểu huynh đệ luyện được, hay hai chúng ta luyện được thì cũng thế mà thôi.”

Thạch Phá Thiên chân thành nói: “Vậy để tiểu nhân đem những con nòng nọc này giải thích tường tận cho mọi người nghe, có được hay không?”

Long đảo chúa nở một nụ cười đau khổ nói: “Thần công đã có truyền nhân rồi, thì đồ phổ trên vách đá trở nên vô dụng. Tiểu huynh đệ nhìn lại mà xem!”

Thạch Phá Thiên quay lại nhìn lên vách đá, bất giác kinh hãi thất sắc. Từng mảnh đá vụn trên vách đá đang từ từ rớt xuống. Những chữ khoa đẩu chi chít trên vách đá đã mất mát nhiều, mười phần chỉ còn lại bảy tám. Chàng hoảng hốt nói: “Sao… sao lại thế này?”

Long đảo chúa đáp: “Vừa rồi tiểu huynh đệ…”

Mộc đảo chúa ngắt lời: “Vụ này để từ từ rồi hãy nói. Bây giờ chúng ta hãy ra ngoài gặp mọi người, tuyên bố việc này cái đã.”

Long đảo chúa hiểu ý ngay, liền nói: “Hay lắm! Hay lắm! Thạch bang chúa, xin mời!” Thạch Phá Thiên không dám đi trước, theo sau hai vị đảo chủ họ Long và họ Mộc ra khỏi thạch thất. Long đảo chúa triệu tập bọn đệ tử, truyền lệnh mời hết tân khách ra đại sảnh tụ hội.

Thì ra lúc Thạch Phá Thiên hiểu thấu được thần công trên vách đá, chàng không nhịn được bèn đem ra diễn thử. Long, Mộc hai vị đảo chúa vừa thấy đã kinh hãi. Long đảo chúa bèn tiến lại phóng chưởng ra thử thách. Lúc này Thạch Phá Thiên tựa hồ người bị tà ma ám ảnh, cảm thấy có người tấn công là tự nhiên phóng chưởng trả đòn.

Qua lại mấy chiêu, Long đảo chúa biết ngay là khó mà chống đỡ nổi, Mộc đảo chúa bèn tiến lên giáp công. Võ công hai lão thì hiện nay khó kiếm được một người thứ ba tương tự, nhưng cả hai lão hợp lực cũng không địch nổi Thạch Phá Thiên, vì chàng mới học được thần công.

Giả tỉ hai lão thu chiêu, thì đương nhiên Thạch Phá Thiên cũng dừng tay ngay, nhưng hai lão còn muốn thử xem cho biết uy lực võ công trên vách đá lợi hại đến mức nào. Sáu chưởng bay qua bay lại, càng đánh càng kịch liệt. Chưởng lực hai lão mãnh liệt bao nhiêu, thì Thạch Phá Thiên cũng phản kích mãnh liệt bấy nhiêu. Chưởng phong ba người liên tục quét trúng vách đá, mặt vách đá bị chấn động mạnh nên nứt ra dần.

Chỉ cần chưởng lực của Long Mộc đảo chúa cũng đủ phá hủy vách đá này, huống hồ nội lực của Thạch Phá Thiên vốn đã mạnh, lại thêm thần công mới học được. Chưởng lực của ba người đã đến mức tuyệt cao, nên vách đá bị nứt nẻ mà không vỡ ngay, chỉ từ từ rơi xuống.

Mộc đảo chúa biết trong lúc Thạch Phá Thiên thử nghiệm võ công thì chẳng khác người đang ngủ mơ, chẳng hay biết gì chuyện bên ngoài. Vì thế lão mới ngắt lời Long đảo chủ, để Thạch Phá Thiên khỏi phải hối hận vì đã vô ý làm nứt nẻ vách đá. Hơn nữa, vách đá hư hỏng là vì hai lão đã ra tay phóng chưởng trước, lỗi là của mình chứ không phải của Thạch Phá Thiên.

* * *

Ba người vào đại sảnh an tọa rồi, tân khách và bọn đệ tử lục đục kéo vào. Long đảo chúa truyền lệnh tắt hết đèn đuốc trong các gian thạch thất, mới gọi được những người quá say mê nghiên cứu võ công, không chịu ra đại sảnh hội họp.

Lúc này trong đại sảnh đầy người. Những nhân sĩ võ lâm đến Hiệp Khách Đảo trong ba chục năm nay, trừ những vị tuổi cao đã tạ thế, đều đã tập hợp đông đủ trong đại sảnh. Suốt ba mươi năm nay, những nhân vật đầu não này ngày đêm chỉ quanh quẩn lui tới trong hai mươi bốn gian thạch thất, đi qua đi lại. Đây là lần đầu tiên có cuộc tụ hội đông đảo.

Long đảo chúa sai bọn đệ tử kiểm điểm nhân số, thấy tân khách đã đến đông đủ, bèn quay lại dặn một tên đệ tử mấy câu. Tên này lộ vẻ vừa ngạc nhiên vừa kinh hãi. Mộc đảo chúa cũng khẽ dặn một tên đệ tử của lão mấy câu. Hai tên đệ tử này nghe sư phụ nói, hỏi lại cặn kẽ mọi điều, rồi mới dẫn mười mấy tên sư đệ ra khỏi sảnh đường để lo sắp đặt mọi việc.

Long đảo chúa lại gần Thạch Phá Thiên, nhỏ giọng nói: “Tiểu huynh đệ! Những chuyện vừa rồi trong thạch thất, huynh đệ đừng nói cho ai biết, cho dù là người thân cận nhất. Cũng đừng để cho người khác biết là huynh đệ đã hiểu rõ những võ công màu nhiệm trên vách đá, nếu không suốt đời sẽ gặp hoạn nạn lớn lao, phiền não vô cùng.”

Thạch Phá Thiên đáp: “Vâng! Tiểu nhân xin tuân theo lời dạy của đảo chúa.”

Long đảo chúa lại tiếp: “Người ta thường nói, lòng người khó mà ngờ được. Tiểu huynh đệ đã có thần công tuyệt thế, nếu để người khác biết được thì trên võ lâm chẳng thiếu gì người ghen ghét đố kỵ. Từ đố kỵ sẽ sinh ra thù hận, hoặc là cầu xin huynh đệ truyền thụ chỉ điểm, hoặc là ép huynh đệ tiết lộ bí mật, nếu họ không được toại nguyện thì sẽ dùng trăm phương ngàn kế để hại huynh đệ. Võ công huynh đệ tuy cao, nhưng tâm địa thực thà trung hậu, chẳng thể đề phòng cho hết được. Vì thế mà vụ này bất luận thế nào cũng đừng tiết lộ ra ngoài.”

Thạch Phá Thiên lập tức đáp: “Đa tạ đảo chúa đã dặn dò chỉ điểm. Tiểu nhân cảm kích vô cùng!”

Long đảo chúa nắm lấy tay chàng, dịu dàng nói: “Đáng tiếc là lão phu cùng Mộc huynh đệ không được xem huynh đệ thi triển thần kỹ, dương oai trên chốn giang hồ!” Dường như Mộc đảo chúa đã đoán được hai người nói gì với nhau. Lão quay lại chăm chú nhìn Thạch Phá Thiên, mục quang đầy ắp vẻ quan tâm và luyến tiếc.

Thạch Phá Thiên nghĩ bụng: “Hai vị đảo chúa thật là tốt với mình. Chuyến này mình về gặp A Tú xong, nhất quyết cùng nàng trở lại đảo bái kiến hai vị lão gia.”

Long đảo chúa dặn dò Thạch Phá Thiên xong, lại quay về chỗ ngồi. Lão nhìn quần hùng lên tiếng: “Các vị hảo bằng hữu! Chúng ta đã cùng nhau tụ hội trên đảo này bấy lâu, cũng là do phúc duyên mà gặp. Đến nay duyên phận đã hết, bây giờ là lúc phải chia tay.”

Quần hùng nghe lời tuyên bố của Long đảo chúa đều kinh ngạc hỏi nhau: “Tại sao lại thế?” “Đảo chúa đã gặp chuyện gì?” “Hai vị đảo chúa bảo gì? Chẳng lẽ chúng ta phải rời đảo mà đi hay sao?”

Giữa lúc mọi người ồn ào huyên náo, đột nhiên có những tiếng ầm ầm vọng lại. Những tiếng nổ này khủng khiếp chẳng khác trời long đất lở. Quần hùng lập tức im hơi lặng tiếng, không hiểu trên đảo đã xảy ra biến cố gì trọng đại.

Long đảo chúa nói: “Các vị bằng hữu! Chúng ta tụ hội ở đây, chỉ mong tìm hiểu được những môn võ công màu nhiệm ghi trên đồ giải Hiệp Khách Hành, nhưng tiếc là ông trời không cho chúng ta làm vậy. Đảo Hiệp Khách chỉ lát nữa sẽ chìm xuống đáy biển.”

Quần hùng kinh hãi thất sắc, nhao nhao lên, mỗi người hỏi một câu: “Tại sao lại thế?”, “Là động đất hay là núi lửa?”, “Sao đảo chúa biết?”.

Long đảo chúa nói: “Vừa rồi lão phu cùng Mộc huynh đệ thấy ngay giữa đảo này có núi lửa sắp sửa bộc phát. Khi đã bộc phát thì chỉ trong nháy mắt, toàn đảo biến thành biển lửa. Bây giờ đã nghe tiếng ầm ầm, đại họa sắp đến rồi! Các vị mau mau rời khỏi đây đi.”

Quần hùng nửa tin nửa ngờ, chẳng ai biết quyết định ra sao. Đại đa số còn luyến tiếc võ công trên vách đá, thà liều mạng ở lại đây còn hơn phải bỏ đi.

Long đảo chúa lại nói: “Nếu các vị không tin, có thể xuống thạch thất xem lại. Các gian thạch thất đều bị rung động, tường vách bị phá hủy cả rồi. Giả tỉ không có động đất, núi lửa không bộc phát, thì các vị ở lại đây cũng chẳng có việc gì để làm nữa.”

Quần hùng nghe nói vách đá bị phá hủy, ai cũng kinh hãi, tới tấp ra khỏi đại sảnh, chạy đến khu thạch thất. Thạch Phá Thiên cũng theo mọi người chạy về hướng đó, thì quả nhiên thấy các gian thạch thất chấn động xiêu vẹo, đồ hình trên vách đều bị phá hủy. Chàng biết đây là hai vị đảo chủ họ Long họ Mộc cố ý sai đệ tử phá hủy đi, bèn băn khoăn tự nghĩ: “Chỉ vì ta mà gây ra cái họa lớn này.”

Trong quần hùng cũng có người nhận xét thấy tình hình có chỗ đáng ngờ, thạch thất bị phá hủy là do tay người chứ không phải vì động đất. Người đó bèn giơ tay lên, kêu gọi quần hùng kéo về đại sảnh để chất vấn Long Mộc đảo chúa. Nhưng vừa đến cửa sảnh đường đã nghe thấy tiếng người kêu khóc om sòm, quần hùng càng lấy làm kinh dị, nhìn xem thì thấy hai vị Long Mộc đảo chúa nhắm mắt ngồi yên đó. Bọn đệ tử của hai lão vây quanh, nằm phục xuống đất vừa la vừa khóc.

Thạch Phá Thiên kinh hãi đến nỗi trống ngực đánh thình thình, tưởng chừng như trái tim sắp vọt ra miệng. Chàng rẽ đám đông, chạy lên la gọi: “Long đảo chúa! Mộc đảo chúa! Hai vị làm sao thế?” Hai người sắc mặt cứng đờ, thì ra đã tạ thế rồi.

Thạch Phá Thiên lắc đầu, quay sang hỏi Trương Tam, Lý Tứ: “Hai vị đảo chúa đang bình yên vô sự mà sao… mà sao lại chết nhanh như thế?”

Trương Tam nghẹn ngào đáp: “Hai vị gia sư trước khi quy tiên có nói là đại nguyện đã toại rồi, nhẹ nhõm rời bỏ thế gian.” Thạch Phá Thiên đau xót trong lòng, bất giác khóc rống lên.

Chàng còn chưa hiểu hết, hai vị đảo chúa sở dĩ chết đột ngột không chỉ vì tuổi già. Hai lão đã hiểu ra bí mật về võ công trên đồ hình, không còn bận bịu đến việc đời nữa. Còn một nguyên do là hai lão đã đối chưởng với chàng trong thạch thất, nội lực chàng vô cùng vô tận, mà hai lão cứ ra sức chống đỡ, sau cùng sức cùng lực kiệt rồi lâm vào tình trạng dầu cạn đèn tắt. Giả tỉ chàng biết mình có liên quan rất lớn đến cái chết của hai lão, thì chàng còn phải hối hận hơn nhiều, tự trách mình gây nên tai họa, thương tâm không biết đến đâu mà kể.

Một tên đệ tử áo vàng lau nước mắt rồi dõng dạc tuyên bố: “Quý vị tân khách! Trước khi gia sư quy tiên, có di mệnh bảo các vị gấp rút rời khỏi đảo. Bài đồng Thưởng Thiện Phạt Ác quý vị đã nhận được, sau này có khi dùng đến, xin giữ lấy đừng vứt bỏ. Khi nào các vị có việc gì khó, xin cứ đến xóm chài nhỏ ngoài bãi biển Nam Hải, anh em tại hạ sẽ đem chút sức mọn ra giúp đỡ các vị.”

Quần hùng đang lúc thất vọng cũng được một điểm vui mừng, bụng bảo dạ: “Bọn đệ tử Hiệp Khách Đảo đều là những tay bản lãnh phi thường. Nếu được họ ra tay viện trợ, dù có gặp họa lớn bằng trời cũng có thể giải quyết được.”

Một tên đệ tử áo xanh lại nói: “Ngoài bãi biển đã chuẩn bị thuyền bè đầy đủ, xin các vị cứ tự tiện khởi hành.”

Quần hùng đều tới phục lạy trước thi thể hai vị đảo chúa để bái biệt ra về. Trương Tam, Lý Tứ nắm chặt tay Thạch Phá Thiên ra chiều lưu luyến, Trương Tam nói: “Tam đệ! Hôm nay tam đệ trở về Trung Nguyên, sau này có dịp, chúng ta nhất định sẽ đến thăm tam đệ.”

Thạch Phá Thiên cáo biệt, rồi đi theo Bạch Tự Tại, Phạm Nhất Phi, Cao Tam nương tử, Thiên Hư đạo nhân ra bờ biển, xuống thuyền. Chuyến này trở về, mọi người dùng những chiếc thuyền lớn, chỉ ba bốn thuyền đã đủ đưa tất cả quần hùng rời khỏi đảo.

Thuyền nhổ neo, giương buồm ra khơi.

comments

HIỆP KHÁCH HÀNH