Hậu ký Thư Kiếm  Ân Cừu Lục

Hậu ký Thư Kiếm  Ân Cừu Lục

Thư Kiếm  Ân Cừu Lục là bộ tiểu thuyết đầu tiên mà tôi viết, từ năm 1955 đến nay (1975 – BT) đã hai mươi năm rồi.

Tôi là người Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, từ bé đã được nghe truyền thuyết về hoàng đế Càn Long. Hồi nhỏ đi hướng đạo, tôi từng cắm trại ở huyện Hải Ninh, bên con đê mà hoàng đế cho xây dựng. Nửa đêm thấy hải triều cuồn cuộn ào tới, ấn tượng rất sâu, tôi đưa vào bộ tiểu thuyết đầu tay là chuyện tự nhiên.

Nhân vật Trần Gia Lạc do tôi hư cấu, mà Hương Hương công chúa cũng không phải là Hương Phi trong truyền thuyết hay trong lịch sử. Hương Hương công chúa đẹp hơn Hương Phi rất nhiều.

Đời Thanh thì Hải Ninh thuộc Hàng Châu, là một huyện nhỏ ven biển, nổi tiếng vì có hải triều. Địa phương này có một số danh nhân như Chu Thục Châu, Vương Quốc Duy, Tường Bách Lý, Từ Chí Ma. Tính cách của họ đều có phần u buồn bi tráng, không hợp với thời đại. Trong nhân vật Trần Gia Lạc cũng có một phần tính cách của những người này. Nhưng tỉnh Hải Ninh không có người giỏi võ nghệ, ngay cả nhà quân sự Tưởng Bách Lý cũng chỉ biết nói đến võ mà không biết động võ.

Sử gia Mạnh Thám đã từng khảo cứu, cho rằng “Càn Long là người họ Trần ở Hải Ninh” chỉ là truyền thuyết không thể tin cậy, mà “Hương phi bị thái hậu hại chết” cũng là chuyện giả. Lý do chính yếu của ông là không hợp với chính sử. Đương nhiên người nghiên cứu lịch sử khó mà đồng ý với truyền thuyết, nhưng người viết tiểu thuyết lại thích. Hơn nữa, bất cứ truyền thuyết nào có hại cho chính quyền chắc chắn không được chép vào chính sử.

Càn Long đã dồn toàn lực để xây dựng, trùng tu con đê chắn sóng ở Hải Ninh, mang lại rất nhiều lợi ích cho dân chúng trong vùng. Trong truyện này tôi viết về ông ta quá tệ, cũng thấy hơi áy náy.

Thơ văn Càn Long sáng tác thì chẳng hay gì, nhưng lẽ ra chuyện đó không quan hệ lắm. Chỉ vì hồi nhỏ trú ở Hải Ninh, Hàng Châu, đi bất cứ chỗ nào cũng phải thấy những bài Ngự chế thi của Càn Long khắc trên đá, thật sự có phần phản cảm. Bây giờ vào viện bảo tàng để xem cổ họa, vẫn phải thấy ông ta đề tự lạc khoản ở khắp mọi nơi, không châm biếm một phen thì khó lòng hả dạ.

Dĩ nhiên khi học tiểu học tôi đã phải tập đồ chữ trên vở tập viết, ngoài ra tôi chưa từng luyện chữ. Tựa sách và chữ ký trên bìa cuốn sách này không đáng để những nhà thư pháp nhìn thấy. Về thi từ tôi cũng chẳng hiểu biết gì, mãi đến gần đây bắt tay vào sửa chữa quyển sách này, tôi mới đọc quyển Hán Ngữ Thi Luật Học của Vương Lịch tiên sinh, bắt đầu học về vần bằng vần trắc. Làm thơ thay cho Càn Long thì có thể tạm thông qua, còn mạo nhận là thơ của Trần Gia Lạc và Dư Ngư Đồng thì quá ấu trĩ.

Trong ấn bản đầu tiên của truyện này, Trần Gia Lạc vốn là giải nguyên. Nhưng tôi nghĩ thơ của giải nguyên không thể kém cỏi đến thế, nên trong lần sửa chữa này tôi phải gọt chân cho vừa giày, cắt bỏ “chức” giải nguyên của họ Trần.

Dư Ngư Đồng chỉ là tú tài, nhưng thơ của tú tài cũng không thể “con cóc” như trong sách. Chỉ vì ngoại hiệu của họ Dư là Kim Địch Tú Tài nên tôi mới đối xử khoan hồng, không tước mất học vị của y.

Tên chương hồi trong truyện này cũng không hay lắm. Trong ấn bản đầu tiên thì bằng trắc nghe chẳng xuôi tai chút nào, lần này chẳng qua sửa chữa đôi chút mà thôi.

Đầu tiên thì tiểu thuyết này đăng trên báo, về sau mới xuất bản thành một quyển riêng. Khi tôi hiệu đính lại, hầu như câu nào cũng phải sửa chữa. Bản in lần thứ ba này lại phải sửa chữa tiếp. Độc giả trong nội địa, Hồng Kông, Đài Loan và hải ngoại đã gửi rất nhiều thư cho tác giả, lại còn những bài bình luận hoặc đăng báo hoặc gởi đến, hoặc chỉ cho tôi biết những chữ dùng sai, hoặc đề xuất ý kiến. Tôi rất cảm động về sự nhiệt thành đó.

Thư Kiếm Ân Cừu Lục là thiên tiểu thuyết trường thiên đầu tiên tôi viết. Vì thiếu kinh nghiệm, lại kém phần tu dưỡng, nên cách hành văn và tình tiết đã mô phỏng tác phẩm của người đi trước rất nhiều. Bây giờ những đoạn mô phỏng này đã được loại bỏ hoặc viết lại hết. Dấu vết ấu trĩ của tác phẩm đầu tay thì không thể tránh được, nhưng ít ra đã hiện rõ là một sáng tác độc lập.

Khi tu sửa lần thứ ba bộ sách này, tôi đã tìm được kinh Koran của Hồi giáo, cố gắng ngày ngày tụng đọc. Mong rằng những chỗ trích dẫn, những lời giải thích có liên quan trong sách không đến nỗi trái ngược với giáo lý của Hồi giáo. Đối với mọi tôn giáo trên thế gian, tác giả đều có ý tôn kính. Nhưng đối với giáo nghĩa thâm áo của các tôn giáo thì người học cạn như tác giả khó mà qua ải được.

Lần xuất bản này, tôi đã được các vị huynh đệ Thẩm Bảo Tân, Vương Vinh Văn, các cộng sự Trần Hoa Văn tiên sinh, Hứa Hiếu Đổng tiên sinh, Ngô Ngọc Phân nữ sĩ, Từ Đại tiên sinh, Lý Giai Dĩnh tiểu thư, Trịnh Tường Lâm tiểu thư, Tưởng Phóng Niên tiên sinh chỉ giáo giúp đỡ rất nhiều. Lại còn ba vị Nghiêm Gia Viêm tiên sinh, Phùng Kỳ Dung tiên sinh, Trần Mặc tiên sinh có lời hướng dẫn, phần lớn đã được sửa chữa vào bản chính thức này. Tại đây xin ghi lại lời vô cùng cảm tạ.

In lần đầu, tháng 5-1975

In lần thứ ba, tháng 9-2002.

THƯ KIẾM ÂN CỪU LỤC