Chương 115 Tam quốc diễn nghĩa
HỒI 115
Xuống chiếu thu quân, Hậu chủ tin gièm;
Mượn nghề làm ruộng, Khương Duy lánh vạ.
Cảnh Diệu thứ năm nhà Thục Hán, tháng mười mùa đông, đại tướng quân Khương Duy sai người ngày đêm sửa soạn đường sàn; dự bị lương thực, khí giới, sắp xếp thuyền bè ở đường thủy Hán Trung. Công việc đâu đấy cả rồi, Khương Duy dâng biểu tâu với Hậu chủ rằng:
“Tôi mấy phen ra quân, tuy chưa nên được công to, nhưng cũng khiến cho quân Ngụy mất vía. Nay nuôi binh đã lâu, nếu không đánh giặc tất sinh lười nhác, mà lười nhác tất sinh bệnh tật. Vả lại đang lúc này quân mong dùng sức, tướng biết hết lòng. Vậy xin cất quân ra đánh, nếu không đánh thắng, xin chịu tội chết.”
Hậu chủ xem biểu, có ý ngần ngại chưa quyết.
Tiêu Chu tâu rằng:
– Tôi đêm coi thiên văn, thấy tướng tinh ở địa phận Thục lờ mờ không được sáng. Đại tướng quân đi chuyến này, chắc không được lợi, bệ hạ nên giáng chiếu ngăn lại.
Hậu chủ nói:
– Thôi, hãy để cho đi chuyến này xem sao, nếu quả lại thua thì từ rày không cho đi nữa.
Tiêu Chu can ngăn hai ba lần, Hậu chủ không nghe. Chu trở về than thở buồn rầu, rồi thác bệnh không ra đến ngoài.
Khương Duy sắp cất quân đi, hỏi Liêu Hóa rằng:
– Ta nay cất quân, thề lấy lại được Trung Nguyên mới nghe. Vậy nên ra lối nào trước?
Hóa nói:
– Ta cất quân luôn mấy năm nay, quân dân không được yên. Vả lại, Ngụy có Đặng Ngải, nhiều mưu lắm trí, không phải tay tầm thường. Tướng quân cứ muốn miễn cưỡng làm công việc ấy thì Hóa này chẳng biết đâu mà dám nói.
Duy bừng bừng nổi giận, nói rằng:
– Ngày xưa, thừa tướng sáu lần ra Kỳ Sơn, cũng là vì việc nước; ta nay tám lần sang đánh Ngụy, có phải vì riêng mình ta đâu? Nay ta đến lấy Diêu Dương trước, nếu ai trái lệnh thì chém đầu!
Bèn để Liêu Hóa ở lại giữ Hán Trung, Duy cùng với các tướng dẫn ba chục vạn quân kéo đến Diêu Dương.
Tư Mã Vọng nói:
– Khương Duy tai quái lắm, hoặc là giả tiếng đến Diêu Dương, mà Kì thực ra Kỳ Sơn chăng?
Ngải nói:
– Khương Duy phen này ra Diêu Dương thực đấy.
Vọng nói:
– Trước kia Khương Duy thường ra chỗ có lương. Nay Diêu Dương không có lương, Khương Duy tất đồ rằng ta giữ Kỳ Sơn, cho nên đến lấy thành ấy, định chứa lương thảo ở đó, rồi kết liên với người rợ Khương để đồ kế lâu dài đấy thôi.
Vọng nói:
– Nếu thế thì ta làm thế nào?
Ngải nói:
– Nên rút hết quân ở đây, chia làm hai đường, đến cứu Diệu Dương. Cách đó hai mươi nhăm dặm, có một thành nhỏ Hầu Hà, là chỗ cổ họng xứ ấy. Ông nên dẫn quân phục trong thành Diêu Dương, ngả cờ im trống, mở tung bốn cửa, y mẹo như thế… Mà làm, tôi dẫn quân phục sẵn trong thành Hầu Hà, chắc là phá được quân Thục.
Tính toán đâu đấy, cùng y mẹo cất quân đi, sai Sư Toản ở lại giữ trại Kỳ Sơn.
Khương Duy sai Hạ Hầu Bá làm tiền bộ, dẫn binh đến Diêu Dương trước. Bá đến nơi, trông thấy trên mặt thành không có một lá cờ nào, bốn cửa mở tung cả. Bá nghi hoặc, không dám vào, bảo với các tướng rằng:
– Có mưu mô gì đây chăng?
Các tướng nói:
– Chúng tôi thấy quả thực là một tòa thành không, chỉ có chút ít bách tính, nghe tin đại tướng quân dẫn binh đến đây đã bỏ thành chạy trốn cả rồi.
Bá chưa tin, tế ngựa đến gần cửa nam ngắm xem, thì thấy vô số già trẻ dắt díu nhau chạy dồn về mé tây bắc.
Bá mừng nói:
– Quả thật thành bỏ không rồi.
Lập tức đi trước, quân mã kéo sau. Bá vừa đến kinh thành, bỗng nghe một tiếng pháo nổ, rồi trên mặt thành còi trống vang động, tinh kì dựng lên tua tủa, cầu treo rút lên.
Bá giật mình, nói:
– Ta lỡ mắc mẹo mất rồi!
Bá vội vã rút lui thì tên đạn trên thành bắn xuống như mưa. Thương hại thay cho Hạ Hầu Bá và năm trăm quân cùng bị bắn chết hết.
Người sau có thơ than rằng:
Gan lớn Khương Duy khéo tính dài
Biết đâu Đặng Ngải kế chông gai
Thương thay Hầu Bá cùng trăm tốt,
Lũ lượt phơi thây dưới tên bay.
Tư Mã Vọng ở trong thành kéo ra, quân Thục xô nhau chạy trốn. May có Khương Duy dẫn quân tiếp ứng, đánh rát một trận, Tư Mã Vọng phải lui vào thành. Duy đến dưới thành hạ trại, nghe tin Hạ Hầu Bá bị bắn chết, thương cảm không biết ngần nào.
Canh hai đêm hôm ấy, Đặng Ngải ở trong thành Hầu Hà dẫn một toán quân đi ngầm đến cướp trại Thục. Quân Thục bối rối, Duy ngăn giữ lại cũng không được. Bỗng lại thấy còi trống trên thành vang động, té ra Tư Mã Vọng trên thành dẫn quân kéo đến. Đôi mặt giáp lại đánh, quân Thục thua to. Duy hết sức xông pha mới thoát được ra ngoài, lui về hai chục dặm hạ trại. Quân Thục thua luôn hai trận, bụng quân xôn xao. Duy bảo với các tướng rằng:
– Được thua là việc thường, ta tuy hao binh tổn tướng, cũng chưa đáng lo. Việc thành hay bại, chỉ cốt ở chuyến này. Các ngươi cứ thủy chung một niềm mới được, nếu ai nói đến rút về thì ta chém!
Trương Dực nói:
– Quân Ngụy ở hết cả đây. Kỳ Sơn tất nhiên bỏ trống, tướng quân nên chỉnh đốn quân mã chống nhau với Đặng Ngải, đánh mặt Diêu Dương, Hầu Hà, tôi xin dẫn quân đến lấy Kỳ Sơn. Nếu lấy xong chín trại Kỳ Sơn, thì kéo tràn vào lấy Trường An, đó là kế hay hơn cả.
Duy nghe theo, lập tức sai Trương Dực dẫn hậu quân đến lấy trại Kỳ Sơn. Duy tự dẫn quân đến Hầu Hà, thách Đặng Ngải giao chiến. Ngải đem quân ra đánh hai tướng giao phong, hơn vài mươi hiệp không phân thắng bại, cùng thu quân về trại.
Hôm sau, Khương Duy lại dẫn quân ra khiêu chiến, Ngải đóng quân không ra, Duy sai quân sĩ chửi mắng, sỉ nhục. Ngải nghĩ rằng: Quân Thục bị ta đánh một trận đại bại là thế, mà vẫn không rút về, lại còn đến khiêu chiến với ta, tất là chia quân đến cướp trại Kỳ Sơn của ta rồi. Tướng giữ trại ấy là Sư Toản, quân đơn tướng ít, tất nhiên phải thua, ta phải thân đến cứu mới xong. Ngải nghĩ thế rồi gọi con là Đặng Trung vào dặn rằng:
– Con phải hết lòng coi giữ xứ này, mặc sức cho quân kia khiêu chiến, chớ được coi thường ra địch; đêm nay ta dẫn quân ra cứu Kỳ Sơn đây.
Canh hai đêm hôm ấy, Khương Duy đang ở trong trại nghĩ mẹo, chợt nghe ngoài trại có tiếng hò reo, còi trống vang động, Quân vào báo Đặng Ngải dẫn ba nghìn tinh binh đến thách đánh nhau đêm. Các tướng muốn ra đánh, Duy ngăn lại không cho. Nguyên là Đặng Ngải dẫn quân đi qua trại Thục, diễu quanh một được, rồi thừa thế đến cứu Kỳ Sơn. Đặng Trung đưa cha đi khỏi, dẫn quân trở vào thành.
Khương Duy bảo với các tướng rằng:
– Đặng Ngải giả tiếng đánh đêm, tất là đi cứu Kỳ Sơn.
Liền gọi Phó Thiêm dặn ở nhà giữ trại, còn Duy thì dẫn ba nghìn quân lại giúp Trương Dực.
Khi ấy Trương Dực đang đánh trại Kỳ Sơn, Sư Toản ít quân, chống không nổi, dần dần núng thế sắp vỡ. Chợt có Đặng Ngải dẫn quân đến, đánh bừa vào một trận, quân Thục lại hóa thua to. Ngải vây Trương Dực ở mé sau núi, chợt nghe có tiếng reo nổi lên dậy đất, còi trống vang trời, rồi thấy quân Ngụy chạy nhớn nhác, té ra Khương Duy kéo quân đến. Dực thừa thế đánh ùa ra. Đặng Ngải bị thua, rút quân vào trại Kỳ Sơn không ra nữa. Khương Duy sai quân vây đánh bốn mặt.
Nói về Hậu chủ ở Thành Đô, tin nghe lời hoạn quan là Hoàng Họa, say mê tửu sắc, không coi gì đến sự triều đình. Bấy giờ, đại thần Lưu Diệm, có người vợ là Hồ thị, nhan sắc rất đẹp, nhân vào cung chầu bà hoàng hậu, ở lại một tháng mới ra. Diệm nghi vợ tư thông với Hậu chủ, sai năm trăm quân sĩ dàn ra trước mặt, bắt vợ trói vào cột, cho quân mỗi người cầm giày đập vào mặt vợ vài cái. Người vợ ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần.
Hậu chủ nghe chuyện nổi giận, đưa Diệm xuống hữu tư định tội, Hữu tư luận rằng: Vợ con không nên sai lính đánh, mặt mũi không phải chỗ chịu đòn. Từ đó cấm các mệnh phụ không được vào chầu. Tuy vậy, các quan thấy Hậu chủ hoang dâm, nhiều người có bụng nghi oán. Bởi thế người hiền ngày càng lui dần, mà tiểu nhân ngày càng nhiều lên.
Bấy giờ có hữu tướng quân là Diêm Vũ, không có một chút công nào, chỉ vì a dua với Hoàng Hạo, làm nên chức to. Vũ nghe Khương Duy thống quân ở Kỳ Sơn, bèn bảo Hoàng Hạo tâu với Hậu chủ rằng:
– Khương Duy đánh mãi không nên công việc gì, nên cho Diêm Vũ thay chân.
Hậu chủ nghe lời, sai sứ mang chiếu ra đòi Khương Duy về. Duy đang đánh trại Kỳ Sơn, một ngày tiếp ba đạo chiếu đến đòi về. Duy phải tuân mệnh, cho quân ở Diêu Dương lui về trước, rồi cùng với Trương Dực từ từ về kéo về sau.
Đặng Ngải ở trong trại, cả đêm thấy còi trống vang tai, không biết ý tứ làm sao. Đến sáng, có người báo quân Thục rút cả rồi, chỉ còn cái xác trại bỏ lại. Ngải nghi có mưu mẹo gì, không dám đuổi theo.
Khương Duy về đến Hán Trung, cho quân sĩ đóng lại nghỉ ngơi, còn mình đi với sứ giả vào Thành Đô ra mắt với Hậu chủ.
Hậu chủ luôn một chặp mười ngày không ra chầu. Duy trong lòng nghi hoặc, chưa biết vì cớ gì. Hôm ấy, Duy tự trong triều ra đến cửa Đông Hoa, gặp quan bí thư lang là Khước Chính, Duy hỏi:
– Thiên tử đòi tôi đem quân về, ông có biết vì cớ làm sao không:
Chính cười nói:
– Việc ấy, đại tướng vẫn chưa biết à? Hoàng Hạo muốn cho Diêm Vũ lập công, tâu với triều đình, đòi tướng quân về, định cử Diêm Vũ ra thay chân. Nhân nghe tiếng Đặng Ngải giỏi việc dùng binh, cho nên lại dìm việc ấy đi, không nói đến nữa.
Duy nổi giận, nói:
– Ta phải giết chết đứa hoạn thụ này mới nghe!
Khước Chính can rằng:
– Đại tướng quân kế việc của Võ hầu, trách nhiệm to lớn, chớ nên vội vàng. Ví dù thiên tử không nghe, lại hóa ra lở việc. Duy tạ ơn nói:
– Lời của tiên sinh rất phải.
Hôm sau, Hậu chủ cùng với Hoàng Hạo ăn yến ở hậu viên. Duy dẫn vài người đến thẳng ngay ở đấy. Có người nói với Hoàng Hạo, Hạo vội vàng tránh ra ngoài cạnh núi giả trong hồ. Duy đến dưới dinh, lạy Hậu chủ, khóc tâu rằng:
– Tôi vây Đặng Ngải ở trại Kỳ Sơn, bệ hạ giáng ba đạo chiếu đòi tôi về, không biết bệ hạ dạy việc gì thế?
Hậu chủ ngồi im.
Duy lại tâu rằng:
– Hoàng Hạo gian giảo chuyên quyền; chẳng khác gì lũ mười quan thường thị đời vua Linh Đế. Xin bệ hạ gần thì soi đến việc Trương Nhượng, xa thì soi đến việc Triệu Cao, sớm giết tên ấy đi, thì triều đình tự nhiên thanh bình, mà Trung Nguyên mới có thể khôi phục được.
Hậu chủ cười rằng:
– Hoàng Hạo chẳng qua là một đứa tiểu thần sai khiến, dù có chuyên quyền, cũng không làm gì. Trước kia Đổng Doãn cứ nghiến răng căm tức với Hoàng Hạo, trẫm lấy làm lạ lắm. Ngươi can chi phải bận lòng?
Duy cúi đầu tâu rằng:
– Bệ hạ không giết Hoàng Hạo ngay đi, thì vạ đến nơi đấy.
Hậu chủ nói:
– Yêu thì muốn cho sống, ghét thì muốn cho chết, ngươi sao lại không dung một đứa hoạn quan thế?
Liền sai tên cận thị ra cạnh núi gọi Hoàng Hạo vào trong dinh, bắt phải lạy Khương Duy mà chịu lỗi.
Hạo vừa lạy vừa khóc rằng:
– Chúng tôi sớm tối hậu hạ thánh thượng mà thôi, tịnh không dám can dự gì đến chính sự, tướng quân không nên nghe người ta nói xằng, mà giết oan tôi.
Nói xong, dập mãi đầu xuống đất, sụt sùi khóc lóc.
Duy căm tức trở ra, đến chơi Khước Chính, thuật lại chuyện ấy.
Chính nói:
– Vạ tướng quân gần về đến nơi rồi! Tướng quân mà nguy, thì nhà nước cũng đổ.
Duy nói:
– Xin tiên sinh dạy cho tôi mẹo nào vừa giữ vững được nước lại vừa yên được thân.
Chính nói:
– Ở xứ Lũng Tây có một khu đất gọi là xứ Đạp Trung, đất cát màu mỡ lắm. Tướng quân nên bắt chước việc đồn điền của Võ Hầu, tâu với thiên tử, ra đấy mà đóng đồn làm ruộng. Một là được lúa để cấp cho quân ăn, hai là mon meo lấn được các quận ở Lũng Hữu, ba là người Ngụy thấy tướng quân ở đấy, không dám nhìn đến Hán Trung, bốn là tướng quân cầm binh quyền ở ngoài, không ai mưu hại, có thể lánh được vạ. Đó là mẹo giữ nước yên thân đấy, tướng quân nên sớm liệu đi.
Duy mừng rỡ, tạ rằng:
– Lời tiên sinh thật là vàng ngọc!
Hôm sau, Khương Duy dâng biểu tâu với Hậu chủ, xin ra làm đồn điền ở Đạp Trung bắt chước Võ Hầu khi xưa. Hậu chủ nghe lời cho đi.
Duy về Hán Trung, hội các tướng lại bảo rằng:
– Ta luôn mấy năm ra quân, vì không đủ lương cho nên chưa thành công. Nay ta đem tám vạn quân ra Đạp Trung đóng đồn làm ruộng, thong thả sẽ tiến binh. Các tướng binh mãi mỏi mệt, nay hãy thu quân chứa thóc, lui giữ Hán Trung. Nếu có quân Ngụy vào cướp, họ vận lương từ nghìn dặm đến đây, trèo non vượt núi, tất phải mệt nhọc. Mệt nhọc tất phải rút về, bấy giờ ta sẽ thừa cơ mà đánh thì chắc phá được.
Bèn sai Hồ Tế đóng ở thành Hán Thọ; Vương Hàm giữ Lạc Thành; Tưởng Mân giữ Hán Thành, Tưởng Thư, Phó Thiêm giữ cửa ải. Phân phát đâu đấy, duy dẫn tám vạn quân đến Đạp Trung cấy lúa, để nghĩ kế lâu dài về sau.
Đây nói Đặng Ngải nghe Khương Duy đóng đồn làm ruộng ở Đạp Trung, lập hơn bốn chục đồn, liên tiếp với nhau, như hình con rắn dài. Ngải cho mật thám vào tận nơi xem xét địa thế, vẽ ra một bức địa đồ, rồi dâng biểu tâu về.
Tấn công là Tư Mã Chiêu xem biểu, nổi giận mà rằng:
– Khương Duy năng đến xâm phạm Trung Nguyên, nếu không trừ xong, đó là một sự lo trong ruột gan đấy!
Giả Sung nói:
– Khương Duy học được phép của Võ Hầu, khó lòng đánh được. Nên tìm một người trí dũng, cho sang tận đó mà đâm chết đi, thì mới khỏi được việc binh đao khó nhọc.
Tòng sự trung lang là Tuân Húc thưa rằng:
– Kế ấy không ra gì! Hiện nay Thục chủ ham mê tửu sắc, tin dùng Hoàng Hạo, đại thần đều mang lòng trốn tránh, chính là mẹo để lánh vạ đấy. Nếu sai đại tướng sang đánh thì chắc là được, can gì phải dùng đến thích khách làm chi?
Chiêu cười nói:
– Ngươi nói phải lắm, nhưng ta muốn đánh Thục, nên dùng ai làm tướng cho được?
Tuân Húc thưa:
– Đặng Ngải là người tài giỏi trong đời, nên sai hắn làm đại tướng, Chung Hội làm phó tướng, thì việc lớn chắc xong.
Chiêu mừng, nói:
– Ngươi nói hợp ý ta lắm!
Liền gọi Chung Hội vào hỏi rằng:
– Ta muốn sai người làm đại tướng, sang đánh Đông Ngô, có đi được không?
Hội thưa:
– Chúa công chắc không phải muốn đánh Ngô, tất là muốn đánh Thục.
Chiêu cười ầm lên rằng:
– Ngươi thật là biết đến ruột ta. Nhưng muốn đánh Thục, nên dùng chước gì?
Hội thưa:
– Tôi đồ rằng chúa công muốn đánh Thục nên đã vẽ sẵn địa đồ nước Thục đem đến đây.
Chiêu mở ra xem, nội bao nhiêu chỗ lập đồn cắm trại chứa lương thảo, đường nào nên tiến, đường nào nên lui, vẽ rành rọt từng tí.
Chiêu mừng nói:
– Ngươi thế mới thực sự là tướng giỏi! Ngươi nên hợp binh với Đặng Ngải sang đánh Thục thế nào?
Hội thưa:
– Đường vào Thục Xuyên lắm lối, không chỉ có một đường, nên cho tôi cùng Đặng Ngải chia binh, mỗi người tiến quân một mặt trận thì hơn.
Chiêu liền phong Chung Hội làm trấn tây tướng quân, ban cho tiết việt, đôn đốc hết quân mã Quan Trung, có quyền sai khiến được các xứ Thanh, Từ, Duyên, Dự, Kinh, Dương mặt sai người cầm cờ tiết ra phong Đặng Ngải làm chinh tây tướng quân, đô đốc quân mã Lũng Thượng ở quan ngoại hẹn ngày cất quân sang đánh Thục. Hôm sau Tư Mã Chiêu bàn việc ấy trong triều, Tiền tướng quân là Đặng Đôn thưa rằng:
– Khương Duy hay phạm vào Trung Nguyên, quân ta tổn thiệt rất nhiều. Nay giữ mình còn chưa xong, sao lại sa vào nơi núi non hiểm trở, để rước lấy vạ ư?
Chiêu giận nói:
– Ta muốn cất quân nhân nghĩa, đánh chủ vô đạo, sao ngươi dám trái ý ta?
Liền quát võ sĩ lôi Đặng Đôn ra chém, một lát nộp đầu dưới thềm, ai nấy đều sợ mất vía.
Chiêu nói:
– Ta từ khi đánh phương đông trở về, nghỉ ngơi sáu năm, luyện binh sửa giáp, đâu đấy đủ cả. Ta muốn đánh Ngô, Thục đã lâu, nay nên trước đánh tây Thục, rồi thừa thế thuận dòng hai mặt thủy lục cùng tiến sang đánh đông Ngô, đó là lối diệt Quắc lấy Ngu đấy. Ta đồ rằng tướng sĩ tây Thục, giữ ở Thành Đô độ tám chín vạn, giữ ngoài biên cảnh độ bốn năm vạn. Nay ta đã sai Đặng Ngải dẫn hơn bốn mươi vạn quân ở Quan Ngoại, Lũng Thượng chặn Khương Duy ở Đạp Trung, khiến hắn không về được mặt đông. Ta lại sai Chung Hội dẫn hai ba vạn tinh binh ở Quan Trung, đến thẳng ba con đường Lạc Cốc, để giúp Hán Trung. Thục chủ là Lưu Thiện ngu tối, biên thành vỡ mé ngoài, nhân dân nhộn mặt trong, nước chắc mất chứ còn gì?
Chúng đều chịu là cao kiến.
Lại nói Chung Hội lĩnh ấn chinh tây tướng quân, cất quân sang đánh Thục. Hội sợ mưu cơ của mình lộ ra ngoài, mới giả tiếng đánh Ngô, sai các sứ Thanh, Duyên, Dự, Kinh, Dương thu nhặt thuyền bè ở ven biển các châu Văn, Lai.
Tư Mã Chiêu không hiểu ý làm sao, đòi Chung Hội vào hỏi rằng:
– Ngươi đi đường bộ vào lấy Xuyên, can chi phải đóng thuyền?
Hội thưa:
– Nếu Thục nghe ta đến đánh, tất tất phải cầu cứu Ngô, cho nên tôi làm ra như thế đánh Ngô, để cho Ngô không dám động đậy. Trong một năm Thục đã phá xong, mà thuyền cũng đóng đủ, nhân thể sang đánh Ngô, chẳng tiện lắm ư?
Chiêu mừng lắm, kén ngày cất quân. Năm Cảnh Nguyên thứ tư nhà Ngụy, ngày ba tháng bảy, mùa thu, Chung Hội cất quân lên đường. Tư Mã Chiêu đưa ra khỏi thành mười dặm mới trở về.
Tây tào duyện là Thiệu Đễ nói nhỏ với Tư Mã Chiêu rằng:
– Chúa công sai Chung Hội lĩnh mười vạn quân sang đánh Thục. Tôi thiết tưởng Hội chí lớn, bụng cao, không nên cho cầm quyền to một mình.
Chiêu cười, nói:
– Ta há chẳng biết hay sao?
Đễ nói:
– Chúa công đã biết như thế, sao không sai người nữa cùng lĩnh chức ấy?
Lúc đó Chiêu mới nói rõ mọi lẽ để cho Thiệu Đễ khỏi nghi ngại:
Ấy là:
Ruổi rong mới mở đường quân sĩ,
Hay dở đà soi ruột tướng quan.
Chưa biết nói năng ra sao, xem hồi sau phân giải.