Hồi 136: Chịu bị thương cho sư muội vui lòng

Hồi 136: Chịu bị thương cho sư muội vui lòng

Xưa nay, Mạc Đại tiên sinh đều định trước mọi chuyện rồi mới hành động, tôn chỉ “Tỉ kiếm đoạt soái” đã quyết, thì lão đã trù tính được đối sách. Lão tuyệt không có chút ý niệm muốn làm chưởng môn Ngũ Nhạc phái vì lão tự biết không phải là địch thủ của Tả Lãnh Thiền và Lệnh Hồ Xung, nhưng thân làm chưởng môn Hành Sơn, không thể co đầu rút cổ như quân rùa đen. Lão giận Ngọc Cơ Tử đã làm chuyện tác tệ, bức hại Thiên Môn đạo nhân, vốn đã muốn liều mạng với đạo nhân này. Nào ngờ ba đạo nhân Thái Sơn vừa bước ra trường đấu đã lần lượt bị thương hết, cho nên đối thủ còn lại của lão chỉ có Nhạc Bất Quần. Lão ở trong chùa Thiếu Lâm đã thấy võ công của Nhạc Bất Quần, lão cũng không đến nỗi thua Nhạc Bất Quần, nhưng người lên động thủ lại là con gái của Nhạc Bất Quần. Nhạc Linh San lại sử kiếm pháp phái Hành Sơn, lão đã giật mình. Cô ta sử ra chiêu Nhất chiêu bao nhất lộ tối thượng thừa trong Hành Sơn kiếm pháp lại khiến lòng lão thêm kinh hãi, hoảng sợ, nghi hoặc.

Sư tổ và sư thúc tổ của Mạc Đại tiên sinh năm xưa đấu với mười trưởng lão Ma giáo trên tuyệt đỉnh Hoa Sơn đều táng mạng hết. Lúc đó sư phụ của Mạc Đại tiên sinh còn trẻ, năm đường kiếm pháp Phù Dung, Tử Cái… đều đã học hết, nhưng chiêu Tuyền minh Phù Dung, Hạc tường Tử Cái trong Nhất chiêu bao nhất lộ lại chỉ biết đại khái thôi. Mạc Đại tiên sinh đương nhiên cũng chưa được sư phụ chỉ điểm cặn kẽ. Nào ngờ bây giờ một cô nương trẻ tuổi của phái khác sử ra. Hai chiêu đó Nhạc Linh San chỉ đạt được hình thức chứ chưa thể hiện được tinh thần, nếu không, trong lúc Mạc Đại tiên sinh hoang mang thì chiêu thứ hai đã đánh bại lão rồi.

Lão không dễ dàng đỡ được hai chiêu này, thấy trường kiếm của Nhạc Linh San thấp thoáng, chính là chiêu Thạch Lẫm thư thanh, tiếp theo lại chiêu Thiên Trụ vân khí. Chiêu Thiên Trụ vân khí chủ yếu biến hóa từ trong mây ra, nên chiêu số rất trá ngụy, cử động không định hướng, không biết đâu mà mò. Mạc Đại tiên sinh vừa thấy Nhạc Linh San sử chiêu Thiên Trụ vân khí, lão rất cơ trí nên liền không đỡ gạt mà bỏ chạy. Gọi là không đỡ gạt mà bỏ chạy chẳng qua nói cho dễ nghe, kỳ thực là đánh không lại mà bỏ trốn. Nhưng kiếm pháp của lão biến hóa phức tạp, trong lúc lão bỏ chạy, đoản kiếm vẫn chém bên này vung bên kia, khiến người xem hoa cả mắt, không biết lão đã sử thượng sách trong ba mươi sáu kế.

Lão biết trong Ngũ đại thần kiếm Hành Sơn, ngoài những chiêu Tuyền minh Phù Dung, Hạc tường Tử Cái, Thạch Lẫm thư thanh, Thiên Trụ vân khí ra, chiêu lợi hại nhất gọi là Nhạn hồi Chúc Dung. Trong năm ngọn núi của dãy Hành Sơn, ngọn Chúc Dung cao nhất, chiêu Nhạn hồi Chúc Dung ở trong Ngũ đại thần kiếm Hành Sơn cũng là chiêu tinh thâm nhất. Sư phụ của Mạc Đại tiên sinh năm xưa nói đến chiêu này cũng mập mờ, chính lão cũng không rõ lắm. Nếu Nhạc Linh San sử ra chiêu này nữa, dù Mạc Đại không táng mạng ở đây thì cũng bị mất mặt vì thua. Lão vội lách người, đoản kiếm vung ra rồi nghĩ nhanh: Tuy cô ta học được kỳ chiêu, xem ra chỉ biết sử chứ không biết tùy cơ ứng biến. Không chừng ta đành phải mạo hiểm liều mạng với cô ta, nếu không thì từ nay về sau cái tên Mạc Đại không còn tồn tại trên giang hồ nữa.

Thấy chân Nhạc Linh San hơi chần chừ, lão biết cô ta trong lúc nhất thời chưa định chủ ý đuổi theo hay không đuổi theo. Mạc Đại tiên sinh la thầm: Đáng xấu hổ! Võ công thua cả người trẻ.

Nhạc Linh San dùng chiêu Thiên Trụ vân khí này bức Mạc Đại tiên sinh xoay người bỏ chạy, tuy lão che giấu rất giỏi, dường như chưa có dấu hiệu thất bại nhưng những kẻ sĩ võ công cao minh ai ai cũng đã thấy lão lúng túng không địch nổi phải bỏ chạy. Nếu Nhạc Linh San lập tức thu kiếm về mà hành lễ, nói: “Mạc sư bá nhân nhượng, điệt nữ đắc tội” thì thắng bại đã phân. Mạc Đại tiên sinh là người có thân phận địa vị như vậy, làm sao có thể sau khi bại một chiêu mà quay người lại đấu dây dưa với đứa con gái hàng hậu bối? Nhưng Nhạc Linh San lại do dự, thật là một cơ hội rất tốt cho Mạc Đại tiên sinh.

Thấy Nhạc Linh San tươi cười, miệng hơi mấp máy đang muốn nói thì đoản kiếm trong tay Mạc Đại tiên sinh phát ra véo véo nhắm về hướng cô. Mấy chiêu kiếm này rất vội, Mạc Đại tiên sinh tụ hết công lực cả đời nên kiếm phát cầm âm, nhiều vòng hàn quang trong chớp mắt đã vây quanh Nhạc Linh San. Nhạc Linh San kinh hãi hô hoán, liên tiếp lùi lại mấy bước. Mạc Đại tiên sinh đâu dễ để cô ta rảnh để ra tay thi triển chiêu Nhạn hồi Chúc Dung? Đoản kiếm trong tay lão càng sử càng nhanh, bộ Bách biến thiên ảo vân vụ thập tam thức tuôn ra như mây bay vần vũ, người bàng quan bất giác hoa cả mắt. Dường như quần hùng không để ý tỵ hiềm khi Mạc Đại tiên sinh lấy lớn hiếp nhỏ, lấy nam hiếp nữ, đều lớn tiếng hoan hô.

Lúc Nhạc Linh San sử những chiêu Tuyền minh Phù Dung thì Lệnh Hồ Xung không còn nghi ngờ gì nữa. Mấy đường kiếm pháp này của cô ta là do học được trên vách hậu động ngọn sám hối. Hắn nghĩ thầm: Tại sao tiểu sư muội lại lên ngọn sám hối? Sư phụ sư nương rất thương yêu cô ta, đương nhiên không phạt cô ta tĩnh tọa suy nghĩ trên ngọn núi nguy hiểm hoang vắng đó. Dù cô ta có phạm tội lớn đến đâu, sư phụ sư nương cũng chỉ nghiêm trách mà thôi. Ngọn sám hối cách xa ngọn chủ dãy Hoa Sơn, địa thế rất hung hiểm thì dù cô ta chỉ là một nữ đệ tử bình thường cũng sẽ không ai phạt cô ta một mình lên ngọn núi cô quạnh đó. Chẳng lẽ Lâm sư đệ bị phạt lên ngọn núi sám hối, mỗi ngày tiểu sư muội đem cơm rau lên giống như trước đây cô ta đã đối với ta sao? Chàng nghĩ đến đây, bất giác ngực nóng ran lên.

Lệnh Hồ Xung lại nghĩ: Lâm sư đệ trầm mặc ít nói, rất giữ môn quy, có vẻ là một vị “Tiểu quân tử kiếm”. Gã vì vậy mà được sư phụ sư nương và tiểu sư muội thương mến, tại sao gã lại phạm lỗi mà bị trách phạt lên ngọn núi sám hối? Không đâu, không đâu, quyết không phải vậy đâu.

Bỗng nhiên chàng nghĩ: Chẳng lẽ tiểu sư muội… tiểu sư muội…

Tận đáy lòng Lệnh Hồ Xung đột nhiên nổi lên một ý nghĩ, nhưng ý nghĩ này quá hoang đường, vừa nảy lên trong đầu liền tan biến đi. Nhất thời lòng chàng mơ hồ, rốt cuộc nghĩ cái gì chính chàng cũng không rõ nữa.

Ngay lúc này, Nhạc Linh San kinh hãi la một tiếng, trường kiếm rớt khỏi tay bay đi, chân trái trượt một cái té ngã xuống đất. Đoản kiếm trong tay Mạc Đại tiên sinh đưa ra chỉ lên vai trái cô ta nói:

– Điệt nữ đứng dậy đi, không nên hoảng sợ như vậy.

Đột nhiên nghe rắc một tiếng, đoản kiếm trong tay Mạc Đại tiên sinh bị gãy. Thì ra Nhạc Linh San lượm hai cục đá ở dưới đất, ném cục bên tay trái vào kiếm Mạc Đại tiên sinh, thân của đoản kiếm rất mỏng, đá vừa đụng liền gãy ra thành hai đoạn. Tiếp theo cục đá bên tay phải của Nhạc Linh San ném sang trái. Mạc Đại tiên sinh giật mình kinh hãi, lại thấy cô ta ném cục đá sang hướng trái, mà bên trái thì không có ai đứng gần, cử chỉ này của cô ta rất kỳ lạ, lão không hiểu. Bỗng nhiên cục đá từ đâu bay vòng đập mạnh vào ngực bên phải của Mạc Đại tiên sinh. Binh một tiếng, tiếp theo nghe rắc rắc, xương sườn của lão đã bị gãy mấy cái. Lão há miệng phun máu tươi ra.

Diễn biến này không lường được, động tác của Nhạc Linh San lại nhanh đến kỳ lạ, mỗi cử động đều rất lợi hại khiến mọi người đều ngẩn người ra. Ai ai cũng thấy rất rõ, sau khi Mạc Đại tiên sinh chiếm được tiên cơ, lão không tiến chiêu nữa mà chỉ nói: “Điệt nữ đứng dậy đi, không nên hoảng sợ”. Đó là nghĩa khí của bậc tôn trưởng sau khi quá chiêu thắng vãn bối. Nhưng Nhạc Linh San lại lượm hai cục đá mà sử ra hai chiêu, thực quỷ thần cũng không lường được. Lệnh Hồ Xung biết hai chiêu này của Nhạc Linh San chính là tuyệt chiêu của trưởng lão Ma giáo năm xưa dùng phá giải Hành Sơn kiếm pháp. Nhưng trên vách đá khắc hình người sử là một cặp đồng chùy, nếu chiết chiêu đánh lâu thì đương nhiên không được, nhưng giữa một chiêu ném đi mà quay trở lại, chỉ cần luyện thành xảo kình trong cách vận lực thì cục đá và đồng chùy cũng tương tự.

Nhạc Bất Quần phi thân vào trường đấu, bốp một tiếng, lão tát Nhạc Linh San một cái tóe lửa, quát:

– Rõ ràng Mạc Đại sư bá nhường ngươi, sao ngươi dám vô lễ với sư bá lão nhân gia?

Lão cúi người xuống đỡ Mạc Đại tiên sinh nói:

– Mạc huynh, tiểu nữ không biết lẽ phải trái. Tiểu đệ thành thật nhận lỗi, xin Mạc huynh lượng thứ.

Mạc Đại tiên sinh cười gượng nói:

– Hổ nữ nhà tướng, quả thật phi phàm.

Lão nói hai câu này, lại ọe một tiếng, phun ra một ngụm máu nữa. Hai tên đệ tử phái Hành Sơn chạy ra dìu lão về. Nhạc Bất Quần tức giận nhìn con gái rồi lùi sang một bên.

Lệnh Hồ Xung thấy má trái của Nhạc Linh San sưng vù lên, còn để lại dấu năm ngón tay, đủ thấy phụ thân của cô ta tát thật không nhẹ. Nước mắt Nhạc Linh San đầm đìa nhưng khóe miệng vẫn nhếch lên, vẻ mặt rất quật cường. Lệnh Hồ Xung liền nghĩ: Trước đây ta và cô ta cùng ở Hoa Sơn, có lúc cô ta bướng bỉnh bị sư phụ sư nương quở trách, lòng cô thường ấm ức, vẻ mặt vừa đáng thương vừa đáng yêu. Lúc đó ta tìm trăm phương ngàn kế để chọc cho cô ta cười. Tiểu sư muội khoái nhất là tỉ kiếm mà thắng ta. Ta phải giả bộ cho khéo giống như là sơ suất bị cô ta chiếm tiên cơ, quyết không thể nhường cô ta mà để cho cô ta biết…

Lệnh Hồ Xung nghĩ đến đây, đầu óc chàng bỗng nảy ra một ý niệm mơ hồ, đột nhiên chợt hiểu ra: Tại sao tiểu sư muội lên ngọn núi sám hối? Chắc là trước và sau khi kết hôn, cô ta nhớ lại mối thâm tình của ta ngày trước, cho nên một mình lên núi để ôn lại chuyện cũ. Cửa vào hậu động tuy ta đã lấy đá lấp lại rồi nhưng nếu không ở trên núi lâu ngày thì không dễ phát hiện. Chắc chắn là cô ta ở trên núi thời gian không ngắn và không chỉ lên một lần.

Chàng quay lại liếc nhìn Lâm Bình Chi, thầm nghĩ: Lâm sư đệ và tiểu sư muội mới lấy nhau, đáng lẽ cả hai phải hạnh phúc, lòng như nở hoa mới phải. Tại sao vẻ mặt của gã vẫn rầu rĩ. Tiểu sư muội bị phụ thân tát một cái trước mặt mọi người, gã làm trượng phu đã không chạy đến an ủi mà cũng chẳng tỏ vẻ quan tâm, thật là quá bạc tình.

Lệnh Hồ Xung nghĩ Nhạc Linh San vì nhớ mình mà lên ngọn sám hối để gợi lại chuyện cũ, dường như chàng mơ hồ nghe thấy Nhạc Linh San đang lên núi khóc như mưa ra sao, đau lòng hối hận lấy nhầm Lâm Bình Chi ra sao, phụ bạc mối tình thâm của mình nên ngậm ngùi mãi không thôi. Lệnh Hồ Xung ngẩng đầu lên, thấy Nhạc Linh San đang cúi người lượm kiếm, nước mắt rơi xuống trên vạt cỏ xanh. Lòng chàng bị kích động: Ta phải làm cho tiểu sư muội nín khóc, cười lên mới được.

Trong mắt của chàng, trên Phong Thiền đài của tuyệt đỉnh Tung Sơn này đã thành ngọn Ngọc Nữ của Hoa Sơn, mấy ngàn tên hảo hán giang hồ chẳng qua là những gốc cây, chỉ còn ý trung nhân khắc cốt tương tư luyến ái không thôi của chàng đang bị phụ thân đánh đòn đứng khóc. Trong đời chàng đã từng dỗ cô ta vô số lần, hôm nay làm ngơ sao được?

Chàng bước nhanh ra nói:

– Tiểu sư… tiểu…

Chàng liền nghĩ ra, muốn dỗ cho cô ta vui thì phải đánh thật. Tim hắn đập loạn xạ lên, nói:

– Tiểu sư muội đã thắng chưởng môn hai phái Thái Sơn, Hành Sơn; kiếm pháp không phải tầm thường. Phái Hằng Sơn ta không phục, tiểu sư muội có thể dùng kiếm pháp phái Hằng Sơn mà tỉ đấu với ta không?

Nhạc Linh San từ từ quay lại, nhất thời không ngẩng đầu lên, dường như cô đang suy nghĩ điều gì. Một lúc sau cô mới từ từ ngẩng đầu lên, đột nhiên mặt cô ửng đỏ. Lệnh Hồ Xung nói:

– Nhạc tiên sinh bản lãnh tuy cao, nhưng chuyện tiên sinh có thể tinh thông hết kiếm pháp của các phái trong Ngũ Nhạc kiếm phái ta thật không tin.

Nhạc Linh San ngẩng đầu nói:

– Đại sư ca vốn không phải là người phái Hằng Sơn, hôm nay làm chưởng môn Hằng Sơn, không phải đã tinh thông kiếm pháp phái Hằng Sơn sao?

Trên má cô vẫn còn đọng hai giọt nước mắt.

Lệnh Hồ Xung nghe cô ta nói mấy câu rất hòa nhã, có ý thân thiện, lòng vui hơn bao giờ hết. Chàng nghĩ thầm: Ta nhất định phải giả bộ cho thật giống, không thể để cô ta nhìn ra chỗ ta cố ý nhân nhượng, bèn nói:

– Hai chữ “tinh thông” thật không dám nói. Nhưng ta đã ở phái Hằng Sơn nhiều ngày, kiếm pháp phái Hằng Sơn cũng thường luyện. Bây giờ ta dùng kiếm pháp phái Hằng Sơn lĩnh giáo, tiểu sư muội cũng phải dùng kiếm pháp phái Hằng Sơn chiết giải. Nếu kiếm pháp sử ra không phải kiếm pháp Hằng Sơn thì tuy thắng cũng thua, ý sư muội thế nào?

Lệnh Hồ Xung đã có chủ ý. Kiếm pháp của chàng so với cô ta cao minh hơn nhiều là chuyện mọi người đều biết, nếu giả bộ thua, thì người khác cố nhiên thấy được, ngay cả Nhạc Linh San cũng không tin. Chỉ có đấu đến cuối trận, đột nhiên hắn vô ý, dùng một chiêu trong Độc Cô cửu kiếm hoặc kiếm pháp phái Hoa Sơn đánh bại cô ta. Lúc đó tuy thủ thắng cũng coi như là thua thì mọi người sẽ không còn nghi ngờ gì nữa.

Nhạc Linh San nói:

– Được, đấu thì đấu.

Cô đưa trường kiếm lên vạch thành hình bán nguyệt, đâm chênh chếch về phía Lệnh Hồ Xung.

Bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn đồng thời la ồ lên hoan hô. Trong quần hùng có nhiều người không biết kiếm pháp phái Hằng Sơn, khi nghe những đệ tử này hoan hô mà trong tiếng hoan hô chứa đầy ý khâm phục thì cũng biết Nhạc Linh San sử chiêu này đích thực là Hằng Sơn kiếm pháp, chiêu thức cũng phi phàm.

Chiêu cô ta sử chính là chiêu thức ở hậu động trên ngọn sám hối. Chiêu thức này đã được Lệnh Hồ Xung truyền cho nữ đệ tử phái Hằng Sơn.

Lệnh Hồ Xung vung kiếm gạt ra. Chàng biết kiếm pháp phái Hằng Sơn lấy vòng xoay làm hình thức, sở trường là kín đáo bí mật, trong mỗi chiêu đều ẩn chứa nội lực âm nhu. Lúc cùng người đối địch, thường trong mười chiêu có đến chín chiêu là thế thủ, chỉ có một chiêu mới thừa sơ hở mà đột kích. Chàng ở gần bọn nữ đệ tử phái Hằng Sơn đã lâu, lại tận mắt thấy Định Tĩnh sư thái mấy lần đấu kiếm với địch nhân, bây giờ chàng thi triển ra, từng chiêu xoay vòng, kiếm ý bất tận, hiển nhiên đã thâm đắc tinh túy kiếm pháp phái Hằng Sơn.

Bọn Phương Chứng đại sư, Xung Hư đạo trưởng, bang chủ Cái Bang, Tả Lãnh Thiền đối với Hằng Sơn kiếm pháp đều đã quen thuộc. Thấy Lệnh Hồ Xung không phải là người xuất thân từ phái Hằng Sơn mà đem Hằng Sơn kiếm pháp ra sử rất đúng quy củ, trong chiêu thức bình thường cũng ngầm chứa đầy oai lực, rất hợp yếu quyết Miên lý tàng châm trong võ công Hằng Sơn, không ai không ngấm ngầm khen ngợi. Bọn họ đều biết mấy trăm năm nay môn hạ Hằng Sơn đều do nữ ni làm chủ, người xuất gia lấy từ bi làm gốc, hạng nữ lưu thì không tiện vọng động đao kiếm, học võ chỉ là để phòng thân. Yếu quyết Miên lý tàng châm này là trong đám bông mềm có ẩn giấu cây kim nhọn. Nếu người ngoài không phạm vào thì đống bông mềm mại ôn nhu không hại gì, nhưng nếu dùng thủ lực mà bóp thì từ trong đám bông, kim nhọn sẽ đâm vào lòng bàn tay; đâm vào sâu hay cạn cũng không phải ở cây kim mà ở bàn tay sử lực mạnh hay nhẹ. Sử lực nhẹ thì bị thương nhẹ, sử lực mạnh thì bị trọng thương. Yếu quyết võ công này vốn là nhân quả báo ứng, nghiệp duyên tự tác, thiện ác do tâm của nhà Phật mà ra.

Sau khi Lệnh Hồ Xung học Độc Cô cửu kiếm, đối với võ công các phái chàng đều biết rõ yếu chỉ. Kiếm pháp chàng sử vốn là trùng ý chứ không trùng chiêu. Lúc này chàng sử Hằng Sơn kiếm pháp ra, phương vị biến hóa khác biệt với chiêu thức gốc, nhưng kiếm ý Hằng Sơn lại hiện lên rất rõ ràng. Tuy cao thủ các phái biết Hằng Sơn kiếm pháp nhưng chỉ đại khái thôi, đối với những chỗ khác biệt, gút mắc tinh tế thì đương nhiên không biết. Khi thấy kiếm ý của Lệnh Hồ Xung, họ đều nghĩ: Thanh niên này làm chưởng môn phái Hằng Sơn quả nhiên không phải là do may mắn! Thì ra hắn sớm đã được chân truyền của các vị sư thái Định Nhàn và Định Tĩnh.

Chỉ có bọn Nghi Hòa, Nghi Thanh đệ tử môn hạ phái Hằng Sơn mới nhận ra chiêu thức chàng sử không giống với những chiêu thức mà sư phụ truyền. Chiêu thức tuy khác nhưng đối với kiếm ý của bổn môn lại biểu hiện rất sâu sắc.

Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San hai người sử kiếm pháp phái Hằng Sơn đều là những chiêu học được từ hậu động trên ngọn sám hối nhưng kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung căn bản mạnh hơn Nhạc Linh San nhiều. Hơn nữa chàng ở gần sư đồ phái Hằng Sơn nên sự hiểu biết kiếm pháp Hằng Sơn vượt xa Nhạc Linh San. Nếu không phải Lệnh Hồ Xung cố ý nhân nhượng thì chỉ trong mấy chiêu đã thắng cô ta. Sau khi chiết hơn ba chục chiêu, kiếm chiêu mà Nhạc Linh San học được trên vách đá đã sử ra hết, cô đành phải sử lại từ đầu. May mà bộ kiếm pháp tinh diệu này phức tạp, lúc sử ra xoay vòng như ý, giữa chiêu này với chiêu kia tuyệt không có tì vết, từ chiêu thứ nhất đến chiêu thứ ba mươi sáu liền thành một mạch. Chiêu kiếm cô ta sử lại, ngoài Lệnh Hồ Xung học được kiếm pháp trên vách đá ra, không ai nhìn ra.

Chiêu kiếm Nhạc Linh San sử ra liên miên, Lệnh Hồ Xung dựa theo đó mà chiết giải. Sở học chiêu kiếm của hai người tương đồng, đều là tinh hoa kiếm pháp của phái Hằng Sơn, đấu cặn kẽ từng ly từng tí, xem rất đã mắt. Quần hùng bàng quan rất cao hứng, không kìm được la hét hoan hô. Có người nói:

– Lệnh Hồ Xung là chưởng môn phái Hằng Sơn, đường kiếm pháp này sử tinh thông như vậy cũng không có gì lạ. Nhạc cô nương rõ ràng là người phái Hoa Sơn mà tại sao cũng biết sử Hằng Sơn kiếm pháp?

Có người nói:

– Lệnh Hồ Xung cũng là môn hạ của Nhạc tiên sinh, còn là đệ tử của phái Hoa Sơn. Nếu không thì tại sao hắn cũng biết đường kiếm pháp này? Nếu không phải được Nhạc tiên sinh đích thân truyền thụ cho thì hai người làm sao biết chiết giải ăn khớp như vậy?

Lại có người nói:

– Nhạc tiên sinh tinh thông kiếm pháp của bốn phái Hoa Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn, xem ra đối với kiếm pháp phái Tung Sơn chắc tiên sinh cũng biết luôn. Ngôi vị chưởng môn Ngũ Nhạc phái này nếu không thuộc về tiên sinh thì còn ai nữa.

Người khác nói:

– Cũng chưa chắc đâu. Kiếm pháp của Tả chưởng môn Tung Sơn cao hơn Nhạc tiên sinh nhiều. Trong đạo võ công quý ở chỗ tinh thâm chứ không quý ở chỗ biết nhiều. Dù ngươi biết võ công của cả thiên hạ nhưng hiểu biết kiểu mèo què thì có ích gì đâu? Tả chưởng môn chỉ cần một đường Tung Sơn kiếm pháp thì có thể đánh bại Ngũ Nhạc kiếm pháp của Nhạc tiên sinh.

Người trước nói:

– Tại sao ngươi biết? Thật là nói mà không biết ngượng.

Người đó tức giận nói:

– Cái gì mà nói không biết ngượng? Ngươi có ngon thì chúng ta đánh cược năm mươi lượng bạc.

Người trước nói:

– Có gì mà ngon với không ngon? Chúng ta cược một trăm lượng. Đánh cược bằng bạc, ai thua rồi mà chối cãi thì làm môn hạ phái Hằng Sơn.

Người đó nói:

– Được, đặt một trăm lượng! Cái gì mà môn hạ phái Hằng Sơn?

Người trước nói:

– Người nào lật lọng thì phải làm ni cô.

Phẹt một tiếng, người đó nhổ một ngụm nước bọt xuống đất. Lúc này Nhạc Linh San xuất chiêu càng lúc càng nhanh. Lệnh Hồ Xung thấy thân hình cô yêu kiều thướt tha, nhớ lại tình cảnh cùng luyện kiếm ở Hoa Sơn ngày trước. Hình ảnh đó chập chờn trước mắt khiến chàng mê mẩn tâm thần, bất giác ngây người ra, thấy chiêu kiếm của cô phóng đến, chàng thuận tay trả chiêu, không ngờ chiêu này không phải là kiếm pháp phái Hằng Sơn. Nhạc Linh San sửng sốt nói khẽ:

– Thanh mai như đậu!

Tiếp theo cô liền hoàn kiếm đâm vào trán Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung cũng ngây người ra nói khẽ:

– Liễu diệp tự my.

Hai người chiết giải Hằng Sơn kiếm pháp, chỉ biết chiêu thức chứ không biết tên, vừa rồi hai chiêu này giao hoán, lại không phải là Hằng Sơn kiếm pháp mà là chiêu Hồ – Linh kiếm pháp do hai người sáng chế ra lúc luyện kiếm ở Hoa Sơn. Hồ là Lệnh Hồ Xung, Linh là Nhạc Linh San, hai người vui chơi rồi cùng nghiên cứu sáng chế ra kiếm thuật. Danh phận của Lệnh Hồ Xung cao hơn sư muội nhiều, bất luận chàng làm chuyện gì đều chủ yếu để vui. Đường kiếm pháp này tuy nói hai người cùng sáng chế nhưng tám chín phần đều do Lệnh Hồ Xung nghĩ ra. Lúc đó võ công của hai người còn thấp kém, nên đường kiếm pháp này cũng không có chiêu thức gì lợi hại, nhưng hai người thường chiết giải ở chỗ vắng người, luyện rất thuần thục. Lệnh Hồ Xung trong lúc vô ý sử ra chiêu Thanh mai như đậu, Nhạc Linh San liền trả chiêu Liễu diệp tự my. Hai người vốn không có thâm ý, nhưng đột nhiên mặt đều đỏ bừng lên. Lệnh Hồ Xung thuận tay hoàn chiêu Vụ trung sơ kiến, Nhạc Linh San liền ra chiêu Vũ hậu sạ phùng. Bộ kiếm pháp này hai người ở Hoa Sơn đã không biết chiết qua bao nhiêu lần, nhưng sợ Nhạc Bất Quần và Nhạc phu nhân biết sẽ trách mắng nên không bao giờ để cho người thứ ba biết. Bây giờ không kìm được tình cảm nên sử ra trước anh hùng thiên hạ.

Trong khoảnh khắc, hai người đã chiết khoảng mười chiêu, không những Lệnh Hồ Xung sớm hồi tưởng lại tình cảnh luyện kiếm ở Hoa Sơn ngày trước mà ngay cả Nhạc Linh San cũng dần dần quên mình bây giờ là gái đã có chồng. Trước mặt mấy ngàn hán tử giang hồ, vì thanh danh của phụ thân mà cô ra tay thủ chiêu, nhưng trong mắt cô chỉ còn lại hình ảnh một đại sư ca phong lưu phóng đãng đang cùng với cô thủ diễn kiếm pháp mà hai người hợp chế ra.

Lệnh Hồ Xung thấy vẻ mặt Nhạc Linh San càng lúc càng ôn hòa, trong ánh mắt lộ ra những tia vui mừng, rõ ràng cô ta đã quên chuyện bị phụ thân tát một chưởng rồi. Chàng nghĩ thầm: Hôm nay ta thấy tiểu sư muội vẫn buồn bã, dung nhan rất tiều tụy, bây giờ cô ta lại vui tươi trở lại. Ôi, mong rằng bộ Hồ – Linh kiếm pháp này có ngàn vạn chiêu để sử cả đời không hết.

Từ khi Lệnh Hồ Xung nghe Nhạc Linh San hát mãi khúc Sơn ca Phúc Kiến trên ngọn sám hối đến nay, chỉ có bây giờ tiểu sư muội mới đối với chàng giống như ngày trước. Bất giác chàng vui mừng vô hạn.

Cả hai lại chiết khoảng hai mươi chiêu nữa, trường kiếm của Nhạc Linh San chém về hướng đùi trái của Lệnh Hồ Xung, chân trái của Lệnh Hồ Xung bay ra đá lên thân trường kiếm của cô. Nhạc Linh San hạ lưỡi kiếm thấp xuống, chém bàn chân đối phương. Trường kiếm Lệnh Hồ Xung vội tấn công sang hông phải của cô, lưỡi kiếm của Nhạc Linh San vội xoay nghiêng ra, choang một tiếng hai kiếm giao nhau, mũi kiếm chấn động. Hai người đồng thời vung kiếm phóng vào yết hầu đối phương, cả hai ra chiêu thần tốc vô bờ.

Nhìn thế của song kiếm, ai cũng nghĩ không cách nào cứu vãn, thế tất phải đồng quy ư tận, quần hùng bàng quan đều kinh hãi la lên. Nhưng nghe choang nhẹ một tiếng, mũi kiếm của song kiếm dừng lại giữa không trung, những tia lửa bắn ra, hai thanh trường kiếm cong lại thành hình cánh cung, tiếp theo hai người đẩy tay ra, song chưởng giao nhau, đồng thời mượn lực cùng bay ra. Diễn biến này không ai ngờ được, hai trường kiếm lại có xảo pháp, trong lúc phóng nhanh ra, hai mũi kiếm lại đụng nhau giữa không trung. Cảnh này dù có mấy ngàn mấy vạn lần tỉ kiếm cũng khó đụng nhau như vậy, ấy vậy mà hai người đang ở giữa sự sanh tử mỏng như sợi chỉ lại đụng nhau.

Tuyệt không ai ngờ rằng song kiếm giao nhau trên không đã được hai người luyện mấy ngàn mấy vạn lần chiêu này, và cuối cùng đã luyện thành công. Chiêu kiếm pháp này đòi hỏi cả hai người cùng sử, phương vị xuất chiêu, lực đạo phải nắm chắc không sai một chút nào, thì song kiếm mới phóng nhanh, mũi kiếm mới đụng nhau để thân kiếm cong thành hình cánh cung. Chiêu kiếm này dùng để đối phó với người khác thì không có chút hiệu lực khắc địch chế thắng, nhưng đối với Lệnh Hồ Xung và Nhạc Linh San lại là một trò chơi vừa gian nan vừa thú vị. Sau khi hai người luyện thành chiêu số thì tiến đến bước luyện cho mũi kiếm đụng nhau mà bắn tia lửa ra.

Lúc hai người luyện thành chiêu này trên Hoa Sơn, Nhạc Linh San từng hỏi: “Chiêu này nên đặt tên là gì?”. Lệnh Hồ Xung đáp: “Tiểu sư muội gọi nó là gì cũng được”. Nhạc Linh San cười nói: “Song kiếm phóng nhanh ra không nghĩ gì đến tính mạng, nên gọi là Đồng quy ư tận được chứ?”. Lệnh Hồ Xung nói: “Đồng quy ư tận thì dường như giữa tiểu sư muội và ta có mối thù không đội trời chung. Hay gọi nó là Nhĩ tử ngã hoạt (ngươi chết ta sống)”. Nhạc Linh San nói: “Tại sao tiểu muội chết mà đại sư ca được sống? Đại sư ca chết tiểu muội sống mới phải”. Lệnh Hồ Xung nói:“Ta chỉ nói là Nhĩ tử ngã hoạt thôi mà”. Nhạc Linh San nói: “Đại sư ca hay tiểu muội, cứ loanh quanh không rõ ràng. Chiêu này không ai chết cả nên gọi là “Đồng sinh cộng tử”. Lệnh H ồ Xung vỗ tay khen. Nhạc Linh San vừa nghĩ đến bốn chữ “Đồng sinh cộng tử” này thân mật thái quá, y như lời hứa hẹn của lứa đôi nên cô quăng kiếm quay đầu bỏ chạy.

Quần hùng ở ngoài thấy hai người ở thế phải chết mà lại thoát ra được, thực nguy hiểm vô cùng, lòng bàn tay nắm lại ướt đẫm mồ hôi, quên cả la hét cổ vũ. Hôm đó trong chùa Thiếu Lâm, Nhạc Bất Quần và Lệnh Hồ Xung rút kiếm động thủ, vì để khuyên Lệnh Hồ Xung quay về làm môn hạ Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần cũng đã sử qua mấy chiêu Hồ – Linh kiếm pháp, nhưng chiêu này lão chưa sử. Tuy Nhạc Bất Quần từng ngấm ngầm xem hai người luyện kiếm, biết được chiêu thức của Hồ – Linh kiếm pháp nhưng lão cũng không rỗi hơi mà đi luyện cái chiêu Đồng sinh cộng tử vừa vô dụng vừa tào lao này. Vì vậy ngay cả bọn Phương Chứng, Xung Hư, Tả Lãnh Thiền lúc thấy chiêu này cũng đều kinh hãi. Doanh Doanh lại càng kinh hãi không nói ra lời.

Thân hình hai người nhẹ nhàng bay lượn trong không trung, trên môi lộ ra nụ cười, vẻ mặt rất khoan thai, giống như có một làn gió xuân đang bao phủ. Hai người lại vung kiếm lên đấu tiếp. Lúc hai người sáng chế ra bộ kiếm pháp này ở Hoa Sơn, sư huynh sư muội tâm đầu ý hợp rất đằm thắm lưu luyến, vì vậy kiếm ý phần nhiều là vui chơi còn ý vị hung sát thì rất ít. Bây giờ hai người đối kiếm, bất giác hồi tưởng đến tình cảnh trước đây, kiếm xuất ra xoay chuyển chầm chậm, khóe mắt dần dần lộ ra vẻ nhu tình của thuở thanh mai trúc mã ngày xưa. Cuộc đấu này khó có thể nói là “tỉ kiếm” mà là “vũ kiếm”. Ngay đến hai chữ “vũ kiếm” cũng không thỏa đáng, bởi vì không phải làm vui cho khách xem mà là làm vui cho chính mình.

Đột nhiên trong đám đông nghe hừ một tiếng, có người cười nhạt. Nhạc Linh San giật mình, nghe tiếng cười biết là tiếng của trượng phu Lâm Bình Chi. Lòng cô se lại: Ta và đại sư ca tỉ đấu như vậy, có cái gì đó không đúng đắn.

Cô vung trường kiếm đánh vòng từ dưới lên trên rồi phóng kiếm chênh chếch ra. Thế kiếm mau lẹ, kình lực cực mạnh, tư thức cực kỳ mỹ diệu nhưng là một chiêu trong Ngọc Nữ kiếm thập cửu thức của phái Hoa Sơn.

Lệnh Hồ Xung cũng nghe tiếng cười nhạt của Lâm Bình Chi. Thấy Nhạc Linh San lập tức biến chiêu, phóng kiếm không chút dung tình, không giống với thế kiếm đầy ý ôn nhu liên miên như sử Hồ – Linh kiếm pháp vừa rồi, lòng chàng chua xót, hàng loạt chuyện cũ trong phút chốc đều hiện lên trong đầu. Lệnh Hồ Xung nghĩ đến thuở bị sư phụ phạt lên núi sám hối quay mặt vào vách đá suy nghĩ, mỗi ngày tiểu sư muội đem cơm lên cho mình. Có một ngày bão tuyết, hai người cùng ở lại một đêm trong sơn động. Chàng lại nhớ đến lúc tiểu sư muội bị bệnh, hai người cách biệt lâu ngày, và cả hai cùng khổ tương tư. Nhưng chính lúc đó, không biết thế nào mà Lâm Bình Chi lại chiếm được tình cảm của cô ta, từ đó về sau giữa hai người có một cái hố ngăn cách ngày càng sâu. Chàng lại nhớ hôm tiểu sư muội vừa học được chiêu Ngọc Nữ kiếm thập cửu thức mà sư nương truyền cho, đã lên núi cùng mình thử chiêu. Lòng chàng đau khổ nên ra tay không khoan nhượng…

Bao nhiêu ý niệm diễn ra trong chớp mắt rồi lại thoáng qua nhanh. Ngay lúc này trường kiếm của Nhạc Linh San đã phóng đến trước ngực. Lòng Lệnh Hồ Xung rối bời, chàng búng ngón giữa tay trái ra, nghe keng một tiếng đã đánh trúng trường kiếm của cô ta. Nhạc Linh San cầm kiếm không chặt, trường kiếm vuột khỏi tay cô bay thẳng lên trời.

Lệnh Hồ Xung vừa búng ngón tay ra liền thầm kêu lên:

– Hỏng bét rồi.

Lệnh Hồ Xung chợt nghĩ: Ta vốn muốn thua dưới tay tiểu sư muội để dỗ cho cô ta vui. Bây giờ ta lại búng bay trường kiếm của cô ta đi là cố ý làm mất mặt cô ta trước anh hùng thiên hạ. Chẳng lẽ ta lại dùng thủ đoạn bỉ ổi như vậy để báo đáp tình nghĩa của tiểu sư muội đối với ta sao?

Trong nháy mắt, thấy trường kiếm rơi xuống, chàng liền lách người la lên:

– Hảo Hằng Sơn kiếm pháp!

Lệnh Hồ Xung làm ra vẻ cố sức né tránh, kỳ thực là đưa thân người mình về hướng mũi kiếm. Sột một tiếng, trường kiếm xuyên thẳng qua vai trái. Lệnh Hồ Xung nhào về phía trước, trường kiếm đâm từ vai trái cắm xuống đất.

Diễn biến này quá đột ngột, quần hào kinh hãi hét lên rồi ngẩn người ra.

Nhạc Linh San la lên thất thanh:

– Đại… đại sư ca…

Bỗng thấy một hán tử râu ria xồm xoàm vọt đến, rút trường kiếm ra rồi ôm Lệnh Hồ Xung lên. Máu từ vết thương trên vai Lệnh Hồ Xung tuôn ra xối xả. Mười mấy nữ đệ tử phái Hằng Sơn bu quanh, nhanh tay lấy thuốc trị thương. Nhạc Linh San không hiểu chàng sống chết ra sao, định chạy qua xem. Kiếm quang lấp loáng, hai thanh trường kiếm cản cô lại. Một ni cô quát:

– Đồ phụ nữ độc ác!

Nhạc Linh San sửng sốt, lùi lại mấy bước, nhất thời không biết làm sao. Nhạc Bất Quần cười lên một tràng dài, lớn tiếng nói:

– San nhi, ngươi dùng kiếm pháp của ba phái Thái Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn đả bại chưởng môn ba phái, thật là đáng khen.

Trường kiếm Nhạc Linh San tuột khỏi tay, quần hùng thấy rõ kiếm của cô ta bị Lệnh Hồ Xung bắn văng đi. Nhưng Lệnh Hồ Xung lại bị thương do trường kiếm của cô ta lại là sự thật. Chiêu này rốt cuộc có phải là Hằng Sơn kiếm pháp hay không thì không ai biết. Lúc hai người dùng Hồ – Linh kiếm pháp đấu nhau, người ngoài chẳng biết gì, thấy đường kiếm pháp này chiêu số rất non nớt, chẳng hiệu dụng, cứ múa cho đẹp mắt. Chiêu cuối cùng biến hóa khôn lường, ai cũng bị chấn động vì kết cục đột ngột như vậy, lúc này nghe Nhạc Bất Quần khen ngợi con gái lão dùng kiếm pháp ba phái để đánh bại chưởng môn ba phái, nghĩ rằng chiêu Trường không lạc kiếm của Nhạc Linh San chắc cũng là Hằng Sơn kiếm pháp. Tuy có người nghi ngờ, cảm thấy chiêu này kỹ thuật khác hẳn với Hằng Sơn kiếm pháp nhưng không cách nào nói ra cho rõ được, nên cũng không thể công nhiên tranh biện với Nhạc Bất Quần.

Nhạc Linh San lượm trường kiếm lên thấy dính nhiều máu, trống ngực cô đập thình thịch, thầm nghĩ: Không biết tính mạng đại sư ca ra sao? Chỉ cần đại sư ca không chết, thì ta… thì ta…

comments

TIẾU NGẠO GIANG HỒ