Hậu ký – Tuyết Sơn Phi Hồ
Đoạn cuối của “Tuyết Sơn Phi Hồ” là một kết thúc lửng lơ, không có kết cục khẳng định. Rốt cuộc nhát đao của Hồ Phỉ có chém xuống hay không, xin để cho bạn đọc tự tưởng tượng lấy.
Bộ tiểu thuyết này công bố năm 1959, hơn mười năm qua từng có mấy vị bằng hữu và nhiều độc giả không quen biết muốn tôi viết một kết cục khẳng định. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, tôi cảm thấy giữ nguyên kết cục như vậy thì hay hơn, dành cho các độc giả một khoảng trống để tưởng tượng. Còn dư vang bất tận và hàm súc thích đáng cũng là một sự thú vị. Tự trong lòng tôi đã từng nghĩ ra bảy tám kết cục khác nhau, có lúc nghĩ những kết cục khác nhau đó cũng là một cách hưởng thụ tuyệt thú. Nhát đao của Hồ Phỉ có chém xuống hay không, là lựa chọn của Hồ Phỉ, mà mỗi bạn đọc đều có thể dựa vào cá tính của mình, dựa vào cách đối nhân xử thế và cách nhìn đối với thế giới này mà có cách lựa chọn khác nhau.
Liên quan đến cái chết của Lý Tự Thành, có mấy thuyết:
- Thuyết thứ nhất, theo “Minh sử”, là ông bị thôn dân giết chết tại Cửu Cung sơn. Thời bấy giờ cũng có tin đồn rằng ông bị thần linh sát hại.
- Thuyết thứ hai, theo “Minh ký” thì ông bị thôn dân bắt, không thoát được, bèn thắt cổ tự vẫn.
- Thuyết thứ ba, theo “Minh quý bắc lược” thì ông bị bệnh mà mất tại La Công sơn.
- Thuyết thứ tư, theo “Phong Châu ký” thì ông chạy trốn đến Hiệp sơn, xuống tóc đi tu. Đến năm bảy mươi tuổi, ngồi mà viên tịch.
- Thuyết thứ năm, theo sự tưởng tượng của cuốn tiểu thuyết “Ngô Tam Quế diễn nghĩa”, thì ông bị Ngưu Kim Tinh hạ độc thủ.
Tiểu thuyết lịch sử có quyền tưởng tượng tự do, điều đó bất tất phải luận bàn. Còn theo sự khảo cứu của người sau thì đều có các điểm đáng ngờ.
Trong tấu chương của Hà Thắng Giao, có viết:
“Sấm vương chết là điều có chứng cứ xác đáng, còn thủ cấp của Sấm vương vẫn chưa dám khẳng định. Nay xin kính cẩn hồi báo trước sự thực… Đường đi thì hiểm trở, lại thêm trời tối nên không có cách gì để kiểm nghiệm được thủ cấp của y. Hôm nay nhận được thủ cấp của kẻ bị giết trong tay hương binh, mà hương binh ban đầu cũng chẳng hay biết…”
Không có được thủ cấp của Lý Tự Thành, đó cũng là một điểm mơ hồ.
Trong tấu sớ của Trương A Tế Cách đời Thanh, viết:
“Có hàng binh nói rằng Tự Thành trốn vào Cửu Cung sơn, bị thôn dân bắt chết, bèn thắt cổ tự vẫn, thi thể bị hủy nát không phân biệt được”.
Cái đầu bị hủy nát thì cũng không thể nào kiểm nghiệm chính xác phần thi thể được.
Trong “Danh đàm chí” của Giang Tra, có tuyển chọn bài: “Lý Tự Thành mộ chí”, toàn văn như sau:
Phong châu chí của Hà Lân nói: Về cái chết của Sấm vương, dã sử ghi rằng ra khỏi thành ở La Công sơn, còn Minh sử thì ghi rằng ra khỏi thành ở Cửu Cung sơn, rồi chết về tay thôn dân, đó là một thuyết. Nay nếu căn cứ La Công sơn ở tại Kiềm Dương, còn Cửu Cung sơn ở tại huyện Thông sơn, mà gọi là ra khỏi thành, thì đều là sai lầm cả. Cô giáo thụ họ Tôn nói với tôi rằng: ”Thực ra Lý Tự Thành chạy trốn ra Phong Châu. Đến vùng Thanh thì đổi ngựa trạm, cùng hơn mười tên kỵ mã chạy đến đập Cổ Ngưu, thuộc khu vực huyện Kim An ngày nay. Rồi đổi ngựa đi tiếp, một mình trốn đến vùng Thạch Môn ở Hiệp Sơn làm thầy tăng. Đến nay mộ vẫn còn”.
Tôi lấy làm lạ, một mình đến Hiệp sơn. Thấy bên cạnh chùa có một ngôi mộ đá, đề mấy chữ đại tự “Phụng Thiên Ngọc hòa thượng”, phía trước có bia mộ, do môn đệ là Dã Phất ghi, không rõ hòa thượng là người ở đâu. Một vị ông tăng niên kỷ ngoài bảy mươi, biết rõ chuyện ở Hiệp Sơn, bảo rằng vào năm Thuận Trị thứ nhất vị hòa thượng này vào chùa, tu theo Luật tông, không nói rõ mình từ đâu đến, giọng nói như là người ở miền tây. Mấy năm sau, có một vị tăng đến, nói rằng mình là đồ đệ, hỏi tông môn, nói hiệu là Dã Phất, người vùng Giang Nam, phụng sự hoà thượng cực kỳ kính cẩn. Hòa thượng mất vào tháng hai năm Giáp Thìn đời Khang Hy, thọ khoảng bảy mươi tuổi. Lúc lâm chung có di ngôn cho Dã Phất, lúc đó ông tăng còn bé không được nghe. Trong chùa còn di tượng, nhìn kỹ thấy trán cao má hõm, mắt diều hâu, mũi bọ cạp, tướng mạo rất hung dữ, giống như những điều được miêu tả trong Minh sử. Tự Thành lấy hiệu là Phụng Thiên Xướng Nghĩa đại nguyên soái, về sau lại tự xưng là Tân Thuận vương. Còn cái tên Phụng Thiên Ngọc hòa thượng chẳng qua chỉ là thêm vào một điểm để tránh chữ húy. Dã Phất tự xưng là môn đệ Luật tông, phụng sự thầy cực kỳ kính cẩn, có phải đó là bề tôi ngày trước?
Về cái chết của Tự Thành ở Cửu Cung sơn, Minh sử chép:”Quân ta đưa người quen biết đến để kiểm chứng, nhưng xác đã hủy nát không nhận dạng được”. Còn theo lời của vị ông tăng kể, giọng nói miền tây là đã đủ thấy sai rồi.”
Các chữ “Tây nhân” và “Tây âm” ghi trong mộ chí là chỉ người và thổ âm vùng Giáp Tây. Lý Tự Thành là người huyện Mễ Chỉ, vùng Giáp Tây. Lý Tự Thành bị chột một mắt, do khi vây hãm thành Khai Phong bị Trần Vĩnh Phúc bắn trúng. Đây là đặc điểm rất dễ nhận biết, mà vị ông tăng khi tả lại Phụng Thiên Ngọc hòa thượng lại chẳng đề cập gì đến, đây là điểm rất đáng ngờ.
Lý Tự Thành trước đó bị quân Minh truy đuổi gắt gao đến thế cùng lực kiệt, đã từng phải một lần giả chết, vào năm Sùng Trinh thứ mười hai. Thuở nhỏ ông đã đi tu. Trong bài khảo cứu “Lý Sấm vương” của A Anh có nói “… Tự Thành lại xuất gia để kiếm sống, cái đó gọi là “nghề cũ quen tay”, huống gì “được thì làm vua, thua thì làm sư” là một khuôn sáo lâu đời trong lịch sử Trung Quốc.
Trong tiểu thuyết có thêm thắt một ít bối cảnh lịch sử thì không nhất thiết phải hoàn toàn giống với sự thật, mà chỉ cần đừng sai lệch với những sự kiện trọng đại là được. Còn đối với những sự kiện lịch sử chưa định luận được, thì tác giả tiểu thuyết sẽ chọn một điểm nào đó để phát huy. Có điều các tiểu thuyết cũ như Ngô Tam Quế diễn nghĩa hoặc Thiết quan đồ thuật lại chuyện cũ của Lý Tự Thành lại khác quá xa với những điều đã được mọi người công nhận. Ví dụ chuyện cung nga họ Phí đâm chết tướng quân Lý Nham của Sấm vương cũng là điều quá lố.
Sau khi Tuyết Sơn Phi Hồ được đăng báo vào năm 1959, không có nhà xuất bản nào chịu nhận in thành phụ bản. Theo chỗ tôi biết thì phụ bản có đến tám loại. Có loại một bản, có loại hai bản, có loại bảy bản. Các nhà xuất bản tự phân thành chương tiết, tự ghi đề mục, chưa hẳn phù hợp với ý đồ của tác giả. Có bản in lại kèm theo hình vẽ, là điều tác giả không thích.
Bản in lại lần này có hiệu đính, trước hết là căn cứ theo tờ “Minh báo vãn báo” (Minh báo buổi chiều), khi in cũng có chỉnh sửa, vì các câu trong sách mười phần thì hết sáu bảy cần phải sửa lại. Các nhân vật như Bình A Tứ, Đào Bách Tuế, Lưu Nguyên Hạc, đều là hạng người thô lỗ, mà khi kể lại chuyện xưa thì ngữ khí lại quá văn hoa, còn nếu như sửa lại cho hợp với thân phận của họ, thì trên giấy lại đầy dẫy các chữ “con mẹ nó!”, cũng không khỏi có vẻ thô tục bát nhã. Tác giả tài sức có hạn, cũng không biết phải làm sao hơn.
Tuyết Sơn Phi Hồ đã có một bản dịch tiếng Anh, từng được đăng tải trên nguyệt san “Bridge” ở New York.
Tuyết Sơn Phi Hồ và Phi Hồ ngoại truyện tuy có liên quan với nhau nhưng vẫn là hai bộ tiểu thuyết độc lập, nội dung không buộc phải khớp hẳn nhau. Theo lý mà nói, thì khi Hồ Phỉ gặp Miêu Nhược Lan ắt phải nhớ nghĩ đến Viên Tử Y và Trình Linh Tố. Nhưng nếu dựa vào bản thân bộ Tuyết Sơn Phi Hồ mà nói, thì tựa hồ không cần phải để điều này xuất hiện dưới góc độ tiểu thuyết mà chỉ cần xuất hiện trong tâm hồn của Hổ Phỉ. Mà thực ra khi viết bộ Tuyết Sơn Phi Hồ, thì trong lòng tác giả vẫn chưa có hai nhân vật Viên Tử Y và Trình Linh Tố.