Hồi 100: Áo cà sa chép Tịch tà kiếm phổ
Hai người ở trong nhà càng nói cười đùa giỡn thì lòng Lệnh Hồ Xung càng đau như dao cắt. Chàng muốn bỏ đi nhưng Tịch tà kiếm phổ đối với chàng có liên quan rất lớn. Lúc phụ mẫu của Lâm Bình Chi sắp chết, có mấy câu di ngôn nói lại cho con trai của họ. Lúc đó chỉ có một mình Lệnh Hồ Xung ở bên cạnh, do vậy mà chàng phải chịu bao nỗi oan uổng. Sau đó chàng được Phong thái sư thúc tổ truyền thụ kiếm pháp thần diệu của Độc Cô cửu kiếm nên trong phái Hoa Sơn ai ai cũng đều cho rằng Lệnh Hồ Xung nuốt không bộ Tịch tà kiếm phổ. Ngay cả tiểu sư muội là người hiểu chàng nhất cũng đem lòng hoài nghi.
Bình tâm mà nói thì chuyện này cũng không trách ai được. Ngày chàng ở trên ngọn núi sám hối, đã từng đấu kiếm thử với sư nương, đỡ không nổi chiêu Vô song vô đối, Ninh thị nhất kiếm. Nhưng ở trên núi được mấy tháng, đột nhiên kiếm thuật đại tiến, mà kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung lại khác hẳn với kiếm pháp của bổn môn, nếu không phải chàng được bí cấp kiếm pháp của phái khác thì làm sao có thể được như vậy? Mà bí cấp kiếm pháp của phái khác, nếu không phải là Tịch tà kiếm phổ của nhà họ Lâm thì còn là cái gì vào đây nữa?
Lệnh Hồ Xung bị hiềm nghi chỉ vì chàng đã hứa quyết không để lộ hành tung của Phong thái sư thúc tổ nên có miệng mà không thể biện minh được. Nhiều đêm chàng tự nghĩ, sở dĩ sư phụ trục xuất mình ra khỏi sư môn, xử sự đoạn tuyệt với mình như vậy, tuy nói là do kết giao với yêu nhân Ma giáo nhưng còn có một nguyên nhân quan trọng khác. Có lẽ sư phụ cho rằng mình nuốt bộ Tịch tà kiếm phổ, làm chuyện đê tiện, không còn đủ tư cách là môn hạ phái Hoa Sơn nữa. Bây giờ nghe Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi nói đến kiếm phổ, tuy hai người thân mật cười nói, chàng cũng cố nhịn nỗi đau xót mà tìm cho rõ trắng đen.
Nhạc Linh San nói:
– Ngươi đã tìm mấy tháng mà không được thì kiếm phổ tất nhiên không có ở đây, còn đập tường làm gì nữa? Đại sư ca… đại sư ca tùy miệng nói ra mà ngươi cũng tin thật sao?
Lệnh Hồ Xung lại nhói đau: Cô ta còn gọi ta là “đại sư ca”.
Lâm Bình Chi nói:
– Đại sư ca truyền di ngôn của gia gia tiểu đệ, nói là di vật tổ tiên ở trong ngôi nhà cũ ngõ Hướng Dương, không nên mở ra xem. Tiểu đệ nghi bộ kiếm phổ có thể bị đại sư ca mượn tạm, chắc chưa kịp trả lại…
Lệnh Hồ Xung buồn bã cười nhạt, nghĩ thầm: Ngươi nói có vẻ khách khí, không nói ta nuốt không mà nói ta “mượn tạm chưa trả lại”. Hà hà, đâu cần phải quanh co như vậy.
Lâm Bình Chi nói tiếp:
– Nhưng tiểu đệ nghĩ nhà cũ hẻm Hướng Dương, năm chữ này không thể do đại sư ca bịa đặt ra được, nhất định đúng là di ngôn của gia gia má má tiểu đệ. Đại sư ca và nhà tiểu đệ không hề quen biết, đại sư ca lại chưa bao giờ qua Phúc Châu, sẽ không biết Phúc Châu có ngõ Hướng Dương, càng không biết ngôi nhà cũ của tổ tiên nhà họ Lâm tiểu đệ ở ngõ Hướng Dương. Ngay cả người bản địa ở Phúc Châu cũng ít ai biết đến.
Nhạc Linh San hỏi:
– Nếu đúng là di ngôn của gia gia má má ngươi thì sao nào?
Lâm Bình Chi nói:
– Đại sư ca truyền thuật lại di ngôn của gia gia tiểu đệ, còn nhắc đến hai chữ “mở ra”, thì không biết mở ra xem Tứ thư Ngũ kinh hay sổ sách cũ gì. Suy đi nghĩ lại nhất định là có liên quan đến kiếm phổ. Sư tỷ, tiểu đệ nghĩ trong di ngôn của gia gia đã nhắc đến ngôi nhà cũ ở ngõ Hướng Dương, thì dù kiếm phổ đã không còn ở đây chắc cũng có thể phát hiện chút manh mối gì chăng?
Nhạc Linh San nói:
– Nói cũng phải. Mấy ngày nay ta thấy ngươi tinh thần sa sút, tối đến lại không chịu ngủ trong tiêu cục, mà nhất định quay về đây, ta không yên lòng chút nào, cho nên qua đây xem sao. Thì ra ban ngày ngươi luyện kiếm là phải gắng gượng để cho ta vui, tối đến lại vào đây tìm kiếm.
Lâm Bình Chi cười nhạt, gã thở dài rồi nói:
– Nghĩ đến cái chết của gia gia má má tiểu đệ thật thảm. Nếu tiểu đệ tìm được kiếm phổ, có thể dùng kiếm pháp tổ truyền của nhà họ Lâm để trả thù hầu an ủi linh hồn gia gia má má ở trên trời.
Nhạc Linh San nói:
– Không biết đại sư ca bây giờ đang ở đâu, ta có thể gặp được đại sư ca thì hay biết mấy, nhất định ta sẽ thay ngươi đòi lại kiếm phổ. Kiếm pháp của đại sư ca đã luyện rất cao minh rồi, kiếm phổ này cũng nên trả về chủ cũ. Tiểu Lâm tử, ngươi đừng nghĩ ngợi gì nữa, không cần ở trong ngôi nhà cũ này lục lạo tìm kiếm mãi. Nếu chưa có kiếm phổ thì nội việc luyện xong Tử hà thần công của gia gia ta cũng đủ để ngươi báo thù rồi.
Lâm Bình Chi nói:
– Đương nhiên rồi. Nhưng gia gia và má má khi còn sống bị người tra tấn nhục mạ rồi chết thảm như vậy, nếu có thể lấy kiếm pháp của Lâm gia tiểu đệ báo thù mới khiến cho phụ mẫu hả giận. Hơn nữa, Tử hà thần công của bổn môn xưa nay không dễ truyền cho đệ tử, tiểu đệ lại nhập môn sau cùng. Dù ân sư, sư nương có chiếu cố, các vị sư huynh sư tỷ cũng sẽ không phục, nhất định họ sẽ nói… nhất định nói…
Nhạc Linh San hỏi:
– Nhất định nói cái gì?
Lâm Bình Chi nói:
– Nhất định nói tiểu đệ chưa chắc thực lòng với sư tỷ, chẳng qua muốn dòm ngó bộ Tử hà thần công nên làm cho sư phụ sư nương vui lòng mà thôi.
Nhạc Linh San nói:
– Hứ! Người ngoài thích nói sao thì nói, cứ mặc kệ họ. Chỉ cần ta biết ngươi thật lòng với ta là được rồi.
Lâm Bình Chi cười nói:
– Sao sư tỷ biết tiểu đệ thật lòng?
Nhạc Linh San đánh bốp một tiếng, không biết đã đánh mạnh vào vai hay vào lưng gã. Cô cáu gắt nói:
– Ta biết ngươi giả nhân giả nghĩa, lòng lang dạ sói.
Lâm Bình Chi cười nói:
– Thôi được, đi lâu như vậy chúng ta phải về thôi. Tiểu đệ đưa sư tỷ về tiêu cục. Nếu bị sư phụ và sư nương biết được thì hỏng bét hết.
Nhạc Linh San nói:
– Ngươi đuổi ta về phải không? Ngươi đuổi ta về thì ta về. Ai mướn ngươi đưa tiễn?
Cô nói giọng rất không vui. Lệnh Hồ Xung biết bây giờ nhất định cô ta chu miệng, động chút là giận hờn để người khác phải đau lòng.
Lâm Bình Chi nói:
– Sư phụ nói tiền nhiệm giáo chủ Ma giáo Nhậm Ngã Hành tái xuất giang hồ, nghe đâu lão đến địa phận Phúc Châu. Người này võ công cao cường không thể lường được, lòng dạ thủ đoạn rất tàn độc. Sư tỷ đi đêm một mình nếu không may gặp phải lão thì… thì biết làm sao?
Lệnh Hồ Xung thầm nghĩ: Thì ra chuyện này sư phụ đã biết rồi. Phải rồi, ta náo loạn trên Tiên Hà Lĩnh như vậy, ai ai cũng đều nói là Nhậm Ngã Hành tái xuất, có lý nào sư phụ không biết tin này được? Ta cũng không cần viết bức thư báo tin cho sư phụ nữa.
Nhạc Linh San nói:
– Hừ, ngươi đưa ta về nếu không may gặp phải lão chẳng lẽ ngươi có thể bắt hay giết được lão ư?
Lâm Bình Chi nói:
– Sư tỷ biết rõ võ công của tiểu đệ kém cỏi, còn đem ra chế giễu nữa. Dĩ nhiên tiểu đệ đối phó với lão không nổi, nhưng chỉ cần cùng đi với sư tỷ thì dù có chết cũng được chết chung…
Nhạc Linh San dịu dàng nói:
– Tiểu Lâm tử, không phải ta nói võ công ngươi kém cỏi. Ngươi dụng công khổ luyện như vậy thì tương lai võ công của ngươi sẽ cao hơn ta nhiều. Kỳ thực ngoài kiếm pháp ngươi chưa thuần thục ra, nếu đấu thực sự thì có thể ta chưa phải là đối thủ của ngươi.
Lâm Bình Chi cười nhẹ, nói:
– Trừ khi sư tỷ dùng tay trái sử kiếm chúng ta mới có thể tỉ thí với nhau được.
Nhạc Linh San nói:
– Ta giúp ngươi tìm kiếm xem sao. Ngươi đã quen thuộc đồ đạc trong nhà, thấy chẳng có gì lạ, có thể ta sẽ thấy ra những thứ lạ mắt.
Lâm Bình Chi nói:
– Hay lắm, sư tỷ xem ở đây có cái gì khác lạ không?
Tiếp theo nghe tiếng mở ngăn kéo, bàn ghế. Một lúc sau, Nhạc Linh San nói:
– Ở đây cái gì cũng quá bình thường. Trong nhà của ngươi còn chỗ nào khác thường nữa không?
Lâm Bình Chi trầm ngâm một lúc rồi nói:
– Chỗ khác thường ư? Không có.
Nhạc Linh San hỏi:
– Sân luyện kiếm của nhà ngươi ở đâu?
Lâm Bình Chi đáp:
– Không có sân luyện kiếm. Tằng tổ phụ của tiểu đệ sau khi sáng lập ra tiêu cục thì dời đến tiêu cục ở. Tổ phụ và phụ thân của tiểu đệ đều ở tiêu cục luyện công. Hơn nữa trong di ngôn của gia gia tiểu đệ có hai chữ “mở ra” mà trong chỗ luyện kiếm thì không có thứ gì để “mở ra” cả.
Nhạc Linh San nói:
– Đúng rồi, chúng ta đến thư phòng của nhà ngươi xem sao.
Lâm Bình Chi nói:
– Nhà tiểu đệ mấy đời bảo tiêu, chỉ có trướng phòng chứ không có thư phòng. Trướng phòng cũng ở trong tiêu cục.
Nhạc Linh San nói:
– Vậy thì thật khó tìm. Trong ngôi nhà này có thứ gì có thể mở ra xem được?
Lâm Bình Chi nói:
– Câu nói của đại sư ca, tiểu đệ đã nghiền ngẫm. Đại sư ca nói gia gia của tiểu đệ bảo tiểu đệ không nên mở di vật của tổ tông ra xem, kỳ thực chắc là ý nói ngược lại là bảo tiểu đệ mở ra xem di vật của tổ tông để trong ngôi nhà cũ này. Nhưng ở đây có vật gì để mở ra xem đâu? Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có vài quyển kinh Phật của tằng tổ tiểu đệ.
Nhạc Linh San nhảy lên vỗ tay nói:
– Kinh Phật! Vậy thì hay quá. Đạt Ma lão tổ là sư tổ của võ học, trong kinh Phật có tàng ẩn kiếm phổ là chuyện bình thường.
Lệnh Hồ Xung nghe Nhạc Linh San nói, tinh thần liền phấn chấn, nghĩ thầm: Nếu Lâm sư đệ có thể tìm được bộ kiếm phổ đó ở trong kinh Phật thì hay biết mấy. Bọn họ sẽ không còn nghi ngờ ta đã nuốt không nó.
Nghe Lâm Bình Chi nói:
– Tiểu đệ đã mở ra xem rồi. Không những chỉ xem một hai lần mà không biết đã mở ra xem bao nhiêu lần, chỉ e cả trăm lần rồi. Tiểu đệ còn đi mua kinh Kim cang, kinh Pháp hoa, Tâm kinh, Lăng già kinh về để đối chiếu từng chữ trong kinh Phật mà tằng tổ phụ để lại, xác thực không sai chữ nào. Mấy cuốn kinh đó là kinh Phật bình thường thôi.
Nhạc Linh San nói:
– Vậy chẳng còn gì để mở ra xem hết.
Cô ta trầm ngâm một lúc rồi đột nhiên hỏi:
– Trong chỗ giáp trang của kinh Phật, ngươi có tìm qua chưa?
Lâm Bình Chi ngẩn người ra nói:
– Chỗ giáp trang ư? Tiểu đệ chưa nghĩ đến, vậy chúng ta đi xem sao.
Hai người cầm hai ngọn nến cùng dắt tay nhau từ sương phòng đi về hướng hậu viện. Lệnh Hồ Xung đi theo, hắn thấy cửa sổ của một gian phòng có ánh đèn hắt qua, sau cùng hai người đi đến một gian phòng ở góc Tây Bắc. Lệnh Hồ Xung đi theo rồi nhẹ nhàng nhảy xuống sân, ghé mắt vào khe cửa sổ nhìn vào trong. Bên trong là một gian Phật đường, treo một bức tranh thủy mặc vẽ Đạt Ma lão tổ quay mặt vào trong, thể hiện lại cảnh ngài diện bích chín năm. Phía Tây Phật đường có một tấm bồ đoàn rất cũ, trên bàn để một cái mõ, một cái chuông và một chồng kinh Phật. Lệnh Hồ Xung thầm nghĩ: Vị Lâm lão tiền bối này sáng lập ra Phước Oai tiêu cục, năm xưa oai danh chấn động xa gần, sát thương không biết bao nhiêu lục lâm đại đạo. Chắc lúc về già, lão ở đây sám hối nghiệp sát trong đời.
Lệnh Hồ Xung tưởng tượng một vị anh hùng hào kiệt khét tiếng giang hồ đến lúc về già ngồi trong Phật đường tĩnh mịch gõ mõ tụng kinh, lòng cảm thấy thật tịch mịch thê lương.
Nhạc Linh San cầm một bộ kinh nói:
– Chúng ta thử rọc kinh thư ra xem giữa trang có cái gì không. Nếu không có gì thì lấy đinh đóng lại như cũ. Ngươi xem có được không?
Lâm Bình Chi nói:
– Được!
Rồi gã cầm một quyển kinh, kéo đứt sợi dây đóng cuốn kinh, lấy từng trang mở ra, kiểm tra chỗ giáp trang có tích tự gì không.
Lệnh Hồ Xung nhìn cái bóng sau lưng cô ta, thấy bàn tay cô ta trắng muốt như ngọc, tay trái đeo một cái vòng bạc, có lúc mặt cô hơi nghiêng, hai người bốn mắt giao nhau, cùng cười rồi lại kiểm tra từng trang kinh. Không biết do ánh đèn chiếu vào hay do má cô ta ửng hồng, nhưng đủ để chàng thấy mặt cô ta tươi như hoa đào ngày xuân. Lệnh Hồ Xung đứng ngoài cửa nhìn đến ngẩn ngơ.
Hai người mở hết cuốn này qua cuốn khác, một lúc lâu sau đã mở hết mười hai quyển kinh Phật để trên bàn. Bỗng nhiên Lệnh Hồ Xung nghe sau lưng có tiếng động nhẹ. Chàng thụp người xuống, quay đầu lại, thấy bóng hai người từ trên nóc nhà hướng Nam tiến lại, cùng ra hiệu với nhau nhảy vào sân. Họ nhảy xuống không một tiếng động, ghé mắt qua khe cửa nhìn vào trong.
Một lúc lâu sau, Nhạc Linh San nói:
– Mở ra hết rồi mà không thấy gì hết.
Giọng nói của cô ta rất thất vọng. Bỗng nhiên cô lại nói:
– Tiểu Lâm tử, ta nhớ ra rồi, chúng ta đi kiếm một chậu nước lại đây.
Giọng nói của cô có vẻ phấn khởi. Lâm Bình Chi hỏi:
– Để làm gì?
Nhạc Linh San nói:
– Hồi còn nhỏ, ta đã từng nghe gia gia kể qua câu chuyện: có một loại cỏ, ngâm vào chất cường toan dùng để viết chữ. Chữ viết khô rồi không thấy gì nữa, nhưng nếu ngâm cho ướt thì chữ lại hiện ra.
Lệnh Hồ Xung lòng chua xót, nhớ lúc sư phụ kể câu chuyện này, Nhạc Linh San mới có tám chín tuổi và mình mười bảy mười tám tuổi. Câu chuyện cũ năm xưa bỗng hiện lên trong đầu. Chàng nhớ ngày hôm đó cùng với cô ta đi bắt dế để chọi, chàng bắt con dế to nhất khỏe nhất nhường cho cô ta, mà cô vẫn thua hoài. Cô ta khóc mãi không nín, chàng phải bày trò khôi hài mãi cô ta mới bật cười không giận nữa. Hai người cùng đi đến xin sư phụ kể chuyện cổ tích. Lệnh Hồ Xung nhớ lại chuyện này, nước mắt lại ứa ra.
Lâm Bình Chi nói:
– Đúng, phải thử xem sao.
Gã quay người đi. Nhạc Linh San nói:
– Ta đi với ngươi.
Nói rồi nắm tay nhau đi ra ngoài. Hai người mới đến núp sau cánh cửa sổ nín thở bất động. Một lúc sau, Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San mỗi người bưng một chậu nước đi vào Phật đường, lấy bảy tám trang kinh Phật mở ra nhúng vào chậu nước. Lâm Bình Chi nôn nóng lấy một trang kinh Phật soi vào ánh đèn, không thấy có tích tự gì. Hai người thử hơn hai chục trang mà không phát hiện ra chút gì khác lạ.
Lâm Bình Chi thở dài nói:
– Thôi đừng thử nữa, không có chữ nào viết trên đó đâu.
Lâm Bình Chi vừa nói hai câu này, hai người núp ngoài cửa sổ nhẹ nhàng đi vòng ra cửa lớn không một tiếng động, đẩy cửa đi vào. Lâm Bình Chi quát:
– Ai đó?
Hai người xông thẳng vào cửa, thế nhanh như gió. Lâm Bình Chi vung tay toan đỡ thì đã bị một người điểm trúng huyệt. Nhạc Linh San mới rút trường kiếm ra được một nửa, song chỉ của địch nhân đã nhắm đâm vào mắt cô ta.
Nhạc Linh San đành phải buông chuôi kiếm giơ tay lên gạt ra. Tay phải người đó chụp ba cái đều nhắm vào yết hầu của cô. Nhạc Linh San kinh hãi lùi lại hai bước, lưng tựa vào bên bàn thờ không cách nào lùi lại được nữa. Tay trái của người đó vung lên cao nhắm đánh xuống đầu cô. Nhạc Linh San đưa song chưởng lên đỡ, không ngờ chưởng này của người đó là hư chiêu, tay phải điểm ra trúng hông bên trái của Nhạc Linh San. Cô đứng tựa vào bàn thờ không nhúc nhích được nữa.
Lệnh Hồ Xung chứng kiến mọi việc. Chàng thấy nhất thời không lo gì cho tính mạng của Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi nên không vội ra tay cứu, chờ xem bọn địch nhân lai lịch thế nào. Hai người này nhìn Đông nhìn Tây, một người nhấc cái bồ đoàn dưới đất lên xé làm đôi, người kia đánh bốp một chưởng, cái mõ bể thành bảy tám mảnh. Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San không nói, không nhúc nhích được, thấy chưởng lực của hai người này như đao, như kiếm. Họ xé rách bồ đoàn, đánh vỡ cái mõ thì rõ ràng là đến tìm Tịch tà kiếm phổ. Gã thầm nghĩ: Không ngờ kiếm phổ lại giấu trong bồ đoàn và mõ.
Nhưng thấy trong bồ đoàn và mõ không có cất giấu vật gì, lòng gã mừng thầm.
Hai người này khoảng năm mươi tuổi, một lão hói đầu còn một lão tóc bạc trắng. Cả hai hành động thần tốc, trong khoảnh khắc đã đánh vỡ tất cả những đồ vật để trong Phật đường, trên bàn thờ; cho đến khi không còn vật gì để đánh vỡ nữa thì ánh mắt của hai người đều nhìn lên bức tranh vẽ hình Đạt Ma lão tổ. Lão đầu hói đưa tay trái ra nắm lấy bức tranh. Lão đầu bạc đưa tay ra cản rồi quát:
– Khoan đã, huynh đệ nhìn ngón tay của lão kìa.
Ánh mắt của Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi, Nhạc Linh San đều nhìn vào bức tranh, thấy trong bức tranh tay trái của đức Đạt Ma để ở sau lưng, dường như nắm kiếm quyết, còn ngón trỏ của tay phải chỉ lên nóc nhà. Lão đầu hói hỏi:
– Ngón tay của lão có gì lạ đâu?
Lão đầu bạc nói:
– Không biết! Thử xem sao.
Lão tung người lên, song chưởng nhắm đúng vào chỗ ngón tay trỏ của đức Đạt Ma trong bức tranh chỉ, lão đánh một chưởng lên nóc nhà. Rầm một tiếng, bụi màng nhện rớt xuống mù mịt. Lão đầu hói nói:
– Đâu có gì đâu?
Lão vừa nói bốn tiếng thì một bọc tròn từ trên nóc nhà rơi xuống. Đó là một cái áo cà sa của hòa thượng.
Lão đầu bạc chụp lấy soi vào ánh đèn rồi vui mừng nói:
– Nó… nó đây rồi!
Lão mừng quýnh, giọng nói cũng phát run lên. Lão đầu hói hỏi:
– Sao?
Lão đầu bạc nói:
– Huynh đệ xem đây.
Lệnh Hồ Xung chăm chú nhìn, thấy trên cà sa dường như thấp thoáng viết vô số chữ nhỏ.
Lão đầu hói hỏi:
– Đây phải chăng là Tịch tà kiếm phổ?
Lão đầu bạc nói:
– Chắc chắn là kiếm phổ. Hà hà hai huynh đệ chúng ta hôm nay lập được đại công rồi. Huynh đệ, đi thôi.
Lão đầu hói vui mừng đến nỗi không ngậm miệng lại được. Lão cẩn thận xếp áo cà sa lại bỏ vào trong túi, đưa tay trái chỉ vào Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi rồi hỏi:
– Đập chết chúng không?
Lệnh Hồ Xung cầm chuôi kiếm, chỉ đợi lão đầu bạc lộ ra ý muốn giết Lâm Bình Chi và Nhạc Linh San thì hắn xông vào giết hai lão già ngay.
Lão đầu bạc nói:
– Kiếm phổ đã ở trong tay thì không cần kết thâm thù với phái Hoa Sơn nữa. Mặc bọn chúng, đi thôi.
Hai lão sánh vai ra khỏi Phật đường rồi vượt tường ra đi.