Hồi 08 – Tuyết Sơn Phi Hồ
Ðám người đó, mỗi người kể một đoạn, sau khi ghép lại thì mối nghi ngờ trong lòng mọi người đã giải được quá nửa. Có điều cái đói dày vò, càng uống trà càng thấy xót ruột.
Ðào Bách Tuế lớn tiếng nói:
– Bây giờ sự việc đã rõ ràng rồi, thanh bảo đao này do chính tay Ðiền Quy Nông trao cho con trai tại hạ, các vị còn tranh giành gì nữa chứ?
Lưu Nguyên Hạc cười nói:
– Ðiền đại ca chỉ trao một cái hộp rỗng cho Ðào thế huynh mà thôi. Nếu huynh muốn lấy cái hộp rỗng đó, tại hạ không có gì để nói. Còn thanh bảo đao thì huynh làm sao có phần?
Ân Cát nói:
– Thanh đao này nên trở về với Nam tông Thiên Long môn tại hạ, điều đó chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Nguyễn Sĩ Trung nói:
– Hôm đó Ðiền sư huynh chưa làm lễ trao đao, đao này vẫn thuộc Bắc tông Thiên Long môn!
Mọi người tranh cãi càng lúc càng lớn.
Bảo Thụ bỗng cao giọng hỏi:
– Các vị tranh giành thanh đao này để làm gì?
Mọi người nhất thời á khẩu, ngớ người ra không biết trả lời ra sao.
Bảo Thụ cười nhạt, nói:
– Lúc trước các vị chỉ biết thanh đao này chém sắt như bùn, sắc bén vô song. Nhưng không biết nó có liên quan đến một kho tàng rất lớn. Bây giờ có người nói ra, ai nấy đều đỏ mắt lên, nổi lòng tham. Nhưng lão nạp muốn thỉnh giáo một chuyện: nếu không có bản đồ bảo tàng thì thanh đao này dùng vào việc gì?
Mọi người sửng sốt, đồng loạt nhìn chiếc thoa ngọc trên mái tóc Miêu Nhược Lan.
Miêu Nhược Lan mảnh mai yếu ớt, muốn lấy chiếc thoa trên đầu nàng dễ như trở bàn tay, có điều ai nấy cũng nghĩ phụ thân nàng uy chấn thiên hạ, nếu ai đó dám xúc phạm nàng thì y sẽ truy cứu đến cùng, ai dám đương đầu đầu đây? Mắt thấy chiếc thoa rung rung, nhưng không ai dám lên tiếng trước.
Lưu Nguyên Hạc quét mắt nhìn mọi người một vòng, vẻ mặt ngạo nghễ, đến trước mặt Miêu Nhược Lan, chợt thò tay rút chiếc thoa ngọc trên mái tóc nàng.
Miêu Nhược Lan vừa thẹn vừa tức giận, tái mặt đi, lùi về phía sau hai bước. Mọi người thấy Lưu Nguyên Hạc dám cả gan như vậy thì đều thất sắc.
Lưu Nguyên Hạc nói:
– Ta đây phụng chỉ hành sự, sợ quái gì Miêu Nhân Phượng chứ? Hơn nữa, lúc này Kim Diện Phật sống hay chết, hừ, hừ, cũng còn chưa biết ra sao nữa kìa!
Mọi người ồ lên hỏi:
– Sao thế?
Lưu Nguyên Hạc hơi mỉm cười, đáp:
– Theo tình hình mà nói, nếu lúc này Kim Diện Phật vẫn còn sống thì có đến tám chín phần là đã bị cùm chân khoá tay ngồi trong thiên lao rồi đấy!
Miêu Nhược Lan kinh hãi, quên cả nỗi nhục bị đoạt thoa ngọc, chỉ nghĩ đến an nguy của phụ thân, vội hỏi:
– Ông… ông bảo gia phụ làm sao?
Bảo Thụ cũng nói:
– Xin các hạ nói cho rõ!
Lưu Nguyên Hạc nhớ lúc lên núi bị lão kéo lê lết trên tuyết, chẳng còn ra thể thống gì, nhưng khi nói ra việc mình phụng chỉ hành sự thì thái độ Bảo Thụ thay đổi hẳn, bây giờ nghe lão hỏi vậy bèn đắc ý, không nhịn được muốn phun ra chuyện cơ mật của triều đình để lấy lại sĩ diện trước mặt mọi người, thế là hắn hỏi lại:
– Bảo Thụ đại sư, tại hạ hỏi đại sư một câu trước đã, chủ nhân nơi này là ai?
Quân hào ở trên núi đã nửa ngày trời mà vẫn không biết chủ nhân là ai, giờ nghe Lưu Nguyên Hạc như vậy là đúng với ý mình, đều cùng quay sang nhìn Bảo Thụ. Nghe lão cười rồi nói:
– Các vị đã không giấu giếm thì lão nạp cũng không cần giữ bí mật làm gì. Chủ nhân nơi đây họ Đỗ tên Hi Mạnh, là nhân vật lừng danh trong võ lâm.
Ai nấy đưa mắt nhìn nhau, thầm lẩm bẩm “Ðỗ Hi Mạnh? Ðỗ Hi Mạnh?” nhưng đều không nhớ ra người này là ai. Bảo Thụ mỉm cười, nói thêm:
– Vị lão anh hùng họ Ðỗ này tự xem mình thanh cao, không giao du với ai, nên võ công tuy cao cường nhưng người bình thường ít ai biết tên ông. Còn những nhân vật đứng đầu giang hồ thì ai cũng rất khâm phục vị lão anh hùng này.
Mấy câu nói sơ qua thế thôi nhưng khiến cả bọn đều tự ái, rõ ràng có ý nói mọi người thực chẳng đáng kể gì.
Bọn Ân Cát, Nguyễn Sĩ Trung đều giận lắm, nhưng lại nghĩ trên câu đối Miêu Nhân Phượng gọi ông ta là “Hi Mạnh nhân huynh”, mà bản thân họ quả chưa đủ gọi huynh xưng đệ với Kim Diện Phật, lời của Bảo Thụ tuy khiến họ khó chịu nhưng cũng không dám bắt bẻ.
Lưu Nguyên Hạc lại nói:
– Lúc chúng ta lên núi, viên quản gia nơi này có nói chủ nhân hắn tới tháp Ninh Cổ để gặp Kim Diện Phật, lại cử người đi trước mời Phạm bang chủ của Hưng Hán Cái Bang. Câu nói này có chút không thật. Vì vụ Phạm bang chủ bị bắt ở phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam, tại hạ cũng có góp chút sức lực.
Ai nấy kinh ngạc hỏi:
– Phạm bang chủ bị bắt rồi sao?
Lưu Nguyên Hạc cười nhạt, nói:
– Vụ này chính Trại tổng quản, Tổng quản ngự tiền thị vệ đích thân ra tay. Kể ra thì Phạm bang chủ cũng là một nhân vật có tầm cỡ, nhưng cũng không cần phải làm phiền đến Trại tổng quản nhọc công. Bọn tại hạ bắt giữ Phạm bang chủ chỉ để làm miếng mồi thơm câu con kim ngao lớn hơn. Con kim ngao đó đương nhiên là Kim Diện Phật rồi. Ðỗ trang chủ muốn mời Miêu Nhân Phượng đến đối phó với cái tên Tuyết Sơn Phi Hồ gì đó, thực ra làm sao mời được? Lúc này Miêu Nhân Phượng hẳn đã đi Bắc Kinh để giải cứu Phạm bang chủ. Hừm, hừm, Trại tổng quản đã bố trí thiên la địa võng ở Bắc Kinh, chỉ còn đợi Miêu Nhân Phượng đai giá quang lâm mà thôi. Nếu Miêu Nhân Phượng không trúng kế này thì bọn tại hạ cũng hết cách. Còn nếu y tới kinh sư cứu người thì đúng là tự chui vào rọ mà chuốc lấy khổ nạn.
Khi chia tay với phụ thân, Miêu Nhược Lan quả có nghe phụ thân nói có việc lên kinh, dặn nàng lên Tuyết sơn trước, đến ở tạm nhà họ Ðỗ. Lúc này nghe Lưu Nguyên Hạc nói thế, e rằng phụ thân quả đã lành ít dữ nhiều, bất giác mặt ngọc thất sắc.
Lưu Nguyên Hạc dương dương đắc ý, nói tiếp:
– Chúng ta đã có bản đồ, bảo đao cũng có, hãy đi tìm kho tàng của Lý Tự Thành dâng lên thánh thượng. Mọi người ở đây đều sẽ được công danh, phong thê ấm tử .
Thấy có người mừng ra mặt, có người do dự, Lưu Nguyên Hạc thầm biết bọn người như Ðào Bách Tuế thích phát tài hơn là thăng quan, nên nói thêm:
– Thiết nghĩ cái kho tàng ấy của cải chất cao như núi, mọi người tiện tay nhặt lấy ít nhiều cũng đủ ăn thừa thãi cả đời, vậy chẳng tốt sao?
Mọi người khen phải ầm ĩ, không còn dị nghị gì nữa.
Ðiền Thanh Văn từ lúc nãy xấu hổ quá tránh vào phòng, nay nghe ngoài sảnh không ngớt tiếng “phải, phải” thì biết rằng họ không còn bình luận về chuyện xấu của mình nữa, bèn rón rén đi ra, đứng bên cửa.
Lưu Nguyên Hạc nhổ một sợi tóc trên đầu xuống, thong thả xỏ qua mỏ con phượng trên chiếc thoa ngọc, rồi theo cách làm của Miêu Nhân Phượng mà hắn đã nhìn thấy hôm đó, khẽ kéo sợi tóc một cái. Cái lẫy trên đầu con phượng bật ra, quả nhiên có viên giấy nhỏ rơi ra. Mọi người kêu “ồ” lên. Lưu Nguyên Hạc mở mảnh giấy ra trên bàn, mọi người xúm lại xem.
Mảnh giấy ấy mỏng như cánh ve, tuy đã nhiều năm nhưng vì được cất kín trong chiếc thoa ngọc nên không bị hư hao gì. Trên giấy có vẽ một ngọn núi thẳng đứng cao chót vót, bên cạnh núi có viết chín chữ: “Sau ngọn Ngọc Bút, núi Ô Lan, Liêu Ðông”.
Bảo Thụ la lớn:
– A ha, thiên hạ sao lại có chuyện trùng hợp đến thế? Nơi chúng ta đang đứng là ngọn Ngọc Bút núi Ô Lan đây mà!
Mọi người nhìn hình vẽ ngọn núi trên giấy quả nhiên thấy giống hệt ngọn Tuyết sơn này; cả ba cây thông già cỗi bên vách núi mà họ trông thấy khi lên núi cũng được vẽ rõ ràng, ai nấy đều tấm tắc bảo thật kỳ lạ.
Bảo Thụ nói:
– Lão anh hùng họ Ðỗ ở sơn trang này có kiến văn quảng bác, hẳn phải biết tin tức kho tàng ở nơi này mới đặc biệt có ý xây dựng sơn trang ở đây. Nếu không, nơi đây khí hậu lạnh giá, lên xuống khó khăn, hà tất phải phí công sức đến thế?
Lưu Nguyên Hạc giật mình, vội nói:
– Ừ há! Thế thì hỏng rồi! Sơn trang xây dựng đã lâu, hay là ông ta đã vét sạch kho tàng rồi?
Bảo Thụ mỉm cười, nói:
– Thế thì cũng chưa hẳn! Lưu đại nhân nghĩ xem, nếu ông ta đã tìm được kho tàng thì nhất định đã sớm dọn đi nơi khác rồi, nhất định không khi nào còn ở lại đây.
Lưu Nguyên Hạc vỗ đùi, kêu lên:
– Không sai, không sai! Mau ra sau núi đi!
Bảo Thụ chỉ vào Miêu Nhược Lan, nói:
– Còn Miêu cô nương với người của sơn trang thì xử lý sao?
Lưu Nguyên Hạc quay người lại, thấy Vu quản gia và mấy người giúp việc trên sơn trang đều đã đi đâu không biết. Ðiền Thanh Văn từ cửa sau đi ra, nói:
– Không rõ tại sao, đàn ông đàn bà trên sơn trang đều trốn mất dạng cả rồi!
Lưu Nguyên Hạc giật lấy một thanh đao, tới trước mặt Miêu Nhược Lan, nói:
– Việc chúng ta nói ra, cô nương đã nghe không sót một chữ. Mầm họa này không để lại được!
Nói rồi giơ đao lên toan chém xuống đầu Miêu Nhược Lan.
Bỗng ngay lúc ấy, Cầm Nhi từ sau lưng ghế nhào tới, ôm chặt lấy tay của Lưu Nguyên Hạc, cắn mạnh vào cổ tay của hắn một phát. Lưu Nguyên Hạc bất ngờ bị đau điếng ở cổ tay, la hoảng lên, đánh rơi thanh đao xuống đất cái “xoảng”. Cầm Nhi mắng toáng lên:
– Tên ác tặc chết toi, mi dám động đến một sợi lông chân của tiểu thư thì lão gia ta sẽ rút gân mi, lột da mi! Những kẻ khác cũng không khỏi bị liên can đâu!
Lưu Nguyên Hạc giận quá, trở tay toan đấm cho Cầm Nhi một quyền vào mặt thì Hùng Nguyên Hiến giơ tay phải gạt quyền của hắn, nói:
– Sư ca, việc cần thiết cấp bách của chúng ta là tìm kho tàng, không cần phải làm tổn hại nhân mạng!
Phải biết rằng Hùng Nguyên Hiến cả đời làm bảo tiêu, xưa nay vốn nhát gan, sợ liên lụy, cẩn thận chín chắn, không như sư huynh hắn làm đến thị vệ của hoàng đế, giết vài mạng dân đen chẳng coi ra gì. Hắn nghe Cầm Nhi nói, cũng nghĩ nếu động đến Miêu Nhược Lan, vạn nhất phụ thân nàng thoát được thiên la địa võng thì thật là tại họa ập xuống đầu. Ân Cát cũng nghĩ như hắn, nên nói:
– Lưu sư huynh, chúng ta mau đi tìm kho tàng thôi!
Lưu Nguyên Hạc trừng mắt, chỉ vào Miêu Nhược Lan nói:
– Còn con quỷ này thì sao?
Bảo Thụ cười cười bước tới hai bước, vén tay áo lên, giơ ngón tay điểm vào huyệt “Thiên đột” ở cổ, vào huyệt “Thần đạo” ở lưng Miêu Nhược Lan. Toàn thân Miêu Nhược Lan nhũn ra, ngồi phịch xuống ghế, trong bụng vừa thẹn vừa tức nhưng không nói ra lời.
Cầm Nhi tưởng tiểu thư bị lão đánh, liền liều mạng nắm chặt lấy tay lão hòa thượng định cắn một phát. Bảo Thụ cứ để cho nàng nắm chặt tay phải đưa lên bên miệng, ngón tay lão chỉ hơi động đậy, điểm luôn vào huyệt “Nghênh hương” bên mũi và huyệt “địa phương” bên mép. Cầm Nhi rùng mình một cái là ngã ngay xuống đất.
Ðiền Thanh Văn nói:
– Miêu muội muội ngồi đây thì khó coi quá!
Liền nghiêng mình đỡ lấy Miêu Nhược Lan, vừa dìu sang phòng phía Ðông vừa cười nói:
– Muội muội nhẹ thật, như không có xương vậy!
Phòng phía đông vốn là phòng dành cho khách trọ của Ðỗ trang chủ, giường màn bàn ghế mọi thứ đều trang bị đầy đủ, bày biện cũng rất sang trọng. Ðiền Thanh Văn đóng cửa lại, cởi bỏ áo ngoài, giày tất trên người Miêu Nhược Lan, chỉ để lại quần áo lót, rồi quấn nàng vào trong chăn, buông màn xuống. Miêu Nhược Lan từ tuổi lên bảy, lên tám, đã không khi nào thay quần áo trước mặt người khác, nay tuy Điền Thanh Văn cũng là nữ nhân nhưng nàng vẫn thẹn đỏ cả mặt. Ðiền Thanh Văn nhìn thân hình nàng, cười nói:
– Sợ tỷ tỷ nhìn à? Muội tử, muội xinh đẹp thật, ngay cả tỷ tỷ đây cũng phải động lòng!
Nói xong, Ðiền Thanh Văn ôm đống quần áo của Miêu Nhược Lan ra ngoài sảnh, nói:
– Tiểu nữ đã cởi bỏ quần áo nàng ấy rồi, tới khi huyệt đạo giải cũng chẳng dám đi ra ngoài đâu.
Mọi người cười ầm cả lên.
Bảo Thụ nói:
– Mọi người lại đây xem đi! Trong thanh đao có manh mối gì để tìm kho tàng đây?
Nói xong, lão lấy ra cái hộp sắt, mở hộp sắt cầm lấy thanh đao, thấy ngoài mấy chữ khắc trên bao da ra, chẳng có gì khác lạ cả. Một tay cầm bao da, một tay nắm cán đao, lão rút soạt thanh đao ra, cảm thấy ánh xanh bắn ra bốn phía, lạnh đến thấu xương, bất giác lão rùng mấy cái liền. Mọi người đều “ồ” lên.
Bảo Thụ đặt thanh đao xuống bàn, mọi người vây quanh xem, thấy thân đao một mặt sáng bóng bằng phẳng, một mặt chạm hoa văn lưỡng long tranh châu. Hai con rồng một to một nhỏ, hình dáng cực xấu xí, rồng không ra rồng, rắn không ra rắn mà giống như hai con sâu róm, nhưng hạt châu mà chúng tranh lại là một viên hồng ngọc, sáng long lanh, đúng là vật quý.
Tào Vân Kỳ cầm đao lên nhìn kỹ, nói:
– Ðao này có gì lạ đâu?
Bảo Thụ đáp:
– Hai con trùng này nhất định có liên quan đến bảo tàng, chúng ta đi ra sau núi quan sát rồi hãy tính. Ðưa đao đây cho lão nạp!
Nói xong lão giơ tay ra định nhận bảo đao. Tào Vân Kỳ chẳng nói chẳng rằng rút đao về thủ, rồi chạy ào ra ngoài. Bảo Thụ nổi giận, quát:
– Ngươi làm gì thế?
Vừa đuổi theo ra đến cửa lớn, thấy Tào Vân Kỳ xách đao chạy nhanh tới phía trước, lão giơ tay phải lên, một hạt tràng sắt bay ra, trúng vào xương bả vai bên phải của Tào Vân Kỳ. Cánh tay Tào Vân Kỳ tê bại, nắm không chắc, thanh đao rơi xuống nền đất đầy băng giá. Bảo Thụ lướt nhanh tới, nhặt thanh bảo đao lên. Tào Vân Kỳ không dám tranh nữa, lùi sang một bên, trơ mắt nhìn Bảo Thụ và Lưu Nguyên Hạc, người cầm bảo đao, người cầm bản đồ, sánh vai cùng đi ra mé sau núi. Lúc này những người còn lại cũng đều ùa ra khỏi cửa lớn, đi theo sau họ.
Bảo Thụ vừa cười, vừa nói :
– Lưu đại nhân, lúc nãy lão nạp có lỡ mạo phạm, xin đừng trách!
Lưu Nguyên Hạc thấy lão cười tạ lỗi thì vui vẻ đáp :
– Đại sư võ nghệ cao cường, tại hạ rất cảm phục, sau này còn có lúc nhờ vả đến đại sư!
Bảo Thụ đáp :
– Không dám .
Hai người đi một hồi thì thấy đỉnh núi đã hết đường đi, nhìn ra xung quanh toàn một màu tuyết trắng xoá. Tuy biết kho tàng chỉ nội trong ngọn núi Bút Phong này thôi, nhưng đỉnh núi lớn nhường này, khắp nơi tuyết phủ, không để lại chút dấu vết nào, biết đi đâu mà tìm? Nếu phải xúc hết băng tuyết đi thì dù có sức lực hàng trăm người cũng phải mất sáu tháng hoặc một năm. Huống hồ xúc hôm nay, ngày mai tuyết lớn lại rơi xuống. Nghĩ tới Đỗ Hi Mạnh đã ở trên đỉnh Tuyết sơn này mấy chục năm, ắt ngày đêm đã khổ công suy tính trăm phương ngàn kế để tìm kho tàng, nhưng đến nay vẫn chưa thành công, đủ biết việc tìm kiếm kho tàng quả không dễ dàng gì.
Cả bọn đứng bên bờ vách núi nhìn đông ngó tây, đành chịu bó tay. Điền Thanh Văn bỗng chỉ một dải núi nhỏ uốn lượn lên xuống dưới đỉnh núi, kêu lên :
– Các vị nhìn kìa !
Mọi người nhìn theo hướng tay chỉ vẫn không nhận ra có gì lạ .
Điền Thanh Văn nói :
– Các vị, nhìn hình dáng dải núi này xem có giống hoa văn chạm trổ trên thanh đao không nào?
Mọi người được nàng nhắc nhở, bèn quan sát kĩ dải núi. Thấy một dải từ đông bắc chạy sang tây nam, một dải khác chạy từ chính nam lên bắc, chỗ hai dải gặp nhau có một ngọn núi thấp tròn như cái đôn.
Bảo Thụ nâng đao lên xem rồi lại nhìn dải núi, quả nhiên thấy vị trí và thế đi của dải núi giống hệt bức hình lưỡng long tranh châu chạm trổ trên thân đao, bất giác reo lên:
– Đúng rồi, đúng rồi, kho tàng nhất định ở ngọn núi tròn tròn kia !
Lưu Nguyên Hạc giục:
– Chúng ta mau xuống đó đi.
Lúc này cả bọn chỉ chăm chăm vào việc tìm kho tàng nên có thể nói là đồng tâm hiệp lực, không còn có ý nghi ngờ hãm hại nhau. Ai nấy xé vạt áo lấy vải quấn vào bàn tay, nắm lấy dây thừng từ từ tuột xuống núi. Người đầu tiên xuống là Lưu Nguyên Hạc, người cuối cùng là Ân Cát. Ân Cát toan cắt thừng đi, để tránh mối lo, nhưng thấy mọi người đi đã xa, sợ khi tìm thấy kho tàng thì mình mất phần, bèn không dám chậm trễ, liền thi triển khinh công đuổi theo cho kịp.
Từ ngọn Ngọc Bút nhìn xuống thì ngọn núi tròn, thấp như ở ngay trước mặt, nhưng đường bộ đi tới nơi thì chẳng gần chút nào, cũng phải khoảng hai mươi dặm. Mọi người đều giỏi khinh công, chưa tới nửa giờ đã chạy tới trước ngọn núi tròn. Họ vòng đi vòng lại nơi này để tìm vị trí kho tàng. Đào Tử An bỗng chỉ sang bên trái, kêu lên:
– Đó là ai thế?
Mọi người nghe tiếng kêu gấp gáp, cùng nhìn theo, thấy một bóng người áo trắng lướt nhanh qua trên tuyết, thân pháp nhanh nhẹn tuyệt luân. Chỉ trong chớp mắt, cái bóng trắng đó đã chạy lên phía ngọn Ngọc Bút.
Bảo Thụ kêu thất thanh nói :
– Tuyết Sơn Phi Hồ! Con trai của Hồ Nhất Đao ghê gớm thật!
Trong lúc thốt ra câu này, sắc mặt lão xám xịt, rõ ràng là trong lòng lo lắng lắm. Lão còn đang trầm tư, chợt nghe Điền Thanh Văn kêu ré lên, vội vàng quay đầu lại nhìn, thấy trên mặt ngọn núi tròn hổng một lỗ lớn, mà chẳng thấy Điền Thanh Văn đâu cả.
Đào Tử An và Tào Vân Kỳ vẫn luôn ở bên Điền Thanh Văn, thấy nàng bỗng sẩy chân rơi xuống hố, đều không hẹn mà cũng gọi lớn:
– Thanh muội!
Cả hai toan nhảy xuống cứu. Nhưng Đào Bách Tuế đã kịp giữ con trai mình lại, quát lên:
– Làm gì thế?
Đào Tử An chẳng lý tới, vùng ra rồi cùng Tào Vân Kỳ nhảy xuống. Nào ngờ cái hố này rất nông, hai người nhảy xuống đều đè lên Điền Thanh Vân. Cả ba kêu oai oái khiến người đứng trên đều bật cười, giơ tay kéo cả ba lên.
Bảo Thụ nói:
– Có thể kho tàng ở ngay dưới hố cũng chưa biết chừng. Điền cô nương có thấy gì ở dưới đó không?
Điền Thanh Văn xoa những chỗ đau ở trên người do va phải đá, cằn nhằn nói:
– Tối om om, có nhìn thấy gì đâu!
Bảo Thụ nhảy xuống, giơ đuốc lên soi, thấy cái hố đó rộng chưa quá một trượng, trong hố toàn là nham thạch và băng tuyết rất cứng, ngoài ra không còn gì lạ, lão đành tung người nhảy lên.
Bỗng nghe Chu Vân Dương và Trịnh Tam Nương hoảng hốt kêu ré lên rồi kẻ trước người sau rơi xuống hai cái hố, một đằng đông, một đằng nam ở trong tuyết.
Nguyễn Sĩ Trung và Hùng Nguyên Hiến chia nhau kéo họ lên. Xem ra trên ngọn núi tròn này xung quanh đều là hố, ai nấy đều sợ sẩy chân rơi xuống những cái hố sâu và nguy hiểm hơn, nên chẳng ai dám đi bừa mà chỉ đứng nguyên tại chỗ.
Bảo Thụ than:
– Đồ trang chủ ở trên ngọn núi Bút Phong này đến mấy chục năm, không biết kho tàng ở đâu. Ông ta không có bảo đao và bản đồ, không biết đầu mối ở đâu mà tìm nên chẳng kể làm gì. Còn chúng ta biết rõ là ở trên ngọn núi tròn này, vậy mà vẫn không biết bắt tay từ chỗ nào, thật là đồ vô dụng.
Mọi người đứng mãi cũng mệt mỏi, đành ngồi xuống, bụng đói càng lúc càng cồn cào, đều chán nản ra mặt.
Vết thương của Trịnh Tam Nương lại đau trở lại, phải nghiến răng lấy tay ấn chặt xuống vết thương. Trong lúc quay đầu, mụ thấy viên ngọc trên thanh đao trong tay Bảo Thụ loé sáng dưới ánh tuyết, trông càng lóng lánh tuyệt mĩ. Trịnh Tam Nương nhiều năm theo chồng làm nghề bảo tiêu, tận mắt trông thấy không ít bảo vật quý hiếm, lúc này thấy viên ngọc kia phát sáng khác thường, nảy ý muốn xem, bèn nói:
– Đại sư, cho tại hạ mượn thanh bảo đao xem một lát .
Bảo Thụ nghĩ thầm: “Mụ là đàn bà, chân lại bị thương, ngại gì chứ?” Nghĩ thế, bèn đưa bảo đao qua. Trịnh Tam Nương cầm đao xem kĩ lưỡng, thấy viên ngọc quả được khảm mặt trái vào đao. Bảo thạch vốn có phân biệt mặt phải và mặt trái, mặt âm và mặt dương. Một số nghệ nhân giỏi có thể mài chuốt hai mặt như nhau, nhưng mắt người sành sỏi vẫn phân biệt được rõ ràng. Trịnh Tam Nương nói:
– Đại sư, viên bảo thạch này mặt trái lộn ra ngoài, e rằng bên trong có gì lạ đó ?
Bảo Thụ đang lúc vô kế khả thi, nghe Trịnh Tam Nương nói vậy bèn nghĩ: “Bất kể mụ ta nói đúng hay sai, cứ cạy ra xem sao đã!” Lão bèn cầm lấy đao, rút chủy thủ trong người ra rồi dùng mũi chủy thủ nạy nhẹ viên ngọc một cái, viên ngọc rơi bật xuống đất.
Bảo Thu nhặt viên ngọc lên, xem kỹ cả hai mặt chẳng thấy có gì lạ. Nhìn vào chỗ lõm lắp viên ngọc trên thân đao, lão bỗng lạc cả giọng kêu lên:
– Ở đây rồi!
Thì ra trong vết lõm đó có khắc một mũi tên, đầu mũi tên chỉ theo hướng đông bắc nhưng lệch về phía bắc, tận đầu mũi tên có một vòng tròn nhỏ xíu. Bảo Thụ mừng khôn xiết, đoán giữa vết lõm là đỉnh núi tròn. Lão ước lượng khoảng cách xa gần, nhằm đúng hướng, từng bước một đi tới. Khi sắp bước tới nơi dự tính, quả nhiên đất dưới chân tơi xốp, người lún xuống ngay. Lão đã phòng bị sẵn, hai chân vừa tới chỗ đất chắc lập tức huơ đuốc gạt băng tuyết ra; thấy trước mặt lộ ra một đường hầm dài, bèn đi vào ngay. Bọn Lưu Nguyên Hạc cũng nhảy xuống theo sau.
Đuốc cháy được một lúc thì tắt ngóm, nhưng sơn động thì quanh co, vòng vèo, ngoặt liền mấy chỗ mà vẫn chưa tới nơi.
Tào Vân Kỳ nói:
– Tại hạ đi kiếm ít cành cây khô.
Nói rồi chạy trở ra ngoài, ôm vào một mớ cành khô, châm lửa thành bó đuốc. Hắn là người lỗ mãng, nhưng cũng có mặt tốt là làm việc mạnh bạo dứt khoát. Tào Vân Kỳ tay cầm đuốc, dẫn đầu đi trước.
Trong động, khắp nơi toàn là băng đóng cứng đã rất lâu, một số chỗ băng nhô ra nhọn hoắt như lưỡi kiếm. Đào Bách Tuế vác một khối đá to, đập vỡ hết những mũi băng nhọn cản đường. Khi lên núi, ai nấy đều gườm nhau, nhưng lúc này đều mong tìm thấy kho tàng, đồng hội cùng thuyền, dìu đỡ nhau mà đi.
Ngoặt qua mấy khúc quanh nữa, Điền Thanh Vân bỗng kêu lên :
– Ủa!
Chỉ tay vào một vật vàng choé dưới đất ngay trước mặt Tào Vân Kỳ. Tào Vân Kỳ cúi nhặt lên, thì ra là một cây bút đúc bằng vàng, cán bút khắc chữ “An”, giống hệt cây bút trong tay Điền Thanh Văn trước khi lên núi. Tào Vân Kỳ nghi hoặc, quay đầu lại nghiêm giọng nói với Đào Tử An :
– Hừm, thì ra là người đã đến đây!
Đào Tử An nói:
– Ai bảo ta từng đến đây? Ngươi xem, lối vào có vết chân người không?
Tào Vân Kỳ nghĩ thầm :
– Trong hang này quả không thấy dấu chân người, nhưng sao cây bút bằng vàng của hắn lại rơi ở đây được?
Hắn đã nghĩ việc gì thì không sao để bụng được, lập tức xòe tay ra cho thấy cây bút vàng, miệng nói:
– Chẳng phải của ngươi ư? Khắc tên ngươi rành rành đây này!
Đào Tử An nhìn rồi lắc đầu nói:
– Ta chưa thấy nó bao giờ!
Tào Vân Kỳ nổi giận, ném ngay bút xuống đất, rồi đưa tay chộp áo Đào Tử An, nhổ luôn một bãi nước bọt, quát to :
– Còn định chối hả? Ta thấy rõ ràng Thanh muội cầm cây bút ngươi tặng mà!
Sơn động này không tiện xoay trở người, Đào Tử An sao tránh kịp? Bãi nước bọt trúng ngay bên trái mũi. Đào Tử An giận quá, phóng ngay hữu cước ra, đá trúng bụng dưới Tào Vân Kỳ, đồng thời song thủ xuất chiêu”Yến quy sào” đánh trúng ngực đối phương. Tào Vân Kỳ thân người chấn động, vứt luôn bó đuốc, tay phải đánh trả một quyền, “bốp” một phát vào mặt Đào Tử An. Đuốc tắt, trong động tối om, chỉ nghe tiếng hai người giận giữ chửi rủa nhau, xen lẫn những tiếng đánh nhau uỳnh uỵch. Cả hai tay đấm chân đá, chiêu nào cũng trúng đối phương, sau đó ôm lấy nhau lăn lộn dưới đất.
Mọi người vừa bực lại vừa buồn cười, đều lên tiếng can ngăn. Nhưng hai gã Tào, Đào sao chịu nghe? Điền Thanh Văn bỗng cao giọng nói :
– Người nào không chịu dừng tay, từ nay ta không thèm nói chuyện nữa!
Tào Vân Kỳ, Đào Tử An đều khựng lại, bất giác buông nhau ra đứng lên .
Trong bóng tối nghe Hùng Nguyên Hiến nhỏ nhẹ nói:
– Tại hạ là Hùng Nguyên Hiến, tìm đuốc thắp lên đây. Hai vị chớ có ghen xằng mà đấm đá vào người tại hạ đấy nhé.
Hắn đưa tay mò dưới đất, tìm được đuốc, đốt lên. Thấy Tào, Đào hai người mắt tím mũi sưng, thở hồng hộc, bàn tay nắm chặt, giận dữ nhìn nhau.
Điền Thanh Văn lấy từ trong áo ra cây bút vàng nhỏ, lại nhặt cây bút vàng nhỏ dưới đất cầm lên, nói với Tào Vân Kỳ:
– Hai cây bút này quả thật là một đôi, nhưng ai bảo với huynh rằng Đào huynh cho muội?
Tào Vân Kỳ ngớ người ra, lắp bắp nói:
– Không phải hắn cho muội, vậy sao muội có? Tại sao trên bút có tên hắn?
Đào Bách Tuế cầm bút xem, hỏi Tào Vân Kỳ:
– Sư phụ ngươi là Điền Quy Nông, còn sư tổ ngươi là ai?
Tào Vân Kỳ sững người, đáp:
– Sư tổ? Sư tổ là phụ thân của sự phụ tại hạ, lão nhân gia tên chữ là An Báo.
Đào Bách Tuế cười nhạt, nói :
– Đúng rồi! Điền An Báo. Ông ta dùng thứ ám khí gì?
Tào Vân Kỳ đáp:
– Tại… tại hạ chưa từng được gặp sư tổ.
Đào Bách Tuế nói:
– Người chưa gặp nhưng võ nghệ của Nguyễn sư thúc ngươi là do Điền An Báo đích thân truyền thụ, ngươi cứ hỏi y.
Tào Vân Kỳ chưa kịp mở miệng thì Nguyễn Sĩ Trung đã tiếp lời, nói:
– Vân Kỳ đừng gây náo loạn nữa! Cây bút bằng vàng này là ám khí của sư tổ gia đó.
Tào Vân Kỳ đớ lưỡi không nói được, nhưng trong lòng vẫn không hết nghi ngờ.
Bảo Thụ nói:
– Hai người muốn so tài cao thấp thì xin mời ra ngoài kia mà đánh nhau sống chết, để chúng ta đi tìm kho tàng.
Hùng Nguyên Hiến giơ cao đuốc đi trước dẫn đường, ngoặt qua một khúc quanh nữa. Lúc này huyệt động càng lúc càng hẹp, mọi người đều phải khom lưng mà đi, có lúc đầu và vào những nhũ bằng cứng nhọn hoắc, đau điếng, nhưng nghĩ đến sắp được kho tàng nên đều không lấy đó làm khổ sở.
Đi hết khoảng thời gian uống một tuần trà, trước mắt đã hết lối, chỉ thấy một khối đá to hình tròn chồng lên một khối đá hình tròn khác. Hai khối đá này chắn hết lối đi, giữa hai khối đá đều là bằng đông cứng. Hùng Nguyên Hiến giơ tay đẩy, khối đá không hề nhúc nhích, liền quay lại hỏi Bảo Thụ:
– Làm sao đây?
Bảo Thụ lắc đầu không đáp.
Trong đám quần hào này, Ân Cát là người nhiều mưu trí nhất, hắn trầm ngâm giây lát, rồi nói:
– Hai khối đá tròn chồng lên nhau tất phải đẩy được, chỉ do băng đông cứng lại thôi .
Bảo Thụ mừng, nói:
– Đúng vậy, chỉ cần đốt băng tan ra là được.
Hùng Nguyên Hiến bèn cầm đuốc đến gần khối đá, hơ cho băng đóng giữa hai tảng đá này chảy ra. Bọn Tào Vân Kỳ, Chu Vân Dương quay trở ra ngoài nhặt thêm cành khô chụm vào đốt. Lửa cháy to, băng tan thành nước, chỉ nghe những tiếng lách tách rồi từng khối băng vụn rơi xuống nền đất.
Chừng thấy băng đóng quanh hai khối đá tròn đã tan được quá nửa, Bảo Thụ nôn nóng, vận kình lên song thủ đẩy khối đá, nhưng khối đá vẫn trơ trơ. Lại hơ một lúc nữa, băng tan ra nhiều hơn. Khi Bảo Thụ đẩy lần thứ hai thì khối đá nhúc nhích mấy cái, rồi từ từ xê dịch qua, lộ ra một kẽ hở, chẳng khác nào cánh cửa đá do trời đất tạo nên vậy.
Mọi người cả mừng, reo hò ầm lên. Nguyễn Sĩ Trung hợp sức với Bảo Thụ đẩy tiếp cho khe hở rộng thêm ra. Bảo Thụ nhặt một cành củi cháy đi vào trước, ai nấy cũng cầm đuốc ùn ùn vào theo. Vừa qua cửa đá thì cả một vùng ánh vàng lấp lánh phản chiếu đến hoa cả mắt, khiến ai nấy đều nín thở, há hốc mồm không ngậm lại được.
Thì ra trước mặt là một cái hang động cực lớn, chung quanh xếp đầy những khối bạc, thỏi vàng, trân châu bảo thạch, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Có điều số vàng bạc châu báu này đều ẩn sau những tảng băng trong suốt. Xem ra năm ấy, sau khi thuộc hạ của Sấm Vương cất giấu vàng bạc châu báu xong, họ đã tưới nước lạnh vào. Nơi đây quanh năm lạnh giá, băng tuyết không tan, thành thử vàng bạc châu báu như được để trong một khối thủy tinh vậy. Mọi người nhìn số vàng bạc châu báu mà không thốt ra được lời nào, nhất thời trong động im phăng phắc. Rồi đột nhiên họ cùng reo hò lên. Bọn Bảo Thụ, Đào Bách Tuế đều nhào tới, chẳng còn biết nói gì lúc này.
Chợt Điền Thanh Văn hoảng hốt kêu lên:
– Có người!
Nàng chỉ tay vào vách hang. Dưới ánh lửa soi, quả nhiên là có hai bóng đen đứng dựa vào vách.
Mọi người quá kinh hãi, không ngờ có người ở trong động. Chẳng lẽ nào còn có lối khác vào hang động? Ai nấy cầm binh khí trong tay, bất giác đứng tụm lại với nhau. Một lúc lâu sau, thấy hai bóng đen kia vẫn không hề động đậy. Bảo Thụ bèn quát to:
– Ai đó?
Nhưng thấy hai bóng đen kia vẫn bất động, mọi người càng nghi hoặc hơn. Bảo Thụ nói to:
– Không biết hai vị tiền bối cao nhân nào, xin mời ra đây tương kiến!
Tiếng lão bị bốn vách hang vang dội lại đến nỗi ù cả tai, rất khó chịu, nhưng hai người kia vẫn không trả lời, cũng chẳng bước ra.
Bảo Thụ giơ cao thuốc lên, tiến lại gần mấy bước, thấy rõ hai bóng đen kia ở ngoài một lớp băng. Lớp băng này thẳng đứng như một bức tường thủy tinh, ngăn thành hai gian trong và ngoài. Bảo Thụ lấy hết can đảm bước lại đến bức tường băng, thấy tình trạng của hai người kia rất quái dị mà không hề động đậy, rõ ràng đã bị điểm trúng huyệt đạo. Lúc này, lão không sợ nữa, gọi to:
– Mọi người đến đây!
Lão sải chân đi vòng qua bức tường băng, tay phải giơ đao lên, tay trái cầm đuốc soi vào mặt hai người, bất giác hít một hơi thật sâu. Thì ra hai người này đã chết từ lâu, mặt mũi gớm ghiếc, các thớ thịt trên mặt nhăn nhúm, trông thật ghê sợ.
Trịnh Tam Nương và Điền Thanh Văn thấy xác chết thì đều kinh hãi hét lên. Những người khác tới gần tử thi, thấy hai người tay phải đều cầm chủy thủ đâm vào đối phương, một mũi trúng vào ngực, một mũi trúng vào bụng dưới, tự giết nhau.
Nguyễn Sĩ Trung nhìn rõ mặt một xác chết, đột nhiên phủ phục xuống đất khóc rống, nói:
– Ân sư, thì ra lão nhân gia ở chốn này!
Mọi người nghe hắn gọi thế đều kinh ngạc xúm lại, cùng hỏi:
– Cái gì?
– Hai người này là ai?
– Sư phụ của ngươi sao ?
– Sao lại chết ở đây chứ?
Nguyễn Sĩ Trung gạt nước mắt, chỉ vào cái xác hơi thấp hơn, nói:
– Vị này là Điền ân sư của tại hạ. Chiếc bút bằng vàng vừa nãy Vân Kỳ nhặt được là của sự phụ tại hạ.
Mọi người nhìn mặt Điền An Báo chỉ chừng dưới bốn mươi tuổi, còn trẻ hơn cả Nguyễn Sĩ Trung, mới đầu cảm thấy kỳ lạ, nhưng nghĩ lại thì hiểu ra. Hai người này thật ra đã chết cách đây mấy chục năm, chỉ vì trong hang giá rét nên xác không thối rữa, giống như vừa mới chết mấy ngày vậy.
Tào Vân Kỳ chỉ vào cái xác thứ hai, hỏi:
– Sư thúc, còn người này là ai? Sao hắn dám giết sư tổ gia?
Nói xong, hắn đá một phát vào tử thi kia. Mọi người thấy thi thể người này cao gầy, chân tay to dài thì cũng đoán ra được tám chín phần.
– Vị này là phụ thân của Kim Diện Phật, hồi nhỏ tại hạ vẫn gọi ông là Miêu gia. Lão rất thân với ấn sự tại hạ. Có một năm hai người rủ nhau ra quan ngoại, lúc ấy bọn tại hạ không biết vì việc gì, nhưng thấy hai người có vẻ cao hứng lắm, hớn hở đi. Nhưng từ đấy không thấy họ trở về nữa. Sau này bằng hữu trong võ lâm đồn nhau là họ bị Hồ Nhất Đao ở Liêu Đông giết hại, cho nên Kim Diện Phật và Điền sư huynh mới đi tìm Hồ Nhất Đao báo thù. Nào ngờ Miêu… Miêu gia thấy châu báu trong động thì nảy lòng tham, liền hạ độc thủ ân sư.
Nói xong, Nguyễn Sĩ Trung đá một phát vào đùi cái xác ấy. Họ Miêu và họ Điền sau khi chết, toàn thân đông cứng, Nguyễn Sĩ Trung đá một cước mà thi thể vẫn đứng thẳng không đổ, còn mũi chân hắn thì lại đau ê ẩm.
Cả bọn đều nghĩ:
– Biết đâu sư phụ ngươi nẩy lòng tham, hạ độc thủ trước?
Nguyễn Sĩ Trung giơ tay đẩy xác người họ Miêu, toan tách người đó ra khỏi sư phụ. Nhưng hai người bị dính với nhau đã mấy chục năm, tay liền với đao, đao liền với người, băng đóng cứng lại, sao có thể đẩy rời họ ra được?
Đào Bách Tuế thở dài, nói:
– Năm xưa Hồ Nhất Đao nhờ người báo cho Miêu đại hiệp và Điền Quy Nông hay rằng ông ta biết phụ thân của họ đã chết vì nguyên nhân gì. Có điều hai người này chết không được vinh dự cho lắm nên y không tiện nói ra, chỉ muốn đưa họ đến tận nơi xem mà thôi. Bây giờ chúng ta đã tận mắt thấy cả rồi, lời Hồ Nhất Đao quả không sai. Như vậy Hồ Nhất Đao tất đã từng đến đây, nhưng thấy kho tàng mà không lấy, thực không biết vì cớ gì sao?
Điền Thanh Văn bỗng nói:
– Hôm nay điệt nữ gặp một chuyện rất lạ.
Nguyễn Sĩ Trung hỏi:
– Chuyện gì thế ?
Điền Thanh Văn đáp:
– Sáng hôm nay chúng ta đuổi theo…
Nàng nhếch môi về phía Đào Tử An, mặt hơi đỏ lên. Nói tiếp:
– Sư thúc, sư huynh phi ngựa trước, điệt nữ tụt lại phía sau…
Tào Vân Kỳ không nén được, gằn giọng:
– Muội cưỡi con ngựa tốt nhất, làm sao tụt lại đằng sau được? Muội… muội… không muốn động thủ với tên họ Đào chứ gì?
Điền Thanh Văn chẳng thèm nhìn hắn, chỉ buồn buồn nói:
– Sư ca hại cả một đời muội, còn muốn dằn vặt thế nào nữa thì tùy huynh. Nhưng Đào Tử An là hôn phu của muội, muội có lỗi với huynh ấy. Tuy Đào huynh không cần muội nữa, nhưng ngoài huynh ấy ra, trong lòng muội quyết không thể có ai khác.
Đào Tử An lớn tiếng nói:
– Không, huynh cần muội! Thanh muội, huynh cần muội !
Đào Bách Tuế và Tào Vân Kỳ cùng quát ầm lên. Một người quát:
– Ngươi muốn lấy con tiện nhân đó à? Ta không cần thứ con dâu như nó đâu!
Một người quát:
– Ngươi có bản lãnh thì hạ thủ ta trước cái đã!
Hai người cùng quát một lúc, tiếng vọng lại trong hang động rất lớn, quyện vào nhau khiến chẳng ai nghe họ nói gì.
Điền Thanh Văn cúi nhìn xuống đất, chờ họ quát xong mới khẽ nói:
– Tuy chàng cần muội, nhưng muội còn mặt mũi nào mà về với chàng? Ra khỏi động rồi, vĩnh viễn chàng đừng bao giờ tìm gặp muội nữa!
Đào Tử An cuống lên nói:
– Không, không, Thanh muội, tất cả là do hắn. Hắn ức hiếp muội, dày vò muội, ta phải liều mạng với hắn.
Nói xong xách đao sấn tới Tào Vân Kỳ.
Lưu Nguyên Hạc đứng chắn trước mặt Đào Tử An, la lên:
– Hai người ghen tuông thì ra ngoài kia mà đánh nhau .
Dứt lời, Lưu Nguyên Hạc vung chưởng trái nhứ một cái, tay phải vươn ra chộp lấy cổ tay Đào Tử An vặn khẽ một cái, đoạt luôn thanh đao trong tay hắn, ném xuống đất.
Còn phía bên kia, Tào Vân Kỳ nhảy đựng lên cũng bị Ân Cát cản lại. Ai nấy đều thấy Điền Thanh Văn lùi mà lại thành tiến, làm cho hai anh chàng họ Tào và họ Đào trở nên điên cuồng vì nàng thì đều cười thầm trong bụng.
Bảo Thụ nói:
– Điền cô nương, cô nương thương ai thì lấy người đó, tóm lại không thể nào lấy hòa thượng ta được. Cho nên lão nạp muốn hỏi cô nương sáng nay gặp chuyện gì mà bảo là quái lạ?
Mọi người cười ha hả. Điền Thanh Văn cũng bật cười khúc khích, đáp:
– Con ngựa điệt nữ cưỡi phi rất chậm, không đuổi kịp các sư thúc. Đang đi chợt nghe có tiếng vó ngựa, một con ngựa từ phía sau vọt lên. Người cưỡi ngựa cầm trong tay một bầu rượu lớn, ngửa cổ lên tu. Điệt nữ thấy y râu ria đầy mặt, say ngất ngưởng trên mình ngựa mà còn tu rượu ừng ực, bất giác cười thành tiếng. Y quay đầu lại hỏi: “Cô nương là con gái Điền Quy Nông phải không?” Điệt nữ đáp : “Phải, tôn giá là ai?” Y nói: “Cho cô nương cái này!” Ngón tay búng một cái thì cây bút vàng này bay sạt qua, làm rơi một bên hoa tai của điệt nữ. Điệt nữ giật mình, còn y thì thúc ngựa bỏ đi. Điệt nữ phân vân mãi, không biết tại sao y lại búng cho điệt nữ cây bút vàng này.
Bảo Thụ hỏi:
– Cô nương có nhận ra là ai không?
Điền Thanh Văn gật đầu, khẽ đáp:
– Chính là Tuyết Sơn Phi Hồ Hồ Phỉ. Khi y búng cây bút cho điệt nữ, đương nhiên điệt nữ không hề biết y là ai. Sau này, khi y lên núi nói chuyện với Miêu cô nương, điệt nữ mới nhận ra giọng nói của y, rồi lại nhìn qua khe vách, thì đúng là y thật.
Tào Vân Kỳ lại nổi cơn ghen, hỏi:
– Cây bút vàng này đã là của sư tổ, Hồ Phỉ làm sao mà có được? Hắn cho muội để làm gì?
Điền Thanh Văn đang ôn tồn nói chuyện với mọi người, nghe Tào Vân Kỳ hỏi thế thì cảm thấy bực mình, sầm nét mặt chẳng thèm nhìn hắn.
Lưu Nguyên Hạc nói:
– Hồ Nhất Đao từng đến nơi này, hắn là nhặt được ở dưới đất hoặc lấy được trên người Điền An Báo. Nhưng khi Hồ Nhất Đao chết, Hồ Phỉ ra đời mới được mấy ngày, làm sao có thể trao cây bút lại cho hắn được?
Hùng Nguyễn Hiến nói:
– Có thể Hồ Nhất Đao để cây bút này lại ở nhà, sau này khi Hồ Phỉ lớn lên, trở lại nhà cũ, đương nhiên là tìm thấy nó trong số di vật của phụ thân hắn.
Nguyễn Sĩ Trung gật đầu, nói:
– Rất có thể như thế. Cây bút nhỏ này rỗng ruột, đầu bút có thể vặn ra. Thanh Văn, điệt nhi xem bên trong bút có gì không?
Điền Thanh Văn trước hết tháo đầu chiếc bút nhặt được ở trong hang ra, trong ruột bút không có gì, lại tháo đầu cây bút của Hồ Phỉ ném cho, thấy trong ruột bút có cuộn giấy bé xíu. Mọi người xúm lại xem, nghĩ thầm nếu không có Nguyễn Sĩ Trung ở đây thì chưa dễ đã nghĩ được thứ ám khí này được chế tạo tinh xảo đến thế, có thể giấu đồ trong quản bút.
Điền Thanh Văn mở mẩu giấy ra, trên giấy có viết mười sáu chữ như sau :
Thiên Long các vị
Giá lâm Liêu Đông
Khi đến cưỡi ngựa
Khi về cưỡi gió!
Góc dưới tờ giấy vẽ hình con hồ ly trên lưng có cánh, mười sáu chữ này chính là thủ bút của Tuyết Sơn Phi Hồ.
Nguyễn Sĩ Trung sa sầm nét mặt, nói:
– Hừm, chắc gì đã như thế!
Tuy miệng nói vậy nhưng nghĩ đến bản lãnh của Hồ Phỉ, lại nghĩ đến việc y biết rõ mọi hành tung của người Thiên Long môn thì Nguyễn Sĩ Trung cũng không khỏi lo lắng. Tào Vân Kỳ nói:
– Sư thúc, “khi về cưỡi gió” là sao?
Nguyễn Sĩ Trung đáp:
– Hừ, hắn bảo chúng ta sẽ chết ở Liêu Đông, biến thành ma nơi đất khách, hồn phách phiêu diêu cưỡi gió mà trở về.
Tào Vân Kỳ buột miệng mắng:
– Con mẹ nó!
Bọn người trong Thiên Long môn ai nấy trầm ngâm suy nghĩ về mười sáu chữ viết trên mảnh giấy đó. Còn bọn Bảo Thụ, Đào Bách Tuế, Lưu Nguyên Hạc thì đã sớm chuyển ánh mắt nhìn số vàng bạc châu báu ở xung quanh. Bảo Thụ lấy một thanh đao chém vào băng; chém mấy nhát đã phá được một tảng băng, lấy ra được vàng ngọc cầm trên tay lão cười ha hả. Dưới ánh đuốc, vàng ngọc trên tay lão toả ánh sáng rực rỡ kì ảo. Mọi người thấy vậy đều hăng hái hẳn lên, đều cầm đao chém vào băng để lấy của báu. Nhưng chém một hồi thì đao kiếm đều quằn lưỡi, dần dần cùn đi không còn bén nữa. Nguyên là, đao kiếm của mọi người đã bị hai tiểu đồng chém gãy từ lúc ở trên đỉnh núi, binh khí mang theo vào hang đều là đạo kiếm tiện tay lấy ở Đỗ gia trang, chứ không phải là loại sắc bén được chọn lựa kĩ lưỡng. Số châu báu bọn họ lấy được, ai nấy nhét luôn vào túi áo, càng lấy được nhiều càng say sưa, nhưng đao kiếm ngày một cùn nên sức chém càng lúc càng chậm.
Điền Thanh Văn nói:
– Chúng ta đi nhặt thêm ít củi đốt cho chảy bằng ra mà lấy.
Mọi người khen hay. Việc này đáng lẽ phải nghĩ ra sớm, nhưng thấy vàng bạc châu báu đã đến tay, ai cũng nôn nóng vung đao kiếm lên chặt băng. Bây giờ tuy mọi người tán thành ý kiến hay của Điền Thanh Văn, nhưng không ai chịu ngừng tay để đi kiếm củi cả. Thì ra ai cũng sợ mình bỏ ra ngoài thì người khác sẽ lấy được nhiều châu báu hơn.
Bảo Thụ nhìn mọi người một vòng rồi phân công, nói:
– Chu thế huynh của Thiên Long môn, Đào thế huynh của Ẩm Mã Xuyên, Hùng tiêu đầu của tiêu cục, xin ba vị đi kiếm củi cho. Còn những ai ở lại trong động đều phải dừng tay nghỉ, không ai được tự ý lấy vàng bạc châu báu nữa.
Ba người Chu, Đào và Hùng tuy bán tín bán nghi nhưng lại sợ Bảo Thụ dùng bạo lực, đành ra ngoài hang đi kiếm củi.
comments