Chương 88: Muốn bà vui, Bảo Ngọc khen cháu bé mồ Côi
Nghiêm phép nhà, Giả Trân đánh người hầu cứng cổ
Tích Xuân đang ngồi nghĩ các thế cờ, bỗng nghe ngoài sân có tiếng Uyên Ương gọi Thái Bình. Thái Bình ra, cùng Uyên Ương vào. Uyên ương đi với một a hoàn nhỏ, mang đến một cái túi nhỏ bằng lụa vàng. Tích Xuân cười hỏi:
– Việc gì thế?
– Vì sang năm cụ tám mươi mốt tuổi, đã hứa làm một đàn chay công đức chín đêm ngày và viết ba ngàn sáu trăm năm mươi mốt bộ kinh “Kim cương”. Đã phát ra ngoài cho mọi người viết rồi, nhưng tục ngữ thường nói: Kinh kim cương cũng như cái vỏ ngoài của nhà Đạo, “Tâm kinh” mới là phần cốt yếu 1. Cho nên khi viết kinh Kim cương phải viết “Tâm kinh” vào, càng thêm công đức. Cụ nghĩ rằng “Tâm kinh” đã quan trọng, đức Phật Quan Âm lại là một vị nữ bồ tát, vì thế cần có các cô, các mợ, bà con ruột thịt viết cho được ba trăm sáu mươi lăm bộ. Như vậy, vừa thành kính, vừa trong sạch. Trong nhà chúng ta, trừ mợ Hai bận việc nhà, không có thì giờ rảnh lại không biết viết. Ngoài ra, những người biết viết, bất luận là viết được nhiều hay ít, đến cả mợ Trân và các dì, đều chia phần viết cả. Người trong nhà này cố nhiên là không cần phải nói nữa.
Tích Xuân nghe xong gật đầu nói:
– Việc khác tôi làm không nổi, chứ viết kinh thì tôi rất thành tâm. Chị để đấy ngồi uống trà đã.
Uyên Ương để cái bao vàng lên trên yên rồi cùng Tích Xuân ngồi xuống.
Thái Bình bưng một chén trà lại. Tích Xuân cười, hỏi Uyên Ương:
– Chị có viết không?
– Cô lại nói đùa. Trước đây mấy năm tôi còn viết lách, chứ ba bốn năm nay, cô có thấy tôi cầm đến bút đâu?
– Làm việc này là có công đức đấy.
– Tôi cũng có một việc: Lâu nay, sau khi hầu cụ đi nghỉ, tôi đọc kinh đếm gạo, đọc đã được hơn ba năm rồi. Gạo ấy tôi cất sẵn, chờ khi nào cụ làm chay, tôi sẽ đem số gạo góp vào để cúng Phật và bố thí cho người nghèo. Thế cũng là một chút lòng thành của tôi.
– Như vậy nếu cụ thành đức Phật Quan Âm, chị sẽ là cô Long Nữ.
– Làm gì được thế? Có điều ngoài cụ ra, tôi không hề hầu hạ được ai, chẳng hiểu vì kiếp trước duyên phận ra sao?
Nói đến đấy chị ta muốn ra về, lại gọi a hoàn nhỏ mở bao lụa vàng, lấy đồ đựng ở trong ra và nói:
– Xếp giấy trắng này là để viết “Tâm kinh”!
Lại cầm lên một bó hương, nói:
– Hương này để thắp khi viết kinh.
Tích Xuân nhận lấy cả.
Uyên Ương từ giã Tích Xuân, cùng a hoàn nhỏ về trình Giả mẫu. Thấy Giả mẫu đang cùng Lý Hoàn chơi song lục 2 Uyên Ương đứng một bên xem. Con súc sắc của Lý Hoàn gieo xuống gặp may đánh mất mấy con cờ của Giả mẫu. Uyên Ương chỉ nhoẻn miệng cười.
Bỗng thấy Bảo Ngọc ở ngoài vào, trong tay xách hai cái lồng nhỏ, trong lồng có mấy con dế, nói:
– Cháu nghe nói đêm bà ngủ không được, cháu đưa cái này đến để bà giải trí.
Giả mẫu cười:
– Mày đừng nhân lúc bố mày không ở nhà mà đùa nghịch.
– Cháu có đùa nghịch gì đâu?
– Mày không đùa nghịch, thì sao không ở phòng học đọc sách, lại lôi cái vật ấy về làm gì?
– Không phải cháu lôi về đâu. Hôm trước thầy học bảo em Hoàn, cháu Lan làm câu đối. Em Hoàn đối không được, cháu gà cho nó. Nó đối rồi thầy khen mấy câu. Nó cảm ơn cháu, mới mua cái này tạ ơn cháu, nay cháu đem biếu bà.
– Ngày nào nó cũng học kia mà? Sao mà đối không được? Đã đối không được thì cứ để cụ Nho đánh cho nó mấy cái tát tai, xem nó có xấu hổ không! Còn mày như thế vẫn chưa biết thân, không nhớ lúc bố mày ở nhà, có gọi mày làm thơ làm từ, thì run như cầy sấy đấy à? Sao giờ lại nói láo! Cái thằng Hoàn kia lại càng hư thân: đã nhờ người ta làm hộ, lại tìm cách đưa lễ đưa lạt. Mới mấy tuổi ranh mà đã làm cái lối thậm thậm thụt thụt ấy. Sao mà không biết xấu. Lớn lên rồi không biết còn ra thế nào nữa.
Câu nói ấy làm cho cả nhà đều bật cười. Giả mẫu lại hỏi:
– Còn thằng Lan nữa? Có làm được không? Hay là lại thằng Hoàn làm hộ cho nó, vì nó lại nhỏ hơn thằng Hoàn, có phải thế không?
Bảo Ngọc cười nói:
– Cháu Lan không nhờ ai làm, mà chính cháu tự đối lấy.
– Tao không tin; nếu không thì cũng là mày tinh ma làm thay cho nó. Giờ đây mày chẳng khác gì lạc đà lẩn trong bầy dê. Mày lớn hơn cả, mày lại biết làm văn làm bài nữa.
Bảo Ngọc cười:
– Thật tình là cháu Lan tự làm lấy. Thầy học còn khen nó sau này thế nào cũng làm nên. Nếu bà không tin thì gọi nó đến hỏi sẽ biết.
– Nếu quả như thế, thì tao mới mừng. Tao chỉ sợ mày nói dối thôi. Thế thì sau này nó có thể nên danh phận đấy.
Nói đến đó Giả mẫu nhìn Lý Hoàn rồi nhớ đến Giả Châu, nên lại nói tiếp:
– Thế thì anh mày chết đi, chị dâu mày nuôi nấng nó bấy lâu cũng không uổng công mà sau này cũng làm nổi cho anh mày được.
Nói vừa dứt lời Giả mẫu bất giác ứa nước mắt. Lý Hoàn nghe nói cũng động lòng, nhưng thấy Giả mẫu đang buồn, vội vàng nín khóc và khuyên:
– Đó là phúc thừa của bà. Chúng cháu nhờ lộc bà đấy thôi. Mong sao cháu nó được như lời bà nói, thì phúc cho chúng cháu lắm. Thế thì đáng lý bà phải vui chứ, sao bà lại buồn.
Rồi ngoảnh lại nói với Bảo Ngọc:
– Sau này chú đừng có khen cháu như thế nữa. Cháu mới mấy tuổi đầu chứ đã biết gì. Chẳng qua là chú thương cháu, chứ cháu đã hiểu gì đâu? Rồi nay thế này mai thế khác nhỡ đâm ra kiêu kỳ ngông ngược, thì làm gì tấn tới được.
Giả mẫu nói:
– Chị nói cũng phải, nhưng nó còn nhỏ, đừng ép nó quá, trẻ con nhút nhát mà kiềm thúc nó lắm thì nó sinh bệnh sinh tật, học hành không biết có được gì không, trở lại bao nhiêu công lao vứt hết.
Giả mẫu nói đến đó, Lý Hoàn nín không được nữa, nước mắt chảy ròng ròng, vội vàng chùi đi.
Lúc đó lại thấy Giả Hoàn và Giả Lan cũng đều đến hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu. Giả Lan chào mẹ rồi trở lại đứng hầu bên mình Giả mẫu.
Giả mẫu nói:
– Ta nghe chú mày nói, mày đối được câu đối, được không?
Giả Lan chỉ nhoẻn miệng cười, không nói gì cả.
Uyên Ương đi vào thưa:
– Cơm chiều đã dọn xong.
Giả mẫu nói:
– Đi mời dì Tiết lại đây.
Hổ Phách liền sai người sang nhà Vương phu nhân mời Tiết phu nhân.
Bảo Ngọc và Giả Hoàn lui ra, Tố Vân cùng bọn a hoàn nhỏ tới cất bàn song lục đi. Lý Hoàn vẫn ở lại để hầu Giả mẫu ăn cơm chiều. Giả Lan cũng theo mẹ đứng đấy. Giả mẫu nói:
– Mẹ con cháu ở đây ăn cơm với ta.
Lý Hoàn vâng lời. Một lát, dọn cơm ra, bỗng thấy a hoàn về trình:
– Bà Hai bảo cháu về trình với cụ, mấy hôm nay dì Tiết qua một chốc rồi về, không thể ở lại hầu chuyện cụ được. Hôm nay sau bữa ăn sớm đã về nhà rồi.
Giả mẫu bảo Giả Lan ngồi cạnh mình rồi mọi người ăn cơm. Giả mẫu ăn cơm xong, súc miệng rửa tay. Đang nằm nghiêng trên giường, nói chuyện phiếm, bỗng thấy có một a hoàn nhỏ nói gì với Hổ Phách. Hổ Phách liền tới thưa với Giả mẫu:
– Ông Cả bên phủ Đông sang hỏi thăm sức khỏe cụ.
– Mày ra nói với anh ấy rằng anh ấy lo liệu việc nhà cũng mệt rồi, về nghỉ thôi, ta biết rồi đấy.
A hoàn nhỏ vâng lời nói với bà già, bà già nói lại với Giả Trân, Giả Trân mới lại ra. Ngày hôm sau, Giả Trân qua thu xếp mọi việc. Bọn hầu trai ở ngoài lần lượt đến trình báo công việc.
Có một người nói:
– Ngoài trang trại đưa quả tươi đến.
Giả Trân hỏi:
– Giấy kê lễ vật đâu?
Tên hầu trai vội vàng đưa giấy tới. Giả Trân xem thì thấy trong giấy chỉ ghi một số quả tươi, một ít rau và ít nhiều thức ăn nhà quê. Giả Trân xem xong, hỏi:
– Lâu nay ai coi giữ việc này?
– Ông Chu Thụy.
Giả Trân liền bảo Chu Thụy:
– Anh chiếu số đếm lại rõ ràng, giao vào trong nhà. Để ta sao lại một bản, chờ sau đối chiếu. – Rồi gọi: – Bảo nhà bếp, dọn mâm cơm hạng bét thêm một ít món ăn, chiếu lệ thưởng cho người đưa quả ăn và cho lão ta một ít tiền.
Chu Thụy vâng lời, cho người đem các vật ấy đến nhà Phượng Thư, chiếu tờ kê của trang trại giao lại rõ ràng rồi lui ra.
Một chốc thấy Chu Thụy lại vào thưa với Giả Trân:.
– Ông có đếm qua số quả tươi vừa rồi không ạ?
– Ta hơi đâu mà đếm những thứ ấy. Đã giao giấy kê cho anh thì anh cứ theo đó mà đếm.
– Con đã đếm qua, không thừa không thiếu. Ông đã có giấy sao, thì nên gọi người đưa quả vào hỏi nó xem giấy kê ấy là giả hay thật.
– Anh nói cái gì thế? Chẳng qua mấy thứ quả tươi, có quan trọng gì? Ta có nghi ngờ gì anh đâu.
Đang nói thì Bào Nhị ở ngoài chạy vào, cúi lạy rồi thưa:
– Xin ông Cả cứ cho con hầu hạ bên ngoài như trước.
– Cái gì thế?
– Con ở đây cũng không nói năng gì được.
– Anh có chuyện gì phải nói?
– Tội gì để con ở đây làm cho người ta rác mắt?
Chu Thụy tiếp lời:
– Tôi ở đây quản lý việc tô tức, tiền bạc ở các trang trại ra vào mỗi năm có đến năm ba chục vạn. Các ông các bà, các mợ xưa nay chẳng hề quở trách một lời, huống gì đến những vật nhỏ mọn ấy. Cứ như Bào Nhị nói thì ruộng đất, nhà cửa, tài sản của nhà ông lớn đây, đều bị bọn tôi xoáy sạch.
Giả Trần nghĩ thầm: “Chắc là Bào Nhị ở đây gây ra việc cãi cọ, chi bằng bảo nó đi ra”. – Liền nói với Bào Nhị: – Cút mau!
Rồi lại bảo với Chu Thụy:
– Anh cũng chẳng cần phải nói nữa, cứ đi làm việc của anh thôi.
Hai người nghe nói đều đi ra. Giả Trân vừa vào thư phòng nghỉ, thì nghe ngoài cửa ồn ào liền sai người ra hỏi, một lát họ vào thưa lại:
– Bào Nhị và con nuôi Chu Thụy đánh nhau.
– Con nuôi Chu Thụy là ai?
– Tên nó là Hà Tam, xưa nay vốn là người không ra gì, ngày nào nó cũng ở nhà uống rượu gây chuyện, thường cứ đến ngồi lì ngoài cửa này. Vừa rồi nó thấy Bào Nhị và Chu Thụy cãi nhau, nó cũng dây vào.
– Thế là đáng ghét thật! Bắt Bào Nhị và thằng Hà Tam nào đó trói cả lại cho tao! Chu Thụy đâu rồi?
– Khi hai người đánh nhau thì anh ta chạy mất.
– Bắt lại đây cho tao. Như thế còn ra thể thống gì nữa.
Người nhà vâng lời. Trong khi ồn ào như thế, thì Giả Liễn về. Giả Trân đem câu chuyện vừa rồi nói lại cho Giả Liễn nghe.
Giả Liễn nói:
– Như thế còn ra cái gì nữa.
Liền sai thêm người đi bắt Chu Thụy. Chu Thụy biết tránh cũng không xong, đành để họ đến bắt. Giả Trân nói:
– Trói tất cả lại cho ta.
Giả Liễn quát bảo Chu Thụy:
– Câu chuyện của chúng mày vừa rồi chẳng ra cái quái gì. Ông Cả đã phân giải là được rồi, sao chúng mày lại còn ra ngoài đánh nhau? Chúng mày đánh nhau đã không phải. lại còn kéo cả cái thằng Hà Tam vô loài nào đó đến gây chuyện. Mày không đe nó lại bỏ đi là nghĩa lý gì?
Nói đoạn Giả Liễn đá cho Chu Thụy mấy cái. Giả Trân nói:
– Chỉ đánh một mình Chu Thụy không ăn thua đâu!
Liền sai người dẫn Hà Tam và Bào Nhị đến, đánh cho mỗi người năm chục roi, rồi đuổi ra. Xong đó, Giả Liễn và Giả Trân mới bàn đến những việc quan trọng.
Sau đó, bọn người hầu xôn xao bàn tán: Có người nói Giả Trân thiên vị; có người nói ông ta không biết cách dàn xếp; có người nói ông ta không phải là người tốt, trước đây với chị em họ Vưu đã gây ra bao nhiêu chuyện xấu, chẳng phải do ông ta xúi giục cậu Hai gọi Bào Nhị đến hầu là gì? Bây giờ ông ta chê mắng Bào Nhị, chắc là vì vợ Bào Nhị hầu hạ không chu đáo chứ gì! Nhiều người lắm miệng, bàn tán xôn xao.
Từ khi Giả Chính coi việc bộ công, trong nhà có nhiều người nhờ đó mà phát tài. Giả Vân nghe vậy cũng muốn kiếm chút việc làm. Liền tìm mấy người thợ ở ngoài, bàn định xong xuôi mua một ít hàng mới, định tìm cách chạy chọt với Phượng Thư.
Hôm đó Phượng Thư ở trong nhà nghe bọn a hoàn nói:
– Cậu Cả và cậu Hai đều nổi giận, đang đánh người ở ngoài kia.
Phượng Thư chẳng biết vì sao, đang định cho người ra hỏi, thì thấy Giả Liễn đã vào kể lại câu chuyện vừa rồi cho Phượng Thư nghe. Phượng Thư nói:
– Việc ấy tuy chẳng quan trọng gì, nhưng cái thói ấy nhất thiết không thể để kéo dài. Giờ đây là lúc nhà mình đang thịnh vượng mà chúng dám đánh nhau như thế, sau này đến lượt bọn con cháu coi việc nhà thì chúng lại càng khó trị. Năm trước tôi ở bên phủ Đông, chính mắt trông thấy Tiều Đại uống rượu say mềm, nằm giữa thềm nhà, chẳng kể người trên kẻ dưới, cứ chửi bừa. Nó dù có công đến đâu đi nữa, nhưng giữa chủ nhà với đầy tớ cũng phải có thể thống mới được. Không phải tôi hay nói, chứ chị cả Trân thật là người thực thà quá, dung túng cho bọn người nhà hoành hành, không sợ gì phép vua lẽ trời nữa. Giờ lại nẩy ra thằng Bào Nhị nào đấy. Tôi nghe nói hắn là người đắc lực của cậu và anh Trân, vì sao hôm nay lại đánh hắn?
Giả Liễn nghe nói chạnh lòng, cảm thấy thẹn, liền tìm lời nói lảng rồi mượn cớ có việc bỏ ra ngoài. Tiểu Hồng vào thưa:
– Cậu Hai Vân ở ngoài muốn vào gặp mợ.
Phượng Thư nghĩ bụng: “Hắn lại tới đây làm gì?” Liền nói:
– Gọi cậu ấy vào đây.
Tiểu Hồng đi ra, nhìn Giả Vân mỉm cười. Giả Vân vội vàng sấn lại gần, hỏi:
– Cô thưa hộ cho tôi rồi à?
Tiểu Hồng đỏ mặt, nói:
– Tôi thấy anh bận nhiều việc.
– Nào có việc gì đâu mà dám đến đây làm phiền cô? Năm trước khi cô còn ở bên nhà chú hai Bảo, tôi mới cùng cô…
Tiểu Hồng sợ người ta trông thấy, không đợi Giả Vân nói xong hỏi:
– Năm ấy tôi đổi cho anh cái khăn lụa, anh có thấy không?
Giả Vân nghe nói đến câu đó, mừng quá như mở cờ trong bụng, vừa muốn nói nữa thì thấy một a hoàn nhỏ ở trong đi ra.
Giả Vân vội vàng cùng Tiều Hồng đi vào. Hai người đi song song gần nhau. Giả Vân khẽ nói:
– Chốc nữa cô đưa tôi ra, tôi sẽ nói chuyện với cô một điều.
Tiểu Hồng nghe nói, má đỏ ửng lên, nhìn Giả Vân một cái im lặng không đáp. Hai người đến cửa phòng Phượng Thư.
Tiểu Hồng vào trình trước rồi trở ra vạch màn, lấy tay vẫy, và nói:
– Mợ bảo mời cậu Hai vào.
Giả Vân mỉm cười theo Tiểu Hồng vào. Thấy Phượng Thư, Giả Vân hỏi thăm sức khỏe, và nói:
– Mẹ cháu gửi lời hỏi thăm thím.
Phượng Thư cũng hỏi thăm mẹ hắn, rồi nói:
– Cháu tới có việc gì?
– Trước đây cháu được thím thương đến, trong lòng không bao giờ quên, thường cứ băn khoăn muốn kiếm cái gì giả ơn thím, nhưng lại sơ thím ngờ vực. Nay gặp Tiết trùng dương, gọi là có chút lễ mọn, ở đây vật gì cũng có, chẳng qua gọi tỏ chút lòng thành của cháu mà thôi. Không biết thím có nhận không?
– Có việc gì cháu cứ ngồi đã rồi hãy nói.
Giả Vân ngồi xuống, vội vàng đưa gói lễ vật để lên trên bàn. Phượng Thư nói:
– Cháu có dư dật gì đâu, bày vẽ làm gì cho tốn tiền? Thím cũng chẳng cần lễ vật của cháu. Hôm nay cháu đến đây muốn xin điều gì cứ nói thật đi.
– Cháu có dám xin gì đâu, chẳng qua nghĩ đến ơn của thím, trong bụng không đành đó thôi.
– Sao lại nói thế. Nhà cháu chật vật, thím còn lạ gì, lẽ nào lại vô cớ đi lấy của cháu? Nếu cháu muốn thím nhận những vật ấy, thì phải nói rõ ràng. Cứ giấu đầu giấu đuôi như thế thì thím không nhận đâu.
Giả Vân chẳng biết làm thế nào, đành đứng dậy, cười lấy lòng và nói:
– Không phải cháu dám mơ tưởng gì đâu, nhưng mấy hôm trước đây cháu nghe nói ông lớn trông coi tất cả mọi công trình xây dựng lăng tẩm nhà vua, cháu có mấy người bạn, trước đây đã từng làm nhiều công trình rất là chu tất. Ý cháu muốn nhờ thím thưa với ông nhà một lời, may ra chúng cháu được phép nhận làm một vài việc; nếu được thế thì không bao giờ cháu quên ơn thím. Hoặc giả trong nhà ta có việc gì dùng đến cháu, cháu cũng có thể hầu thím được.
– Việc khác thì thím cũng còn có thể nhận lời được, chứ công việc ở cửa quan trước là do các quan trên bàn định, sau là các thư lại nha dịch lo liệu. Người khác mó tay vào đấy sao được? Ngay cả người nhà ta đây cũng chẳng qua là theo hầu ông lớn đấy thôi. Chú Hai của cháu có đi cũng chỉ là làm riêng việc nhà mình, đâu dám nhúng tay vào việc công. Còn việc nhà đây thì bề bộn lung tung, ngay cả bác Trân cũng đe nẹt không nổi nữa là. Cháu tuổi còn trẻ, thứ bậc trong họ lại thấp, không phải là người làm được những việc ấy đâu. Vả lại công việc ở cửa quan cũng gần xong rồi, chỉ còn những việc lặt vặt. Cháu ở nhà làm việc gì chẳng được? Không lẽ không có cơm ăn à? Thím nói thật đấy, cháu về nghĩ lại mà xem. Thím biết bụng cháu. Những lễ vật này cháu đem về, lấy ở đâu thì trả lại cho người ta.
Đang nói chuyện thì thấy người vú bế Xảo Thư vào. Xảo Thư ăn mặc loè loẹt, tay cầm đồ chơi, cười nói bi bô chạy lại gần Phượng Thư. Giả Vân trông thấy, chạy lại cười, nói:
– Em đấy à? Em muốn lấy gì không?
Xảo Thư khóc oà lên. Giả Vân liền lùi lại. Phượng Thư vội vàng ẵm con vào lòng mà nói:
– Con đừng sợ! Đây là anh Vân của con đấy mà, sao lại lạ?
Giả Vân nói:
– Mặt mũi em xinh xắn như thế, sau này thế nào cũng có phúc to.
Xảo Thư ngoảnh mặt lại nhìn Giả Vân một cái, lại khóc lên luôn mấy lần. Giả Vân thấy tình cảnh này, ngồi lại không tiện, đứng dậy cáo từ. Phượng Thư nói:
– Cháu đem lễ vật về thôi.
– Một chút quà mọn này mà thím không nhận cho ư?
– Cháu không cầm về thì thím cũng cho người đưa đến nhà. Này cháu, cháu đừng làm như thế. Cháu có phải là người ngoài đâu. Ở đây có dịp tốt thì thím sẽ cho người gọi cháu, còn không có việc gì thì thím cũng chịu thôi, có phải là cần lễ vật mới được đâu.
Giả Vân thấy Phượng Thư nhất định không nhận, mặt đỏ bừng, đành phải nói miễn cưỡng:
– Thôi để lần sau cháu sẽ tìm thứ gì dùng được đem biếu thím vậy.
Phượng Thư gọi Tiểu Hồng:
– Em cầm gói lễ vật đưa anh Vân ra.
Giả Vân vừa đi vừa nghĩ thầm: “Người ta bảo mợ Hai ghê gớm mình không tin, nay quả thế thật. Lời nói như đinh đóng cột chẳng hớ một tý nào. Chả trách không có con trai là phải. Cái con Xảo Thư kia lại càng lạ, nó thấy mình như có tiền oan nghiệt chướng gì chẳng bằng. Ta thật đen đủi phí cả một ngày.”
Tiểu Hồng thấy Giả Vân không xin xỏ được gì, cũng hơi buồn, cầm gói lễ vật đi theo. Giả Vân đỡ lấy, mở gói ra, chọn hai cái đưa cho Tiểu Hồng. Tiểu Hồng không nhận, nói:
– Anh đừng làm thế, mợ tôi biết thì cả hai người đều chẳng ra sao.
– Cô cứ cầm lấy, sợ cái gì? Mợ ấy biết sao được. Nếu cô không nhận tức là không coi tôi ra gì.
Tiểu Hồng mới nhận lấy rồi mỉm cười nói:
– Ai cần những vật này của anh để làm gì?
Nói vậy, má cô ta lại đỏ ứng lên. Giả Vân cũng cười, nói:
– Tôi cũng không phải là vì mấy vật ấy. Vả chăng, mất vật ấy có đáng là bao.
Hai người vừa nói thì đã đi ra đến cửa trong. Giả Vân đem những vật còn lại đút vào trong học. Tiểu Hồng giục:
– Thôi, anh về, có việc gì cứ đến tìm tôi. Giờ tôi ở trong nhà đây. Kể ra cũng tiện lợi.
Giả Vân gật đầu nói:
– Mợ Hai ghê gớm lắm, tôi tiếc không đến được luôn. Những điều tôi vừa nói với cô, chắc cô cũng hiểu rõ. Có dịp rảnh, tôi sẽ nói chuyện với cô.
Tiểu Hồng thẹn đỏ mặt lên, nói:
– Thôi, anh về, lần sau cũng nên năng đi lại với mợ ấy. Ai bảo anh hay xa người ta?
– Biết rồi đấy.
Giả Vân vừa nói vừa đi ra khỏi ngõ. Tiếu Hồng đứng ngoài cửa ngẩn người ra nhìn, đến khi hắn đi xa mới quay vào. Phượng Thư ở trong nhà dặn làm cơm chiều, lại hỏi:
– Đã nấu cháo chưa?
Bọn a hoàn vội vàng đi hỏi rồi về trình:
– Nấu rồi ạ!
– Nhớ sắp lấy vài đĩa thức ăn ướp ở miền Nam đưa về.
Thu Đồng vâng lời, gọi bọn a hoàn sửa soạn sẵn sàng. Bình Nhi chạy lại, cười nói:
– Tôi quên mất. Lúc giữa trưa, khi mợ đang ở bên nhà cụ, bà sư ở am Thủy Nguyệt cho người đạo bà đến xin mợ hai bình dưa muối miền Nam và xin chi trước tiền lương vài tháng, nói là bà ta không được khỏe. Tôi có hỏi đạo bà: “Tại sao bà sư không được khỏe?” Bà ta nói: “Cách đây bốn năm hôm, ban đêm trong bọn ni cô và đạo sĩ nhỏ có mấy đứa bé gái nằm ngủ không chịu tắt đèn. Bà sư nói mấy lần không được. Một đêm đến khoảng canh ba, thấy bọn chúng còn để đèn, bà sư bảo tắt đi, đứa nào đứa nấy ngủ lỳ ra, không trả lời. Bà sư bất đắc dĩ, phải tự mình dậy thổi đèn hộ. Khi quay lại thấy có hai người, một trai một gái, ngồi trên giường mình. Bà ta hỏi là ai! Bỗng họ đưa một cái dây thắt vào cổ bà ta. Bà ta kêu la ầm ĩ. Mọi người nghe tiếng, thắp đèn chạy đến, thấy bà ta đã nằm lăn giữa đất, nước bọt trào ra đầy miệng. May mà cứu lại được. Bây giờ chưa ăn được gì, nên mới cho người đến xin dưa muối. Tôi thấy mợ không ở nhà, không tiện cho. Tôi nói: “Mợ bây giờ ở bên nhà, đang bận, để về tôi sẽ thưa lại”, rồi tôi bảo họ về. Vừa rồi nghe nói món ăn miền Nam, tôi sực nhớ đến, không thì cũng quên mất.
Phượng Thư nghe xong, ngẩn người ra một lúc rồi nói:
– Dưa miền Nam hình như còn thì phải, bảo người đưa cho bà ta một ít. Còn tiền thì đến hôm sau bảo anh Cần đến nhận.
Vừa lúc đó lại thấy Tiểu Hồng vào thưa:
– Vừa rồi cậu Hai cho người về nói, đêm hôm nay cậu ấy có việc ở ngoài thành, không thể về được, nói để ở nhà biết.
Phượng Thư nói:
– Nghe rồi.
Bỗng một a hoàn nhỏ từ phía sau chạy đến giữa sân, thở hồng hộc, miệng la ầm lên. Bình Nhi ở ngoài đón hỏi, rồi cùng bọn a hoàn nói gì lầm rầm với nhau. Phượng Thư hỏi:
– Chúng mày nói gì thế?
Bình Nhi nói:
– Con nhỏ này nhát gan, nói chuyện ma quỷ.
– Đứa nào thế?
A hoàn nhỏ đi vào. Phượng Thư hỏi:
– Có chuyện ma quỷ gì thế?
– Cháu vừa ra nhà sau bảo người làm việc vặt đưa thêm than. Bỗng nghe trong ba gian nhà không có tiếng sột soạt, cháu tưởng là mèo hay chuột gì phá; lại nghe “hà” một tiếng giống như người thở, cháu sợ quá, vội chạy về đây.
Phượng Thư quát mắng:
– Nói nhảm! Ở đây nhất thiết không được nói chuyện ma quỷ. Tao xưa nay không tin những chuyện ấy. Mày cút mau đi!
A hoàn nhỏ đi ra. Phượng Thư liền gọi Thái Minh xem lại sổ tiêu dùng lặt vặt trong ngày ấy. Lúc đó đã gần canh hai, Phượng Thư nghỉ một lát, nói vài câu chuyện phiếm, đoạn bảo mọi người đi nghỉ, còn mình cũng nằm xuống nghỉ. Chừng canh ba, Phượng Thư đang thiu thiu, giở ngủ giở thức, bỗng thấy rùng mình tỉnh dậy, càng nằm càng thấy trong mình rờn rợn. Liền gọi Bình Nhi và Thu Đồng lại cùng nằm. Hai người chẳng hiểu vì sao. Thu Đồng lâu nay vốn không ưa Phượng Thư, vì việc chị hai họ Vưu, nên Giả Liễn không yêu Thu Đồng. Phượng Thư cố tìm cách mơn trớn, nên Thu Đồng cũng khuây lòng. Nhưng chị ta chỉ có tình nghĩa ngoài mặt, khác xa Bình Nhi. Nay thấy Phượng Thư khó ở đành phải bưng tới một chén trà, Phượng Thư uống một hớp, rồi nói:
– Cám ơn em, ngủ đi thôi, chỉ để Bình Nhi ở đây là được rồi.
Thu Đổng muốn tỏ ra ân cần liền nói:
– Mợ ngủ không được thì để hai đứa chúng tôi chia nhau ngồi thức cũng được.
Phượng Thư vừa nói vừa nằm ngủ. Thu Đồng và Bình Nhi thấy Phượng Thư đã ngủ, xa xa tiếng gà đã gáy, liền để cả áo nằm nghỉ. Một lát thì trời sáng, vội vàng dậy hầu Phượng Thư chải tóc rửa mặt.
Phượng Thư vì việc đêm qua, tâm thần hoảng hốt không yên, nhưng tính thích tỏ ra cứng rắn, nên vẫn gượng dậy. Đang ngồi bực mình thì thấy một a hoàn nhỏ ở ngoài sân hỏi:
– Cô Bình ở nhà đấy không?
Bình Nhi lên tiếng. A hoàn ấy vạch màn bước vào. Thì ra Vương phu nhân cho nó đến tìm Giả Liễn. Nó nói:
– Bên ngoài có người đến trình việc quan rất cần. Ông lớn vừa đi vắng, nên bà lớn gọi cậu Hai qua ngay.
Phượng Thư nghe nói, giật mình, chưa biết là việc gì.
1 Thứ trò chơi tương tự đánh cờ. Có một cái bàn trên bàn, mỗi bên có 16 quân, người chơi gieo hai hạt xúc xắc, rồi cứ xem điểm số gieo được mà cho quân đi, ai đi đến đối phương trước là thắng.
2 Bức tranh đua chịu rét.