Chương 74: Quá nghe gièm hót, khám xét vườn Đại Quan
Thề giữ đoan nghiêm, rào lấp phủ Ninh Quốc
Bình Nhi nghe Nghênh Xuân nói, đương buồn cười, thấy Bảo Ngọc đến. Em gái thím Liễu cũng vì gá bạc bị tội. Trong vườn xưa nay vẫn có người không ưa thím Liễu, liền báo rằng thím Liễu gá chung với em gái để chia lời. Vì thế Phượng Thư muốn trị tội thím Liễu. Nghe thấy thế, thím cuống lên, nghĩ xưa nay mình vẫn chơi thân với các người ở trong viện Di Hồng, nên thím đến rỉ tai với bọn Phương Quan, Tình Vãn nhờ nói hộ với Bảo Ngọc. Bảo Ngọc nghĩ trong bọn ấy cũng có u nuôi của Nghênh Xuân bị can tội này, chi bằng đến hẹn với Nghênh Xuân cùng đi, hơn là một mình đi xin hộ cho thím Liễu. Vì thế mới đến nhà Nghênh Xuân. Thấy Bảo Ngọc đến, mọi người ngồi đấy đều hỏi: “Cậu đã khỏi hẳn chưa? Đến đây có việc gì?” Bảo Ngọc không tiện nói rõ việc đi xin hộ, chỉ nói “đến thăm cô Hai”. Mọi người đều không để ý đến, cứ nói chuyện phiếm.
Bình Nhi ra về để xét việc mất dây vàng. Vợ Ngọc Trụ cứ theo sát đằng sau, luôn miệng van xin:
– Cô hết lòng làm phúc nói giúp cho, thế nào tôi cũng xin chuộc về.
Bình Nhi cười nói:
– Sớm muộn chị cũng vẫn phải chuộc về. Biết thế này thì trước kia gây chuyện ra làm gì? Xem ý chị thì được lúc nào hay lúc ấy thôi. Đã thế tôi cũng không nói cho ai biết, nhưng phải chuộc ngay về đầy giao cho tôi, tôi sẽ không nói gì hết.
Vợ Ngọc Trụ nghe vậy mới yên tâm, lạy tạ rồi nói:
– Xin cô cứ đi làm việc, chiều hôm nay tôi chuộc về trình cô rồi mang đi trả, có được không?
– Chiều hôm nay mà không mang đến thì đừng trách tôi đấy.
Nói xong, mỗi người đi một ngả.
Bình Nhi về nhà, Phượng Thư hỏi:
– Cô Ba gọi chị có việc gì đấy?
– Cô Ba sợ mợ bực, bảo tôi về khuyên mợ, hỏi mợ mấy hôm nay có ăn được gì không?
– Cô ấy vẫn còn nhớ đến tôi. Vừa rồi lại xảy ra một việc, có người trình họ Liễu thông đồng với em gái gá bạc, những việc em nó làm đều do nó cầm nọc cả. Tôi nghĩ, chị thường khuyên tôi, thêm một việc không bằng bớt một việc, nên giữ gìn sức khoẻ là hơn. Tôi không nghe lời chị, quả nhiên mắc vạ ngay, đã có lỗi với bà Hai, lại làm cho mình ốm thêm. Bây giờ tôi đã hiểu rõ rồi, thây kệ họ muốn làm gì thì làm, dẫu sao cũng còn nhiều người nữa. Tôi đã uổng công lo nghĩ mấy lâu, chỉ tổ cho người ta chửi rủa thôi, chi bằng mình cứ lo tĩnh dưỡng là hơn. Dẫu khi bệnh khỏi rồi, tôi vẫn là người ngoài cuộc, được vui cứ vui, được cười cứ cười, bao nhiêu việc phải trái đều mặc kệ họ cả. Vì thế khi họ đến trình, tôi chỉ trả lời một tiếng “biết rồi”, chẳng phải lo lắng gì cả.
Bình Nhi cười nói:
– Nếu mợ được như thế thì thật là phúc đức cho chúng tôi!
Chợt Giả Liễn đi vào, đập tay thở dài:
– Tự dưng vô cớ lại xảy ra một việc! Hôm nọ tôi mượn đồ đạc của Uyên Ương đi cầm, sao bên mẹ cũng biết? Vừa rồi mẹ gọi tôi sang, bảo phải mượn cho hai trăm bạc, lấy ở món nào cũng được, để sắm sửa lễ rằm tháng tám. Tôi nói không vay vào đâu được, mẹ nói ngay: “Anh không có tiền đã có chỗ xoay xở. Tôi mới bàn với anh, mà anh đã kiếm lời rào đón! Anh không có chỗ xoay xở thì cái món đồ cầm một nghìn bạc hôm trước đó lấy ở đâu rả Ngay đến những đồ đạc của cụ, anh cũng hoá phép lấy ra được, bây giờ chỉ có hai trăm lạng bạc, anh lại làm ra vẻ khó khăn! May mà tôi chưa nói với ai đấy!” Tôi nghĩ, thật ra mẹ chẳng thiếu gì, sao lại cứ bới việc làm rầy rà người ta thế!
Phượng Thư nói:
– Hôm ấy không hề có người ngoài, thế thì ai để lộ chuyện này ra?
Bình Nhi nghe nói, cũng nghĩ xem hôm đó có ai ở đấy không. Nghĩ một lúc, cười nói:
– Phải rồi! Hôm đó lúc nói chuyện thì không có người ngoài, chỉ đến buổi chiều, lúc lấy đồ về thì vừa khi mẹ chị Ngốc ở bên cụ đưa quần áo giặt đến. Bà ấy ngồi một lúc ở nhà dưới, trông thấy hòm đồ to sù, tất nhiên bà ta phải hỏi. Bọn a hoàn không hiểu đã nói toạc ra ngay cũng chưa biết chừng.
Phượng Thư cho gọi mấy đứa a hoàn nhỏ đến hỏi:
– Hôm đó đứa nào nói cho mẹ chị Ngốc biết?
Chúng sợ quá, đều quỳ xuống thề:
– Từ xưa đến nay, ai hỏi gì chúng cháu đều trả lời là không biết, không dám bịa đặt một câu. Khi nào chúng cháu lại nói chuyện ấy.
Phượng Thư ngẫm nghĩ: “Chắc chúng nó không dám nói chuyện ấy, chớ nên đổ oan cho chúng. Giờ hãy gác việc này lại, phải xoay xở cho xong món tiền của mẹ đi. Thà chúng ta nhịn tiêu một ít, chứ đừng để xảy chuyện không hay”. Liền gọi Bình Nhi “lấy đồ vàng của ta đem cầm thêm hai trăm lạng bạc về đưa sang cho xong việc”.
Giả Liễn nói:
– Cầm thêm hai trăm lạng nữa, chúng ta còn phải tiêu kia.
Phượng Thư nói:
– Không cần. Tôi không tiêu gì cả. Còn chẳng biết sau này lấy món nào để chuộc đây!
Bình Nhi lấy vàng ra, đưa cho vợ Lai Vượng mang đi cầm. Một lát đem tiền về. Giả Liễn thân hành mang sang.
Phượng Thư và Bình Nhi đương đoán xem đứa nào nói lộ chuyện này nhưng vẫn chưa đoán được là ai.
Phượng Thư nói:
– Kẻ nói chuyện này hãy còn là việc nhỏ, sợ đứa tiểu nhân nào bày đặt chuyện gây ra những điều rắc rối. Hay bên ấy có ai thù hằn con Uyên Ương, nghe nó cho cậu Liễn mượn đồ đi cầm, bụng dạ nhỏ nhen, dù chẳng có chuyện gì, chúng cũng còn đâm dầm vào, nữa là lại có sự việc rõ ràng, lẽ nào chúng không đặt điều xằng bậy, chẳng còn trời đất nào. Chưa biết chừng cậu Liễn có việc, hay lại chỉ một con Uyên Ương chịu oan thôi. Như vậy chả phải là lỗi ở chúng ta hay sao.
Bình Nhi cười nói:
– Cái đó cũng không ngại. Uyên Ương cho mượn đồ là vì có mợ chứ không vì cậu. Việc này tuy Uyên Ương nói là dấm dúi nhưng thực ra nó đã trình cụ rồi. Cụ sợ con cháu nhiều, đứa này mượn, đứa kia mượn, đến nói khôn nói khéo với cụ, rồi sau này biết đòi ai? Vì vậy người cứ lờ đi như không biết. Dù có vỡ chuyện cũng chẳng ngại gì.
– Lý thế đấy. Bây giờ chỉ có tôi với chị biết thôi, biết đâu lại chẳng ngờ.
Đương nghĩ vẩn vơ, thì có người vào báo:
– Bà Hai đến.
Phượng Thư lấy làm lạ, không biết việc gì, liền cùng Bình Nhi ra đón, thấy nét mặt Vương phu nhân khác hẳn, chỉ đem theo một a hoàn hầu cận, không nói năng gì, đi thẳng vào phòng ngồi xuống. Phượng Thư vội pha trà cười hỏi:
– Hôm nay mẹ lại cao hứng đến đây chơi à?
Vương phu nhân quát bảo:
– Bình Nhi đi ra ngoài kia.
Bình Nhi thấy thế, không biết là việc gì, “dạ” một tiếng, dẫn bọn a hoàn nhỏ ra, đứng cả ở ngoài cửa. Bình Nhi đóng cửa lại, rồi ngồi xuống thềm, không cho một ai vào cả.
Phượng Thư sợ quá, không biết có việc gì. Thấy Vương phu nhân ứa nước mất, vất cái túi thơm ở trong tay áo ra, nói:
– Chị xem đây!
Phượng Thư vội nhặt lên xem, cái túi thơm thập cẩm, ngoài thêu cái hình khiêu dâm, giật mình vội hỏi:
– Mẹ nhặt được cái này ở đâu?
Vương phu nhân nước mắt giàn giụa, giọng run run nói:
– Ta nhặt được ở đâu à? Ngày nào ta cũng ru rú ở xó nhà! Tưởng chị là người cẩn thận, nên mới được rỗi rãi đôi chút. Ngờ đâu chị lại như ta! Ban ngày ban mặt họ dám bày những thứ này ra trước hòn đá trong vườn, để cho con a hoàn bên cụ nhặt được. Nếu không nhờ được mẹ chồng chị trông thấy, thì cái này đã đến trước mặt cụ rồi! Tôi hãy hỏi chị: tại sao cái này lại vất ở đấy?
Phượng Thư nghe nói cũng đổi nét mặt, vội hỏi:
– Sao mẹ lại biết cái này là của con?
Vương phu nhân vừa khóc vừa thở dài nói:
– Chị lại hỏi vặn ta à? Chị thử nghĩ xem: nhà này trừ vợ chồng trẻ như anh chị ra, còn bọn bà già thì dùng cái này làm gì? Bọn chị em chúng nó thì làm gì có? Chắc là thằng Liễn đốn mạt đem ở đâu về đây! Vợ chồng các người, một duộc với nhau, lại cho đó là món đồ chơi, hạng trẻ tuổi thì chuyện tình riêng trai gái trong buồng the khi nào chả có, chị lại còn chối à! May mà người trên kẻ dưới trong vườn chưa ai biết việc này, nếu họ nhặt được, chị em chúng nó trông thấy thì còn ra sao nữa! Thảng hoặc có đứa a hoàn nào nhặt được mang ra ngoài, người ta trông thấy, liệu thể diện nhà mình có còn nữa không?
Phượng Thư nghe nói, vừa tức vừa thẹn, mặt tím bầm lại, liền vịn vào cạnh giường quỳ xuống, cũng ứa nước mắt kêu van:
– Mẹ nói có lý thực, con không dám cãi. Nhưng con không hề có thứ này, xin mẹ nghĩ kỹ chọ Cái túi thơm này là ở bên ngoài họ bắt chước kiểu trong nhà rồi thêu ra. Chính cái tua cũng là thứ mua ở chợ. Con tuy còn trẻ, không biết giữ gìn, nhưng không khi nào cần những thứ này. Hơn nữa, cái này cũng không phải là thứ thường đeo, dù có chăng nữa con cũng chỉ để giấu ở chỗ kín, chứ khi nào lại đeo luôn ở trong người rồi đi chơi khắp nơi? Vả lại khi ra chơi ngoài vườn, chị em người nào cũng thường hay lôi kéo nhau, nếu để lộ ra, không những các chị em mà cả bọn người hầu cũng trông thấy nữa, như thế thì còn ra làm sao? Kể ra những người trong này, con còn trẻ thật, nhưng nhiều đứa hầu còn trẻ hơn con nữa. Họ thường đi lại ở trong vườn, biết đâu không phải là của họ đánh rơi. Hơn nữa, trừ con thường ở trong vườn ra, còn có các cô cháu của mẹ con bên kia, thường dẫn sang, như bọn Yên Hồng, Thúy Vân, đều là hạng tuổi trẻ, họ cũng có thể có thứ này được. Lại còn chị Trân bên phủ Đông, chị ấy cũng chưa lấy gì làm già, và cũng thường dẫn bọn Bội Phượng sang, biết đâu không phải là của họ? Trong vườn cũng nhiều a hoàn, không chắc đã đứng đắn cả. Hoặc có đứa lớn, đã biết mùi đời, đôi khi không trông nom xuể, chúng lẻn ra ngoài được; hoặc chúng kiếm cớ tán dính với bọn trẻ canh cửa ngoài, rồi từ ngoài đưa vào cũng chưa biết chừng, không những con không hề làm việc này, mà cả Bình Nhi cũng có thể bảo đảm được. Xin mẹ xét kỹ cho.
Vương phu nhân nghe cũng có lý, liền thở dài nói:
– Chị hãy đứng đậy. Ta biết chị là con nhà đại gia, chắc không đến nỗi trai lơ như thế, chẳng qua ta bực lên nói vậy để trêu tức chị đấy thôi. Nhưng bây giờ nên xử trí ra sao? Mẹ chồng chị gói cái này lại, sai người mang cho ta xem, làm ta tức chết đi được.
Phượng Thư nói:
– Xin mẹ đừng nổi giận nữa. Nếu để người ngoài biết, thế nào cũng đến tai cụ. Hãy nên bình tĩnh, ngầm dò xét mới rõ ra được sự thực; dù xét không ra, người ngoài cũng không thể biết được, như vậy mới đúng câu “tay gãy giấu vào ống áo”. Nay nhân việc họ đánh bạc, bị đuổi một số ra, ta cho mấy người hầu cận không hay bép xép như vợ Chu Thụy, vợ Vương Nhi vào ở luôn trong vườn, lấy cớ là để xét việc đánh bạc. Hiện nay a hoàn các nơi nhiều quá, lớn tuổi sinh to gan, lâu ngày thành tinh, nếu xảy chuyện ra, có ăn năn cũng không kịp nữa. Bây giờ không có cớ gì mà bớt người đi, không những bọn các cô thì thấy khó chịu, ngay mẹ và con cũng không đành lòng. Chi bằng nhân dịp này, thấy a hoàn nào lớn tuổi hoặc cứng đầu cứng cổ thì tìm cách cho nó đi lấy chồng, như thế một là khỏi xảy ra rắc rối; hai là số tiền chi tiêu cũng đỡ tốn. Những lời con nói, mẹ nghĩ thế nào?
Vương phu nhân thở dài:
– Chị nói phải đấy. Nhưng cứ xét cho công bằng thì mấy chị em nó thật cũng đáng thương. Không nói gì xa, như mẹ cháu Lâm trước kia, khi chưa lấy chồng, được chiều chuộng dường nào, thật là cành vàng lá ngọc, một cô tiểu thư ngàn vàng. Bây giờ mấy chị em nó chẳng qua chỉ hơn nhà khác tý chút thôi. Mỗi người chỉ có ba, bốn đứa a hoàn là ra hồn người, còn thì đều như bọn ranh con cả; giờ lại cho chúng về, không những bụng ta không nỡ, chưa chắc cụ đã bằng lòng. Tuy rằng nhà có túng thiếu đấy, nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Ta dù chưa được sung sướng lắm, cũng còn hơn các cháu nhiều, nay thà bớt người của ta đi, chứ đừng làm cho nó bực bội. Chị hãy cho gọi vợ Chu Thụy đến đây, truyền cho họ phải dò xét ngay việc này!
Phượng Thư lập tức gọi Bình Nhi ra gọi vợ Chu Thụy đến.
Một lúc vợ Chu Thụy, vợ Ngô Hưng, vợ Trịnh Hoa, vợ Lai Vượng, vợ Lai Hỷ, tất cả năm người hầu cận đi vào, còn một số người nữa đang bận việc ở Nam chưa tới. Vương phu nhân đang phàn nàn ít người, khám xét không xuể, chợt thấy vợ Vương Thiện Bảo là người hầu cận của Hình phu nhân, vừa đưa cái túi thơm cho Vương phu nhân, đi đến. Xưa nay Vương phu nhân vẫn xem người hầu thân của Hình phu nhân như người của mình, không có lòng ngờ vực gì, nay thấy chị ta đến nghe ngóng, liền bảo:
– Chị về trình với bà Cả, rồi sang bên vườn trông nom, chẳng hơn người ngoài hay sao?
Ngày thường vợ Vương Thiện Bảo sang bên vườn không được bọn a hoàn thù phụng tử tế. Chị ta lấy làm bực tức, định bới chuyện của họ ra, nhưng không lần vào đâu được; may sao xảy ra việc này, chị ta nghĩ đã nắm chắc được đằng chuôi rồi; giờ lại thấy Vương phu nhân giao phó công việc, hợp với ý định của mình, liền thưa:
– Điều đó cũng dễ thôi. Không phải là cháu bày chuyện đâu, nhẽ ra, thì việc này cũng nên tra xét sớm sớm một chút. Bà không hay sang bên vườn, bọn gái hầu bên ấy, đứa nào cũng ra vẻ bà lớn, sắp trở thành tiểu thư nghìn vàng cả. Chúng định chọc đổ cả trời, chẳng ai dám hé răng nói một tiếng. Huống hồ chúng lại ton hót các cô, nói người này khinh rẻ, người kia lừa dối, ai mà chịu được.
Vương phu nhân gật đầu nói:
– Bọn hầu các cô hay làm bộ, cũng là việc thường. Các chị nên khuyên răn chúng. Nếu không dạy bảo, dù các cô cũng còn làm điều không đúng, nữa là họ.
Vợ Vương Thiện Bảo thưa:
– Đứa khác còn khá. Bà không biết, chứ nhất là con Tình Văn, a hoàn ở nhà cậu Bảo. Nó cậy sắc đẹp hơn người, miệng lại khéo léo, ngày nào cũng trang điểm như nàng Tây Thi, hễ nói chuyện với ai là nó lém lỉnh tranh khôn; có điều gì không hợp ý, là nó trợn mắt ngay lên mắng người tạ Õng ẹo ngoa ngoắt, không ra thể thống gì cả!
Vương phu nhân nghe vậy, nhớ ngay đến việc trước, hỏi Phượng Thư:
– Lần trước chúng ta theo cụ vào chơi trong vườn, có một đứa lưng hơi cong, vai hơi thon, lông mày và mắt lại hơi giống em Lâm của chị, đương quát mắng bọn a hoàn nhỏ. Trông cái dáng ngông cuồng ấy ta khó chịu lắm. Nhưng vì cùng đi với cụ, ta không tiện nói. Sau định hỏi xem là đứa nào, thì lại quên mất. Hôm nay nhớ ra, chắc là nó chứ gì?
Phượng Thư nói:
– So sánh ra chẳng có đứa a hoàn nào đẹp bằng con Tình Văn cả. Về cách ăn nói đi đứng, thì nó hơi trai lợ Như mẹ nói vừa rồi, có nhẽ là nó đấy, nhưng con cũng quên mất việc hôm nọ, không dám nói bừa.
Vợ Vương Thiện Bảo nói:
– Không cần phải đoán nữa. Bây giờ cứ gọi ngay nó đến đây để bà xem cũng chẳng khó gì.
Vương phu nhân nói:
– Ở bên nhà Bảo Ngọc, chỉ có Tập Nhân và Xạ Nguyệt thường đến hầu tạ Hai đứa này tuy mộc mạc nhưng cũng ngoan. Nếu có con ấy thì chắc nó không dám đến. Ta cả đời rất ghét những hạng người ấy, huống hồ lại xảy ra việc này. Thằng Bảo Ngọc như thế mà để cho con ranh ấy quyến rũ làm hư thân đi, thì để sao được.
Bà ta gọi a hoàn hầu cận đến dặn:
– Mày đi nhanh, gọi con Tình Văn đến đây hầu ta ngaỵ Ta có việc cần. Tập Nhân và Xạ Nguyệt ở nhà hầu Bảo Ngọc, không phải đến nữa. Mày không được nói câu gì với nó cả!
A hoàn nhỏ vâng lời, chạy sang viện Di Hồng, gặp lúc Tình Văn không được khỏe, vừa ngủ trưa dậy, đương ngồi thừ ra. Thấy gọi, đành phải sang.
Ngày thường, bọn a hoàn đều biết Vương phu nhân rất ghét kiểu trang sức lòe loẹt, ăn nói trai lơ, vì vậy cả Tình Văn cũng không dám ló mặt tới. Mấy hôm nay khó ở, nên không trang điểm, cho là như thế cũng không ngại gì. Khi vào đến buồng Phượng Thư, Vương phu nhân trông thấy nó đầu tóc bơ phờ, áo quần lõng thõng, có vẻ lẳng lơ như Tây Thi đêm xuân nằm ôm bụng; nhìn vẻ mặt đúng là người đã gặp tháng trước, tự nhiên nổi cơn giận lên. Bà ta vốn người thực thà, chợp mắt bỏ qua, vụt mừng vụt giận, chứ có được như người kín đáo, lựa lời giữ ý đâu. Vốn đã bực sẵn, lại ngoặc đến việc trước, bà ta liền cười nhạt:
– Đẹp thật! Thật là giống hệt “Tây Thi đương ốm!” Ngày nào mày cũng giở cái lối trai lơ ấy ra để cho ai xem đấy? Mày cứ tưởng là ta không biết việc mày làm à? Ta hãy tha cho mày. Ngày mai ta sẽ lột xác mày ra! Hôm nay Bảo Ngọc đã đỡ chưa?
Tình Văn nghe thấy nói thế, trong bụng rất kinh ngạc, biết là có đứa định hại mình, tuy tức giận, nhưng không dám hé răng. Vốn người thông minh tột bực, thấy hỏi Bảo Ngọc đã đỡ chưa, cô ta không nói thực, quỳ xuống thưa:
– Cháu không hay đến buồng cậu Bảo và cũng không hay ở chung với cậu ấy, nên cháu không được biết rõ. Đó là việc của chị Tập Nhân và chị Xạ Nguyệt, xin bà cứ hỏi hai chị ấy.
Vương phu nhân nói:
– Đáng tát vào mồm! Mày là người chết à? Nuôi chúng bay để làm gì?
Tình Văn lại thưa:
– Cháu nguyên là người hầu của cụ, vì người bảo vườn rộng, người ít, cậu Bảo hay sợ, nên cắt cháu sang đấy canh đêm ở ngoài, chẳng qua để trông nhà thôi. Cháu có thưa rằng cháu đần độn không thể sang hầu được, cụ mắng cháu, bảo “tao có sai mày sang hầu cậu ấy đâu? Mày sắc sảo để làm gì?” Cháu nghe vậy đành phải sang. Chẳng qua độ mười bữa nửa tháng, gặp lúc cậu Bảo buồn, cháu chơi đùa một lúc rồi đi ngaỵ Việc cậu Bảo ăn uống nằm ngồi, trên có các bà già, dưới có các chị Tập Nhân, Xạ Nguyệt, Thu Văn. Khi cháu rỗi, còn phải may vá cho bên nhà cụ, vì thế cháu không để ý đến việc của cậu Bảo. Nay bà đã quở mắng, từ sau cháu xin chăm chú.
Vương phu nhân tin là thực, nói:
– A di đà phật! Mày không gần gũi Bảo Ngọc, thì thực là phúc cho tạ Thôi không cần mày phải bận lòng. Mày đã là người của cụ cho sang hầu Bảo Ngọc thì ngày mai ta sẽ sang trình cụ cho mày về.
Rồi ngoảnh lại vợ Vương Thiện Bảo:
– Các chị vào đấy, phải đề phòng nó mấy ngày, không cho nó ngủ ở trong nhà Bảo Ngọc. Đợi ta trình cụ rồi sẽ liệu cho nó.
Lại quát:
– Cút đi! Đứng đấy làm gì? Trông thấy cái dáng lẳng lơ ấy ta ngứa cả mắt! Ai cho phép mày ăn mặc lòe loẹt như thế?
Tình Văn đành lui ra, tức quá, ra khỏi cửa, lấy khăn tay che mắt, vừa đi vừa khóc, mãi đến khi về trong vườn.
Vương phu nhân phàn nàn với Phượng Thư:
– Mấy năm nay tinh thần ta ngày càng sút kém, trông nom không xiết. Những hạng yêu tinh như thế mà ta cũng không hề thấy! Cái hạng ấy chắc còn có nữa, ngày mai phải tra xét mới được.
Phượng Thư thấy Vương phu nhân đương lúc nổi giận, lại có vợ Vương Thiện Bảo là tai mắt của Hình phu nhân, ngày thường hay ton hót Hình phu nhân để sinh chuyện, nên dù có nhiều câu đáng nói, cũng không dám nói ra, đành cứ cúi đầu vâng thôi.
Vợ Vương Thiện Bảo thưa:
– Xin bà hãy nguôi giận. Đó là việc nhỏ mọn, xin cứ giao cho cháu. Muốn tra xét việc này cũng dễ thôi. Chờ đến buổi tối, các cửa trong vườn đóng rồi, trong ngoài không ai đi lại với nhau, nhân lúc họ không để ý, chúng cháu dẫn người đi khám các buồng a hoàn ở các nơi. Cháu nghĩ: ai đã có cái này không phải một cái mà thôi, chắc còn cái khác nữa. Khi đã khám được cái khác rồi, thì cái này chắc là của người ấy.
Vương phu nhân bảo:
– Nói thế cũng phải. Nếu không làm như thế thì không thể làm ra việc được.
Rồi hỏi Phượng Thư:
– Chị nghĩ thế nào?
Phượng Thư đành vâng lời, nói:
– Mẹ cho là phải thì xin đi làm ngay thôi.
Vương phu nhân nói:
– Cách làm như thế rất đúng. Nếu không thì tra một năm cũng chẳng ra.
Mọi người bàn định xong, sau bữa cơm chiều, đợi Giả mẫu ngủ yên, bọn Bảo Thoa đã về trong vườn rồi, vợ Vương Thiện Bảo liền mời Phượng Thư vào trong vườn, sai khóa cả cửa ngách lại, rồi bắt đầu khám xét từ các chỗ bà già canh đêm, chỉ thấy mấy thứ đèn nến dùng còn thừa.
Vợ Vương Thiện Bảo nói:
– Những cái này cũng là tang vật cả đây, không được động đến, để sáng mai trình bà, rồi sẽ hay.
Rồi vào ngay viện Di Hồng, bắt đóng cửa lại.
Bảo Ngọc vì việc Tình Văn, đương khó chịu, chợt thấy một bọn người đến, không biết duyên cớ gì, lại cứ kéo thẳng vào buồng của bọn a hoàn. Bảo Ngọc ra đón Phượng Thư, hỏi là việc gì. Phượng Thư nói:
– Mất một vật quan trọng, hỏi ai cũng chối cả, chắc là bọn a hoàn ăn cắp, nên họ đến khám xét, để khỏi phải ngờ oan.
Vừa nói Phượng Thư vừa ngồi uống nước. Vợ Vương Thiện Bảo lục soát một lúc rồi khẽ hỏi:
– Mấy cái hòm ấy là của ai, bảo họ đến mở ra.
Tập Nhân thấy Tình Văn như thế, chắc là có việc lạ, lại thấy khám xét, đành phải mở hòm và hộp của mình trước để cho họ khám, thì chỉ thấy những đồ thường dùng thôi. Khám xong lại khám đến hòm của người khác, cứ theo thứ tự, khám hết một lượt, khi khám đến hòm của Tình Văn, liền hỏi:
– Hòm của ai đây, sao không mở ra để khám.
Tập Nhân đương định mở hộ hòm cho Tình Văn, thấy Tình Vãn quấn tóc chạy đến, đánh “xình” một cái, mở toang hòm ra, hai tay bưng đáy hòm lên, dốc ngược xuống đất, bao nhiêu đồ đạc ở trong hòm đều tung ra cả.
Vợ Vương Thiện Bảo có ý ngượng, khám kỹ một lượt cũng không thấy vật gì bậy bạ cả, liền trình với Phượng Thư để đi khám chỗ khác.
Phượng Thư nói:
– Bà phải khám kỹ đi, lần này không khám ra được cái gì thì biết về trình thế nào?
Mọi người đều nói:
– Lục soát hết cả rồi, nhưng chẳng thấy có cái gì là phạm lỗi cả; tuy có mấy thứ đồ dùng của con trai, nhưng đều là của trẻ con, chắc đồ cũ của cậu Bảo, không lấy gì làm quan hệ.
Phượng Thư cười nói:
– Đã thế thì chúng ta đi khám chỗ khác.
Liền đi thẳng ra. Nhân nói với vợ Vương Thiện Bảo:
– Tôi có điều này muốn nói, không biết có đúng hay không. Ta khám thì chỉ nên khám những người nhà của chúng ta thôi, chứ nhà cô Tiết thì quyết không thể khám được.
Vợ Vương Thiện Bảo cười nói:
– Cố nhiên rồi, lẽ nào lại đi khám nhà của bà con!
Phượng Thư gật đầu nói:
– Tôi cũng nói thế thôi.
Rồi đi đến quán Tiêu Tương.
Đại Ngọc đã đi ngủ, nghe bảo có mấy người đến, không biết việc gì, định trở dậy, thì Phượng Thư đã đi vào, giữ lại không cho Đại Ngọc dậy và nói:
– Cô cứ ngủ đi, chúng tôi đi bây giờ đây.
Rồi ở đấy nói mấy câu chuyện phiếm.
Vợ Vương Thiện Bảo dẫn mọi người đến buồng của a hoàn, lục lọi hết các hòm, thấy trong buồng Tử Quyên có hai cái bùa bán khoán của Bảo Ngọc thường thay đổi, một cái dây đeo thắt lưng, hai cái túi, một cái hộp trong có đựng cái quạt, mở ra xem, đều là những thứ của Bảo Ngọc lúc trước thường dùng. Vợ Vương Thiện Bảo lấy làm đắc ý, mời Phượng Thư đến xem, rồi nói:
– Những thứ này ở đâu đến đây?
Phượng Thư cười nói:
– Bảo Ngọc lúc còn bé, có ở chung với chị em mấy năm. Những thứ này chắc là đồ dùng cũ của chú ấy đây. Những cái ấy cũng chẳng lạ lùng gì, hãy bỏ lại để đi khám chỗ khác là phải.
Tử Quyên cười nói:
– Đến bây giờ những đồ dùng của chúng tôi trao đổi cho nhau cũng không tính hết được. Nếu hỏi đến cái này, thì chính tôi cũng quên mất là có từ ngày, tháng, năm nào.
Phượng Thư lại cùng vợ Vương Thiện Bảo đến nhà Thám Xuân. Ngờ đâu đã có người đến báo cho Thám Xuân biết trước. Thám Xuân đoán chắc là có duyên cớ gì, nên mới gây ra những chuyện xấu xa như thế. Liền sai bọn a hoàn cầm đèn mở cửa đứng đợi. Một lúc mọi người đến. Thám Xuân cố ý hỏi:
– Việc gì đấy?
Phượng Thư cười nói:
– Vì mất một cái đồ dùng, mấy ngày tra xét chưa ra, sợ người ngoài lại đổ cho bọn chị em a hoàn, nên mới đi khám một lượt để cho người ta khỏi ngờ, đó cũng là một cách hay để rửa sạch tiếng tăm cho họ.
Thám Xuân cười nói:
– Bọn a hoàn nhà tôi tất nhiên là phường trộm cắp cả, mà tôi chính là người chủ chứa. Đã thế thì hãy khám rương hòm của tôi trước đi vì họ ăn trộm được cái gì đều đưa cho tôi cất giấu.
Nói xong, Thám Xuân sai bọn a hoàn mở cả hòm ra, bao nhiêu đồ lớn, đồ nhỏ, như hộp gương, hộp phấn, bọc chăn bọc áo đều mở tung ra cả, rồi mời Phượng Thư đến khám.
Phượng Thư cười nói:
– Chẳng qua tôi vâng lệnh mẹ đến đây, xin cô đừng hiểu lầm tôi.
Rồi sai bọn a hoàn:
– Mau mau đóng rương hòm lại cho cô.
Bình Nhi, Phong Nhi đến giúp bọn Thị Thư xếp đồ đạc và đóng hòm lại.
Thám Xuân nói:
– Chỉ cho các chị khám xét đồ đạc của tôi, chứ muốn khám xét đồ đạc của a hoàn nhà tôi thì không được đâu! Tôi vốn cay nghiệt hơn người khác, bao nhiều những đồ đạc của a hoàn, tôi đều biết và đều giữ ở đây cả. Ngay một cái kim, một sợi chỉ, họ cũng không được giữ riêng. Muốn khám thì cứ khám một mình tôi. Các chị không bằng lòng, cứ về trình bà, bảo tôi trái lệnh bà đấy, muốn bắt thế nào tôi cũng nhận cả. Các chị đừng vội, thế nào sau này các chị cũng có ngày bị khám đấy! Sáng hôm nay các chị chả bàn tán việc nhà họ Chân đấy à, chỉ mong được khám nhà, quả nhiên bây giờ được khám thực đấy. Dần dần rồi cũng đến lượt chúng ta thôi! Thế mới biết những nhà đại gia thế này, chỉ người ngoài đến thì một lúc không thể giết chết được. Chính đúng như người xưa đã nói: “Con sâu trăm chân, chết cũng không ngã!” Tất phải do người trong nhà giết lẫn nhau trước, mới tan nát, sạch sanh!
Nói xong, cô ta chảy nước mắt ra.
Phượng Thư chỉ đứng nhìn bọn đàn bà. Vợ Chu Thụy liền nói:
– Đồ vật của bọn hầu gái đã ở cả đấy rồi, xin mợ đi khám chỗ khác, để cô đi nghỉ.
Phượng Thư đứng dậy cáo từ. Thám Xuân nói:
– Hãy khám kỹ nữa đi! Ngày mai đến, tôi không nghe đâu.
Phượng Thư cười nói:
– Đồ vật của bọn hầu gái ở cả đây thì không cần phải khám nữa.
Thám Xuân cười nhạt:
– Chị thực là khôn khéo quá! Ngay gói bọc của tôi cũng còn mở cả ra xem, mà lại bảo là không khám? Ngày mai có dám nói là tôi bênh bọn hầu, không cho các chị khám không? Chị cứ nói thẳng ngay ra, còn cần phải khám, cứ khám nữa cũng không sao.
Phượng Thư vẫn biết tính nết Thám Xuân ngày thường khác hẳn mọi người, đành phải cười nói:
– Ngay cả đồ vật của cô, cũng đã khám xét kỹ càng rồi.
Thám Xuân lại hỏi mọi người:
– Các chị đã khám kỹ chưa?
Bọn vợ Chu Thụy đều cười nói:
– Đã khám kỹ cả rồi ạ.
Vợ Vương Thiện Bảo vốn là người không biết suy nghĩ, ngày thường tuy nghe thấy tiếng Thám Xuân, nhưng cho là mọi người không tinh mắt, hoặc là non gan, chứ đâu có một cô gái mà lại ghê gớm đến như thế? Hơn nữa cô ta lại là con vợ lẽ, thì làm gì được ai. Mụ lại cậy mình là người hầu thân của Hình phu nhân, ngay đến Vương phu nhân cũng còn phải nể, huống chi người khác. Mụ cho Thám Xuân chỉ giận một mình Phượng Thư thôi, không can gì đến mụ, nên muốn nhân đó làm bộ, liền đi lên trước mọi người, kéo vạt áo Thám Xuân, cố ý giơ lên một cái cười hì hì nói:
– Ngay trong mình cô tôi cũng khám cả rồi, chẳng thấy gì cả.
Phượng Thư thấy mụ làm thế vội nói:
– Già đi thôi, đừng giở trò rồ dại nữa.
Chưa dứt lời thì nghe “bốp” một tiếng, vợ Vương Thiện Bảo bị Thám Xuân tát một cái vào mặt. Thám Xuân nổi giận, trỏ vào vợ Vương Thiện Bảo hỏi:
– Mày là hạng gì dám nắm lấy áo tao. Chẳng qua tao nể mặt bà, thấy mày cũng đã có tuổi, nên mới gọi mày là già, mày lại chó cậy chủ nhà, càng ngày càng bậy, dám lên mặt với tao à! Mày cứ tưởng tao cũng dễ tính như cô mày, mặc cho chúng bay khinh rẻ, mày nghĩ thế là nhầm rồi! Mày đến khám đồ đạc, tao không tức giận, nhưng mày không được mang tao ra làm trò cười!
Thám Xuân liền tự cởi khuy áo, kéo Phượng Thư lại, bắt phải khám kỹ và nói:
– Để cho bọn đầy tớ các người khỏi đến khám tôi!
Phượng Thư, Bình Nhi vội sửa lại quần áo cho Thám Xuân, mắng vợ Vương Thiện Bảo:
– Già này uống mấy ly rượu đâm ra rồ dại. Hôm nọ cũng đã làm bà Hai bực mình rồi. Thôi đi ra, đừng đứng đấy mua lấy bẽ nữa.
Họ lại khuyên Thám Xuân đừng nổi giận nữa. Thám Xuân cười nhạt:
– Tôi mà bực thì tôi đã đập đầu tự tử rồi! Thế thì sao tôi lại chịu để quân đầy tớ đến lục soát tang vật trộm cắp trong người tôi? Sáng sớm mai tôi sẽ đến trình cụ, bà Hai và sang xin lỗi bác gái. Đáng tội thế nào, tôi cũng xin nhận!
Vợ Vương Thiện Bảo bẽ mặt quá, ra đứng nép ở ngoài cửa sổ nói:
– Thôi! Thôi! Đây là lần đầu tiên tôi bị đánh đấy! Ngày mai tôi sẽ trình bà Hai, xin về quách nhà thôi. Thiết cái thân già này làm gì nữa!
Thám Xuân quát bảo bọn a hoàn:
– Nghe nó nói đấy! Các chị định để tôi phải cãi nhau với nó hay sao?
Thị Thư đi ra bảo:
– Già ơi, già mà biết điều một tí, thì bớt nói đi thôi. Nếu già về nhà lại là phúc cho chúng tôi. Chỉ sợ già không dứt ra được thôi. Nếu già về, lấy ai ton hót chủ, xúi bẩy chủ cho người đi khám xét các cô và hành hạ chúng tôi?
Phượng Thư cười nói:
– Con bé này giỏi thật! Thực là chủ nào thì tớ ấy!
Thám Xuân cười nhạt:
– Chúng tôi là bọn ăn trộm, bao giờ cũng mồm năm miệng mười, chỉ có điều là không biết xúi bẩy chủ thôi.
Bình Nhi vội khuyên giải và kéo Thị Thư vào. Bọn vợ Chu Thụy cũng khuyên một lúc, Phượng Thư chờ sắp sửa cho Thám Xuân đi ngủ, rồi mới dẫn người sang Noãn Hương ổ.
Lúc này Lý Hoàn đương ốm, nằm ở trên giường. Chị ta ở sát nhà Tích Xuân, và gần nhà Thám Xuân, nên bọn Phượng Thư tiện đường đến hai nơi ấy trước. Lý Hoàn vừa uống thuốc xong đi nằm, không tiện đánh thức, nên họ chỉ đến buồng các a hoàn, khám xét một lượt, cũng không tìm thấy vật gì, liền đi sang phòng Tích Xuân. Tích Xuân còn trẻ tuổi, chưa hiểu mấy, sợ quá không biết xảy ra việc gì. Phượng Thư đành phải yên ủi Tích Xuân. Ngờ đâu, khám đến hòm của Nhập Họa, thấy một cái bọc lớn, đựng toàn khóa bạc, độ ba bốn mươi cái. Lại một cái đai ngọc, cùng một bọc dây bí tất của đàn ông.
Nhập Họa tái mặt lại, phải quỳ xuống khóc, nói thực:
– Đó là của ông Trân thưởng cho anh cháu đấy. Vì bố mẹ cháu đều ở miền Nam, chúng cháu theo ông chú lên đây kiếm ăn. Nhưng chú thím cháu chỉ ham uống rượu đánh bạc. Anh cháu sợ giao cho chú thím, lỡ lại tiêu mất, nên mỗi khi được cái gì, thường khẽ nhờ bà già đưa đến, bảo cháu cất đi.
Tích Xuân là người nhát gan, thấy thế sợ hãi, nói:
– Tôi chả biết gì cả. Như thế sao được! Chị Hai muốn đánh nó, cứ việc lôi nó ra mà đánh. Những câu nó nói, tôi nghe chối cả tai.
Phượng Thư cười nói:
– Nếu quả thực thế, cũng nên tha, nhưng không được lén lút đưa cho nhau. Thứ này đưa được thì thứ gì mà không đưa. Đó là lỗi ở người đưa đấy. Nếu không nói thực, mà là của ăn trộm, thì mày đừng có hòng sống.
Nhập Họa quỳ xuống khóc nói:
– Cháu không dám nói dối. Ngày mai mợ cứ hỏi cậu Cả, mợ Cả bên cháu mà xem, nếu không phải là đồ được thưởng, thì mang cháu và anh cháu ra đánh chết cũng không dám oán hận gì!
Phượng Thư nói:
– Thế nào cũng phải hỏi. Nhưng nếu thực là đồ thưởng thì mày cũng có lỗi. Ai cho phép mày lén lút mang những đồ này vào đây? Mày hãy nói rõ ai giao cho mày, ta sẽ tha chết chọ Ta cấm từ nay không được thế nữa.
Tích Xuân nói:
– Chị đừng tha nó, ở đây nhiều người, nếu không trừng trị, những đứa lớn trông thấy, không biết còn xảy ra thế nào nữa kia. Chị tha nó, tôi cũng không tha!
Phượng Thư nói:
– Tôi xem nó ngày thường cũng khá đấy. Ai không có lỗi, mới một lần này thôi, lần sau lại phạm nữa, sẽ phạt cả hai tội. Nhưng không biết ai là người lén lút đưa cho nó.
Tích Xuân nói:
– Không có ai đưa cho nó đâu, chắc là già Trương canh ở cửa sau đấy. Già ấy thường thậm thụt với bọn a hoàn này, bọn họ cũng thường giúp đỡ già ấy.
Phượng Thư nghe nói sai người ghi lấy tên, giao cho vợ Chu Thụy tạm giữ những đồ vật khám được, để ngày mai đối chiếu sẽ haỵ Rồi từ biệt Tích Xuân đi vào buồng Nghênh Xuân.
Nghênh Xuân đã đi ngủ rồi, bọn a hoàn cũng sắp đi ngủ. Mọi người gõ cửa, một lúc mới mở. Phượng Thư dặn trước:
– Không được đánh thức cô dậy.
Rồi vào ngay buồng bọn a hoàn. Tư Kỳ là cháu ngoại vợ Vương Thiện Bảo, nên Phượng Thư để ý xem mụ ta có thiên vị với cháu hay không. Bắt đầu khám hòm của các người, không thấy gì. Khi khám đến hòm của Tư Kỳ, mụ ta xáo qua loa một lượt rồi nói:
– Cũng chẳng có gì cả.
Lúc sắp đóng hòm, vợ Chu Thụy nói:
– Hãy hượm! Cái gì đây?
Liền thò tay vào lấy ngay ra được một đôi bí tất gấm và một đôi giày đoạn của đàn ông, lại còn một cái bọc nhỏ nữa. Khi mở xem một cái đồ chơi kiểu “đồng tâm như ý” và một lá thư, tất cả đều đưa cho Phượng Thư, Phượng Thư trông nom việc nhà đã lâu, thường xem thư, xem sổ, cũng bập bẹ biết được mấy chữ. Thư này là giấy hoa tiên song hỷ đỏ sẫm, trong thư viết:
“Tháng trước, sau khi em về nhà, cha mẹ đã biết cả rồi. Nhưng vì cô chưa đi lấy chồng, nên chưa thỏa được nỗi lòng ao ước của chúng tạ Nếu có thể gặp nhau trong vườn, thì em nên nhờ già Trương đưa tin ra cho anh. Gặp nhau trong vườn, thì dễ nói chuyện hơn là về nhà. Mong lắm! Mong lắm! Em có gửi tặng hai cái túi thơm, anh đã nhận được rồi. Nay gửi vào cho em một chuỗi hạt châu để tỏ chút lòng anh đối với em. Mong em nhận cho! Anh bên ngoại là Phan Hữu An thân gửi.”
Phượng Thư xem xong, không tỏ ý bực lại mừng. Mọi người đều không biết chữ cả. Vợ Vương Thiện Bảo không biết xưa nay anh em nó vẫn có chuyện tư tình với nhau, vừa rồi trông thấy giày và bí tất, đã hơi chột dạ, bây giờ lại thấy một cái thiếp đỏ. Phượng Thư xem rồi cười. Mụ ta liền hỏi:
– Chắc là chúng nó biên sổ không thành chữ, nên mợ mới cười?
Phượng Thư nói:
– Phải đấy. Cái sổ này tính không ra được. Nhưng già là bà ngoại Tư Kỳ thì anh ngoại nó là họ Vương mới phải, sao lại là họ Phan?
Vợ Vương Thiện Bảo thấy câu hỏi lạ lùng, miễn cưỡng nói:
– Vì bà cô của Tư Kỳ lấy người họ Phan, nên anh con cô nó là họ Phan. Lần trước có tên Phan Hữu An trốn đi, chính là hắn đấy.
Phượng Thư cười nói:
– Phải rồi. Tôi đọc cho già nghe nhé!
Liền đọc cái thư một lượt từ đầu đến đuôi. Mọi người nghe xong đều giật nẩy mình lên.
Vợ Vương Thiện Bảo chỉ muốn bới lỗi người khác, không ngờ lại bới phái cháu ngoại mình, vừa tức giận, vừa xấu hổ. Bọn vợ Chu Thụy bốn người nghe xong, hỏi:
– Già nghe thấy rồi đấy. Thực là rõ ràng, hết đường nói nữa! Bây giờ việc này làm thế nào?
Vợ Vương Thiện Bảo bực không sao chui ngay xuống lỗ nẻ cho khỏi thẹn mặt. Phượng Thư cứ nhìn chòng chọc vào mặt mụ ta, bĩu môi cười hì hì, bảo vợ Chu Thụy:
– Như thế cũng hay đấy. Bà ngoại nó chả cần phải lo nghĩ nữa. Cứ im lặng như tờ, tự nhiên vớ ngay được một anh chồng. Chẳng ai phải lo lắng nữa.
Vợ Chu Thụy cũng cười rồi nói đùa theo. Vợ Vương Thiện Bảo không biết trút giận vào đâu được đành cứ tát vào mặt mình mà mắng:
– Con đĩ già này không chết đi! Làm sao lại gây nên tội nợ như vậy?
Mồm nói mồm lại tát, thực là quả báo trước mắt. Mọi người thấy thế, cười không ngớt, vừa khuyên vừa chế giễu thêm.
Phượng Thư thấy Tư Kỳ cúi đầu không nói gì và cũng không có ý sợ hãi hổ thẹn, cũng lấy làm lạ. Xem chừng đêm đã khuya, chưa cần tra hỏi, nhưng sợ nó nghĩ quanh tìm cách tự tử chăng, liền sai hai bà già canh giữ, rồi dẫn người mang đồ tang chứng về nhà nghỉ, sáng mai sẽ liệu. Không ngờ đêm hôm ấy, Phượng Thư lại bị rong huyết, hôm sau thấy người rất mệt, phát nóng, không gượng được, phải mời thầy thuốc đến. Xem xong thầy thuốc kê đơn, chẳng qua lại Nhân sâm, Đương quy, Hoàng kỳ, v.v… Bọn bà già mang đơn đi trình Vương phu nhân. Bà ta đâm buồn, nên việc Tư Kỳ hãy tạm gác lại.
Hôm ấy Vưu Thị đến thăm Phượng Thư, ngồi một lúc, rồi sang thăm Lý Hoàn. Chợt thấy Tích Xuân sai người đến mời. Vưu Thị vừa vào đến nhà, thì Tích Xuân đem ngay việc đêm qua ra nói, lại sai người đem tất cả những đồ vật của Nhập Họa ra cho Vưu Thị xem.
Vưu Thị nói:
– Cái này thực là cha anh cô thưởng cho anh nó đấy. Nhưng không nên lén lút đưa cho nhau, làm thế, công lại hóa ra tư mất.
Rồi quay sang Nhập Họa:
– Đồ ngu, ăn lắm đâm lú lấp!
Tích Xuân nói:
– Các chị trông nom không cẩn thận, lại cứ đi mắng a hoàn. Trong đám chị em, chỉ có a hoàn của tôi là không ra gì, tôi còn mặt mũi nào trông thấy người ngoài nữa! Hôm qua tôi bảo chị Phượng mang nó đi, chị ấy không nghe, kể cũng có lý, may sao chị sang đây, chị mang ngay nó về, đánh nó, giết nó, hay bán nó đi, tôi cũng mặc kệ.
Nhập Họa nghe thấy nói thế, quỳ xuống kêu van:
– Từ nay cháu không dám thế nữa. Mong cô nghĩ lại chút tình từ thuở bé đến giờ. Dù sống chết cháu cũng xin ở lại với cô.
Vưu Thị và bọn vú già cũng hết sức nói giúp:
– Chẳng qua nó chỉ bị nhầm lẫn nhất thời, lần sau không dám thế nữa đâu. Nó hầu hạ cô từ thuở bé. Cô nên tha cho nó.
Tích Xuân trẻ tuổi, khó tính, mặc ai nói gì thì nói, cứ cho là mất thể diện, nghiến răng lại, nhất định không nghe.
– Tôi lớn rồi, không cần Nhập Họa. Từ nay bên nhà các chị, tôi cũng không sang nữa. Gần đây có nhiều chuyện bàn tán, tôi sang bên ấy, họ sẽ quàng cả cho tôi nữa.
Vưu Thị nói:
– Ai dám bàn tán? Có chuyện gì đáng bàn tán? Cô là ai? Chúng tôi là ai? Cô thấy người ta bàn tán chúng tôi, cũng nên hỏi họ mới phải.
Tích Xuân cười nhạt:
– Chị hỏi tôi những câu ấy hay đấy nhỉ! Tôi là một cô gái cần phải tránh chuyện lôi thôi, cớ chi lại đi chuốc lấy chuyện, thì còn ra người sao được? Người xưa có nói: “Lành dữ sống chết, cha con cũng không thể giúp nhau được”, huống chi giữa hai người chúng tạ Tôi chỉ có thể giữ thân tôi thôi. Từ nay các chị có việc gì, đừng làm phiền đến tôi nữa.
Vưu Thị nghe nói, vừa tức, vừa buồn cười, nói với mọi người đứng ở đấy:
– Thảo nào ai cũng bảo cô Tư trẻ tuổi hồ đồ, tôi vẫn không tin. Các chị nghe lời cô ấy nói đấy, chẳng ra đầu đuôi, chẳng biết cân nhắc gì cả, thật giọng trẻ con, nhưng lại làm người ta phải kinh khủng.
Mọi người đều khuyên:
– Cô còn trẻ tuổi, tất nhiên là mợ phải chịu nhịn.
Tích Xuân cười nhạt:
– Tuổi tôi tuy còn thơ ngây, nhưng lời nói thì không thơ ngây đâu. Các người không học, không biết chữ, đều là hạng ngốc cả, thế lại bảo tôi hồ đồ!
Vưu Thị nói:
– Cô là trạng nguyên, thám hoa, là tài tử hạng nhất! Chúng tôi chỉ là hạng người lẩn thẩn, không được sáng suốt như cô!
– Trạng nguyên, thám hoa mà không có người lẩn thẩn à? Thế mới biết các chị đều là người tục cả.
– Giỏi lắm, giỏi lắm! Vừa mới là tài tử, giờ lại thành ra hòa thượng bàn đến giác ngộ rồi. 1
– Tôi chẳng giác ngộ gì cả. Tôi xem người bây giờ đều như hạng Nhập Họa hết.
– Thế mới biết cô thực là người vô tình lạnh nhạt!
– Người xưa có câu: “Không làm kẻ dữ, khó gọi là trai”. Tôi là một người trong trắng, sao lại chịu để liên lụy làm hỏng tôi đi.
Vưu Thị có tật giật mình, rất sợ người ta nói đến những câu ấy. Nghe ai bàn tán đến chuyện mình là trong bụng đã xấu hổ bồn chồn, nhưng hôm nay đối với Tích Xuân, chị ta đành cố nhịn, không tiện to tiếng, nay thấy Tích Xuân lại giở những câu ấy ra, không chịu được nữa, liền hỏi:
– Sao lại liên lụy đến cổ A hoàn của cô có lỗi, tự nhiên vô cớ cô lại chằng cả tôi. Tôi đã cố nhịn, cô lại càng lên nước, cứ nói bừa đi. Cô là cô gái ngàn vàng, vạn vàng, từ nay chúng tôi không dám gần cô nữa, sợ làm bẩn lây cái tên đẹp của vị tiểu thư! Thôi bảo ngay người mang con Nhập Họa về.
Vưu Thị hầm hầm đi ra.
Tích Xuân nói:
– Chị về nhà lần này, nếu quả không sang nữa, thì cũng bớt được điều nọ tiếng kia. Mọi người càng được yên tĩnh.
Vưu Thị không trả lời, đi thẳng ra ngoài.
1 Danh từ nhà Phật, tức là ngộ đạo.