Hồi 03: Tháng năm chăm luyện kiếm – Sớm tối học chơi cờ

Hồi 03: Tháng năm chăm luyện kiếm – Sớm tối học chơi cờ

Vào khoảng canh hai, từ ngoài cửa vọng vào tiếng bước chân rất khẽ. Một người đi vào như bay, chính là ông câm. Thân hình ông khôi vĩ tráng kiện nhưng đi lại rất nhẹ nhàng, đặt chân xuống đất chỉ phát ra chút xíu âm thanh.

Nhìn thấy ông câm, Viên Thừa Chí cả mừng nhảy xổ vào lòng, lên tiếng hỏi ngay: “Thôi thúc thúc đâu? Thúc thúc có khỏe hay không?”. Cậu quên mất là ông ta bị câm điếc.

Ông câm hé môi mỉm cười với cậu, hiển nhiên gặp lại Viên Thừa Chí cũng rất vui mừng. Hồi lâu ông mới quay sang An đại nương, dùng tay ra hiệu, chỉ lên vạch xuống.

An đại nương quay lại bảo Viên Thừa Chí: “Thôi thúc thúc không sao cả, con yên tâm đi.” Bà cũng dùng tay ra hiệu với ông câm.

Ông câm không ngớt gật đầu mỉm cười, vỗ bôm bốp hai tay vào nhau liên tục. Viên Thừa Chí không hiểu ông ta khen ngợi việc gì mà vui vẻ đến thế.

An đại nương kéo Viên Thừa Chí vào trong phòng, cho cậu bé ngồi trên giường cạnh mình. Bà dịu dàng nói: “Thừa Chí! Thẩm thẩm vừa gặp con đã thấy yêu thương, coi con như con ruột của mình vậy. Hôm nay con lại không quản tính mạng mình mà cứu giúp cho Tiểu Huệ, thẩm thẩm lại càng không thể quên con. Nhưng tối nay thẩm thẩm phải đi đến một nơi rất xa. Con hãy đi theo bác câm đi.”

Viên Thừa Chí nói: “An thẩm thẩm! Con muốn đi theo thẩm thẩm.”

An đại nương mỉm cười nói: “Thẩm thẩm cũng không nỡ xa con. Nhưng thẩm thẩm muốn bác câm dẫn con đi gặp một người, người đó sẽ dạy con biết võ công như Thôi thúc thúc. Thôi thúc thúc của con chỉ học với ông ấy hai tháng, mà võ nghệ đã cao đến thế rồi. Võ công của vị tiền bối này là thiên hạ vô song, thẩm thẩm muốn con theo học ông ấy.”

Viên Thừa Chí nghe vậy là khoái chí ngay.

An đại nương lại bảo: “Suốt đời ông ấy chỉ nhận hai đồ đệ. Nhưng đó là việc rất lâu rồi, bây giờ chưa chắc ông ấy đã chịu nhận đồ đệ nữa. Nhưng tư chất của con rất tốt, tâm địa lại lương thiện; thẩm thẩm nghĩ rằng ông ấy sẽ thích con. Bác câm là người hầu cận ông ấy. Ta nhờ bác câm dẫn con đến cầu xin. Nếu ông ấy không chịu nhận con, thì bác câm sẽ dẫn con về chỗ thẩm thẩm.”

Thừa Chí gật đầu, nghĩ bụng: “Nếu ông ấy không chịu nhận mình làm đồ đệ cũng tốt”.

An đại nương dặn tiếp: “Tính khí của vị tiền bối này rất cổ quái. Nếu con không nghe lời, ông ấy đương nhiên không thích. Nhưng nếu con quá nghe lời, ông ấy lại chê con ngu dại, không có chủ ý của mình. Phải xem duyên phận của con như thế nào thôi.”

Nói xong, bà tháo từ cổ tay ra một chiếc vòng kết bằng sợi vàng, đeo vào cổ tay Viên Thừa Chí rồi nhẹ nhàng bóp lại. Chiếc vòng lập tức rút nhỏ lại, không tuột xuống nữa. Bà mỉm cười nói: “Khi con luyện thành võ công, trở thành người lớn, đừng quên An thẩm thẩm và Tiểu Huệ muội muội.”

Viên Thừa Chí đáp: “Con vĩnh viễn không quên. Nếu vị tiền bối đó chịu nhận con, thì An thẩm thẩm sẽ dẫn Tiểu Huệ muội muội đến thăm con chứ?”

Khóe mắt An đại nương hơi đỏ lên. Bà khẽ nói: “Nhất định là thế. Thẩm thẩm cũng rất nhớ con.”

An đại nương viết một lá thư giao cho ông câm, nhờ chuyển cho chủ nhân của ông. Bốn người ra ngoài cửa rồi từ biệt nhau, ai đi đường nấy.

Viên Thừa Chí cùng ở với An đại nương và Tiểu Huệ không được bao lâu, nhưng hai mẹ con đối đãi với cậu vô cùng quan tâm thân thiết. Qua trận chiến hôm nay, họ lại có cảm giác cùng hoạn nạn, cùng sinh tử. Vì thế mà khi từ biệt, người nào cũng ra vẻ lưu luyến không nỡ rời xa.

*

*   *

Ông câm biết Thừa Chí bị thương vẫn còn chảy máu, thân thể yếu đuối, nên ôm cậu vào lòng mà sải bước chạy như bay.

Cứ ngày đi đêm nghỉ, hai người không ngừng chạy về hướng Bắc. Hơn một tháng trời, vết thương của Viên Thừa Chí đã lành, chỉ để lại phía trên lông mày bên trái một vết sẹo nhỏ. Ông câm không trú trong khách sạn, cứ mỗi hoàng hôn lại chọn bừa một hang động hay một ngôi miếu hoang để nghỉ lại. Còn khi ăn uống thì phải vào phạn điếm, Viên Thừa Chí muốn ăn gì cứ gọi. Về chuyện ăn uống thì ông câm không câu nệ, thấy gì ăn đó. Bữa nào ông cũng ăn đến hai cân mì.

Lần nào Viên Thừa Chí dùng tay ra hiệu hỏi mình đang đi đâu, ông câm cũng trỏ về hướng Tây Bắc.

Nhiều ngày nữa thì họ đến một vùng núi, càng đi càng lên cao, cuối cùng không còn đường để đi nữa. Ông câm dùng cả tay chân men theo vách núi và những sợi dây mây trèo lên, trèo hết đỉnh này lại đến đỉnh khác. Bên sườn núi toàn là những thung lũng sâu hun hút. Viên Thừa Chí phải dùng hai tay cố ôm chặt lấy cổ ông câm, chỉ sợ lỏng tay là rơi xuống tan xương nát thịt.

Cứ thế trèo hơn một ngày, hai người mới đến đỉnh núi cao nhất. Trên đỉnh núi là một khu đất bằng phẳng, đầy những cây tùng cổ đâm thẳng lên trời. Qua một khu rừng thông, trước mắt xuất hiện năm sáu gian nhà dựng bằng đá tảng.

Ông câm cười vui vẻ, kéo tay Viên Thừa Chí vào trong nhà đá. Trong nhà mạng nhện giăng đầy, hiển nhiên rất lâu không có ai ở. Ông câm lấy một cây chổi lớn, quét sạch sẽ từ trong ra ngoài, sau đó nấu nước thổi cơm. Đỉnh núi này quá hiểm trở, không hiểu lương thực và dụng cụ được vận chuyển lên bằng cách nào.

Ở được ba ngày, Viên Thừa Chí lại nóng ruột, dùng tay để hỏi: “Sư phụ ở đâu?”

Ông câm chỉ xuống dưới núi. Viên Thừa Chí tỏ ý muốn xuống núi, nhưng ông câm lắc đầu không chịu. Viên Thừa Chí không làm gì được, đành phải chờ đợi một cách khổ sở trên đỉnh núi chọc trời. Bên cạnh chỉ có ông câm không nghe không nói gì được, xung quanh không có hàng xóm, hoang vắng cô quạnh không sao tả xiết. Cậu nghĩ mãi đến những ngày ấm cúng ngắn ngủi bên hai mẹ con An đại nương; chỉ tiếc không thể mọc cánh mà bay đến bên bà.

Một đêm trong lúc mơ màng, đột nhiên Viên Thừa Chí thấy ánh sáng chói vào mắt. Cậu dụi dụi mấy cái, bỗng hiện ra một ông lão cầm nến đứng trước giường. Ông lão này râu tóc lông mày đều bạc phơ, nhưng khuôn mặt rất hồng hào, mỉm cười quan sát Viên Thừa Chí.

Viên Thừa Chí vội nhảy xuống giường, cung kính quỳ lạy ông lão bốn cái rồi hô lên: “Sư phụ! Thì ra lão nhân gia đã đến rồi.”

Ông lão cười ha hả rồi nói: “Thằng bé kia! Ai bảo ngươi kêu ta là sư phụ? Sao ngươi biết ta sẽ nhận ngươi làm đồ đệ?”

Nghe cách ông lão nói, Viên Thừa Chí biết chắc mình được nhận rồi. Cậu bé mừng rỡ nói: “An thẩm thẩm bảo con gọi thế.”

Ông lão nói: “Lúc nào con bé đó cũng kiếm chuyện phiền phức cho ta. Được! Nể mặt người cha quá cố của ngươi, ta thu nhận ngươi.”

Viên Thừa Chí muốn bái lạy, nhưng ông lão xua tay bảo: “Đủ rồi, đủ rồi! Ngày mai nói chuyện tiếp.”

Sáng sớm hôm sau, trời chưa sáng Viên Thừa Chí đã dậy rồi. Ông câm biết ông lão đã chịu dạy Viên Thừa Chí, mừng rỡ tung cậu bé lên không rồi dang tay ra đón lấy, cứ thế bốn năm lần.

Ông lão nghe tiếng cười reo của Viên Thừa Chí, bước ra khỏi phòng mỉm cười nói: “Được đấy! Còn nhỏ như vậy mà đã biết hành hiệp trượng nghĩa, cứu trợ đàn bà con nít, giỏi thật. Ngươi có bản lãnh gì, biểu diễn cho ta xem thử.”

Viên Thừa Chí nghe khen mà đỏ mặt tía tai, ngượng nghịu đứng không yên.

Ông lão lại mỉm cười, bảo: “Ngươi không cho ta xem công phu của ngươi thế nào, thì ta biết đâu mà dạy?”

Lúc này Viên Thừa Chí mới biết sư phụ không nói đùa, bèn đem bài Phục Hổ Chưởng mà Thôi Thu Sơn đã dạy ra tập từ đầu đến cuối.

Ông lão vừa xem vừa mỉm cười, đợi Viên Thừa Chí luyện xong mới nói: “Thu Sơn không ngớt miệng khoe ngươi thông minh, lúc đó ta không chịu tin. Nó chỉ dạy cho ngươi mấy ngày mà đã được như thế, đúng là không tệ.”

Vừa nghe thấy tên Thôi Thu Sơn, Viên Thừa Chí đã muốn hỏi chuyện an nguy của Thôi thúc thúc ngay, nhưng ông lão đang nói nên cậu không dám ngắt lời. Đợi ông lão dừng lại, cậu mới hỏi: “Thôi thúc thúc đang ở đâu? Thúc thúc có khỏe không?”

Ông lão đáp: “Nó khỏe rồi, đã về chỗ Lý Sấm tướng quân, tiếp tục hành quân đánh trận.”

Viên Thừa Chí nghe vậy mừng rỡ vô cùng.

Ông câm đã bày hương án. Ông lão lấy ra một bức tranh vẽ một nho sĩ trung niên, hai tay để không nhưng giữ tư thế đang cầm kiếm. Ông lão thắp nhang đèn, đứng trước mặt bức tranh cung kính quỳ lạy, rồi bảo Viên Thừa Chí: “Đây là khai sơn tổ sư, Phong tổ sư gia của phái Hoa Sơn chúng ta. Ngươi tới khấu đầu đi.”

Viên Thừa Chí nhìn lại người trong bức tranh, nghĩ bụng: “Ông này còn trẻ hơn sư phụ của ta rất nhiều, sao lại là tổ sư gia?” Cậu bước tới khấu đầu ngay, nhưng không biết phải lạy bao nhiêu cái. Cậu nghĩ chắc là lạy càng nhiều càng tốt, nên cứ lạy mãi, đến khi ông lão bảo dừng mới thôi.

Ông lão mỉm cười, bảo Viên Thừa Chí quỳ xuống khấu đầu, coi như chính thức bái sư. Ông lão nhận lễ bái sư rồi nói: “Từ nay về sau, con là đệ tử phái Hoa Sơn chúng ta. Nhiều năm trước ta đã nhận hai đồ đệ. Sau đó ta không gặp đứa bé nào thông minh lanh lợi cả, nên chưa dạy ai thêm. Ngươi là đệ tử thứ ba, cũng là đệ tử cuối cùng của ta. Ngươi phải học hành tử tế, đừng làm mất mặt ta trước người khác.”

Viên Thừa Chí gật đầu lia lịa.

Ông lão lại nói: “Ta họ Mục, tên Nhân Thanh, được bằng hữu giang hồ gọi là Thần Kiếm Tiên Viên, ngươi hãy nhớ lấy. Sau này có người hỏi sư phụ là ai, nếu ngươi ấp úng không nhớ, thì thật là hỏng bét.”

Viên Thừa Chí cười phá lên, thầm nghĩ: “An đại nương nói tính khí sư phụ rất cổ quái, mình nghe mà sợ hãi. Không ngờ sư phụ lại hòa ái dễ gần như thế, lại thích nói chuyện khôi hài.”

Thần kiếm tiên viên Mục Nhân Thanh võ công rất cao, có thể gọi là số một đương thời. Ông hành hiệp trượng nghĩa trên giang hồ đã hai mươi mấy năm, chưa từng gặp đối thủ. Chỉ vì lúc nào ông cũng hành sự âm thầm, không để lại danh tính, nên tiếng tăm không vang dội lắm.

Thật ra thì tính khí của ông vốn lạnh lùng, khó mà thân cận. Nhưng lần này gặp Viên Thừa Chí, một đứa bé côi cút đáng thương, lại được Thôi Thu Sơn và An đại nương hết sức giới thiệu, cộng thêm phần tôn kính phụ thân của Viên Thừa Chí là Viên Sùng Hoán đáng mặt trung thần, giữ nước giết giặc, hàm oan mà chết nên ông mới phá lệ, gần gũi thương yêu khác hẳn mọi khi.

Mục Nhân Thanh không con không cái, một mình một kiếm độc hành trên chốn giang hồ. Tới tuổi già, đột nhiên gặp một chú bé thông minh hoạt bát như thế, nỗi mừng rỡ trong lòng chẳng kém gì so với Viên Thừa Chí gặp được minh sư. Vì thế mà ông cười đùa với Viên Thừa Chí, cao hứng khác hẳn bình thường,

Mục Nhân Thanh lại nói: “Hai sư huynh của ngươi đều lớn hơn ngươi mấy chục tuổi, đồ đệ của chúng cũng lớn hơn ngươi nhiều. Không chừng chúng sẽ trách ta đến lúc này còn bắt chúng nhận thêm một đứa sư đệ nhỏ xíu. Hừ, nếu ngươi không chịu dụng công nỗ lực, sau này bị đồ tử đồ tôn của chúng đánh bại, thì chúng có lý lẽ để trách lão già này hồ đồ.”

Viên Thừa Chí vội nói: “Đệ tử nhất định sẽ hết sức dụng công.” Cậu bé lại hỏi: “Thôi thúc thúc có phải là đồ đệ của lão nhân gia hay không?”

Mục Nhân Thanh nói: “Nó phải đi theo Sấm tướng đánh trận, không có thời gian để học với ta cho đàng hoàng. Ta chỉ truyền cho nó một bài Phục Hổ Chưởng, không thể gọi là đồ đệ. Hơn nữa tư chất của Thu Sơn cũng không đủ để làm đồ đệ của ta.”

Ông chỉ vào ông câm, nói tiếp: “Gã này cũng vậy, ngày nào cũng nhìn ta luyện tập nên học lóm được không ít chiêu thức. Nhưng so với hai đồ đệ của ta, thì khác nhau một trời một vực.”

Viên Thừa Chí từng thấy ông câm hai lần tay không trừng trị bọn công sai, xuất thủ như sấm sét, thán phục vô cùng. Nghe sư phụ nói bản lãnh hai sư huynh của mình còn cao hơn nhiều, thế thì chỉ cần mình hết sức dụng công, dù không bằng được sư huynh thì bét ra cũng hơn được ông câm. Trong lòng cậu lại càng mừng rỡ.

Mục Nhân Thanh nói: “Phái Hoa Sơn chúng ta có rất nhiều quy luật. Những gì là Nhân giới, Sĩ giới, Bảo giới, bây giờ có nói thì ngươi cũng không hiểu. Vậy ta chỉ dặn ngươi ba câu thôi: Phải nghe lời sư phụ; Không được làm việc tồi tệ; Không được tùy tiện giết chóc đả thương người khác. Ngươi có nhớ được không?”

Viên Thừa Chí đáp: “Con nhất định sẽ nghe lời sư phụ, không dám làm việc xấu, lại càng không tùy tiện đánh giết người ta.”

Mục Nhân Thanh nói: “Được! Vậy bây giờ chúng ta bắt đầu luyện công. Vì thời gian gấp rút nên Thôi thúc thúc của ngươi dạy cho ngươi một lúc trọn bài Phục Hổ Chưởng. Bộ chưởng pháp này quá thâm sâu phức tạp. Tuổi ngươi còn nhỏ, dù học được cũng chưa biết cách vận dụng. Ta sẽ dạy cho ngươi bộ Trường Quyền Thập Đoạn Cẩm trước.”

Viên Thừa Chí nói: “Cái đó thì con biết, trước đây Nghê thúc thúc đã dạy rồi.”

Mục Nhân Thanh cười bảo: “Ngươi học được mấy tư thế, coi như đã biết rồi hay sao? Còn xa lắm! Nếu thực sự ngươi đã hiểu hết chỗ ảo diệu của Trường Quyền Thập Đoạn Cẩm, thì trên giang hồ ít người thắng được ngươi.”

Khuôn mặt xinh xắn nhỏ nhắn của Viên Thừa Chí lập tức đỏ ửng lên, không dám mở miệng nói nhiều nữa.

Mục Nhân Thanh vừa đọc tên chiêu thức vừa thi triển Trường Quyền Thập Đoạn Cẩm. Từ chiêu thức lẫn đường quyền, hoàn toàn không khác những gì Nghê Hào đã dạy. Viên Thừa Chí không khỏi thấy lạ lùng, có gì khác nhau đâu?

Mục Nhân Thanh nói: “Ngươi tưởng sư phụ đánh lừa phải không? Ngươi tới đây, nắm lấy áo của ta. Chỉ cần đụng vào một chéo áo thôi, coi như ngươi có bản lãnh.”

Viên Thừa Chí không dám chọc tức sư phụ, nên mỉm cười không dám động đậy.

Mục Nhân Thanh giục: “Tới đây nhanh lên. Ta đang dạy ngươi công phu mà?”

Viên Thừa Chí nghe nói sư phụ dạy mình mới dám bước tới, đưa tay toan nắm lấy vạt áo sau lưng sư phụ. Mắt thấy rõ ràng sờ tới rồi, nhưng cái vạt áo tự nhiên co rút lại, lệch đi hai ba tấc. Tay Viên Thừa Chí đưa lên mấy tấc, sắp nắm được cái vạt áo thì sư phụ đột nhiên không thấy đâu nữa. Rồi ông khẽ vỗ vào sau gáy Viên Thừa Chí, mỉm cười nói: “Ta ở đây này.”

Viên Thừa Chí liền xuất chiêu Diêu Tử Phản Thanh, quờ hai tay ôm ngược ra phía sau. Nào ngờ sư phụ không còn ở đó nữa. Cậu bé vội vã xoay người lại, thấy sư phụ đã ở ngoài hai trượng.

Viên Thừa Chí hứng thú, thầm nghĩ: “Phen này phải bắt được sư phụ mới được”. Cậu tung người nhảy lên phía trước, toan kéo tay áo ông ta. Mục Nhân Thanh vẫy tay áo một cái, thân hình đã vụt ra khỏi tầm tay cậu bé.

Viên Thừa Chí mỉm cười nhưng chưa đuổi theo vội. Cậu quay lại nhìn, đột nhiên thấy ông câm đang ra hiệu bảo mình lưu ý. Viên Thừa Chí chợt hiểu, thầm nghĩ: “Rõ ràng sư phụ chỉ sử dụng những chiêu thức trong Trường Quyền Thập Đoạn Cẩm, nhưng sao lại nhanh đến thế?”

Thế là cậu bé vừa rượt theo nắm bắt, vừa chăm chú để ý thân pháp của sư phụ. Pho Trường Quyền Thập Đoạn Cẩm này Viên Thừa Chí đã luyện nhuần nhuyễn lắm rồi, nhưng bây giờ cậu thấy sư phụ tiến lùi tránh né vô cùng linh hoạt. Cũng một chiêu một thức như vậy, nhưng khi sư phụ thi triển lại có dụng ý xảo diệu khác thường. Viên Thừa Chí vừa đuổi vừa âm thầm học theo bí quyết, chẳng bao lâu đã bắt chước được mấy thuật nhảy tới nhảy lui của sư phụ, lập tức rượt đuổi nhanh hơn hẳn.

Mục Nhân Thanh lẩm nhẩm gật đầu, mừng rỡ nghĩ: “Thằng bé này dạy được, có tương lai đấy!”

Thừa Chí càng cố đuổi, Mục Nhân Thanh càng tránh né nhanh hơn. Hai người chạy vù vù đuổi nhau, trên mặt sân chỉ còn thấy hai bóng bay đi lượn lại. Lúc này Viên Thừa Chí đã quên hết chuyện đùa giỡn, tập trung tinh thần bắt chước thân pháp sư phụ.

Đột nhiên Mục Nhân Thanh cười ha hả quay người lại, vươn tay ôm lấy cậu bé, mỉm cười nói: “Hảo đồ đệ! Hảo hài tử! Được rồi, tập như thế là được rồi.”

Ông thả Viên Thừa Chí xuống, dặn cậu bé tự luyện thêm mấy lượt, rồi quay lưng vào nhà.

Viên Thừa Chí luyện lại pho Trường Quyền Thập Đoạn Cẩm từ đầu đến cuối mười mấy lần nữa. Ngoài việc cố gắng học hỏi thân pháp của sư phụ ra, cậu còn tự sáng chế ra mấy chỗ biến hóa xảo diệu, mừng rỡ đến độ ngứa ngáy tay chân, gãi đầu gãi tai, suốt đêm không sao chợp mắt; mà có chợp mắt thì trong mơ vẫn chăm chỉ luyện quyền.

Trời mới mờ sáng, cậu sợ quên mất những gì đã học hôm qua, vội chạy ra sân để luyện tập, càng tập càng thêm hứng thú. Đột nhiên nghe phía sau có tiếng đằng hắng, cậu quay đầu lại thì thấy sư phụ đứng đó mỉm cười. Viên Thừa Chí bước tới, hô một tiếng “Sư phụ”, rồi lỏng tay đứng kế bên.

Mục Nhân Thanh nói: “Mấy chiêu ngươi sáng chế ra cũng không đến nỗi tệ. Chiêu này nhanh thì có nhanh, nhưng hạ bàn lại để lộ sơ hở. Nếu địch thủ biết đường đưa chân ra móc thế này, thì ngươi hỏng rồi. Phải làm thế này mới đúng.”

Ông vừa nói vừa dùng động tác chỉ bảo, Viên Thừa Chí khâm phục vô cùng. Hôm đó cậu lại học được không ít bí quyết.

*

*   *

Mới đó mà ba năm đã trôi qua. Trong ba năm này, Mục Nhân Thanh truyền cho Viên Thừa Chí thêm Phá Ngọc Quyền và Hỗn Nguyên Chưởng. Hỗn Nguyên Chưởng tuy là chưởng pháp, nhưng lại có công dụng tu tập nội công. Xưa nay các môn phái tu luyện nội công đều dựa vào công phu thổ nạp, đả tọa luyện khí. Nội công của phái Hoa Sơn lại có cách luyện riêng biệt, từ ngoài vào trong, tu tập dựa vào chưởng pháp.

Như vậy phải tốn rất nhiều thời gian, hiệu quả hơi chậm, nhưng trong lúc tu tập thì hoàn toàn không gặp nguy hiểm tẩu hỏa nhập ma, khi luyện thành thì oai lực vô cùng lớn. Vì nội ngoại cùng luyện một lần, nên khi đối địch thì mỗi chiêu mỗi thức đều tự nhiên có nội lực kèm theo, địch thủ chỉ sơ ý một chút là nếm mùi thất bại. Tới khi Hỗn Nguyên Công luyện thành lại càng lợi hại, có thể nói không gì cứng rắn mà không phá nổi.

Viên Thừa Chí luyện võ chưa lâu, Hỗn Nguyên Công dĩ nhiên chưa thành tựu, nhưng thân thể cậu bé đã tráng kiện lắm rồi, bệnh tật không xâm nhập được nữa. Nhiều lúc Mục Nhân Thanh xuống núi, mỗi lần hai ba tháng hoặc ba bốn tháng không chừng. Lần nào ông về kiểm tra cũng thấy cậu bé dụng công siêng năng, tiến bộ nhanh chóng, nên không ngớt khen thưởng và khuyến khích.

Tết Đoan Ngọ năm nay, uống xong rượu hồng hoàng để chống tà khí và sâu bọ theo phong tục, Mục Nhân Thanh lại bày hương án, thỉnh tranh vẽ tổ sư gia ra. Ông tự mình khấu đầu, rồi bảo Viên Thừa Chí quỳ xuống khấu đầu, sau đó mới hỏi: “Hôm nay bảo ngươi bái tổ sư, ngươi biết vì lý do gì hay không?”

Viên Thừa Chí đáp: “Xin sư phụ dạy bảo.”

Mục Nhân Thanh vào nhà trong, bưng ra một chiếc hộp gỗ dài dài, đặt trên hương án. Nắp hộp vừa mở ra, ánh sáng chói lòa cả mắt. Trong hộp gỗ có một thanh trường kiếm dài ba thước, óng ánh soi sáng cả một vùng.

Viên Thừa Chí vừa kinh ngạc vừa vui mừng, tim đập lên thình thịch. Cậu ấp úng hỏi: “Sư phụ! Sư phụ dạy kiếm cho con phải không?”

Mục Nhân Thanh gật đầu, rồi lấy trường kiếm trong hộp ra. Ông nghiêm nghị nói: “Ngươi quỳ xuống, nghe ta nói trước đã.”

Viên Thừa Chí vâng lời quỳ xuống.

Mục Nhân Thanh nói: “Kiếm là tổ của trăm loại binh khí, là đạo môn khó học nhất. Kiếm pháp bản phái lại càng rộng lớn thâm sâu. Từ nhiều đời tổ sư cho đến nay, đời nào cũng tăng cường thêm ít nhiều chiêu thức. Môn phái khác thì sư phụ thường giấu lại mấy chiêu tinh diệu nhất, nên đời sau không bằng đời trước, càng về sau võ công càng kém. Còn phái ta thì không phải vậy, tuyển chọn đệ tử cực kỳ nghiêm ngặt, mà đã chọn rồi thì phải dạy dỗ đến cùng. Bởi thế mà kiếm pháp hậu nhân giống như màu xanh, chiết từ màu lam mà đẹp hơn màu lam. Ngươi đã thông minh lại cần mẫn, muốn giỏi kiếm thuật không phải là việc khó. Sư phụ kỳ vọng nơi ngươi, sau này sẽ phát dương quang đại kiếm pháp bản phái, nhưng không chỉ có thế. Ngươi phải nhớ rõ, kiếm là lợi khí, nếu dùng để hành thiện thì nó thiện vô cùng, nếu dùng để làm ác thì nó ác cũng vô cùng. Hôm nay sư phụ muốn ngươi lập lời trọng thệ, suốt đời tuyệt đối không được vô cớ giết nhầm một người lương thiện nào.”

Viên Thừa Chí nói: “Xin sư phụ dạy con kiếm pháp. Nếu sau này con dùng kiếm giết một người tốt, nhất định sẽ bị người ta giết chết.”

Mục Nhân Thanh bảo: “Được rồi! Ngươi đứng dậy đi.”

Viên Thừa Chí đứng dậy.

Mục Nhân Thanh tiếp: “Sư phụ biết tâm địa của ngươi nhân hậu, nhất định không giết bừa người tốt. Nhưng chuyện thị phi có lúc rất khó phân biệt; thế gian xảo trá, lòng người khó lường. Người bề ngoài tốt có thể là kẻ xấu; còn người bề ngoài có vẻ xấu thì không chừng lại là người tốt. Ngươi phải thường xuyên có tấm lòng khoan dung tha thứ thì mới ít làm tổn thương người khác.”

Viên Thừa Chí gật đầu vâng dạ.

Mục Nhân Thanh lại nói: “Hoàng đế Sùng Trinh giết gia gia của ngươi, vì trong lòng hắn nghĩ gia gia của ngươi là người xấu. Hắn nghĩ mình giết là đúng, nhưng đó lại là một sai lầm cực lớn. Mấy năm nay Sùng Trinh đã giết không ít đại thần trong triều, dĩ nhiên cũng có người xấu, nhưng người tốt bị hắn giết còn nhiều hơn. Hắn không rõ thị phi, lại hoàn toàn không có tấm lòng khoan dung nhân hậu. Hắn giết chóc bừa bãi như thế, giang sơn Đại Minh này chắc chắn sẽ tan rã trong tay hắn.”

Viên Thừa Chí ủ rũ gật đầu. Cậu hiểu, khi nhắc đến việc Sùng Trinh giết phụ thân mình, sư phụ muốn mình biết rằng thị phi khó phân biệt, không nên vọng sát. Mình phải nhớ rõ điều đó, không lúc nào dám quên.

Mục Nhân Thanh đưa tay trái nắm kiếm quyết, tay phải đưa trường kiếm ra. Thanh kiếm vùng vẫy như rồng bay, phát sáng rực rỡ như cầu vồng. Bộ kiếm pháp thiên hạ vô song được thi triển dưới ánh mặt trời, kiếm quang càng lúc càng óng ánh, sau cùng chỉ còn thấy một khối bạch quang mờ mờ ảo ảo.

Thừa Chí đã theo sư phụ luyện quyền ba năm trời, nhãn quan khác trước rất xa. Tuy vậy, cậu vẫn không thể nhìn thấy rõ ràng thân pháp của sư phụ. Khi cần trụ chắc thì vững như một ngọn núi nguy nga, lúc nhẹ nhàng lại thoảng như một cơn gió không để lại vết tích, biến ảo khôn lường, nhanh chóng không tả được.

Đến lúc tối hậu, Mục Nhân Thanh quát lớn một tiếng, trường kiếm đột nhiên rời khỏi tay bay ra. “Xoẹt” một tiếng, kiếm ghim sâu vào thân một cây thông lớn, lưỡi kiếm ngập hẳn vào, chỉ còn chuôi kiếm thò ra ngoài.

Viên Thừa Chí biết thớ gỗ của cây thông rất mịn. Vừa rồi thấy sư phụ múa kiếm, lưỡi kiếm không dừng rung động, cậu cũng biết lưỡi kiếm đó mềm dẻo chứ không cứng rắn, nào ngờ chiêu phi kiếm này lại ghim lút được trường kiếm vào thân cây. Cậu bé không nén nổi kinh hãi, há hốc miệng, không sao ngậm lại được.

Đột nhiên phía sau có người lớn tiếng hoan hô: “Hay quá!”

Viên Thừa Chí ở trên ngọn núi này đã ba năm trời, ngoài giọng của sư phụ và mình ra, chưa nghe thấy tiếng nói của một người thứ ba. Tuy trên núi còn một người nữa là ông câm, nhưng ông này không thể lên tiếng được.

Viên Thừa Chí vội vàng quay lại, thấy một lão đạo vừa mỉm cười vừa tiến lên đỉnh núi. Lão mặc một bộ đạo bào bằng vải thô màu xanh, khuôn mặt ốm vàng, khô cằn, đầu tóc thưa thớt, trắng nhiều hơn đen, trên đầu bới một cái búi tó đúng kiểu đạo nhân. Lão lớn tiếng hô: “Con khỉ già kia! Chiêu Thiên Ngoại Quy Long này, đúng là trên đời không còn người thứ hai thi triển được như thế. Hôm nay bần đạo được mở rộng tầm mắt. Mười năm trời không thấy huynh dùng kiếm, không ngờ đã tiến bộ đến mức này.”

Mục Nhân Thanh cười ha hả, đáp: “Hay quá! Ngọn gió nào thổi huynh đến đây vậy? Vừa tới Hoa Sơn, đã bốc ta lên tận mây xanh rồi. Thừa Chí! Vị này là Mộc Tang đạo trưởng, hảo bằng hữu của sư phụ. Ngươi mau mau tới thi lễ.”

Viên Thừa Chí liền bước tới, quỳ xuống khấu đầu.

Mộc Tang đạo nhân cười bảo: “Thôi đi!” Lão đưa tay ra, kéo Viên Thừa Chí dậy.

Đã là người học võ, khi gặp ngoại lực sẽ tự động vận công chống đỡ. Mộc Tang đạo nhân kéo dậy, nhưng lúc này Thừa Chí đã thành tựu chút ít về Hỗn Nguyên Công, hai cánh tay khẽ gượng lại một chút.

Mộc Tang đạo nhân biết mức nội công của Viên Thừa Chí rồi, mỉm cười nói với Mục Nhân Thanh: “Con khỉ già này mấy năm không gặp, thì ra lén lút trốn ở chỗ này để dạy khỉ con vận khí. Phước khí của huynh không đến nỗi tồi, một chân bước vào quan tài rồi mà còn tìm được một thằng bé giỏi giang như thế.”

Mục Nhân Thanh đùa giỡn với lão đã quen, nhưng nghe lão tán dương đồ đệ của mình cũng không khỏi khoái chí. Ông vuốt râu mỉm cười, ra vẻ tự đắc.

Mộc Tang đạo nhân lại nói: “Ái chà! Hôm nay không mang theo tiền lẻ lì xì, làm sao ta dám nhận mấy cái khấu đầu của ngươi được? Phải làm sao đây?”

Mục Nhân Thanh nghe vậy, nảy ra một ý: “Võ công lão đạo này có chỗ độc đáo, được người trên giang hồ gọi là Thiên Biến Vạn Kiếp. Nếu lão chịu truyền chút xíu võ công cho Viên Thừa Chí, thì thằng bé được lợi không nhỏ. Nhưng lão này xưa nay không chịu nhận đồ đệ, ta phải tìm cách bức ép một chút.” Ông bèn nói: “Thừa Chí! Đạo trưởng đã hứa cho con cái gì rồi đó. Mau mau khấu đầu cảm tạ đi.”

Thừa Chí nghe sư phụ bảo, lập tức bước tới dập đầu.

Mộc Tang đạo nhân cười ha hả: “Ha ha! Có khỉ già tất có khỉ con. Sư phụ đã không sợ mất mặt, thì đồ đệ cũng không biết xấu hổ. Này, nghe ta nói đây: Làm người thì phải đường đường chính chính, đừng học theo sư phụ ngươi luyện bộ mặt dày, vừa nghe người ta cho quà đã hí ha hí hửng. Chẳng lẽ lão già như ta còn đi lừa gạt con nít hay sao? Thôi cũng được. Hôm nay nhân lúc cao hứng, ta tặng cho ngươi cái này.”

Nói xong, lão lấy trong cái túi sau lưng ra một gói đồ, đưa cho Viên Thừa Chí.

Viên Thừa Chí cảm tạ, hai tay cung kính đón lấy. Cậu đứng thẳng dậy mở ra xem, thấy đó là một cái áo không tay màu đen kịt, cầm trong tay nặng trịch, không phải tơ mà cũng không phải da, chẳng biết làm bằng thứ gì. Cậu đang thắc mắc thì nghe Mục Nhân Thanh nói: “Đại huynh, đừng đùa giỡn nữa. Bảo vật này làm sao cho nó được?”

Viên Thừa Chí nghe vậy mới biết là vật quý, bèn hai tay nâng lên trả lại.

Mộc Tang đạo nhân không nhận, lại nói: “Hừ! Lão đạo này đâu có bủn xỉn như sư phụ của ngươi? Đồ đã tặng rồi, ta quyết không nhận lại! Ngoan ngoãn cầm lấy đi.”

Viên Thừa Chí không dám nhận, nhìn qua xem sư phụ nói sao. Mục Nhân Thanh bảo: “Đã vậy thì ngươi đa tạ đạo trưởng đi.”

Thừa Chí liền quỳ xuống lạy tạ. Mục Nhân Thanh nghiêm giọng nói: “Đây là một báu vật để phòng thân. Năm xưa đạo trưởng đã tốn biết bao nhiêu tâm huyết, liều mạng vào chỗ chín phần chết một phần sống mới có được. Ngươi mặc thử xem.”

Viên Thừa Chí vâng lời khoác áo vào người, trông hơi rộng so với vóc dáng của cậu.

Mục Nhân Thanh tung người đến chỗ cây thông, dùng ngón giữa và ngón trỏ kẹp vào chuôi kiếm, nhẹ nhàng rút trường kiếm ra rồi nói: “Cái áo này có hai màu chỉ vàng đen, đó là lông vượn và kim ty hỗn hợp dệt thành. Bất cứ loại vũ khí nào cũng không làm tổn thương nó được.” Nói xong, ông đưa kiếm đâm ngay vào trước ngực Viên Thừa Chí.

Nhát kiếm này nhanh vô cùng, cậu bé không sao tránh né được. Chưa kịp kinh hãi, cậu đã thấy mũi kiếm chạm vào áo rồi nhẹ nhàng dội ngược lại ngay. Viên Thừa Chí cả mừng, vội vã quỳ xuống, dập đầu cảm tạ Mộc Tang đạo trưởng.

Mộc Tang đạo nhân mỉm cười nói: “Lúc nãy ngươi thấy cái này chỉ là một cục đen thui, chẳng bắt mắt gì cả, chắc là nghĩ mình khấu đầu oan uổng. Lần này mới thật sự cam tâm tình nguyện.”

Thừa Chí nghe mà thẹn đỏ chín cả mặt, ấp a ấp úng không biết nói gì.

Nói chuyện một lúc, Mục Nhân Thanh bỗng hỏi: “Gần đây có tin tức gì về hắn không?”

Mộc Tang đạo nhân lúc nào cũng cười rạng rỡ, nhưng nghe nhắc đến người ấy, bất giác thở dài, thần sắc kém vui hẳn đi. Lão nói: “Chẳng giấu gì đại ca, không biết hắn đã trốn chui trốn lủi ở đâu, nhưng gần đây lại xuất hiện ở gần Sơn Hải Quan. Lão đạo không muốn gặp hắn, phải tới Hoa Sơn này tránh né. Phen này đến đây đúng là chạy trốn.”

Mục Nhân Thanh nói: “Đạo huynh hà tất phải đề cao người khác mà làm giảm oai phong của mình. Dựa vào công phu xuất thần nhập hóa của đạo huynh, chẳng lẽ không thể đối phó với hắn hay sao?”

Mộc Tang đạo nhân lắc đầu, ủ rũ nói: “Không phải là lão đạo không đối phó nổi, chỉ vì không thể nhẫn tâm. Mấy năm nay ta đã đấu với hắn hai lần. Lần đầu ta chiếm thượng phong, nhưng cuối cùng nhớ tới tình nghĩa đồng môn, vả lại trước khi mất tiên sư cũng dặn ta phải chiếu cố quan tâm hắn cho tử tế. Lão đạo vô phương dạy dỗ, để hắn càng ngày càng lún sâu vào con đường tà ác, trong lòng có phần áy náy nên không thể ra tay được. Lần động thủ thứ hai, không biết hắn học được ở đâu mấy công phu tà phái, đâm trúng vào ngực ta một kiếm. May có cái áo này hộ thân, nên mũi kiếm không xuyên vào được. Hắn kinh hãi một phen, tưởng ta đã luyện thành công phu kỳ diệu, nên sơ suất bị ta kiềm chế. Lúc đó ta cố khuyên răn một hồi, nhưng hắn chỉ cười lạnh nhạt. Trước khi về, hắn còn quay lại nói là ta chỉ dựa vào bảo y hộ thân, lần sau động thủ sẽ đâm vào mặt cho ta hết đường tránh né.”

Mục Nhân Thanh giận dữ nói: “Loại người cuồng vọng như thế, đạo huynh lại nghĩ đến tình nghĩa đồng môn mà tha mạng. Mục mỗ thì chẳng liên can gì đến hắn. Đạo huynh cứ ở tạm đây ít lâu, bây giờ ta xuống núi tìm hắn ngay. Nếu khi gặp mà thấy hắn vẫn làm chuyện bậy bạ, Mục mỗ sẽ xách thủ cấp của hắn về gặp đạo huynh.”

Mộc Tang đạo nhân nói: “Đa tạ hảo ý của huynh. Nhưng ta vẫn mong hắn có thể giác ngộ hối cải, sửa chữa lỗi lầm. Mấy năm nay ta đã suy xét tỉ mỉ võ công tà môn ngoại đạo của hắn, nếu thật sự phải động thủ thì chưa chắc gì hắn đã thắng được ta. Ta né lên Hoa Sơn, chỉ mong mắt không thấy, tai không nghe là được. Nếu hắn có thể hối cải, dĩ nhiên đó là phước của sư môn. Nếu không, cứ để hắn làm những việc bất nghĩa, sẽ có người khác giết hắn.”

Lão thở ra một hơi, lại tiếp: “Nhưng hắn có chịu hối cải hay không? Ôi, khó lắm!”

Mục Nhân Thanh nói: “Con người này háo sắc tham hoa, đã làm hại danh tiết của không ít nữ nhân con nhà lương thiện; gần đây lại càng lợi hại. Loại võ lâm bại hoại này mà lần sau rơi vào tay đạo huynh, thiết tưởng không cần nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ nữa. Đạo huynh thanh lý môn hộ, diệt trừ những kẻ bất nhân, đó chính là bảo vệ danh dự sư môn, báo đáp ân đức của tôn sư.”

Mộc Tang đạo nhân gật đầu đáp: “Huynh nói rất đúng. Ôi…” Nói chưa dứt câu, lão đã thở dài sườn sượt.

Viên Thừa Chí nghe hai người nói chuyện, biết đại khái Mộc Tang đạo nhân có một người sư huynh đệ gì đó, nhân phẩm không được đoan chính nhưng võ công rất cao cường. Cậu bé cầm bộ bảo y, nói với Mộc Tang đạo nhân: “Đạo trưởng! Đạo trưởng cần diệt trừ kẻ ác ôn đó, nên mặc cái áo này cho chắc ăn hơn. Khi trừ khử xong, đạo trưởng hãy ban cho con sau. Võ công của con chưa đủ để đi động thủ với kẻ xấu đâu, nên món báu vật này chưa cần dùng đến.”

Mộc Tang vỗ vai Viên Thừa Chí, bảo: “Đa tạ hảo ý của ngươi. Nhưng dù ta không có cái áo này hộ thân, hắn cũng không giết được ta. Công phu tà môn của hắn chỉ dùng để đánh lén khi đối phương chưa phòng bị, dùng được một lần chứ không thể dùng tới lần thứ hai. Ngươi không cần lo lắng cho ta.”

Thấy đạo trưởng khổ tâm, Mục Nhân Thanh cũng chẳng vui vẻ gì. Ông biết chỉ có một việc bắt được lão đạo sĩ già quên hết mọi sự trên đời, bèn nói: “Chuyện này nói mãi rồi, càng nghe càng mất vui. Này, lão đạo kia! Kỳ nghệ của lão…”

Vừa nghe hai chữ “kỳ nghệ”, da thịt trên mặt Mộc Tang đạo nhân bỗng giãn hẳn ra, vẻ mặt vui tươi sáng sủa hẳn lên, trông như trẻ lại đến hai mươi tuổi. Mục Nhân Thanh tiếp: “… mấy năm nay có tiến bộ chút nào không?”

Mộc Tang đáp ngay: “Võ công của lão đạo thì trước giờ vẫn không bằng huynh, nhưng bản lãnh chơi cờ thì có thể làm sư phụ của huynh được. Nếu huynh không tin, chúng ta cứ…”

Mục Nhân Thanh mỉm cười ngắt lời: “Để ta lãnh giáo công phu Thiên Biến Vạn Kiếp của đạo trưởng một phen. Đạo trưởng có mang đồ nghề tới hay không?”

Mộc Tang đạo nhân cười tươi, lấy sau lưng ra một bàn cờ vây, hai gói quân cờ, rồi đáp: “Loại đồ nghề này, lão đạo quyết không để xa mình một tấc. Chắc là huynh sợ kỳ nghệ không bằng ta nên tránh né vụ chơi cờ, định chối là trên Hoa Sơn không có bàn cờ. Phen này thì không chối được rồi. Ha ha, ha ha…”

Ông câm khiêng bàn ghế ra, hai người ngồi chơi cờ dưới bóng cây.

Viên Thừa Chí không hiểu gì về cờ vây. Mộc Tang đạo nhân vừa chơi cờ vừa giảng giải cho cậu hiểu, không ngớt khoa trương nào là kỳ nghệ của mình vô địch, nước cờ này cao minh; sư phụ của Viên Thừa Chí không thể là địch thủ… Mục Nhân Thanh chỉ mỉm cười suy nghĩ, mặc kệ lão ta muốn bốc phét thế nào cũng được.

Chơi cờ vây cho tinh xảo thì khó, nhưng luật chơi cờ chỉ học một chút là hiểu ngay. Viên Thừa Chí mới xem xong một ván đã biết được đại khái.

Cái bàn cờ này làm bằng thép tinh luyện, quân cờ đúc bằng sắt đen, quân trắng thì phủ thêm một lớp đồng trắng. Quân cờ đặt xuống bàn cờ phát ra những tiếng “tinh tang” rất êm tai.

Ván đầu Mộc Tang đạo nhân thắng được hai quân. Hai người bạn cố tri chơi cờ từ giữa trưa đến tối, cả thảy được ba ván. Mộc Tang đạo nhân thắng hai thua một, vẫn muốn chơi tiếp, nhưng Mục Nhân Thanh đã nói: “Ta không còn đủ tinh thần chơi với đạo huynh nữa.”

Bấy giờ Mộc Tang mới chịu đi ngủ, nhưng vẫn còn lưu luyến.

Liên tiếp ba ngày, ngày nào Mộc Tang cũng bắt Mục Nhân Thanh chơi cờ với mình, Viên Thừa Chí hứng thú đứng xem. Đến sáng ngày thứ tư, Mục Nhân Thanh nói: “Hôm nay chúng ta nghỉ chơi một ngày, để ta truyền kiếm pháp cho đồ đệ đã.”

Mộc Tang đạo nhân biết đây là việc quan trọng, không mở miệng cản trở. Lão chờ đợi suốt ngày đến ngứa ngáy tay chân, khó khăn lắm mới đợi được tới lúc Mục Nhân Thanh dạy xong. Mộc Tang đạo nhân lập tức túm lấy ông, nói: “Lại đây, lại đây! Chúng ta giết nhau ba ván nữa.”

Mục Nhân Thanh dạy kiếm nửa ngày, đã thấy hơi mệt mỏi. Nhưng ông biết Mộc Tang đạo nhân rất ghiền chơi cờ, mình mà không chịu thì e rằng cả đêm lão ta ngủ không yên giấc được, nên đành phải ngồi xuống so cờ với lão.

Viên Thừa Chí đang ôn luyện mấy chiêu kiếm pháp mới học, đột nhiên nghe Mộc Tang đạo nhân vui vẻ la lên: “Thừa Chí! Mau mau qua đây xem, sư phụ của ngươi hỏng bét rồi.” Cậu vội vàng chạy tới.

Kỳ nghệ của Mục Nhân Thanh vốn đã không bằng Mộc Tang đạo nhân, bây giờ miễn cưỡng mà chơi lại càng bất lợi. Chưa đến nửa cuộc mà ông đã bị kiềm chế gần trọn bàn cờ.

Mục Nhân Thanh thấy một mảng cờ trắng vô cùng nguy cấp, bắt buộc phải đặt một quân làm mắt để cứu sống, nhưng bao nhiêu yếu điểm ở bốn góc đều bị quân cờ đối phương chiếm cứ cả rồi. Ông cầm một quân cờ trên tay, suy nghĩ mãi không nói tiếng nào, nhìn tới ngó lui cũng không tìm được chỗ đặt quân cờ xuống.

Viên Thừa Chí đứng bên xem, nhịn không nổi nữa bèn la lên: “Sư phụ, sư phụ đặt ở đây này! Mộc Tang sư bá nhất định sẽ phải qua cứu. Sư phụ lại đặt thêm chỗ này nữa, thì có thể giải vây để thoát ra ngoài. Không biết con nói như vậy có đúng không?”

Mục Nhân Thanh xưa nay tính khí điềm đạm, không giống cái kiểu tự phụ hiếu thắng của Mộc Tang, bèn đi theo nước cờ của đồ đệ chỉ cho. Quả nhiên một mảng cờ trắng được giải thoát ra ngoài, lại còn vây khốn được một đám cờ đen. Ván này lẽ ra Mục Nhân Thanh thảm bại, nhờ một nước cờ của đệ tử mà cuối cùng chỉ thua có năm quân.

Mộc Tang đạo nhân tấm tắc khen ngợi tâm cơ linh xảo của Viên Thừa Chí, bèn chấp cậu bé chín quân, rủ chơi một ván. Tuy rằng Viên Thừa Chí không hiểu cách chơi của người xưa, nhưng đối với môn cờ vây thì quan trọng nhất là ngộ tính. Cổ nhân từng nói: “Hai mươi tuổi chưa thành quốc thủ, chơi suốt đời cũng chỉ vô vọng.” Con người thông minh như Tô Đông Pha, về kinh sử, văn chương, thư họa, thi từ, không món nào không hiểu, không món nào không tinh, nhưng đối với cờ vây thì rút cuộc chỉ là một tay phàm tục. Đó là một chuyện áy náy suốt đời của họ Tô. Bởi thế Tô Đông Pha có câu thơ tự an ủi: “Thắng cố nhiên là sướng, nhưng bại cũng phải vui”. Sau này người đời lại khen họ Tô tâm địa khoáng đạt, không nghĩ nhiều đến chuyện thắng bại.

Độc giả nên biết, chuyện “đắc thất” trong cờ vây rất nặng. Tranh một quân cờ hay một khu đất, nhất định phải tính toán kỹ càng, tuyệt đối không được dễ dãi mới có thể đắc thắng. Ai chơi cờ mà thường xuyên có ý niệm “thắng sướng bại vui”, dĩ nhiên không phải là không thể rèn luyện cá tính, tiêu khiển cho thoải mái. Nhưng nhất định người đó sẽ “sướng” ít, “vui” nhiều.

Tính tình Mục Nhân Thanh đạm bạc hiền hòa, Mộc Tang đạo nhân cảm thấy chơi cờ với ông thiếu phần quyết liệt, không đã tay lắm. Bây giờ lão chơi với Viên Thừa Chí thì hoàn toàn khác hẳn. Viên Thừa Chí khá thông minh về kỳ nghệ, lại còn tính trẻ nít nên cố tìm thiên phương vạn kế để chiến thắng vị sư bá này. Tuy rằng ván này Mộc Tang đạo nhân vẫn thắng, nhưng phải đương đầu với không ít phen nguy hiểm, không thể thắng một cách dễ dàng được.

Sáng sớm hôm sau, Mộc Tang đạo nhân lại kéo Viên Thừa Chí chơi cờ, bị cậu bé đánh bại ba ván liền. Lão phải chùn lại, đổi từ chấp chín quân cờ xuống còn chấp tám quân. Không đến một tháng, Viên Thừa Chí đã nhớ rất nhiều xảo thuật, những nước cờ kỳ diệu mà Mộc Tang đạo nhân đã dùng, kỳ nghệ tiến bộ rất nhiều. Mộc Tang đạo nhân chỉ còn có thể nhường cậu ba quân, đánh mới có thắng có thua.

Viên Thừa Chí dụng tâm về môn cờ vây, thời gian luyện võ tự nhiên phải bớt đi, kiếm pháp tiến bộ không bằng lúc luyện quyền chưởng. Mục Nhân Thanh nể mặt ông bạn già, lúc đầu không nói gì, nhưng sau này nhìn thấy một già một trẻ suốt ngày quên ăn quên ngủ, ngồi chơi cờ riết, chẳng được tích sự gì. Ông bèn thầm dặn Thừa Chí: “Mỗi ngày chỉ được chơi một ván cờ với Mộc Tang đạo nhân thôi, phải để thời gian luyện võ.”

Nghe sư phụ nhắc nhở, Viên Thừa Chí chợt nghĩ: “Đúng là mình đã hoang phí nhiều ngày không luyện võ!” Cậu bứt rứt trong lòng, lập tức đi luyện kiếm hai ngày liền.

Hai ngày sau Mộc Tang đạo nhân rủ chơi cờ, cậu đáp là phải luyện kiếm. Mộc Tang đạo nhân bèn nói: “Ngươi cứ tới đây chơi cờ với ta. Chơi xong, ta sẽ dạy cho ngươi một môn công phu. Sư phụ của ngươi nhất định sẽ hoan hỉ.”

Thừa Chí nói: “Để con đi hỏi sư phụ đã.”

Mộc Tang đạo nhân bảo: “Được! Ngươi đi hỏi đi.”

Viên Thừa Chí liền chạy vào nhà, nói cho sư phụ biết. Mục Nhân Thanh vừa nghe đã mừng thầm.

Ngoại hiệu Mộc Tang đạo nhân vốn không phải là Thiên Biến Vạn Kiếp. Hồi còn trẻ, vì khinh công của lão tuyệt diệu, thân pháp biến hóa ảo diệu vô cùng, người trên giang hồ mới tặng cho lão một ngoại hiệu là Thiên Biến Vạn Hóa Thảo Thượng Phi. Sau này, lão mới say mê môn cờ vây. Đạo lý của cờ vây thường nhắc đến chữ “kiếp”, tức là “cướp vị trí”, vô số biến hóa đều từ đó mà sinh ra.

Võ công của Mộc Tang đạo nhân rất cao, mà lão lại cho là bình thường chẳng có chi kỳ lạ. Còn kỳ nghệ của lão chỉ hơn người thường một tí, lão lại tự phụ vô cùng, nên mới tự đặt một cái ngoại hiệu là Thiên Biến Vạn Kiếp Kỳ Quốc Thủ. Mọi người nể mặt, không tiện bỏ cái ngoại hiệu lão tự đặt, nhưng ai cũng biết kỳ nghệ của lão còn cách hai chữ “quốc thủ” hàng vạn dặm, nên mới gọi tắt đi là Thiên Biến Vạn Kiếp.

Thật ra bốn chữ này có ý ca ngợi võ công của lão biến hóa hàng ngàn chỗ, khiến người ta phải bái phục vạn đời. Nhưng nếu ai giải thích như vậy trước mặt, thì Mộc Tang nhất định không bằng lòng, thậm chí còn nổi giận nữa. Phải bắt đối phương thừa nhận cái ngoại hiệu này là chỉ về kỳ nghệ, hoàn toàn không có liên quan gì đến võ công, lão mới chịu thôi.

Trước nay chính Mục Nhân Thanh cũng phải thán phục võ công của lão có chỗ độc đáo. Lão chưa chịu nhận một đồ đệ nào, bây giờ lại đồng ý truyền thụ võ công cho Viên Thừa Chí, nhất định chỉ vì nhịn không nổi cơn nghiện chơi cờ.

Mục Nhân Thanh vội vã kéo tay Thừa Chí dắt ra, thi lễ với Mộc Tang đạo nhân rồi nói: “Huynh chịu dạy cho tiểu đồ của ta, ta xin đa tạ trước.” Ông lại bảo Thừa Chí dập đầu bái sư Mộc Tang đạo nhân.

Viên Thừa Chí quỳ ngay xuống, nhưng Mộc Tang tung vọt người đi, vừa xua hai tay loạn lên vừa nói: “Ta không nhận đồ đệ! Nếu nó muốn ta dạy võ công, thì phải dựa vào bản lãnh mà thủ thắng.”

Mục Nhân Thanh kinh ngạc hỏi: “Thằng bé này có bản lãnh gì mà thắng được huynh?”

Mộc Tang đạo nhân không đáp ngay câu hỏi mà nói: “Về kiếm pháp hay quyền thuật, thì Mục huynh thiên hạ vô song, lão đạo này bái phục chịu ở hạ phong. Thằng bé này chỉ cần học được hai ba phần công phu của huynh, là trên giang hồ đã khó tìm địch thủ rồi. Nhưng nói về khinh công hay ám khí, thì lão đạo cũng có một hai chiêu.”

Mục Nhân Thanh nói: “Ai chẳng biết huynh là Thiên Biến Vạn Kiếp, chiêu thức kỳ lạ biến hóa hàng muôn thứ?”

Mộc Tang mỉm cười lắc đầu: “Bốn chữ Thiên Biến Vạn Kiếp là nói về kỳ nghệ của lão đạo thiên hạ vô song, hoàn toàn không có liên quan gì đến võ công, tuyệt đối không nên nhầm lẫn. Chỉ vì Mục huynh là tông sư một phái, chuyện gì cũng đàng hoàng ngay ngắn, khí phách phong độ, nên mới không chịu hạ mình luyện những môn khinh công, ám khí. Vì thế mà lão đạo mới được tự hào về hai môn đó. Bây giờ huynh cứ để Thừa Chí mỗi ngày chơi với ta hai ván cờ, ta chấp nó ba quân. Nếu ta thắng, thì coi như nó có lòng hiếu thảo, bỏ thời giờ ra tiêu khiển cho sư bá. Nếu nó thắng một ván, ta sẽ dạy cho nó một chiêu khinh công. Nếu nó thắng liền hai ván, thì ngoài khinh công ra ta còn dạy thêm một chiêu ám khí. Chơi cờ phải có đặt cược mới vui, thì đó chính là những thứ để đặt cược rồi. Huynh thấy như vậy có công bằng hay không?”

Mục Nhân Thanh nghĩ bụng: “Lão đạo này thật là biết khôi hài.” Ông bèn nói: “Được! Chúng ta cứ thế mà làm. Ta vốn sợ Thừa Chí mê chơi cờ mà chậm rèn luyện công phu. Bây giờ chơi cờ có ích lợi như thế, thì mỗi ngày hai người cứ chơi tám ván hay mười ván, ta cũng mặc kệ.”

Mộc Tang đạo nhân và Thừa Chí nghe vậy cả mừng, một già một trẻ lại tiếp tục chơi cờ.

Hôm đó Mộc Tang đạo nhân thắng một ván, thua một ván. Chơi xong, lão bảo Thừa Chí: “Hôm nay ta dạy cho ngươi một chiêu khinh công. Tuy chỉ là một chiêu, nhưng nếu ngươi cố gắng luyện tập thì có thể dùng suốt đời rồi. Cố gắng nhìn kỹ đây!”

Vừa nói xong, không thấy lão cong lưng hay lấy đà gì cả, đột nhiên toàn thân bay vọt lên, đứng trên ngọn một cây lớn. Nhào lộn trên không một cái, lão lại đứng ngay trước mặt Viên Thừa Chí. Cậu bé chỉ biết há mồm trợn mắt, ngơ ngác rồi vỗ tay hoan hô vang dội.

Mộc Tang liền dạy cho Viên Thừa Chí chiêu khinh công Phiên Vân Thừa Long đó. Tuy chỉ là một chiêu, nhưng để thi triển cho đúng phải luyện kình lực ở hông đùi, cước pháp, nhãn lực, vô số ảo diệu bên trong. Thừa Chí hết sức dụng tâm mà nhất thời cũng không nhớ hết được.

Ngày hôm sau Thừa Chí thua liền hai ván, không được gì cả. Mộc Tang đạo nhân cả mừng, vô cùng hả hê. Đến sáng ngày thứ ba, Viên Thừa Chí đột nhiên xuất kỳ binh, bỏ trống cả bốn góc, chỉ lo giữ chặt trung ương, quả nhiên thắng cả hai ván. Mộc Tang đạo nhân không phục, đòi chơi hai ván nữa, lần này một thắng một thua. Cộng lại, Mộc Tang phải dạy cho Viên Thừa Chí ba chiêu.

Mộc Tang đạo nhân dạy cho Viên Thừa Chí hai chiêu khinh công nữa. Đợi cậu nhớ kỹ xong, lão mới hỏi: “Khi gặp địch thủ thì ta sử dụng binh khí gì, ngươi có biết không?”

Viên Thừa Chí lắc đầu. Mộc Tang đạo nhân mỉm cười, nắm lấy bàn cờ nói: “Trước kia ta cũng dùng kiếm, nhưng gần đây đã chuyển qua cái món này.”

Viên Thừa Chí đã thấy cái bàn cờ này đúc bằng thép tốt, nhưng cứ tưởng lão thích chơi cờ nên lúc nào cũng mang theo, sợ hư hỏng nên mới dùng thép đúc nên. Không ngờ đó cũng là binh khí để đối địch.

Mộc Tang đạo nhân nắm lấy một vốc quân cờ, cười nói: “Đây là ám khí của ta.”

Lão tiện tay ném ra, mười mấy quân cờ văng lên không trung. Đợi rơi xuống, Mộc Tang đạo nhân đưa bàn cờ đón lấy. Chỉ nghe một tiếng “kịch” duy nhất, mười mấy quân cờ đồng thời nằm yên trên bàn cờ. Thừa Chí há hốc mồm, hồi lâu không nói được tiếng nào.

Mười mấy quân cờ được quăng lên trời, khi rơi xuống nhất định phải có trước có sau. Hơn nữa, khi quân cờ bằng sắt rớt trúng bàn cờ bằng thép, nhất định phải vang lên những tiếng leng keng. Thế mà mười mấy quân cờ rơi xuống chỉ nghe “kịch” một tiếng, dĩ nhiên đã được ném lên bằng thủ kình đều đặn phi thường. Quân cờ rơi xuống bàn cờ không nảy đi chút nào, vì bàn tay phải của lão đạo hơi gằn xuống một chút, triệt tiêu hết đà rơi. Thế là mười mấy quân cờ rơi từ trên trời xuống mà giống như dùng tay đặt lên nhẹ nhàng vậy.

Mộc Tang đạo nhân mỉm cười, lại nói: “Muốn phóng ám khí thì phải luyện lực đạo trước, rồi mới luyện phát xạ chính xác sau. Ám khí khi phóng ra phải nắm chắc được cân lượng nặng nhẹ, rồi mới tính cho chính xác được.”

Sau đó Mộc Tang đạo nhân truyền thụ cho Viên Thừa Chí tâm pháp vận thủ kình để ném quân cờ ra.

*

*   *

Mộc Tang đạo nhân ở lại tuyệt đỉnh Hoa Sơn thấm thoát đã nửa năm. Ngày nào lão cũng chơi cờ với người bạn nhỏ, lưu luyến quên hết thời gian, vui vẻ quên hết mệt mỏi. Toàn bộ tâm pháp công phu về khinh công ám khí, trong nửa năm này lão hoàn toàn không giấu giếm gì, dốc túi truyền thụ hết cho Viên Thừa Chí.

Hôm nay đã là đầu mùa đông rồi. Buổi sáng Viên Thừa Chí luyện quyền kiếm, buổi chiều cậu ngồi chơi cờ dưới tán cây với Mộc Tang đạo nhân.

Lúc này kỳ nghệ của cậu đã cao hơn Mộc Tang rồi. Nếu hai người chơi sòng phẳng không nhường nước nào, thì Mộc Tang đạo nhân thắng ít thua nhiều. Cho dù Thiên Biến Vạn Kiếp, nhưng biến tới biến lui vẫn thua trận như thường. Thua càng nhiều, lão càng phải truyền thụ lắm thứ võ công.

May mà kỳ nghệ của lão đạo biến hóa có chừng, nhưng võ học của lão lại bao la bát ngát. Thua cờ nhiều tới đâu, lão vẫn có đủ chiêu số để trả nợ cho Viên Thừa Chí, tưởng chừng không bao giờ cạn kiệt.

Hôm đó, lão dạy cho cậu thủ pháp phát xạ ám khí Mãn Thiên Hoa Vũ, đồng thời bắn ra bảy quân cờ, quân cờ nào cũng phải bắn trúng huyệt đạo địch thủ. Loại võ công thượng thừa này không phải một sớm một chiều mà học được. Viên Thừa Chí đã khổ luyện hai tháng về công phu phát xạ ám khí này, nhưng mới đồng thời phát ra ba bốn quân cờ mà mỗi lần cũng chỉ trúng được một hai quân.

Mộc Tang đã làm một cái bia bằng gỗ, trên bia vẽ hình người, sai ông câm cầm chạy qua chạy lại. Mộc Tang la lên: “Thiên Tông, Kiên Trinh, Ngọc Chẩm.”

Viên Thừa Chí bắn ra ba quân cờ, đánh trúng hai huyệt Thiên Tông, Ngọc Chẩm, còn huyệt Kiên Trinh bị lệch đi.

Mộc Tang lại la lên: “Quang Viên, Thần Phong, Trung Đỉnh.”

Ông câm vừa chạy vừa lắc lư tấm bia gỗ. Viên Thừa Chí thi triển khinh công rượt theo. Tay cậu vừa vẫy ra, Mộc Tang đã la lên: “Huyệt Quang Viên không trúng.”

Lão đang định ra lệnh tiếp, bỗng nghe Thừa Chí kinh hãi la lớn. Cậu bé chạy tới nắm lấy cánh tay ông câm, dùng sức kéo mạnh.

Ông câm ngơ ngác quay đầu lại, đột nhiên thấy một con vượn to lớn đứng sau lưng mình, mặt mũi xấu xí ghê tởm, nhe nanh múa vuốt, chồm chồm muốn phóng tới. Ông câm bèn đưa tấm bia gỗ toan đánh lên đầu con vượn đó. Đột nhiên tay ông bị túm chặt, thì ra bị Mộc Tang đạo nhân nắm kéo lại.

Mộc Tang la lên: “Thừa Chí! Ngươi đối phó với nó.”

Thừa Chí biết Mộc Tang sư bá kiểm tra công phu của mình, bèn lớn tiếng vâng dạ. Cậu bắt chéo hai tay, nhẹ nhàng tung người đến trước mặt con vượn khổng lồ này.

Con vượn thấy cậu không sợ mà nhảy đến trước mặt, bèn quay lưng muốn chạy. Thừa Chí vung tay đánh mạnh vào lưng nó, nghe “bịch” một tiếng. Con vượn khổng lồ đau quá kêu lên chét chét, quay lại vươn cánh tay dài muốn túm lấy địch thủ.

Thừa Chí nhún người nhảy ra, đang muốn tìm chỗ sơ hở để đánh tiếp, đột nhiên cảm thấy sau lưng có gió, hình như bị đánh lén. Cậu không kịp quay đầu lại, dùng chân trái điểm mạnh xuống đất, nhảy bật lên không trung. Chưa rơi trở xuống, cậu đã thấy kẻ đánh lén mình là một con vượn khổng lồ khác.

Viên Thừa Chí đã lên núi luyện võ mấy năm, nhưng chỉ chiết chiêu với sư phụ, chưa từng tỉ đấu thật sự. Hai con vượn khổng lồ này tuy dữ tợn, nhưng cậu cũng không sợ hãi, thi triển Phục Hổ Chưởng để đối địch. So với hồi nhổ lông báo trên đỉnh núi Thánh Phong, lúc này kình lực cùng chưởng pháp đương nhiên đã khác rất xa.

Nghe tiếng reo hò, Mục Nhân Thanh chạy ra, nhìn thấy Viên Thừa Chí đang ra sức giao đấu với hai con thú. Tay cậu đánh tới đâu, hai con vượn này đau đớn kêu la đến đó. Mục Nhân Thanh mừng rỡ nghĩ thầm: “Thằng bé này không uổng một phen tâm huyết của ta.”

Hai con vượn khổng lồ này trúng đòn nhiều, không dám tới gần nữa, chỉ nhảy tới nhảy lui tìm cơ hội để phóng tới.

Mục Nhân Thanh thấy rõ ràng chưởng pháp của Viên Thừa Chí đủ kiềm chế hai con súc sinh, nhưng muốn xem thử kiếm pháp của cậu thế nào, liền chạy vào trong lấy trường kiếm ra, hô lớn: “Đón kiếm!” Rồi ông tung thanh kiếm lên trời.

Viên Thừa Chí vọt người lên, vươn tay phải ra bắt lấy chuôi kiếm. Trường kiếm vào tay như hổ thêm cánh, người chưa rơi xuống cậu đã xuất chiêu Xuyên Trâm Nhẫn Tuyến, đâm vào vai một con vượn lớn. Nó vội vã nhảy lùi tránh né.

Viên Thừa Chí thi triển kiếm pháp, lập tức hai con vượn khổng lồ bị trùm trong lưới kiếm quang. Mộc Tang kêu lên: “Thừa Chí! Đừng hại mạng chúng.”

Thừa Chí vâng một tiếng, múa kiếm càng gấp rút hơn. Lúc này cậu muốn giết hai con vượn lớn này thật dễ như trở bàn tay. Chỉ một lúc là chúng bị kiếm vạch vào mông, vai, đùi, đầu, trúng thương liên tục. Nhưng rút cuộc Thừa Chí vẫn không ra sát thủ, chiêu nào cũng chỉ điểm nhẹ tới lại rút về.

Hai con vượn lớn này rất có linh tính. Lúc đầu chúng còn cố gắng tránh né, nhưng về sau nhận ra hễ mình tránh né thì lưỡi kiếm đuổi theo, khi dừng chân thì đối phương lại thu hồi chiêu thức, hiểu rằng địch thủ cố ý nương tay. Chúng đồng thanh kêu lên mấy tiếng rồi khom mình xuống đất, hai tay ôm đầu, không phóng tới mà cũng không chạy trốn nữa. Bốn con ngươi chuyển động qua lại, nhìn Thừa Chí lộ ra sắc thái van xin.

Thấy Viên Thừa Chí đã kiềm chế được hai con súc sinh, ông câm vui mừng đến nỗi giậm chân vỗ tay, chạy ngay vào nhà lấy ra một cuộn dây gai, trói hai con vượn khổng lồ này lại. Chúng nhe răng gào thét, nhưng ông câm chỉ dùng sức bấu cho một cái là gân cốt đau kịch liệt, không dám phản kháng nữa. Hai con vượn đành ngoan ngoãn chịu trói, miệng vẫn khẹc khẹc không dứt.

Mộc Tang đạo nhân và Mục Nhân Thanh đều lên tiếng khen ngợi võ công Viên Thừa Chí có phần tiến bộ. Cậu bé vui mừng, lấy thuốc kim sang ra băng bó vết thương cho hai con vượn, lại hái cho chúng một ít trái cây, hạt dẻ.

Nuôi được bảy tám ngày, hai con được tháo bỏ dây trói nhưng vẫn không bỏ trốn. Thừa Chí cả mừng, đặt tên cho con đực là Đại Oai, con cái là Tiểu Oai, hễ gọi tên là vượn đến ngay.

Mục Nhân Thanh và Mộc Tang thấy con vượn lớn lông lá xù xì lại được đặt cho cái tên nghe có vẻ lanh lợi, không khỏi buồn cười.

Đại Oai và Tiểu Oai càng nuôi càng thuần, hễ Thừa Chí ra lệnh là lập tức thi hành.

*

*   *

Một hôm, hai con vượn lớn tới bên bờ vực thẳm ở phía tây để hái trái cây. Vực thẳm này có một mặt hơi nghiêng có thể leo trèo, còn mặt kia thì giống như một bức tường rất phẳng, hoàn toàn không có chỗ nào để bám víu.

Hai con vượn vừa hái trái cây vừa đùa giỡn, Tiểu Oai đột nhiên bị sẩy chân, rơi về phía vách núi trơn tru. Chỗ này cách mặt đất hơn bốn mươi trượng, rơi xuống đương nhiên là tan xương nát thịt.

Đại Oai sợ đến mất hồn, chạy đến bên vách núi nhìn xuống thì thấy Tiểu Oai may mắn chưa rơi hẳn xuống. Hai cánh tay dài ngoằng của nó đang móc vào một cửa động trên vách núi. Sơn động này đã lâu năm không ai lui tới, đất đá bịt kín cửa động. Lúc Tiểu Oai rơi xuống dọc vách núi, nó đưa tay quơ quào loạn xạ, may mà cạy rớt được chỗ đất đá đó ra, nên mấy ngón tay chụp được nền động.

Thân hình Tiểu Oai treo giữa không trung, lên cũng không được xuống cũng không xong, bối rối không biết làm gì. Đại Oai cũng vô kế khả thi, liền chạy đi tìm người cứu.

Thừa Chí đang luyện kiếm, bỗng thấy Đại Oai bị gai góc cào rớm máu khắp nơi, thần sắc kinh hãi, vừa nhảy nhót vừa kêu chí chóe loạn xạ, biết ngay Tiểu Oai đã gặp nguy hiểm gì rồi. Cậu liền gọi ông câm, theo Đại Oai đi đến đó.

Đại Oai chỉ vào vách núi phẳng phiu, vừa nhảy chồm chồm vừa kêu thảm thiết. Viên Thừa Chí và ông câm đến gần để xem, thấy ngay Tiểu Oai bị treo giữa lưng chừng trời đất.

Viên Thừa Chí quay về thạch thất lấy mấy sợi dây dài, cùng ông câm và Đại Oai chạy đến bên vách núi, nối ba sợi dây lại thòng xuống dưới. Tiểu Oai đã gần kiệt sức, vừa thấy dây là dùng cả hai tay hai chân cố sức túm chặt. Ông câm và Đại Oai hợp sức kéo Tiểu Oai lên.

Tiểu Oai chỉ bị đá núi cào xước mấy chỗ, không nặng gì. Nhưng nó vừa kêu chét chét vừa đưa bàn tay phải ra trước mặt Viên Thừa Chí. Cậu bé nhìn kỹ, thấy trên bàn tay vượn có ghim hai mũi ám khí hình con rắn nhỏ trông rất kỳ lạ. Cậu đưa tay nhổ thử nhưng không giật ra được, Tiểu Oai lại đau đớn nhảy loạn lên, biết ngay loại ám khí này có móc ngược.

Thừa Chí kinh hãi nghĩ thầm: “Chẳng lẽ có địch đến đây?” Cậu dùng tay ra hiệu, cố hỏi Tiểu Oai xem ai tấn công nó. Tiểu Oai dùng cả tay chân quơ loạn lên, hình như nói là khi thò tay vào động thì bị đâm trúng.

Viên Thừa Chí lại càng kinh ngạc. Cậu nghĩ: “Trên vách núi phẳng phiu này vốn không lộ ra cửa động, mà động đó ở lưng chừng, cách đỉnh núi và cách mặt đất đều khá xa, tại sao lại có ám khí bên trong?” Cậu nghĩ mãi vẫn không đoán ra, bèn đi tìm sư phụ và Mộc Tang đạo nhân.

Hai người nghe Viên Thừa Chí kể lại sự tình, lại thấy ám khí trên bàn tay Tiểu Oai, đều cảm thấy kỳ lạ. Mộc Tang nói: “Trước nay ta thích dùng ám khí, cứ tưởng ám khí của môn phái nào trên giang hồ mình cũng thấy rồi. Thế mà loại tiểu truy hình con rắn này hôm nay mới gặp lần đầu. Lão Mục! Chuyện này thật làm ta mất mặt.”

Mục Nhân Thanh nghe vậy lại càng thấy lạ, liền nói: “Cứ nhổ ra rồi tính.”

Mộc Tang đạo nhân về phòng, lấy trong bao thuốc ra một con dao rất bén. Lão dùng dao rạch bàn tay Tiểu Oai, lấy được hai mũi ám khí ra. Tiểu Oai cũng biết là nó đang được trị thương nên không phản kháng gì cả. Sau đó Mộc Tang bó thuốc cho Tiểu Oai, dùng vải buộc vết thương lại.

Tiểu Oai gặp phải đại nạn này, bộ dạng rầu rĩ vô cùng. Đại Oai phải tới bắt rận và gãi ngứa cho nó như để an ủi, cố gắng làm nó vui trở lại.

Hai mũi ám khí đó dài khoảng hai tấc tám phân, đúc thành hình một con rắn nhỏ thè lưỡi ra. Đầu lưỡi rắn chẻ làm hai nhánh, mỗi nhánh có một cái móc ngược. Thân rắn đen thui, dính đầy bụi đất và rêu. Mộc Tang cầm lên soi tỉ mỉ, dùng dao nhỏ cạo những chỗ dơ bẩn trên thân rắn. Mũi tiểu truy hình con rắn này từ từ sáng lên, lấp lánh ánh vàng.

Mộc Tang nói: “Chẳng trách một mũi ám khí nhỏ xíu mà nặng đến thế, thì ra được đúc bằng vàng. Người sử ám khí này thật là hào phóng, cứ vẫy tay một cái là mất hơn một lạng hoàng kim.”

Mục Nhân Thanh bỗng vỗ đùi một cái, nói: “Cái này của Kim Xà Lang Quân.”

Mộc Tang hỏi: “Kim Xà Lang Quân? Huynh nói là Hạ Tuyết Nghi ư? Nghe nói y đã chết mười mấy năm rồi.”

Nói tới đó, đột nhiên lão la lên: “Không sai! Đúng là y.”

Khi dùng dao nhỏ cạo sạch phía dưới bụng rắn, lão thấy hiện ra một chữ Tuyết. Mũi xà truy kia cũng có chữ này.

Thừa Chí hỏi: “Sư phụ! Kim Xà Lang Quân là ai vậy?”

Mục Nhân Thanh đáp: “Việc này lát nữa hãy nói. Đạo huynh! Theo huynh thì sao y lại giấu ám khí trong cái động này?”

Mộc Tang suy nghĩ mãi không nói gì, ngơ ngác xuất thần. Thừa Chí thấy thần sắc sư phụ và Mộc Tang sư bá trông rất trịnh trọng, không dám hỏi nhiều.

Ăn cơm xong, Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đạo nhân ngồi trước ngọn nến, nói rất nhiều chuyện, phần lớn Thừa Chí không hiểu. Hình như họ bàn về những chuyện truy sát, báo cừu.

Mộc Tang đạo nhân bỗng nói: “Theo huynh thì Kim Xà Lang Quân đến đây có phải vì trốn tránh kẻ thù không?”

Mục Nhân Thanh nói: “Với võ công cơ trí của y, lẽ ra không cần phải chạy từ Giang Nam đến nơi xa xôi này, trốn vào nơi hoang sơn dã lãnh.”

Mộc Tang lại hỏi: “Chẳng lẽ người này vẫn chưa chết ư?”

Mục Nhân Thanh nói: “Con người này xưa nay hành sự xuất quỷ nhập thần. Nhiều năm đi lại giang hồ, ta chỉ nghe oai danh của y nhưng chưa từng gặp. Cũng nghe nói là y đã chết rồi, nhưng không ai biết chắc y chết như thế nào.”

Mộc Tang đạo nhân thở dài rồi nói: “Con người này hành sự rất kỳ lạ. Lúc thì cùng hung cực ác, lúc lại hành hiệp trượng nghĩa, khiến cho người ta không biết đâu mà lần. Ta đã mấy phen muốn tìm y, nhưng không tìm được.”

Mục Nhân Thanh nói: “Thôi, đừng đoán bừa nữa. Ngày mai chúng ta vào sơn động đó để tìm hiểu thử xem.”

Sáng sớm hôm sau, Mục Nhân Thanh, Mộc Tang đạo nhân, Viên Thừa Chí và ông câm, bốn người mang theo dây nhợ, binh khí trèo lên đỉnh vách núi đó. Mộc Tang đạo nhân bảo: “Để ta xuống dưới.”

Mục Nhân Thanh gật đầu đáp: “Nhớ cẩn thận!”

Ông lấy dây cột vào lưng lão đạo, rồi cùng với ông câm giữ chặt, từ từ thả lão xuống vách núi.

Mộc Tang đạo nhân một tay xách cái bàn cờ thép, tay kia cầm ba quân cờ, xuống đến cửa động, nhìn vào bên trong. Dưới chân lão sương mù dày đặc trôi giạt theo gió, không thấy mặt đất đâu. Tuy khinh công của lão thuộc vào loại đệ nhất thiên hạ, ngày thường vẫn coi những nơi tuyệt lãnh hiểm phong như chỗ đất bằng, nhưng bây giờ cũng thoáng chút run sợ.

Mộc Tang thò đầu nhìn vào trong động, nhưng bên trong tối đen không thấy gì cả, chỉ cảm thấy động này rất sâu. Cửa động nhỏ quá, người không chui vào được, lão bèn dùng một tấm vải quấn lấy bàn tay, nhẹ nhàng thò vào trong động để thăm dò. Đụng phải mấy vật nhọn cắm ở cửa động, sờ vào biết ngay là Kim xà truy, lão nhẹ nhàng rút ra.

Lão rút được tổng cộng mười bốn cái. Đến khi mặt lão đã áp sát cửa động thì không thể mò sâu hơn nữa, lúc đó lão mới hô lớn: “Kéo ta lên đi!”

Mục Nhân Thanh từ từ rút dây kéo lão lên. Còn cách đỉnh núi khoảng hai trượng, Mộc Tang đạo nhân ấn chân phải vào vách đá, tung người nhảy vọt lên. Lão đặt lên bàn cờ một nắm Kim xà truy, mỉm cười nói: “Lão Mục, anh em mình phát tài rồi. Kiếm được nhiều vàng thế này!”

Sắc mặt của Mục Nhân Thanh lại rất nghiêm trọng, cặp mày chau lại. Ông thủng thẳng nói: “Con người quái lạ ấy đặt những thứ này ở đó, không biết để làm gì. Trong động còn gì nữa không? Để ta xuống xem thử.”

Mộc Tang đạo nhân nói: “Huynh trèo xuống cũng phí công thôi. Cửa động quá nhỏ, không thể chui vào trong được.”

Mục Nhân Thanh cúi đầu ngẫm nghĩ, không nói gì. Viên Thừa Chí bỗng lên tiếng: “Sư bá! Con xuống được không?”

Mộc Tang đạo nhân nói: “Có thể được. Nhưng vực sâu như thế, ngươi dám xuống không?”

Thừa Chí đáp: “Con dám. Sư phụ, con xuống đó có được không?”

Mục Nhân Thanh thầm nghĩ: “Tay quái khách giang hồ đó đã bố trí vật chí bảo phòng thân ở đây, chắc chắn là có dụng ý. Chúng ta ở kế bên, nhất định phải thám thính, tra xét rõ ràng. Nhưng e rằng trong động có nguy hiểm, thằng bé này một mình vào đó là chuyện đáng lo.” Ông bèn nói: “Ta sợ trong động có chuyện nguy hiểm.”

Thừa Chí nài nỉ: “Sư phụ, con cẩn thận là được rồi.”

Mục Nhân Thanh thấy Viên Thừa Chí đang hưng phấn, nhấp nhổm muốn thử sức một phen, liền gật đầu nói: “Ngươi hãy thắp một ngọn đuốc, đưa vào trong động trước đã. Nếu lửa tắt thì nhất định không được vào.”

Thừa Chí vâng dạ rồi tay phải cầm kiếm, tay trái cầm đuốc, thòng dây trèo xuống vực thẳm. Cậu làm theo lời sư phụ dặn dò, đưa ngọn đuốc vào trong động trước. Nhưng sau khi đất đá bịt kín ở ngoài bị phá vỡ, gió núi lồng lộng đã thổi uế khí trong động bay sạch hết, nên ngọn đuốc không bị tắt.

Viên Thừa Chí từ từ bò vào trong, thấy đây là một ngõ hẹp thiên nhiên, thật ra là một cái kẽ nứt trong lòng núi. Bò được mười mấy trượng, trần động cao dần, tiếp một trượng nữa đã có thể đứng thẳng dậy. Viên Thừa Chí duỗi thẳng lưng, tiếp tục đi tới.

Trước mặt có một chỗ quanh, cậu không dám sơ ý, tay phải cầm kiếm chĩa ra trước ngực, cẩn thận tiến tới. Đi được hai ba trượng, phía trước đột nhiên mở rộng, xuất hiện một động lớn, giống như một tòa thạch thất.

Thừa Chí vừa đưa ngọn đuốc lên soi sáng, bỗng rùng mình kinh hãi. Ở vách đá đối diện có một bộ hài cốt, y phục đã mục nát hư hỏng bảy tám phần, nhưng vẫn còn nhìn rõ hình người.

Nhìn thấy cảnh tượng này, trái tim cậu bé đập thình thịch một lúc. Nhưng trong thạch thất này không có việc gì đáng sợ xảy ra nữa, nên cậu bình tĩnh đưa ngọn đuốc lên cao, quan sát tỉ mỉ.

Trước bộ hài cốt có mười mấy mũi Kim xà truy vứt lung tung dưới đất. Vách đá nhẵn nhụi, trên vách có khắc vô số hình người bằng mũi dao kiếm gì đó. Mỗi hình người đều có tư thế khác nhau, giơ tay giơ chân như đang luyện võ.

Viên Thừa Chí nhìn tỉ mỉ, thấy toàn là đồ hình được vẽ san sát với nhau. Cậu không hiểu người ta vẽ ở chỗ này để làm gì. Cuối những đồ hình có mười sáu chữ cũng khắc bằng lợi khí: “Trọng bảo bí thuật; Tặng người hữu duyên; Làm môn hạ ta; Gặp họa đừng oán.” Chữ viết nghiêng ngả, nét khắc vào đá nông cạn, hình như khi khắc tới những chữ này thì người khắc đã kiệt lực. Bên mười sáu chữ có một cái chuôi kiếm lộ ra. Hình như đó là một thanh kiếm đã đâm sâu vào vách đá, ngập đến tận chuôi.

Cậu bé nổi tính hiếu kỳ, nắm thử chuôi kiếm, dùng sức lắc nhẹ một cái, thấy lay động nhưng không dám rút tiếp.

Đang định xem xét thêm, bỗng nghe thấy ngoài động có tiếng gọi, cậu liền chạy ra ngoài. Qua khỏi chỗ ngoặt, đi hết đoạn đường rộng, Thừa Chí đã nghe rõ giọng Mộc Tang đạo nhân kêu tên mình, liền lớn tiếng vâng dạ rồi bò ra ngoài.

Thì ra Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đạo nhân đứng trên đỉnh núi, thấy sợi dây bị kéo đi rất dài, đợi hồi lâu không thấy cậu bé trở ra, trong lòng lo lắng. Mộc Tang bèn theo sợi dây đó xuống để tìm hiểu, nhưng lão không chui vào trong được, đành phải đứng phía ngoài động mà hô hoán.

Thừa Chí bò ra ngoài, nói với Mộc Tang đạo nhân: “Trong động có nhiều thứ rất kỳ lạ.”

Cậu nắm dây giật một cái, Mục Nhân Thanh và ông câm ở phía trên liền kéo hai người lên. Thừa Chí định thần lại một lát, rồi kể lại những gì đã thấy trong động.

Mục Nhân Thanh nói: “Bộ hài cốt đó nhất định là của Kim xà lang quân Hạ Tuyết Nghi. Không ngờ quái kiệt một thời lại vùi xác ở đây.”

Mộc Tang đạo nhân hỏi: “Mười sáu chữ của y để lại, không biết có ý nghĩa gì?”

Mục Nhân Thanh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Chắc là y đã chôn cất bảo vật gì trong động đó. Những đồ hình khắc trên vách đá, đương nhiên là võ công của y rồi. Nhưng mười sáu chữ này có chỗ kỳ bí, hình như ý nói ai được tặng phẩm này coi như là môn nhân của y, không chừng sẽ bị họa hoạn.”

Mộc Tang đạo nhân nói: “Cứ theo nghĩa chữ thì đúng là như thế. Không biết dị nhân này lại bày ra chuyện gì cổ quái nữa đây!”

Mục Nhân Thanh thở dài rồi nói: “Chúng ta không tham lam bảo vật hay bí thuật của y làm gì. Thừa Chí! Ngày mai con vào đó lần nữa, chôn cất hài cốt của vị tiền bối này, đốt nhang đèn rồi khấu bái, coi như tử tế với ông ấy một phen.”

Thừa Chí lập tức vâng dạ.

*

*   *

Sáng sớm hôm sau, Thừa Chí cùng ông câm xách cuốc trèo lên vách núi. Lần này Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đạo nhân đã biết trong động không có gì nguy hiểm, nên không đi cùng.

Thừa Chí và ông câm cột chặt một sợi dây dài vào gốc cây to bên vách núi. Cậu bé nghĩ rằng mai táng hài cốt phải tốn khá nhiều thời gian, nên mang theo tới ba ngọn đuốc. Cậu bò vào trong động, dùng cuốc đào một cái lỗ nhỏ dưới đất, cắm đuốc vào, đắp đất đá giữ chắc lại, rồi mới quay đầu lại nhìn bộ hài cốt.

Viên Thừa Chí nghĩ thầm: “Nghe sư phụ nói, hồi sinh tiền người này là một quái hiệp, không biết sao lại từ trần ở chốn hoang sơn này, bỏ xác trong một sơn động bí hiểm, đến nỗi hài cốt không ai chôn liệm”. Cậu đột nhiên nảy lòng trắc ẩn, bèn quỳ xuống trước bộ hài cốt khấu đầu mấy cái, âm thầm khấn vái: “Đệ tử Viên Thừa Chí vô tình nhìn thấy thi thể, hôm nay xin được an táng cho tiền bối. Mong tiền bối yên nghỉ dưới suối vàng.”

Vừa khấn xong, một đợt gió lạnh từ ngoài động thổi vào. Cậu bé cảm thấy hàn khí ép người, rùng mình lạnh thấu xương.

Viên Thừa Chí không dám ở lại lâu trong huyệt động, lập tức lấy cuốc đào đất. Cậu nghĩ: “Đất đá trong lòng núi chắc là rất cứng, nếu đào không được thì đành phải thu dọn hài cốt, đem chôn ở ngoài động”.

Không ngờ khi chạm xuống nền đất, lưỡi cuốc lại ăn ngọt xớt. Thì ra nền đất trong thạch thất này rất mềm, chẳng khác gì đất ở bên ngoài, đào bới rất dễ dàng. Đào được một hồi, đột nhiên cậu nghe một tiếng “keng”, hình như cuốc trúng vào một vật bằng sắt. Đưa đuốc tới nhìn, Viên Thừa Chí thấy đúng là dưới đó có một miếng sắt. Bới thêm mấy cái để gạt bớt đất đá xung quanh, nhìn rõ đó là một cái hộp sắt lớn, vuông vắn chừng hai thước.

Viên Thừa Chí nhấc cái hộp ra, thấy nó cao chừng một thước. Cậu nhấc rất nhẹ nhàng, hình như trong hộp không chứa đựng cái gì cả. Khi mở nắp ra, thấy cái hộp cạn tới mức kỳ cục, chỉ sâu chừng một tấc, cậu bé không khỏi thắc mắc: “Cái hộp cao tới một thước, sao đáy lại cạn như thế? Chắc chắn bên trong còn một tầng nữa.”

Trong hộp có một phong thư, ngoài viết mấy chữ: “Đã lấy được thì mở ra xem”. Viên Thừa Chí theo lời, mở bì thư ra. Bên trong có một tờ giấy, vì lâu năm nên đã ố vàng.

Thư viết: “Vật trong hộp này, tặng cho người có duyên. Phải chôn hài cốt của ta trước, mới được mở hộp ra. Nhất định phải theo lời.” Trong bì thư còn có hai phong thư nhỏ, một phong viết: “Cách mở hộp”, còn phong kia viết: “Cách chôn hài cốt ta”.

Viên Thừa Chí nhấc cái hộp lên lắc thử, quả nhiên bên trong còn chứa vật gì khác. Cậu nghĩ bụng: “Sư phụ ta thương ông bỏ xác chốn hoang sơn, mới bảo ta an táng cho ông. Đâu phải ta tham lam đồ vật của ông?”

Cậu bèn mở bao thư “Cách chôn hài cốt ta”. Trong đó cũng có một tờ giấy, viết: “Nếu ngươi thành tâm chôn hài cốt cho ta, hãy đào trong hang sâu xuống ba thước nữa rồi mới an táng. Ta muốn nằm sâu dưới đất, không bị sâu kiến hủy hoại”.

Thừa Chí nghĩ: “Làm người tốt thì phải làm đến cùng, ta cứ theo lời ông ấy dặn dò”. Cậu bèn đào tiếp xuống dưới. May mà đất trong động này mềm xốp, nên chẳng tốn nhiều sức.

Đào được chừng ba thước, lại nghe một tiếng “keng”, lưỡi cuốc đụng vào một vật. Bới đất đá ra, cậu lại thấy một cái hộp sắt nhỏ hơn, vuông vắn chừng một thước. Thừa Chí thầm nghĩ: “Vị quái hiệp này thật là kỳ lạ. Không biết hộp này đựng cái gì nữa.” Mở hộp ra xem, cậu giật mình kinh hãi, toát mồ hôi lạnh.

Thì ra trong hộp có một tờ giấy, viết: “Ngươi là kẻ nhân nghĩa trung hậu, đã chôn cất hài cốt của ta, ta sẽ đền đáp bằng trọng bảo bí thuật. Nếu ngươi mở hộp sắt lớn, sẽ có độc tiễn bắn ra. Bí lục và đồ phổ trong đó không phải đồ thật, lại có kịch độc, dùng để trừng phạt những kẻ độc ác tham lam. Đồ thật nằm trong hộp sắt nhỏ này.”

Thừa Chí không dám nghĩ nhiều, đặt hai cái hộp sắt qua một bên, cẩn thận di chuyển hài cốt của Kim Xà Lang Quân vào huyệt, lấp đất, thắp nhang đèn lên, bái lạy mấy cái. Sau đó cậu bưng hai cái hộp ra ngoài.

Dưới ánh đuốc, Viên Thừa Chí thấy phía trong cửa động là những tảng đá xếp thành. Cậu hiểu ra, ngày xưa Kim Xà Lang Quân vào trong động rồi mới dùng đá niêm phong cửa động, tự nhốt mình. Không thì một người khôi vĩ như ông, nhìn bộ xương là biết, quyết không thể chui được vào động.

Viên Thừa Chí gỡ những tảng đá xuống, mở rộng cửa động để sư phụ và Mộc Tang đạo nhân có thể vào trong xem xét. Cậu chui ra, lấy dây cột vào lưng mình, gọi ông câm kéo lên. Sau đó cậu cầm hai cái hộp sắt, đi tìm sư phụ.

Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đạo nhân đang chơi cờ, thấy Viên Thừa Chí đến, liền dừng chơi để nghe Viên Thừa Chí kể lại đầu đuôi. Hai người xem mấy phong thư, đều âm thầm kinh ngạc. Họ mở phong thư ghi “Cách mở hộp” của chiếc hộp sắt lớn ra xem. Trong thư viết: “Bên trái bên phải hộp sắt này đều có nút ấn. Hai tay bưng hộp, đồng thời dùng sức ấn nút, hộp sắt sẽ mở”.

Mộc Tang đạo nhân lè lưỡi, nhìn Mục Nhân Thanh nói: “Cái mạng nhỏ xíu của Thừa Chí, hôm nay suýt nữa là mất trong sơn động đó. Nếu nó hơi tham lam một chút, không chôn cất hài cốt của y mà lo mở cái hộp sắt này ngay, e rằng khó tránh được độc tiễn.”

Mục Nhân Thanh bảo ông câm vác ra một cái thùng gỗ dày, dùi hai lỗ ở hai mặt đối diện, đặt hộp sắt lớn vào trong, rồi dùng một tấm ván lớn đậy thùng gỗ lại. Ông câm lại tìm hai cây nhỏ, theo lỗ ở hai bên mà chọc vào trong thùng.

Mục Nhân Thanh cùng Viên Thừa Chí mỗi người cầm một cây, vận sức ấn vào. Nghe “soạt” một tiếng, chắc là cái nắp tầng thứ hai của hộp sắt đã mở ra. Sau đó những tiếng veo véo, bôm bốp vang lên không dứt, ngay cả cái thùng gỗ lớn cũng phải rung chuyển.

Lát sau Viên Thừa Chí không còn nghe tiếng tên bay, định mở tấm ván ra xem. Mộc Tang vội kéo cậu bé lại, quát lên: “Đợi một chút đã.”

Lão nói chưa dứt, đã nghe veo véo.

Hồi lâu, không còn âm thanh gì nữa. Lúc đó Mộc Tang đạo nhân mới mở tấm gỗ ra. Quả nhiên trên tấm ván và trong thùng gỗ đã có mấy chục mũi đoản tiễn ghim vào, nghiêng có thẳng có, phương hướng đều khác nhau. Mũi tên nào cũng đâm sâu vào thớ gỗ.

Mộc Tang lấy một cái kìm, nhẹ nhàng rút tên ra để một bên, không dám chạm tay vào. Lão thở dài rồi nói: “Người này dụng tâm quá đáng. Y sợ loạt tên đầu bị người ta tránh được, nên mới chia thành hai đợt bắn.”

Mục Nhân Thanh lắc đầu nói: “Giả tỉ người nào có lòng hiếu kỳ, muốn xem trong cái hộp sắt này có gì trước đã, thì đó cũng là lẽ thường tình của con người. Nhưng như vậy thì người đó không chôn được hài cốt của y. Mà ai không chịu chôn hài cốt của y, tưởng cũng chưa đáng chết. Người này dụng tâm sâu sắc như thế, thật sự không phải là chính nhân quân tử. Thừa Chí còn trẻ nít mà lần này lại nhẫn nại dừng tay, không mở cái hộp đó ra xem, đúng là cực kỳ may mắn.”

Ông nhấc cái hộp sắt lớn ra khỏi thùng gỗ. Trong tầng dưới của hộp sắt có rất nhiều lò xo, chính là cơ quan để phóng độc tiễn. Mộc Tang dùng kìm để nhổ bớt lò xo ra, phía dưới xuất hiện một quyển sách, bìa ghi bốn chữ: Kim Xà Bí Kíp. Lão dùng kìm lật thử mấy trang sách, thấy bên trong chi chít chữ nhỏ, lại có rất nhiều đồ hình. Có đồ hình vẽ tư thế luyện võ, cũng có đồ hình vẽ cách chế cơ quan để phóng ám khí.

Khi mở hộp sắt nhỏ ra, thấy trong đó cũng có một quyển sách. Hai quyển sách này kích thước lớn nhỏ, nét chữ, cách đóng bìa không khác gì nhau, nhưng đối chiếu thì thấy nội dung hoàn toàn khác biệt.

Mục Nhân Thanh nói: “Chỉ để trừng trị người không chịu chôn hài cốt cho mình, mà y tốn nhiều công phu như thế để viết sách giả, gắn độc tiễn. Thật ra mình chết rồi thì người khác tốt hay xấu cũng chẳng can hệ gì, không cần phải khổ sở như thế.”

Mộc Tang nói: “Vì con người của y hẹp hòi, nên mới có kết cuộc bi đát như thế. Nhưng sách giả và hộp sắt thì chắc đã được làm trước từ lâu, dùng để đối phó với kẻ địch nào khác. Trước lúc chết, nhất định y không có thời gian cùng tâm lực để chế tạo những thứ hại người này. Mà trong sơn động chưa chắc đã có công cụ để chế tạo cơ quan.”

Mục Nhân Thanh gật đầu than thở. Ông bảo Viên Thừa Chí cất giữ hai cái hộp này, lại nói: “Hành vi của con người này thật là cổ quái. Sách của y viết, có đọc cũng vô ích. Hơn nữa quyển sách giả có chất kịch độc, nhớ là không được đụng vào.”

Viên Thừa Chí lập tức vâng dạ.

Mấy năm sau đó, Viên Thừa Chí cứ tiếp tục luyện võ chơi cờ. Mộc Tang đạo nhân đã đem hết yếu quyết về khinh công và ám khí của mình để truyền thụ cho cậu.

Kỳ nghệ của Viên Thừa Chí ngày càng tiến bộ, bây giờ cậu phải chấp lại Mộc Tang đạo nhân hai quân. Trong khi chơi cậu vẫn thường phải khéo léo nhường nhịn, nhưng dù khéo léo đến đâu cũng không che giấu được.

Mộc Tang đạo nhân ngán ngẩm, cảm thấy ngoại hiệu “Thiên Biến Vạn Kiếp Kỳ Quốc Thủ” của mình không còn xứng đáng nữa. Lão vẫn cho rằng kỳ nghệ của Viên Thừa Chí chỉ ở mức bình thường, không hiểu sao mình lại không thắng nổi, nên bắt đầu cho rằng kỳ nghệ của mình chẳng cao minh gì lắm.

Nhưng bắt lão thừa nhận kỳ nghệ của mình thấp kém, thì thật là thiên nan vạn nan. Một hôm lão thua liên tiếp mấy ván, không đợi xong ván cuối cùng đã đột ngột đứng dậy. Viên Thừa Chí vội xin lỗi, nhưng Mộc Tang chỉ mỉm cười rồi quay lưng đi luôn xuống núi.

Lúc này, Viên Thừa Chí đã cao lớn hơn nhiều, võ công rất tiến bộ. Hồi mới lên Hoa Sơn cậu là một đứa trẻ con, bây giờ đã là một chàng thanh niên khỏe mạnh, anh khí đường đường.

Mấy năm nay, tình thế thiên hạ biến chuyển trong dầu sôi lửa bỏng, bá tính đang gặp vô vàn kiếp nạn. Lũ lụt, hạn hán liên tục, lại thêm nạn châu chấu tàn hại mùa màng. Bọn Mãn Thanh từ quan ngoại không ngừng cho quân xâm lấn. Triều đình không có kế sách kháng địch, bá tính đói khổ chạy nạn khắp nơi, có kẻ phải ăn cả thịt người chết.

Triều đình chỉ lo vơ vét, tăng cường thu thuế để trả đủ lương cho binh lính. Thuế má càng lúc càng nhiều loại, nên dân chúng nổi dậy khắp nơi. Lúc này các thủ lĩnh quân khởi nghĩa Vương Tự Dũng, Cao Nghênh Tường đã tử trận. Sấm tướng Lý Tự Thành lúc thắng lúc bại, tuy gặp nhiều nguy nan, nhưng nhờ đa mưu thiện chiến nên ông thường chuyển bại thành thắng.

Quần hào quy tụ quanh Lý Tự Thành, bộ hạ càng lúc càng đông. Sau vụ Thập Tam Gia Thất Thập Nhị Doanh mở đại hội quân khởi nghĩa ở Doanh Dương tỉnh Hà Nam, thanh thế của Lý Tự Thành lại càng vang dội. Ông đương nhiên trở thành tổng thủ lãnh, được gọi là Sấm Vương, tấn công thành trì, chiếm cứ đất đai, thắng trận liên tiếp.

Thời gian đó Mục Nhân Thanh vẫn thường xuống núi, mỗi khi trở về đều kể lại nỗi khổ của dân chúng cho Viên Thừa Chí biết. Ông đã uống rượu kết giao với Sấm Vương, khuyên Viên Thừa Chí sau khi học võ thành tài phải dùng hết sức để cứu khổ cứu nạn cho bá tính, mục đích của võ công chính là ở đó. Lần nào nghe xong, Viên Thừa Chí cũng cúi đầu bái lĩnh.

*

*   *

Viên Thừa Chí đã kiêm tu võ công thượng thặng của hai phái, là một cao thủ hiếm có trong võ lâm. Chỉ vì mấy năm nay chàng chưa hề đặt chân xuống núi, nên không ai biết trong phái Hoa Sơn đã xuất hiện một thiếu niên anh kiệt như thế.

Một hôm vào tiết đầu xuân, Thừa Chí đang luyện võ thì ông câm đến dùng tay ra hiệu cho biết sư phụ gọi vào. Chàng vào nhà, thấy có hai đại hán đứng hai bên sư phụ. Trên tuyệt đỉnh Hoa Sơn này, ngoài Mộc Tang ra, chưa có người khách nào khác. Viên Thừa Chí nhìn thấy hai người này, không khỏi kinh ngạc.

Mục Nhân Thanh nói: “Vị này là Vương đại ca, vị này là Cao đại ca. Ngươi tới gặp mặt đi.”

Viên Thừa Chí thấy là bằng hữu của sư phụ, liền bước tới thi lễ, cất tiếng chào hỏi: “Vương sư thúc, Cao sư thúc!”

Hai người kia lập tức quỳ xuống, nói: “Không dám! Xin Viên sư thúc đứng dậy.”

Nghe họ gọi lại mình là sư thúc, Viên Thừa Chí kinh ngạc vô cùng. Mục Nhân Thanh vừa cười ha hả vừa bảo mọi người đứng dậy. Hai người kia ăn mặc theo kiểu nông dân, nhưng thần sắc ra vẻ anh hùng thượng võ.

Mục Nhân Thanh mỉm cười bảo Viên Thừa Chí: “Trước nay ngươi chưa từng theo ta xuống núi, nên không biết vai vế của mình cao đến mức nào, đừng khách sáo quá. Các ngươi đừng gọi nhau là sư thúc, cứ theo tuổi tác mà hô huynh gọi đệ là được rồi.”

Thì ra họ Vương và họ Cao là huynh đệ đồng môn. Sư phụ của họ không cùng sư môn với Mục Nhân Thanh, nhưng gọi ông là sư thúc để tỏ lòng tôn kính bậc trưởng bối. So về danh phận, thì đúng là hai người này còn dưới Thừa Chí một cấp.

Mục Nhân Thanh nói: “Hai vị đại ca này từ xa đến đây, phụng mệnh Sấm Vương mời ta đi bàn một chuyện. Sáng mai ta phải xuống núi rồi.”

Thừa Chí nói: “Sư phụ! Phen này con muốn theo sư phụ đi thăm Thôi thúc thúc, có được hay không?”

Chàng ở trên ngọn núi này đã quá lâu, rất nhiều lần đòi theo sư phụ xuống núi, nhưng chưa bao giờ được chấp thuận, lần này mới được Mục Nhân Thanh mỉm cười một cái. Vương và Cao biết hai thầy trò cần nói chuyện riêng, bèn cáo thoái ra ngoài.

Mục Nhân Thanh nói: “Lúc này thanh thế nghĩa quân rất lớn, trở tay là lấy được hai tỉnh nữa. Đây chính là cơ hội rất tốt để ngươi báo phụ thù. Ngươi đã mấy lần xin ta dẫn xuống núi để hành thích Sùng Trinh hoàng đế, nhưng ta vẫn chưa cho phép. Ngươi có biết tại sao không?”

Thừa Chí đáp: “Nhất định là công phu của đệ tử chưa học tới nơi.”

Mục Nhân Thanh nói: “Đó cũng là một nguyên nhân, nhưng còn một lý do khác quan trọng hơn. Ngươi ngồi xuống đây, nghe sư phụ nói chuyện.”

Viên Thừa Chí vâng lời ngồi xuống.

Mục Nhân Thanh nói: “Mấy năm gần đây, quân tình ở quan ngoại hết sức khẩn trương. Bọn Mãn Châu có dã tâm thôn tính giang sơn, tìm thiên phương bách kế để xâm lấn vào quan nội. Sùng Trinh tuy rất đa nghi, hành sự thường tam tâm lưỡng ý, nhưng nói về kháng cự Mãn Thanh thì hắn có ra sức đối phó, so với bọn hôn quân tiền triều như Vạn Lịch, Thiên Khải còn khá hơn nhiều. Nếu ngươi vì tư thù mà vào cung giết hắn, thái tử kế vị còn nhỏ xíu, quyền bính rơi vào tay bọn gian thần, e rằng giang sơn nhà Hán chúng ta lập tức rơi vào tay người. Khi đó, ngươi có phải là tội nhân của thiên hạ hay không? Phụ thân của ngươi cả đời kháng cự Mãn Châu, quyết chí bình định Liêu Đông. Nếu lệnh tôn trên trời mà linh hiển, biết được chuyện đó nhất định sẽ giận dữ mà mắng ngươi là bất trung bất hiếu.”

Nghe sư phụ giải thích, Thừa Chí không khỏi hoảng sợ đến nỗi mồ hôi lạnh toát đầy người.

Mục Nhân Thanh lại nói: “Quốc sự là lớn, tư thù là nhỏ. Trước đây ta không cho ngươi đi hành thích phục thù, chính vì lý do này. Nhưng cục diện bây giờ khác hẳn, Sấm Vương thắng lợi liên tục, Lạc Dương đã lấy được, chỉ một hai năm nữa là tiến vào Bắc Kinh. Sấm Vương anh minh thần võ, đứng ra chủ trì đại cuộc thì bọn giặc Mãn Châu, Liêu Đông không đáng sợ nữa.”

Viên Thừa Chí nghe mà mặt nóng bừng bừng, hưng phấn lạ thường.

Mục Nhân Thanh nói: “Bây giờ võ công của ngươi đã có căn cơ, nhưng võ học là chuyện vô cùng vô tận. Những gì ta biết, ta đã truyền thụ cho ngươi cả rồi. Sau này ngươi tiến bộ đến đâu là dựa vào bản thân dụng công tu luyện. Ngày mai sư phụ xuống núi, đi với hai người Vương và Cao để lo mấy việc. Hỗn Nguyên Công của ngươi còn thiếu một nấc cuối cùng, nhanh thì mười ngày, chậm thì một tháng sẽ được như ý, quán thông từ trên xuống dưới. Bây giờ mà ngươi bôn ba xuống núi, tất sẽ bị phân tâm, luyện công không được tập trung như ở trên núi. Ngươi hãy đợi tới khi Hỗn Nguyên Công quán xuyến toàn thân, không tắc nghẽn chỗ nào nữa rồi hãy xuống núi, đến chỗ quân đội Sấm Vương tìm sư phụ. Dọc đường nếu gặp những việc không công bằng, có thể thuận tay giúp đỡ, hành hiệp trượng nghĩa, giúp kẻ yếu đuối, cứu kẻ khốn cùng, đó là bổn phận phải làm. Dù gặp gian khó nguy hiểm đến đâu, cũng không được khoanh tay đứng nhìn.”

Thừa Chí vội vàng vâng dạ. Chàng nghe sư phụ cho phép mình xuống núi, vui mừng không sao tả xiết.

Thường ngày Mục Nhân Thanh đã dạy Viên Thừa Chí tất cả môn quy phái Hoa Sơn và những điều cấm kỵ trên chốn giang hồ, cũng đã nhắc đến tất cả các bang hội chính tà, nguồn gốc và gia số võ công các môn các phái cho chàng biết. Bây giờ ông nhắc lại những chỗ quan trọng, cuối cùng mới nói: “Ngươi là con người thận trọng ngay thẳng, chuyện này sư phụ rất an tâm. Nhưng ngươi đang lúc tuổi trẻ, huyết khí cương thịnh, phải cẩn thận về vấn đề nữ sắc. Rất nhiều đại anh hùng đại hào kiệt, chỉ vì sẩy chân vào chữ tình mà thân bại danh liệt. Ngươi phải nhớ lời ta dặn.”

Thừa Chí nghiêm chỉnh vâng dạ.

Sáng sớm hôm sau, Thừa Chí thức dậy cứ theo lệ thường mà giúp ông câm đun nước nấu cơm, xong xuôi mới vào phòng sư phụ vấn an. Nhưng Mục Nhân Thanh và hai người khách đã đi từ sớm rồi.

Thừa Chí nhìn chiếc giường trống của sư phụ mà ngẩn ngơ một lúc. Chàng nghĩ đến chỗ chẳng bao lâu mình cũng xuống núi, bèn dùng tay ra hiệu cho ông câm biết. Ông câm cũng ra vẻ buồn bã, quay lưng đi ra ngoài.

Viên Thừa Chí và ông câm đã sống chung mười mấy năm trời, tình nghĩa như anh em ruột thịt. Chàng biết ông câm không nỡ chia ly với mình, trong lòng cũng buồn man mác.

Mười bảy mười tám ngày thấm thoắt trôi qua. Viên Thừa Chí vẫn chăm chỉ luyện công, nhưng nghĩ đến mình sắp phải rời khỏi đây, nên đối với từng ngọn cỏ từng gốc cây đều có phần thương yêu luyến tiếc hơn.

Một hôm dùng xong cơm tối, ngồi trên giường luyện Hỗn Nguyên Công, chàng bỗng cảm thấy nội tức lan truyền khắp toàn thân, thông suốt nhanh chóng lạ thường. Chàng biết rằng cửa ải cuối cùng mà sư phụ nói đã thông, trong lòng vô cùng mừng rỡ.

Đang định tắt đèn đi ngủ thì ông câm vào phòng, ra hiệu hình như có người lạ lên núi. Viên Thừa Chí toan chạy ra xem, nhưng ông câm tỏ ý đã xem xét cẩn thận, không thấy chỗ nào không ổn.

Viên Thừa Chí vẫn không yên tâm, dẫn hai con vượn khổng lồ đi xem xét cả trước núi sau núi, không phát hiện được gì lạ mới quay về ngủ.

Đến nửa đêm, đột nhiên ngoài phòng có tiếng Đại Oai và Tiểu Oai kêu loạn xạ. Thừa Chí ngồi bật dậy, chú ý lắng tai nghe, đột nhiên cảm thấy mùi hương ngòn ngọt bay vào mũi. Chàng la thầm: “Hỏng bét!”

Viên Thừa Chí vận khí toan nhảy ra ngoài, không ngờ dưới chân hoàn toàn vô lực, loạng choạng suýt nữa té nhào. Đây là chuyện xưa nay chưa từng gặp, chàng đang kinh ngạc thì “bình” một tiếng, cửa phòng bị đá bật ra, một bóng đen nhảy xổ vào trong.

Một luồng đao phong rít lên trong bóng tối, chém vào phòng. Viên Thừa Chí đang xây xẩm mặt mày, chân đứng không vững, nhưng gặp lúc nguy cấp cũng gượng chống đỡ. Chàng đảo người sang trái, phóng hữu chưởng ra đánh trả. Người kia trở đao bổ thẳng xuống, chém vào cánh tay chàng.

Viên Thừa Chí không cho đối phương cơ hội phản đòn. Trong màn đêm chàng nghe tiếng mà định phương vị, bước tới một bước, tay trái đánh trúng vai đối thủ nghe “bịch” một tiếng. Tiếc là cánh tay chàng bủn rủn tê liệt, nên lực đạo không bằng một phần mười lúc bình thường. Tuy vậy người kia cũng để đao tuột khỏi tay, không tự chủ được, lảo đảo lùi ra khỏi phòng.

Một người phía ngoài đưa tay đỡ lấy hắn, cất tiếng hỏi: “Cái xương trong đó cứng lắm ư?”

Thừa Chí toan nhảy ra truy kích, nhưng đột nhiên đầu nhức mắt hoa, lăn xuống đất bất tỉnh.

Không biết bao lâu chàng mới tỉnh lại, cảm thấy toàn thân bủn rủn. Toan cử động tay chân mà không được, chàng kinh hãi nhận ra mình đã bị trói chặt. Hé mắt nhìn ra thấy trong phòng đèn đuốc sáng trưng, có hai người đang đổ hết rương hòm ra, lục lọi khắp nơi.

Viên Thừa Chí biết đã bị ám toán, trong lòng tự trách mình vô dụng. Sư phụ xuống núi chưa bao lâu, đối phương đã lên tận núi khống chế mình rồi, nói gì tới việc bôn ba giang hồ, trả thù cho thân phụ. Đầu chàng vẫn nhức, mắt nhìn tán loạn, phải âm thầm vận nội công một lúc mới trấn tĩnh lại được.

Nhưng chàng vẫn giả vờ hôn mê chưa tỉnh, hé mắt mảnh như sợi chỉ để lén nhìn, thấy một người thân hình ốm yếu chừng bốn mươi tuổi, mặt mũi khô cằn. Lại còn một người đầu trọc lóc, thân hình cao lớn, dường như là người vừa giao đấu với mình.

Viên Thừa Chí nghĩ: “Trên núi này có gì quý trọng đâu mà chúng đến đây cướp giật? Cả thảy chỉ có năm chục lượng bạc, sư phụ để cho mình làm lộ phí. Nhưng hai người này chắc chắn không phải là trộm cướp bình thường. Võ công của tên trọc không tệ lắm, chắc tên ốm kia cũng vậy. Nhưng nếu chúng đến tìm sư phụ trả thù, thì sao không giết mình mà đi lục lọi tìm kiếm khắp nơi?”

Chàng thầm vận công lực, muốn giật đứt dây trói. Không ngờ địch thủ biết võ công của chàng cao cường, nên cắm thêm một cây tre vào giữa hai tay Viên Thừa Chí. Nếu dùng sức vận nội công thì cây tre sẽ bị vỡ trước, lập tức phát ra tiếng động. Viên Thừa Chí sợ bị phát giác nên lập tức dừng tay lại, cố tìm cách thoát thân khác.

Tên trọc đột nhiên vui mừng la lên: “Đây rồi!” Hắn lôi dưới gầm giường ra cái hộp sắt lớn, di vật của Kim Xà Lang Quân để lại.

Hai người ngồi bên bàn mày mò mở hộp sắt, lấy ra một quyển sách, thấy trên bìa sách viết bốn chữ Kim Xà Bí Kíp. Tên trọc nói: “Quả nhiên là ở đây. Kim sư ca! Công phu mười tám năm trời của chúng ta đúng là không uổng phí.”

Chúng mở bí kíp ra, thấy vẽ đầy đồ hình, viết đầy chữ nhỏ, mừng rỡ gãi đầu gãi tai, vui mừng không sao tả xiết.

Tên ốm đột nhiên la lên: “Ái chà! Ngươi muốn trốn ư?” Nói xong, hắn trỏ vào Thừa Chí, khiến chàng không khỏi giật mình.

Tên trọc quay đầu lại nhìn, nhưng cổ tay tên ốm bỗng xoay lại. “Xoẹt” một tiếng, trủy thủ đã cắm vào người tên trọc, sâu đến cán. Tên ốm lập tức nhảy ra ngoài một thước, rút trường kiếm ra bảo vệ trước mặt mình.

Tên trọc nét mặt bi phẫn lạ lùng, đột nhiên cười đau khổ rồi nói: “Hai mươi mấy sư huynh đệ chúng ta đã chia nhau tìm kiếm mười mấy năm trời, đến hôm nay ngươi và ta mới tìm được bảo bối này. Trương sư ca! Thì ra ngươi muốn nuốt trọn, hạ độc thủ với ta. Ha ha, ha ha… Thế là ngươi phản bội Kỳ Tiên Phái rồi. Nhưng giấu giếm năm vị lão gia không phải là việc dễ đâu. Ta… ta đoán ngươi chắc chắn không có kết cuộc tốt lành. Ha ha… ha ha…”

Trong màn đêm vắng lặng, nghe tiếng cười lạnh lẽo thảm khốc, toàn thân Viên Thừa Chí rởn ốc, dựng cả tóc gáy.

Tên trọc cứ quờ quờ muốn rút trủy thủ ra khỏi lưng, nhưng sờ mãi vẫn không tới được. Hắn hét lên một tiếng thê thảm, ngã nhào xuống đất, giãy giãy mấy cái rồi bất động.

Tên ốm sợ hắn chưa chết hẳn, bước tới đâm thêm hai nhát kiếm vào lưng, “hứ” một tiếng rồi nói: “Ta không giết ngươi thì chắc ngươi cũng giết ta. Hà tất phải khách sáo.”

Hắn phóng cước đá mạnh vào xác tên trọc, lại nói: “Ngươi nói là ta không giấu được năm lão già đó phải không? Chờ đấy mà xem!”

Hắn không biết Viên Thừa Chí đã tỉnh, nham hiểm cười gằn hai tiếng, dùng tay gạt bớt tim cây đèn nến, rồi mở sách ra xem tiếp. Hắn vừa xem vừa lắc lư qua lại, khuôn mặt đầy vẻ hoan hỉ. Lật được mấy trang, bỗng có trang lâu ngày bị dính lại không mở được, hắn bèn đưa ngón tay trỏ vào miệng, thấm nước bọt để lật tiếp; cứ thế lật thêm mấy tờ.

Viên Thừa Chí bỗng nghĩ đến một chuyện. Quyển sách này có tẩm chất kịch độc, hắn lật như vậy chắc chắn phải trúng độc. Chàng không nhịn được, bất giác la lên một tiếng.

Tên ốm quay đầu lại, thấy sắc mặt Thừa Chí kinh hãi bàng hoàng. Hắn từ từ đứng dậy, rút lấy thanh trủy thủ đang cắm sau lưng tên trọc, bước tới hai bước rồi nói: “Ta với ngươi không oán không thù, nhưng hôm nay không thể tha mạng cho ngươi.”

Hắn đảo cặp mắt hung dữ, chĩa trủy thủ ra, cười gằn rồi nói: “Bây giờ giết ngươi, e rằng ngươi xuống âm phủ cũng không biết vì sao mình chết. Nói thật cho ngươi biết, ta là Trương Xuân Cửu của Kỳ Tiên Phái, tỉnh Chiết Giang. Kỳ Tiên Phái của chúng ta có đại thù với Kim Xà Lang Quân. Hắn gian dâm sư muội của chúng ta rồi chạy trốn, không biết tung tích nơi nào. Mười mấy năm trời chúng ta tìm hắn khắp nơi, không ngờ di vật của hắn đã rơi vào tay thằng lỏi này. Kim Xà Lang Quân đang ở đâu?”

Hỏi xong, hắn nhìn ra cửa sổ, sắc mặt bỗng lộ vẻ sợ hãi, hình như sợ Kim Xà Lang Quân đột nhiên xuất hiện.

Nếu Thừa Chí có kinh nghiệm giang hồ, dĩ nhiên sẽ dùng lời hù dọa, dù không thể bắt hắn sợ hãi bỏ chạy, thì cũng làm hắn phải kiêng nể không dám giết mình. Nhưng lúc này chàng chẳng nghĩ gì đến chuyện lừa gạt người khác, bèn nói: “Kim Xà Lang Quân đã chết lâu rồi. Thi hài của ông ấy do ta chôn cất.”

Trương Xuân Cửu mừng rỡ, hỏi lại: “Kim Xà Lang Quân chết thật rồi ư?”

Viên Thừa Chí gật đầu.

Trương Xuân Cửu quát hỏi: “Hắn chết vì lý do gì?”

Viên Thừa Chí đáp: “Ta không biết. Thật sự ta không biết.”

Sắc mặt Trương Xuân Cửu trông ghê tởm vô cùng. Hắn dữ tợn nói: “Thằng lỏi này ở trên núi Hoa Sơn, nhất định không phải là người tốt, chắc cũng một lò với Kim Xà Lang Quân. Ta giết ngươi cũng chẳng oan ức gì. Sau khi ngươi làm ma, muốn trả thù thì cứ đến Tịnh Nham ở Cù Châu để tìm Trương Xuân Cửu này. Ha ha! Nhưng từ nay về sau ta không trở về Cù Châu nữa. E rằng ngươi biến thành ma cũng không tìm được ta.”

Hắn đưa kiếm lên, toan chém vào đầu Viên Thừa Chí, nhưng đột nhiên chân bước loạng choạng.

Thừa Chí biết mình sắp gặp nguy, sức lực toàn thân đều vận hết lên hai cánh tay. “Rắc” một tiếng, cây tre dập nát trước, rồi bao nhiêu dây trói đều đứt bung nghe bừng bực. Chàng toan phóng chưởng đánh tới, nhưng Trương Xuân Cửu đột nhiên ngã ngửa ra sau, nằm ngẩng mặt nhìn trời.

Thừa Chí sợ hắn giở trò gian trá, bèn cầm lấy một đoạn dây đứt múa lên che trước mặt, phát ra tiếng gió vù vù. Bỗng chàng thấy hai chân hắn đạp đạp mấy cái rồi không động đậy nữa, mắt tai mũi đều chảy máu đen, mới tin chắc hắn đã trúng độc mà chết.

Chàng cúi xuống tháo dây trói chân mình, rồi chạy ra ngoài thạch thất, thấy ông câm cũng bị trói chặt, cặp mắt giương to mà không động đậy gì được. Chàng cởi trói cho ông câm, lại thấy Đại Oai và Tiểu Oai đang ngất xỉu, liền đi lấy một thau nước lạnh xối trên đầu xuống. Hai con vượn khổng lồ từ từ tỉnh lại.

Thừa Chí dùng tay ra hiệu, kể lại tình hình vừa rồi cho ông câm biết. Đợi sáng hôm sau, hai người khiêng hai cái thi thể ra phía sau núi. Thừa Chí nghĩ cái hộp sắt lớn này là vật hại người, nên đem cả hộp cả sách ném xuống hố, chôn chung với hai tử thi.

Nghĩ đến chuyện xảy ra đêm qua, chàng không khỏi thầm kinh hãi, nghĩ bụng: “Hai tên này trói chặt ta với ông câm mà không chém chết ngay, chỉ vì muốn tra hỏi tung tích của Kim Xà Lang Quân. Nếu chúng không có mưu đồ khác, thì hai cái thi hài bị chôn dưới hố này là mình và ông câm mới phải.”

Bích Huyết kiếm