Chương 20: Phượng Thư thẳng thắn dẹp hẳn thói ghen tuông
Đại Ngọc tinh ranh nói những câu bỡn cợt
Bảo Ngọc đang ở trong buồng Đại Ngọc nói chuyện con chuột, chợt Bảo Thoa đến chế Bảo Ngọc về việc tiết nguyên tiêu vừa rồi không nhớ điển “Lục lạp”. Ba người ngồi cười đùa chế giễu lẫn nhau. Bảo Ngọc sợ Đại Ngọc ăn xong đi ngủ ngay, lỡ ra không tiêu, hoặc đêm không ngủ được sẽ sinh bệnh. May có Bảo Thoa đến chơi, cùng nhau cười đùa làm cho Đại Ngọc không buồn ngủ nữa. Bấy giờ Bảo Ngọc mới yên lòng. Chợt bên buồng Bảo Ngọc có tiếng om sòm, mọi người lắng tai nghe. Đại Ngọc cười nói:
– Thôi lại bà vú của anh cãi nhau với Tập Nhân rồi. Tập Nhân đối với bà ấy vẫn tử tế, mà bà ấy cứ quát mắng luôn, thế mới biết là già hay trái tính.
Bảo Ngọc muốn chạy về, Bảo Thoa kéo lại nói:
– Không nên lôi thôi với bà ấy, già hay lẩm cẩm, nhịn đi một tí là hơn.
– Biết rồi.
Nói xong Bảo Ngọc chạy về, thấy vú Lý đương chống gậy đứng mắng Tập Nhân:
– Con đĩ ranh này vô ơn, công tao cất nhắc mày lên, nay tao đến đây, mày lại làm bộ làm tịch, nằm ngửa trên giường, không thèm chào hỏi một câu. Mày là giống cáo thành tinh, chỉ tìm cách cám dỗ Bảo Ngọc để nó nghe mày không nhìn đến tao. Mày chẳng qua là con hầu nhỏ mua bằng mấy lạng bạc mốc đem về đây. Thế mà mày đã sinh yêu sinh quái ở nhà này! Liệu hồn đấy! Tao thì lôi cổ mày ra đem gả cho một thằng ranh con nào đấy, xem mày còn giở thói yêu tinh cám dỗ Bảo Ngọc nữa thôi!
Tập Nhân chỉ tưởng vú Lý cáu vì vú vào mà mình nằm lỳ không dậy, nên phân trần: “Vì tôi ốm, phải trùm đầu cho ra mồ hôi, nên khi u vào tôi không trông thấy”. Sau nghe thấy những câu “cám dỗ Bảo Ngọc”, “gả cho thằng ranh con”, thì vừa xấu hổ, vừa ức, khóc òa lên.
Bảo Ngọc nghe thấy vậy, rất khó chịu nhưng không biết làm thế nào, đành phân trần hộ Tập Nhân: “Ốm đang uống thuốc… Nếu u không tin, cứ hỏi a hoàn khắc biết.”
Vú Lý nghe thấy thế, lại càng làm già:
– Cậu chỉ biết bênh con ranh ấy, còn chả biết tôi là ai nữa? Tôi biết hỏi ai? Bây giờ ai chẳng vào hùa với cậu, chẳng bị con Tập Nhân nó cám dỗ? Tôi biết hết cả rồi. Tôi với cậu hãy đến phân trần trước mặt cụ và bà Hai: vì có sữa tôi, cậu mới lớn được thế này, nay không cần bú nữa, cậu gạt tôi ra một xó, dung túng bọn con hầu khinh rẻ tôi!
Vú Lý vừa nói vừa khóc.
Bấy giờ Đại Ngọc, Bảo Thoa cũng đến khuyên ngăn:
– Thôi u rộng lượng tha thứ cho họ.
Vú Lý thấy họ đến, liền kể lể hết nỗi uất ức bấy nay: nào chuyện uống nước trà, Phiến Tuyết bị đuổi, chuyện ăn bánh sữa hôm quạ Nói lải nhải mãi không dứt. May sao lúc ấy Phượng Thư đang ở trong buồng tính sổ, nghe thấy tiếng ồn ào ở phía sau, biết là vú Lý già giở chứng, gắt mắng a hoàn của Bảo Ngọc, lại gặp hôm thua bạc, cáu lây sang cả người khác. Phượng Thư liền chạy sang ngay, kéo tay vú Lý cười nói:
– U đừng nóng tính thế! Nhà vừa mới có tiệc mừng xong, cụ mới vui vẻ được ít ngày. U là bậc có tuổi, người nào làm rầm rĩ u ngăn cấm đi mới phải, lẽ nào chính u lại không giữ phép tắc la hét ầm nhà, làm cho cụ bực mình. Ai hỗn với u, tôi sẽ đánh nó chọ Bên nhà tôi mới nấu thịt chim trĩ còn nóng, mời u sang uống rượu với tôi.
Phượng Thư vừa nói vừa dắt vú Lý đi, lại gọi “Phong Nhi! Mang gậy và lấy khăn lau mặt cho vú Lý!”
Vú Lý thất thểu theo Phượng Thư đi ra, còn ngoái cổ lại:
– Tao già rồi, chẳng cần gì nữa. Hôm nay tao liều, chẳng giữ phép tắc, làm rầm rĩ một phen, dù có mất thể diện cũng còn hơn chịu tức khí với con đĩ kia!
Bảo Thoa, Đại Ngọc thấy Phượng Thư dàn xếp như thế đều vỗ tay cười:
– Nhờ có trận gió nào mới lôi được mụ ấy đi.
Bảo Ngọc lắc đầu:
– Không hiểu cái nợ ấy từ đâu đến, cứ nhè vào người hiền lành mà bắt nạt. Cũng không biết cô nào cứ hay gây chuyện, để mụ ấy làm ầm lên.
Tình Văn đứng cạnh nói:
– Ai có hóa rồ mà gây chuyện với mụ ấy? Đã gây chuyện thì có gan nhận, cần gì để liên lụy đến người khác.
Tập Nhân vừa khóc vừa kéo tay Bảo Ngọc:
– Tôi đã có lỗi với vú ấy, cậu lại vì tôi mà có lỗi với người tạ Việc này một mình tôi chịu cũng chưa đủ hay sao? Lại còn lôi người khác vào!
Bảo Ngọc thấy Tập Nhân đương ốm lại thêm buồn bực, nên cố nhịn, và an ủi Tập Nhân, bảo đi ngủ cho ra mồ hôi. Lại thấy người Tập Nhân nóng ran như lửa, Bảo Ngọc liền ngồi ghé bên cạnh khuyên giải Tập Nhân tĩnh dưỡng, không nên nghĩ vơ vẩn những việc không đâu. Tập Nhân cười nhạt:
– Vì những việc như thế mà bực tức, thì liệu có ai ở được nhà này một giờ không? Nhưng ngày tháng còn dài, nếu lúc nào cũng ầm ỹ như thế này, ai còn chịu nổi? Ngày thường tôi vẫn khuyên cậu chớ nên vì chúng tôi mà mang lỗi với người, nhưng có đôi lúc cậu không chú ý đến, thành ra họ nhớ mãi, gặp dịp sơ hở là họ nói ra những giọng khó nghe, như thế còn ra gì nữa?
Tập Nhân vừa nói vừa ứa nước mắt, nhưng lại sợ Bảo Ngọc buồn, nên phải cố nén đi. Một chốc, bà già bưng đến nước thuốc thứ hai. Bảo Ngọc thấy Tập Nhân mới ra mồ hôi, không muốn gọi dậy, tự tay mang thuốc đến cạnh gối cho uống. Rồi sai bọn a hoàn nhỏ sửa soạn giường chiếu. Tập Nhân hỏi:
– Cậu ăn cơm chưa? Hãy sang bên cụ hay bên bà ngồi chơi với chị em một chốc rồi lại về đây, cho tôi nằm nghỉ một lúc.
Bảo Ngọc nghe lời, chờ cho Tập Nhân tháo trâm vòng, nằm nghỉ, rồi mới lên nhà trên ăn cơm với Giả mẫu. Ăn xong, Giả mẫu muốn đánh bài với bọn vợ quản gia. Bảo Ngọc nhớ đến Tập Nhân, lại về buồng ngaỵ Thấy Tập Nhân đã ngủ say, Bảo Ngọc cũng muốn đi ngủ, nhưng trời còn sớm. Bấy giờ bọn Tình Văn, Ỷ Hà, Thu Văn, Bích Ngân đều đi tìm trò chơi với Uyên Ương và Hổ Phách. Chỉ còn trơ Xạ Nguyệt ngồi đánh bài một mình ở gian nhà ngoài. Bảo Ngọc cười hỏi:
– Sao chị không đi chơi với họ.
– Không có tiền.
– Tiền để ở dưới gầm giường, không đủ cho chị đánh à?
– Đi chơi cả, nhà để ai trông? Một người ốm nằm đấy, trên thì đến, dưới thì lửa, các bà già vất vả suốt ngày, cũng nên để cho họ đi nghỉ; bọn a hoàn nhỏ cũng phải hầu hạ cả ngày, không cho họ đi chơi một lúc hay sao? Vì thế tôi phải ở nhà.
Thật rõ ràng là lời lẽ của Tập Nhân thứ hai, Bảo Ngọc liền cười nói:
– Giờ tôi ngồi ở đây, chị cứ yên tâm đi chơi.
Xạ Nguyệt nói:
– Cậu đã ở nhà thì tôi càng không cần phải đi nữa. Hai chúng ta nói chuyện với nhau chẳng hơn ư?
Bảo Ngọc nói:
– Chúng ta làm gì bây giờ? Cũng chẳng có chuyện gì. Thôi vậy, sớm hôm nay tôi thấy chị nói ngứa đầu, bây giờ rỗi, tôi chải đầu cho chị nhé.
Xạ Nguyệt nói:
– Cũng được.
Rồi mang hộp gương đến, tháo bỏ trâm vòng. Xạ Nguyệt rũ đầu ra cho Bảo Ngọc lấy lược chải. Mới chải được mấy cái, thì Tình Văn ở đâu chạy về lấy tiền. Trông thấy thế, Tình Văn cười nhạt:
– Kìa, chưa uống rượu giao bôi đã gỡ tóc cài trâm 1 cho nhau rồi?
Bảo Ngọc cười:
– Chị lại đây tôi chải cho luôn một thể?
Tình Vănnói:
– Chả dám. Tôi kém phúc lắm.
Nói xong, lầy tiền rồi bỏ rèm xuống đi ra.
Bảo Ngọc ngồi sau Xạ Nguyệt, Xạ Nguyệt soi gương. Hai người nhìn nhau ở trong gương cùng cười. Bảo Ngọc cười nói:
– Trong nhà này, chỉ có nó là lắm điều nhất.
Xạ Nguyệt vội xua tay ở trong gương. Bảo Ngọc biết ý. Chợt nghe tiếng rèm “xoạt” một cái, Tình Văn chạy vào hỏi:
– Thế nào là lắm điều? Nói ra cho rõ?
Xạ Nguyệt cười nói:
– Thôi cút đi, lại đến đây định vặn nhau à?
Tình Văn cười nói:
– Mày lại bênh cậu ấy à? Các người giở trò ma quỷ, tưởng đây không biết hay sao? Để tôi đi đánh gỡ vốn đã, rồi trở về sẽ bảo cho.
Nói xong, chạy một mạch.
Bảo Ngọc chải đầu cho Xạ Nguyệt xong, khẽ bảo sửa soạn cho mình đi ngủ, đừng làm Tập Nhân thức dậy.
Đêm hôm ấy, Tập Nhân ra được mồ hôi. Thấy người nhẹ đi. Sáng hôm say chỉ uống nước cháo và nằm tĩnh dưỡng. Lúc đó, Bảo Ngọc mới yên lòng. Ăn cơm xong, Bảo Ngọc sang chơi bên Tiết phu nhân.
Bấy giờ vào giữa tháng giêng, nhà trường còn nghỉ học, trong khuê các còn kiêng thêu thùa may vá, nên ai cũng rỗi cả. Giả Hoàn cũng sang đấy chơi. Gặp lúc Bảo Thoa, Hương Lăng và Oanh Nhi đương đánh xúc xắc, hắn cũng muốn đánh. Ngày thường Bảo Thoa coi hắn cũng như Bảo Ngọc, không phân biệt gì; nay thấy hắn muốn đánh, nên mời chơi một chân. Mỗi cuộc mười đồng. Cuộc đầu hắn được, trong bụng hí hởn lắm; ngờ đâu về sau hắn thua luôn mấy lần, đâm cuống. Lần này đến lượt hắn gieo xúc xắc, nếu gieo con “thất” thì được cả, con “lục” cũng được, trúng con “tam” thì thuạ Hắn cầm con xúc xắc gieo xuống thật mạnh, một con đã ngửa mặt “ngũ”, một con nữa còn quay tít. Oanh Nhi vỗ tay nói “yêu”. Giả Hoàn trừng mắt lên nói luôn: “lục”, “thất”, “bát”. Nhưng sao con xúc xắc lại ngửa mặt “yêu”. Giả Hoàn vội giơ tay nắm lấy con xúc xắc, chực vơ lấy tiền, nói là con “lục”.
Oanh Nhi nói:
– Rõ ràng là con “yêu”.
Bảo Thoa thấy Giả Hoàn cáu kỉnh, vội lườm Oanh Nhi một cái nói:
– Càng lớn càng không có phép tắc! Có lẽ nào các cậu lại nói dối? Sao mày không bỏ tiền xuống?
Oanh Nhi trong bụng rất ức, nhưng thấy Bảo Thoa nói thế không dám cãi lại, đành bỏ tiền xuống, càu nhàu:
– Đã là cậu mà lại còn ăn gian mấy đồng tiền của chúng tôi. Số tiền đó chúng tôi cũng chẳng coi vào đâu. Hôm nọ chơi với cậu Bảo Ngọc, cậu ấy thua mà chẳng thấy gắt gỏng gì, thừa đồng nào là đám a hoàn nhỏ cướp hết, cậu ấy cũng chỉ cười thôi.
Bảo Thoa liền ngắt lời không cho nó nói nữa.
Giả Hoàn nói:
– Tao bì thế nào được với cậu Bảo Ngọc? Chúng bay sợ cậu ấy, nên đều tử tế với cậu ấy và cho tao không phải là con đẻ của bà Hai, nên ai cũng khinh rẻ tao!
Nói xong khóc ầm lên.
Bảo Thoa vội khuyên giải:
– Em ơi! Đừng nói thế, người ta cười cho.
Rồi quay lại mắng Oanh Nhi.
Vừa lúc đó Bảo Ngọc chạy đến, trông thấy, hỏi:
– Làm sao thế?
Giả Hoàn không dám nói câu gì. Bảo Thoa xưa nay vẫn biết gia pháp nhà này, làm em thì phải sợ anh. Nhưng biết đâu Bảo Ngọc lại không muốn ai sợ mình. Trong bụng nghĩ: “Đã có bố mẹ dạy bảo, việc gì ta phải lắm chuyện khiến anh em xa nhau. Vả lại ta là con vợ cả, nó là con vợ lẽ, ta đối với nó nghiêm khắc thì người ngoài chê cười, ta còn cai quản thế nào được nó”. Hơn nữa, Bảo Ngọc còn có một ý nghĩ ngây ngộ Độc giả có biết ngây ngô thế nào không? Vì Bảo Ngọc từ bé luôn luôn ở chung với đám chị em, chị em ruột thì có Nguyên Xuân, Thám Xuân; chị em thúc bá thì có Nghênh Xuân, Tính Xuân; chị em ngoại thì có Tương Vân, Đại Ngọc, Bảo Thoa; Bảo Ngọc cho rằng, người thiêng hơn cả vạn vật, bao nhiêu tinh hoa trong sạch của trời đất, đều chung đúc vào con gái, bọn con trai chỉ là hạng cặn bã bẩn đục mà thôi. Vì thế, cậu ta cho tất cả con trai là hạng thô tục có cũng được, không cũng chằng sao. Chỉ vì theo lời dạy của Khổng Tử, thánh hiền bậc nhất thời xưa, đã nói về cha, chú, anh em, một điều không thể trái ngược, nên giữa anh em với nhau, chẳng qua phải ở cho có tình có lý. Cậu ta cũng chẳng nghĩ gì mình là anh trai, phải làm gương cho lũ đàn em. Do đó Giả Hoàn không sợ Bảo Ngọc, chỉ sợ Giả mẫu không bằng lòng, nên cũng nể phần nào thôi.
Bảo Thoa lại sợ Bảo Ngọc trách mắng Giả Hoàn đâm ra cụt hứng, nên tìm cách che đậy hộ hắn. Bảo Ngọc nói:
– Đầu giêng năm mới, sao mày lại khóc? Chỗ này không thích thì mày đi chơi chỗ khác. Mày ngày nào cũng đọc sách mà còn vơ vẩn như thế. Thí dụ, cái này mày không thích, thì đã có cái kia, mày cứ bỏ cái này đi mà chơi cái kia. Tội gì mày cứ khư khư giữ mãi cái ấy? Khóc liệu có ăn thua gì? Chơi cất lấy vui, mà lại hóa ra chuốc lấy cái buồn? Sao mày không đi chỗ nào cho yên chuyện?
Giả Hoàn nghe nói đành phải bỏ về.
Dì Triệu trông thấy, hỏi dồn:
– Chắc lại bị người ta bắt nạt ở đâu rồi về đấy chứ gì?
Giả Hoàn đáp:
– Tôi chơi với chị Bảo, bị Oanh Nhi ăn gian tiền, rồi anh Bảo Ngọc đuổi tôi về.
Dì Triệu mắng:
– Ai bảo mày chơi trèo? Đồ khốn nạn! Đồ mặt dày! Chỗ nào mày chơi chả được, sau lại cứ cắm đầu sang đấy?
Đương nói, Phượng Thư đi qua ngoài cửa sổ nghe thấy, nói với vào:
– Đầu giêng năm mới, sao dì lại thế? Em nó còn trẻ, có điều gì nhầm lẫn thì dì dạy bảo, sao dì lại giở những giọng ấy rả Dù nó thế nào chăng nữa, đã có ông và bà cai quản, sao lại ngoạc cái mồm ra mắng nó? Nó là cậu ấm, đã có người dạy bảo, việc gì đến dì? Em Hoàn, em ra đây theo ta đi chơi!
Giả Hoàn xưa nay vẫn sợ Phượng Thư hơn là sợ Vương phu nhân, nghe thấy gọi, vội chạy ra ngaỵ Dì Triệu cũng chẳng dám nói câu gì. Phượng Thư bảo Giả Hoàn:
– Mày là hạng người không có khí phách gì cả. Ta thường bảo mày muốn ăn, muốn uống, muốn chơi gì tùy ý, trong các anh, các chị, ưa người nào thì chơi với người ấy, mày không nghe lời, lại cứ đi nghe hạng người bậy bạ, ranh mãnh. Mình không biết tự trọng mình, chỉ theo lối hạ lưu bừa bãi, lại còn oán người ta đối đãi thiên lệch với mình. Thua có mấy đồng mà đến nỗi thế à? Thua hết bao nhiêu?
Giả Hoàn nói:
– Em thua hết một vài trăm đồng tiền.
Phượng Thư mắng:
– Cũng mang tiếng là cậu ấm, mới thua một hai trăm đồng mà đã thế à!
Rồi quay lại bảo Phong Nhi:
– Đi lấy một quan tiền ra đây. Các cô đương chơi ở đường sau kia, đưa cậu ra đấy chơi.
Lại quay bảo Giả Hoàn:
– Từ rầy mày còn giữ lối quỉ quái như thế, ta sẽ đánh trước rồi mách bên trường học cho người ta lột da ra! Vì mày không biết tự trọng, nên anh Bảo giận mày lắm. Nếu tao không can thì anh mày đã đá cho mày lòi ruột ra rồi. Thôi! Cút đi!
Giả Hoàn vâng vâng dạ dạ, theo Phong Nhi lấy tiền rồI ra chỗ bọn Nghênh Xuân chơi.
Bảo Ngọc đương ngồi chơi với Bảo Thoa, chợt thấy ngườI nói: “Cô Sử đã đến”. Bảo Ngọc chực chạy đi ngaỵ Bảo Thoa cười nói:
– Hãy chờ một tí, chúng ta cùng đến thăm cô ta một thể.
Nói xong, xuống giường cùng Bảo Ngọc đến chỗ Giả mẫu.
Sử Tương Vân đương cười cười, nói nói, thấy họ đến, vộI đứng dậy chào.
Đại Ngọc ngồi bên cạnh, hỏi Bảo Ngọc:
– Anh ở đâu về đấy?
– Đến thăm chị Bảo về.
Đại Ngọc cười nhạt:
– Em đã nói mà, nếu không vướng mắc ở đâu thì đã bay đến ngay rồi.
– Thế tôi chỉ được ở nhà chơi đùa với cô em để cô em đỡ buồn thôi ư? Vừa mới sang bên ấy một lúc mà đã nói những câu ấy.
– Khéo vớ vẩn chưa! Đi hay không có liên can gì đến tôi? Ai khiến anh ở nhà để cho tôi đỡ buồn? Từ giờ trở đi, không cần anh để ý đến tôi nữa.
Nói xong, giận dỗi trở về buồng.
Bảo Ngọc vội chạy theo hỏi:
– Đang tử tế mà lại đâm ra giận dỗi rồi. Dù tôi có lỡ lời, em cũng nên ngồi chơi một lúc nói chuyện cho vui. Việc gì lại chuốc nỗi buồn vào người!
– Anh cấm đoán tôi à?
– Tôi nào dám cấm đoán em. Chỉ là em tự giày vò thân em đấy thôi!
– Tôi tự giày vò thân tôi! Tôi chết kệ tôi, có việc gì đến anh?
– Sao lại thế? Đầu giêng năm mới, cứ nói “chết” với “sống” mãi!
– Tôi chỉ nói “chết” thôi! Phen này tôi chết đấy! Anh sợ chết thì cứ sống đến trăm tuổi, có được không?
– Cứ rắc rối mãi thế này, tôi lại sợ chết à? Thà chết đi cho yên chuyện!
– Phải đấy, cứ rắc rối mãi thế này, thì thà chết hết đi cho yên chuyện!
– Tôi nói là tôi chết cho yên chuyện, em đừng nghe nhầm lại đổ oan cho tôi.
Hai người đương nói với nhau, thì Bảo Thoa chạy đến nói:
– Cô Sử đương chờ cậu đấy.
Rồi kéo Bảo Ngọc đi. Đại Ngọc càng tức, nhìn ra cửa sổ, nước mắt chảy ròng ròng.
Độ chừng uống cạn hai chén nước thì Bảo Ngọc trở về. Đại Ngọc trông thấy càng khóc nức nở. Bảo Ngọc thấy thế, biết rằng khó làm Đại Ngọc hồi tâm, nên cố tìm hết lời êm dịu để khuyên giải, nhưng chưa kịp mở mồm, Đại Ngọc đã nói:
– Anh còn đến đây làm gì? Sống chết kệ thây tôi! Vả chăng bây giờ đã có người chơi với anh rồi. Người ấy lại biết đọc sách, biết làm thơ, biết viết chữ, biết nói, biết cười. Họ sợ anh bực tức, mới lôi đi để cám dỗ anh. Bây giờ anh còn đến đây làm gì nữa?
Bảo Ngọc nghe nói, vội đến trước mặt Đại Ngọc khẽ nói:
– Em là người hiểu biết, có lẽ nào không biết câu “Thân bất cách sơ”, “Tiên bất tiếm hậu” 2 hay sao? Anh tuy dốt nát, nhưng cũng biết nghĩa hai câu đó. Điều thứ nhất, chúng ta là anh em con cô con cậu, chị Bảo với anh là đôi con dì, với em thì còn xa hơn. Điều thứ hai, em đến đây trước, hai chúng ta từ bé đến lớn, ăn cùng một bàn, ngủ cùng một giường, chị Bảo thì mới đến, lẽ nào tôi lại vì chị ấy mà xa em?
Đại Ngọc gạt đi:
– Tôi lại bảo anh xa người ta à? Như thế tôi còn ra gì? Tôi chỉ biết bụng tôi thôi!
– Tôi cũng chỉ biết bụng tôi thôi. Có lẽ nào em biết bụng em mà không biết bụng tôi?
Đại Ngọc cúi đầu lặng im, một lúc sau mới nói:
– Anh chỉ trách người ta làm cho anh bực mình, có biết đâu chính anh đã làm cho người ta khó chịu. Xem thời tiết hôm nay, trời lạnh như thế mà anh không khoác áo bông vào?
Bảo Ngọc nói:
– sao lại không mặc? Chỉ vì thấy em bực tức, anh phát nóng cả người, nên cởi áo ra đấy thôi.
Đại Ngọc phàn nàn:
– Rồi có bị cảm lại đổ tại vì cãi nhau với em mà đâm ốm.
Hai người đương nói thì Tương Vân chạy lại cười nói:
– Anh “ái” 4 ơi, chị Lâm ơi, các người ngày nào cũng chơi đùa một chỗ với nhau, còn tôi không mấy khi đến đây, thế mà chẳng ai thèm hỏi han đến tôi cả!
Đại Ngọc cười nói:
– Đã ngọng lại còn hay nói, ngay tiếng anh Hai cũng chẳng nói nên thân, lại gọi là anh “ái”, anh “ái”. Lúc đánh lú cũng lại ngọng nốt, cứ luôn mồm “yêu ái tam”.
Bảo Ngọc cười bảo Đại Ngọc:
– Em bắt chước quen đi rồi cũng đâm ngọng thôi!
Tương Vân nói:
– Chị ấy không chừa một ai, chỉ tìm cách trêu chọc người tạ Nếu mình quả giỏi hơn, cũng không nên gặp người nào là trêu chọc người ấy. Tôi kể một người ra đây, chị dám trêu chọc thì tôi mới phục.
Đại Ngọc hỏi là ai. Tương Vân nói:
– Chị dám trêu chọc chị Bảo Thoa, tôi mới cho là giỏi.
Đại Ngọc cười nhạt:
– Tưởng ai chứ chị ấy thì tôi đâu dám.
Bảo Ngọc không chờ nói hết, vội nói lảng ra chuyện khác.
Tương Vân cười nói:
– Hiện nay thì tôi chịu thua chị. Tôi chỉ cầu mong sau này chị lấy được người chồng cũng nói ngọng như tôi. Chị cũng có phen được nghe những tiếng ái” ấy thôi. A di đà phật! Lúc đó sẽ hiện ra trước mắt chị.
Câu nói ấy làm cho mọi người bật cười, Tương Vân vội chạy mất.
1 Trong đời phong kiến Trung Quốc, theo tục mới cưới, chú rể gỡ tóc cài trâm cho cô dâu. Ở đây Tình Văn dùng câu đó để nói đùa hai người.
2 Không vì người thân mà xa người sơ, cũng không vì người trước mà lấn người sau.
3 Tiếng Trung Quốc, chữ “ái” đọc gần giống chữa “hai” (nhi). Ái lại có nghĩa là yêu. Tương Vân nói ngọng bị Đại Ngọc chế, Tương Vân lại dùng chữ đó để trêu Đại Ngọc.