Chương 83: Vào cung Vị, thăm Nguyên phi bị ốm
Nhộn nhà cửa, làm Bảo Thoa nghẹn lời
Thám Xuân và Tương Vân đang định đi ra, chợt nghe bên ngoài có người kêu ầm lên:
– Con ranh con kia! Cái thứ mày là hạng gì mà dám đến phá phách vườn này?
Đại Ngọc nghe nói, kêu to lên một tiếng:
– Không thể ở đây được nữa!
Rồi giơ một tay chỉ ra ngoài cửa sổ, hai mắt cứ trợn ngược lên. Đại Ngọc ở trong vườn Đại Quan, tuy được Giả mẫu thương yêu nhưng đối với người khác, việc gì cũng để ý từng ly từng tí. Nghe bà già ở ngoài cửa sổ mắng như thế, nếu như người khác thì không để ý làm gì, nhưng Đại Ngọc lại cho người ta nói móc mình. Cô ta nghĩ bụng “Mình là một vị tiểu thư nghìn vàng, chỉ vì cha mẹ mất cả, không biết người nào xui xiểm bà già ấy đến nhiếc mắng mình như thế”. Trong lòng tức tối không sao chịu nổi, cô ta đau đớn quá ngất người đi.
Tử Quyên vừa khóc vừa gọi:
– Cô sao thế? Mau mau tỉnh lại.
Thám Xuân cũng gọi, một lát sau Đại Ngọc mới hồi tỉnh, nhưng vẫn nói không ra lời, một tay vẫn chỉ ra ngoài cửa sổ.
Thám Xuân hiểu ý, mở cửa đi ra, thấy một bà già tay cầm cái gậy, đuổi một con bé lem luốc và nói:
– Tao tới đây để trông nom hoa quả cây cối trong vườn, chứ mày làm gì mà cũng đến đây? Về nhà tao sẽ đánh cho mày một trận.
Con bé kia quay đầu lại, miệng đang mút ngón tay chùn chụt mắt nhìn bà già mà cười.
Thám Xuân mắng:
– Các bà dạo này càng không có phép tắc gì nữa! Ở đây là chỗ các bà mắng người ta đấy à?
Bà già kia thấy Thám Xuân, vội vàng cười tươi nói:
– Con cháu ngoại tôi thấy tôi vào đây, nó cũng đi theo, tôi sợ nó phá, nên quát nó về, đời nào tôi lại dám mắng người ta ở đây.
– Không cần nói nhiều, ở đây cô Lâm không được khỏe, bà ra mau mau đi cho tôi.
Bà già “dạ” một tiếng, quay ra ngay, con bé cũng chạy mất.
Thám Xuân trở vào, thấy Tương Vân cứ nắm tay Đại Ngọc mà khóc. Tử Quyên một tay ôm lấy người Đại Ngọc, một tay vuốt bụng cho cô ta. Bấy giờ con mắt Đại Ngọc mới dần dần trở lại như cũ.
Thám Xuân cười nói:
– Chắc là cô nghe lời bà già kia nói mà ngờ vực phải không?
Đại Ngọc cứ lắc đầu. Thám Xuân nói:
– Bà già ấy mắng cháu ngoại, vừa rồi tôi cũng nghe thấy. Các bà ấy ăn nói thật chả biết gì cả, các bà ấy có biết kiêng nể gì đâu?
Đại Ngọc nghe nói, thở dài nắm lấy tay Thám Xuân và nói:
– Em… – Rồi lại im bặt.
Thám Xuân lại nói:
– Cô đừng có phiền lòng, tôi đến thăm cô, đó là tình nghĩa chị em. Cô lại ít người hầu hạ, chỉ cần cô yên tâm và chịu khó uống thuốc, trong bụng nên nghĩ đến những việc vui mừng. Cô sớm mạnh khỏe được ngày nào thì ngày ấy chúng ta lại lập thi xã làm thơ như cũ, thế chẳng vui sao?
Tương Vân nói:
– Như chị Ba nói đó vui biết chừng nào.
Đại Ngọc nghẹn ngào:
– Các cô cứ muốn cho tôi vui, nhưng tiếc thay tôi làm gì được có ngày ấy, chỉ sợ không khỏi thôi!
Thám Xuân nói:
– Cô nói bậy thôi, người nào không có bệnh tật kia chứ? Đã có gì đâu mà nghĩ vơ vẩn thế? Cô hãy nghỉ thôi, chúng tôi đến bên cụ, rồi chốc nữa sẽ quay trở lại. Cô cần gì cứ bảo Tử Quyên nói với tôi.
Đại Ngọc ứa nước mắt, nói:
– Em ạ! Em đến bên nhà cụ, nhờ chuyển lời tôi hỏi thăm sức khỏe, trong người tôi hơi mệt, không có bệnh gì nặng, xin cụ chớ phiền lòng.
Thám Xuân vâng lời, nói:
– Tôi biết rồi, cô cứ nằm yên thôi.
Nói xong cùng Tương Vân đi ra.
Trong lúc đó Tử Quyên đỡ Đại Ngọc nằm xuống giường, mọi việc đã có Tuyết Nhạn lo liệu, còn mình thì săn sóc cho Đại Ngọc. Nhìn Đại Ngọc, Tử Quyên đau xót trong lòng, nhưng không dám khóc. Đại Ngọc nhắm mắt một lát, nhưng không sao ngủ được. Trong vườn ngày thường tịnh mịch, nay nằm trên giường, cô ta nghe tiếng gió thổi, tiếng sâu bọ kêu, tiếng chim hót, tiếng chân người đi lại, hình như xa xa có tiếng trẻ con khóc. Tất cả những tiếng ấy, cứ xào xạc bên tai, làm cho cô ta đâm ra bực bội, liền gọi Tử Quyên buông màn xuống.
Tuyết Nhạn bưng một bát yến sào đưa cho Tử Quyên. Tử Quyên đứng ngoài màn hỏi khẽ:
– Cô húp một miếng nhé?
Đại Ngọc khẽ ừ một tiếng. Tử Quyên quay lại đưa bát yến sào cho Tuyết Nhạn, rồi lên giường đỡ Đại Ngọc ngồi dậy. Tử Quyên cầm bát yến sào, nếm thử một tý, rồi một tay ôm lấy vai Đại Ngọc; một tay bưng bát đưa lên môi Đại Ngọc. Đại Ngọc hé mắt húp hai, ba miếng, rồi lắc đầu không ăn nữa. Tử Quyên lại đưa bát cho Tuyết Nhạn, đỡ Đại Ngọc nhè nhẹ nằm xuống.
Nằm yên lặng một lát, Đại Ngọc hơi đỡ, chợt nghe ngoài cửa sổ có tiếng hỏi nhỏ:
– Em Tử Quyên có ở nhà không?
Tuyết Nhạn vội vàng đi ra, thấy Tập Nhân, liền nói khẽ:
– Mời chị vào trong nhà ngồi.
Tập Nhân cũng hỏi khẽ:
– Cô làm sao thế?
Vừa đi, Tuyết Nhạn vừa kể lại mọi việc vừa xảy ra đêm qua. Tập Nhân nghe vậy cũng kinh sợ ngơ ngác, liền nói:
– Chả trách vừa rồi Thúy Lũ đến bên chúng tôi nói cô ốm, cậu Bảo sợ quá, vội sai tôi đến xem thế nào?
Đương nói thì thấy Tử Quyên vạch màng ló đầu ra nhìn.
Trông thấy Tập Nhân, Tử Quyên vẫy tay gọi. Tập Nhân nhẹ nhàng đi tới, hỏi:
– Cô ngủ rồi à?
Tử Quyên gật đầu, hỏi lại:
– Chị cũng biết tin à?
Tập Nhân cũng gật đầu, rồi cau mày nói:
– Cứ thế này mãi thì làm thế nào? Cậu Bảo đêm hôm qua cũng làm tôi sợ gần chết.
– Sao thế?
– Đêm hôm qua khi cậu ấy đi ngủ thì không có việc gì cả. Ai ngờ nửa đêm cậu ấy kêu rầm lên là đau bụng, miệng nói lảm nhảm hình như bị dao cắt ruột, mãi đến gần sáng mới hơi đỡ, chị bảo có dễ sợ không? Hôm nay cậu ấy không đi học được, lại còn phải mời thầy uống thuốc nữa đấy.
Đang nói thì nghe Đại Ngọc lại ho ở trong màn. Tử Quyên vội vàng lại gần, bưng ống nhổ để hứng đờm. Đại Ngọc hé mắt ra và hỏi:
– Chị nói chuyện với ai thế?
– Chị Tập Nhân đến thăm cô đấy.
Lúc này Tập Nhân đã đi tới bên giường. Đại Ngọc bảo Tử Quyên đỡ dậy, một tay chỉ bên giường, mời Tập Nhân ngồi.
Tập Nhân ghé mình ngồi xuống, vội vàng tươi cười an ủi:
– Cô cứ nằm thôi.
– Tôi không hề gì đâu, các chị đừng có làm xôn xao lên thế, vừa rồi, chị nói ai nửa đêm đau bụng?
– Cậu Bảo ngẫu nhiên bị mê nhưng không can gì.
Đại Ngọc hiểu ý, biết là Tập Nhân sợ mình lo lắng. Cô ta vừa cảm kích, vừa đau thương, nhân tiện hỏi:
– Cậu ấy mê sảng thế chị không nghe cậu ấy nói gì à?
– Cũng không nói gì.
Đại Ngọc gật đầu, một hồi lâu thở phào một tiếng rồi nói:
– Các chị đừng nói với cậu Bảo là tôi ốm, coi chừng cậu ấy lại nhỡ việc học, để ông lại giận.
Tập Nhân vâng lời và khuyên:
– Cô nên nằm nghỉ thôi.
Đại Ngọc giật đầu, bảo Tử Quyên đỡ mình nằm xuống.
Tập Nhân ngồi một bên, an ủi mấy câu rồi ra về. Đến viện Di Hồng, chị ta chỉ nói Đại Ngọc hơi mệt, không phải bệnh gì nặng. Bảo Ngọc mới yên lòng.
Thám Xuân và Tương Vân ra khỏi quán Tiêu Tương đi một mạch đến nhà Giả mẫu. Thám Xuân dặn Tương Vân:
– Chốc nữa gặp cụ, em đừng có xốc nổi như thế nữa.
Tương Vân gật đầu cười, nói:
– Biết rồi, lúc nãy em khiếp quá nên mới vô ý như thế.
Lúc này hai người đã đến nhà Giả mẫu. Thám Xuân nhắc đến bệnh Đại Ngọc. Giả mẫu nghe vậy, buồn bực nói:
– Chỉ có hai cháu Ngọc là lắm bệnh tật. Con Lâm giờ đã lớn rồi, phải gìn giữ thân thể, ta thấy nó hay để ý từng ly từng tý quá.
Mọi người đều không dám nói gì. Giả mẫu liền bảo Uyên Ương:
– Mày nói với chúng nó: Ngày mai thầy thuốc đến xem cho Bảo Ngọc thì bảo sang xem cho con Lâm luôn.
Uyên Ương vâng lời đi ra, nói với bọn bà già. Bọn bà già lại truyền ra ngoài. Thám Xuân và Tương Vân ăn cơm chiều với Giả mẫu, rồi về trong vườn.
Hôm sau, thầy thuốc đến xem bệnh cho Bảo Ngọc, chẳng qua cũng nói là ăn uống không có điều độ, hơi cảm phong hàn, không quan hệ lắm, sơ tán một chút là khỏi. Vương phu nhân và Phượng Thư một mặt sai người đem đơn thuốc đến trình Giả mẫu; một mặt sai người đến nói với người ở quán Tiêu Tương:
– Thầy thuốc sắp đến rồi đấy.
Tử Quyên vâng lời, vội vàng đắp chăn cho Đại Ngọc tử tế và buông màn xuống. Tuyết Nhạn thì vội vàng dọn dẹp trong phòng.
Một lát sau, Giả Liễn đưa thầy Lang vào và nói:
– Cụ lang thường đến đây luôn, các chị không cần phải tránh.
Bà già treo màn lên. Giả Liễn mời thầy Lang vào ngồi trong phòng, rồi nói:
– Chị Tử Quyên, chị hãy kể bệnh tình của cô Lâm cho cụ Vương rõ.
Thầy lang họ Vương bảo:
– Hãy khoan, để tôi bắt mạch, và nói xem có đúng hay không. Nếu có chỗ nào sai các cô sẽ bảo tôi.
Tử Quyên liền đưa tay của Đại Ngọc từ trong màn ra, đặt trên gối dựa, rồi nhẹ nhàng giơ cái ống áo và cái vòng lên để khỏi đè lấy mạch.
Thầy Lang họ Vương bắt mạch tay này một lúc, lại bắt sang tay kia, rồi cùng Giả Liễn đi ra nhà ngoài ngồi và nói:
– Sáu mạch đều huyền 1 là do ngày thường hay tư lự mà ra.
Đang nói thì Tử Quyên cũng ra đứng phía trong cửa. Thầy lang liền bảo Tử Quyên:
– Bệnh này thường chóng mặt kém ăn uống, hay chiêm bao; mỗi lúc đến canh năm, thế nào cũng tỉnh dậy mấy lần; ban ngày dù nghe những việc không liên quan đến mình cũng cứ tức giận và hay nghi hay sợ. Ai không biết thì cho là tính tình quá gở, thực ra chỉ vì can âm bị suy kém, tâm trí hao mòn, nguyên nhân cũng đều là do bệnh ấy gây nên cả. Có đúng thế không?
Tử Quyên gật đầu, nói với Giả Liễn:
– Thầy nói rất đúng.
Thầy Lang nói:
– Thế thì được.
Nói xong, ông ta cùng Giả Liễn đi ra thư phòng kê đơn.
Bọn hầu trai đã sắp sẵn một tờ thiếp mai hồng. Thầy lang uống trà xong cầm bút viết:
“Sáu mạch huyền và chậm, vì ngày thường uất tích. Mạch “thốn” bên phải vô lực; tâm khí đã suy. Riêng mạch “quan” lại mạnh là can tà vượng hơn. Mộc khí không tiết ra được, thế nào cũng lấn tỳ thổ, vì thế mà ăn không biết ngon, thậm chí thắng cái không thể thắng; phế kim nhất định bị thương. Khí không lưu thông, ngưng tụ lại thành ra đờm; huyết theo khí mà trào lên, tất sinh ho. Đúng thì phải “Sơ can bảo phế” nuôi dưỡng tâm tỳ. Tuy có thuốc bổ, cũng không nên dùng ngay. Bây giờ hãy xin dùng bài “Hắc tiêu dao” để khai thông trước đã, rồi sau dùng bài “Qui phế cố kim” để uống tiếp theo. Ý định của tôi như thế, xin chờ bật cao minh xét lại mà dùng.
Viết xong, thầy lang lại kê thêm bảy vị thuốc và mấy vị thuốc dẫn. Giả Liễn cầm lên xem, hỏi:
– Huyết đang xung mà dùng được sài hồ à?
– Cậu Hai chỉ huyết sài hồ là vị thuốc có tính chất bốc lên, bệnh thổ huyết nên kiêng, không biết dùng miếng huyết 2 mà sao đi, nếu không dùng sài hồ thì không thể khai thông được khí ở kinh thiếu dương. Dùng miết huyết mà hạn chế bớt đi, làm cho nó không đến nỗi bốc lên quá, thì sài hồ có thể bồi dưỡng được can âm và ức chế được tà hỏa. Vì thế sách nội kinh nói: “Nhân thông mà dùng cách thông, nhân tắc mà dùng cách tắc”. Dùng sài hồ sao với miết huyết, chính là cách “mượn Chu Bột để yên họ Lưu” 3 đấy
– Té ra như thế, rất là tốt.
– Xin uống trước hai thang, rồi hãy thêm bớt, hoặc là đổi phương khác. Tôi còn có chút việc, không thể ngồi lâu, ngày khác sẽ tới hỏi thăm sức khỏe.
Giả Liễn tiễn thầy lang ra, và hỏi:
– Thuốc chú em tôi thì như thế thôi à?
– Cậu Hai không có bệnh gì nặng, có lẽ chỉ uống thêm một thang nữa là khỏe.
Nói xong lên xe ra về.
Giả Liễn một mặt sai người bốc thuốc, một mặt về phòng nói lại bệnh tình của Đại Ngọc và việc dùng thuốc của thầy lang cho Phượng Thư nghe. Vừa lúc đó, thấy vợ Chu Thụy chạy đến trình lại mấy việc lặt vặt. Giả Liễn nghe qua mấy câu liền nói:
– Chị thưa lại với mợ Hai thôi, tôi còn chút việc.
Nói xong Giả Liễn đi ngay, vợ Chu Thụy quay vào nói với Phượng Thư:
– Vừa rồi tôi đến bên nhà cô Lâm, xem bệnh cô ta có phần nguy lắm. Mặt không còn một chút máu, sờ người chỉ thấy xương bọc lấy da! Hỏi thì cô ta cứ chảy nước mắt, không nói gì. Sau đó cô Tử Quyên nói với tôi: cô Lâm hiện đang ốm, muốn xin cái gì cũng không dám nói. Tôi định thưa với mợ Hai xin chi trước cho hai tháng tiền lương.Vì bây giờ tiền uống thuốc tuy có quỹ chung nhưng cũng phải có ít nhiều để tiêu vặt. Tôi nhận lời cô ta và xin thưa lại với mợ.
Phượng Thư cúi đầu nghĩ một lát, rồi nói:
– Thế này nhé, tôi đưa cho cô Tử Quyên mấy lạng bạc để tiêu, cũng không cần nói với cô Lâm nữa. Còn tiền tháng thì không thể chi trước, vì một người bày trò, rồi ai cũng đòi chi trước thì làm sao được? Chị lại không nhớ việc Dì Triệu và cô Ba cãi nhau hay sao? Chẳng qua cũng chỉ vì tiền tháng đấy thôi. Gần đây chị cũng biết đấy, tiền tiêu ra thì nhiều, mà tiền thu vào thì ít, thành ra cứ phải giật gấu vá vai, người không biết cứ bảo tôi tính toán không khéo, có những kẻ đặt điều nói là tôi chuyền của về bên ngoại. Chị cũng là người đã từng lo việc chi tiêu trong nhà, tất nhiên chị biết tôi làm như thế nào?
– Thật là oan uổng chết đi được! Đối với gia đình đồ sộ như thế này, chỉ có người biết lo lắng tính toán như mợ mới làm được thôi. Đừng nói là đàn bà làm không được, dầu cho hạng đàn ông ba đầu sáu tay cũng chưa chắc đã chống đỡ nổi. Thế mà còn dám nói nhảm.
Nói đến đó chị ta lại phì cười và tiếp:
– Mợ không biết, chứ người bên ngoài lại còn nói nhảm hơn nữa kia! Trước đây nhà tôi về nhà bảo, người ngoài tưởng rằng trong phủ mình không biết bao nhiêu tiền mà kể. Có người nói: “Trong phủ Giả có cái kho mấy gian bạc, mấy gian vàng, đồ đạc trong nhà đều bịt vàng, nạm bạc hết”. Có người nói: “Con gái làm Vương phi, thế nào chả đem của cải trong cung chia một nửa cho bên ngoại. Trước đây quý phi về thăm nhà, chính mắt chúng tôi trông thấy chở về mấy xe vàng bạc, cho nên trong nhà trần thiết không khác gì cung Long Vương. Hôm nọ làm lễ tạ thần ở miếu, tiêu hết mấy vạn lạng bạc, chẳng qua là nhổ một cái lông ở trên mình con trâu mà thôi”. Có người lại còn nói: “Con sư tử ở trước cửa nhà họ, có lẽ cũng là ngọc thạch đấy! Trong vườn thì có kỳ lân bằng vàng, bị mất trộm một con rồi, chỉ còn một con thôi. Các mợ các cô trong nhà thì không cần phải nói, ngay đến các cô gái hầu cũng không phải mó đến một việc gì, cứ mực uống rượu, đánh cờ, gẩy đàn vẽ tranh, vì họ đã có người hầu hạ, chỉ việc mang là mặc lượt, đồ ăn uống trang sức đều là những vật người thường không biết đến. Còn các cô các cậu thì lại càng không phải nói, muốn đòi mặt trăng trên trời cũng có người lấy xuống cho mà chơi.
Lại còn có một bài hát:
Phủ Vinh quốc, phủ Ninh quốc
Bạc vàng của báu như bùn đất
Ăn không cùng, mặc không cùng
Rồi ra…
Nguyên câu cuối là:
Rồi ra rút cục cũng là không.
Chị ta buột miệng nói đến đó, chợt nghĩ câu ấy không hay, nên nín bặt đi.
Phượng Thư nghe xong, biết câu này chẳng tốt lành gì, nên cũng không tiện hỏi vặn, chỉ nói:
– Những cái đó chẳng quan hệ gì, nhưng câu chuyện “kỳ lân vàng” thì ở đâu mà ra?
– Tức là con kỳ lân vàng nhỏ mà đạo sĩ già trong miếu biếu cậu Bảo đấy. Sau mất đi mấy hôm, may cô Sử nhặt được, trả lại cho cậu ấy. Thế mà bên ngoài bịa ra như thế, mợ nói những người ấy có đáng buồn cười hay không?
– Những câu chuyện ấy không đáng buồn cười, mà là đáng sợ đấy! Nhà mình càng ngày càng khó khăn, mà bên ngoài họ còn bàn tán như thế. Tục ngữ nói: “Người sợ nổi danh, lợn lành sợ béo”, huống nữa đây lại là cái tiếng hão. Sau này chẳng biết ra sao?
– Mợ lo cũng phải, nhưng trong kinh thành này, từ quán trà hàng rượu đến các ngõ đường, đâu đâu cũng nói như thế, mà cũng không phải chỉ quãng một năm nay, thì làm sao mà bịt miệng người ta được?
Phượng Thư gật đầu, bảo Bình Nhi cân mấy lạng bạc đưa cho vợ Chu Thụy và nói:
– Chị cầm lấy đưa trước cho Tử Quyên, nói rằng tôi đưa cho chị ta để mua thêm các thứ. Nếu muốn xin tiền công thì cứ việc xin chứ đừng nhắc đến câu chuyện chi tiền tháng. Chị ta là người sáng dạ, thế nào cũng hiểu lời nói của tôi. Có dịp rảnh tôi sẽ tới thăm cô Lâm.
Vợ Chu Thụy cầm lấy bạc, vâng lời đi ra.
Giả Liễn đi ra ngoài, thấy một tên hầu nhỏ đón lại thưa:
– Ông Cả gọi cậu đến hỏi chuyện.
Giả Liễn vội vàng đi sang gặp Giả Xá. Giả Xá nói:
– Vừa rồi nghe tin trong cung gọi một vị ngự y ở Thái y viện và hai người lại mục vào xem bệnh, chắc không phải là bọn cung nữ ốm đâu. Mấy hôm nay trong cung có tin tức gì về quý phi không?
– Không ạ.
– Con đi hỏi chú Hai và anh Trân xem; nếu không biết thì phải sai người đến Thái y viện dò xem mới được.
Giả Liễn vâng lời, một mặt sai người tới Thái y viện, một mặt vội vàng đi gặp Giả Chính và Giả Trân.
Giả Chính nghe nói, liền hỏi:
– Nghe tin ở đâu thế?
– Thưa vừa rồi nghe cha cháu nói.
– Cháu cùng anh Trân đi vào trong ấy dò xem.
– Cháu đã cho người đi hỏi ở Thái y viện rồi.
Giả Liễn nói xong, đi ra tìm Giả Trân, thấy Giả Trân đã từ đằng kia đi tới. Giả Liễn vội vàng kể lại câu chuyện. Giả Trân nói:
– Tôi cũng nghe tin ấy, nên tới thưa lại cùng ông Cả và ông Hai đây.
Hai người liền vào gặp Giả Chính.
Giả Chính nói:
– Nếu quả là Nguyên phi ốm thì thế nào cũng sẽ có tin.
Đang nói thì Giả Xá cũng vừa tới.
Đến trưa, người đi dò tin chưa về, người canh cửa đã vào thưa:
– Có hai vị nội giám, muốn vào gặp hai cụ.
Giả Xá nói:
– Mời vào đây.
Người canh cửa dẫn hai vị nội giám vào.
Giả Xá và Giả Chính ra đón ở cửa thứ hai, trước hết hỏi thăm sức khoẻ của quý phi, rồi cùng đi vào nhà khách mời ngồi.
Viên nội giám già nói:
– Hôm trước quý phi hơi mệt, hôm qua vâng chỉ vua cho triệu bốn người bà con vào cung thăm hỏi, cho phép mỗi người đem một a hoàn đi theo, ngoài ra không cần gì cả. Còn bà con đàn ông thì chỉ ở ngoài cửa cung đệ tên họ và quan chức vào thôi, chứ không được tự tiện vào cung. Đúng giờ thìn, giờ tỵ ngày mai thì vào, giờ thân, giờ dậu thì ra.
Giả Xá, Giả Chính đứng nghe chỉ của nhà vua, rồi lại ngồi xuống, mời viên nội giám uống trà xong, họ cáo từ ra về.
Giả Xá và Giả Chính tiễn họ ra khỏi cửa ngoài, rồi trở vào thưa với Giả mẫu. Giả mẫu nói:
Bốn người bà con, cố nhiên là ta và hai bà rồi, còn một người nữa là ai?
Không ai dám trả lời. Giả mẫu nghĩ một lát rồi nói:
– Thế nào cũng phải cháu Phượng đi mới được, vì nó biết trông nom mọi việc, cha con các anh thử ra bàn xem ai sẽ đi.
Giả Xá và Giả Chính vâng lời đi ra bàn để Giả Liễn và Giả Dung ở lại coi nhà, còn thì tất cả những người có tên hàng chữ “văn”cho đến hàng chữ “thảo” đều đi cả. Lại dặn người nhà sắp sẵn bốn cỗ kiệu lục, hơn mười cỗ xe mui cánh trả, sáng sớm mai chờ sẵn ở cửa. Bọn người nhà vâng lời.
Giả Xá và Giả Chính lại vào trong thưa lại với Giả mẫu:
– Gờ thìn, giờ tỵ vào cung, giờ thân, giờ dậu ra về, vì thế hôm nay nghỉ sớm, để mai dậy sớm, sắm sửa vào cung.
Giả mẫu nói:
– Ta biết rồi, các anh cứ về đi.
Bọn Giả Xá lui ra. Bọn Hình phu nhân, Vương phu nhân và Phượng Thư đều bàn tán về cái ốm của Nguyên phi, lại nói chuyện một lúc rồi về.
Hôm sau tảng sáng, bọn a hoàn ở các nhà thắp đèn. Các bà chải đầu rửa mặt xong, các ông cũng sắm sửa đâu vào đấy. Đến đầu giờ mão, Lâm Chi Hiếu và Lại Đại đi vào, đến cửa thứ hai thưa:
– Xe và kiệu đã sửa soạn sẵn sàng, đang chờ ở ngoài cửa.
Một lát, Giả Xá và Hình phu nhân cùng đến. Mọi người cùng ăn cơm sáng. Trước hết, Phượng Thư dìu Giả mẫu đi ra, bọn Vương phu nhân đi theo chung quanh, mỗi người mang theo một người hầu gái. Lại sai bọn Lý Quý cưỡi ngựa đi trước, chờ săn ở cửa cung để tiếp đón. Những người từ hàng chữ “văn” đến hàng chữ “thảo” đều lên xe hoặc cưỡi ngựa. Bọn người nhà lũ lượt theo sau.
Giả Liễn và Giả Dung ở lại coi nhà.
Xe và ngựa của họ Giả đều đỗ ở phía Tây, ngoài cửa cung. Một lát có hai người nội giám ra nói:
– Các bà các mợ ở phủ Giả tới thăm, xin mời vào cung, còn các ông thì đều làm lễ vấn an ở ngoài cửa Nội cung chứ không được vào.
Rồi có người ở cửa cung gọi: “mời vào mau”. Bốn cỗ kiệu của phủ Giả theo một nội giám nhỏ đi vào. Bọn đàn ông thì đi theo sau kiệu, còn người nhà thì đứng chờ ở ngoài. Khi tới gần cửa cung, có mấy người nội giám già ngồi ở đó. Thấy họ vào, bọn nội giám đứng dậy nói:
– Các ông ở phủ Giả chờ ở đây.
Bọn Giả Xá, Giả Chính liền theo thứ tự mà đứng. Mấy cỗ kiệu khiêng đến cửa cung, những người ngồi trong kiệu điều bước ra, đã có sẵn sàng mấy người nội giám nhỏ dẫn đường. Bọn Giả mẫu đều có a hoàn dìu và đi chân. Đến nhà ngủ của Nguyên phi, thấy châu ngọc huy hoàng, lưu ly chói lọi. Có hai cung nữ nhỏ truyền bảo:
– Chỉ hỏi thăm sức khỏe, còn các lễ nghi khác đều miễn.
Bọn Giả mẫu tạ ơn, đi đến trước giường hỏi thăm sức khỏe xong. Nguyên phi cho ngồi. Bọn Giả mẫu xin phép ngồi xuống.
Nguyên phi hỏi Giả mẫu:
– Gần đây bà có khỏe không?
Giả mẫu vịn vào a hoàn nhỏ, lập cập đứng dậy trả lời:
– Nhờ phúc đức lớn của Quý phi, tôi vẫn mạnh.
Nguyên phi lại hỏi thăm Hình phu nhân và Vương phu nhân, hai người đều đứng dậy trả lời. Nguyên Phi lại hỏi Phượng Thư:
– Việc ăn tiêu trong nhà ra sao?
Phượng Thư đứng dậy tâu:
– Còn có thể tùng tiệm được.
– Mấy năm nay, khen cho chị cũng chịu khó lo lắng đấy!
Phượng Thư đang định đứng dậy tâu bày, thì thấy một người cung nữ chuyển vào một danh sách có nhiều chức tước tên tuổi, xin Quý phi xem qua. Nguyên Phi cầm xem, thấy tên họ của bọn Giả Xá, Giả Chính, trong lòng chua xót, nước mắt lưng tròng. Cung nữ đưa khăn lại, Nguyên Phi một mặt lau nước mắt, một mặt truyền bảo:
– Hôm nay hơi đỡ, cho mọi người tạm nghỉ ở ngoài.
Bọn Giả mẫu lại đứng dậy tạ ơn.
Nguyên phi ứa nước mắt nói:
– Tôi không được gần gũi cha mẹ anh em, thật không bằng con nhà thường dân.
Bọn Giả mẫu đều nín khóc và nói:
– Quý phi không nên thương cảm, trong nhà đã nhờ phúc trạch của Quý phi nhiều lắm.
Quý phi lại hỏi:
– Bảo Ngọc gần đây ra sao?
Giả mẫu nói:
– Gần đây nó đã hơi chăm học, vì cha nó bắt buộc nghiêm ngặt nên hiện nay nó đã làm được văn bài.
– Như thế mới được.
Rồi sai ban yến cho bọn Giả mẫu ở cung bên ngoài. Hai người cung nữ và bọn thái giám nhỏ dẫn họ đến một cung khác. Cỗ bàn đã bày đặt chỉnh tề, ai nấy theo thứ tự ngồi xuống.
Ăn cơm xong, Giả mẫu lại dẫn ba người vào cung tạ ơn. Bịn rịn một lát, xem chừng đã đến đầu giờ dậu, không dám nán lại, họ cùng nhau cáo từ lui ra. Nguyên phi truyền cung nữ đưa đường, tiễn đến cửa cung, ngoài cửa lại có bốn thái giám nhỏ đưa ra. Giả mẫu vẫn ngồi kiệu đi ra như trước, bọn Giả Xá đón chờ, tất cả đều đi về. Đến nhà lại phải sửa soạn để ngày sau vào cung, dặn bảo mọi người đều phải đến đầy đủ.
Sau khi đuổi Tiết Bàn đi, Kim Quế ngày thường chẳng biết đấu khẩu với ai, Thu Lăng lại ở bên nhà Bảo Thoa, chỉ còn trơ có một mình Bảo Thiềm ở chung. Từ ngày làm vợ lẽ Tiết Bàn, điệu bộ của Bảo Thiềm không như trước nữa. Kim Quế thấy nó đã trở thành một tay kình địch với mình nên cũng có ý hối hận. Một hôm Kim Quế bực tức, uống mấy ly rượu, nằm ở trên giường muốn đem Bảo Thiềm ra làm món canh “dã rượu”, liền hỏi:
– Cậu Cả hôm nọ đi đâu? Chắc mày biết chứ?
– Tôi biết sao được. Với mợ, cậu ấy còn chả nói, ai mà biết được cậu ấy làm gì?
– Bây giờ còn mợ với bà gì nữa? Giang sơn này là của chúng mày rồi. Đứa khác đã có người bênh vực chẳng ai dám đụng đến. Tao dại gì mà lại đi “vuốt râu cọp” kia chứ? Nhưng mày là con hầu, tao vừa hỏi một câu, mày đã vênh cái mặt lên, chặn lời tao. Mày đã có thân, có thế, sao không bóp cổ tao chết đi, rồi cùng con Thu Lăng, đứa nào đó lên làm mợ, thế là yên chuyện. Tại sao tao lại cứ sống ở đây, để ngăn trở công việc của chúng mày?
Bảo Thiềm nghe câu ấy, đời nào chịu nhịn, nó trừng mắt lên, nhìn Kim Quế và nói:
– Chuyện vớ vẩn ấy, mợ chỉ nên nói cho người khác nghe! Tôi có nói gì mợ đâu, mợ đã không dám trêu đến người ta, thì tại sao lại hành hạ chúng tôi cho hả cơn giận? Mợ cứ giả vờ làm bộ không nghe những điều xảy ra, cứ như là người “vô sự” ấy.
Nói đến đó, Bảo Thiềm khóc lóc kêu trời, kêu đất ầm ĩ. Kim Quế càng nổi tam bành, liền bò xuống giường, định đánh Bảo Thiềm. Bảo Thiềm cũng có tính khí như Kim Quế, mảy may không chịu nhịn. Kim Quế đạp đổ hết bàn ghế chén bát. Bảo Thiềm cứ một mực kêu gào người ta ức hiếp mình, không thèm để ý đến.
Tiết phu nhân ở trong phòng Bảo Thoa thấy vậy liền bảo:
– Hương Lăng, mày sang xem và khuyên họ một chút.
Bảo Thoa nói:
– Không được đâu, mẹ đừng bảo chị ấy sang, không thể khuyên được, chỉ thêm tưới dầu vào lửa đấy thôi.
– Đã thế thì để tao sang.
– Theo ý con thì mẹ cũng không nên sang, để mặc cho họ phá, chẳng còn có cách gì nữa.
– Để như thế sao được.
Nói xong Tiết phu nhân vịn vào vai con hầu đi sang nhà Kim Quế. Bảo Thoa đành phải theo sang và dặn Hương Lăng:
– Chị ở nhà đây nhé.
Mẹ con Tiết phu nhân đến cửa phòng Kim Quế, nghe ở trong còn đang la khóc om sòm. Tiết phu nhân nói:
– Chúng mày làm cái gì kêu la ầm ĩ, đổ cửa đổ nhà, như thế còn ra thể thống gì nữa. Lại không sợ bà con liền đố chạm vách người ta chê cười sao?
Kim Quế trong nhà trả lời ngay:
– Tôi còn sợ ai chê cười nữa. Ở đây thật là ngược đời, chủ nhà không ra chủ nhà; con ở không ra con ở; vợ cả không ra vợ cả; vợ lẽ không ra vợ lẽ; thật là lộn xộn đảo điên. Ở nhà họ Hạ chúng tôi, không bao giờ có cái nề nếp ấy. Tôi không thể chịu nổi cái cảnh oan ức ở nhà các người được nữa!
Bảo Thoa nói:
– Chị Cả, mẹ thấy ở đây cãi cọ om sòm nên mới sang, nếu mẹ hỏi vội vàng không phân biệt “chị” và “Bảo Thiềm” thì chị cũng đừng lấy làm điều. Bây giờ hãy nói rõ sự ra, để rồi mọi người ăn ở hòa thuận, đỡ cho mẹ phải ngày nào cũng bận lòng vì chúng ta.
Tiết phu nhân nói:
– Phải đấy. Trước hết hãy kể lại đầu đuôi, rồi sau hãy xét đến điều sai của ta cũng chưa chậm kia mà.
Kim Quế nói:
– Cô ơi! Cô là người hiền lành độ lượng, ngày sau nhất định được nhà chồng tốt, ông chồng giỏi, quyết không như tôi, có chồng mà chịu kiếp góa bụa, không kẻ đoái hoài, để người ta đè đầu cưỡi cổ. Tôi là con người ngu dại, xin cô đừng có bắt bẻ những lời tôi nói. Tôi từ nhỏ đến giờ không có cha mẹ nào dạy bảo. Vả lại những việc vợ chồng, vợ cả vợ lẽ trong nhà chúng tôi đây, không liên quan gì đến cô cả.
Bảo Thoa nghe vậy vừa thẹn vừa tức, thấy tình cảnh mẹ như thế thì lại càng thương, đành phải nuốt giận mà nói:
– Chị Cả, tôi khuyên chị nói ít chứ! Có ai bắt bẻ chị, có ai khinh rẻ chị đâu? Không những đối với chị, ngay đối với Thu Lăng, tôi cũng chưa bao giờ nặng lời nữa là
Kim Quế nghe vậy, lại đập tay xuống giường, khóc rống lên và nói:
– Tôi bì sao được với Thu Lăng? Ngay đến vết bùn ở dưới chân nó, tôi cũng không theo kịp nữa là! Nó đến đây đã lâu, biết tính nết cô, khéo ton hót cô. Tôi mới đến, lại không quen ton hót, sao cô đem tôi ra ví với nó? Rõ thật khổ! Thiên hạ được mấy người có số làm Quý phi? Tôi khuyên cô tu lấy chút phúc đức, đừng giống như tôi, lấy phải đứa bậy bạ, chồng sống sờ sờ mà chịu cảnh góa bụa, thế mới thực báo ứng ngay trước mắt đấy.
Tiết phu nhân nghe đến đó, giận quá, không chịu nổi liền đứng dậy nói:
– Không phải là tao bênh con gái, nhưng nó thì một mực khuyên mày, mà mày cứ trêu chọc nó. Mày có cái gì không chịu được thì đừng nên gây ra với nó làm gì, cứ việc bóp cổ tao chết đi, thế còn nhẹ nhàng hơn nhiều.
Bảo Thoa vội khuyên:
– Mẹ đừng giận làm gì, chúng ta đã khuyên chị ấy, mà mình lại nổi giận, chẳng hóa cứ giận chồng giận chất mãi sao? Mẹ hãy về để chị ấy nghĩ một chút rồi sẽ nói sau.
Đoạn cô ta dặn Bảo Thiềm:
– Chị cũng đừng sinh chuyện nữa.
Nói xong Bảo Thoa theo Tiết phu nhân đi ra. Vừa qua sân, thấy a hoàn bên nhà Giả mẫu và Thu Lăng từ đằng kia lại. Tiết phu nhân hỏi:
– Chị từ đâu tới đây? Cụ có khỏe không?
A hoàn nói:
– Cụ cháu vẫn khỏe, bảo cháu đến thăm sức khỏe bà dì, cảm ơn bà dì cho món quả vải hôm trước và mừng cho cô Cầm.
Bảo Thoa hỏi a hoàn:
– Chị đến từ bao giờ?
– Cháu đến đã lâu rồi.
Tiết phu nhân biết chị ta đã nghe được câu chuyện vừa rồi, liền đỏ mặt lên, nói:
– Bây giờ nhà chúng tôi cũng không ra cái thể thống gì nữa. Bên các chị mà nghe thấy thì lại chê cười.
– Bà dì nói gì thế, nhà nào lại không có việc “va đĩa chạm bát”. Chẳng qua bà dì hay nghĩ đó thôi.
Nói xong, a hoàn theo Tiết phu nhân về phòng, ngồi một lát rồi về.
Bảo Thoa đang dặn dò Hương Lăng mấy câu, bỗng nghe Tiết phu nhân kêu:
– Bên trái sườn đau lắm!
Liền lên giường nằm, Bảo Thoa và Hương Lăng lo sợ cuống quít.
1 Một danh từ xem mạch của Đông y.
2 Máu của thứ Ba Ba để sao với một số vị thuốc.
3 Chu Bột là tướng nhà Tây Hán. Khi Lã hậu sắp cướp ngôi nhà Hán, Trần Bình lập mưu để Chu Bột vào trong quân, kêu gọi quân lính giết Lã. Ở đây ý nói dùng sài hồ chữa chứng thổ huyết là một mưu kế như là dùng Chu Bột để yên ngôi nhà Hán.