Hồi 06: Chưa kịp bái sư, sư đã…bái!

Hồi 06: Chưa kịp bái sư, sư đã…bái!

4.4
/
5
(
20

bình chọn

)

Đoàn Dự ôm Mộc Uyển Thanh vào lòng, vừa hoan hỉ, vừa lo lắng hỏi: “Mộc cô nương! Chỗ vết thương cô đã lành chưa? Lão độc ác đó có ức hiếp gì cô không?” Mộc Uyển Thanh hờn dỗi hỏi: “Thiếp là thế nào với chàng mà cứ gọi một điều cô nương, hai điều cô nương thế?”

Đoàn Dự thấy nàng giận dỗi càng tăng vẻ kiều diễm, bảy ngày qua đã trải bao nỗi nhớ nhung, liền ôm ghì lấy vai nàng nói: “Uyển muội, Uyển muội! Ta gọi như thế nàng đã vừa lòng chưa?” Nói xong ghé môi toan hôn nàng. Nàng buột miệng kêu lên: “Ô hay!” rồi thẹn quá mặt đỏ như gấc. Nàng ngồi bật dậy như cái lò xo, bực mình nói: “Chàng làm gì mà kỳ vậy? Không sợ những người chung quanh cười cho sao?” Nàng nhìn chung quanh không thấy người áo thụng và bốn vị Chử, Cổ, Phó, Chu đâu cả, Tả Tử Mục cũng đã ôm con đi rồi, chung quanh không còn một ai.

Đoàn Dự không hiểu nàng nhìn gì, đâm ra chột dạ, vẻ lo sợ lộ ra mặt, vội bảo: “Nàng ngó ai vậy? Có phải Nam Hải Ngạc Thần không?” Mộc Uyển Thanh không đáp, hỏi lại: “Chàng đến đã lâu chưa?” Đoàn Dự đáp: “Cũng chỉ mới đến thôi. Ta lên trên đỉnh núi thấy nàng ngất đi nằm đây, ngoài ra có ai khác đâu. Uyển muội ơi, chúng ta phải đi ngay, nếu để Nam Hải Ngạc Thần trở lại thì nguy to.” Mộc Uyển Thanh đáp: “Phải lắm.” Nàng lẩm bẩm: “Quái lạ thật! Mới trong khoảnh khắc mà họ đi đâu cả rồi?”

Bất thình lình nghe phía sau tảng đá lớn có tiếng ngâm nga: “Xách kiếm đi nghìn dặm, Kể gì một tấm thân” (Trượng kiếm hành thiên lý, Vi khu cảm nhất ngôn). Ngâm xong, một người tay cầm quạt đi ra. Chính gã là Chu Đan Thần, một trong Tứ đại hộ vệ. Đoàn Dự vừa trông thấy cả mừng reo lên: “Chu huynh!” Chu Đan Thần tiến lên hai bước, khom lưng hành lễ, vui mừng nói: “Công tử gia, thật may mắn công tử bình yên không sao cả. Vừa nãy cô nương đây bảo công tử bị hại về tay bọn tứ ác làm chúng tôi sợ hãi rụng rời.” Đoàn Dự cũng chắp tay đáp lễ nói: “Thì ra hai bên đã gặp nhau rồi? Chu huynh… Chu huynh sao lại tới nơi đây? Không hẹn mà gặp, thật là may quá!”

Chu Đan Thần mỉm cười: “Bốn anh em tôi vâng mệnh đi đón công tử về phủ chứ có phải tự nhiên mà gặp đâu. Công tử quả là lớn mật, một mình dám xông pha vào chốn giang hồ. Bọn tôi đến hỏi nhà Mã Ngũ Đức, rồi sang núi Vô Lượng, mấy bữa nay ai nấy đều lo ngay ngáy.” Đoàn Dự cười nói: “Ta quả cũng chịu không biết bao nhiêu khổ sở. Chắc bá phụ cùng gia gia giận ta lắm phải không?” Chu Đan Thần đáp: “Dĩ nhiên các vị không lấy gì làm hứng thú. Có điều khi chúng tôi ra đi thì hai vị đã hết giận, mấy hôm nay chắc là nóng ruột lắm. Sau Thiện Xiển Hầu nghe tin Tứ Đại Ác Nhân cùng đến Đại Lý, e rằng công tử chạm trán với bọn này, nên phải tự mình xuất mã.”

Đoàn Dự nhíu đôi lông mày hỏi: “Cao thúc thúc cũng đi kiếm ta? Ta thật áy náy vô cùng, các người kia đâu cả rồi?” Chu Đan Thần nói: “Mới rồi chúng tôi đều ở đây cả. Cao hầu gia ra tay đánh đuổi một mụ ác phụ, khi nghe tiếng công tử ai nấy mới yên dạ. Tôi được lệnh ở lại chầu chực công tử, còn mọi người rượt theo ác phụ. Bây giờ xin công tử về thành kẻo hai vị lão gia nóng ruột.” Đoàn Dự nói: “Thì ra… thì ra Chu huynh nãy giờ vẫn ở đây.” Chàng tưởng lúc mình cùng Mộc Uyển Thanh thủ thỉ với nhau chắc gã nghe cả rồi, bất giác thẹn đỏ mặt lên.

Chu Đan Thần đánh trống lảng: “Mới đây ta ngồi sau tảng đá đọc bài thơ tứ tuyệt của Vương Xương Linh: Xách kiếm đi nghìn dặm, kể gì một tấm thân, Đã làm Đại Lương khách, Há phụ Tín Lăng ân. (Trượng kiếm hành thiên lý, Vi khu cảm nhất ngôn. Tằng vi Đại Lượng khách, Bất phụ Tín Lăng ân) Vẻn vẹn có hai mươi chữ mà tỏ được hết lòng kháng khái, ai nghe cũng phải kính phục.” Nói rồi gã lấy trong bọc ra cuốn “Vương Xương Linh tập” đưa cho Đoàn Dự. Đoàn Dự gật đầu: “Người đời thường chỉ nói tới thơ thất ngôn của Vương Xương Linh, tưởng như thơ ngũ ngôn của ông ta không phải là sở trường. Thế nhưng bài ngũ ngôn này quả là hay thật. Còn như bài Tống Quách Tư Thương há chẳng tha thiết lắm hay sao?” Chàng nổi hứng ngâm lên: “Sông Hoài quanh trước cửa, Trăng sáng rọi nóc nhà, Chẳng nghĩ tình khách chủ, Nghĩa huynh đệ sâu xa.” (Ánh môn hoài thủy duyên, Lưu kỵ chủ nhân tâm. Minh nguyệt tùy lương chuyên, Xuân triều dạ dạ thâm). Chu Đan Thần vái dài tận đất nói: “Đa tạ công tử.”

Câu chuyện tha thiết yêu đương giữa Đoàn Dự cùng Mộc Uyển Thanh, Chu Đan Thần đều nghe rõ hết. Hai bên quyến luyến, không nỡ rời nhau, lại thấy chàng ra chiều bẽn lẽn nên gã ngâm bài thơ của Vương Xương Linh để gỡ thẹn cho chàng, dẫn tích Hầu Doanh cùng Chu Hợi đối với Tín Lăng Quân. Bài thơ gã ngâm ngụ ý dù có phải nát thân để báo đáp công tử gã cũng vui lòng. Bài thơ của Đoàn Dự thì tỏ ý chủ nhân đối với kẻ thuộc hạ như tình cốt nhục. Hai người nhìn nhau mà cười ra chiều tương đắc.

Mộc Uyển Thanh không đọc sách ngâm thơ nên nghĩ thầm: “Cái anh chàng đồ gàn này chẳng còn biết mình đang ở đâu, đàm luận đến thơ văn là quên hết. Còn gã võ quan này cũng giỏi tài nịnh bợ, đi đâu cũng mang sách vở theo”. Nàng có biết đâu Chu Đan Thần văn võ toàn tài, thường ngày cũng đam mê thơ phú văn chương.

Đoàn Dự quay lại bảo: “Mộc… Mộc cô nương, vị Chu Đan Thần Chu tứ ca đây là bạn thân nhất của ta đó.” Chu Đan Thần bước lên kính cẩn thi lễ: “Chu Đan Thần tham kiến cô nương.”

Mộc Uyển Thanh thấy gã đối với mình có vẻ trân trọng, cũng lấy làm vui vẻ, liền đáp lễ: “Chu tứ ca.”

Chu Đan Thần cười đáp: “Không dám nhận tiếng xưng hô đó.”Ý nghĩ thầm: “Cô gái này mặt mày xinh xắn, vừa mới ra tay tát công tử một cái, thủ pháp linh động, xem ra võ công cũng khá. Công tử gia bị một bạt tai vậy mà vẫn cười không giận. Anh chàng bỏ nhà đi đã lâu, lại đối với cô ta như thế, chắc hẳn say mê nàng lắm. Không biết cô này lai lịch ra sao. Công tử gia tuổi còn trẻ không hiểu chuyện hiểm ác trên chốn giang hồ, nếu như bị mỹ sắc mê hoặc có khi thân bại danh liệt.” Y cười khì khì tiếp: “Hai vị lão gia ở nhà nóng lòng mong đợi công tử. Công tử còn chờ gì mà chưa về thành? Mộc Cô nương! nếu không có việc gì gấp, xin mời về phủ công tử chơi mấy bữa.” Y sợ Đoàn Dự không chịu trở về nên mời luôn cả cô gái này cùng đi, tin rằng thể nào chàng cũng thuận.

Đoàn Dự ngập ngừng đáp: “Ta… ta biết về trình lại với bá phụ cùng gia gia ta thế nào đây?”

Mộc Uyển Thanh thẹn đỏ mặt, quay đi chỗ khác. Chu Đan Thần lại nói: “Tứ Đại Ác Nhân võ công tuyệt cao, vừa rồi Thiện Xiển Hầu đánh đuổi được Diệp Nhị Nương là bởi tấn công bất ngờ lại thêm mấy phần may mắn. Công tử thân trọng thiên kim, chẳng nên dấn mình vào nơi hiểm địa nữa. Chúng ta về thôi!” Đoàn Dự tưởng đến Nam Hải Ngạc Thần hung dữ lại sợ hãi vô cùng, gật đầu nói: “Phải đó! Chúng ta lên đường thôi! Chu tứ ca, kẻ địch ghê gớm lắm! Tứ ca đi giúp cho Cao thúc thúc một tay, để ta cùng Mộc cô nương về phủ là được rồi!” Chu Đan Thần cười nói: “Tìm thấy công tử đâu phải là chuyện dễ dàng! Tại hạ xin đưa công tử về phủ. Đã đành rằng Mộc cô nương võ công trác tuyệt, song xem khí sắc tựa hồ vết thương cô nương chưa được bình phục, Vạn nhất dọc đường gặp phải cường đồ thì nguy hiểm biết mấy? Xin cho tại hạ được lập chút công lao nhỏ mọn.”

Mộc Uyển Thanh đằng hắng rồi nói: “Tứ ca có bảo gì tôi xin đừng nói văn chương chữ nghĩa. Tôi chỉ là cô gái quê mùa, không được học hành, những lời văn vẻ chả hiểu gì mấy.” Chu Đan Thần cười đáp: “Quả thế! Tại hạ tuy là võ quan nhưng lại học đòi văn nhân, quen mất nết rồi. Xin cô nương miễn trách.”

Đoàn Dự không muốn về nhà nhưng chết nỗi Chu Đan Thần đã gặp rồi, không về không được, chỉ còn cách là đi giữa đường sẽ tìm kế thoát thân. Ba người cùng xuống núi. Mộc Uyển Thanh chỉ lăm le muốn hỏi cho ra chuyện bảy ngày bảy đêm vừa rồi Đoàn Dự đi đâu mà không đến với nàng. Nhưng bị Chu Đan Thần lúc nào cũng kèm sát bên cạnh, chưa tiện gạn hỏi, phải cố nín nhịn. Chu Đan Thần có đem lương khô bên mình, lấy ra đưa cho hai người ăn.

Ba người xuống đến chân núi lại đi thêm vài dặm nữa, thấy bên đường có năm con ngựa buộc sẵn dưới gốc cây, vốn là ngựa của bọn Cổ Đốc Thành cưỡi đến đây. Chu Đan Thần đến tháo dây cương ba con, dắt đưa cho Đoàn Dự cùng Mộc Uyển Thanh mỗi người một con. Hai người nhảy lên yên đi rồi, gã mới lên ngựa đi sau. Tối hôm ấy ba người vào nghỉ trong quán trọ, mỗi người ở riêng một phòng. Chu Đan Thần đi mua một bộ quần áo về, Đoàn Dự thay rồi mới thoát được cái cảnh “đít không quần”.

Mộc Uyển Thanh cài cửa phòng rồi tay chống cằm ngồi trước bàn, trên bàn có thắp một cây nến đỏ. Lòng nàng nửa mừng nửa lo, những làn sóng tư tưởng miên man nổi lên hạ xuống. Nàng nghĩ: “Đoàn lang chẳng nề nguy hiểm trở lại tìm ta đủ rõ tình ý cực kỳ thâm trọng. Vậy mà mấy bữa nay ta cứ ngấm ngầm oán trách chàng là người tệ bạc, thật là oan uổng. Lại xem Chu Đan Thần đối với chàng vô cùng kính cẩn, thì hẳn chàng chẳng con nhà phú quý cũng là dòng dõi gia thế trong võ lâm. Ta là một cô gái đương xuân, tuy cùng chàng đính ước hôn nhân nhưng cứ tự nhiên theo về nhà chàng thế nào được? Ôi thật là rắc rối! Xem chừng bá phụ và gia gia chàng đối với chàng rất là khắc nghiệt, nếu họ khinh bỉ hoặc vô lễ với ta thì biết làm thế nào? Thôi ta cũng đành phóng cho mỗi người một mũi tên, giết ráo cả đi, chỉ còn mình chàng là xong.” Nàng đang nghĩ đến giai đoạn gay go chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng gõ nhè nhẹ.

Mộc Uyển Thanh phất tay trái một cái quạt tắt ngọn nến, nghe tiếng Đoàn Dự ở bên ngoài: “Ta đây!” Mộc Uyển Thanh thấy canh khuya chàng lẻn đến phòng riêng mình gọi cửa bất giác tim đập dồn dập, mặt nóng bừng bừng khẽ hỏi: “Có chuyện chi đó?” Đoàn Dự đáp: “Nàng mở cửa ra đã, ta nói cho mà nghe.” Mộc Uyển Thanh đáp: “Thiếp không mở đâu.” Nàng một thân võ nghệ, lúc này lại e sợ một anh chàng thư sinh ốm yếu, chính mình cũng thấy lạ lùng. Bên ngoài Đoàn Dự không hiểu tại sao nàng không chịu mở cửa số, liền nói vọng vào: “Vậy thì nàng ra đây! Ta chuồn đi thôi!” Mộc Uyển Thanh rất lấy làm kỳ, lấy ngón tay chọc thủng miếng giấy che cửa sổ hỏi lại: “Sao thế?” Đoàn Dự đáp: “Chu tứ ca ngủ rồi, đừng làm y tỉnh dậy. Ta không muốn về nhà.”

Mộc Uyển Thanh mừng rơn. Nàng đang lo chuyện đối phó với cha mẹ chàng, thấy chàng không muốn về nhà thì rất đồng tình, liền mở cửa sổ nhẹ nhàng nhảy ra. Đoàn Dự khẽ bảo: “Để ta đi dắt ngựa.” Mộc Uyển Thanh ra hiệu bảo đừng, rồi thò tay nắm lấy lưng chàng, đề khí nhảy vọt lên mặt tường, rồi lại nhẹ nhàng nhảy ra bên ngoài, khẽ bảo: “Đừng đi ngựa. Một khi tiếng vó ngựa nổi lên, Chu tứ ca của chàng sẽ biết chuyện.” Đoàn Dự cũng cười khúc khích: “Nàng thật là người chu đáo!”

Hai người dắt tay nhau nhắm hướng đông mà đi. Đi được mấy dặm vẫn không thấy có người đuổi theo, đã hơi vững dạ, Mộc Uyển Thanh hỏi: “Sao chàng lại không muốn về nhà?” Đoàn Dự đáp: “Ta về bây giờ chắc sẽ bị gia gia cùng bá phụ giữ rịt không cho ra khỏi nhà nửa bước. Dù có muốn được thấy mặt nàng một lần cũng không phải là chuyện dễ.” Mộc Uyển Thanh khoan khoái vô cùng, hớn hở bảo chàng: “Chàng tính vậy cũng phải. Không về nữa là xong. Từ đây đôi ta phiêu đãng giang hồ, sống một đời tiêu dao tự tại, há chẳng vui sướng sao? Thế bây giờ hai đứa mình đi đâu đây?” Đoàn Dự đáp: “Một là tìm đường nào để Cao thúc thúc và Chu Đan Thần không biết mà đuổi theo, hai là đừng để Nam Hải Ngạc Thần bắt gặp.” Mộc Uyển Thanh gật đầu khen phải nói: “Chúng ta đi về ngả Tây Bắc tìm nhà tạm lánh ít lâu. Chừng mươi lăm ngày vết thương thiếp lành hẳn, khi ấy sẽ không sợ gì nữa.” Hai người rảo bước nhằm hướng tây bắc mà đi. Trên đường không dám dừng lại trò chuyện lúc nào, chỉ mong chóng ra khỏi khu vực núi Vô Lượng càng xa càng hay.

Đi đến lúc trời sáng, Mộc Uyển Thanh nói: “Bọn nô tài nhà họ Vương ở Cô Tô chắc cũng còn đang đi kiếm thiếp. Vậy thì để tránh tai mắt mọi người, mình đừng đi ban ngày. Ta tìm chỗ trọ ăn uống rồi ngủ một giấc, đến tối lại đi.” Chuyện trên chốn giang hồ Đoàn Dự nào có biết gì, bèn nói: “Nàng muốn tính sao thì tính.” Mộc Uyển Thanh nói: “Ăn cơm xong, chàng phải kể lại rành mạch cho thiếp nghe bảy ngày bảy đêm qua đi những đâu, nếu nói dối nửa lời, thì chàng coi chừng…” Chưa dứt lời, bất thình lình có tiếng đằng hắng.

Hai người vội trông về phía trước thấy dưới gốc liễu đã có ba con ngựa buộc sẵn. Một người ngồi trên phiến đá, tay cầm quyển sách đang gật gù ngâm nga, chẳng phải Chu Đan Thần thì còn ai nữa? Đoàn Dự cả kinh dắt tay Mộc Uyển Thanh kéo đi nói: “Chạy mau!”

Nhưng Mộc Uyển Thanh là người sáng suốt, hiểu ngay rằng đêm rồi hai người lén ra đi Chu Đan Thần đã biết cả. Y liệu chừng Đoàn Dự không biết khinh công cố nhiên đi không được mau lẹ. Y chỉ cần nhìn xem mình rẽ về ngả nào rồi lên ngựa đi quanh nẻo khác đến đây đón trước. Nàng liền chau mày bảo Đoàn Dự: “Chàng ngốc ơi! Bị y bắt được rồi còn chạy đường nào bây giờ?” Nàng bèn ngang nhiên đi tới nói: “Còn sớm thế mà tứ ca đã ra đây ngồi đọc sách rồi, định đi thi trạng nguyên hay sao?”

Chu Đan Thần cười, quay sang nói với Đoàn Dự: “Công tử đoán xem tôi đang đọc sách gì nào?” Đoạn gã cất cao giọng ngâm: “Cành cũ chim buồn hót, Núi hoang vượn hú khuya. Giá trông nghìn dặm được, Hồn vụn nát lại về. Nguy hiểm nào dám sợ, Quốc sĩ quyết báo ân. Quí Bố không hai chủ, Hầu Doanh chỉ một lời. Đời so nhau ý khí, Luận chi chuyện công danh.” (Cố mộc minh hàn điểu, Không sơn đề dạ viên. Ký thương thiên lý mục, Hoàn kinh cửu chiết hồn. Khởi bất đạn gian hiểm? Thâm hoài quốc sĩ ân. Quí Bố vô nhị nặc, Hầu Doanh trọng nhất ngôn. Nhân sinh cảm ý khí, Công danh thùy phục luận?)

Đoàn Dự đáp: “Phải chăng đây là bài Thuật hoài của Nguỵ Trưng đời Đường?” Chu Đan Thần cười đáp:“Công tử thật là người thông hiểu hết sách vở, tôi xin bái phục.” Đoàn Dự biết y dẫn bài thơ này dụng ý: nửa đêm y không ngại gian nan, ra đi truy tầm mình, vì đã chịu ơn gia gia cùng bá phụ mình nên không dám quên lời phó thác. Mấy câu sau lại có ý ám chỉ chàng đã bằng lòng trở về nhà rồi, nói ra sao không giữ lời?

Mộc Uyển Thanh đến tháo dây buộc ngựa ra, miệng hỏi: “Đi về Đại Lý đường nào nhỉ? Không biết bọn tiểu muội đi có đúng không?” Chu Đan Thần đáp: “Muốn đi ngả nào cũng được. Qua mé tây hay qua mé đông rồi cũng về tới Đại Lý cả.” Hôm qua gã nhường con ngựa chạy nhanh nhất cho Đoàn Dự, nay gã giữ lấy mà cưỡi để phòng hai người có trốn cũng còn đuổi kịp.

Đoàn Dự nhảy phốc lên yên, nhằm hướng đông gia roi. Chu Đan Thần sợ chàng bực mình, trên đường cùng chàng đàm luận thi từ ca phú, tiếc thay y không hiểu Kinh Dịch, nếu không hai người chắc nói chuyện càng thêm tương đắc. Thế nhưng Đoàn Dự thì cao hứng đàm luận thao thao, còn Mộc Uyển Thanh một câu chen vào cũng không được. Đi chưa bao lâu đã ra đến đường lớn. Ba người đi đến giữa trưa thì gặp bên đường một quán ăn nhỏ liền vào nghỉ ăn cơm,

Chợt thấy từ ngoài cửa bước vào một gã đàn ông cao lêu nghêu, gầy khắng gầy kheo. Y vừa ngồi xuống đã quát tháo: “Lấy hai bình rượu ngon, hai cân thịt bò chín cho mau!” Mộc Uyển Thanh không cần phải nhìn, chỉ nghe giọng nói lúc thì ồm ồm, lúc thì sắc nhọn cực kỳ khó nghe của y đã biết ngay chính là Cùng hung cực ác Vân Trung Hạc. May mà nàng ngồi quay mặt vào phía trong nên hắn chưa trông thấy. Nàng chấm ngón tay vào bát nước canh, viết lên mặt bàn bốn chữ: “Đệ Tứ Ác Nhân”. Chu Đan Thần cũng viết: “Chạy mau, đừng chờ tôi.” Mộc Uyển Thanh liền kéo áo Đoàn Dự chạy vào phía trong quán, còn Chu Đan Thần lẻn ngay vào một chỗ khuất ở góc nhà.

Vân Trung Hạc ngồi đăm đăm nhìn ra đường, tựa hồ đang chờ đón ai. Nhưng y thoáng nghe phía sau có tiếng chân người, quay đầu nhìn lại thấy Mộc Uyển Thanh đang đi khuất vào sau bức vách liền quát hỏi:“Ai? Đứng lại ngay!” Hắn vụt dậy đuổi theo, quờ cánh tay dài ra toan túm lấy lưng Mộc Uyển Thanh.

Chu Đan Thần tay cầm bát canh miến kêu lên: “Ối chao” rồi giả vờ lỡ tay cho bát canh vừa nóng sôi hắt vào mặt Vân Trung Hạc. Hai người đứng liền nhau, Chu Đan Thần đã nhanh tay mà quán lại chật chội quá không lùi kịp, Vân Trung Hạc nghiêng người chỉ tránh được một nửa, còn một nửa ập vào mặt. Y hoa mắt lên một cái rồi nổi hung đưa tay ra móc vào bụng Chu Đan Thần toan lôi hết ruột gan ra. Nhưng Chu cũng không vừa, bát canh vừa rớt xuống, lại hất cả bàn ăn về phía Vân Trung Hạc. Chỉ nghe soạt một tiếng, năm ngón tay Vân Trung Hạc đâm ngập vào mặt bàn nhưng chén bát vẫn vùn vụt bay tới.

Trong chớp mắt bị cường địch tấn công trong cái quán nhỏ này, Vân Trung Hạc tay chân cũng rối loạn. May mà y là một tay võ nghệ ghê gớm, kịp vận nội công chống lại, hất bát đĩa ra nên không bị thương gì cả, chỉ bị nước canh hắt vào người, quả thật khó coi. Ngoài cửa quán tiếng vó câu dồn dập, Mộc Uyển Thanh và Đoàn Dự phóng ngựa chạy về phía Bắc. Vân Trung Hạc giơ tay áo lên lau mặt, bỗng thấy một luồng hơi mạnh lùa vào bụng, một vật đâm thẳng tới trước ngực. Y liền hít mạnh một hơi, ngực hóp vào nửa thước tránh khỏi, tay trái từ trên chém xuống, lật một cái biến luôn thành trảo, bốn ngón tay đã chộp được phán quan bút địch nhân điểm vào. Chu Đan Thần cả kinh vội vận nội công cướp lại. Kể về nội lực thì Chu còn kém y nhiều, không thể đoạt lại nổi, nhưng may mà tay y còn đẫm nước canh, trơn quá nắm không chặt nên Chu Đan Thần giật lại được.

Chỉ qua mấy chiêu, Chu Đan Thần biết mình gặp phải một địch thủ ghê gớm, gã lên tiếng gọi to: “Ca ca cầm cần câu và ca ca cầm búa mau mau chẹn các ngả, đừng để thằng cha cao nghệu hôm trước chạy thoát.” Y từng nghe Chử Vạn Lý và Cổ Đốc Thành kể lại, đêm hôm trước hợp lực đánh thắng một người cao lênh khênh như cò hương, bèn hư trương thanh thế giả vờ gọi đồng bọn. Vân Trung Hạc tưởng thật, lẩm bẩm: “Hỏng bét! Chúng còn hai tên mai phục ở ngoài. Bữa trước mới có hai tên đó thôi mình còn chịu thua, nay lại có những ba thì mình địch sao nổi?”. Nghĩ vậy y không dám liều lĩnh, xông ra phía sau quán, vượt tường chạy mất. Chu Đan Thần lại kêu lên: “Gã cao nghệu chạy ra phía sau, mau mau đuổi bắt!” Y chạy ra ngoài nhảy lên lưng ngựa đuổi theo Đoàn Dự.

Đoàn Dự cùng Mộc Uyển Thanh chạy được mấy dặm rồi lỏng buông tay khấu cho ngựa đi thong thả. Lát sau Chu Đan Thần gần tới nơi, hai người dùng ngựa lại toan hỏi chuyện vừa xảy ra, bỗng Mộc Uyển Thanh lại kêu lên: “Nguy mất! Y đuổi đến rồi!” Chỉ thấy trên đường một người nhô lên hụp xuống lênh khênh như cây tre đang vùn vụt đuổi theo.

Chu Đan Thần cả kinh nói: “Thằng cha này khinh công ghê quá.”, cầm roi quất vào mông ngựa Đoàn Dự, cả ba con mười hai vó phi nước đại, cát bụi tung trời. Chỉ trong chớp mắt, bỏ Vân Trung Hạc một quãng xa. Chạy như vậy thêm được sáu bảy dặm nữa, Mộc Uyển Thanh thấy con ngựa mình cưỡi thở phì phò, chạy càng lúc càng chậm. Nhưng nếu ngừng chân, Vân Trung Hạc thể nào cũng đuổi kịp. Đoạn đường ngắn thì gã chạy không bằng ngựa, nhưng đường dài thì sức lực miên miên bất tuyệt.

Chu Đan Thần biết rằng ngụy kế của mình đã bị khám phá, bây giờ có muốn bịp y cũng không được nữa. Tính ra còn đến hai mươi dặm đường, sao cho y không thể đuổi kịp mới yên. Một khi đã vào thành Đại Lý rồi thì dù việc to tày trời cũng không có gì đáng ngại. Thế nhưng ba con ngựa mỗi lúc một chậm, tình thế mỗi lúc một nguy ngập. Đi thêm được vài dặm, con ngựa của Đoàn Dự bỗng khuỵu hai chân trước, hất chàng tuột dần xuống. Mộc Uyển Thanh phi thân, nhảy ra khỏi yên ngựa. Đoàn Dự chưa lăn tới đất nàng đã túm được sau lưng thì vừa lúc con ngựa của nàng chạy tới nơi. Tay trái nàng vịn yên ngựa rồi xách cả Đoàn Dự nhảy phốc lên. Chu Đan Thần đang chạy theo phía sau cho tiện việc ngăn trở kẻ địch nên khi Đoàn Dự ngã xuống không cách nào cứu kịp, thấy Mộc Uyển Thanh ra tay không khỏi buột miệng khen: “Hảo thân pháp!”

Đột nhiên phía sau có hơi gió, một thứ binh khí bổ xuống. Chu Đan Thần vội vàng đưa phán quan bút lên đỡ đánh chát một tiếng, cây cương trảo của Vân Trung Hạc bị hất ra. Thuận tay y đưa năm ngón cương trảo chụp xuống mông ngựa, máu chảy đầm đìa. Ngựa bị thương đau quá, hí vang một tiếng bi thảm rồi lồng lên, lại bỏ Vân Trung Hạc một quãng khá xa. Nhưng từ lúc đó, một ngựa cõng hai người, một ngựa bị thương không còn cách nào duy trì lâu được nữa. Chu Đan Thần cùng Mộc Uyển Thanh rất đỗi bồn chồn.

Đoàn Dự chưa rõ sự thể nguy cấp, hỏi: “Thằng cha đó ghê gớm lắm phải không? Chẳng lẽ Chu tứ ca không địch nổi?” Mộc Uyển Thanh lắc đầu đáp: “Cả thiếp hợp lực nữa cũng không ăn thua.” Đột nhiên nàng chợt nghĩ ra một kế nói: “Để thiếp giả vờ ngã ngựa bị thương nằm xuống bên đường, chờ y đến nơi không kịp đề phòng sẽ phóng ra hai mũi tên độc, may ra thì trúng. Chàng cứ cưỡi ngựa chạy tiếp, đừng đợi thiếp.” Đoàn Dự hoảng quá, quờ tay lại đằng sau, tay trái bá cổ, tay phải ôm lưng nàng nói luôn: “Không được! Không được! Ta không bằng lòng cho nàng mạo hiểm thế đâu.” Mộc Uyển Thanh thẹn đến đôi má đỏ bừng, hờn dỗi nói: “Chàng ngốc ơi! Có bỏ người ta ra không nào, để Chu tứ ca nhìn thấy thì còn ra thể thống gì nữa?” Đoàn Dự hoảng hồn xin lỗi: “Nàng đừng trách nhé!” Mộc Uyển Thanh đáp: “Chàng đã là chồng thiếp, có gì mà phải xin lỗi”

Còn đang đối đáp, phía sau đã thấy Vân Trung Hạc ngất ngưởng đuổi tới. Chu Đan Thần không ngớt vẫy tay ra hiệu bảo chạy mau đi, gã đã xuống ngựa đứng chặn đường. Chẳng ngờ Vân Trung Hạc chỉ cố tình bắt Mộc Uyển Thanh, y rẽ xuống ruộng tránh Chu Đan Thần rồi cứ nhằm Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh mà đuổi.

Mộc Uyển Thanh gia roi quất mạnh vào mông ngựa, con vật mệt quá miệng nhả bọt dãi ra trắng phếu, hơi thở phì phì. Đoàn Dự nói: “Uyển muội ơi! Giả tỷ lúc này ta có con Hắc Mai Côi thì tên ác nhân kia không tài nào đuổi kịp.” Mộc Uyển Thanh nói: “Ai không biết thế, cần chi chàng phải nói?”.

Ngựa lượn qua sườn núi thì đến một con đường lớn thẳng tắp và quang quẻ, chả còn chỗ nào ẩn nấp được nữa. Bỗng thấy bên mé trái, giữa một rặng liễu xanh um, bên cạnh cái hồ nhỏ lộ ra bức tường vàng. Đoàn Dự cả mừng nói: “Chúng ta vào trong kia!” Mộc Uyển Thanh nói: “Đó là đất chết! Vào đó cùng đường rồi chạy đi đâu?” Đoàn Dự nói: “Nàng cứ nghe lời ta đi, không sao đâu.” Mộc Uyển Thanh giật cương cho ngựa chạy rẽ vào.

Chạy gần đến nơi, nàng ngoảnh đầu lên nhìn thì đó là một ngôi chùa hay đạo viện gì đó, trên biển có đề ba chữ “Ngọc Hư Quan”, trong bụng tính thầm: “Chàng ngốc này bảo mình chạy tới đây, hết lối thoát rồi. Chi bằng ta tìm chỗ khuất nẻo mà bắn cho tên sếu vườn kia một mũi tên”. Vừa tính toán xong, ngựa đã đến trước cửa chùa. Phía sau bỗng một chuỗi cười ha hả nổi lên, nghe rõ tiếng Vân Trung Hạc đuổi tới nơi.

Đoàn Dự bỗng cất tiếng gọi thật to: “Má má ơi! Ra đây mau mau! Má má ơi!” Mộc Uyển Thanh tức quá hét lên: “Chàng ngốc! Im đi!” Vân Trung Hạc cười ha hả nói: “Mi gọi cả nhà mi ra đây cũng không làm gì được ta đâu.” Y tung mình nhảy tới, Mộc Uyển Thanh giơ tay vận kình đấy vào lưng Đoàn Dự kêu lên: “Chạy vào trong đi.” Nàng vừa nói vừa giơ tay trái lên, một mũi tên bắn ngược về sau. Vân Trung Hạc rụt đầu tránh được, thấy Mộc Uyển Thanh đã nhảy ra khỏi yên, cương trảo trong tay trái liền tung ra, chộp vào đầu vai nàng. Mộc Uyển Thanh cơ linh mau lẹ, co người lại một cái đã chui ngay vào dưới bụng ngựa, soạt soạt soạt bắn luôn ba mũi tên. Vân Trung Hạc né đông tránh tây rồi nhảy vụt về sau tránh được.

Ngay khi đó một đạo cô từ bên trong đạo quan đi ra, Đoàn Dự liền reo lên, bà ta cũng tiến lên ôm lấy chàng cười nói: “Lại gây chuyện chi rắc rối mà gọi ầm lên thế?”

Mộc Uyển Thanh thấy đạo cô đó tuổi tác xem chừng lớn hơn Đoàn Dự một chút nhưng dung mạo xinh đẹp, đối với Đoàn Dự ra vẻ thân mật, còn chàng quàng tay ôm lấy lưng mụ miệng cười toe toét. Nàng bất giác nổi cơn tam bành, không nhớ gì đến kẻ địch lợi hại ở sau lưng nữa, nhảy xổ vào vung tay toan tát vào mặt đạo cô. Nàng gầm lên: “Sao bà lại ôm chồng ta? Mau bỏ ra!” Đoàn Dự vội kêu: “Uyển muội, chớ có vô lễ!” Mộc Uyển Thanh thấy chàng bênh đạo cô, máu ghen dâng lên tận cổ, chân chưa chấm đất nàng vận thêm nội lực vào tay định để tát cho thật mạnh. Đạo cô giơ phất trần ra, đuôi phất trần tung lên rồi sa xuống quấn lấy tay Mộc Uyển Thanh, kéo sang một bên. Mộc Uyển Thanh thấy lực đạo trên phất trần không phải nhẹ, nàng không tự chủ nổi dạt sang mấy bước mới đứng lại được. Nàng căm tức muốn lồng lên, lớn tiếng mắng: “Mi là kẻ xuất gia sao còn ôm trai, không biết xấu!”.

Vân Trung Hạc lúc mới thấy đạo cô dung nhan yểu điệu bước ra khoái quá lẩm bẩm “Hôm nay quả là số đỏ, anh hùng xạ song điêu, ta bắt luôn cả hai ả”. Đến khi đạo cô vung phất trần nhẹ nhàng hóa giải chưởng thế mãnh liệt của Mộc Uyển Thanh, y mới biết đạo cô này là tay đáo để, liền tung mình nhảy lên yên ngựa, ngồi xem biến chuyển thế nào, bụng nghĩ thầm: “Cả hai cô nàng đều xinh, tiện người nào bắt người ấy cũng được rồi”.

Đạo cô giận dữ nói: “Tiểu cô nương! Cô nói lăng nhăng gì thế? Cô là ai?” Mộc Uyển Thanh đáp: “Ta là vợ của Đoàn lang, mi có buông ngay chàng ra không?”

Đạo cô đứng ngẩn người ra một lát, rồi béo tai Đoàn Dự, vừa cười vừa hỏi: “Có đúng thế không?” Đoàn Dự cười nói nước đôi: “Không đúng không sai.” Đạo cô lại béo má chàng một cái thật mạnh, cười mà mắng rằng: “Ngươi chẳng học được chút võ công nào của cha mà tính trăng hoa thì chẳng kém gì ông ấy. Ta phải đánh cho què mới xong.” Bà nói rồi đưa mắt ngắm nghía Mộc Uyển Thanh từ đầu xuống đến gót chân, nói: “Đẹp thì đẹp lắm rồi, nhưng có vẻ quê mùa, phải dạy dỗ cẩn thận mới được.”

Mộc Uyển Thanh cả giận nói: “Ta quê mùa hay không quê mùa thì việc gì đến mi? Mi không buông chàng ra thì ta bắn cho bây giờ.” Đạo cô cười nói: “Cô thử bắn ta coi!” Đoàn Dự vội la lên: “Uyển muội! Không được hỗn láo! Nàng có biết ai đây không?”

Nói rồi giơ tay ra bá cổ đạo cô. Mộc Uyển Thanh trông thấy uất lên không nhịn được nữa, phất tay áo một cái, hai mũi tên vun vút bay ra. Đạo cô đang tươi cười, trông thấy hai mũi tên độc bắn tới, bỗng nhiên biến sắc, vung cây phất trần, những sợi tơ dường như có sức hút quấn cả lấy hai mũi tên. Đạo cô quát hỏi: “Tu la đao Tần Hồng Miên với mi là người thế nào?” Mộc Uyển Thanh lắc đầu đáp: “Ta chẳng biết Tu la đao Tần Hồng Miên là cái cóc gì. Có thả Đoàn lang của ta ra không thì bảo?” Rõ ràng Đoàn Dự ôm bà ta chứ đâu phải đạo cô giữ chàng lại, nhưng nàng vẫn cho rằng bà ta không ra gì.

Đoàn Dự thấy đạo cô nét mặt sa sầm vội khuyên can: “Má má ơi, đừng giận mà!” Mộc Uyển Thanh thoáng nghe giật mình, tưởng mình nặng tai nên hỏi lại: “Đạo… đạo cô là… mẹ chàng ư?”

Đoàn Dự cười nói: “Từ lúc mới đến đây ta đã gọi má má ầm lên, nàng không nghe hay sao?” Chàng quay sang nói với đạo cô:”Thưa mẫu thân, đây là Mộc Uyển Thanh cô nương. Mấy bữa nay con trải qua lắm phen nguy hiểm bị bao kẻ hung tàn áp bức, may đều nhờ được Mộc cô nương cứu cho thoát chết.”

Bất thình lình bên ngoài rặng liễu có tiếng gọi to: “Ngọc Hư tản nhân xin hãy hết sức cẩn thận. Đây là một trong Tứ Đại Ác Nhân.” Một người từ ngoài cửa hớt hải chạy vào, chính là Chu Đan Thần. Nhìn thấy sắc mặt đạo cô có vẻ khác thường, tưởng đạo cô đã bị bại bởi Vân Trung Hạc, gã run run hỏi: “Tản nhân đã động thủ với y rồi ư?”

Vân Trung Hạc cười sằng sặc đáp: “Bây giờ động thủ cũng chưa muộn.” Y nói chưa dứt câu, hai chân đã đứng phắt dậy trên yên ngựa tưởng như một cái cột cờ dựng đứng. Đột nhiên y nhoài người ra phía trước, chân phải vẫn bám chặt vào yên ngựa, cương trảo chụp xuống đạo cô. Đạo cô khẽ nghiêng mình để tránh, đột nhiên thân ngả ra trước lạng đến bên mình ngựa, phất trần hất luôn hai mũi tên độc còn nằm trong đó vào người y. Vân Trung Hạc nghiêng qua né tránh, đạo cô liền xông tới dùng phất trần đánh luôn vào đùi, Vân Trung Hạc không chống đỡ, cương trảo bên trái chộp vào lưng bà ta. Đạo cô nghiêng qua tránh được, phất trần đánh ngược trở về, Vân Trung Hạc tiến lên một bước, chân trái đạp vào đầu ngựa, cương trảo bên phải từ cao đánh tạt xuống.

Chu Đan Thần tung mình nhảy lên mông ngựa quát: “Ngã này!”, phán quan bút bên trái điểm vào hông y. Khí giới của Chu Đan Thần ngắn, lại đứng sát ngay bên cạnh địch nên dễ bề sử dụng. Vân Trung Hạc hất cương trảo lại đỡ, khí giới của y dài nên đánh khó trúng. Phất trần của Ngọc Hư tản nhân lại nhằm hạ bàn y đánh tới. Một mình Vân Trung Hạc đánh với hai người, hai tay múa tít cương trảo vung lên, chụp xuống kể ra cũng chưa có gì kém thế. Mộc Uyển Thanh thấy y đứng trên mình ngựa có lợi thế không cần phòng thủ thượng bàn, liền bắn ra một mũi tên trúng mắt bên trái con ngựa. Mũi tên này độc vô cùng. Ngựa trúng tên run lên, ngã khuỵu ngay xuống. Ngọc Hư tản nhân liền cuộn phất trần quấn chặt những ngón tay cương trảo bên phải của Vân Trung Hạc, hai người giằng co cố đoạt binh khí về, còn Chu Đan Thần liều mạng xông vào, tấn công liên tiếp ba chiêu.

Vân Trung Hạc tuy nội lực mạnh hơn nhiều nhưng phải chia ra một nửa chống đỡ phán quan bút của Chu Đan Thần, lại phải đề phòng Mộc Uyển Thanh bắn tên độc, chỉ thấy cánh tay giựt mạnh, cả phất trần lẫn cương trảo cùng rời khỏi tay, bay vụt lên không. Y liệu chừng lần này không thể thắng nổi, liền chửi: “Mẹ kiếp, bọn Đại Lý các ngươi chỉ giỏi tài chó cậy gần nhà, lấy đông đánh một. Bản lãnh các ngươi ta có coi vào đâu!” Y hai chân đạp vào yên ngựa, thân hình như một mũi tên bay vọt ra, cương trảo bên trái móc vào một cành liễu, lấy đà uốn mình một cái đã ở cách xa mấy trượng. Mộc Uyển Thanh bắn theo một mũi tên cắm ngay vào cành cây, còn Vân Trung Hạc thì như cơn gió thoảng không còn thấy tung tích đâu nữa. Tiếp theo là tiếng loảng xoảng vang lên, phất trần lẫn cương trào lúc đó mới rơi tới đất.

Chu Đan Thần phục xuống lạy Ngọc Hư tản nhân, cung kính hành lễ nói: “Hôm nay Chu Đan Thần này nếu không nhờ được tản nhân ra tay thì tất bị chết về tay địch.” Ngọc Hư tản nhân mỉm cười nói: “Đã hơn mười năm nay ta không động đến binh khí, võ công kém cỏi lắm rồi còn gì nữa đâu? Chu huynh đệ có biết lại lịch y không?” Chu Đan Thần đáp: “Nghe nói Tứ Đại Ác Nhân cùng đến Đại Lý. Y xếp cuối trong bọn mà đã ghê gớm thế thì đủ biết ba tên kia còn đến mực nào. Xin tản nhân hãy về Vương phủ tạm lánh ít lâu, chờ thanh toán xong bọn tứ ác hãy hay.”

Ngọc Hư tản nhân biến sắc, có vẻ bực mình nói: “Ta còn về Vương phủ làm chi? Không địch lại bọn chúng thì đành chịu chết chứ sao?” Chu Đan Thần không dám nói nữa, đưa mắt ra hiệu cho Đoàn Dự năn nỉ.

Đoàn Dự nhặt phất trần lên, đưa cho mẹ, cầm cương trảo của Vân Trung Hạc ném vào trong hồ, nói: “Má má ơi, bốn tên này quả là hết sức hung dữ, nếu mẹ không chịu về nhà thì để con đưa sang bên bá phụ vậy.” Ngọc Hư tản nhân lắc đầu: “Ta không đi đâu hết.” Đôi mắt bà đỏ lên, rưng rưng như muốn khóc. Đoàn Dự nói: “Thôi được, nếu mẹ không về con cũng ở luôn đây.” Đoạn quay sang bảo Chu Đan Thần: “Chu tứ ca! Phiền tứ ca về bẩm với với bá phụ cùng gia gia ta rằng: ta phải ở đây hợp lực với mẫu thân để chống lại bọn tứ ác.”

Ngọc Hư tản nhân phì cười mắng: “Mi nói mà không biết thẹn, có bản lãnh gì mà dám bảo ở đây hiệp lực cùng ta để đánh lại Tứ Đại Ác Nhân?” Tuy bà bị Đoàn Dự chọc phải bật cười nhưng rồi những giọt nước mắt vẫn tuôn xuống má, bà quay đi giơ tay áo lên lau.

Mộc Uyển Thanh thấy vậy rất lấy làm lạ, tự hỏi: Mẫu thân Đoàn lang vì lẽ gì mà xuất gia đầu Phật?” Mắt nàng trông thấy Vân Trung Hạc chạy về, thế nào y chẳng gọi ba đồng đảng đến, bèn lẩm bẩm một mình: “Nếu bốn gã đại ác đến nơi, một mình bà ta chống thế nào nổi? Vậy mà bà cố chấp không chịu về là nghĩa làm sao? À phải rồi, khắp thiên hạ, đàn ông đều là phường bạc hạnh. Phụ thân Đoàn lang tất sủng ái kẻ khác nên mẫu thân chàng giận dỗi đi tu.” Nghĩ đến đây nàng cảm thấy đồng tình với tiên tử, liền nói: “Ngọc Hư tản nhân, để tiểu nữ giúp bà cự địch.”

Ngọc Hư tản nhân nhìn kỹ lại tướng mạo nàng, đột nhiên hỏi lại: “Cô nói thực cho ta nghe, Tu la đao Tần Hồng Miên là gì của cô?” Mộc Uyển Thanh bực tức nói: “Ta đã nói rồi, từ xưa đến nay ta chưa nghe cái tên đó bao giờ, cũng chẳng hiểu Tần Hồng Miên là đàn ông hay đàn bà, là con người hay súc vật nữa.”

Ngọc Hư tản nhân lập tức an tâm, nghĩ thầm: “Nếu quả như cô ta là hậu bối của Tu La Đao tất không khi nào dám dùng hai chữ súc vật”. Tuy nghe lời nàng nói có vẻ bướng bỉnh, tiên tử vẻ mặt vẫn ôn hòa, tươi cười nói: “Cô nương đừng trách ta! Ta coi lối phóng ám tiễn của cô giống hệt một người quen với ta, mà nét mặt cô cũng hao hao như người đó nên ta mới nghi ngờ. Vậy lệnh đường tên họ là chi? Cứ xem võ công cũng đủ biết cô phải là dòng dõi danh môn.” Mộc Uyển Thanh lắc đầu đáp: “Tiểu nữ từ nhỏ không cha không mẹ, chỉ nhờ sự phụ nuôi dưỡng lớn khôn, thành thử không biết tên cha tên mẹ là gì.” Ngọc Hà tản nhân hỏi gặng thêm: “Vậy lệnh tôn sư là ai?” Mộc Uyển Thanh đáp: “Sư phụ tiểu nữ tên là U Cốc Khách.” Ngọc Hư tản nhân trầm ngâm lẩm bẩm: “U Cốc Khách? U Cốc Khách?” Bà quay sang Chu Đan Thần, liếc mắt có ý dò hỏi.

Chu Đan Thần lắc đầu thưa: “Đan Thần vốn ở miền biên cương hẻo lánh, kiến văn hẹp hòi nên ít biết đến các bậc anh hùng tại Trung Nguyên. Vị tiền bối U Cốc Khách này hẳn là một cao sĩ ẩn dật chốn Sơn lâm.” Y nói như thế chẳng qua chỉ là muốn bảo rằng chưa từng nghe đến cái tên U Cốc Khách.

Trong khi đang trò chuyện chợt nghe bên ngoài có tiếng vó ngựa dồn dập. Một người còn ở đằng xa đã lên tiếng gọi to: “Tứ đệ ơi! Công tử bình yên đấy chứ?” Chu Đan Thần lớn tiếng đáp: “Công tử hiện ở đây, vẫn mạnh giỏi như thường. Chỉ trong giây lát, ba con ngựa đã chạy tới ngừng ngay trước đạo quan, Chử Vạn Lý, Cổ Đốc Thành, Phó Tư Qui cùng nhảy xuống chạy vào, hướng về Ngọc Hư tản nhân phục xuống vái lạy.

Mộc Uyển Thanh ở chốn sơn dã từ thuở nhỏ cho đến khi khôn lớn, thấy mấy người này thi lễ một cách quá thành kính, nàng không hiểu nếp tẻ gì, lấy làm bực mình, nghĩ thầm: bọn này võ công đều vào hạng giỏi, làm sao lại cứ thấy người là lạy lục?

Ngọc Hư tản nhân thấy ba người hình mạo tang thương, Phó Tư Qui trên mặt bị một vết thương, một nửa mặt buộc bằng vải trắng, Cổ Đốc Thành thì trên người đầy vết máu, còn cái cần câu của Chử Vạn Lý gãy mất một nửa, vội hỏi: “Sao vậy? Bên địch mạnh lắm à? Tư Qui bị thương có nặng lắm không?” Phó Tư Qui nghe bà ta hỏi lập tức đáp: “Tư Qui này học nghệ chưa tinh, được Vương phi có lòng thương xót hỏi đến rất lấy làm xấu hổ.” Ngọc Hư tản nhân vẻ mặt buồn thiu nói: “Ngươi còn gọi ta bằng Vương phi nữa sao? Ngươi quên hết rồi ư?” Phó Tư Qui cúi đầu nói nhỏ : “Xin Vương phi tha tội cho!” Thì ra y gọi Vương phi đã quen miệng không tài nào đổi được nữa.

Chu Đan Thần hỏi: “Còn Cao hầu gia sao không thấy về?” Chử Vạn Lý đáp: “Cao hầu gia bị chút nội thương, không tiện cưỡi ngựa chạy nhanh, chắc cũng sắp đến rồi.” Ngọc Hư tản nhân thở dài một tiếng, nét mặt có vẻ sửng sốt hỏi: “Cao hầu cũng bị thương à? Có… có nặng không?” Chử Vạn Lý đáp: “Cao hầu gia đối chưởng với Nam Hải Ngạc Thần, đang lúc kịch liệt thì Diệp Nhị Nương đánh trộm sau lưng. Hầu gia không chống chọi được cả hai mặt, sau lưng bị trúng một chưởng của con ác phụ.” Ngọc Hư tản nhân ngần ngừ một chút rồi kéo tay Đoàn Dự bảo: “Mẹ con ta ra xem Cao thúc thúc thế nào?” Hai mẹ con cùng ra rừng liễu, Mộc Uyển Thanh cũng đi theo. Bọn Chử Vạn Lý cũng buộc ngựa vào cây liễu đi theo nốt.

Từ đằng xa một con ngựa chầm chậm đi tới, một người nằm phục trên yên. Cả bọn Ngọc Hư tản nhân cùng rảo bước đi tới, người đó chính là Cao Thăng Thái. Đoàn Dự rảo bước lại gần hỏi: “Cao thúc thúc! Thúc thúc làm sao thế?” Cao Thăng Thái đáp: “Cũng chưa sao.” Ông ta ngẩng lên thấy Ngọc Hư tản nhân vội cố gượng xuống ngựa thi lễ, Ngọc Hư tản nhân nói: “Cao hầu gia đang bị thương, bất tất phải thủ lễ.” Thế nhưng Cao Thăng Thái đã xuống được ngựa, loạng choạng té phục xuống đất nói: “Cao Thăng Thái kính cẩn vấn an, bái chúc Vương phi vạn phước.” Ngọc Hư tản nhân giục Đoàn Dự: “Con đỡ thúc thúc dậy đi!” .

Mộc Uyển Thanh trong lòng nghi hoặc nghĩ thầm: “Ông họ Cao kia võ công ghê gớm là thế, cầm thiết địch đánh mấy đòn làm cho Diệp Nhị Nương phải hoảng sợ chạy trốn. Chắc ông ta cũng nổi tiếng trong võ lâm, vậy mà sao cũng phải kính cẩn mẫu thân Đoàn lang đến thế được? Còn gọi bà một điều Vương phi, hai điều Vương phi. Hay chàng là con ông vua nào chăng? Anh đồ gàn này làm chuyện gì cũng không giống ai, đâu có vẻ gì là con vua cháu chúa?”.

Bỗng lại thấy tản nhân bảo: “Cao hầu thế là tận tụy quá rồi, mau về thành tĩnh dưỡng!” Cao Thăng Thái đáp: “Tứ ác cùng vào nước Đại Lý ta, tình thế rất là nguy hiểm. Xin Vương phi hãy tạm trở về vương phủ ít bữa.”Ngọc Hư tản nhân thở dài, nói: “Ta đã nhất quyết kiếp này không trở về vương phủ nữa rồi.” Cao Thăng Thái đáp: “Nếu như thế, bọn chúng tôi đóng bên ngoài Ngọc Hư Quan canh gác vậy.” Ông quay lại bảo Phó Tư Qui: “Ngươi cấp tốc về thành trình báo Hoàng thượng cùng Vương gia.” Phó Tư Qui dạ một tiếng rồi nhảy tót lên lưng ngựa, toan đi. Ngọc Hư tản nhân nói: “Hãy khoan!” Bà cúi đầu ngẫm nghĩ, Phó Tư Qui liền ngừng bước.

Mộc Uyển Thanh thấy sắc mặt Ngọc Hư tản nhân lộ vẻ băn khoăn, tựa hồ có điều gì khó giải quyết. Ánh nắng chiều chiếu vào mặt bà rạng rỡ như châu ngọc, tuy đã vào tuổi trung niên nhưng nhan sắc chưa suy giảm, nghĩ thầm: “Mẹ của Đoàn lang đẹp quá chừng, trông thật chẳng khác gì Quan Âm bồ tát trong tranh vẽ”.

Hồi lâu bà mới ngửng đầu lên, uể oải nói: “Thôi được, tất cả chúng ta cùng về, không lẽ chỉ vì mình ta mà các ngươi phải mạo hiểm.” Đoàn Dự mừng quá nhảy lại bá lấy cổ mẹ reo lên: “Mẫu thân yêu quí…” Phó Tư Qui nói: “Tiểu nhân xin về thành báo tin trước.” Dứt lời gã gia roi cho ngựa bon bon chạy về phía bắc. Chử Vạn Lý dẫn ngựa lại để Ngọc Hư tản nhân, Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh ba người cưỡi.

Cả đoàn người nhắm phía thành Đại Lý thẳng tiến. Ngọc Hư tản nhân, Đoàn Dự, Mộc Uyển Thanh và Cao Thăng Thái bốn người cưỡi ngựa, còn Chử Vạn Lý, Chu Đan Thần, Cổ Đốc Thành đi bộ theo sau. Được chừng vài dặm, phía trước đã thấy một đội quân khinh kỵ chạy đến như bay. Chử Vạn Lý vẫy tay, nói với người đội trưởng mấy câu. Đội trưởng ra lệnh cho quân kỵ lập tức xuống ngựa, lạy phục xuống đất. Đoàn Dự cười bảo chúng: “Các ngươi bất tất phải đa lễ.” Tên đội trưởng ra lệnh nhường lại ba con ngựa cho bọn Chử Vạn Lý cưỡi, rồi chính mình suất lãnh kỵ binh đi trước mở đường, cả đoàn lộp cộp chạy về hưởng thành Đại Lý.

Mộc Uyển Thanh thấy vậy biết ngay Đoàn Dự tất không phải hạng tầm thường. Nàng đâm ra lo lắng, nghĩ thầm: “Ta vẫn tưởng chàng chỉ là một gã thư sinh phiêu bạt giang hồ muốn lấy ai thì lấy. Nếu chàng là hoàng thân quốc thích, hoặc con quan lớn trong triều, biết đâu chẳng nhìn một cô gái quê mùa như ta bằng con mắt khinh bạc? Sự phụ ta thường nói rằng: phái nam địa vị càng cao tâm địa càng vô tình. Bọn họ lấy vợ lại còn kén chỗ môn đăng hộ đối. Chà chà! Đời sao mà lắm chuyện rắc rối quá! Chàng thủy chung với ta chẳng nói làm chi, còn nếu chàng thay lòng đổi dạ, ta cứ chém cho mấy nhát. Dù chàng là con ông nào ta cũng bất chấp.” Nàng nghĩ thế nhưng trong bụng vẫn thấy không xong, giục ngựa chạy lên ngang Đoàn Dự hỏi nhỏ : “Này, chàng là hạng người gì thế? Những gì mình thề hẹn với nhau trên đỉnh núi kia, chàng còn tính đến hay không?”

Đoàn Dự thấy phía trước phía sau đầy cả người ngựa mà nàng đột nhiên nhắc tới việc hôn nhân, làm chàng bẽn lẽn quá phải gượng cười bảo nàng: “Hãy chờ về đến thành Đại Lý, thong thả ta sẽ bàn với nàng.” Mộc Uyển Thanh nói: “Nếu chàng phụ thiếp thì… thiếp… thiếp…” rồi không nói thêm được nữa. Đoàn Dự thấy mặt nàng ửng hồng, rơm rớm nước mắt càng thêm vẻ mỹ miều, lòng chàng càng thêm mê mẩn, khẽ bảo nàng: “Uyển muội ơi! Ta cầu khấn còn chưa được, có lý đâu lại phụ nàng. Nàng cứ bình tĩnh, má má cũng thương nàng lắm đó.”

Mộc Uyển Thanh sắp khóc bỗng bật cười hạ giọng: “Mẹ chàng có thích thiếp hay không phỏng được ích gì?” Ý nàng muốn bảo là “chỉ cần chàng yêu thiếp là đủ”. Đoàn Dự nghe vậy bỗng nổi sóng tình, đưa mắt thấy mẹ đang nhìn mình, vẻ mặt dường như mỉm cười mà không phải là cười. Bất giác chàng thẹn, tai đỏ bừng lên.

Đến xế chiều thì chỉ còn cách thành Đại Lý chừng hai ba chục dặm, bỗng phía trước mặt cát bụi tung trời, khoảng một nghìn kỵ binh xếp thành hàng chạy tới. Hai bên có hai lá cờ bay phất phới, một lá thêu hai chữ “Trấn Nam” màu đỏ còn một lá thêu hai chữ “Bảo Quốc” màu đen, Đoàn Dự reo lên: “Má má ơi! Gia gia thân hành đến đón kia rồi!” Ngọc Hư tản nhân “hứ” một tiếng rồi dừng ngựa lại. Bọn Cao Thăng Thái lập tức xuống ngựa, đứng tránh ra hai bên đường. Đoàn Dự phóng ngựa lên trước, Mộc Uyển Thanh do dự một chút rồi cũng phóng ngựa theo.

Giây lát hai đoàn người đến gần nhau, Đoàn Dự gọi to lên: “Gia gia! Mẫu thân đã về đến đây rồi!” Hai tên lính cầm cờ liền giạt qua hai bên, một người mặc áo bào tía, cưỡii một con ngựa trắng cao lớn đi đến quát: “Dự nhi, mi gây chuyện rắc rối để lụy đến Cao thúc thúc bị trọng thương. Phen này ta sẽ đánh què.”

Người áo bào tía kia mặt vuông chữ quốc, thần thái uy nghiêm, mắt to mày rậm, cử chỉ đường bộ ra dáng một bậc vương giả. Ông thấy con được vô sự trở về, nét mặt chỉ ba phần giận dữ còn đến bảy phần mừng vui. Mộc Uyển Thanh nghĩ thầm: cũng may mà Đoàn lang giống mẹ nhiều hơn giống cha, nhìn bộ mặt nghiêm trang của ông mà phát ngán.

Đoàn Dự giật cương vọt lên, tươi cười hỏi: “Bẩm gia gia! Gia gia vẫn khỏe đấy chứ?” Người áo bào tía làm mặt giận đáp: “Khỏe khỏe cái gì? Vì mi mà ta tức chết đi được.” Đoàn Dự cười nói: “Nếu như con không đi ra ngoài thì làm sao đón được mẫu thân quay về. Kỳ này nhi tử công lao hãn mã. Cha ơi, thôi thì lấy công chuộc tội, cha đừng giận con nhé.” Người áo bào tía hừ một tiếng nói: “Dù ta có không đập vào xác mi thì bá phụ cũng không tha mi đâu.” Dứt lời, hai đùi ông thúc vào sườn ngựa, con bạch mã chạy như bay đến trước mặt Ngọc Hư tản nhân.

Mộc Uyển Thanh thấy đội kỵ binh đều mặc áo gấm, giáp trụ lộng lẫy, gươm đao sáng quắc. Phía trước hai mươi người đi đầu tay cầm nghi trượng, một bên là tấm biển sơn son viết một hàng sáu chữ “Đại Lý Trấn Nam vương Đoàn”, bên kia là một tấm biển vẽ đầu hổ trên viết sáu chữ “Bảo quốc Đại tướng quân Đoàn”. Nàng bản tính không biết sợ ai, nhưng khi trông thấy uy thế nghiêm chỉnh này không khỏi nao nao trong dạ. Nàng khẽ hỏi Đoàn Dự: “Phải chăng vị Trấn Nam vương Bảo quốc Đại tướng quân đây là gia gia chàng?”

Đoàn Dự mỉm cười gật đầu, nói sẽ: “Chính là bố chồng nàng đó.” Mộc Uyển Thanh đứng ngây người ra một lúc, cảm thấy hoang mang. Nàng ngơ ngẩn hồi lâu rồi giục ngựa chạy đến bên cạnh Đoàn Dự. Trên đường trước sau trái phải đầy những người, nhưng sao trong thâm tâm nàng thấy mình cô đơn trống trải, phải ở bên Đoàn Dự mới thấy đôi chút bình an.

Trấn Nam Vương dừng ngựa trước Ngọc Hư tản nhân chừng một trượng, hai người đăm đăm nhìn nhau, không ai mở miệng trước. Đoàn Dự nói: “Mẫu thân ơi, gia gia con đích thân ra đón mẫu thân đây.” Ngọc Hư tản nhân đáp: “Con đến thưa với bá mẫu rằng: mẫu thân về bên bá mẫu tạm trú mấy bữa. Khi đuổi được địch nhân rồi ta sẽ quay về Ngọc Hư Quan” Bấy giờ Trấn Nam vương mới mỉm cười nói: “Phu nhân! Phu nhân chưa hết giận sao? Phu nhân hãy về nhà, từ từ ta sẽ bồi lễ.” Ngọc Hư tản nhân vẫn dấm dẳng: “Tôi không về nhà, tôi cứ sang bên hoàng cung.”

Đoàn Dự nói xen vào: “Hay lắm! Con cũng theo mẹ vào hoàng cung để bái kiến bá phụ, bá mẫu đã rồi sau sẽ tính. Chuyến này cn boỏ nhà đi chắc là bá phụ giận con lắm. Gia gia không chịu xin cho con rồi, nhờ má má đỡ đòn cho con mấy câu.” Ngọc Hư tản nhân nói: “Con nhà càng lớn càng hư. Để bá phụ đánh cho một chập mới mở mắt ra.” Đoàn Dự cười: “Con mà phải đòn đau mẹ cũng đứt từng khúc ruột. Thà đừng để con bị đánh là hay hơn cả.” Ngọc Hư tản nhân không thể nín cười được, nói: “Con càng phải đòn đau mẹ càng thấy mát ruột.”

Trấn Nam Vương và Ngọc Hư tản nhân hai người đang ngượng ngùng, được Đoàn Dự chen vào pha trò mấy câu, bà tươi lên cười một tiếng, bầu không khí trở nên đầm ấm. Đoàn Dự nói: “Gia gia ơi! Con ngựa của gia gia đẹp quá. Sao gia gia không nhường cho má mả cưỡi?” Ngọc Hư tản nhân vừa giật cương cho ngựa phóng vừa nói: “Ta không cưỡi đâu.”

Ngựa bà vừa chồm vó chạy, Đoàn Dự đuổi theo nắm lấy dây cương. Trấn Nam Vương xuống ngựa rồi tự mình dắt con bạch mã lại bên. Đoàn Dự cười hì hì ôm mẹ để lên yên con bạch mã, vừa cười toe toét vừa pha trò: “Má má ơi! Người đẹp tuyệt thế vô song như mẹ cưỡi trên lưng con ngựa trắng này trông càng dễ coi hơn. Thật đúng là Quan Thế Âm bồ tát hạ phàm.” Ngọc Hư tản nhân cười đáp: “Mộc cô nương của mi mới thật là người đẹp tuyệt thế vô song, Mi muốn đem bà già này ra làm trò cười đó sao?”

Bấy giờ Trấn Nam Vương mới quay sang nhìn Mộc Uyển Thanh rồi hỏi: “Dự nhi! Cô nương đó là ai?” Đoàn Dự ấp úng đáp: “Dạ nàng… nàng là Mộc cô nương. Con cùng nàng giao kết… nên… đôi bạn ý hợp tâm đầu,” Trấn Nam Vương coi vẻ mặt chàng đã biết rõ tình hình, thấy Mộc Uyển Thanh dung nhan xinh đẹp, tấm tắc khen thầm: con ta xem người quả đã không lầm. Nhưng ông nhìn kỹ lại thấy nàng đầy vẻ quê kệch, lại không biết đến bái kiến mình thì lẩm bẩm: Cô này là con nhà dân dã chẳng biết lễ giáo chi hết. Vương chợt nhớ tới Cao Thăng Thái bị thương, vội tới gần hỏi: “Cao đệ! Cao đệ bị nội thương có nặng lắm không?” Ông giơ tay bắt mạch. Cao Thăng Thái đáp: “Đốc mạch tiểu đệ bị thương, nhưng cũng không sao. Vương huynh bất tất phải quan tâm.” Nói chưa dứt câu, Trấn Nam Vương đưa ngón tay trỏ bên phải ra điểm vào hậu tâm và vào cổ, tay trái nắm chặt sau lưng Cao Thăng Thái.

Bỗng trên đỉnh đầu Trấn Nam Vương bốc lên mấy tia bạch khí. Lát sau Vương bỏ tay trái ra. Cao Thăng Thái nói: “Đại địch ở trước mặt, Thuần ca còn vì tiểu đệ mà hao tổn nguyên khí ư?” Trấn Nam Vương cười nói: “Hiền đệ bị nội thương khá nặng, trị sớm được lúc nào hay lúc đấy. Nếu về ra mắt đại ca ta, tất người không chịu cho ta trị đâu, mà để chính người ra tay trị thì sao tiện?”

Mộc Uyển Thanh lúc nãy thấy Cao Thăng Thái sắc mặt nhợt nhạt trông rất đáng sợ thế mà mới trong giây lát Trấn Nam Vương đã làm cho sắc mặt Cao hầu trở nên hồng hào thì nghĩ thầm: Phụ thân Đoàn lang nội công hùng hậu như vậy mà sao chàng lại không biết chút võ công nào mới lạ.

Chử Vạn Lý dắt một con ngựa tới, giữ cho Trấn Nam Vương lên yên. Trấn Nam Vương cùng Cao Thăng Thái thả ngựa bước một đi song song, hỏi nhỏ nhau về tình hình bên địch. Hai mẹ con Đoàn Dự nói nói cười cười đằng trước đằng sau có thiết giáp vệ sĩ tiền hô hậu ủng. Đoàn người ngựa nhằm phía thành Đại Lý rong ruổi. Mộc Uyển Thanh lúc này lại cảm thấy mình lẻ loi hiu quạnh.

Về đến cửa thành thì trời đã hoàng hôn. Hai lá cờ Trấn Nam, Bảo Quốc đi đến đâu bách tính lại hoan hô rầm rộ:”Trấn Nam Vương thiên tuế!”, “Đại tướng quân thiên tuế!”. Trấn Nam Vương liền giơ tay đáp lại.

Mộc Uyển Thanh thấy trong thành Đại Lý dân cư đông đúc, chợ búa nhộn nhịp, đường sá đều lót đá xanh. Đi qua mấy đường phố thì đến một con đường đá lớn thẳng tắp. Cuối đường hiện ra vô số cung điện. Ánh hoàng hôn chiếu lên những phiến ngói thủy tinh rực rỡ trông hoa cả mắt. Đoàn người đi đến trước cổng thành đều xuống ngựa. Mộc Uyển Thanh ngẩng đầu nhìn lên trên có tấm biển đề bốn chữ “Thánh Đạo Quảng Từ”, nghĩ thầm: đây là hoàng cung nước Đại Lý, bá phụ Đoàn lang đã ở trong này tất là một đại quan triều mà người ta thường gọi là Vương gia hay Đại tướng quân chi đó.

Qua cổng thành vào đến cửa cung trên có biển đề ba chữ vàng: “Thánh Từ cung”, một thái giám bước ra nói: “Bẩm Vương gia! Hoàng thượng cùng Hoàng hậu nương nương hiện đang ở vương phủ, xin Vương gia cùng Vương phi kíp về Trấn Nam Vương phủ tiếp giá.” Trấn Nam Vương nói: “Được rồi!” Đoàn Dự nói: “Hay lắm! Thế thì hay lắm!” Ngọc hư tản nhân tức mình, đưa mắt nguýt con rồi hỏi: “Hay cái gì?Ta ở lại hoàng cung chờ nương nương về.” Lão thái giám thưa: “Nương nương có dặn phải mời Vương phi lập tức về Vương phủ triều kiến, có việc gấp cần gặp Vương phi để bàn định.” Ngọc Hư tản nhân lẩm bẩm: “Có việc gì mà bảo là quan trọng? Chỉ bày chuyện ra thôi.” Đoàn Dự biết rõ mẫu thân chàng không muốn về Vương phủ, Hoàng hậu đến Vương phủ ngồi chờ là có mỹ ý muốn cho cha mẹ chàng đoàn tụ, trong lòng chàng vui lắm.

Cả đoàn người lại ra khỏi cổng vòm, lên ngựa quay về hướng đông, đi khoảng chừng hai dặm, đến trước một tòa phủ đệ thật lớn. Trước cổng phủ có treo hai lá cờ lớn: một đề hai chữ “Trấn Nam”, một đề hai chữ “Bảo Quốc”. Trên cổng có biển đề bốn chữ: “Trấn Nam Vương phủ”. Ngoài cổng đầy những thân binh, vệ sĩ đứng nghiêm chỉnh và im phăng phắc, cúi đầu chào Vương gia và Vương phi.

Trấn Nam Vương đi vào phủ đầu tiên, Ngọc Hư tản nhân vừa đặt chân lên bậc thềm đá, hai mắt bỗng đỏ hoe, đôi dòng lụy rưng rưng như muốn trào ra. Đoàn Dự vừa dắt vừa đẩy mẹ đến cửa lớn nói: “Gia gia ơi! Con mời được mẫu thân con về lập nên công lớn, gia gia thưởng gì cho con đây?” Trấn Nam Vương trong lòng vui sướng nói: “Ngươi hỏi xem mẫu thân muốn thưởng gì, ta cứ thế mà ban cho.” Ngọc Hư tản nhân đổi sầu làm tươi nói: “Mi muốn thưởng ư? Ta thưởng cho mấy roi nhé!” Đoàn Dự lắc đầu lè lưỡi.

Bọn Cao Thăng Thái đến đại sảnh, chia ra đứng hai bên, Trấn Nam Vương nói: “Thái đệ trên người bị thương, hãy ngồi xuống.” Đoàn Dự quay sang nói với Mộc Uyển Thanh: “Uyển muội ngồi đây chờ một lát, ta bái kiến Hoàng thượng, Hoàng hậu rồi sẽ ra với nàng.” Mộc Uyển Thanh không muốn rời chàng ra, nhưng chẳng có lý nào ngăn trở chàng được đành phải gật đầu. Nàng ngồi phịch ngay xuống cái ghế đầu tiên. Những người còn lại ai nấy đều đứng, chờ cho vợ chồng Trấn Nam Vương và Đoàn Dự vào trong nội đường, khi ấy Cao Thăng Thái mới ngồi xuống; bọn Chử Vạn Lý, Chu Đan Thần, Cổ Đốc Thành vẫn thõng tay đứng thẳng.

Mộc Uyển Thanh chẳng để ý, đưa mắt nhìn khắp trong toà đại sảnh: chính giữa treo một tấm biển, trên viết bốn chữ: “Bang Quốc Trụ Thạch”; phía dưới tấm biển đề bốn chữ nhỏ: “Đinh Mão ngự bút”. Ngoài ra còn vô số hoành phi câu đối, nàng không xem được hết vì có nhiều chữ không biết. Bỗng có mấy tên bộc dịch bưng trà lại, quỳ xuống, hai tay nâng khay trà lên ngang đầu cực kỳ cung kính. Mộc Uyển Thanh nghĩ thầm: “Những người này thật là lạ lùng”. Nàng thấy chỉ có mình và Cao Thăng Thái hai người là có trà uống, còn bọn Chu Đan Thần khi lâm địch uy phong biết bao nhiêu, bước vào Trấn Nam Vương phủ lại cung kính đến thở mạnh cũng không dám, mất cả oai phong của bậc anh hùng hảo hán.

Mộc Uyển Thanh chờ Đoàn Dự một lúc lâu không thấy trở ra, nàng nóng ruột quá không nhẫn nại được nữa, lớn tiếng gọi: “Đoàn lang! Đoàn lang! Chàng làm gì trong ấy mà mãi không ra?”.

Trong đại sảnh mọi người đứng im lặng không ai dám nói nửa câu, bỗng nghe Mộc Uyển Thanh nói lớn đều giật mình đánh thót một cái. Cao Thắng Thái thấy vậy mỉm cười bảo: “Xin cô nương chớ nên nóng nảy, lát nữa Tiểu Vương gia sẽ ra.” Mộc Uyển Thanh càng lấy làm kỳ hỏi: “Tiểu Vương gia nào?” Cao Thăng Thái chậm rãi đáp: “Đoàn công tử là thế tử của Trấn Nam Vương. Nếu không kêu bằng Tiểu Vương gia thì kêu bằng gì?” Mộc Uyển Thanh lẩm bẩm một mình: “Trời ơi! Tiểu Vương gia! Tiểu Vương gia! Anh đồ gàn đó mà cũng là Tiểu Vương gia ư?”

Chợt thấy viên thái giám ở nội đường đi ra nói: “Hoàng thượng xuống chỉ, truyền Thiện Xiển Hầu và Mộc Uyển Thanh vào triều kiến.” Cao Thăng Thái thấy viên thái giám ra đã cung kính đứng lên, còn Mộc Uyển Thanh cứ chễm chệ ngồi yên. Nàng thấy viên thái giám gọi đích danh mình trong lòng cảm thấy khó chịu, lẩm bẩm: “Sao y không gọi một tiếng Mộc cô nương, lại cứ đem tên tuổi người ta ra mà réo?” Cao Thăng Thái nói: “Mộc cô nương, chúng ta cùng vào khấu kiến hoàng thượng.”

Mộc Uyển Thanh trời không sợ đất cũng không sợ, nhưng nghe nói đến vào triều kiến Hoàng đế thì không khỏi chột dạ. Nàng theo sau Cao Thăng Thái qua dãy hành lang dài đi vào nội đình, đến trước tòa hoa sảnh.

Viên thái giám vào báo: “Có Thiện Xiển Hầu và Mộc Uyển Thanh triều kiến Hoàng thượng cùng Hoàng hậu nương nương” Tấm rèm treo cửa mở lên.

Cao Thăng Thái không dám lên tiếng, đưa mắt ra hiệu cho Mộc Uyển Thanh rồi tiến vào hoa sảnh quỳ xuống trước mặt hai người một nam một nữ ngồi giữa nhà.

Mộc Uyển Thanh không quỳ, ngó thấy người đàn ông râu dài, mặc áo hoàng bào, tướng mạo tuấn tú, liền hỏi: “Ông là Hoàng đế phải không?”

Người đàn ông ngồi đó chính là đương kim hoàng đế nước Đại Lý tên gọi Đoàn Chính Minh, hiệu là Bảo Định Đế. Nước Đại Lý kiến quốc từ năm Thiên Phúc thứ hai nhà Hậu Tấn đời Ngũ Đại, còn sớm hơn Triệu Khuông Dẫn binh biến Trần Kiều tới hai mươi ba năm. Họ Đoàn nước Đại Lý vốn là người quận Võ Uy, thủy tổ là Đoàn Kiệm Ngụy, làm Thanh Bình Quan cho họ Mông nước Nam Chiếu, truyền sáu đời tới Đoàn Tư Bình thì làm chức Tiết Độ Sứ đất Thông Hải. Năm Đinh Dậu họ Đoàn chiếm được nước này xưng là Thái Tổ Thần Thánh Văn Võ Đế. Truyền được mười bốn đời hơn một trăm năm mươi năm thì tới Đoàn Chính Minh.

Đời bấy giờ ở Biện Lương vua Tống Triết Tông đang tại vị, tuổi còn nhỏ, bà Thái hoàng Thái hậu Cao thị ngồi sau màn điều khiển việc triều chính. Bà Thái hoàng Thái hậu biết dùng danh thần, loại bỏ những chính sách hà khắc khiến cho trăm họ an lạc, đất Trung Nguyên thanh bình, thật là vị nữ vương anh minh nhân hậu số một của Trung Quốc, sử gọi là “Nghiêu Thuấn nữ lưu”, Nước Đại Lý ở riêng một cõi phương nam, các vị hoàng đế đều sùng tín Phật pháp, tuy tự lập đế hiệu nhưng vẫn thần phục nhà Đại Tống nên hai bên chưa từng có việc can qua. Bảo Định Đế tại vị mười một năm đổi niên hiệu ba lần gồm Bảo Định, Kiến An, Thiên Tá. Lúc này đang vào thời Thiên Tá, bốn phương phẳng lặng, quốc thái dân an,

Bảo Định Đế thấy Mộc Uyển Thanh không quỳ lạy, lại cất lời hỏi mình có phải Hoàng đế không, bất giác bật cười đáp: “Ta là Hoàng đế đây! Ngươi xem thành Đại Lý ta có đẹp không?” Mộc Uyển Thanh nói: “Tôi vào thành là đến đây ngay, chưa được đi du ngoạn.” Bảo Định Đế mỉm cười nói: “Sáng mai ta cho Dự nhi dẫn người đi xem khắp mọi nơi phong cảnh thành Đại Lý, ngươi có thích không?” Mộc Uyển Thanh nói: “Thế thì hay lắm, ông cùng đi nhé!” Mọi người nghe đến câu này thì không sao nhịn cười được.

Bảo Định Đế quay sang nhìn Hoàng hậu, cười hỏi: “Hoàng hậu, cô bé này bảo mình dẫn cô ta đi chơi, hậu có chịu đi không?” Hoàng hậu cười chưa trả lời. Mộc Uyển Thanh lại nhìn Hoàng hậu hỏi: “Bà là Hoàng hậu nương nương đấy ư? Quả nhiên bà đẹp quá!” Bảo Định Đế cười ha hả nói: “Dự nhi! Cô nương này thiên tính ngây thơ, thật là thú vị.”

Mộc Uyển Thanh hỏi lại: “Chàng thường nhắc đến bá phụ, có phải là ông không? Chuyện này chàng trốn nhà ra đi, lúc nào chàng cũng sợ ông giận, ông đừng đánh chàng nhé!” Bảo Định Đế mỉm cười nói: “Ta tính phạt nó năm chục roi nhưng cô nương đã xin thì ta tha cho vậy. Dự nhi đâu? Sao còn chưa tạ ơn cô nương?”

Đoàn Dự thấy Mộc Uyển Thanh làm Hoàng thượng cao hứng, chàng rất mừng, biết rằng bá phụ mình có tính khoan hòa liền quay sang Mộc Uyển Thanh vái dài một cái nói: “Cảm tạ ân đức của Mộc cô nương đã xin giùm cho.” Mộc Uyển Thanh cũng vái trả lại, nói khẽ: “Bá phụ hứa không đánh chàng rồi, thiếp mới an tâm. Chẳng cần chàng phải tạ ơn làm gì.” Nàng quay sang nói với Bảo Định Đế: “Tiểu nữ cứ tưởng Hoàng đế là con người hung ác làm cho ai cũng phải khiếp sợ. Ngờ đâu ông… ông tốt lắm mà.”

Ngoại trừ khi còn bé được phụ hoàng cùng mẫu hậu khen, hơn mười năm qua Bảo Định Đế chỉ thấy người khác cung kính sợ sệt, chưa từng nghe ai bảo “ông tốt quá”. Nay thấy Mộc Uyển Thanh ngây thơ chất phác, chưa hiểu gì đến nhân tình thế thái khen mình thì lại càng hứng thú, quay sang bảo Hoàng hậu: “Hậu có gì thưởng cho cô ấy không?”

Hoàng hậu tháo chiếc vòng ngọc ở cổ tay ra, đưa cho nàng nói: “Thưởng cho cô đây!” Mộc Uyển Thanh đón lấy xỏ vào tay mình, mỉm cười nói: “Cám ơn bà! Rồi đây tiểu nữ kiếm được cái gì đẹp sẽ đem về tặng lại bà.” Hoàng hậu mỉm cười: “Vậy thì ta cảm ơn cô trước.”

Bỗng nghe sau dãy nhà mé tây có tiếng loạt soạt, tiếp theo mái nhà kế bên cũng nghe một tiếng động khác. Mộc Uyển Thanh kinh hãi, biết là có kẻ địch đến tấn công. Người này rất giỏi khinh công, chân bước trên nóc nhà vừa mau lẹ vừa nhẹ như lá rụng. Đoạn nghe tiếng vèo vèo, mấy người nhảy lên nóc nhà, rồi tiếng Chử Vạn Lý quát lên: “Các hạ đêm hôm đột nhập vào Vương phủ là có ý gì?”

Một giọng ồm ồm như lệnh vỡ đáp: “Ta đến kiếm đồ đệ ta! Ngươi bảo y mau ra bái kiến!” Người vừa nói chính là Nam Hải Ngạc Thần.

Mộc Uyển Thanh càng kinh hãi. Tuy nàng biết rằng việc phòng vệ Vương phủ cực kỳ nghiêm mật, vệ sĩ đông như kiến, Trấn Nam Vương, Cao Thăng Thái, Ngọc Hư tản nhân và Chử Cổ Phó Chu đều võ công trác tuyệt. Nhưng Nam Hải Ngạc Thần không phải tay vừa, thêm nữa đồng bọn là Diệp Nhị Nương, Vân Trung Hạc cũng rất lợi hại. Ấy là không kể đến tên đại ác số một mà nàng chưa biết mặt mũi nữa. Nếu cả bốn người cùng đến hợp lực cướp Đoàn lang thì khó lòng giữ nổi.

Lại nghe Chử Vạn Lý hỏi tiếp: “Cao đồ của các hạ là ai? Trong phủ Trấn Nam Vương làm gì có đồ đệ của các hạ? Mau đi ra đi.”

Bỗng “soạt” một tiếng, một bàn tay to lớn từ trên không thò xuống giật bức rèm che cửa nhà hoa sảnh rách làm đôi. Vừa thấy bóng người thoáng qua, Nam Hải Ngạc Thần đã đứng giữa nhà. Đôi mắt lão ti hí, nhỏ như hạt đậu giương lên, đảo nhìn bốn phía. Lão vừa trông thấy Đoàn Dự đã cười ha hả nói: “Lão tứ nói thế mà đúng. Quả nhiên đồ đệ ta ở đây. Mau mau cầu ta thu ngươi làm đệ tử.” Dứt lời, lão thò bàn tay móng nhọn hoắt như móng chân gà chụp xuống vai Đoàn Dự.

Trấn Nam Vương thấy Nam Hải Ngạc Thần đưa bàn tay ra mà văng vẳng có tiếng vù vù như gió thổi thì biết ngay là một tay ghê gớm, sợ lão làm tổn thương đến đứa con yêu quý của mình vội phóng chưởng ra chống đỡ. Hai bàn tay chạm vào nhau đánh “binh” một tiếng. Cả hai bên cùng cảm thấy chấn động. Nam Hải Ngạc Thần chột dạ hỏi: “Ngươi là ai? Ta đến đón đồ đệ ta, việc gì đến ngươi?” Trấn Nam Vương mỉm cười đáp: “Tại hạ Đoàn Chính Thuần. Thằng bé này là con trai ta, bái ông làm thầy từ hồi nào?”.

Đoàn Dự cười nói: “Lão này cứ bức bách hài nhi phải làm đồ đệ. Hài nhi nói là đã có sự phụ rồi nhưng lão không tin.”

Nam Hải Ngạc Thần đưa mắt nhìn Đoàn Dự, rồi lại nhìn Trấn Nam Vương nói: “Sao bố thì võ công cao cường, con thì không biết tí gì, ta không tin hai người là cha con. Đoàn Chính Thuần, thôi ta bỏ qua không bắt bẻ nhưng dẫu y có là con người thật thì hoặc là người dạy không đúng cách, hoặc là con ngươi quá chậm lụt. Đáng tiếc! Thật là đáng tiếc!” Đoàn Chính Thuần hỏi lại: “Sao mà đáng tiếc?” Nam Hải Ngạc Thần nói: “Con ngươi thật là giống ta, quả là một nhân tài hiếm có để học võ, chỉ cần theo ta mười năm, nhất định phải trở thành một nhân vật võ nghệ siêu quần.”

Đoàn Chính Thuần vừa bực mình vừa tức cười nhưng mới thử nhau một đòn Vương đã hiểu lão quá rồi, còn đang kiếm câu trả lời thì Đoàn Dự nói: “Nhạc lão tam! Võ công ngươi tầm thường lắm, đâu có bằng được sự phụ ta? Ngươi hãy trở về đảo Vạn Ngạc luyện thêm hai mươi năm nữa rồi hãy trở lại đây mà nói chuyện võ học.” Nam Hải Ngạc Thần nổi cáu, quát lên: “Mi biết gì mà dám chê bai võ công của ta?”

Đoàn Dự đáp: “Ta hỏi người: “Phong lôi, Ích. Quân tử di kiến thiện tắc thiên, hữu quá tắc cải” (Quân tử thấy điều thiện thì gắng làm theo, có sai lầm thì sửa đổi) là nghĩa thế nào?” Nam Hải Ngạc Thần ngây ngô chẳng hiểu gì, tức mình nói: “Mi nói nhăng nói cuội, chứ câu đó đâu có nghĩa lý gì?” Đoàn Dự nói: “Có mấy câu thiển cận như thế mà người còn không hiểu thì bàn đến võ học sao được? Ta hỏi thêm câu nữa: “Tổn thượng ích hạ, dân duyệt vô cương. Tự thượng hạ hạ, kỳ đạo đại quang” (Giảm trên tăng dưới, mọi người vui vẻ. Lấy trên làm lợi cho dưới, đạo nghĩa càng rực rỡ) là nghĩa làm sao?”

Bảo Định Đế, Trấn Nam Vương, Cao Thăng Thái nghe Đoàn Dự đem kinh Dịch ra trêu chọc Nam Hải Ngạc Thần đều không nhịn được phải phì cười. Mộc Uyển Thanh tuy chẳng hiểu Đoàn Dự nói gì nhưng nàng cũng đoán được là chàng đồ gàn đang xổ nho.

Nam Hải Ngạc Thần còn đang ngơ ngẩn, lại thấy mọi người tủm tỉm cười ra vẻ giễu cợt thì cho những câu Đoàn Dự nói có ý xỏ xiên nhiếc móc mình. Lão tức quá, gầm lên một tiếng toan giơ tay đánh. Đoàn Chính Thuần tiến lên nửa bước để ngăn cản.

Đoàn Dự lại nói: “Những câu ta nói toàn là võ công bí quyết ảo diệu vô cùng, chắc là ngươi không hiểu được. Ngươi đúng là ếch ngồi đáy giếng mà đòi làm sư phụ ta thì ai nghe chẳng phải cười vỡ bụng? Những vị sư phụ ta từng bài nếu không học vấn uyên thâm thì cũng phải là những bậc cao tăng đắc đạo. Cỡ ngươi thì dù có học thêm mười năm nữa chưa chắc ta đã thu làm đồ đệ.”

Nam Hải Ngạc Thần nổi hung gầm lên: “Sư phụ ngươi là ai? Thử gọi ra đây cho ta xem!”

Đoàn Chính Thuần thấy chỉ có một người trong tứ ác đến đây, võ công còn kém mình một chút, cũng muốn giỡn y một phen để Hoàng thượng, Hoàng hậu và phu nhân giải trí nên ông để yên cho con trêu chọc lão. Đoàn Dự thấy bá phụ cười hì hì, phụ thân cũng mặc kệ không nói gì, càng đắc ý nói: “Được lắm! Nếu ngươi có gan chờ ở đây thì ta đi mời sự phụ ta đến. Chớ có trốn chạy đấy nhé!” Nam Hải Ngạc Thần giận dữ đáp: “Ta Nhạc lão nhị một đời tung hoành giang hồ, đã sợ ai bao giờ? Đi mau, đi mau!” Đoàn Dự quay mình đi ra.

Nam Hải Ngạc Thần đưa mắt nhìn mọi người, thấy ai nấy đều mỉm cười, nghĩ thầm: “Gã học trò ta võ công dở như rắm chó, sư phụ y thì đã bằng ai? Lão tử chẳng sợ đếch gì.”

Bỗng có tiếng giày lẹp kẹp, hai người đi gần tới nơi. Đoàn Dự còn ở ngoài cửa đã lên tiếng hỏi: “Nhạc lão tam chạy mất rồi ư? Gia gia đừng để y trốn thoát. Sư phụ con đã đến đó.” Nam Hải Ngạc Thần tức quá hét lên: “Việc gì ta phải chạy trốn? Con mẹ nó chứ, gọi sư phụ người vào đây! Ngươi không chịu bái minh sư, chắc do gã ám sư của ngươi ngăn cản. Để ta bẻ cổ tên sư phụ thối tha kia trước, ngươi không có sư phụ không thể không bái ta làm thầy. Ý kiến đó thật là cao minh, nghe cũng có lý!”

Lão còn đang tự khen thì Đoàn Dự đã đưa một người vào. Mọi người trông ra không ai nhịn được, cười ồ cả lên.

Người đó đầu đội mũ vải, mặc áo bào dài lượt thượt, hai chòm râu cá chốt vàng khè, mắt đỏ ngầu, rụt đầu rụt cổ, tướng mạo thật là bệ rạc. Ngọc Hư tản nhân nhận ra là một gã phục dịch trong Vương phủ. Ai cũng gọi đùa là Hoắc tiên sinh. Lúc nào gã cũng lờ đờ như người mất ngủ, suốt ngày ham mê bài bạc với đám nô tài. Gã đang say khướt thì bị Đoàn Dự ở đâu vào cầm tay kéo đi. Đến cửa tòa hoa sảnh, gã sợ hãi dừng lại không dám tiến bước nhưng Đoàn Dự cứ lôi tuột vào. Vào trong hoa sảnh gã sụp xuống lạy Bảo Định Đế cùng Hoàng hậu. Bảo Định Đế không biết Hoắc tiên sinh là ai, liền phán: “Miễn lễ!”

Đoàn Dự lại lôi lão đến trước mặt Nam Hải Ngạc Thần nói: “Nhạc lão tam! Trong các vị sư phụ ta thì vị này kém cỏi nhất. Ngươi có thắng được vị này rồi mới đấu được với các vị khác.” Nam Hải Ngạc Thần cười hềnh lệch nói: “Nến Nhạc lão nhị này đánh ba chiều mà y không nát nhừ ra thì ta sẽ thờ mi làm thầy.” Đoàn Dự mắt sáng lên hỏi lại: “Ngươi nói có thật chăng? Đã là đại trượng phu thì phải nhất ngôn, chứ nói rồi lại nuốt lời thì là đồ rùa đen, là quân đê tiện.” Nam Hải Ngạc Thần la lên: “Lại đây! Lại đây!” Đoàn Dự nói: “Nếu chỉ đánh có ba chiêu thôi thì hà tất đến sư phụ ta phải ra tay? Để ta tiếp ngươi cũng được rồi.”

Nam Hải Ngạc Thần từ lúc được Vân Trung Hạc báo tin, lão lật đật chạy luôn sang Đại Lý chỉ cốt bắt Đoàn Dự về làm đồ đệ, truyền dạy hết võ nghệ cho để biểu dương phái Nam Hải sau này. Nhưng từ lúc cùng Đoàn Chính Thuần đối chưởng, trong bụng lão đâm lo, biết rằng ở giữa đám cao thủ này muốn bắt Đoàn Dự đem đi không phải chuyện dễ, chỉ riêng cha của đứa học trò này, xem ra cũng đánh không lại. Giờ thấy chính Đoàn Dự đòi cùng mình so tài thì còn cơ hội nào hay hơn nữa, chỉ việc giơ tay ra túm lấy hắn. Bọn Đoàn Chính Thuần dù tài giỏi đến đâu có muốn cướp lại nhưng lâm vào tình trạng “ném chuột sợ vỡ bình” tất phải chịu giương mắt ếch ra nhìn mình xách Đoàn Dự đem đi. Nghĩ vậy lão mừng rơn nói ngay: “Thế thì hay lắm! Ngươi ra đây đỡ ta ba chiêu. Ta không vận nội lực đánh chết mi đâu mà sợ.”

Đoàn Dự nói: “Hãy khoan! Xin giao hẹn trước đã. Nếu ba chiêu mà ngươi không đánh ngã được ta thì sao?”

Nam Hải Ngạc Thần biết Đoàn Dự là một gã thư sinh trói gà không chặt, đừng nói ba chiêu, chỉ nửa chiêu gã cũng không chịu nổi rồi, liền cười ha hả đáp liền: “Trong ba chiêu nếu không đánh ngã được ngươi, ta sẽ lạy ngươi làm thầy.” Đoàn Dự cười nói: “Ở đây ai cũng nghe thấy cả rồi, liệu ngươi có cãi chối hay không?” Nam Hải Ngạc Thần tức mình nói: “Nhạc lão nhị này nói một là một, hai là hai.” Đoàn Dự nói: “Nhạc lão tam chứ?” Nam Hải Ngạc Thần vẫn cãi: “Nhạc lão nhị.” Đoàn Dự không chịu: “Nhạc lão tam.” Nam Hải Ngạc Thần nói: “Mau lại đây động thủ! cãi làm gì vô ích!” Đoàn Dự tiến ra hai bước, ngang nhiên đứng trước mặt Nam Hải Ngạc Thần.

Mọi người trong hoa sảnh từ Bảo Định Đế, Hoàng hậu trở xuống, trừ Mộc Uyển Thanh, ai cũng biết Đoàn Dự yêu văn, ghét võ. Chàng trước nay chưa từng học võ công, mới đây vì Bảo Định Đế và Đoàn Chính Thuần ép học võ nên mới bỏ nhà ra đi. Đừng nói tới những cao thủ như Nam Hải Ngạc Thần, chỉ một tay vệ sĩ hay tên lính hạng bét, chàng cũng không chịu nổi một đòn. Ban đầu ai nấy chỉ tưởng chàng muốn trêu cợt Nam Hải Ngạc Thần, giờ thấy quả thực muốn cùng y giao đấu đều không khỏi sửng sốt. Tuy biết rõ Nam Hải Ngạc Thần chỉ nhất tâm thu chàng làm đồ đệ, không hại đến tính mạng chàng nhưng lỡ ra con người hung hãn như lão lúc điên lên thì chiếc thân cành vàng lá ngọc kia sẽ ra sao? Ngọc Hư tản nhân lo cho tính mạng con mình nhất, vội ngăn lại: “Dự nhi không được liều lĩnh! Đối với kẻ thất phu sơn dã đó, không nên mạo hiểm.” Hoàng hậu cũng ra lệnh: “Thiện Xiển Hầu đâu! Ngươi ra bắt tên cường đồ cho ta!”

Thiện Xiển Hầu tâu: “Hạ thần Cao Thăng Thái xin tuân chỉ!” Ông ta quay lại quát lớn: “Chử Vạn Lý, Cổ Đốc Thành, Phó Tư Qui, Chu Đan Thần bốn người nghe lệnh: Nương nương có chỉ dụ bắt ngay gã cuồng đồ phạm giá này.” Bốn gã cúi đầu tâu: “Chúng thần xin tuân chỉ.”

Nam Hải Ngạc Thần thấy đông người đến vây đánh liền quát to: “Các ngươi định lấy nhiều hiếp ít phải không? Lão tử sợ đếch gì. Hai tên Hoàng thượng, Hoàng hậu xông lên nốt cũng không sao.”

Đoàn Dự vội xua tay nói: “Khoan đã, khoan đã, để ta tỉ thí với y ba chiêu rồi tính sau.”

Riêng Bảo Định Đế biết cháu mình hành sự trước nay vốn khác người, y làm nhiều điều không ai nghĩ đến, tất y có cơ mưu gì đây, Nam Hải Ngạc Thần không hại tính mạng y, hơn nữa lại có cả hai anh em mình cùng Thiện Xiển Hầu ngồi đây, quyết không ngại gì. Nghĩ vậy Bảo Định Đế liền phán bảo: “Các ngươi hãy thong thả! Cứ để cho tên cường đồ kia lãnh giáo cao chiêu của Tiểu Vương tử nước Đại Lý đã.”.

Bọn bốn người Chử Vạn Lý đang xông lên nghe Hoàng thượng truyền chỉ đều dừng lại cả.

Đoàn Dự nói với Nam Hải Ngạc Thần: “Nhạc lão tam! Chúng ta phải có lời giao ước trước: nếu trong ba chiêu ngươi không đánh ngã được ta thì phải bái ta làm sư phụ. Nhưng dù vậy thì tư chất ngươi dốt nát lắm, ta không dạy võ công đâu. Ngươi có bằng lòng như thế không?” Nam Hải Ngạc Thần cả giận nói: “Ai cần ngươi dạy võ công? Ngươi biết võ quái gì mà nói?” Đoàn Dự nói: “Tốt lắm! Thế là ngươi bằng lòng. Sau khi bái sư rồi, lệnh của ta truyền ra không được vi phạm, ta đã ra lệnh, ngươi phải tuân theo. Nếu trái lệnh sư phụ là khi sư diệt tổ, không hợp qui củ võ lâm. Ngươi có chịu không thì bảo?” Nam Hải Ngạc Thần nghe nói chẳng những không giận mà lại hớn hở đáp: “Điều đó là dĩ nhiên. Sau khi ngươi đã thờ ta làm thầy cũng phải theo qui củ đó!”

Đoàn Dự nhẩm lại độ mươi bước Lăng Ba Vi Bộ đã học, xem ra muốn tránh được ba chiêu của y không phải là chuyện khó khăn, nhưng trong đời chưa từng động thủ với người nào, Nam Hải Ngạc Thần võ công lại quá cao siêu, có hiệu nghiệm hay không thật chưa thể biết được. Chàng tính thêm một đường lui cho chắc ăn, bèn nói: “Nếu đã như thế, quả thực ngươi muốn thu ta làm đồ đệ thì phải lần lượt hạ hết được các vị sư phụ ta để tỏ rõ võ công ngươi giỏi hơn tất cả, lúc ấy ta mới bái ngươi làm thầy.” Chàng nghĩ thầm: “Nếu chẳng may trong ba chiêu y bắt được ta, ta sẽ kể hết những cao thủ nhận họ là sư phụ để cho y tỉ thí một phen”, Nam Hải Ngạc Thần nói: “Cũng được! Cũng được! Nếu như ngươi không để ta tỉ thí thì thật chẳng hay chút nào. Phái Nam Hải chúng ta nói đánh là đánh, không cần rào đón.”

Đoàn Dự trỏ phía sau Nam Hải Ngạc Thần mỉm cười nói: “Một vị sư phụ của ta đã đứng sau lưng người kia…” Nam Hải Ngạc Thần quay ngoắt lại tưởng sau lưng mình có người thật. Đoàn Dự liền đi xéo lên một bước nhẹ nhàng như gió thoảng, nhanh tay chộp luôn vào huyệt Đản Trung trên ngực y, ngón tay cái bấm ngay vào chính huyệt. Thủ pháp của chàng thật vụng về nhưng trong người Đoàn Dự có ngầm chứa nội lực của bảy đệ tử phái Vô Lượng, tuy không biết cách vận dụng nhưng chộp một cái kình lực cũng không phải nhỏ. Nam Hải Ngạc Thần thấy trên ngực nhói một cái thì tay trái của Đoàn Dự đã lại chộp vào huyệt Thần Khuyết ở bên trên rốn. Bắc Minh thần công trong quyển trục vẽ rất nhiều huyệt đạo, Đoàn Dự chỉ mới luyện đến Thủ Thái Âm Phế Kinh và Nhâm Mạch, hai huyệt Đản Trung và Thần Khuyết là hai đại huyệt của Nhâm Mạch.

Nam Hải Ngạc Thần kinh hãi, vội vận nội lực giãy giụa thoát thân, đột nhiên thấy nội lực từ huyệt Đản Trung tuôn ra, người rã rời lại càng hoảng hốt. Đoàn Dự nhấc mình lão cao một chút cho đầu chúc xuống, chân giơ lên rồi hất mạnh một cái là lão phải té nhào. Cái đầu nhẫn thín dập xuống đất đánh “bịch” một tiếng, may mà nền nhà trải đệm nên không đến nổi bị thương. Lão thẹn quá hóa giận, liền dùng thế “Lý ngư đả đỉnh” vụt dậy, giơ tay trái ra chụp xuống Đoàn Dự.

Mọi người trong sảnh thấy việc xảy ra như thế, ai nấy kinh ngạc vạn phần. Nam Hải Ngạc Thần ra chiêu thật độc địa, Đoàn Chính Thuần vừa toan ra tay phản ứng đã thấy Đoàn Dự bước lệch qua bên trái, bộ pháp thật là kỳ quái, chỉ một bước đã tránh được bàn tay nhanh như điện của đối phương phóng tới, ông buột miệng khen con: “Tuyệt diệu!” Chưởng thứ hai của Nam Hải Ngạc Thần liên tiếp theo. Đoàn Dự cũng không trả đòn, lại đi xéo qua hai bước, tránh được ngay.

Nam Hải Ngạc Thần đánh hai đòn không trúng vừa ngạc nhiên vừa cáu giận, lại thấy Đoàn Dự đứng lù lù trước mặt, cách mình không đầy ba thước; lão giận quá mất khôn gầm lên một tiếng đưa cả hai bàn tay ra dùng hết sức chụp thẳng vào bụng Đoàn Dự, quên rằng nếu như chộp trúng thì người truyền nhân tương lai của phái Nam Hải kia sẽ vỡ bụng chết tươi.

Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần, Ngọc Hư tản nhân, Cao Thăng Thái bốn người cùng cất tiếng quát lớn: “Cẩn thận!” Chỉ thấy Đoàn Dự đạp qua bên trái, chân phải rút lên nhẹ nhàng lòn ra sau lưng y, giơ tay đập lên cái đầu hói của y một cái.

Nam Hải Ngạc Thần thấy đối phương thần xuất quỉ nhập đánh trúng đầu mình, kêu thầm: “Mạng ta hết rồi”. Nhưng khi tay chàng đập xuống đến đầu lão lại không có chút nội lực nào cả, Lão đưa tay trái lên đỡ mạnh, đánh “roạc” một cái, mu bàn tay Đoàn Dự bị năm ngón tay cào trúng, toạc da năm vết rướm máu. Chàng vội tụt tay về, đòn trảo còn dư lực chộp thẳng xuống làm cho chính cổ lão cũng toạc ra năm vệt chảy máu.

Kể ra thì Đoàn Dự đã tránh xong ba chiêu của Nam Hải Ngạc Thần và thắng cuộc rồi, nhưng vì tính trẻ con nổi lên, lại đánh vào đầu Nam Hải Ngạc Thần một cái. Chàng có biết đâu nội lực của mình không phải là ít nhưng vì không biết sử dụng suýt nữa bị y bắt được. Chàng đâm ra hoảng sợ chân bước loạng choạng chạy đến núp vào sau lưng phụ thân, mặt cắt không còn hột máu.

Ngọc Hư tản nhân đưa mắt nguýt chàng, nghĩ thầm: “Thằng nhỏ này gớm thật, dám dối cả ta nữa. Bá phụ và gia gia đã luyện cho những công phu kỳ diệu đến thế mà ngươi cứ giả vờ như không biết tý gì”.

Mộc Uyển Thanh la lên: “Nhạc lão tam! Ngươi đánh ba đòn không hạ được chàng mà lại té nhào. Sao không mau mau khấu đầu bái sư đi?” Nam Hải Ngạc Thần vò đầu bứt tai, thẹn quá, mặt đỏ như gấc chín, ấp úng: “Chưa phải là động thủ thực sự, bỏ đi không kể.” Mộc Uyển Thanh đưa ngón tay lên chọc chọc vào má mình lêu lêu: “Thế mà không biết nhục! Ngươi không bái sư, thì quả là đồ rùa đen, là quân khốn kiếp. Người chịu bái sư hay chịu làm đồ rùa đen khốn kiếp?” Nam Hải Ngạc Thần giận dữ đáp: “Ta không chịu cái gì hết. Ta muốn đấu với y.”

Đoàn Chính Thuần thấy bộ pháp của con mình xảo diệu dị thường, chính ông không hiểu về bộ pháp này nhưng cũng khẽ bảo con: “Con đừng có động thủ đánh lão, chỉ nhắm huyệt đạo mà nắm lấy thôi!” Đoàn Dự rỉ tai đáp: “Con sợ lắm rồi, e rằng không làm nổi nữa.” Đoàn Chính Thuần khẽ bảo: “Không việc gì phải sợ, ta đứng bên cạnh lo cho.”

Đoàn Dự được phụ thân khích lệ lại thấy hết sợ, đường hoàng bước ra nói: “Nam Hải Ngạc Thần! Ngươi đánh ba chiêu không hạ nổi ta! Mau bái sư đi!” Nam Hải Ngạc Thần gầm lên một tiếng, phóng chưởng đánh ra.

Đoàn Dự bước về phía đông bắc một bước, nhẹ nhàng tránh được ngay, nghe lách cách, chưởng của Nam Hải Ngạc Thần đập vỡ tan một cái bàn uống trà, Đoàn Dự vẫn bình tĩnh, miệng lẩm nhẩm yếu quyết: “Quan ngã sinh, tiến thoái. Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ nhân; hành kỳ đình, bất kiến kỳ nhân. Đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc. Bác, bất lợi hữu du vãng. Đệ dương xúc phiên, bất năng thoái, bất năng toại”. Những đòn Nam Hải Ngạc Thần đánh tới, chàng vẫn điềm nhiên như không thấy, chỉ nhìn nhận phương hướng, theo đúng bộ pháp, khi tiến chếch lên, khi lui thẳng xuống. Nam Hải Ngạc Thần chưởng pháp đánh ra vun vút mỗi lúc một mau, nội lực mỗi lúc một mạnh thêm, hất bàn ghế bay tứ tung, bình cốc vỡ loảng xoảng. Rút cục vẫn không đánh trúng Đoàn Dự được phát nào.

Chỉ chớp mắt đã hơn ba chục chiêu. Hai anh em Bảo Định Đế Đoàn Chính Minh và Trấn Nam Vương Đoàn Chính Thuần nhìn rõ bộ pháp của Đoàn Dự chỉ hời hợt, không có lấy một chút sức mạnh mà vẫn chưa biết vị cao nhân nào đã truyền thụ cho chàng bộ pháp cực kỳ thần diệu này, đi theo phương vị sáu mươi tư quẻ của Phục Hi, bước nào cũng khó mà lường được. Nếu cứ lấy thực lực mà đấu với Nam Hải Ngạc Thần thì chỉ nửa đòn chàng đã mất mạng dưới tay địch thủ rồi. Nhưng Nam Hải Ngạc Thần đánh thế nào cũng mặc, chàng cứ tiến lui theo đúng bộ pháp của mình thôi, địch dù mạnh đến đâu cũng không tài nào đánh trúng. Hai người xem thêm một hồi nữa, đưa mắt nhìn nhau, trên mặt lộ vẻ lo lắng, cùng nghĩ ra: “Giả tỷ Nam Hải Ngạc Thần đừng nhìn nhận phương hướng Đoàn Dự né tránh, cứ nhắm mắt đánh bừa, thì chỉ vài chiêu là trúng”. Nhưng Nam Hải Ngạc Thần đâu có nghĩ ra, y sắc mặt mỗi lúc một vàng, mắt mở mỗi lúc một to, đòn nào cũng nhằm Đoàn Dự đánh tới, chưởng pháp biến ảo thế nào cũng cách chàng tới một hai thước.

Nếu cuộc đấu cứ kéo dài như vậy mãi thì Đoàn Dự giữ cho khỏi bị tổn thương đã là may rồi, còn muốn đánh ngã đối phương thì đừng hòng. Bảo Định Đế xem một lát nữa, cất tiếng bảo Đoàn Dự: “Dự nhi! Con bước thong thả lại một chút, nhằm huyệt đạo trước ngực y mà nắm lấy!”

Đoàn Dự đáp “Vâng” bước chân chậm hơn xông thẳng vào Nam Hải Ngạc Thần, vừa nhìn vào đôi mắt dữ tợn và khuôn mặt vàng khè của y, chàng bở vía, chân bước loạng choạng trệch ra ngoài phương vị, bị tay Nam Hải Ngạc Thần chụp trúng vào tai bên trái, máu chảy đầm đìa, bước chân khựng lại lệch mất phương vị. Đoàn Dự bị đau càng hoảng hốt, chạy lại trốn sau lưng Đoàn Chính Thuần, gượng cười thưa lại Bảo Định Đế: “Bá phụ ơi! Không xong rồi!”

Đoàn Chính Thuần cả giận quát: “Xưa nay con cháu họ Đoàn nước Đại Lý lâm trận đối địch có chạy trốn bao giờ? Mau ra đánh đi, bá phụ dạy ngươi không sai đâu.” Ngọc Hư tản nhân thương con, chen vào:”Dự nhi đã đấu với y ngoài sáu mươi chiêu rồi. Họ Đoàn có được đứa con gan dạ như thế còn chưa đủ hay sao? Dự nhi! Thế là thắng cuộc rồi, đừng ra đánh nữa!” Đoàn Chính Thuần tức mình nói: “Mình bất tất phải quan tâm. Đã có tôi bảo đảm sinh mạng cho nó.” Ngọc Hư tản nhân trong bụng xót xa, nước mắt rưng rưng dường như muốn trào ra.

Đoàn Dự thấy mẫu thân như thế, trong lòng bất nhẫn, hùng khí bừng bừng trỗi dậy, rảo bước chạy ra, quát to lên rằng: “Ta lại đấu với ngươi lúc nữa!” Lần này chàng đã quyết tâm, tiến lui đĩnh đạc, xoay chuyển ung dung, đến lúc giáp Nam Hải Ngạc Thần chàng không nhìn vào mặt lão nữa, đưa hai tay chụp xuống ngực địch thủ.

Nam Hải Ngạc Thần thấy tay Đoàn Dự chụp vừa chậm chạp vừa yếu ớt, lão cười ha hả, né đi một chút, rồi cứ giơ tay chụp xuống vai chàng. Không ngờ bước chân Đoàn Dự biến hóa khôn lường, hai người cùng xoay mình đổi phương vị thế nào lại đụng vào nhau, chàng đã chộp được ngực Nam Hải Ngạc Thần. Đoàn Dự đã nhìn kỹ đúng bộ vị các huyệt đạo, tay phải điểm đúng vào huyệt Đản Trung, tay trái đúng vào huyệt Thần Khuyết. Chàng túm được hai yếu huyệt này nhưng chẳng có chút nội lực nào. Giả tỷ Nam Hải Ngạc Thần cứ để mặc kệ cho chàng giữ thế nào thì giữ, không thèm để ý tới, thì rồi chàng cũng phải từ từ buông ra chứ chẳng làm gì được lão. Đằng này Nam Hải Ngạc Thần thấy yếu huyệt bị kiềm chế, đâm ra hoảng sợ, giơ luôn hai tay lên, chụp xuống trước mặt chàng. Chiêu đó là một phương pháp lấy công làm thủ, địch nhân không thể không quay về tự cứu mình. Ngờ đâu Đoàn Dự hoàn toàn không có chút kinh nghiệm gì về ứng biến lâm địch, bàn tay đối phương đánh qua, chàng chẳng nghĩ gì đến việc tránh né chống đỡ, hai tay vẫn khư khư nắm lấy yếu huyệt của Nam Hải Ngạc Thần.

Đúng là sai lầm này đến sai lầm khác, khí huyết trong người Nam Hải Ngạc Thần bùng lên đổ ào vào hai nơi huyệt đạo đang bị nắm, đồng thời nội lực theo huyệt Đản Trung tuôn ra, hai tay còn cách mắt Đoàn Dự chừng nửa thước thì tê liệt, không sao vươn ra được. Y hít một hơi chân khí lại vận nội lực lần nữa.

Huyệt Thiếu Thương nơi ngón tay cái của Đoàn Dự bỗng thấy một luồng lực đạo tuôn vào. Nam Hải Ngạc Thần nội lực mạnh mẽ biết bao, nội lực của bảy gã đệ tử phái Vô Lượng làm sao sánh được, vì thế Đoàn Dự lập tức lảo đảo, chân chàng cũng run rẩy không đứng vững. Chàng biết rằng bỏ tay ra lúc này tất phải táng mạng nên dù trong người khó chịu đến mức độ nào cũng phải cố gắng chịu đựng.

Đoàn Chính Thuần chỉ đứng cách Đoàn Dự vài thước, thấy mặt chàng đỏ gay, lập tức điểm ngón tay trỏ vào huyệt Đại Truy trên lưng chàng. Thần công Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn nước Đại Lý nổi danh thiên hạ, quả thực uy lực không phải tầm thường, một luồng khí ấm áp liền truyền vào kích phát nội lực có sẵn trong người Đoàn Dự. Chỉ trong giây lát, toàn thân Nam Hải Ngạc Thần run lên bần bật rồi mềm ra như bún lăn quay xuống đất. Đoàn Chính Thuần giơ tay đỡ con, Đoàn Dự nội tức liền thuận trở lại, vội vàng dẫn nội lực Nam Hải Ngạc Thần vừa truyền sang qua Thủ Thái Âm Phế Kinh đưa về khí hải dần dần hồi phục lại như thường, nhưng hồi lâu không nói được lên tiếng.

Đoàn Chính Thuần dùng Nhất Dương Chỉ ám trợ cho Đoàn Dự. Thế là cả hai cha con hợp lực mới chế phục nổi Nam Hải Ngạc Thần. Mọi người ngồi trong hoa sảnh đều hiểu như vậy nhưng cứ trông bề ngoài thì rõ ràng Nam Hải Ngạc Thần bị Đoàn Dự hạ, không còn cãi vào đâu được.

Nam Hải Ngạc Thần quả là ghê gớm, Đoàn Dự vừa buông tay ra, lão chỉ vận khí sơ sơ liền đứng dậy được ngay. Hai mắt lão nhìn Đoàn Dự chằm chặp. Trên bộ mặt cổ quái của lão lộ vẻ kinh dị, đau khổ lẫn căm hờn.

Mộc Uyển Thanh la lên: “Nhạc lão tam, ta xem ngươi không chịu bái sư; vậy chắc là cam tâm làm đồ rùa đen, làm quân để tiện rồi.” Nam Hải Ngạc Thần hậm hực nói: “Ngươi hiểu ta thế nào được? Bái sư thì bái sư chứ Nhạc lão nhị này nhất quyết không làm giống rùa đen đê tiện đâu.” Nói xong lão quỳ ngay xuống lạy Đoàn Dự, đầu dập “binh binh” tám lần xuống đất rồi kêu lên: “Sư phụ, đệ tử Nhạc lão nhị khấu đầu ra mắt.”

Đoàn Dự đứng ngây người ra mà nhìn, chưa kịp trả lời thì Nam Hải Ngạc Thần đã vụt dậy, nhảy vọt lên nóc nhà bỏ đi. Bỗng một tiếng kêu “ối” thê thảm nổi lên, rồi một người từ trên nóc nhà lăn xuống đánh “huỵch” một tiếng. Mọi người nhìn ra thì là tên vệ sĩ trong phủ Trấn Nam Vương, trước ngực máu chảy đầm đìa, trái tim gã đã bị Nam Hải Ngạc Thần móc đem đi mất, chân tay còn giãy giụa trông thật gớm ghiếc. Tên vệ sĩ này võ công tuy còn kém bọn Chử Vạn Lý nhưng cũng vào hạng khá, vậy mà Nam Hải Ngạc Thần chỉ giơ tay ra một cái móc mất trái tim. Tứ Đại hộ vệ đứng ngay gần bên cũng không sao cứu kịp. Mọi người nhìn nhau cả kinh thất sắc.

Mộc Uyển Thanh tức giận nói: “Lang quân! Chàng thu được tên đồ đệ hung ác, hỗn láo đến thế là cùng, dám giết cả người nhà sư phụ. Lần sau lang quân có gặp phải trừng trị y một phen cho đáng kiếp.” Đoàn Dự tim đập thình thình đáp: “Ta may mà thắng cuộc là nhờ gia gia ám trợ. Sau này gặp lão, e rằng đến trái tim sư phụ này cũng bị móc mất, nói chi đến chuyện nghiêm trị đệ tử?”

Cổ Đốc Thành và Phó Tư Qui khiêng thi thể gã vệ sĩ ra ngoài. Đoàn Chính Thuần dặn dò chôn cất trọng thể, chu cấp hậu hĩ. Gã Hoắc tiên sinh bảy phần say ba phần tỉnh kia sợ đến mất vía, người run như cầy sấy lật đật lui ra.

Bảo Định Đế hỏi Đoàn Dự: “Dự nhi, bộ pháp đó quả thật cao minh, từ phương vị trong sáu mươi tư quẻ của Phục Hi biến hóa ra, ai truyền thụ cho con đó?” Đoàn Dự đáp: “Bộ pháp đó con tự luyện quấy quá một mình trong sơn động chả hiểu có đúng không. Xin bá phụ chỉ giáo cho!” Bảo Định Đế lại hỏi: “Con tự luyện lấy ở trong sơn động đầu đuôi thế nào? Nói rõ cho ta nghe!”

Đoàn Dự lược thuật chuyện chàng bị rơi vào sơn Cốc trong núi Vô Lượng rồi đi vào sơn động tìm ra được một quyển trục có ghi bộ pháp. Thế nhưng việc chàng tìm thấy pho tượng ngọc, cùng những hình khỏa thân chàng không đề cập đến. Hình vẽ thần tiên tỉ tỉ trần truồng đâu có thể nào để cho bá phụ, gia gia cùng mẫu thân trông thấy được? Ngay đến Mộc Uyển Thanh nếu biết được chàng mê mẩn thần tiên tỉ tỉ thể nào cũng nổi cơn ghen xé nát đồ hình. Bỏ qua không kể cũng chẳng khác gì Khổng phu tử cắt xén viết kinh Xuân Thu, có bớt không thêm đấy thôi.

Nghe Đoàn Dự kể xong, Bảo Định Đế nói: “Bộ pháp sáu mươi tư quẻ này dường như ở trong có ẩn chứa một môn nội công thượng thừa. Con thử diễn lại từ đầu đến cuối cho ta coi!” Đoàn Dự vâng lời, nhẩm lại một lúc rồi bước ra biểu diễn. Bảo Định Đế, Đoàn Chính Thuần, Cao Thăng Thái đều là những tay nội công thâm hậu, thế mà những chỗ tuyệt diệu về nội công trong bộ pháp này cũng chỉ nhìn nhận ra được vài phần mà thôi. Đoàn Dự diễn xong sáu mươi tư quẻ thì đã thành một vòng tròn lớn, trở về nguyên vị.

Bảo Định Đế cả mừng nói: “Lăng Ba Vi Bộ này ảo diệu vô cùng, trên đời có một không hai, cháu ta quả gặp được một phúc duyên hiếm có. Nay mẹ con mới lại trùng phùng, thôi ta về để mẹ con hàn huyên với nhau, nhớ tiếp mẹ cháu uống thêm mấy chén.” Đoạn nhà vua quay sang bảo hoàng hậu: “Ta về thôi!” Hoàng hậu đứng lên, đáp lời: “Vâng!”

Bọn Đoàn Chính Thuần cung kính tiễn đưa Hoàng đế, Hoàng hậu lên kiệu hồi cung, ra khỏi cổng lớn rồi mới trở vào Vương phủ.

comments

THIÊN LONG BÁT BỘ