Hồi 2 – Hài Công Trọng Nghĩa Đâm Bạo Chúa

Hồi 2 – Hài Công Trọng Nghĩa Đâm Bạo Chúa

 

 
Hồi 2 – Hài Công Trọng Nghĩa Đâm Bạo Chúa

gười thiếu niên này vốn dòng nho sĩ, quê ở nước Hàn, họ Trương tên Lương, tự là Tử Phòng.

Tổ tiên Trương Lương năm đời làm danh sĩ nước Hàn. Từ khi Tần Thủy Hoàng diệt nước Hàn, Trương Lương đêm ngày ôm hờn vong quốc quyết chí báo thù bỏ ra nghìn nén vàng, đi khắp thiên hạ, liên kết với các dũng sĩ để bàn việc thích khách bạo chúa.
Trong lúc Trương lương đang ngẩn người, buồn thế sự thì đàng sau có một tráng sĩ chạy đến chào Trương Lương, và nói:
– Vừa rồi nghe ngài kể tội ác của Thủy Hoàng, lòng tôi bỗng dưng hậm hực. Nếu ngài muốn làm việc nghĩa cử, trừ hôn quân dâm bạo, tôi xin nguyện đem thân giúp sức.
Trương Lương thấy người ấy mình cao một trượng, tướng mạo đoan trang, biết là bậc phi thường, liền cầm tay, nói:
– Chỗ này không phải nơi thố lộ tâm tình, xin tráng sĩ về nhà tôi đàm đạo.
Tráng sĩ theo Trương Lương về nhà.
Trà nước xong, Trương Lương hỏi:
– Xin tráng sĩ cho biết quý danh?
Tráng sĩ đáp:
– Tôi họ Lê, quê ở Hải Biên nên người ta thường gọi là Thượng Hải Công. Vốn có sức mạnh, có thể cầm nổi cây chùy nặng trăm cân, tôi thường đi đây đó, vì lòng nhân trừ kẻ hống hách, bạo ngược. Nhân thấy ngài là kẻ khẳng khái đem lòng mến, chẳng hay quý hiệu là chi? Và có điều gì cần sai bảo tôi chăng?
Trương Lương nói:
– Tôi người nước Hàn, họ Trương tên Lương, năm đời nhà tôi làm khanh tướng, không may vừa rồi Thủy Hoàng diệt mất nước. Thù vong quốc chẳng lúc nào nguôi.
Nay Thủy Hoàng bạo ngược, trăm họ lầm than, tôi muốn trừ đi trước cứu thiên hạ, sau rửa quốc thù. Nếu tráng sĩ chịu giúp tôi làm việc đó, sẽ lưu tiếng lại thiên thu.
Hải Công hớn hở xua tay nói:
– Tôi nguyện tuân theo lời ngài.
Trương Lương mừng rỡ, lưu tráng sĩ Hải Công lại nhà mình rồi thám thính xem Thủy Hoàng chuyến này tuần du về lối nào.
Cách mấy hôm sau, Trương Lương được tin Thủy Hoàng qua huyện Vũ Dương, liền sai Thượng Hải Công nấp nơi một gò cao, đợi xe giá Thủy Hoàng đến, thích khách.
Tiếng trống rập rềnh từ xa vẳng đến, rồi long xa ló dạng.
Hải Công tay cầm chặt thanh chùy đứng chờ.
Tiếng bánh xe nghiến trên đường đất, qua cụm gò cao.
Nhanh như chớp, Hải Công nhảy ra, cầm chùy đánh vào long xa bể nát.
Nhưng xe nát mà Thủy Hoàng không chết!
Vì Thủy Hoàng tự biết mình có những hành động tàn bạo, sợ thiên hạ ám hại, nên đã đề phòng trước, sắm hai chiếc long xa, một chiếc để ngự lúc du hành, còn một chiếc để không, sai quân sĩ đẩy đi trước.
Thế là Trương Lương đã thất bại!
Ngự lâm quân áp lại, bắt Thượng Hải Công dẫn đến nạp cho Tần Thủy Hoàng.
Thủy Hoàng nghiến răng hét:
– Ai xui nhà ngươi làm cái việc phản nghịch đó?
Thượng Hải Công trừng mắt đáp:
– Mày là một vị hôn quân vô đạo, khắp thiên hạ đều oán hận muốn giết mày. Ta muốn vì dân trừ hại, sao mày hỏi ngu thế?
Thủy Hoàng nổi giận, truyền quân đem Hải Công ra tra tấn, quyết hỏi cho được kẻ chủ mưu.
Hải Công cười lớn, rồi đập đầu xuống đá tự vận.
Trương Lương lòng đau như cắt, dậm đất, kêu trời than:
– Trời ơi! Cái thù của nước Hàn ta biết bao giờ mới trả được. Hận quốc dân biết thuở nào nguôi. Trời nỡ dung tha một kẻ hôn quân, bạo chúa để cho muôn dân sống mãi trong lầm than sao?
Trương Lương bùi ngùi bỏ trốn sang Hạ Bì, đến trú nơi nhà Hạng Bá.
Hạng Bá là cháu Hạng Yên, trươc kia từng làm tướng nước Sở, với Trương Lương là bạn thân, nên giấu Trương Lương trong nhà không để lộ tông tích.
Khối buồn đọng mãi không tan, thỉnh thoảng Trương Lương ra ngoài dạo cảnh.
Một hôm, bóng chiều vừa xế, khóm trúc bên cầu xào xạc trước ngọn gió lê thê, Trương Lương lểnh mểnh quanh chân suối, lòng ngổn ngang trăm mối u buồn, bỗng thấy một ông già đi ngang qua cầu, làm rơi chiếc giày xuống nước rồi kêu Trương Lương nói:
– Này tiểu tử, hăy lại đây lượm chiếc giày cho ta.
Trương Lương thấy ông lão có dáng tiên phong đạo cốt, biết không phải người thường liền bước đến, cúi lượm chiếc giày trao cho ông lão rất kính cẩn.
Ông lão xỏ chân vào giày rồi lại đánh rơi xuống nước. Trương Lương nhặt, cứ thế đến ba lần.
Trương Lương vẫn với cử chỉ kính cẩn không hề tỏ ý bất mãn.
Ông lão mĩm cười nhìn Trương Lương nói:
– Thằng bé này có thể dạy được đây!
Liền chỉ vào gốc cổ thụ gần đó nói:
– Năm ngày nữa, ngươi đến gốc cây này, ta sẽ cho một vật quý! Chớ sai hẹn!
Trương Lương cúi đầu vâng mệnh.
Năm hôm sau, Trương Lương dậy sớm, y ước đến chổ gốc cây thấy ông già đã ngồi chờ sẵn nơi đó.
Ông già nhìn Trương Lương mắng:
– Ðã hẹn với kẻ trượng phu cớ sao lại đến trễ? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa, hôm đó phải đến cho sớm.
Năm hôm sau, đầu trống canh năm, Trương Lương thức dậy ra gốc cây, dè đâu ông lão lại cũng đã ngồi ở đó rồi.
Ông lão mắng:
– Sao ngươi biếng nhác như thế. Hôm nào cũng để ta phải chờ đợi? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa.
Lần này, Trương Lương không ngủ, suốt đêm ra gốc cây ngồi chờ.
Trống canh năm vừa điểm, ông lão ìểnh mểnh đến.
Trương Lương sụp lạy, nói:
– Kính thưa tiên sinh có gì chỉ dạy, xin thương tình sai bảo.
Ông lão nói:
– Ta xem tiểu tử cốt cách thanh kỳ, nếu biết dùng tuổi xanh lo việc học tâp, sau này có thể đồ vương định bá được. Nay ta cho ngươi ba quyển bí thư, trong có đủ kỳ mưu, thần toán. Dù Tôn, Ngô phục sinh chưa chắc bì kịp. Ngươi khá nhận lấy học tập, trước vì nước Hàn báo thù, sau vì thiên hạ giúp chân chúa đem lại thái bình, để khỏi phụ tình tri ngộ.
Trương Lương tiếp nhận ba quyển sách, quỳ mọp xuống đất tạ ơn, và hỏi:
– Tiểu tử muốn biết đại danh của tiên sinh, xin tiên sinh cho phép.
Ông lão nói:
– Ba năm nữa, nơi phía Ðông thành Ðại Cốc có một cái lăng của một vị đế vương, trong đó có một hòn đá vàng hoàng thạch tức là ta đó.
Trương Lưong nghe nói ngạc nhiên, ngẩng mặt lên thì ông lão đã đi đâu mất.
Trương Lương trở về nhà Hạng Bá, mở sách ra xem thấy đó là bộ “Thái Công binh pháp ” ngày đêm cố gắng học tập để đợi thời cơ.
Giữa lúc đó, Thủy Hoàng đi Ðông du, qua địa phận Từ Châu. Nơi đây hoa màu tươi tốt, cây cối khác thường.
Nhân dân trong hạt đem đến dâng cho Thủy Hoàng một cây lúa trổ ba bông.
Thủy Hoàng đắc ý, khen thưởng mọi người rồi truyền xa giá sang phía Ðông Nam, đi về huyện Bái.
Vừa đến nơi, Thủy Hoàng chợt thấy trên đỉnh núi cao, xuất hiện một vầng hào quang sáng chói.
Thủy Hoàng cau mày, gọi Lý Tư nói:
– Hào quang xuất hiện, nơi đây ắt có nhân tài. Cần phải tìm giết đi để khỏi di hại về sau.
Lý Tư tâu:
– Vân khí xuất hiện là chuyện thường, nay bệ hạ tuần du mà sai người dò thám, bắt bớ e lòng dân náo động chăng?
Thủy Hoàng nghe lời ấy, thôi không sai người dò thám bắt bớ nữa.
Một hôm, Thủy Hoàng ngự giá đến Cối Kê, dân chúng hai bên đường đều phục lạy tiếp đón.
Trong đám dân chúng ấy, bỗng có một chàng trai toan đứng dậy nhảy xổ đến đâm Thủy Hoàng.
Tuy nhiên, hành động chưa phát lộ, thì có một ông lão biết ý cản lại, kề tai nói nhỏ:
– Không nên! Ðại trượng phu phải lập nghiệp lớn, để tiếng thiên thu, lẽ nào bắt chước những tay thích khách tầm thường!
Chàng trai cho là phải, không hành động nữa.
Chàng trai ấy là Hạng Tịch, tên chữ là Vũ, quê ở Hạ Tượng, còn ông lão kia là Hạng Lương, chú của Hạng Vũ đó.
Từ thuở bé, Hạng Vũ theo nghiệp văn, nhưng văn dốt, Hạng Vũ sang nghề võ, nhưng kiếm thuật lại không lành.
Người chú là Hạng Lương thường mắng:
– Mày học hành chẳng ra sao, lớn lên chỉ là một tên côn đồ dốt nát.
Hạng Vũ nói:
– Thưa chú học chữ chẳng qua để biên chép mòn ngày, còn học kiếm chẳng qua cũng chỉ địch nổi một vài người mà thôi. Hai môn ấy không ích nên cháu không gắng.
Hạng Lương giận hỏi:
– Thế thì mày muốn học thứ gì để gọi là ích lợi?
Hạng Vũ thưa:
– Cháu muốn học nghề gì mà nhất địch vạn nhân, như thế ngày sau mới có thể đem thân ra tranh đấu với thiên hạ được.
Hạng Lương thấy cháu có y lạ liền lấy các sách binh pháp ra dạy. Môn này dạng Vũ thích học, song cũng chỉ học những cái đạicương mà thôi.
Hai chú cháu đang ôm mộng lập nghiệp thì hôm ấy Thuy Hoàng tuần du đến.
Hạng Vũ vốn ghét Thủy Hoàng dâm bạo muốn giết đi, nhưng Hạng Lương kịp cản lại.
Từ đấy hai chú cháu chu du khắp thiên hạ, chiêu tập nhân tài để mưu đồ đại sự.
Lý Tư thấy Thủy Hoàng đi đến đâu cũng gặp chuyện chẳng lành, dân chúng khiếp sợ lẩn tránh liền tâu Bệ ha. Bệ hạ tuần du đã lâu, trong thiên hạ đều biết rõ uy vũ. Xin Bệ hạ khá hồi loan sửa sang chính trị, giữ gìn biên cương để an dưỡng mình rồng, bớt điều khổ nhọc.
Thủy Hoàng suy nghĩ một lúc rồi truyền xa giá hồi loan.
Ði đến địa phận Duyên Châu trời tối, Thủy Hoàng nằm ngủ, bỗng mơ càng giấc điệp trông thấy một vị Long thần hiện đến cùng với Thủy Hoàng giao chiến, Thủy Hoàng cầm cự hồi lâu, nhắm sức không cự nổi, bõ chạy.
Chạy đến một bờ biển. nước xanh cuồn cuộn, sóng gió hải hùng. Ðang cơn nguy cấp bỗng có một con Xích long từ trên trời sa xuống, hả mồm ngoạm lấy Thủy Hoàng nuốt đi. Thủy Hoàng thất kinh, giật mình thức dậy, mồ hôi ướt cả long bào, tay chân rũ rượi.
Biết điềm mộng chẳng lành Thủy Hoàng lo lắng sinh bệnh.
Ði đến đất Sa Khâu, bệnh thế càng nặng, Thủy Hoàng liền gọi Lý Tư đến nói:
– Trẫm biết không còn sống để thụ hưởng cảnh vinh hoa nữa. Nếu vạn nhất Trẫm cố băng hà, khanh nên đến Thượng Quận đón Thái tử Phù Tô về kế vị. Như vậy thiên hạ mới mong lạc nghiệp được.
Nói xong, lại viết tờ di chúc và giao ngọc tỷ cho Lý Tư.
Lý Tư sụp lạy nhận mệnh. Thủy Hoàng nói:
– Ngươi phò Trẫm đã lâu, các việc lớn nhỏ Trẫm đều phó thác cả. Vậy phải hết lòng vì nước chớ trái lời di chúc này. Thái tử Phù Tô là người nhân ái có thể dùng đức cải oán thiên hạ được. Ta tiếc rằng đời ta đã dùng bạo lực, phương thức không hay đối với chánh sách trị nước.
Nói đến đấy, Thủy Hoàng thở hơi cuối cùng.
Lý Tư liền tẫm liệm, rồi đưa thi thể về Hàm Dương, sai người đi triệu Phù Tô về phát tang.
Triệu Cao cản lại nói:
– Không nên! Thái tử Phù Tô lâu nay không tín nhiệm bọn ta. Nếu Thừa Tướng lập Phù Tô lên ngôi chẳng những chúng ta mất chức, mà còn nguy hiểm đến tính mệnh nữa.
Lý Tư nói:
– Nhưng mệnh vua, làm trái sao đành.
Triệu Cao cười nhạt, nói:
– Ðành vậy. Nhưng giữ lời di chúc mà thân phải lụy, thà phụ lời di chúc mà giữ được địa vị còn hơn. Thừa Tướng đối với Thái tử đâu bằng Mông Ðiềm.
Lý Tư thở dài hỏi:
– Theo ý ngài nên làm thế nào?
Triệu Cao nói:
– Hãy đổi tờ di chúc, lập Công tử Hồ Hợi lên nối ngôi.
Lý Tư trầm ngâm một lúc, quyền lợi bản thân thắng đạo đức, ngẩng nhìn Triệu Cao nói:
– Vâng, tôi xin theo lời ngài.
Triệu Cao mừng rỡ, đến tìm Công tử Hồ Hợi nói:
– Nghiệp đế vương ngày nay mất còn chỉ có Công tử, Thừa Tướng và tôi định đoạt. Tiên vương di chiếu lập Thái tử Phù Tô, chúng tôi xét thấy quyền hành công tử sau này sẽ mất hết. Chúng tôi xin vì công tử, lập công tử lên kế vị.
Hồ Hợi cau mày nói:
– Ôi chao! Sao các ngài có ý nghĩ như thế? Bỏ anh lập em là trái nghĩa, bỏ lời di chúc của Tiên vương là bất trung, con không theo lời cha là bất hiếu. Kẻ đã bất trung, bất hiếu, bất nghĩa thì ai còn phục. Tôi không thể nghe theo lời các ngài được!
Triệu Cao nói:
– Ðấng trượng phu không nên câu nệ những tiểu tiết mà bỏ đại sự. Cơ hội ngàn năm một thuở. Phú quý về tay mà không tiếp nhận, dẫu sau hối hận cũng chẳng ích gì.
Hồ Hợi nghe Triệu Cao nói bùi tai, gật đầu đáp:
– Ừ! thế thì các ngài hành động cách nào tùy ý.
Triệu Cao lập tức trở về thuật lại với Lý Tư rồi đổi tờ di chúc, sai Diêm Nhạc đem chiếu giả đến Thượng Quận, bắt Phù Tô phải tự tử. Ðoạn lập Hồ Hợi lên ngôi.
Diêm Nhạc đến Thượng Quận truyền lệnh cho Phù Tô ra tiếp chiếu.
Phù Tô vội vàng ra sụp lạy.
Diêm Nhạc mở chiếu đọc rằng:
“Nhà Ðại Tần ngày… tháng… năm thứ 37.
Thủy Hoàng đế hạ chiếu:
Ðời Tam Ðại lấy hiếu trị thiên hạ, gây mối cương thường. Con không nghe cha là bất hiếu, tôi không nghe vua là bất trung. Kẻ bất trung, bất hiếu không dáng làm chủ thiên hạ.
Nay trưởng tử Phù Tô cải mệnh cha, không trọn đạo làm con. Cứ lấy tình cha con thôi có thể dung thứ được, song theo phép tổ tiên không thể khoản miễn.
Vậy chiếu lập Hồ Hợi làm Thái Tử, truất Phù Tô xuống thứ dân, trao cho một chén độc dược và một thanh gươm để tự xử lấy thân.
Còn như tướng Mông Ðiềm cầm quân cõi ngoại, không ích lợi gì cho nước, chỉ làm hao tốn muôn dân, lẽ ra phải theo pháp gia hình, nhưng vì trường thành chưa xong, tạm để cho Mông Ðiềm ở đó đôn đốc công việc.
Chiếu chỉ đến nơi, phải lập tức tuân theo. Khâm Thử.”
Phù Tô nghe xong khóc lớn, nói:
– Ôi! Vua bảo chết. Tôi không thể không tuân, cha bảo chết con không thể cải mệnh. Nay Phù Tô này xin lãnh thanh gươm và độc dược cho trọn niềm trung hiếu.
Mông Ðiềm cản lại nói:
– Xin Ðiện hạ xét lại đã. Bệ hạ sai hạ thần đem ba mươi vạn quân đóng nơi biên cương, lại sai Ðiện hạ đến làm Giám Ðốc. Ðã giao trọng trách như thế lẽ nào còn bắt chết! Tôi e trong triều có điều gì gian trá xin Ðiên hạ về triều thĩnh tội để rõ ngay gian.
Phù Tô lắc đầu, nói:
– Bình nhật phụ vương tôi ghét bỏ tôi, nay bắt chết là do thánh ý, tôi không muốn cải lời.
Nói xong, sai quân đem thuốc độc đến, uống một hơi cạn chén.
Phù Tô chết, Mông Ðiềm thương tiếc vô cùng, ôm thây khóc mãi. Ba quân ngậm ngùi rơi lệ.
Diêm Nhạc thấy Phù Tô đã chết, trở về báo với Hồ Hợi.
Hồ Hợi liền làm lễ tức vị xưng hiệu là Nhị Thế hoàng đế.
Từ đó, quyền hành trong nước về tay Lý Tư và Triệu Cao chuyên chế.
Hai người lập ra hình pháp rất nghiêm khắc, cốt trấn áp lòng dân, mưu lợi riêng, không kể đến cái hại vong quốc sau này.
Các quan đại thần trông thấy đều chán ngán, không muốn tham dự việc nước.
Vua Nhị Thế thấy Mông Ðiềm thống lãnh hơn ba vạn quân ngoài biên ải, còn thân thuộc đều ở nơi kinh thành, sợ sinh biến liền truyền chỉ đem chém hết.
Quan Ðại thần Tử Anh can:
– Tâu bệ hạ, họ Mông vốn dòng dõi đại thần, nay bệ hạ mới trị nước mà trừ bỏ đại thần e lòng dân ly tán. Xin bệ hạ dùng đức khoan hồng thay cho uy vũ để trị dân.
Nhị Thế không nghe, truyền đem tộc thuộc Mông Ðiềm giết hết.
Mông Ðiềm hay tin ấy, ngước mặt lên trời than:
– Nhà ta ba đời có công lớn với nước Tần, nay vua Tần tin dùng kẻ gian nịnh hủy hại tôi hiền. Ta cầm trong tay ba chục vạn quân, đủ sức phản lại. Nhưng thà chịu chết chứ không để làm mất tiếng trung liệt của tổ tiên.
Ðêm ấy, Mông Ðiềm uống thuốc độc tự vận.
Vua Nhị Thế nghe tin Mông Ðiềm chết, lập tức truyền chỉ ra Thượng quận bắt anh em con cháu Mông Ðiềm đày qua Thục quận.
Bình nhật, Triệu Cao và Lý Tư chỉ sợ có Phù Tô và Mông Ðiềm, nay hai người ấy đều chết cả, nên không còn kiêng nễ ai nữa.

Hán Sở Tranh Hùng