Chương 16: Giả Nguyên Xuân có tài, được tuyển vào cung Phượng Tảo
Tần Kình Khanh còn trẻ, đã thác xuống cõi Hoàng Tuyền
Phượng Thư thu xếp công việc ở chùa Thiết Hạm xong, dẫn Tần Chung, Bảo Ngọc lên xe về thành. Đến nhà, vào chào Giả mẫu, Vương phu nhân rồi về buồng nghỉ. Hôm sau, Bảo
Ngọc thấy phòng học đã dọn dẹp xong, hẹn Tần Chung đến tối cùng tới đó học. Tần Chung vốn người yếu đuối, ra ngoài thành bị sương gió, lại mấy lần dan díu với Trí Năng, không biết giữ gìn, khi về bị cảm phong, ho suyễn, không thiết ăn uống, người cứ rạc đi, phải ở nhà tĩnh dưỡng, không đi học được. Bảo Ngọc vì thế mất vui. Không còn cách gì, đành phải chờ cho Tần Chung khỏi bệnh.
Phượng Thư nhận được thư trả lời của Vân Quang, nói việc ấy đã xong xuôi cả. Sư già liền đến báo tin cho nhà họ Trương. Ông Thủ Bị không biết làm thế nào, đành nuốt giận
nhận lại món tiền sêu tết khi trước. Không ngờ bố mẹ thì thính thế lực, tham tiền của, nhưng con gái lại biết lẽ phải, giàu tình cảm, khi nghe tin phải thôi người chồng trước, bắt gả về nhà họ Lý, Kim Kha liền thắt cổ tự tử. Con trai ông Thủ Bị cũng là một người chung tình, nghe nói Kim Kha thắt cổ chết, cũng không phụ nghĩa vợ, đâm đầu xuống sông chết theo. Đáng thương cho hai nhà họ Trương, họ Lý vừa mất người, vừa mất của, còn Phượng Thư thì ngồi mát ăn không ba nghìn lạng bạc. Việc này Vương phu nhân chẳng biết một tí gì. Từ đó, Phượng Thư càng bạo gan, biết bao chuyện làm liều như thế, không kể xiết được.
Một hôm, gặp ngày sinh nhật Giả Chính, người nhà phủ Ninh, phủ Vinh đương nhộn nhịp ăn mừng. Chợt có người gác cổng vào báo:
– Có cụ Hạ là quan đô thái giám ở Lục cung đem chiếu chỉ đến.
Bọn Giả Chính, Giả Xá sợ hãi không biết việc gì, ngừng ngay hát xướng, dọn cỗ bàn đi, bày hương án, mở cửa giữa ra, quỳ đón chiếu chỉ. Đô thái giám là Hạ Bỉnh Trung cưỡi ngựa đến, có nhiều nội giám đi theo. Hạ thái giám không mạng chiếu sắc, đến tận cửa dinh giữa mới xuống ngựa, nét mặt tươi tỉnh, đứng ngoảnh về phía nam, nói:
– Vâng đặc chỉ Hoàng đế đòi Giả Chính lập tức vào điện Lâm Kính bệ kiến 1. Nói xong hắn không uống nước, cưỡi ngựa đi ngay.
Giả Chính đoán mãi chẳng biết việc gì, vội vàng thay
quần áo vào chầu. Giả mẫu và người nhà hoảng hốt, lo sợ, luôn luôn sai người cưỡi ngựa đi dò tin tức. Độ hai giờ sau, lũ Lại Đại cùng bốn người quản gia thở hồng hộc chạy vào cửa nghi môn báo tin mừng: “ông bảo về mời cụ dẫn các bà vào cung tạ Ơn.”
Giả mẫu đang lúc tâm thần hoảng hốt, đứng dưới hành lang nghe ngóng. Hình phu nhân, Vương phu nhân, Vưu thị, Lý Hoàn, Phượng Thư, chị em Nghênh Xuân và Tiết phu nhân đều chụm cả một chỗ chờ tin. Giả mẫu gọi Lại Đại vào hỏi kỹ đầu đuôi. Lại Đại bẩm:
– Chúng con chỉ đứng chờ ở ngoài triều phòng thôi, tin tức trong ấy không biết gì cả. Sau thấy Hạ thái giám chạy ra chúc mừng. Cô lớn nhà ta đã được phong chức Thượng thư ở cung Phượng Tảo, gia phong là Hiển đức phị Sau ông nhà ra cũng dặn bảo chúng con như thế. Hiện giờ ông đi sang Đông cung. Xin mời cụ và các bà vào tạ Ơn ngay.
Giả mẫu nghe vậy mới yên lòng, ai nấy vui tươi hiện ra nét mặt. Giả mẫu dẫn Hình phu nhân, Vương phu nhân và Vưu thị mặc triều phục theo phẩm tước, đi bốn cỗ kiệu lớn nói
đuôi nhau vào chầu. Giả Xá, Giả Trân cùng mặc triều phục dẫn Giả Tường, Giả Dung đi theo hầu Giả mẫu.
Khắp phủ Ninh, Vinh, ai nấy đều vui cười vang trời dậy đất, chỉ có Bảo Ngọc là lờ như không biết. Đó là vì sao? Vì gần đây Trí Năng ở am Thủy Nguyệt lẻn vào thành tìm Tần Chung, không ngờ bị Tần Nghiệp biết, đuổi Trí Năng đi, đánh Tần Chung một trận rồi vì giận quá, đâm ốm mấy hôm thì chết.
Tần Chung vốn người yếu sẵn, đương ốm chưa khỏi, bị một trận đòn, cha lại vì tức mà chết. Hắn rất băn khoăn hối hận, nên bệnh tình ngày càng nặng thêm. Thấy thế, Bảo Ngọc áy náy không vui, dù Nguyên Xuân đã được phong chức, cũng chẳng khuây khỏa nỗi buồn rầu. Giả mẫu khi đi tạ Ơn, lúc trở về nhà bè bạn đến chúc mừng, rồi mọi người trong hai phủ Ninh, Vinh đi lại nhộn nhịp vui mừng hớn hở, riêng có Bảo Ngọc vẫn hờ hững như không, chẳng hề để ý đến. Vì thế mọi người cười hắn là chàng ngốc.
May sao có người về báo tin Giả Liễn cùng Đại Ngọc đã về, ngày mai sẽ đến nhà. Bảo Ngọc lúc ấy mới hơi mừng. Hỏi kỹ nguyên do, biết là nhờ có Vương Tử Đằng dâng sớ nhiều lần về Giả Vu Thôn, nên mới được nhà vua triệu Vũ Thôn vào Kinh bộ biến, và chờ ngày bổ dụng. Vũ Thôn là anh em cùng họ với Giả Liễn, lại có tình thầy trò với Đại Ngọc, nên cùng đi một đường lên đây. Linh cữu Lâm Như Hải đã được chôn gần mộ tổ. Mọi việc đều đã xong xuôi.
Giả Liễn về Kinh chuyến này cứ theo hành trình thì tháng sau mới đến nhà. Nhưng vì nghé thấy tin mừng của Nguyên Xuân nên đêm ngày đi gấp, trên đường đều được bình yên cả.
Bảo Ngọc ngoài việc hỏi sức khỏe của Đại Ngọc ra thì không để ý đến gì nữa.
Đến quá trưa hôm sau, mới thấy người báo: “Cậu Liễn và cô Lâm đã về”.
Khi gặp mặt, ai nấy mừng mừng, tủi tủi, khóc ầm lên một lúc, rồi ngỏ lời chúc mừng và an ủi nhau.
Bảo Ngọc nhìn kỹ Đại Ngọc, thấy nét mặt có vẻ xinh xắn hơn trước. Đại Ngọc mang nhiều sách vở về, sai người quét dọn buồng ngủ, bày biện đồ đạc, chia các thứ bút giấy cho bọn Bảo Thoa, Nghênh Xuân và Bảo Ngọc. Bảo Ngọc lấy chuỗi hạt châu thơm của Bắc Tĩnh Vương tặng ngày trước, trịnh trọng đưa cho Đại Ngọc. Đại Ngọc vứt trả lại nói:
– Cái thứ mà hạng con trai hôi hám đã cầm rồi, tôi không nhận đâu.
Bảo Ngọc đành phải nhặt về.
Giả Liễn chào hỏi mọi người xong, về buồng, Phượng Thư đương bận rộn, không lúc nào rỗi, thấy Giả Liễn đi xa về, đành phải bỏ việc ra đón tiếp. Nhân lúc trong buồng không có người, Phượng Thư cười nói:
– Xin mừng quốc cữu! Ngài đi đường vất vả lắm nhỉ! Hôm qua người nhân phi ngựa về báo là hôm nay ngài sẽ về phủ, kẻ hèn mọn này gọi là sửa một ly rượu tẩy trần, không biết ngài có chiếu cố cho chăng?
Giả Liễn cười nói:
– Không dám! Không dám! Hậu tình quá! Hậu tình quá.
Bình Nhi và các a hoàn vào chào xong, bưng nước lên, Giả Liễn hỏi chuyện nhà trong những ngày đi vắng, và an ủi Phượng Thư đã chịu khó trông coi.
Phượng Thư nói:
– Tôi có làm được việc gì đâu! Hiểu biết thì hẹp, mồm mép lại vụng, bụng thì thẳng như ruột ngựa, người ta đưa cho cái dùi, mình lại ngỡ là cái kim. Thấy ai nói khéo thì hay cả nể. Vả lại, tôi ít trải việc, lại nhát gan, hễ thấy mẹ có điều gì không vừa ý là tôi sợ hãi suốt đêm không ngủ được. Tôi đã từ chối mấy lần nhưng mẹ không cho, lại bảo là tôi chỉ muốn nhàn rỗi không chịu học việc. Có biết đâu tôi đã vắt ra biết bao mồ hôi. Từng câu nói phải giữ gìn, từng bước đi phải rón rén. Cậu đã biết đấy, các chị quản gia nhà này hay bới chuyện lắm. Lầm một tí là họ bêu ngay ra làm trò cười; hơi nghiệt một tí là họ Oán. Rồi họ nói bóng nói gió, nào là “ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”, “mượn dao giết người, “nhờ gió thổi lửa”, “cầm sào đứng trên bờ”, “hất bình dầu đổ rồi bỏ mặc đấy”, đều là những lời cạnh khóe của bọn mẹ mìn. Tôi còn ít tuổi, không dọa dẫm được ai, tránh sao họ chẳng coi tôi bằng nửa con mắt. Đáng buồn cười nữa là việc tang vợ cháu Dung bên kia, anh Trân hai ba lần quỳ trước mặt mẹ, xin tôi sang trông nom giúp mấy ngày. Tôi ba bốn lần từ chối, nhưng mẹ nể quá bảo cứ đi, tôi đành phải nhận lời. Rút cuộc, công việc rối bét, chẳng ra thể thống gì, làm anh Trân đến nay vẫn còn trách móc phàn nàn. Ngày mai cậu gặp anh ấy, nên nói đỡ cho tôi, rằng tôi còn ít tuổi, chưa từng trải việc bao giờ. Ai bảo anh ấy cứ giao liều công việc cho tôi.
Đang nói chuyện, nghe bên ngoài có tiếng người xì xào.
Phượng Thư hỏi:
– Ai đấy?
Bình Nhi vào nói:
– Tiết phu nhân sai Hương Lăng sang hỏi một việc, tôi đã trả lời và bảo về rồi.
Giả Liễn cười nói:
– Đúng đấy, ta vừa gặp dì Tiết, và một người con gái đến, xem dáng điệu xinh xắn lắm. Ta nghĩ nhà ta không có người nào như thế. Hỏi mới biết con bé đó tên gọi Hương Lăng, trước đây vì nó mà xảy ra kiện cáo lôi thôi. Nay nó là nàng hầu của anh ngốc họ Tiết. Con bé này đã cạo mặt vẽ lông mày 2, trông lại càng thêm vẻ xinh đẹp. Anh chàng họ Tiết thật là làm nhơ bẩn cả một đời người ta.
Phượng Thư bĩu môi nói:.
– Hừ! Chuyến này đi Giang Tô, Hàng Châu về, chắc đã biết mùi đời nhiều rồi, thế mà còn no bụng đói con mắt! Nếu cậu thích thì chẳng khó gì, để tôi đem Bình Nhi đánh đổi có
được không? Anh chàng họ Tiết là hạng người cầm bát cơm nhưng vẫn dòm nồi. Một năm nay vì chưa lấy được Hương Lăng, anh chàng đã quấy dì Tiết nhiều lần. Dì Tiết cho nhan sắc của Hương Lăng chỉ là việc thường, nhưng thấy con bé đứng đắn, khác hẳn những đứa khác, tính tình lại ôn hòa điềm đạm., các cô con nhà quyền quý cũng chưa chắc đã ăn đứt được nó. Vừa rồi anh Tiết có sửa tiệc mời khách, chính thức nhận nó là người trong phòng. Nhưng chưa đầy nửa tháng, anh ấy lại thoảng đi như không, chẳng khác gì gió thổi qua chuồng ngựa!
Trong khi đang nói chuyện, người hầu vào báo:
– Ông đương chờ cậu ở thư phòng..
Giả Liễn nghe nói vội vàng mặc áo đi ra.
Phượng Thư mới quay sang hỏi Bình Nhi:.
– Vừa rồi dì Tiết sai Hương Lăng đến hỏi việc gì thế?
Bình Nhi nói:
– Có Hương Lăng nào đâu. Đó là tôi nói dối đấy. Mợ xem, chị Vượng chẳng có ý tứ gì cả.
Rồi đến cạnh Phượng Thư nói khẽ:
– Món tiền lãi ấy sớm tối mang đến lúc nào chẳng được, lại nhè vào lúc cậu đương ở nhà. May sao tôi gặp ở ngoài thềm, nếu không thì chị ta đã chạy thẳng vào buồng đưa cho mợ, thế là cậu sẽ trông thấy. Tính cậu thì còn lạ gì, tiền bạc có bỏ trong vạc dầu sôi cũng lấy ra được. Nếu biết mợ có tiền để riêng, cậu lại không tha hồ phung phí hay sao? Thấy thế, tôi chạy ngay ra đón, nói cho chị ấy mấy câu. Ngờ đâu mợ lại nghe thấy. Nhưng vì cậu đương ngồi đấy, nên tôi phải nói dối là Hương Lăng sang.
Phượng Thư nghe rềi cười nói:
– Ta biết mà. Dì Tiết biết cậu về rồi, vô cớ sai người sang làm gì. Hóa ra con ranh này nói dối.
Đang ngồi nói chuyện thì Giả Liễn về. Phượng Thư sai dọn rượu. Vợ chồng ngồi đối diện với nhau. Phượng Thư tuy uống được, nhưng không dám lai láng vui quá chén, chỉ ngồi hầu Giả Liễn uống. Giữa lúc đó, vú nuôi Giả Liễn là họ Triệu đến.
Giả Liễn, Phượng Thư vội vàng mời ngồi lên giường, uống rượu. Vú Triệu nhất định không nghe. Bình Nhi đặt ngay một cái bàn riêng và một cái ghế thấp ở bên cạnh giường mời vú Triệu ngồi. Giả Liễn lấy mấy món ăn ở bàn mình đặt sang bàn vú Triệu. Phượng Thư nói:
– U không nhai được những món này đâu, không khéo thì gẫy răng đấy.
Rồi hỏi Bình Nhi:
– Sáng hôm nay ta thấy có món chân giò ninh dừ kia mà. Sao không bảo nhà bếp hâm nóng rồi mang lên đây u ăn.
Lại nói:
– U ơi con u mới mang rượu Huệ Tuyền về đây, u nếm một chén.
Vú Triệu nói:
– Tôi xin vâng. Mợ cũng uống một chén, sợ gì, không uống nhiều là được rồi. Lần này tôi đến đây có chút việc chứ có phải vì cơm rượn đâu. Mợ nên để bụng thương tôi, còn cậu nhà nói thì tử tế lắm, nhưng đến khi có việc thì quên khuấy tôi đi. Tôi nuôi cậu từ bé, nay cậu đã lớn, tôi cũng già rồi. Tôi có hai đứa con, nhờ cậu để ý chăm nom giúp, chắc người ngoài chẳng ai dám hé răng tị nạnh gì. Tôi hai ba lần nói với cậu, cậu cứ ừ tràn, rồi mãi đến nay vẫn không đâu vào đâu. Hiện giờ được một tin mừng lớn như từ trên trời rơi xuống là ở đây đang cần dùng người. Vì thế lần này tôi đến nhờ mợ là hơn cả, chứ nhờ cậu thì có lẽ tôi chết đói mất..
Phượng Thư cười nói:
– U cứ giao hai anh cho tôi. U nuôi cậu ấy từ lúc bé lại không biết tính cậu ấy à? Cậu ấy thì ruột để ngoài da, chỉ để tâm đến những người bâng quơ ở đâu ấy. Các anh nhà u nào có thua kém gì ai, sao lại không để ý đến? Nếu cậu ấy thương đến các anh nhà u thì ai dám nói là không phải. Thế mà cậu ấy lại hay dễ dãi với người ngoài. Tôi nói thế có lẽ lầm đấy. Người mà chúng ta coi là “người ngoài”, thì cậu ấy lại coi là “người trong (3).
Nói đến câu ấy cả nhà đều cười. Vú Triệu cũng cười rộ lên, lại niệm phật:
– Trong nhà này đã có bóng mặt trời sáng soi. Cậu chúng ta đâu có chuyện lẫn lộn người trong với người ngoài như thế. Chẳng qua cậu tốt bụng, cả nể, người ta nằn nì vài câu là không nỡ từ chối đấy thôi.
Phượng Thư cười nói:
– U nói thế chưa đúng, có hạng “người trong” thì cậu ấy nể nang, nhưng đối với u con chúng ta thì cậu ấy chẳng nể nang gì cả.
Vú Triệu nói:
– Mợ nói thật là chính tình, tôi rất vui. Tôi uống thêm một ly rượu ngon nữa! Từ nay trở đi, mợ làm chủ, tôi không lo gì
Giả Liễn nghe vậy hơi ngượng, cười nói:
– Thôi đừng nói nhảm nữa, mang cơm ra ăn, còn có việc phải sang bàn với anh Trân.
Phượng Thư nói:.
– Phải đấy, đừng làm nhỡ việc. Vừa rồi ông gọi cậu sang bảo việc gì đấy?
– Việc “tỉnh nhân ” 4.
– Việc ấy đã được chuẩn y rồi à?
Tuy chưa chắc chắn cả mười, nhưng đã có hy vọng đến chín.
– Đó là đặc ân của hoàng thượng đấy. Xưa nay trong sách, trong các vở tuồng có nói đến việc này bao giờ.
Vú Triệu nói:
– Tôi già lẫn, chỉ nghe thấy mọi người đồn ầm lên về cái ngày ấy. Thế nào là “tỉnh nhân” hay không tỉnh nhân, tôi cũng chẳng để ý đến. Bây giờ lại nói đến việc “tỉnh nhân”, sự thực đầu đuôi ra thế nào?
Giả Liễn nói:.
– Hoàng thượng bây giờ thể tất lòng mọi người, nghĩ rằng việc lớn trên đời không gì bằng chữ hiếu. Xưa nay lòng cha mẹ và con cái, không cứ sang hèn, ai cũng thế cả. Hoàng thượng cho rằng chính người ngày đêm hầu hạ thái hoàng thượng, hoàng thái hậu, còn sợ chưa làm tròn được đạo hiếu. Người thấy các phi tần, tài nhân vào cung lâu năm, xa cách cha mẹ, có lẽ nào lại không thương nhớ. Con thương nhớ cha mẹ đã đành, cha mẹ Ở nhà cũng thương nhớ con, nếu không được gặp mặt, sinh ra đau ốm, đến chết, thế là tại ta giam hãm, khiến bao người không được trọn đạo luân thường, thương tổn đến hòa khí của trời đất. Vì thế người tâu lên thái thượng hoàng, hoàng thái hậu, mỗi tháng đến ngày hai, ngày sáu. Cung phi được phép vào thăm Thái thượng hoàng và hoàng thái hậu rất vui, khen người là bậc nhân hiếu, biết thể tất lòng trời, nghĩ đến muôn vật. Vì thế hai vị lão thánh nhân ban chỉ dụ xuống: “Các thân thuộc vào cung thăm nom, bị nghi lễ của nhà vua ràng buộc, chắc chưa được thỏa lòng. Nay ban đại ân rộng rãi hơn, trừ những ngày được vào thăm, còn đặc cách cho phép những người thân thuộc, nếu ai có nhà cửa riêng làm nơi nghỉ chân và tiện canh phòng, thì được phép xin với nội đình rước xe cung phi về thăm nhà, như thế là vẹn tình riêng cốt nhục, và cũng được trọn đạo luân thường”. Chỉ dụ vừa đưa xuống, ai nấy nhảy nhót mừng rỡ đội ơn. Hiện nay phụ thân Chu quí phi đã khởi công sửa nhà riêng, phụ thân Ngô quí phi là Ngô Thiên Hựu cũng đã ra ngoài thành tìm nơi làm nhà riêng rồi. Như thế có phải việc này đã chắc được tám chín phần không?
Vú Triệu nói:
– A di đà phật. Nếu quả như thế thì phủ ta đây cũng phải sửa soạn đón tiếp cô lớn nhà ta.
Giả Liễn nói:
– Chẳng phải nói, nếu không thì bây giờ còn phải bận việc gì?
Phượng Thư cười nói:
– Nếu quả như thế, thì phen này tôi được thấy một việc lớn nhất đời. Tiếc rằng tôi sinh sau đẻ muộn, nếu sớm độ hai ba mươi năm, thì còn ai dám khinh tôi là không biết việc đời. Thấy nói ngày trước đức Thái tổ hoàng đế ta bắt chước việc vua Thuấn đi tuần, quang cảnh nhộn nhịp hơn cả những chuyện trong sách, nhưng tôi không được trông thấy.
Vú Triệu nói:.
– Ối chà! Thực là một việc nghìn năm hiếm có! Tôi nhớ họ Giả nhà ta hồi còn ở miền Cô Tô, Dương Châu, trông nom việc đóng thuyền bể, và sửa sang đường bể, chỉ có sửa soạn đón tiếp vua một lần, mà tiền bạc tiêu như bể nước. Nhắc đến thì…
Phượng Thư vội nói tiếp:
– Họ Vương nhà tôi cũng đã sửa soạn đón tiếp vua một lần rồi. Bấy giờ ông tôi còn giữ riêng việc đón tiếp người các nước đến triều cống. Người nước ngoài đến, đều do nhà tôi tiếp đãi cả. Những thuyền bè hàng hóa ở ngoài đến các tỉnh Việt, Mân, Điền, Chiếng 5 đều là của nhà tôi.
Vú Triệu nói:
– Ai chẳng biết việc ấy? Hiện giờ còn có câu tục ngữ “Vua Đông Hải thiếu ngọc trắng làm giường, phải đến vay Kim Lăng nửa lạng”. Câu ấy chỉ vào nhà mợ đấy. Lại còn nhà họ Chân ở Giang Nam. Ôi chà! Thần thế như trời! một mình nhà ấy đón vua bốn lần. Nếu không phải chính mắt chúng tôi trông thấy, thì nói không ai tin. Không những coi tiền bạc như bùn, mà các thứ ở đời, hết thảy đều có, cứ chồng chất như rừng như núi ấy. Nhưng tránh sao khỏi bốn chữ “Tội lỗi đáng tiếc”.
Phượng Thư nói:
– Ông tôi cũng nói thế, lẽ nào lại không tin. Nhưng lạ thật sao nhà ấy lại giàu sang được như thế.
Vú Triệu nói:
– Tôi bảo mợ câu này nhé
chẳng qua lấy tiền bạc của nhà vua đem đập vào bản thân nhà đấy thôi! Chứ ai thừa tiền mua lấy cái náo nhiệt hão ấy!
Đương nói chuyện, Vương phu nhân sai người đến xem Phượng Thư ăn cơm xong chưa. Phượng Thư biết có việc, vội ăn cơm, súc miệng toan đi, lại có người hầu vào báo:
– Cậu Dung và cậu Tường ở phủ Đông sang chơi.
Giả Liễn vừa súc miệng xong, Bình Nhi bưng nước rửa tay đến, Giả Liễn thấy hai người vào, liền hỏi:
– Sang có việc gì?
Phượng Thư cũng đứng lại. Giả Dung nói:
– Cha cháu sai sang trình chú biết, các ông đã bàn định xong rồi. Khoảng đất từ phía đông nối liền với vườn hoa phủ Đông, đến phía tây bắc dài độ ba dặm rưỡi, chỗ ấy có thể lập nhà “tỉnh nhân” được. Cha cháu đã sai người vẽ bản đồ, ngày mai thì xong. Chú mới về, chắc hãy còn mệt, không cần phải sang bên cháu vội. Có việc gì, ngày mai sẽ mời chú sang bàn.
Giả Liên cười nói:
– Cảm ơn ông anh có lòng thể tất, tôi xin vâng lời, không sang nữa, ý định như thế là phải, vừa bớt được công việc, xây dựng cũng dễ hơn, nếu chọn nơi khác, tốn kém nhiều mà chưa chắc đã ra trò. Cháu về trình với cha cháu: “làm thế rất tốt” ; nếu các ông muốn thay đổi chỗ khác thì cha cháu nên can ngăn đi. Sáng mai chú sẽ sang thăm và bàn kỹ.
Giả Dung liền đáp “vâng”.
Giả Tường lại đến gần nói:
– Ông sai cháu đem hai người con bác quản gia họ Lại cùng đi với hai vị khách là Đan Sính Nhân và Bốc Cố Tu xuốngCô Tô đón phường hát, chọn mua con gái bé, sắm sữa nhưng đồ âm nhạc và đồ hát tuồng. Cháu đến trình để chú biết.
Giả Liễn nghe nói, ngắm nghía Giả Tường rồi cười nói:
– Cháu có thạo việc này không? Nói tuy không quan hệ lắm, nhưng trong đó cũng có thể có chuyện tệ lậu đấy.
Giả Tường cười nói:
– Cháu hỏi han người ta rồi cũng làm được.
Giả Dung đứng sau bóng đèn, khẽ kéo áo Phượng Thư.
Phượng Thư hiểu ý, cũng khẽ xua tay làm như không biết.
Rồi cười nói:
– Cậu hay lo xa quá, có lẽ nào ông anh không biết dùng người bằng chúng tạ Cậu lại sợ cháu không thạo việc à! Chưa chắc ai thạo hơn ai. Vả chăng các cháu đã lớn cả rồi, tuy chưa ăn thịt lợn, nhưng cũng đã trông thấy lợn 6. Chuyện ông anh sai cháu đi, chẳng qua để đóng vai ông tướng ngồi cầm cờ lệnh đó thôi, chứ có phải bảo đi tính toán giá cả và xếp đặt công việc đâu. Theo ý tôi, cháu đi được đấy.
Giả Liễn nói:
– Việc ấy cố nhiên rồi; không phải tôi muốn ngăn giữ đâu, nhưng cũng nên bàn tính trước hộ cháu một tí. Nhân hỏi: “món tiền ấy thì lấy ở đâu?”
Giả Tường nói:
– Việc này vừa rồi đã bàn đến. Bác lại nói: “Không cần phải mang tiền ở nhà đi. Hiện giờ nhà họ Chân ở Giang Nam có giữ của nhà ta năm vạn bạc. Ngày mai viết một lá thư và phiếu nhận tiền giao chúng cháu mang đi, lấy ba vạn, còn hai vạn hãy gửi lại để chi việc sắm sữa đèn nến, cờ và màn.
Giả Liễn gật đầu nói:
– Nghĩ thế phải đấy.
Phượng Thư vội bảo Giả Tường:
– Đã thế thì ta có hai người thạo việc, cháu nên mang đi theo, càng dễ dàng cho công việc của cháu.
Giả Tường vội cười nói:
– May quá, cháu đang định xin thêm hai người.
Rồi hỏi tên hai người ấy, Phượng Thư hỏi lại vú Triệu.
Bấy giờ vú Triệu đương ngồi ngẩn ra nghe chuyện, Bình Nhi cười, đẩy một cái, vú Triệu mới tỉnh lại, vội nói:.
– Một đứa là Triệu Thiên Lương, một đứa là Triệu Thiên Đống.
Phượng Thư nói:
– Đừng có quên nhé. Thôi ta đi làm việc của ta đây.
Nói xong đi ngaỵ Giả Dung vội theo sau khẽ cười nói:
– Thím cần thứ gì, thì xin kê đơn, cháu sẽ mau đủ mang về.
Phượng Thư cười nói:
– Thèm vào! Mi định lễ lạt để lấy lòng ta à? Ta không ưa những trò thầm thầm thụt thụt ấy!
Nói xong cười rồi đi…
Bấy giờ Giả Tường cũng hỏi Giả Liễn, có cần gì sẽ mua về biếu, Giả Liễn cười nói:
– Cháu đừng hí hởn vội, mới bắt đầu học việc, đã học ngay những trò ấy. Thiếu thứ gì ta sẽ viết giấy báo sau.
Nói xong, bảo Giả Dung và Giả Tường về.
Sau đó ba bốn lần có người vào trình việc, Giả Liễn mệt, bảo người canh cửa, hết thảy không được một ai vào trình. Có việc gì chờ đến ngày mai. Phượng Thư thì mãi đến canh ba mới đi ngủ.
Sáng hôm sau, Giả Liễn trở lên thăm Giả Xá, Giả Chính, rồi sang phủ Ninh họp tất cả những người nhà thạo việc, cùng bọn gia khách đi xem xét khu đất hai phủ, vẽ bản đồ nhà “tỉnh nhân”, rồi cắt đặt người nào vào việc nấy. Từ đó, các loại thơ.
thuyền đến đủ mặt. Nhưng đồ vàng, bạc, đồng, thiếc, gỗ lạt, gạch ngói, chuyên chở không ngớt. Trước hết, sai thợ phá hết những nhà cửa, tường vách trong vườn Hội Phương ở phủ Ninh thông thẳng đến nhà lớn phía đông phủ Vinh. Một dãy những phòng của người nhà ở bên đông phủ Vinh cũng phá hết. Nguyên là hai phủ Ninh, Vinh có một cái ngõ nhỏ ngăn đôi. Ngõ này là đất tư, không phải đường công, nhưng vẫn để đi lại. Trong vườn Hội Phương, có một dòng suối từ góc tường phía bắc chảy qua,. cũng không phải khơi thêm nữa. cây cối núi non tuy chưa có mấy, nhưng vì chỗ ở của Giả Xá là vườn cũ của phủ Vinh, nên những núi non, cây cối, đình, tạ, hành lang đều có thể dời đến đấy được cả. Hai nơi gần nhau họp thành một chỗ, có thể đỡ được nhiều sức người và tiền của. Dù có thiếu cũng không tốn kém mấy. Lại nhờ được một nhà nổi tiếng về cách bài trí vườn hoa cây cảnh, núi non bộ là Sơn Tử Giã vẽ đồ bản, trù tính việc khởi công.
Giả Chính không quen công việc, nhất nhất đều nhờ bọn Giả Xá, Giả Trân, Giả Liễn, Lại Đại, Lại Thăng, Lâm Hiếu,Ngô Tân Đăng, Thiềm Quang, Trình Nhật Hưng trông nom xếp đặt. Nào là đắp núi, đào ao, xây lầu, dựng gác, trồng trúc, vun hoa, còn cách sắp xếp đã có Sơn Tử Giả. Khi tan chầu nhàn rỗi, Giả Chính chỉ đi ngắm nghía các nơi, có việc gì cần thì bàn với Giả Xá. Giả Xá cũng nằm khểnh ở nhà, có việc vặt, thì bọn Giả Trân hoặc đến hỏi, hoặc viết giấy trình, khi muốn bảo ban việc gì thì gọi bọn Giả Liễn, Lại Đại đến truyền lệnh. Giả Dung chuyên coi việc làm đồ vàng bạc, Giả Tường thì đi Cô Tộ Bọn Giả Trân, Lại Đại thì điểm số người, làm danh sách, trông coi thợ thuyền. Công việc nhộn nhịp, tấp nập không thể kể xiết.
Gần đây Bảo Ngọc vì trong nhà bận việc, Giả Chính không hay hỏi đến việc học, trong bụng rất là thư thái. Không ngờ bệnh Tần Chung càng ngày càng nặng, nên trong lòng áy náy không vui. Một hôm, Bảo Ngọc dậy sớm, rửa mặt xong, định sang xin phép Giả mẫu đi thăm Tần Chung. Chợt thấy Đinh Yên ở ngoài cửa thứ hai thập thò dòm vào, Bảo Ngọc vội ra hỏi việc gì Đinh Yên nói:
– Cậu Tần nguy lắm rồi!
Bảo Ngọc nghe nói giật mình vội hỏi:
– Hôm trước ta đến thăm, nó còn tỉnh táo kia mà, sao đã nguy kịch ngay thế?
Đinh Yên nói:
– Con cũng không biết, vừa rồi người nhà cậu ấy đến nói thế!
Bảo Ngọc nghe xong, quay lại xin phép Giả mẫu. Giả mẫu sai người cẩn thận đi theo và bảo:
– Đến đấy thăm nom để tỏ tình bạn học, xong phải về ngay, không được ở lâu. Bảo Ngọc vội về thay quần áo. Ra đến ngoài, xe chưa sửa soạn kịp, cứ phải chạy loanh quanh khắp thềm. Giục mãi, xe mới kéo đến, Bảo Ngọc nhảy lên đi ngaỵ Lý Quí, Đinh Yên đi theo hầu. Khi đến cửa nhà họ Tần, thấy vắng tanh vắng ngắt, chẳng có một ai. Bọn Bảo Ngọc chạy ùa vào nhà trong, làm mấy người thím, chị dâu và các chị em của Tần Chung lẩn tránh không kịp.
Bấy giờ Tần Chung đã hai ba lần ngất đi. Thay chiếu 7 đã lâu rồi.
Bảo Ngọc trông thấy, không cầm nổi lòng thương, khóc òa lên. Lý Qúi vội khuyên:
– Cậu đừng khóc. Cậu Tần yếu lắm, sợ nằm trên giường cứng quá, khó chịu, nên vực xuống nằm đó cho thoải mái đấy thôi. Cậu khóc chỉ làm cho cậu ấy ốm thêm.
Bảo Ngọc nghe nói mới nín, đến gần, thấy Tần Chung mặt trắng bệch như nến, mắt nhắm, thở thoi thóp trên gối.
Bảo Ngọc vội gọi:
– Kình Kha ơi! Bảo Ngọc đến đây. – Gọi luôn hai ba tiếng, Tần Chung vẫn không mở mắt, Bảo Ngọc lại kêu to:
– Bảo Ngọc đến đây.
Bấy giờ Tần Chung hồn đang lìa xác, chỉ còn một tí hơi thừa ở ngực. Hắn thấy nhiều quỉ sứ cầm bài mang thừng đến bắt, nhưng khi nào hắn chịu đi ngaỵ Nghĩ đến nhà không có
người trông nom, nghĩ đến ba bốn nghìn lạng bạc của cha để lại nghĩ đến Trí Năng hiện bơ vơ không có chỗ nương tựa, hắn phải khẩn khoản van xin bọn quỉ sứ. Nhưng chúng không nghe, quát mắng: “Anh là người đọc sách mà không biết câu: “Theo tục lệ cũ, người chết rồi, thì thay chiếu nằm. Diêm Vương bảo canh ba phải chết. Ai dám chờ đến trống canh năm. Chúng ta ở âm phủ đều là những người mặt sắt, không thiên tư gì, không như ở dương gian, nể nang tình vị, làm lỡ cả việc”.
Đương lúc ồn ào, hồn phách Tần Chung chợt nghe thấy bốn tiếng “Bảo Ngọc đến đây”, lại vội van nài:
– Xin các vị từ bi một chút, cho tôi trở về nói rốt một lời với người bạn thân rồi xin đi ngay.
Quỉ sứ nói:
– Lại còn bạn thân nào?
Tần Chung nói:
– Không dám nói dối các vị, người ấy là cháu Vinh quốc công, tên gọi Bảo Ngọc.
Phán quan nghe nới sợ hãi, vội vàng đứng lên mắng lũ quỉ sứ:
– Ta đã bảo các ngươi lôi nó đi ngay, các người không nghe lời, để có người vận đỏ đến quấy rối, thì làm thế nào bây giờ?
Lũ quỉ sứ nghe phán quan nói thế, sợ quá, chân tay luống cuống một mặt lại hậm hực:
– Trước kia ngài quát tháo ầm lên như sấm ran, sét nổ, là vì chưa nghe thấy hai chữ “Bảo Ngọc”. Theo ý chúng tôi, nó ở dương gian, ta ở âm phủ, cần gì phải sợ nó.
Phán quan lại càng tức giận, gắt ầm lên:
– Đồ chó? Tục ngữ có câu: “Quan thiên hạ trị dân thiên hạ!”
Xưa nay người với quỷ là một, âm dương không hai. Mặc dầu anh ta ở âm hay ở dương, cũng phải kính trọng, không được sai trái. Lũ quỷ nghe vậy, đành phải tha hồn Tần Chung về. Hữ một tiếng, hai mắt hé mở, thấy Bảo Ngọc ngồi bên cạnh, Tần Chung gắng gượng thở dài:
– Sao anh không lại sớm? Chậm chút nữa em sẽ không được gặp.
Bảo Ngọc cầm tay Tần Chung, nước mắt giàn giụa:
– Có dặn lại câu gì không?
Tần Chung nói:
– Không có gì đáng dặn cả. Trước đây anh em ta cứ tưởng cao quý hơn đời, nay mới biết là sai. Sau này anh nên quyết chí công danh làm rạng rỡ ông cha mới đúng.
Nói xong thở dài một tiếng, lặng lẽ qua đời.
1 Chầu Vuạ….
2 Có lẽ theo tập quán phong kiến Trung Quốc, con gái khi lấy chồng mới cạo mặt, vẽ lông mi.
3 Phượng Thư có ý ghen chồng coi những người đàn bà ngoài thân hơn vợ, mới mượn hai tiếng ấy để nói đùa.
4 Cung phi được phép về thăm cha mẹ, các thân thuộc, gọi là “tỉnh nhân”.
5 Việt, Quảng Đông, Mân, Phúc Kiên, Điền, Vân Nam, Chiết, Chiết Giang.
6 ý nói việc tuy chưa làm bao giờ, nhưng đã trông thấy người ta làm.
7 Về sau dùng lắm danh từ chỉ chung cho người đã chết.