Hồi 05: Canh chuột – Liên Thành quyết

Hồi 05: Canh chuột – Liên Thành quyết

Từ Giang Lăng về xuôi, địa thế bằng phẳng, Trường Giang chảy quanh co giữa vùng Tương – Ngạc (Hồ Nam – Hồ Bắc) cuồn cuộn về đông, con thuyền nhỏ theo dòng sông bập bềnh trôi xuôi. Hai bờ Trường Giang, các thị trấn làng mạc lướt qua hai bên thuyền. Những chiếc thuyền giương buồm từ thương du xuôi về, từng chiếc từng chiếc vượt qua con thuyền nhỏ của Địch Vân. Khi lướt qua con thuyền nhỏ, người trên các chiếc thuyền lớn kia đều lộ vẻ tò mò nhìn Địch Vân râu tóc xồm xoàm, mặt đầy máu me.

Khi trời gần tối, Địch Vân hơi lại sức, đồng thời nghe bụng kêu óc ách không ngừng, cảm thấy đói ghê gớm; bèn ngồi dậy cầm một tấm ván, khoát khoát cho thuyền từ từ cập bờ bấc, định đến một quán cơm nhỏ mua cơm ăn. Dải đất ven bờ sông rất hoang vu, không thấy nhà cửa. Con thuyền nhỏ thuận dòng vòng đến một mom sông, chỉ thấy dưới bóng liễu có buộc ba chiếc thuyền chài, có khói bốc lên. Khi con thuyền nhỏ trôi gần đến mấy chiếc thuyền chài, nghe thấy tiếng rán cá xèo xèo trong khoang thuyền, mùi thơm phưng phức.

Địch Vân ghé thuyền đến gần, nói với ông lão thuyền chài:

– Bác chài ơi, bán cho một con cá, được không?

Ông chài thấy Địch Vân bộ dạng dễ sợ, trong bụng hãi không muốn bán nhưng lại không dám từ chối, liền nói:

– Vâng, vâng!

Rồi đặt một con cá đã rán vàng lên đĩa, đưa cho Địch Vân. Địch Vân nói:

– Nếu có cơm, bác bán cho một bát.

Ông chài nói:

– Vâng, vâng!

Rồi đưa cho một tô cơm tấm, độn quá nửa khoai lang và cao lương.

Địch Vân và vài đũa đã hết nhẵn tô cơm, đang định hỏi thêm, bỗng nghe trên bờ có giọng ồm ồm:

– Lão chài! Có cá lớn đem đây mấy con.

Địch Vân ngoảnh đầu nhìn, thấy một hòa thượng gầy đét, cao lênh khênh, hai mắt ốc nhồi lấp lánh.

Địch Vân giật thót người, nhận ra chính là một trong năm nhà sư đã đến gây sự với Đinh Điển trong tù, nghĩ một chút, nhớ lại cái tên Bảo Tượng mà Đinh đại ca đã nói. Tối hôm ấy Đinh Điển đánh chết hai tên, hai tên nữa bị trọng thương, còn Bảo Tượng thừa cơ chạy trốn.

Địch Vân không dám nhìn y thêm một lần nữa. Đinh đại ca nói hòa thượng này võ công rất cao và dặn sau này nếu gặp thì cần phải cẩn thận. Nếu để Bảo Tượng nhận ra thi thể của Đinh Điển thì hỏng hết. Hai tay bưng bát cơm, dù không phải là nhát gan sợ chết nhưng Địch Vân vẫn thấy tim đập thình thình, tay hơi run run, lòng thầm kêu lên:

– Đừng run, đừng run, kẻo lộ mất!

Nhưng càng muốn trấn tĩnh thì càng hoảng.

Chỉ nghe thấy ông chài nói:

– Cá đánh được hôm nay đều bán hết cả rồi, không có đâu!

Bảo Tượng tức giận nói:

– Ai bảo không có cá? Ta đói meo rồi, mau đưa mấy con đây! Không có cá lớn, cá nhỏ cũng được.

Ông chài nói:

– Hết thật rồi! Tôi có cá, ông có tiền sao lại không bán?

Vừa nói vừa đưa giỏ cá lên, lật úp lại, quả nhiên không có cá.

Bảo tượng đã đói cồn cào, thấy bên cạnh Địch Vân có một con cá rán to tướng mới ăn chưa hết một nửa, liền réo:

– Thằng chết giẫm kia, sao mày dám bảo không có cá?

Địch Vân trong lòng hoảng loạn, thấy y nói với mình, nghĩ rẳng y đã nhận ra, bèn nín thinh không đáp, đưa tấm ván thuyền chống vào gốc liễu gắng sức đẩy mạnh, con thuyền nhỏ trôi ra giữa sông.

Bảo Tượng tức giận nói:

– Thằng giặc kia, ta hỏi ngươi có cá không, mắc gì mà bỏ chạy.

Địch Vân nghe y chửi, càng sợ hãi, gắng sức dùng tấm ván vợi con thuyền nhỏ ra xa bờ. Bảo Tượng nhặt một hòn đá bên bờ sông, ra sức ném về phía Địch Vân. Địch Vân thấy hòn đá bay tới bèn cúi mình tránh nhưng nghe tiếng gió rít rất mạnh, hòn đá bay vèo qua đỉnh đầu, “bũm” một tiếng, rơi xuống nước vọt lên tung tóe.

Bảo Tượng thấy Địch Vân né tránh, thân pháp nhanh nhẹn xem ra có học võ chứ không phải là dân chài lưới tầm thường, sinh nghi, hét:

– Mẹ kiếp, mau quay lại, nếu không tao lấy luôn cái mạng chó của mày!

Địch Vân đời nào nghe lời y, liều mạng vợi thuyền ra xa. Bảo Tượng lại khom mình, tay phải nhặt một hòn đá lớn ném ngay, tiếp đó tay trái lại ném. Địch Vân tay thì bát thuyền, hai mắt thì chăm chú nhìn đường bay của các tảng đá. Vừa mới nghiêng mình tránh tảng thứ nhất, tảng thứ hai đã bay đến, rất thấp, trúng vào mạn thuyền, Địch Vân ngã sõng soài xuống đáy thuyền. Chỉ cách khoảng một tấc, trước mắt thấy đen ngòm, một cái gì bay vụt qua, gió quét rát cả mặt. Địch Vân vừa mới ngồi dậy, tảng đá thứ ba lại bay đến, “chát” một tiếng trúng ngay mũi thuyền, thủng một lỗ lớn.

Bảo tượng thấy Địch Vân né tránh linh hoạt, con thuyền nhỏ xuôi dòng trôi nhanh mỗi lúc một xa, vội vàng gắng sức ném luôn hai tảng đá. Nếu mà trúng cả thì chiếc thuyền gỗ bé nhỏ sẽ bị thủng chìm ngay. Nhưng lúc này khoảng cách đã xa…

Bảo Tượng thấy không hiệu quả, cả giận chửi mắng ỏm tỏi, xa xa thấy gió thổi lộng, râu tóc bờm xờm của Địch Vân xừng lên trong gió, y chợt nghĩ: “Bộ dạng thẳng này giống như tù vượt ngục. Đinh Điển vượt ngục Kinh Châu bỏ trốn, giang hồ đồn đại ầm ĩ, tóm được thằng tù này biết đâu dò được tung tích Đinh Điển.” Nghĩ đến đó, lòng tham bốc lên, lửa giận bừng bừng, y hét lên:

– Nhà chài, nhà chài, mau chở ta đuổi theo hắn.

Nhưng những người đánh cá trên ba chiếc thuyền dưới gốc liễu thấy y ném đá giết người rất căm ghét, đã lẳng lặng mở thuyền xuôi theo dòng sông. Bảo Tượng gọi liền mấy tiếng nhưng ai chịu quay thuyền lại chở y? Bảo Tượng lại “vù vù vù” ném luôn mấy tảng đá, có một tảng đá trúng đầu một ngư dân, người đánh cá ấy vỡ nát óc, rơi xuống sông. Những người đánh cá khác hồn xiêu phách lạc, càng chèo thuyền nhanh hơn.

Bảo Tượng men sông đuổi rất nhanh, còn nhanh hơn con thuyền nhỏ của Địch Vân. Bảo Tượng chạy men theo bờ bắc, Địch Vân gắng đưa thuyền sang bờ nam, càng ngày càng cách xa Bảo Tượng. Địch Vân nghĩ bụng: “Nếu y tìm được thuyền, bắt người ta chèo thuyền đuổi theo mình thì mình khó lòng thoát khỏi độc thủ của y.” Trong lúc hoảng hốt chỉ lầm rầm cầu nguyện: “Đinh đại ca, Đinh đại ca, huynh có linh thiêng thì hãy khiến tên ác tăng kia không tìm được thuyền.”

Trên sông Trường Giang thuyền rất nhiều may mà suốt mấy dặm bờ bắc không đâu một con thuyền nào. Địch Vân gắng hết sức bình sinh đưa thuyền sang bờ Nam, đoạn này lòng sông tuy không rộng nhưng cây cối um tùm, Bảo Tượng không thể nhìn thấy. Thế là Địch Vân nhét cái bao nhỏ vào lòng, ôm thi thể Đinh Điển, leo lên bờ. Bỗng nghĩ ra, quay lại đẩy chiếc thuyền ra giữa sông, hy vọng là Bảo Tượng nhìn từ xa tưởng mình vẫn ở trên thuyền, xuôi dòng đuổi theo.

Hoảng chẳng chọn đường, Địch Vân cứ nhằm hướng nam mà chạy, chỉ mong càng xa bờ sông càng tốt. Chạy được hơn một dặm, lại không ghìm được tiếng kêu khổ, chỉ thấy nước mênh mông trắng lóa, sông lớn ngay trước mặt, thì ra Trường Giang chảy đến đoạn này lại ngoặt xuống phía nam.

Địch Vân vội vàng quay mình, thấy bên phải có một ngôi miếu nhỏ bỏ hoang liền ôm thi thể Đinh Điển đến trước miếu, định đẩy cửa bước vào, bỗng đầu gối nhũn ra, ngã ngồi xuống đất, rồi không đứng lên được nữa. Địch Vân sau khi bị thương máu chảy rất nhiều, đã rất yếu, chống thuyền, lại còn ôm Đinh Điển mà chạy, quả thực đã kiệt sức. Cố gắng mấy cũng không thể đứng lên được, chỉ biết nằm trên mặt đất thở không ra hơi. Nhưng thấy trời dần tối cũng hơi yên tâm, nghĩ bụng: “Chỉ cần trời tối, tên Bảo Tượng ác tăng kia không thể tìm thấy chúng ta nữa.” Lúc này tuy Đinh Điển đã chết, nhưng trong lòng Địch Vân vẫn xem chàng như người bạn thân thiết.

Nằm ngoài miếu được hơn nửa canh giờ, hơi lại sức, mới cố gắng bò dậy, ôm xác Đinh Điển đẩy cửa bước vào miếu. Thì ra đây là một ngôi miếu thổ địa. Tượng thổ địa bằng đất sét thấp nhỏ hình dáng tướng mạo trông rất khôi hài. Địch Vân đang thiểu não, thấy pho tượng bé nhỏ bỗng cảm thấy kính sợ, cung cung kính kính quỳ xuống hướng về tượng thần rập đầu mấy cái, cảm thấy hơi vững tâm một chút.

* * *

Địch Vân nằm bên thi thể của Đinh Điển giống như mấy năm qua ở trong phòng giam chật chội.

Chưa đến nửa đêm, bỗng trời mưa sầm sập sình sịch, một trận lớn lại một trận nhỏ. Địch Vân cảm thấy lạnh, nằm co quắp bên Đinh Điển, chạm phải da thịt lạnh ngắt, nghĩ đến Đinh đại ca đã chết không thể cùng mình trò chuyện, hai hàng nước mắt lại lăn dài trên má.

Bỗng trong tiếng mưa vọng đến tiếng bước chân chạy về miếu thổ địa. Người đó giẫm lên bùn lầy, nhưng vẫn chạy cực nhanh. Địch Vân giật nảy mình, tai nghe người đó mỗi lúc một gần, vội vàng giấu thi thể Đinh Điển dưới bệ thờ còn mình thì nằm co quắp sau khám thờ.

Tiếng bước chân càng gần, Địch Vân tim đập dập dồn, chỉ nghe sầm một tiếng, cửa miếu đã bị đẩy mở toang, rồi một người chửi váng lên:

– Con mẹ nó chứ, thằng giặc già ấy không biết trốn đâu rồi, lại mưa to thế này, ướt hết cả bố mày rồi.

Chính là tiếng của Bảo Tượng. Người xuất gia mà chửi “con mẹ nó” đã là không nên, tự xưng là “bố mày” thì càng bậy bạ. Địch Vân tuy chưa từng trải việc đời, nhưng mấy năm nay ở trong tù nghe Đinh Điển kể về những chuyện trên chốn giang hồ nên đã không còn là chú nhà quê ngây ngô như mấy năm trước, nghĩ bụng: “Tên Bảo Tượng này đội lốt nhà sư nhưng lại ăn mặn giết người, không kiêng dè gì cả, lốt hòa thượng mà thực chất lại là kẻ cướp.”

Chỉ nghe thấy Bảo Tượng văng ra đủ mọi tiếng tục tằn bẩn thỉu, chửi một trận lại lầu bầu mấy tiếng, rồi ngã ngồi xuống trước bàn thờ, tiếp đó lại có tiếng sột soạt như là y đang cởi hết quần áo ướt đem đến góc miếu treo cho khô rồi đến nằm bên bàn thờ, chốc lát nghe tiếng ngáy khò khò, y đã ngủ say.

Địch Vân nghĩ bụng: “Lão ác tăng này cởi hết áo quần ngủ trước bàn thờ há chẳng mắc tội sao?”

Lại nghĩ: “Mình nhân cơ hội này vác một tảng đá lớn đập chết hẳn để tránh đại họa.” Nhưng Địch Vân không muốn tùy tiện giết người, lại biết võ công của Bảo Tượng gấp mười mình, nếu không đập một cú chết tươi, nếu hắn còn một chút sức đánh trả thì mình khó giữ được tính mạng.

Lúc này nếu Địch Vân rón rén ra phía sân sau chạy trốn thì chắc chắn là Bảo Tượng không biết. Nhưng thi thể của Đinh Điển ở dưới bàn thờ, không thể ôm đi được, nếu kéo ra thì sẽ kinh động tên ác tăng. Nghe tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài, lòng bàng hoàng không nghĩ ra được cách gì, chỉ mong sớm mai trời tạnh, Bảo Tượng bỏ đi, nhưng nghe ra cơn mưa không tạnh nổi. Đến mai nếu Bảo Tượng không chịu đội mưa ra khỏi miếu, sục sạo trong miếu thế nào cũng thấy thi thể Đinh Điển. Tuy thế trong lòng vẫn cầu may: “Biết đâu đến sáng trời tạnh, tên ác tăng này muốn đuổi tìm mình, vội vàng ra khỏi miếu.”

Bỗng lại nghĩ đến một điều: “Khi hắn mới đến mở miệng chửi, bảo là không biết thằng “giặc già” trốn đâu rồi. Mình mới hơn hai mươi tuổi, sao lại gọi mình là “giặc già”? Hay là hắn còn đuổi theo một người già nào nữa?” Suy nghĩ một hồi chợt vỡ nhẽ: “À, phải rồi, mình đầu tóc dài rối bời, mặt đầy râu ria xồm xoàm mấy năm không cạo, người ta nhìn thấy tưởng là ông già. Hắn chửi mình là “giặc già”, hi hi, chửi mình là “giặc già”!” Nghĩ đến đó Địch Vân đưa tay sờ râu ria bờm xờm trên mặt.

Bỗng nghe thấy “cộp” một tiếng, Bảo Tượng trở mình, trong giấc ngủ hắn đạp vào dưới bàn thờ lại đụng vào thi thể Đinh Điển. Cảm thấy khác lạ hắn lập tức tỉnh dậy, tưởng là có người mai phục dưới bàn thờ, tối tăm quá không biết trong miếu có bao nhiêu người mai phục, hắn vớ thanh đơn đao bên cạnh, chém luôn sáu nhát trước sau trái phải để kẻ địch không dám tới gần, hét tướng lên:

– Ai? Con mẹ nó, đồ khốn!

Chửi liền mấy tiếng, không nghe thấy tiếng trả lời, bèn im lặng nghe ngóng, cũng không nghe thấy tiếng người.

Bảo Tượng lại chém mò mười mấy nhát xung quanh, chính là “dạ chiến bát phương thức”, giơ chân đá “bình” một tiếng, đá đổ cả bàn thờ, vung đao chém xuống, nghe một tiếng “rắc” nhẹ, như là tiếng xương gãy, hắn đã chém trúng thi thể Đinh Điển.

Địch Vân nghe rõ ràng Bảo Tượng dùng đao chém Đinh đại ca. Tuy Đinh Điển đã chết, đã vô tri vô giác, nhưng trong lòng Địch Vân, anh vẫn là người nghĩa huynh rất kính yêu, nhát đao này như chém vào thân thể mình, liền muốn xông ra liều mạng với hắn, nhưng sự đày đọa năm năm trong ngục đã khiến cậu thiếu niên chất phác lỗ mãng đã trở thành một thanh niên biết suy nghĩ. Vừa mới định xông ra liền nghĩ: “Mình xông ra liều mạng với hắn thì chỉ có chết, tâm nguyện của Đinh đại ca và Lăng tiểu thư làm sao thực hiện được? Sao cho khỏi phụ lời ủy thác của đại ca?”

Bảo Tượng chém một đao trúng thi thể Đinh Điển, không nghe thấy động tĩnh gì nữa, trong tối tăm cũng chẳng thấy gì. Dụng cụ đánh lửa mang theo đã bị mưa ướt, không cách gì thắp lửa lên để nhìn cho rõ, hắn từng bước từng bước lùi lại, lưng tựa vào tường để phòng kẻ địch đánh lén từ đằng sau, rồi lại chăm chú lắng nghe.

Lúc này hai người chỉ cách nhau một bức tường, ngoài tiếng mưa rơi tí tách, không còn một thanh âm nào nữa.

Địch Vân biết mình chỉ cần thở mạnh một chút lập tức sẽ mất mạng, chỉ còn cách nhè nhẹ hít vào lại nhè nhẹ thở ra, trong đầu loang loáng những ý nghĩ: “Hơn một canh giờ nữa trời sẽ sáng, tên ác tăng này thấy thi thể của Đinh đại ca nhất định sẽ hành hạ, phải làm sao đây?”

Đầu óc Địch Vân vốn không linh hoạt mà việc bảo vệ thi thể của Đinh Điển thoát khỏi bàn tay tàn ác của Bảo Tượng lại là một việc cực khó, nghĩ mãi muốn vỡ cả đầu cũng nghĩ không ra cách gì, vô cùng sốt ruột, tự trách mình ngu: “Địch Vân ơi Địch Vân, ngươi là một thằng ngu thì tất nhiên là chẳng nghĩ được cách gì. Nếu Đinh đại ca còn sống, chắc là huynh ấy sẽ có cách.” Trong lúc hốt hoảng sốt ruột, đưa tay lên bứt tóc, nhổ đứt sáu bảy sợi.

Đột nhiên trong óc lóe lên một ý nghĩ: “Tên ác tăng này gọi mình là “lão tặc” (giặc già). Hắn thấy mình râu ria xồm xoàm cứ tưởng mình là một ông già. Nếu mình cạo sạch râu, hắn há lại nhận ra mình được sao? Chỉ tiếc là không có dao cạo, làm sao cạo hết râu trên mặt đây? Hừm, mình chết cũng không sợ, lẽ nào lại sợ đau? Lấy tay nhổ từng sợi cũng được.”

Nghĩ là làm. Địch Vân mò từng sợi râu, nhè nhẹ nhổ từng sợi, từng sợi, chỉ sợ phát ra tiếng động, lại nghĩ bụng: “Cứ cho là tên ác tăng này không nhận ra mình thì bất quá cũng không giết mình mà thôi, mình phải có cách nào để bảo vệ chu đáo cho Đinh đại ca? Ầy, tới đâu hay đó, mình chỉ tạm giữ được tính mạng, làm sao đến gần được tên ác tăng này, thừa lúc hắn không đề phòng, nghĩ cách giết hắn đi mới được.”

Nhổ được hơn một nửa bộ râu, chợt nghĩ ra: “Cứ cho là không còn râu nữa, nhưng đầu tốc dài chơm bơm này vẫn để lộ chân tướng của mình. Tên ác tăng này đuổi mình trên sông Trường Giang chắc đã thấy rõ bờm tóc rối tung của mình.” Đã làm thì làm cho trót, bèn đưa tay nắm lấy mấy sợi tóc, nhè nhẹ nhổ ra.

Nhổ râu còn không đau mấy, chứ cứ từng sợi từng sợi mà nhổ trọc đầu tóc thì thật là đau ghê gớm. Địch Vân vừa nhổ vừa nghĩ bụng: “Đừng nói cái việc nhỏ mọn là nhổ sạch đầu tóc, vì Đinh đại ca mà phải chặt chân tay mình cũng không một chút chau mày.” Lại nghĩ: “Cái cách này của mình thật vụng, hồn của Đinh đại ca chắc sẽ cười mình, nhưng… nhưng… huynh ấy lại không thể bày cho mình cách nào hay hơn.”

Nghe thấy tiếng ngáy đều đều của Bảo tượng chắc hắn lại ngủ, chỉ sợ tên ác tăng kia nghe thấy, thế là cứ nhổ được một ít râu, tóc lại lùi xa thêm một bước, mất cả nửa canh giờ mới lùi ra đến chỗ thiên tỉnh, lại một lúc nữa mới ra khỏi cửa sau miếu thổ địa. Mưa lớn dội ào ào lên mặt bấy giờ mới thở phào.

Ở ngoài miếu không còn phải lo Bảo Tượng nghe thấy, nhổ tóc được nhanh hơn nhiều, cuối cùng cả đầu tóc dài chơm bơm, cả bộ râu xồm xoàm đều nhổ sạch nhẵn. Địch Vân đem tất cả râu tóc

mới nhổ ra chôn hết xuống bùn để phòng Bảo Tượng phát hiện sẽ sinh nghi. Xoa xoa cái đầu trọc lốc, cái cẳm nhẵn thín, chẳng những đã không còn là “giặc già” mà đã thành “giặc trọc”, trong bi phẫn Địch Vân không khỏi bật cười, nghĩ: “Mình nhổ một hồi, đầu và cằm chắc có nhiều vết máu, phải rửa sạch kẻo lộ dấu vết.” Thế là bèn ngẩng đầu lên để nước mưa dội sạch.

Lại nghĩ: “Mặt mày của mình như thế là ổn rồi, còn áo quần này khéo tên ác tăng kia vẫn nhận ra thì cũng hỏng. Chà, không có áo để thay, mình học cách của ác tăng kia, cởi bỏ quách thì đã sao?” Thế là cởi hết cả áo quần ra, chiếc áo tơ tẳm đen thì không thể cởi, thế là chỉ có áo trong, không có quần bèn lấy áo ngoài quấn vào ngang hông, lại sợ Bảo Tượng nhận ra lai lịch của chiếc áo tơ tảm đen, bèn lăn mấy vòng trong bùn, toàn thân bê bết bùn.

Lúc này giá mà Đinh đại ca sống lại cũng chẳng nhận ra. Địch Vân mò mẫm đến dưới một gốc cây lớn đào một cái hố, chôn cái bao nhỏ vào trong, thầm nghĩ: “Nếu thoát được bàn tay tàn bạo của tên ác tăng này, bảo vệ được Đinh đại ca bình an, sau này tất phải báo đáp đại ân đại đức của người đã chữa vết thương cho mình và tặng mình tiền bạc, nữ trang. Nhưng rốt cuộc người ấy là ai?”

Bận rộn đến lúc ấy, trời cũng đã tang tảng sáng. Địch Vân lặng lẽ đi về phía nam, ngoặt sang hướng tây, đi được hơn một dặm, trời đã sáng rõ, thấy mưa vẫn chưa tạnh, đoán là Bảo Tượng vẫn chưa rời miếu, muốn tìm một thứ vũ khí nhưng biết tìm đâu giữa nơi hoang dã này?

Đành nhặt lấy một phiến đá có đầu nhọn, giấu bên hông, nghĩ bụng nếu có thể đập trúng vào chỗ hiểm của ác tăng kia thì biết đâu có thể giết được hắn. Nhưng tốt nhất là tên ác tăng kia đã rời miếu đi chỗ khác, thế là may mắn nhất.

Soi mình vào trong vũng nước, thấy bộ dạng cổ quái của mình, nhịn không được bật cười, nhưng liền cảm thấy một nỗi thống khổ không nói được thành lời.

* * *

Trong lòng vẫn nhớ Đinh Điển, tìm chẳng được vũ khí thích hợp bèn ngoặt lại hướng đông, trở về miếu thổ địa, nghĩ bụng: “Mình phải điên điên khùng khùng, giả làm một đứa vô lại bản địa.” Khi gần đến miếu thổ địa, bèn lấy giọng hát một bài sơn ca:

“Ơi em gái ở bên kia núi,

Nghe lời anh hát đây

Em lấy chồng chớ lấy chàng phú quý

Công từ nhà giàu chẳng có lương tâm

Lấy quách anh – chàng sài đẹn A Tam!”

Dạo còn ở làng quê Hồ Nam, Địch Vân vốn hay hát sơn ca. Trong những đám mộng bên hồ, trước khe sau núi, Địch Vân cùng Thích Phương đã hát không biết mấy ngàn mấy vạn bài sơn ca. Phong tục ở làng quê Hồ Nam, sơn ca đều là ứng khẩu hát lên, vần điệu thô thiển, không khác với lời ăn tiếng nói hàng ngày bao nhiêu. Lời ca vừa cất lên, lòng lại thấy chua xót, từ ngày cùng Thích Phương cầm tay dạo bước, hát trên đồng, đến nay đã hơn năm năm rồi lời ca chưa từng được thốt ra, lúc này hát bài ca xưa, tình cảnh trước mắt lại cực kỳ quái gở. Người nghe ca bây giờ không còn là cô sư muội xinh đẹp mà là một tên ác tăng trần như nhộng.

Địch Vân từ từ đi đến miếu thổ địa, uốn lưỡi bắt chước giọng con gái lại hát:

“Anh sài đẹn A Tam có mùi mẽ chi?

Mà đòi lấy em như hoa như ngọc tiểu kiều nhi?

Ham anh trọc tếu không cần lược?

Ham anh…”

Câu cuối mới hát được hai tiếng “ham anh”, Bảo Tượng đã từ trong miếu thổ địa bước ra. Hắn dùng áo quấn ngang hông, ngó ra ngoài xem ai đến, chỉ thấy Địch Vân miệng nghêu ngao hát sơn ca đang đi đến, đầu trọc lóc, lại tưởng Địch Vân đúng là một thằng bé chốc đầu, trong bài sơn ca toàn là lời tự trào nghe thật tức cười, bèn gọi:

– Ê, thằng trọc, ngươi lại đây.

Địch Vân hát:

“Đại sư phụ kêu tui có việc chi? Muốn cho tui bạc vàng và châu báu? Sài đẹn A Tam số đỏ ghê, Đại sư phụ muốn mời tui ăn lợn béo.”

Địch Vân vừa hát vừa bước đến trước Bảo Tượng, tuy giả vờ thản nhiên nhưng không giữ được trái tim khỏi đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, mặt biến sắc. Nhưng Bảo Tượng không để ý, cười hì hì nói:

– Thằng sài đẹn A Tam kia, ngươi đi kiếm cho ta cái gì ăn, đại sư phụ sẽ trọng thưởng, có lợn béo không?

Địch Vân lắc đầu quầy quậy, hát:

“Núi hoang rừng vắng không lợn béo…”

Bảo Tượng thét:

– Nói nhăng nói cuội, hát với chả hỏng.

Địch Vân le lưỡi, gắng hết sức giả vờ lấy giọng trơn tru, nói:

– Sài đẹn A Tam quen hát sơn ca, không quen nói chuyện kiểu bình thường, đại sư phụ, nơi này trước không thôn xóm, sau chẳng cửa hàng, trong vòng mười dặm chẳng có khói lên, đừng nói chuyện muốn ăn lợn béo, cơm trắng rau xanh cũng khó tìm, cách đây mười lăm dặm trường, có thị trấn nhiều rượu lắm thịt, có gà, có cá béo quay, đại sư phụ muốn ăn gì cũng có, cứ đi là đến ngay.

Địch Vân tự biết mình không đủ sức giết Bảo Tượng để báo thù cho Đinh Điển chỉ mong hẳn tin lời mình, rời miếu đi về phía tây tìm cái ăn, mình sẽ ôm thi thể Đinh Điển mà chạy trốn.

Nhưng mưa vẫn cứ không tạnh, dội xối xả lên hai người.

Bảo Tượng nói:

– Ngươi đi tìm cái gì ăn được lại đây, có rượu có thịt là tốt nhất, nếu không thì con gà con vịt gì cũng được.

Địch Vân chỉ lo cho Đinh Điển, miệng cứ ậm ừ nhận lời, bước vào trong miếu, chỉ thấy thi thể Đinh Điển đã bị lôi ra khỏi gầm bệ thờ, áo quần rách nát, rõ ràng là đã bị Bảo Tượng lục soát. Địch Vân trong lòng vừa buồn vừa hận, không thể che giấu được nữa, nói:

– Ở… ở đây có người chết… là… là do ông đánh chết phải không?

Sắc mặt Địch Vân tái nhợt, Bảo Tượng lại cho rằng vì thấy xác chết mà sợ hãi, hắn cười nanh ác, nói:

– Không phải ta đánh chết. Ngươi tới nhận xem, người này là ai, ngươi nhận ra không?

Địch Vân giật mình, cứ tưởng là hắn đã nhận ra mình, nếu không quyết tâm bảo vệ Đinh Điển thì đã co giò chạy trốn, bèn cố gắng trấn tĩnh, nói:

– Người này tướng mạo rất cổ quái, không phải ở trong thôn này. B

ảo Tượng cười nói:

– Hắn tất nhiên không phải là người trong thôn ngươi.

Đột nhiên nghiêm giọng nói:

– Ê, đi tìm cái gì ăn được tới đây. Ngươi không nghe lời, xem phật gia ta đây có lấy cái mạng chó của ngươi không.

Địch Vân nhận thấy thi thể Đinh Điển tạm thời không việc gì, hơi yên tâm, đáp:

– Vâng, vâng!

Rồi quay người đi ra khỏi miếu, nghĩ bụng:

– Mình hãy tạm tránh hắn cái đã, chỉ cần nửa ngày không quay lại, hắn chịu đói không nổi, tự khắc sẽ đi tìm cái ăn. Y chẳng tội gì mang Đinh đại ca đi. Hắn đã khám xét thi thể đại ca, tìm chẳng được gì, chắc cũng ngán ngẩm rồi.

Không ngờ chỉ mới bước được hai bước, Bảo Tượng đã lấy giọng dữ tợn, quát:

– Đứng lại! Ngươi định chuồn đi đâu?

Địch Vân nói:

– Tôi đi tìm cái ăn cho ông.

Bảo Tượng nói:

– Ầ y, tốt lắm, tốt lắm! Ngươi đi bao lâu thì về?

Địch Vân nói:

– Nhanh lắm, một lúc là quay lại thôi.

Bảo Tượng nói:

– Đi đi!

Địch Vân quay đầu nhìn thi thể Đinh Điển, đi ra ngoài miếu. Đột nhiên, có tiếng gió rít đảng sau lưng, hai tiếng “bốp, bốp” vang lên, hai má Địch Vân ăn luôn hai bạt tai. May mà Bảo Tượng cho rằng đây chỉ là một thằng bé nhà quê không có võ công cho nên ra tay không nặng, lại cũng may là Bảo Tượng thân pháp cực nhanh, mới ra tay đã đánh trúng, Địch Vân không kịp phản ứng gì, không hề né tránh, nếu không thì uổng công giả vờ.

Địch Vân giật mình nói:

– Ông… ông…

Nghĩ bụng: “Hắn đã nhận ra mình rồi, chỉ còn cách liều mạng.” Chỉ nghe Bảo Tượng nói:

– Trên người mày có bao nhiêu tiền, lôi ra ta xem!

Địch Vân nói:

– Tui… tui…

Bảo Tượng tức giận nói:

– Mày không có nổi một đồng xu, bằng vào cái bản mặt của mày thì… hừm, mày bảo đi mua cái ăn cho ta, không phải là có ý chạy trốn đấy chứ?

Hắn lại nói:

– Mày bảo trong vòng mười dặm không có một tia khói nào thì làm sao có thể đi mua cái ăn được, ngươi định trốn à?

Địch Vân nghe hắn nói vậy lại hơi yên tâm: “Thì ra hắn chỉ nhận ra mình giả vờ đi mua thức ăn, thế thì không sao.” Bảo Tượng lại nói:

– Cái thằng trọc này, mày bảo trong khoảng mười dặm không có khói lên, vậy thì làm sao đi mua thức ăn về ngay được? Chẳng phải rõ ràng là lừa ta sao? Hừm, mày nói thực đi, rốt cục mày muốn gì?

Địch Vân lắp bắp nói:

– Tui… tui… tui thấy đại sư phụ dễ sợ, muốn trốn về nhà.

Bảo Tượng ha ha cười lớn, vỗ vỗ lên bộ ngực đầy lông đen, nói:

– Sợ cái gì? Sợ ta ăn thịt mày hả?

Nói đến chữ “ăn”, lập tức bụng sôi lên òng ọc, càng đói ghê gớm. Sau khi trời sáng, hắn đã sục sạo khắp trong miếu, không có một chút gì có thể ăn được. Hắn lèm bèm mấy câu:

– Sợ ta ăn thịt ngươi hả? Sợ ta ăn thịt ngươi hả?

Vừa nói mắt hắn vừa lóe hung quang, nhìn Địch Vân từ đầu đến chân.

Địch Vân bị cái nhìn hung ác kia làm nổi da gà, đã đoán được tên ác tăng này có ý gì. Quả nhiên Bảo Tượng đang nghĩ: “Mùi vị thịt người cũng tuyệt lấm, tim người gan người càng ngon, trước mắt có một con heo, sao không mổ mà chén?”

Địch Vân thầm kêu khổ: “Mình bị hắn giết, cũng chẳng sao, xem bộ dạng tên ác tăng này, rõ ràng là muốn nấu mình mà ăn, thật oan uổng quá, ta phải liều với ngươi.” Nhưng, liều mạng chắc chắn là bị giết, sau khi giết vẫn bị hắn ăn vào bụng, như thế thì có khác gì đâu? Chỉ thấy hai mắt Bảo Tượng hung quang rực rực, hi hi cười nanh ác, sải bước tiến tới.

Địch Vân thấy hắn từng bước lại gần, bộ mặt xấu xí càng dữ tợn đáng sợ thì cũng từng bước lùi dần. Bảo Tượng cười nói:

– Hi hi, con quỷ còm, ăn thịt mày mùi vị cũng chả ra gì, xác chết kia còn béo hơn mày đấy, đáng tiếc là xác chết có độc, không ăn được, không có lợn béo, lợn gầy cũng xài tạm vậy.

Hắn vươn tay, chộp ngay cánh tay trái của Địch Vân.

Địch Vân ra sức giãy giụa nhưng làm sao mà thoát được? Trong lòng hết sức lo sợ, lo sợ không tưởng tượng nổi. Trải qua mấy năm đày đọa đã không còn sợ chết là gì, nhưng nghĩ đến việc bị tên ác tăng kia ăn vào bụng, thật là không rét mà run.

Bảo Tượng thấy Địch Vân không cách gì thoát được nghĩ bụng chi bằng bắt nó nấu nước sôi cái đã, sau đó ra tay mổ nó cũng được. Chỉ tiếc là người này không biết tự mổ thịt mình rồi lại tự nấu chín cung kính dâng lên cho “đại sư phụ”, bèn nói:

– Ta giết ngươi để chén, có hai cách, một là cắt thịt trên tay chân ngươi, vừa cắt vừa nướng thế thì ngươi phải chịu đau một chút, cách thứ hai là một đao giết chết ngươi, nấu lên mà chén. Ngươi bảo cách nào hay hơn?

Địch Vân nghiến răng nói:

– Ông… ông muốn giết tui, ông… ông là hòa thượng độc ác.

Địch Vân cất tiếng chửi nhưng sợ hắn nổi giận lại bắt mình chịu nỗi khổ tùng xẻo, tiếng chửi sắp vọt ra, phải kìm nén lại.

Bảo Tượng cười nói:

– Phải đấy, ngươi biết vậy là tốt, càng biết nghe lời càng được chết một cách sảng khoái. Ngươi mà quật cường giãy giụa, thì càng khổ hơn. Hừ, thằng chốc đầu A Tam, nghe ta bảo đây, ngươi xuống nhà bếp đem cái nồi gang lên đây, nấu một nồi nước đầy.

Địch Vân biết hắn định nấu mình để ăn, nhưng vẫn hỏi:

– Để làm gì?

Bảo Tượng cười nói:

– Không phải hỏi nhiều, đi mau đi!

Địch Vân nói:

– Muốn nấu nước, thì nấu ở dưới nhà bếp là được rồi, đem nồi lên đây không tiện.

Bảo Tượng nói:

– Trong bếp toàn là tro bụi, mạng nhện, lão phật ta đây mới vào đã hắt hơi, ta không nhìn thấy ngươi, cái thằng sài đẹn nhà ngươi nhất định là đào tẩu.

Địch Vân nói:

– Tui không chạy trốn là được.

Bảo Tượng tức giận nói:

– Ta bảo thế nào là phải thế ấy, ngươi dám không nghe lời à?

Nói rồi vung chưởng tát vào má bên phải Địch Vân rồi lại đá một cú, Địch Vân lăn tròn mấy vòng trên mặt đất. Địch Vân bỗng nghĩ ra: “Hắn bảo mình nấu nước sôi, thì đây lại là một cơ hội, đợi nồi nước to tướng này sôi lên, mình sẽ hất hết vào người hắn, hắn ở trần thế này há không chết bỏng sao?” Đã có chủ ý ấy rồi, Địch Vân không sợ nữa, bèn xuống bếp bưng một cái nồi mẻ lên. Thấy cái nồi gang đã mẻ một nửa, chỉ có thể đựng được nửa nồi nước, nửa nồi nước sôi e rằng không luộc chết được tên ác tăng, nhưng dù không chết thì sống dở chết dở cũng được rồi.

Địch Vân bưng chiếc nồi gang ra thiên tỉnh trong miếu, hứng nước mưa bên thềm rửa sạch, rồi lại hứng được nửa nồi nước, đến ngang chỗ mẻ.

Bảo Tượng khen:

– Hay lắm, hay lắm! A Tam sài đẹn, ta cứ phải ăn thịt ngươi. Ngươi làm việc sạch sẽ nhanh nhẹn, được đấy!

Địch Vân cười khổ:

– Đa tạ đại sư phụ khen ngợi.

Rồi nhặt mấy viên gạch, bắc làm ông táo, đặt nồi gang lên. Trong cái miếu hoang này có nhiều bàn mục ghế gãy, Địch Vân đang sốt ruột muốn một phen sống chết với Bảo Tượng nên nhanh tay nhặt nhạnh gỗ củi, chất vào dưới nồi. Nhưng muốn tìm dụng cụ đánh lửa thì không có. Địch Vân giang hai tay tỏ ý không biết làm sao.

Bảo Tượng nói:

– Sao? Không có đá đánh lửa à? Ta nhớ là ở trên người nó có đấy. Nói rồi chỉ vào xác Đinh Điển.

Địch Vân thấy chân Đinh Điển bị Bảo tượng chém máu thịt nhầy nhụa, nỗi bi phẫn ứ đầy lồng ngực, ngoái lại trừng mắt nhìn Bảo Tượng, hận không thể giết được hắn. Bảo tượng thì lại như con mèo đã bắt được chuột, muốn giỡn chơi một lúc đã rồi hãy ăn nên không thèm để ý đến sự phẫn nộ của Địch Vân, cười khùng khục nói:

– Ngươi tìm đi, nếu không có, nếu không có lửa, đại hòa thượng ta ăn thịt sống cũng được.

Địch Vân cúi xuống mò trong túi áo Đinh Điển quả nhiên sờ thấy hai vật cứng chính là một cây đao đánh lửa và một hòn đá đánh lửa, nghĩ thầm: “Khi cùng ở trong nhà tù, Đinh đại ca không có hai vật này, huynh ấy lấy được ở đâu nhỉ?” Lật cái hỏa đao lên, thấy trên thân đao có đúc một hàng chữ nổi: “Kinh Châu Lão Hợp Hưng Ký”. Địch Vân đã từng cùng Đinh Điển vào một lò rèn nhờ thợ rèn chặt xiềng xích trên thân mình, đây hẳn là tên của hàng rèn ấy. Địch Vân cầm dao và đá, nghĩ bụng: “Đinh đại ca lo liệu thật chu đáo, đã lấy dao và đá đánh lửa này trong lò rèn định để dùng khi cùng với mình bước chân vào chốn giang hồ. Không ngờ chưa dùng lần nào đã thác về cõi âm.” Ngẩn ngơ nhìn vật đánh lửa, không ngăn được nước mắt trào ra.

Bảo tượng thì cho rằng Địch Vân thấy dụng cụ đánh lửa biết mình sắp mất mạng mà khóc, hắn ha ha cười nói:

– Đại hòa thượng ta thân quý ngàn vàng, ngươi kiếp trước khéo tu nên kiếp này được dùng ruột hòa thương ta làm quan tài, lấy bụng ta làm phần mộ, phước duyên thật là thâm hậu, số thật là hên! Nổi lửa lên mau!

Địch Vân chẳng nhiều lời, tìm trong miếu một tờ giấy xăm màu vàng cũ nát, đặt xuống bên cạnh dao và đá đánh lửa, bắt đầu đánh lửa. Ngọn lửa cháy sang tờ giấy xăm màu vàng, những vết chữ lộ ra, chỉ thấy trên tờ xăm lờ mờ mấy chữ: “hạ hạ”, “cầu quan bất thành”, “hôn nhân nan hài”, “xuất hành bất lợi”, “tật bệnh nan dũ” (số hạng bét, cầu quan không được, hôn nhân chẳng thành, xuất hành bất lợi, bệnh tật khó lành – đây là lời sấm trên tờ xăm bói toán trong các đền miếu xưa). Chốc lát, lưỡi lửa đã đốt cháy nửa tờ xăm. Địch Vân nghĩ bụng: “Mình suốt đời bất hạnh, không cần xin xăm cũng biết rồi.” Bèn nhét tờ xăm bốc cháy vào củi, củi khô dưới đáy nồi bén lửa cháy rừng rực.

Nước trong nồi gang dần dần sủi bọt mắt cua, Địch Vân biết là nước trong này chỉ cần cháy nửa tuần nhang là sôi, cảm thấy căng thẳng hồi hộp, nhìn vào nồi nước lại nhìn vào cái bụng để trần của Bảo Tượng, nghĩ đến việc sống chết mất còn chỉ trong một cử động này, đôi tay hơi run. Cuối cùng khói trắng bốc lên, nước trong nồi sôi sùng sục. Địch Vân đứng thẳng người lên bưng nồi, hai tay giơ lên định dội vào đầu Bảo Tượng.

Nào ngờ thân hình mới hơi động đậy, Bảo Tượng đã cảnh giác, mười ngón tay xòe ra rồi nắm chặt lấy cổ tay Địch Vân, giật giọng quát:

– Làm gì thế?

Địch Vân không biết nói dối, dùng sức định tạt cả nồi nước sôi vào Bảo Tượng, nhưng cổ tay đã bị nắm chặt như bị hai cái cùm sắt xiết vào, không nhúc nhích được.

Bảo Tượng nếu muốn hắt cả nửa nồi nước sôi vào Địch Vân thì cực dễ nhưng lại tiếc – cái thằng nhóc chốc đầu này mà chết ngay thì mình lại phải đun nồi khác cũng nhọc. Hắn bèn hơi vận kình, đặt nồi nước vào chỗ cũ, hét:

– Buông tay ra!

Địch Vân đời nào chịu buông, hai tay cũng vận kình giằng lại. Bảo Tượng đá chân phải ra, “bịch” một tiếng, đá Địch Vân văng ra, ngã xuống dưới bàn thờ. Bảo Tượng nghĩ bụng:

– Cái thằng sài đẹn này sức cũng không kém.

Nhưng lúc đó cũng không nghĩ kỹ, hét:

– Bố cần mổ mày, hãy ngoan ngoãn cởi quần áo ra, để ta khỏi mất công.

Địch Vân mò phiến đá dắt bên hông, định xông ra liều mạng với tên ác tăng, bỗng thấy dưới chân bàn thờ có hai con chuột ngửa bụng lên trời, thân còn giãy giãy, sắp chết mà chưa chết, lúc ấy trong tối tăm bỗng hé ra một tia hy vọng, kêu lên:

– Tui bắt được hai con chuột, ông xơi tạm đỡ đói, được không? Mùi vị của chuột cũng ngon lắm, còn thơm hơn cả thịt chó.

Bảo Tượng nói:

– Cái gì? Chuột à? Chết hay sống đấy?

Địch Vân sợ hắn không chịu ăn chuột chết, vội nói:

– Tất nhiên là sống, còn ngoe nguẩy đây nhưng bị tui bóp cho gần chết. Rồi cầm hai con chuột từ dưới bàn thờ đưa lên cho hắn xem.

Bảo Tượng đã từng ăn thịt chuột, biết rằng mùi vị thịt chuột còn hơn heo ốm, thấy hai con chuột không được mập, nghĩ là trong miếu hoang này không có mấy thức ăn, trầm ngâm chưa quyết định.

Địch Vân nói:

– Đại sư phụ, tui lột da chuột nấu tô canh lớn cho ông, bảo đảm vừa nhanh vừa ngon.

Bảo Tượng vốn đại lãn, nếu phải ra tay mổ Địch Vân, cắt thái nấu nướng thì chỉ mới nghĩ tới đã thấy mệt, nghe Địch Vân nói sẽ nấu canh chuột cho mình, thì cũng khỏe xác, đúng ý hắn, bèn nói:

– Hai con chuột không đủ, ngươi bắt thêm mấy con nữa.

Địch Vân nghĩ bụng: “Mình bây giờ võ công đã mất, tay chân không còn nhanh nhẹn nữa, bắt chuột ở đâu cho được?” Nhưng có một cơ hội để sống sót, quyết không thể bỏ qua, vội nói:

– Đại sư phụ, để tui nấu hai con chuột này cho ông điểm tâm cái đã, rồi sẽ lập tức bắt nữa!

Bảo Tượng gật đầu nói:

– Thế cũng được, nếu ta ăn no rồi thì tha mạng ngươi cũng chẳng hề gì.

Địch Vân từ dưới bàn thờ chui ra, nói:

– Cho tui mượn con dao của ông dùng một chút, để cắt đầu con chuột.

Bảo Tượng chả coi thằng trọc nhà quê này ra gì, nên chỉ vào cây đơn đao, nói:

– Kia, ngươi dùng đi!

Rồi nói thêm:

– Ngươi có gan thì chém bố ngươi mấy nhát thử xem!

Địch Vân vốn là có ý cầm lấy đơn đao, quay người chém cho hắn mấy nhát nhưng đã bị hân nói toạc ra nên không dám manh động, bèn hai nhát chặt phứt đầu hai con chuột, mổ bụng, lột da chuột, rửa sạch cả bộ lòng, rồi cho vào trong nồi.

Bảo Tượng gật đầu nói:

– Khá lắm, khá lắm. Thằng chốc đầu này, nấu canh chuột khéo đấy, mau đi bắt thêm mấy con nữa.

Địch Vân nói:

– Dạ, tui đi bắt đây.

Rồi quay mình đi ra phía sau miếu. Bảo Tượng nói:

– Nếu ngươi định chạy trốn thì ta sẽ xẻo từng miếng thịt của ngươi ăn sống.

Địch Vân nói:

– Bắt không được chuột thì bắt ếch, sông còn có cá có tôm, đều có thể ăn được. Tui hầu hạ đại sư phụ, ăn kỳ no, tha hồ thoải mái, hà tất phải ăn thịt tui. A Tam tui sài đẹn ghẻ lở, đại sư phụ ăn vô e bị đau bụng mất.

Bảo Tượng nói:

– Hừm, đừng để ta phải đợi. Ê, ngươi không được chạy ra khỏi miếu, biết chưa?

Địch Vân lớn tiếng “dạ”, bò lồm cồm trên mặt đất giả cách bắt chuột, từ từ bò ra sau miếu mới đứng thẳng lên. Địch Vân nhìn quanh quất, muốn tìm chỗ trốn, từ sau miếu nhìn ra thấy mé bên trái có một cái ao nhỏ, thế là chẳng kể ba bảy hăm mốt gì, chạy nhanh tới, rón rén lội xuống ao, chi chừa lỗ mũi trồi lên thở, lại vớ mấy túm bèo, rong che lên.

Địch Vân từ nhỏ sống ở ven sông, bơi lội rất giỏi, chỉ tiếc là chỗ này xa sông quá, nếu không thì nhảy xuống sông, bơi xuôi một chặp, Bảo Tượng không cách chi đuổi theo được.

Được một lúc, nghe tiếng Bảo Tượng kêu:

– Canh ngon, canh chuột thật tuyệt! Tiếc là chuột ít quá. Thằng trọc A Tam đâu rồi? Bắt được chuột nữa không?

Kêu liền mấy tiếng, rồi lại lớn tiếng chửi bới ầm ĩ. Địch Vân chìa tai bên phải lên khỏi mặt nước nghe động tĩnh của hắn. Chỉ nghe thấy hắn toàn văng ra những lời bẩn thỉu tục tản, rồi đạp bừa phứa lên bùn lầy chạy ra. Chỉ sải mấy bước là đến bên bờ ao. Địch Vân đâu dám nhô đầu lên, bịt chặt mũi lặn xuống đáy ao. Cũng may là ao này đầy rong, bèo, Địch Vân lặn xuống dưới, ở trên không nhìn thấy được.

Nhưng mà ngạt thở quá, Địch Vân không thể nhịn thở mãi được, rốt cuộc cũng phải từ từ nhô đầu lên, định nhè nhẹ thở một hơi, nhưng vừa hít được nửa hơi, bỗng nghe “chõm” một tiếng, một bàn tay to tướng đã chụp xuống, tóm chặt lấy gáy, Bảo Tượng lớn tiếng mắng:

– Không thái thẳng trọc này thành trăm mảnh thì bố mày không phải là người. Ngươi dám đào tẩu hả?

Địch Vân quờ tay túm chặt lấy cánh tay hắn, gắng hết sức lôi hắn xuống. Bảo Tượng không ngờ Địch Vân dám phản kháng, bên bờ ao lầy lội, trượt chân một cái, “ùm” một tiếng, rớt luôn xuống ao.

Địch Vân cả mừng, sử kình đè lên sống lưng hắn, định dìm hắn xuống nước. Đáng tiếc là nước ao lại cạn, Bảo Tượng cao lớn nước ao chưa đến cổ hắn, hắn trở tay tóm lấy cổ tay Địch Vân, tiếp đó trái lại nhận đầu Địch Vân xuống nước. Địch Vân đã không còn kể gì đến tính mạng nữa, bị dìm xuống nước vẫn ôm chặt lấy Bảo Tượng, không chịu buông. Bảo Tượng bị ôm chặt không thi triển được võ công, mở miệng chửi, không cẩn thận uống luôn mấy ngụm nước bẩn, càng tức giận bừng bừng, giơ nấm đấm lên thoi vào lưng Địch Vân.

Địch Vân cảm thấy quyền của tên ác tăng đánh tới, tuy có bị nước cản bớt lực nhưng cũng đau đớn không chịu nổi, chỉ cần thêm mấy quyền nữa thì e mất mạng. Địch Vân không còn sức đánh trả, chỉ còn cách dùng đầu húc vào ngực Bảo Tượng.

Đang lúc vướng mắc không thể xuất chiêu, bỗng Bảo Tượng kêu to một tiếng:

– Ôi chao!

Bàn tay túm chặt Địch Vân từ từ buông lỏng, nắm đấm vung lên nửa chừng cũng không giáng xuống, từ từ rũ xuống rồi thân hình giãy mấy cái, chìm xuống đáy ao.

Địch Vân rất lấy làm lạ, vội vàng vẫy, chỉ thấy Bảo Tượng không hề động đậy, có vẻ đã chết. Địch Vân chưa lại hồn, không dám chạm vào thân thể hắn, đứng ở một góc xa xa nhìn. Chỉ thấy Bảo Tượng nằm ngay đơ dưới đáy ao, không hề nhúc nhích, một lúc lâu sau, xem ra đã chết thật. Địch Vân vẫn chưa yên tâm, bê một tảng đá ném lên thân hình hắn, thấy vẫn không động đậy mới biết là không phải giả chết.

Địch Vân bò lên bờ, đoán không ra rốt cuộc vì sao mà tên ác tăng này đột tử, trong óc bỗng thoáng qua một ý nghĩ: “Lẽ nào “Thần chiếu công” của mình đã có uy lực lớn đến thế mà tự mình còn chưa biết? Húc mấy cái vào ngực hắn đã khiến hắn mất mạng?” Bèn thử vận khí, chỉ cảm thấy luồng khí “thiếu dương đảm kinh” hành đến “huyệt ngũ lý” trên đài thì không vận hành nữa, còn mạch “thủ thiếu dương tam tiêu kinh” luồng khí đi đến “thanh lãnh uyên” trên cánh tay thì cũng dừng lại. Như vậy so với lúc còn ở trong tù thì còn kém hơn, nghĩ là mấy ngày nay tâm thần bất định nên công phu bị suy giảm. Rõ ràng là muốn luyện thành “Thần chiếu công” thì hỏa hầu còn lâu mới đạt.

Địch Vân ngơ ngác đứng bên bờ ao, không dám tin tình cảnh trước mất là sự thật. Chỉ thấy mưa vẫn rơi trên mặt nước, gợn lên những vòng sóng lăn tăn. Thi thể Bảo Tượng vẫn nằm dưới đáy ao, không một chút sinh khí.

Ngơ ngác một hồi mới quay vào trong miếu, thấy củi dưới nồi đã tắt hết, bên nồi còn có hai con chuột chết ngửa bụng, tai và chân sau còn ngo ngoe. Địch Vân nghĩ bụng: “Ầy, thì ra Bảo Tượng tự bắt được hai con chuột, không có phúc hưởng thụ, đã bị mình đánh chết.” Thấy trong nồi còn chút canh do Bảo Tượng ăn thừa, bụng đang đói, Địch Vân bưng nồi lên định húp canh chuột. Bỗng mũi ngửi thấy một mùi hương kỳ lạ.

Địch Vân ngẩn ra một chút, hai tay giữ lấy cái nồi, mím miệng lại không húp, nghĩ thầm: “Mùi hương gì đây? Mình đã từng ngửi thấy, chắc không hay ho gì.” Lại ngửi ngửi mùi hương lạ của canh chuột, chợt tỉnh ngộ, kêu to một tiếng:

– May quá!

Hai tay giơ lên, ném cái nồi ra ngoài thiên tỉnh, quay mình lại, nhìn thi thể Đinh Điển rưng rưng nước mắt, nói:

– Đinh đại ca, huynh tuy đã chết vẫn còn cứu mạng tiểu đệ.

Trong chớp mắt ngàn cân treo sợi tóc, Địch Vân đã rõ nguyên nhân cái chết của Bảo Tượng.

Đinh Điển trúng chất kịch độc “Kim ba tuần hoa”, máu thịt toàn thân đều cực độc. Bảo Tượng chém thi thể Đinh Điển, chuột ăn máu thịt nơi vết thương. Chuột ăn xong trúng độc mà chết. Hai con chuột chết bên cạnh nồi cũng là vì ăn canh độc mà chết.

Địch Vân nghĩ bụng: “Nếu “Kim ba tuần hoa” không có mùi hương đặc biệt như thế, nếu mình nghĩ ra chậm đi một chút thì canh độc này đã vào bụng rồi.”

Lại nghĩ: “Mình ngửi thấy mùi hương này lần đầu là ở trong linh đường Lăng tiểu thư, Lăng tri phủ đã bôi chất độc lên quan tài con gái y. Đinh đại ca trước đây đã từng ngửi thấy, đã từng trúng chất độc này, lần sau sao lại không biết? Phải rồi, lúc ấy Đinh đại ca thấy quan tài của Lăng tiểu thư, tâm thần rối loạn, không biết gì nữa.”

Địch Vân đã từng mấy phen tuyệt vọng tự bỏ rơi mình, không muốn sống trên đời này nữa, nhưng khoảnh khắc này, tìm thấy sự sống trong cái chết lại cảm thấy vui mừng vô cùng. Bầu trời vẫn đầy mây đen, mưa vẫn như trút, nhưng trong lòng lại cảm thấy một vầng ánh sáng, cảm thấy còn được sống là vô cùng hoan lạc, vô cùng may mắn.

* * *

Địch Vân định thần, trước hết đem thi thể Đinh Điển đặt ngay ngắn ở một góc điện, rồi ra ngoài kéo thi thể của Bảo Tượng từ dưới ao lên, đào huyệt chôn. Quay vào trong điện, thấy y phục của Bảo Tượng vắt ở trên bệ thờ, trên bệ đặt một cái bao nhỏ bằng vải dầu, ngoài ra còn có khoảng mười lạng bạc vụn.

Tính hiếu kỳ nổi lên, Địch Vân cầm lấy cái bao bằng vải dầu, mở ra thấy bên trong lại có một lớp giấy dầu, mở lớp giấy dầu ra thấy một cuốn sách nhỏ bằng giấy màu vàng, ngoài bìa có những chữ viết cong queo không giống chữ, hình vẽ lại không giống hình vẽ, cũng không biết là cái gì.

Lật sách ra thấy ở trang thứ nhất vẽ một người đàn ông khỏa thân gầy đét khô khan, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, mặt mũi trông rất quái dị, bên cạnh chú bằng thứ chữ kỳ quái năm sáu màu khác nhau, hình giống con nòng nọc, xanh xanh đỏ đỏ. Địch Vân nhìn người đàn ông trong hình vẽ, thấy mũi khoằm, mặt sâu, gò má cao, tóc xoăn không giống người Trung Quốc, vẻ mặt rất cổ quái nhưng bên trong vẻ cổ quái ấy lại hàm ẩn một sức hấp dẫn, khiến người ta bất giác rúng động tâm can. Địch Vân nhìn một lúc rồi không dám nhìn nữa.

Lật sang trang thứ hai, thấy phía trên vẫn vẽ người đàn ông khỏa thân ấy, chỉ có tư thế khác, chân trái “Kim kê độc lập”, chân phải giơ ngang, hai tay lại quặt ra đằng sau, tay trái cầm lấy tai phải, tay phải cầm lấy tai trái. Cứ giở tiếp, chỉ thấy tư thế của người đàn ông khỏa thân mỗi lúc một kỳ quái, hình dạng biến ảo vô cùng, có lúc hai tay chống đất, có lúc nhảy lên, lại có lúc trồng cây chuối, nửa dưới thân lại sinh ra sáu cái chân. Đến nửa cuốn sách, trong tay người ấy lại cầm một chiếc loan đao (dao cong).

Địch Vân giở lại trang đầu, nhìn kỹ nét mặt của người trong hình vẽ, thấy đầu lưỡi hơi thè ra phía khóe miệng bên trái, đồng thời mắt phải mở to còn mắt trái khép hờ, vẻ mặt cổ quái từ đó mà hiện ra. Địch Vân càng tò mò bèn bắt chước hình vẽ người ấy, cũng hơi thè lưỡi, mắt phải mở mắt trái nhắm, mới làm theo tư thế này đã cảm thấy rất thoải mái, khi xem kỹ lại thì thấy lờ mờ trên thân thể người đàn ông ấy có mấy đường nét nhỏ màu tro rất nhạt, vẽ kinh mạch. Địch Vân nghĩ bụng: “Phải rồi, thì ra trên thân thể người này không vẽ áo quần là để thấy được kinh mạch.”

Khi Đinh Điển dạy “Thần chiếu công” cho Địch Vân ở trong tù từng giải thích rất kỹ về vị trí và vận hành của các đường kinh mạch trên thân thể người ta. Luyện thứ nội công thưọng thừa này, điều then chốt cơ bản là ở đó. Địch Vân đã sớm thuộc lòng, lúc này nhìn những đường kinh mạch trên thân người trong hình vẽ bất giác cũng điều vận nội tức, cảm thấy có một luồng chân khí vận hành trong cơ thể mình.

Địch Vân thầm nghĩ: “Phương vị vận hành của kinh mạch ở đây tương phản với những điều Đinh đại ca truyền thụ, chỉ sợ không đúng.” Nhưng rồi lại nghĩ: “Mình cứ thử một chút thì cũng có sao?” bèn điều chuyển nội tức theo hình vẽ, chỉ trong khoảnh khắc cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng thoải mái không thể tả được. Khi luyện “Thần chiếu công” phải tập trung toàn bộ tinh thần, mà nội tức di chuyển được một vài tấc cũng là chuyện khó khăn, nhưng lúc này vận hành hơi thở theo hình vẽ, chỉ trong một thời gian ngắn đã cuồn cuộn như sông và cũng không cần phải gắng sức, nội tức tự nhiên vận hành. Trong lòng vừa sợ vừa mừng, nghĩ: “Tại sao trong người mình lại có kinh mạch như thế? Phải chăng đến cả Đinh đại ca cũng không biết?” Rồi lại nghĩ: “Quyển sách này là của tên ác tăng kia, mà văn tự và hình vẽ đều đầy tà khí, không phải là chính kinh, hay là đừng học nữa thì hơn.”

Nhưng lúc này nội lực của Địch Vân đang vận hành rất thông suốt nên chưa muốn dừng, trong lòng chỉ nghĩ: “Được, chỉ thử chơi một lần, sau này không chơi nữa.” Dần dần cảm thấy tinh thần thoải mái, máu huyết toàn thân đều ấm lên. Lại qua một lúc nữa, thân thể nhẹ lâng lâng, giống như uống rượu mạnh, không nén được tay múa chân nhảy, trong miệng phát ra những tiếng u u, đầu óc choáng váng, ngã vật xuống đất rồi không biết gì nữa.

* * *

Rất lâu, rất lâu sau tri giác mới dần dần hồi phục, từ từ mở mắt ra, thấy mặt trời chói lọi, thì ra mưa đã tạnh, mặt trời chiếu vào trong điện. Địch Vân nhảy bật dậy, cảm thấy tinh thần hăng hái toàn thân tràn đầy sức lực, nghĩ bụng: “Lẽ nào công phu trong quyển sách này lại có chỗ hay đến thế? Không, không! Mình cứ tập luyện theo công phu mà Đinh đại ca đã truyền thụ, thứ tà ma ngoại đạo này một khi đã vướng vào thân e rằng hậu hoạn vô cùng.” Rồi cầm lấy cuốn sách, định xé đi, nhưng suy nghĩ một chút lại cảm thấy bên trong đầy bí ẩn, không nỡ hủy đi.

Địch Vân chỉnh đốn lại y phục nhưng thấy nó cực kỳ rách nát, thật là không đủ che thân, thấy áo nhà sư của Bảo tượng vắt trên bàn thờ lại còn rất tốt, thế là lấy mặc vào. Tuy mặc tăng bào của tên hòa thương độc ác trong lòng cảm thấy khó chịu, nhưng cũng còn hơn bộ quần áo rách nát, thủng lỗ chỗ. Địch Vân nhét cả quyển sách và mười lạng bạc vào người, đến chỗ bùn đất dưới gốc cây đào bao bạc và nữ trang lên, ôm thi thể của Đinh Điển đi ra khỏi miếu.

Đi được khoảng hơn trăm trượng, phía trước có một người nông phu đi tới thấy Địch Vân ôm ngang một xác chết sợ hãi giật mình, trượt chân ngã ngay xuống ruộng, giãy giụa đứng dậy từ đống bùn, bước thấp bước cao vội vàng chạy trốn.

Địch Vân biết cứ đi như thế này nhất định sẽ sinh chuyện nhưng nhất thời không nghĩ ra được cách nào. May mà vùng này rất vẳng vẻ, đi mãi cũng không gặp người nữa. Địch Vân ôm ngang xác Đinh Điển, nghĩ bụng: “Đinh đại ca, Đinh đại ca, đệ không nỡ chia tay huynh, đệ không nỡ chia tay huynh.”

Bỗng nghe thấy có tiếng sơn ca, xa xa có bảy tám người nông phu vác cuốc đi tới, Địch Vân vội vàng lao như tên bắn, nấp vào trong đám cỏ rậm rạp, đợi họ đi qua, nghĩ bụng: “Nếu không thiêu di thể của Đinh đại ca thì rốt cuộc không thể hoàn thành tâm nguyện hợp táng của đại ca và Lăng tiểu thư.” Đến một hóc núi, Địch Vân nhặt nhạnh củi khô, cắn răng, đốt lửa bên cạnh thi thể Đinh Điển.

Lưỡi lửa nuốt hết râu tóc, y phục của Đinh Điển, Địch Vân cảm thấy ngọn lửa kia đang đốt cháy da thịt mình, ngã gục xuống đất, cắn lấy cỏ xanh đất bùn, nước mắt chảy đầm đìa xuống cỏ, xuống đất bùn…

* * *

Địch Vân cẩn thận thu nhặt tro hài cốt Đinh Điển, trịnh trọng bọc vào trong giấy dầu, bên ngoài lại bao bằng vải dầu. Giấu dầu và vải dầu vốn là Bảo Tượng dùng để gói cuốn sách giấy màu vàng kia. Bên ngoài bao lại, lấy dây vải buộc chặt lại, rồi mới buộc sát vào hông. Lại dùng tay đào một cái hố, chôn những tro than xuống, lạy mấy lạy.

Đứng thẳng người lên, lòng băn khoăn: “Mình đi đâu bây giờ?” Người thân trên đời này chỉ có một mình sư phụ, đương nhiên nghĩ: “Mình hãy trở lại Nguyên Tương tìm sư phụ. Sư phụ đâm bị thương Vạn Chấn Sơn rồi trốn đi, có lẽ không trở lại chùa cũ ở Nguyên Lăng, chắc là đang mai danh ẩn tích, cao chạy xa bay.” Nhưng lúc này ngoài đi Nguyên Lăng thử xem thì cũng không nghĩ ra nơi nào có thể đến.

Thế là chuyển sang đường lớn, hỏi người dân địa phương thì ra nơi này gọi là Trình Gia Tập phía Bắc huyện Lâm Lợi tỉnh Hồ Bắc, muốn đến Hồ Nam thì phải qua sông Trường Giang.

Địch Vân đến chợ, lấy bạc vụn ra mua mì ăn, lại đến bến đò, đi thuyền qua sông, nhớ lại hôm qua chạy trốn Bảo Tượng, kinh hoàng biết bao, hôm nay lại đàng hoàng thoải mái qua sông, mới cách đó một ngày mà tình cảnh hoàn toàn khác.

Thuyền cập bờ nam, Địch Vân lên bờ, nghe thấy tiếng ồn ào, đầu người nhấp nhô, xúm xít, nghe thấy tiếng “bùng bình” vang lên, như là tiếng người đang đánh nhau. Địch Vân tò mò, liền chạy đến gần để xem.

Chỉ thấy trong đám người, có bảy tám đại hán đang vây chặt một ông già mà đánh đập túi bụi. Ông già ấy áo xanh khăn lụa, ăn vận kiểu gia nhân. Bảy tám người kia chân đất áo ngần gần đó có nhiều giỏ cá, hẳn là những người buôn cá.

Địch Vân nghĩ đây chỉ là đám đánh nhau tầm thường, chẳng có gì đáng xem, đang muốn lui ra, chỉ thấy ông già kia co chân đá một tay lái cá lực lưỡng, thì ra ông ta có võ.

Thế là Địch Vân muốn xem rốt cuộc ra sao. Chỉ thấy ông già lấy ít địch nhiều, trong chốc lát lại đánh ngã ba người lái cá. Những người lái cá khác tuy đông, nhất thời cũng không ai dám xông lên, đều kêu:

– Ông trùm đến rồi, ông trùm đến rồi!

Thấy ven sông có hai người lái cá chạy tới, ba người khác theo sau. Bước chân của ba người này trầm ổn, Địch Vân nhìn qua biết ngay ba người này đều có võ công.

Ba người kia đến gần, đi đầu là một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, da mặt vàng như sáp, tóc mai nhọn như đuôi chuột, nhìn mấy người lái cá bị đánh ngã một cái, nói:

– Các hạ là ai, ỷ thế ai mà đến huyện Hoa Dung này bắt nạt người ta?

Mấy câu này là hỏi lão gia nhân già, nhưng mắt chẳng thèm nhìn ông ta một cái. Thì ra qua bờ nam này đã là huyện Hoa Dung của tỉnh Hồ Nam.

Lão gia nhân kia nói:

– Tôi chỉ cầm bạc đi mua cá, có gì bắt nạt với chả bắt nạt ai?

Lão trùm hỏi người lái cá đứng bên cạnh:

– Sao lại đánh nhau?

Người đó nói:

– Lão già này cứ đòi mua một đôi cá chép vàng. Chúng tôi nói là cá chép vàng khó bắt được, là ông trùm giữ lại để làm thuốc. Lão già ngang ngược, lại nói không mua không được. Chúng tôi không bán, lão liền ra tay đánh.

Lão trùm quay lại, nhìn lão gia nhân dò xét, nói:

– Bằng hữu của các hạ bị trúng lam sa chưởng à?

Lão gia nhân nghe nói mặt biến sắc, nói:

– Chúng tôi chẳng biết hồng sa chưởng, lam sa chưởng gì cả. Ông chủ muốn mua cá chép vàng về nhậu, bảo tôi cầm bạc đi mua cá. Thiên hạ chả có cá nào là không thể bán.

Lão trùm cười nhạt, nói:

– Trước mặt chân nhân mà dám nói láo à? Các hạ tôn tính đại danh là gì? Nếu là bạn tốt, đừng nói có thể tặng một đôi cá chép vàng lớn, mà tại hạ còn có thể tặng một viên “ngọc cơ hoàn”, chuyên trị lam sa chưởng.

Vẻ mặt lão gia nhân càng hoảng hốt, một lúc sau mới nói:

– Các hạ là ai? Sao lại biết lam sa chưởng? Làm sao lại có “ngọc cơ hoàn”? Lẽ nào, lẽ nào…

Lão trùm nói:

– Không sai, tại hạ và người sử Lam sa chưởng có chút ít dây mơ rê má.

Lão gia nhân chẳng nói chẳng rằng, vừa động thân một cái, đã chộp lấy một cái sọt cá, hành động cực nhanh. Lão trùm lái cá cười nhạt nói:

– Đâu có dễ thế!

Vù một chưởng, đánh vào lưng lão gia nhân. Lão gia nhân vung chưởng ra đỡ, mượn đà nhảy ra ngoài mấy trượng, cầm sọt cá chạy nhanh. Lão trùm không ngờ ông ta lại ra tay như thế, thấy đuổi không kịp bèn giơ tay, một mũi ám khí bay vèo đến bắn nhanh về phía ông ta.

Lão gia nhân kia cướp được cá chép, rất vui mừng, ra sức chạy nhanh, không ngờ có ám khí phóng tới. Mũi ám khí của tay trùm lái cá là một mảnh “lăng cương tiêu”, bay rất nhanh. Địch Vân thấy lão gia nhân không biết để tránh, trong lòng bất nhẫn, liền thuận tay nhặt lấy một giỏ cá dưới đất, ném xiên về phía chiếc cương tiêu.

Võ công của Địch Vân đã mất, tay không có mấy sức lực, chỉ là chỗ đứng thuận tiện, nghe “bóc” một tiếng, cương tiêu cấm vào giỏ cá, chiếc giỏ cá bay thêm mấy thước nữa rồi mới rơi xuống đất.

Lão gia nhân kia nghe phía sau có tiếng động, ngoái đầu nhìn, thấy lão trùm chỉ tay vào Địch Vân, mắng:

– Thằng giặc trọc kia, người là hòa thượng chùa nào, lại dám dính vào việc của “Thiết Võng bang” trên Trường Giang này?

Địch Vân ngơ ngác: “Sao y lại mắng mình là “thằng giặc trọc” nhỉ?” Thấy lão trùm hùng hổ, lại nói đến “thiết võng bang”, nghe Đinh đại ca thường nói, trên giang hồ, các bang hội có rất nhiều thứ cấm kỵ, nếu không cẩn thận, thường bị liên lụy. Địch Vân không muốn vô cớ gây sự bèn chắp tay nói:

– Là tiểu đệ có lỗi, xin lão huynh tha thứ.

Lão trùm tức giận nói:

– Ngươi là cái thá gì, ai thèm anh em với ngươi?

Rồi giơ tay trái lên, nói với một tay lái cá:

– Bắt hai tên này lại.

Lúc ấy bỗng nghe thấy tiếng lục lạc vang lên “đinh đang đinh đang, đinh linh linh, đinh đang đinh đang, đinh linh linh”, loong coong lang canh, hai kỵ mã từ phía tây men sông chạy tới. Lão gia nhân lộ vẻ mừng rỡ, nói:

– Chủ nhân nhà tôi đến rồi, ông nói chuyện với họ.

Lão trùm tái mặt, nói:

– Là “Linh kiếm song hiệp” à?

Nhưng rồi lại lấy vẻ cao ngạo, nói:

– Là “Linh kiếm song hiệp” thì đã sao? Chúng lại dám đến Trường Giang này diệu võ dương oai à?

Nói chưa dứt lời, hai con ngựa đã đến trước mặt. Địch Vân cảm thấy trước mắt sáng rực, thấy hai con ngựa một vàng một trắng, đều là thần tuấn cao lớn, yên cương sáng chói. Trên con ngựa vàng là một thanh niên khoảng hăm lăm hăm sáu, mặc áo vàng, thân hình cao gầy. Trên lưng ngựa trắng là một thiếu nữ, khoảng hai mươi tuổi, áo trắng phất phơ, trên vai trái đeo một đóa hoa lụa hồng, da ngăm ngăm, vẻ mặt cực kỳ xinh đẹp. Hai người hông đeo trường kiếm, trong tay đều cầm roi ngựa, hai con ngựa đều cao lớn, con vàng vàng tuyền, con trắng trắng tuyền, thật hiếm có. Dưới cổ ngựa vàng treo một vòng lục lạc vàng, dưới cổ ngựa trắng đeo vòng lục lạc bàng bạc, đầu ngựa khẽ lay động lục lạc vàng kêu “đinh đang đinh đang”, tiếng lục lạc bạc lại kêu “đinh linh linh, đinh linh linh” nghe rất hay. Đúng là người đẹp ngựa khỏe. Cả đời Địch Vân chưa hề thấy những nhân vật đẹp đến thế, trong lòng thầm reo lên: “Đẹp quá!”

Chàng thanh niên nói với ông già:

– Thủy Phúc, có tìm được cá chép không? Ở đây làm gì?

Lão gia nhân nói:

– Uông thiếu gia, cá chép vàng kiếm được một đôi, nhưng… nhưng họ cứ không chịu bán, lại còn ra tay đánh người.

Thanh niên kia liếc mắt thấy mảnh cương tiêu trên giỏ cá, nói:

– Ầy, ai dùng loại ám khí độc địa này thế?

Roi ngựa quất xuống, đã cuốn lấy đuôi chiếc cương tiêu, kéo lên, nói với thiếu nữ kia:

– Linh muội, muội xem, đây là loại “yết vĩ tiêu” kiến huyết phong hầu! (tiêu đuôi rết, chạm vào là tắt thở).

Thiếu nữ kia hỏi:

– Ai dùng tiêu này vậy?

Tiếng nói thật là trong trẻo.

Tay trùm lái cá cười nửa miệng, tay trái nấm chặt chuôi cây đơn đao bên hông, nói:

– “Linh kiếm song hiệp” mấy năm nay nức tiếng, “Ngư Võng bang” không phải là không biết. Nhưng các người muốn bắt nạt bọn ta cũng không dễ đâu.

Giọng điệu của y ngoài cứng trong mềm chắc là không muốn sinh chuyện với “Linh kiếm song hiệp”.

Thiếu nữ kia nói:

– Yết vĩ tiêu này nát tim mủn xương quá độc ác, cha ta đã nói là không ai được dùng nữa, lẽ nào ông không biết? May mà ông không dùng để giết người, chỉ ném vào giỏ cá để luyện tập thì không sao.

Thủy Phúc nói:

– Tiểu thư, không phải đâu. Người này phóng độc tiêu vào tôi, may nhờ có vị tiểu sư phụ kia tung cái giỏ cá ra mới chặn lại được, nếu không thì tiểu nhân đã mất mạng rồi.

Ông ta vừa nói vừa chỉ vào Địch Vân.

Địch Vân thầm buồn phiền: “Sao người thì gọi mình là “tiểu sư phụ” kẻ thì mắng mình là “thằng giặc trọc”, mình có làm hòa thượng bao giờ đâu?”

Thiếu nữ kia nhìn Địch Vân gật gật đầu, mỉm cười, tỏ ý cảm ơn. Địch Vân thấy nàng cười nét mặt như hoa, càng kiều diễm, mặt bỗng ửng đỏ, rất xấu hổ.

Thanh niên kia nghe Thủy Phúc nói vậy, trên mặt như có một màn sương phủ, nói với tay trùm lái cá:

– Lời ấy đúng không?

Không đợi đối phương trả lời, chiếc roi ngựa đã vung ra, mũi cương tiêu bị cuốn trên đầu ngọn roi phóng vút ra, “phách” một tiếng, cắm phập vào gốc một cây liễu cách đó mười mấy trượng, sức mạnh cánh tay thật là kinh người.

Tay trùm lái cá còn già mồm nói:

– Đừng có làm le!

Thanh niên công tử kia quát:

– Muốn thấy oai hả?

Rồi vung roi ngựa đánh vào tay trùm, y giơ đao chặn lại. Không ngờ roi ngựa của thanh niên kia vụt xiên qua, chiêu số biến ảo, đánh thẳng vào hạ bàn đối phương. Trùm lái cá vội vàng nhảy tránh, ngọn roi ngựa như một con vật sống, co ngay lại đã quấn lấy chân phải của y. Công tử kia điểm nhẹ mũi chân vào bụng ngựa, con ngựa vàng xông ngay về phía trước. Công phu hạ bàn của tay lái cá vốn rất khá, thanh niên công tử muốn dùng roi ngựa cuốn lấy y chưa chắc đã kéo ngã. Nhưng công tử kia dử cho y nhảy lên khiến y mất chân trụ rồi mới vung roi quấn lấy chân. Con ngựa vàng chồm lên với sức mạnh ngàn cân, lão trùm lái cá dù rất khỏe cũng không chịu nổi, thân hình bị chú ngựa vàng kéo đi bay bổng lên. Bọn lái cá lớn tiếng kêu gào, bảy tám người đuổi theo định cứu.

Con ngựa vàng lao đi mấy trượng, kéo cây roi căng như sợi dây cung, thanh niên công tử mượn đà, giật cánh tay một cái, thân hình lão trùm bay vọt lên. Uổng cho y một thân võ công mà không sử dụng được, thân hình bị bắn xuống sông. Đám đông trên bờ kinh hoảng kêu ầm lên. Chi nghe thấy “ùm” một tiếng, nước bắn lên tung tóe, lão trùm đã rớt xuống sông, chìm luôn xuống nước, không thấy tăm dạng.

Thiếu nữ kia vỗ tay cười, vung roi xông vào trong đám lái cá, vụt bên đông một roi, đánh bên tây một chiêu, làm cho đám lái cá ngã xiêu ngã vẹo, chạy tứ tán. Giỏ cá lưới cá vứt ngổn ngang đầy mặt đất, cá sống tôm tươi giãy đành đạch, nhảy lách tách.

Tay trùm lái cá suốt đời sống ở bên sông, rất thạo thủy tính, nhoi đầu lên giữa sông, chửi mắng bằng đủ mọi tiếng tục tằn bẩn thỉu, nhưng cũng không dám lên bờ nữa.

Thủy Phúc xách giỏ cá chép vàng, mở nấp ra, vui vẻ nói:

– Mời công tử xem này, mép đỏ vảy vàng lại to mập thế này thật hiếm.

Thanh niên kia nói:

– Ngươi mau đưa về khách điếm mời Hoa đại gia dùng để cứu người.

Thủy Phúc đáp:

-Vâng!

Rồi chạy đến trước Địch Vân, cúi mình nói:

– Đa tạ ơn cứu mạng của tiểu sư phụ, không biết pháp danh của tiểu sư phụ là gì?

Địch Vân nghe lão luôn mồm gọi “tiểu sư phụ”, không biết đáp làm sao. Thanh niên kia nói:

– Đi mau! Đi mau! Đừng để lỡ việc.

Thủy Phúc nói:

– Vâng.

Không đợi Địch Vân trả lời, vội bước đi.

Địch Vân thấy đôi thanh niên nam nữ kia nhân phẩm tuấn nhã, võ nghệ cao cường, trong lòng thầm hâm mộ, có ý muốn kết bạn, nhưng họ lại không xuống ngựa, muốn hỏi họ tên lại thấy bất tiện. Đang do dự thì công tử kia móc ra một đĩnh vàng, nói:

– Tiểu sư phụ, đa tạ tiểu sư phụ đã cứu mạng lão gia nhân. Đĩnh vàng này để tiểu sư phụ mua hương đèn cúng bồ tát.

Rồi nhẹ nhàng ném đĩnh vàng về phía Địch Vân. Địch Vân đưa tay trái ra, tiện tay cầm lấy, rồi lại ném trở lại, nói:

– Không cần đâu, xin hỏi tôn tính đại danh của hai vị.

Thanh niên kia thấy cách đưa tay đón và ném trả đĩnh vàng rõ ràng là có võ công, không đợi thỏi vàng đến gần đã vung roi ngựa ra, cuốn lấy thỏi vàng ấy, nói:

– Sư phụ đã là người trong võ lâm, hẳn là đã biết tên của “Linh kiếm song hiệp”.

Địch Vân thấy chàng ta xoay tít ngọn roi ngựa, đĩnh vàng như dính chặt vào đầu roi bay lên bay xuống, cử chỉ và thần thái có vẻ hợm hĩnh, liền nói:

– Tôi vừa nghe lão trùm gọi hai vị là “Linh kiếm song hiệp”, nhưng không biết tôn tính đại danh của các hạ.

Thanh niên kia có vẻ không hài lòng, nghĩ bụng: “Ngươi đã biết chúng ta là “Linh kiếm song hiệp”, sao không biết họ tên ta.” Trong miệng chỉ “hừm”, một tiếng, cũng không trả lời.

Chính lúc ấy, một ngọn gió từ phía đông thổi tới, một góc tăng bào Địch Vân đang mặc bị cuốn lên.

Thiếu nữ kia kêu lên một tiếng, nói:

– Hắn… hắn là… là ác tăng của “Huyết đao môn” xứ Tây Tạng.

Thanh niên kia sắc mặt đầy vẻ giận, nói:

– Không sai, hừm, cút đi!

Địch Vân rất lấy làm lạ, nói:

– Tôi… tôi…

Rồi bước một bước đến bên thiếu nữ kia, hỏi:

– Cô nương nói gì?

Thiếu nữ kia vẻ mặt vừa sợ vừa giận, nói:

– Ngươi… ngươi… ngươi đừng đến gần ta, cút đi.

Địch Vân băn khoăn hỏi:

– Cái gì?

Lại bước gần thêm một bước nữa.

Thiếu nữ kia giơ cây roi lên, “vút” một tiếng, đánh mạnh xuống. Địch Vân không ngờ cô ta nói đánh là đánh, quay đầu định tránh nhưng không kịp, ngọn roi trúng ngay trên mặt, từ trán bên trái, qua sống mũi sang má bên phải một lằn roi mạnh quất qua. Địch Vân vừa sợ vừa giận, nói:

– Cô, cô vì sao lại đánh người?

Thấy thiếu nữ kia vừa múa cây roi đánh tới liền giơ tay định chụp lấy đầu roi, không ngờ tiên pháp của thiếu nữ biến ảo, tay phải của Địch Vân mới đưa ra đã bị ngọn roi quấn lấy cổ.

Tiếp đó cảm thấy sau lưng đau nhói, đã bị thanh niên kia từ trên lưng ngựa phóng chân đá cho một đá, Địch Vân đứng không vững ngã sấp xuống. Công tử kia thúc ngựa phóng qua, cho vó ngựa đạp xuống người. Địch Vân vội vàng lăn một vòng, trong mê hoảng chỉ nghe tiếng lục lạc vang lên “đinh linh linh”, một cái chân ngựa màu trắng đạp lên ngực mình. Không kịp suy nghĩ, biết rằng vó ngựa này mà giẫm lên người thì chỉ có mất mạng, Địch Vân bèn co người lại, chỉ nghe một tiếng “ra…ắc”, không biết cái gì gãy, mắt nổ đom đóm, rồi không biết gì nữa.

* * *

Thần trí dần hồi phục, tỉnh lại, không biết đã bao lâu rồi. Trong mơ hồ, chống tay muốn đứng dậy bỗng hông bên trái đau dữ dội, suýt ngất đi lần nữa, rồi “ọe” một tiếng, thổ ra một búng máu tươi. Địch Vân từ từ ngoảnh đầu, thấy ống quần bên phải toàn là máu tươi, một khúc chân chõi ra ngoài. Địch Vân lấy làm lạ: “Cái chân sao lại ra hình thù này?” một lúc sau mới rõ: “Cô nương kia đã thúc ngựa đạp gãy chân mình rồi.”

Toàn thân yếu ớt không chút sức lực, chân và lưng đau không chịu nổi, ý nghĩ tự khinh rẻ mình lại nổi lên: “Mình không nên sống nữa, cứ nằm thế này mà chết quách cho rồi.” Địch Vân cũng không hề rên rỉ, chỉ mong chết cho mau. Nhưng muốn chết cũng không dễ, thậm chí muốn hôn mê một lúc cũng không thể, trong lòng chỉ nghĩ: “Sao mình lại chưa chết? Sao còn chưa chết?”.

Rất lâu, rất lâu sau mới nghĩ: “Mình với hai người họ không oán không thù, mình không hề đắc tội với họ, đang muốn kết giao bằng hữu, cớ sao họ bỗng hạ độc thủ với mình như thế?” Nghĩ mãi nghĩ mãi, trong lòng hoang mang, không tìm ra đầu mối, tự nhủ: “Mình thật là ngu xuẩn, nếu Đinh đại ca còn sống, nếu không giúp được mình thì cũng giải thích cho mình rõ nguyên nhân.”

Vừa nghĩ đến Đinh Điển, lập tức ý nghĩ xoay chuyển: “Mình đã nhận lời với Đinh đại ca là sẽ hợp táng cho huynh ấy và Lăng tiểu thư. Tâm nguyện ấy chưa thực hiện được, dù thế nào mình cũng không được chết.” Đưa tay sờ bên hông, phát hiện ra gói tro thi hài Đinh Điển vẫn chưa bị đạp rách, lòng hơi được an ủi, gắng sức ngồi dậy, cổ họng bỗng thấy ngọt, máu tươi lại trào lên. Địch Vân biết thổ nhiều máu thân thể sẽ càng suy nhược nên gắng vận khí muốn ép vào nhưng lại cảm thấy trong miệng mân mặn, máu lại ồng ộc chảy ra.

Đau đớn nhất là ở chỗ chân gãy, giống như hàng trăm lưỡi dao chém vào. Cố gắng mãi mới lết đến được dưới bóng một cây liễu, nghĩ bụng: “Mình không thể chết, dù thế nào cũng phải sống, muốn sống thì phải ăn một cái gì đó.” Thấy tôm cá trên mặt đất đã không còn động đậy, chết đã lâu liền nhặt mấy con tôm nhét vào miệng, nhai trệu trạo, nghĩ: “Trước hết phải nối chỗ chân gãy, rồi phải nghĩ cách rời xa chốn này.”

Đưa mắt nhìn bốn phía, thấy các thứ bọn người lái cá vứt lại tứ tung, bèn lê đến nhặt lấy một mái chèo ngân và một tấm lưới cá, trước hết xé tấm lưới ra sau đó đặt ngay ngắn đoạn chân gãy, dùng mái chèo đặt một bên chân, dùng lưới cá quấn chân gãy lại. Quấn một lúc lại nghỉ một lúc, mỗi khi đau quá xây xẩm cả mày mặt thì nhắm mắt thở đợi khí lực trở lại, lại tiếp tục quấn.

Băng bó mãi mới xong, nghĩ bụng: “Muốn chữa cho cái chân này lành, ít nhất cũng phải mất hai tháng, biết đến chỗ nào tĩnh dưỡng đây?” Nhìn lên bờ sông có một dãy thuyền câu, chợt nghĩ ra: “Mình trú tạm trong thuyền, không đi lại.” Địch Vân sợ bọn lái cá quay trở lại thì lại gặp tai nạn, nên tuy đã kiệt sức nhưng vẫn không dám nghỉ, bò tới bên bờ sông, bò lên một chiếc thuyền cá, mở dây buộc thuyền, khoát mái chèo, từ từ chèo ra giữa dòng.

Vừa cúi đầu xuống, thấy một góc tăng bào cuốn lên để lộ ra một thanh đoản đao màu đỏ bầm như máu, là do dùng chỉ đỏ thêu vào áo, trên mũi đao có ba giọt máu tươi đang nhỏ xuống cũng thêu bằng chỉ đỏ, dáng vẻ sinh động hết sức đáng sợ. Địch Vân chợt tỉnh ngộ: “A phải rồi, đây là áo của tên ác tăng Bảo Tượng, hai người kia cho mình là một bọn với tên ác tăng”, đưa tay lên lại sờ phải cái đầu trọc lóc của mình.

Lúc này Địch Vân mới chợt phát hiện ra vì sao lão gia nhân cứ luôn miệng gọi mình là “tiểu sư phụ”, còn lão trùm lái cá của “thiết võng bang” lại mắng mình là “thằng giặc trọc”, thì ra đầu óc tóc tai y phục của mình giống hệt một hòa thượng mà tự mình lại không biết. Lại nghĩ: “Vạt áo mình bay lên, cô nương kia bảo mình là ác tăng huyết đao môn gì đó ở Tây Tạng, hình dáng huyết đao trông dễ sợ thế này, hòa thượng của phái này chắc chắn là rất tàn ác, chỉ xem Bảo Tượng là có thể biết được.”

Địch Vân vô cớ bị đạp gãy chân vốn rất tức giận căm phẫn, khi chợt phát hiện ra nguyên nhân liền giảm bớt thù hận đối với “Linh kiếm song hiệp”, lại cảm thấy đôi thanh niên nam nữ này ghét kẻ ác như kẻ thù, thật đúng là người tốt, có điều hai người này võ công cao cường, nhân phẩm tuấn nhã, mình có giải thích rõ cho họ khỏi hiểu nhầm thì cũng không nên kết giao bằng hữu với họ.

Chèo thuyền cá đi được hơn mười dặm, thấy bên bờ có một thị trấn nhỏ, xa xa nhìn vào thấy người đi kẻ lại tấp nập, nghĩ bụng: “Mặc bộ tăng y này trên mình thật là tai họa, cần phải thay đi mới được.” Bèn chèo thuyền đến gần bờ, lấy mái chèo làm gậy chống, đi cà nhắc lên bờ. Người qua lại trên phố thấy một hòa thượng trẻ đi cà nhắc một chân, người bê bết máu đều lộ vẻ e dè sợ sệt.

Đối với vẻ nghi kỵ lạnh nhạt như thế mấy năm nay Địch Vân đã chịu đựng quá nhiều nên cũng không để ý. Chầm chậm đi trên đường phố, thấy một tiệm bán quần áo cũ mua một chiếc trường bào vải xanh, một cái quần. Lúc ấy bèn thay y phục, ngại cởi quần áo, bèn mặc áo xanh ra ngoài tăng bào, lại mua một cái mũ lông đội lên cái đầu trọc, sau đó đến một hàng cơm mua ăn. Khi ngồi được vào một cái ghế đặt trong hàng cơm thì mệt muốn xỉu, lại thổ ra hai búng máu.

Người bồi bàn đưa cơm và thức ăn đến, gồm một đĩa đậu phụ rán, một bát thịt, một đĩa cá. Địch Vân ngửi thấy mùi cơm của cá thịt và cơm gạo trắng, tinh thần phấn chấn lên, cầm lấy đũa và hai miếng, gắp một miếng thịt đưa vào miệng, mới nhai được vài miếng bỗng nghe thấy tiếng “đinh đang đinh đang, “đinh linh linh” “đinh đang đinh đang”, “đinh linh linh”… vang lên.

Miếng thịt nuốt chưa khỏi cuống họng nghĩ bụng: “Linh kiếm song hiệp đến rồi. Có nên gặp họ để giải thích sự hiểu nhầm không đây? Mình vô cớ bị họ làm trọng thương thế này, nếu không nói rõ, há chẳng oan uổng lảm sao?”

Nhưng những ngày này Địch Vân chịu khổ quá nhiều, bị người ta ức hiếp quen rồi, nên lại nghĩ: “Những oan uổng mình chịu đựng suốt đời lẽ nào còn ít? Để họ hiểu nhầm thêm một lần nữa cũng có sao đâu?” Nghe tiếng lục lạc mỗi lúc một gần, Địch Vân quay người lại không muốn gặp họ nữa.

Đúng vào lúc ấy bỗng có người vỗ vào vai một cái, cười nói:

Địch Vân giật nảy mình, quay người lại, thấy bốn người công sai, hai người cầm thước sắt còng sắt, hai người phía sau tay cầm đơn đao, mặt có vẻ đề phòng. Địch Vân kêu lên:

– Ái chà!

Đứng lên, thuận tay nấm lấy bát thịt trên bàn, ném vào tay công sai đứng bên trái, tiếp đó cùi chỏ huých sang, bắn hết đậu phụ, cơm, canh rau lên người tên công sai thứ hai, lòng thầm kêu lên: “Bọn công sai của phủ Kinh Châu đến rồi. Nếu mình lại rơi vào tay Lăng Thoái Tư thì đâu còn tính mạng?”

Hai tên công sai bị cơm canh nóng tạt vào vội lùi lại, Địch Vân đã rẽ đường chạy ra. Nhưng chỉ bước được một bước, chân đã khuỵu xuống, suýt ngã. Trong lúc hốt hoảng Địch Vân quên mất cái chân gãy. Tên công sai thứ ba thấy lợi thế, giơ đao chém tới. Địch Vân tuy mất hết võ công vẫn còn dư sức đối phó với mấy tên công sai này, chộp lấy cổ tay một tên đã đoạt được đơn đao.

Bốn tên công sai thấy Địch Vân đã có binh khí, đâu còn dám đến gần, chỉ hét lớn:

– Thái hoa dâm tăng, dám chống cự người của công phủ sao?

– Ác tăng huyết đao môn lại gây án!

– Tên dâm tăng cưỡng hiếp, giết tiểu thư nhà quan ở đây!

Tiếng kêu huyên náo vừa nổi lên, đám đông dân thị trấn xúm xít ngay lại thấy vẻ đáng sợ, mặt đầy vết máu của Địch Vân, đều đứng xa xa nhìn, không dám đến gần.

Địch Vân nghe mấy tên công sai hô hoán, nghĩ bụng: “Lẽ nào không phải là phủ Kinh Châu phái người đến đây bắt mình”, lớn tiếng quát:

– Các người nói lung tung gì vậy? Ai là thái hoa dâm tăng?

“Đinh đang đinh đang”, “đinh linh linh” mấy tiếng vang lên, một con ngựa vàng, một con ngựa trắng cùng song song chạy đến. Linh kiếm song hiệp ngồi trên mình ngựa, trên cao ngó xuống, thấy rõ tất cả. Hai người vừa thấy Địch Vân, ngẩn ra một chút, cảm thấy nét mặt quen quen, lập tức nhận ra người này là huyết đao ác tăng, nhưng đã cải trang, muốn che giấu bộ mặt thật.

Một tên công sai nói:

– Ầy, đại sư phụ, ngươi phong lưu sung sướng đã đành, sao xong việc rồi còn một đao giết chết con gái người ta? Hảo hán dám làm dám chịu, mau theo chúng ta về huyện.

Một tên khác nói:

– Ngươi mua áo, mua mũ cải trang, không thoát khỏi mất chúng ta đâu. Hôm nay ngươi chạy đâu cho thoát, ngoan ngoãn chịu trói cho rồi.

Địch Vân tức giận nói:

– Các người ăn nói bậy bạ, oan uổng cho người tốt.

Một tên công sai nói:

– Oan uổng nỗi gì. Tối hôm kia, ngươi xông vào phủ Lý cử nhân, cưỡng gian rồi giết hai cô tiểu thư nhà Lý cử nhân, ta đã nhìn thấy rõ ràng. Mắt ấy, mày ấy, mũi miệng ấy, không khác một chút nào, đích xác là ngươi.

* * *

“Linh kiếm song hiệp” gò cương đứng bên xem.

– Biểu ca, võ công của hòa thượng này chẳng có gì ghê gớm. Vừa rồi nếu không vì y đã cứu Thủy Phúc thì giết y cho rồi. Thì ra y… y lại xấu xa đến thế.

– Huynh cũng cảm thấy lạ, tuy bảo là tên ác tăng này gây những vụ án tày trời hai bên sông Trường Giang, giết chết mười mấy người, người của nha môn không làm gì được, nhưng hào kiệt vùng Lưỡng Hồ cũng phải kinh sợ đến như vậy. Xem võ công của tiểu hòa thượng này thì bọn sư phụ sư huynh của hắn võ công chắc cũng chẳng có gì là cao minh.

– Chắc rằng trong bọn ấy có cao thủ, nếu không hào kiệt Lưỡng Hồ cần gì phải đến nhờ phụ thân của muội phải ra tay? Lại còn đi cầu cả Lạc bá bá, Hoa bá bá và Lưu bá bá?

– Hừm, Lưỡng Hồ hào kiệt kể cũng lạ thật, thiên hạ lại có cao nhân đến mức phải cầu đến cả bốn đại hiệp “Lạc Hoa Lưu Thủy” cùng ra tay mới đối phó được sao?

– Hi hi, làm kinh động đến cả “Linh kiếm song hiệp” chúng ta nữa chứ.

– Biểu muội, muội lên phía trước đợi huynh, để một mình huynh đối phó với thằng giặc trọc này.

– Muội đứng đây xem.

– Không, muội đừng đứng ở đây. Người trong võ lâm sau này lại đồn đại chỉ nói là một mình Uông Khiếu Phong này một mình ra tay, giết huyết đao ác tăng, khỏi phải lôi nữ hiệp Thủy Sinh vào. Muội biết đấy, mồm miệng của bọn người trên giang hồ ghê gớm lắm.

– Vâng, đúng đấy, huynh nghĩ thật chu đáo, muội chẳng cẩn thận được như vậy.

——————————————————

comments

Liên Thành quyết