Chương 056: Tử Nha lập mưu bắt Thiền Ngọc
Trong lúc Ðặng Cửu Công đang ngồi buồn vì tin Thổ Hành Tôn bị bắt, xảy thấy quân vào báo:
– Có quan Thượng Ðại phu bên Tây Kỳ là Táng Nghi Sanh đến trước cửa thành xin vào yết kiến lão gia.
Ðặng Cửu Công nói:
– Hai nước đang đánh nhau, lẽ nào chúng lại sai người sang yết kiến! Có lẽ chúng nó muốn làm thuyết khách chăng? Ta không muốn cho nó vào nói nhiều chuyện làm lay động tinh thần giao đấu của ba quân.
Nói rồi sai quân ra ngoài cửa kêu Táng Nghi Sanh nói lớn:
– Hai nước đang chiến tranh, không nên đàm đạo.
Táng Nghi Sanh nghe quân trên thành nói như vậy liền đáp:
– Hai nước tuy chiến tranh, nhưng việc sứ thần qua lại là chuyện thông thường từ xưa đến nay, lẽ nào lại không tiếp sứ. Ta nay vâng lệnh Khương Thừa Tướng đến đây có một việc cơ mật, không tiện nói công khai, phải giáp mặt Ðặng Nguyên soái mới tỏ tình được. Chúng bây vào thưa lại.
Quân vào thưa đủ mọi lời.
Ðặng Cửu Công ngồi làm thinh ngẩm nghĩ.
Thái Loan nói:
– Sẳn dịp chúng ta cho nó vào thành xem nó nói việc gì rồi sẽ tùy cơ ứng biến, nếu từ chối chúng sẽ khinh ta nhút nhát, vả việc tiếp sứ thần nước địch trong lúc hai bên đang giao tranh, không có gì tai hại.
Ðặng Cửu Công khen phải, liền truyền tả hữu mời Táng Nghi Sanh vào.
Ðặng Cửu Công ra nghinh tiếp, mời vào đại điện trà nước, và nói:
– Ðại phu với ta là hai nước cừu địch đang giao tranh, chưa tỏ thắng bại. Nay Ðại phu đến đây, nếu là việc công thì nói công, việc tư thì nói tư, chẳng nên dùng lời thuyết phục mà nhọc lòng nhau tranh luận. Lòng tôi như sắt đá, không thể ai nói mà xiêu.
Táng Nghi Sanh cười lớn và đáp:
– Nguyên soái đang cầm binh tranh thắng phụ, tôi nào dám đến đây dùng ba tấc lưỡi mà khuyên lơn. Ngặt có một việc đại sự vừa xảy ra ngoài vòng tranh chấp, cho nên tôi không ngại gian lao đến đây tỏ với Nguyên soái đôi lời.
Ðặng Cửu Công nói:
– Thế ra là việc riêng của quan Ðại Phu đối với tôi sao?
Táng Nghi Sanh nói.
– Không phải là việc tư nhưng không gọi là việc công được. Vừa rồi bên bên Tây Kỳ có bắt được một tướng, hỏi ra là rể của ngài. Thừa Tướng tôi vì tình chẳng nỡ làm hại e dứt tình ái ân của hai trẻ mà tổn đức bình sanh, nên tôi cốt qua đây để thưa với ngài định liệu lẽ nào cho nhất định.
Ðặng Cửu Công kinh hải nói:
– Tôi có người rể nào đâu mà bị Khương Thừa Tướng bắt!
Táng Nghi Sanh nói:
– Nguyên soái chớ nên từ chối. Lịnh tế là Thổ Hành Tôn.
Ðặng Cửu Công nghe nói hổ ngươi mặt đỏ gay, nói với giọng giận dữ:
– Con tôi là nàng Thiền Ngọc mồ côi mẹ từ thuở bé. Tôi xem như một trứng mỏng cầm trong tay, lẽ nào lại chịu gả cho đứa thất phu như vậy. Nay tuy nó mới mười lăm tuổi, nhưng nhiều chỗ đang cầu thân, còn Thổ Hành Tôn là người thế nào mà dám mơ ước điều đó?
Táng Nghi Sanh nói:
– Xin nguyên soái bớt giận để tôi thưa một đôi lời. Người xưa kén rể không phải cần giàu sang mà cốt có tài năng có uy danh với xã hội. Còn Thổ Hành Tôn không phải là kẻ bất tài, lại là đệ tử của Cù Lưu Tôn chơn nhơn ở Phi Long động. Bởi Thân Công Báo có oán Tử Nha nên xúi Thổ Hành Tôn xuống đầu Nguyên soái. Nay Cù Lưu Tôn xuống núi, bắt Thổ Hành Tôn tra hỏi. Thổ Hành Tôn mới khai rõ đầu đuôi.
Ðặng Cửu Công nói:
– Nó được Thân Công Báo tiến cử với tôi tại ải Tam Sơn, tôi vị tình Thân Công Báo cho làm tướng cạnh, nào có gì trọng đãi đâu.
Táng Nghi Sanh nói:
– Tuy vậy, nhưng Nguyên soái đã hứa gả nàng Thiền Ngọc cho nên nó quyết lòng chinh phạt Tây Kỳ, để đạt lời hứa ấy. Trước mắt Cù Lưu Tôn và Khương Thừa Tướng nó cứ một mực nói như vậy, và năn nỉ rằng việc hôn nhân không thành nó chết vẫn không nhắm mắt. Tôi thấy tội nghiệp không lẽ chấp nhận một phen lầm lỗi mà dứt việc trăm năm của người sao? Tôi xin Thừa Tướng tôi cầm Thổ Hành Tôn lại, để tôi sang đây báo lại cho Nguyên soái hay, xin Nguyên soái lấy lòng cha mẹ như trời đất, cho con rể vầy duyên. Tôi chẳng nài rìu búa, cốt làm việc nghĩa nhân, nếu Nguyên soái có muốn như vậy thì Thừa Tướng tôi đưa Thổ Hành Tôn về làm rể, rồi sẽ lo việc giao binh.
Ðặng Cửu Công nói:
– Ấy là Thổ Hành Tôn kiếm chuyện đỡ gạt cho khỏi chết, y làm nhẹ thể con tôi, chớ thật ra Thổ Hành Tôn có giá trị gì mà tôi hứa gả con cho nó? Xin quan Ðại phu chớ tin.
Táng Nghi Sanh nói:
– Xin nguyên soái chớ từ khước. Việc này tôi nghĩ cũng có duyên cớ, nếu Nguyên soái không nói Thổ Hành Tôn nào dám đặt điều. Tôi tưởng Nguyên soái vì một lúc nào quá chén trong tiệc khao quân, dùng lời an ủi, khích tướng nung chí anh hùng. Còn Thổ Hành Tôn tưởng ngài hứa gả thiệt nên đem lòng vọng tưởng như vậy.
Ðặng Cửu Công thấy Táng Nghi Sanh nói đúng ý mình, gật đầu khen Ðại phu nói chuyện tâm lý lắm.
– Về việc Thổ Hành Tôn thì thực ra trước đây tôi không mấy trọng dụng. Sau đó tôi thua luôn mấy trận, nhờ Thổ Hành Tôn ra tài bắt luôn mấy tướng. Tôi mở tiệc khao quân, cốt nung lòng tướng sĩ. Trong tiệc, Thổ Hành Tôn có nói, nếu tôi dùng nó làm Tiên phong thì nó dẹp Tây Kỳ không lâu. Khi ấy tôi cũng quá chén nên dùng lời kích thích nó: bảo nó hết lòng ra sức, chừng ban sư về trào tôi sẽ gả Thiền Ngọc cho. Ðó chỉ là lời khích lệ, nào có ăn thua gì. Nay nó bị bắt rồi còn mơ ước gì nữa.
Táng Nghi Sanh mỉm cười nói:
– Tuy vậy nhưng Nguyên soái là người có địa vị trong xã hội một lời đã nói ra bốn ngựa khôn theo. Việc hôn nhân là việc trọng đại, bởi Nguyên soái hứa trước nên Thổ Hành Tôn mới dám ước mơ. Nay Thổ Hành Tôn đem lời ấy nói với mọi người, ai ai cũng biết, và ai ai cũng tưởng Nguyên soái kén rể cho con chớ không một ai tin là Nguyên soái mượn con gạt tướng. Theo tôi nghĩ đó chẳng qua là một lời nói sơ hở nhưng rất có hại đến Thanh danh, nếu Nguyên soái từ chối.
– Tôi không gả con cho Thổ Hành Tôn thì việc gì hại đến thanh danh?
Táng Nghi Sanh nói:
– Thiên hạ sẽ dị nghị là Nguyên soái đem con gái mình làm mồi nhử tướng, như vậy danh tiếng của Tiểu thơ còn gì, và giá trị của Nguyên soái cũng vì đó nhẹ đi chứ.
Ðặng Cửu Công bị Táng Nghi Sanh nói ràng buộc, ngồi hổ thẹn làm thinh.
Thái Loan bước đến thưa nhỏ:
– Xin Nguyên soái đừng từ chối, hãy theo kế hoạch ấy thì tiện lắm. Tôi đã có chước hay.
Ðặng Cửu Công nghe nói, đổi giận làm vui nói:
– Thôi được. Tôi đã hứa lỡ thì cũng vì danh tiếng của con tôi mà tác thành. Vậy Ðại phu trở về thưa lại với Thừa Tướng rằng tôi sẽ hỏi ý kiến con gái tôi, và sẽ có lời phúc đáp.
Táng Nghi Sanh mừng rỡ từ giã Ðặng Cửu Công trở về thành.
Ðặng Cửu Công đưa Táng Nghi Sanh ra khỏi cửa.
Táng Nghi Sanh về đến trướng phủ thưa rõ mọi việc với Tử Nha.
Tử Nha cười ngất và nói:
– Mưu kế của Ðặng Cửu Công gạt ta sao nổi.
Cù Lưu Tôn nói:
– Ðể xem thử Ðặng Cửu Công trả lời ra sao rồi sẽ tính.
Bấy giờ Ðặng Cửu Công sau khi tiễn Táng Nghi Sanh đi rồi thì vào hỏi Thái Loan:
– Hồi nãy ngươi bảo ta chịu đỡ cho xuôi, vậy ý ngươi tính lẽ nào?
Thái Loan nói:
– Tôi muốn dùng tượng kế tựu kế, ngày mai Nguyên soái sai một người ăn nói bặt thiệp đến dinh Tây Kỳ nói với Tử Nha rằng hai nước đang giao chiến, việc cầu hôn không được tin nhau lắm, nếu Tử Nha thật lòng thì phải đem lễ vật đến dinh ta mới được. Nếu Tử Nha không dám đến thì việc ấy coi như bỏ qua, bằng Tử Nha đem lễ vật đến, dĩ nhiên sẽ không có binh tướng nhiều. Chừng ấy muốn bắt Tử Nha không khó lắm. Tử Nha mà bị bắt thì Tây Kỳ cứ như rắn không đầu, Nguyên soái chỉ đánh một trận là thành công.
Ðặng Cửu Công mừng rỡ nói:
– Kế của ngươi hay lắm. Nhưng Tây Kỳ nhiều tướng giỏi, nếu Tử Nha đem theo hầu hạ thì chúng ta làm sao đủ sức bắt nó?
Thái Loan nói:
– Chúng ta phải đãi Tử Nha ở một bàn riêng, phục giáp sĩ cho sẵn sàng, lúc nào thuận tiện, Nguyên soái ra hiệu lệnh và giáp sĩ phải xông vào tức khắc. Mọi việc phải làm chớp nhoáng mới khỏi thất bại.
Ðặng Cửu Công nói:
– Mưu trí của ngươi rất cao, việc này ta phải nhờ ngươi đi sứ sang thành Tây Kỳ mới được, nếu sai kẻ khác e hỏng việc.
Thái Loan nói:
– Nếu Nguyên soái đã tín nhiệm tôi trong việc nay, tôi quyết làm cho Tử Nha không còn lối thoát và Nguyên soái sẽ bình Tây Kỳ không khó lắm.
Rạng ngày, Ðặng Cửu Công sai Thái Loan sang thành Tây Kỳ trả lời về việc Thiền Ngọc.
Thái Loan vâng lịnh đến bên thành nói với quân sĩ:
– Ta là Tiên phuông Thái Loan, xin ra mắt Thừa Tướng.
Quân vào báo lại.
Tử Nha nói với Cù Lưu Tôn:
– Chuyện này chắc xong rồi.
Cù Lưu Tôn cũng mừng rỡ bàn với Tử Nha cho Thái Loan nhập thành.
Tử Nha và Cù Lưu Tôn đồng ra ngoài thành nghênh tiếp.
Thái Loan xuống ngựa bái một cái, và nói:
– Tôi chẳng qua là một đứa vũ phu, Thừa Tướng thương tình trọng đãi như vậy thật tôi rất mang ơn.
Tử Nha nói:
– Ngày nay hai nhà cũng như chủ, khách, xin Tướng quân chớ tự khiêm.
Thái Loan theo Tử Nha và Cù Lưu Tôn vào thành.
Sau khi tiếp nhau bằng một chén trà thân mật, Tử Nha nói:
– Vừa rồi Cù đạo huynh có bắt được Thổ Hành Tôn, lẽ ra phải xử trảm, nhưng nó năn nỉ rằng Ðặng Nguyên soái hứa gả con cho nó xin để nó sống vui niềm non nước. Chúng tôi không nỡ vì việc tình duyên mà bắt tội nó, nên sai Táng Nghi Sanh qua thưa với Ðặng Nguyên soái xem dạy lẽ nào. Nay Tướng quân đến đây chắc có tin lành.
Thái Loan đứng dậy thưa:
– Thừa Tướng hỏi đến, mạt tướng mới dám trình bày. Trước kia Nguyên soái tôi say rượu, có vui miệng hứa lỡ lời chẳng ngờ Thổ Hành Tôn lấy đó làm điều mơ ước. Nguyên soái tôi xét lại âu cũng là duyên nợ, nên cũng muốn tính cho xong tuy vậy, tiểu thơ của tôi mồ côi mẹ từ thuở bé, được Nguyên soái tôi xem như vàng ngọc. Nếu Thừa Tướng thương tình thì ngày mai là ngày tốt xin Thừa Tướng đi cùng Táng Ðại phu sang dinh Nguyên soái tôi nạp lễ vật mới được lễ thành hôn xong rồi hai bên sẽ tính đến chuyện giao binh.
Tử Nha nói:
– Ta cũng biết Ðặng Nguyên soái là người trung tín, nên muốn cậy một điều. Trước đây các đạo binh đến phạt Tây Kỳ cứ ỷ mình là binh rồng tướng mạnh, cậy chúng hiếp cô, nói gì cũng chẳng nghe, khiến lòng trung nghĩa của Tây châu không thấu tai thiên tử. Chúng tôi muốn nói điều nhân nghĩa cũng không được. Nay trời khiến việc nhân duyên, may ra đó là một cơ hội để chúng tôi tỏ bày tỏ oan ức cùng Ðặng Nguyên soái, nhờ Ðặng Nguyên soái về tâu lại với Thiên tử cho chư hầu cởi mở lòng trung. Vậy thì ngày mai tôi đem Thổ Hành Tôn đến dinh, trong bữa tiệc xin Tướng quân nghĩ tình tới nói giùm việc ấy thì ơn của Tướng quân rất trọng.
Thái Loan nhận lời, từ giã về trại.
Ðặng Cửu Công thấy Thái Loan mặt mày hớn hở liền hỏi:
– Công việc ra thế nào?
Thái Loan nói:
– Tôi ra đi thì thế nào cũng thành công.
Nói tôi kể lại mọi việc tại thành Tây Kỳ.
Ðặng Cửu Công mừng rỡ vỗ tay khen:
– Nhờ hồng phước của bệ hạ khiến Tử Nha đến đây nạp mạng.
Thái Loan nói:
– Tuy việc đã gần xong, song phải đề phòng mới được.
Ðặng Cửu Công truyền chọn ba trăm giáp sĩ mạnh mẽ, mai phục sau dinh, hể nghe đập chén rượu làm hiệu lệnh thì áp tới, bất cứ Tử Nha hay các tướng Châu đầu bằm nát như tương.
Quân sĩ đồng tuân lệnh.
Ðặng Cửu Công lại truyền Triệu Thăng dẫn một đạo binh mai phục nơi phía tả. Tôn Ðiệm Hồng lãnh một đạo binh mai phục nơi phía hữu, hễ nghe tiếng pháo nổ trong dinh thì kéo vào tiếp ứng. Lại sai con là Ðặng Tú ở trước cửa dinh với Thái Loan để phòng ngăn trở các tướng Châu. Còn Ðặng Thiền Ngọc tiểu thơ thì cầm một đạo binh phục sau dinh tiếp cứu.
Sắp đặt xong xuôi, Ðặng Cửu Công chỉ còn chờ họ đàng trai đến.
Bên kia. Tử Nha cũng thương nghị với Cù Lưu Tôn:
– Chúng ta phảì làm cách nào để phòng âm mưu của Ðặng Cửu Công mới được.
Cù Lưu Tôn cùng với Tử Nha và Táng Nghi Sanh bàn nhỏ một hồi, Tử Nha liền bảo Dương Tiển tàng hình theo bên mình bảo hộ, rồi chọn năm mươi tướng mạnh giả làm kẻ khiêng lễ vật. Tứ hiền bát tuấn đi theo hộ tống. Lại sai Lôi Chấn Tử lãnh hai ngàn quân đi phía tả, Na Tra và Hoàng Thiên Hóa kảnh hai ngàn quân đi phía hữu, Nam Cung Hoát, Kim Tra, Mộc Tra đều theo sau cứu ứng.
Các tướng tuân lệnh.
Sắp đặt đâu đó xong xuôi, lại dặn:
– Ngươi đi với ta đến dinh Thương dự tiệc cưới, hễ nghe ta ra hiệu lệnh thì lập tức ra hậu dinh bắt nàng Thiền Ngọc.
Thổ Hành Tôn vâng lệnh, thay quần áo sạch sẽ, đợi đúng giờ đi với Tử Nha.
Ðến giờ ấy Tử Nha truyền Táng Nghi Sanh đi trước, còn Tử Nha và các tướng thủng thẳng theo sau.
Táng Nghi Sanh đến trước cửa dinh đã có Thái Loan ra nghinh tiếp, rồi cho người vào báo với Ðặng Cửu Công.
Ðặng Cửu Công mặc lễ phục, ra ngoài đón tiếp.
Táng Nghi Sanh thưa:
– Nhờ ơn Nguyên soái nhận lời nên Thừa Tướng tôi sai tôi đi trước báo tin, còn Thừa Tướng tôi đem lễ vật đến sau.
Ðặng Cửu Công nói:
– Nhọc lòng Ðại phu qua lại nhiều lần. Ngày sau tôi sẽ tạ ơn. Bây giờ chúng ta đứng đây chờ Thừa Tướng đến rồi sẽ nhập dinh.
Táng Nghi Sanh nói:
– Như vậy Nguyên Soái sẽ mỏi mệt chăng?
Ðặng Cửu Công nói:
– Cho ít lễ nghi, xin đại phu chớ ngại.
Mọi người đứng trước cửa dinh, không bao lâu đã thấy Tử Nha cỡi Tứ Bất Tướng, và quân ra khiêng lễ vật ước năm sáu mươi người, không có kẻ nào mang gươm bọc giáo cả.
Tử Nha đến trước cửa dinh, thấy Ðặng Cửu Công đã đến chờ, liền xuống Tử Bất Tướng.
Ðặng Cửu Công thi lễ, và nói:
– Tôi không kịp nghinh tiếp xa, xin Thừa Tướng thứ lỗi.
Tử Nha cũng đáp lễ và nói:
– Tôi nghe danh Nguyên soái là người tài đức, nhưng không biết làm sao hầu hạ để thỏa tình hoài vọng. Nay được gần nhau, thật may cho tôi lắm.
Xảy thấy Cù Lưu Tôn và Thổ Hành Tôn bước tới ra mắt.
Ðặng Cửu Công hỏi Tử Nha:
– Khương Thừa Tướng, ông nào đi với Thổ Hành Tôn vậy?
Tử Nha đáp:
– Ấy là thầy của lệnh tế, Cù Lưu Tôn tiên ông.
Ðặng Cửu Công nói:
– Tôi nghe đanh tiếng ông bấy lâu nhưng chưa biết mặt, nay ngài thương tình giáng hạ, thật phước đức biết chừng nào.
Nói rồi đồng bước vào dinh.
Tử Nha xem thấy dinh trại chưng đèn rực rỡ, yến tiệc chỉnh tề, nhưng sau màn bốc lên mùi sát khí coi có vẻ lạnh lùng lắm.
Tử Nha biết trước, liền nháy nhó Thổ Hành Tôn và các tướng khiêng lễ vật đến cho mau.
Tử Nha trao tờ sính lễ cho Ðặng Cửu Công xem.
Ðặng Cửu Công vừa xem qua thì Tân Giáp đã đốt lên một tiếng pháo làm cho Ðặng Cửu Công thất kinh hồn vía, nhìn ra thấy những quân khiêng lễ vật đều rút gươm ngắn xông vào.
Ðặng Cửu Công biết mình mắc mưu, vội chạy trốn ra phía sau.
Thái Loan, Ðặng Trung xem chừng cự không lại các tướng, cũng chạy ra đàng sau trốn mất. Bấy giờ bọn giáp sĩ đứng sau màng áp tới, nhưng ba trăm qnân mạnh cự sao lại mấy chục tướng tài.
Ðến chừng Ðặng Cửu Công cầm thương cỡi ngựa đi ra thì quân ngũ đã náo loạn. Triệu Thăng từ bên tả đánh vào, Tôn Diệm Hồng từ bên hữu tiếp ứng, đều bị hai tướng Châu là Tân Giáp, Tân Miểng đánh tơi bời.
Khi ấy Thổ Hành Tôn chạy tuốt ra sau dinh bắt Ðặng Thiền Ngọc, bị Ðặng Thiền Ngọc sẳn sàng chống cự lại. Còn Lôi Chấn Tử xông vào nhà giam cứu Hoàng Thiên Hóa với Na Tra rồi hiệp với Nam Cung Hoát tiếp ứng.
Bên dinh Thương hoàn toàn rối loạn. Kế đó Kim Tra, Mộc Tra, Long Tu Hồ kéo vào, Ðặng Cửu Công thấy tướng Châu vừa đông vừa mạnh, nhắm không thể duy trì được trận chiến, phải nhịn thua bỏ chạy.
Quân Thương không có chủ, bỏ trốn rất nhiều, đạp nhầu nhau mà chạy, chết không biết bao nhiêu.
Ðặng Thiền Ngọc đang đánh với Thổ Hành Tôn thấy cha mình bỏ chạy, còn các tướng cũng chạy theo nên cũng bỏ Thổ Hành Tôn mà bôn tẩu.
Thổ Hành Tôn biết Thiền Ngọc có tài quăng đá nên chẳng dám đuổi theo, liền quăng dây Khổn Tiên trói Thiền Ngọc, rước dâu về thành Tây Kỳ.
Bấy giờ Tử Nha và các tướng theo đuổi Ðặng Cửu Công hơn năm chục đặm rồi thâu binh trở về thành.
Ðặng Cửu Công cùng các tướng chạy đến núi Kỳ Sơn mới dừng lại kiểm điểm binh tướng thì thấy mất nàng Thiền Ngọc.
Ðặng Cửu Công than:
– Ta quyết bắt Tử Nha, không ngờ mắc kế lại mất luôn đứa con gái nữa.
Các tướng đều buồn bã không còn biết tính làm sao.
Tử Nha và Cù Lưu Tôn thắng trận về thành, các tướng đứng hai hàng hầu hạ.
Tử Nha nói với Cù Lưu Tôn:
– Bữa nay ngày tốt, cũng nên ho Thổ Hành Tôn động phòng hoa chúc.
Cù Lưu Tôn nói:
– Tôi cũng tính như vậy, không nên để dài dòng.
Tử Nha gọi Thổ Hành Tôn bảo:
– Ngươi đem Ðặng Thiền Ngọc ra sau phòng mà kết duyên cá nước. Sáng mai ta sẽ nói chuyện riêng.
Thổ Hành Tôn tuân lệnh đem Ðặng Thiền Ngọc ra sau phòng mở trói.
Tử Nha lời truyền a hoàn vào phòng hầu hạ Thiền Ngọc rất tử tế.
Thiền Ngọc hổ ngươi, khóc sùi sụt trong lúc đó các tướng đều ở trước thành dự tiệc, chỉ riêng Thổ hành Tôn vào phòng, mặt tươi như hoa nở, đùa cợt với tiểu thơ.
Ðặng Thiền Ngọc lâm vào ngỏ bí, không còn biết tránh né đi đâu được, cứ ngồi khóc mãi.
Thổ Hành Tôn tìm lời an ủi.
Ðặng Thiền Ngọc nổi giận mắng:
– Ngươi là đứa thất phu bạc nghĩa, bán chúa cầu vinh, không đáng mặt làm người trong thiên hạ.
Thổ Hành Tôn cười mơn nói:
– Tiểu thơ tuy là ngọc cành vàng, nhưng tôi cũng không phải là đứa vô danh tiểu tốt. Vả lại, trước đây tôi cũng có công trị bệnh cho tiểu thơ, và Nhạc phụ có hứa, hễ giết được Võ vương thì Nhạc phụ gả nàng cho tôi. Việc ấy ai cũng biết. Hôm trước Táng đại phu qua làm mai, nhạc phụ đã định ngày nạp lễ cưới. Thừa Tướng sợ Nhạc phụ trở lòng, nên lập kế mọn, cốt cho việc được xong xuôi, sao tiểu thơ còn buồn ý?
Ðặng Thiền Ngọc nói:
– Ðó là cha ta làm kế bắt Tử Nha, chẳng ngờ bị mắc mưu gian. Ta thà chịu chết chớ không chịu nhục.
Thổ Hành Tôn nói:
– Tiểu thơ nói sai rồi. Việc lương duyên đâu phải là chuyện nhỏ, một lời người lớn đã nói ra không thể thất tín được. Tôi vốn là học trò Xiển giáo, nghe lời Thân Công Báo lừa phỉnh mới giúp Trụ đánh Châu. Khi tôi bắt được Hoàng Thiên Hóa và Na Tra nhạc phụ dọn tiệc ăn mừng, và hứa lúc nào ban sư về nước, sẽ gả tiểu thơ cho tôi. Vì lời nói ấy tôi đem lòng yêu thương tiểu thơ, cố mạo hiểm vào thành Tây Kỳ giết Võ vương để sớm được kết duyên với nàng. Chẳng ngờ tôi bị thầy tôi bắt tội, nhưng thấy tôi với tiểu thơ vốn có duyên nợ, nên mới tính chuyện hôn nhân. Nay Trụ vương vô đạo, thiên hạ đều đầu Châu, dù binh Thương có thiên binh vạn mã cũng không thể nào thắng nổi. Lời xưa có nói: Chim khôn chọn cây lệnh mà đậu, tôi hiền tìm chúa thánh mà thờ. Ấy là lẻ tự nhiên, sao Tiểu thơ cố chấp? Còn việc tôi với tiểu thơ đêm nay, ai ai cũng biết, dầu tiểu thơ có giữ mình ngọc sạch giá trong chẳng ai tin. Xin tiểu thơ xét lại.
Ðặng Thiền Ngọc nghe Thổ Hành Tôn nói một hồi, cứ ngồi làm thinh cúi mặt.
Thổ Hành Tôn xem ý Ðặng Thiền Ngọc đã xiêu, liền bước đến nói:
– Tiểu thơ vóc ngọc mình vàng, chẳng khác đóa hoa vườn thượng uyển, còn tôi là đệ tử tiên gia, ở động Phi Long, kẻ chân trời người góc biển, được gặp nhau đây do căn duyên trời định.
Ðặng Thiền Ngọc hổ ngươi, nhắm mắt làm thinh.
Ðêm ấy Thổ Hành Tôn và Ðặng Thiền Ngọc được kết duyên cá nước hòa hiệp sắc cầm. Ấy cũng nhờ mưu của Tử Nha.
Có bài thơ rằng:
Khen cho địch quốc lại giao hòa
Khéo dụng mưu thần trí Tử Nha
Duyên nợ ai xuôi ngày gặp gở
Sương rơi lả chả một cành hoa.
Rạng ngày hai vợ chồng thức dậy cùng chải đầu rửa mặt.
Thổ Hành Tôn nói:
– Vợ chồng mình phải ra lạy tạ Khương Thừa Tướng và sư phụ để đền ơn.
Ðặng Thiền Ngọc gặt đầu, đáp:
– Việc ấy phải lẽ rồi, nhưng hôm qua thân phụ tôi bại tẩu, không biết cư trú nơi đâu, chẳng lẽ hai cha con lại phò hai nước. Xin tướng quân thưa với Thừa Tướng liệu định cách nào cho lưỡng.
Thổ Hành Tôn nói:
– Ðể tạ ơn xong rồi ta sẽ thưa với Thừa Tướng việc ấy.
Nói rồi vợ chồng đồng ra lạy Tử Nha và Cù Lưu Tôn.
Tử Nha nói:
– Ðặng Thiền Ngọc nay thuộc về tôi nhà Châu, ngặt thân phụ nàng chưa phục. Ta muốn đem binh ta đánh, song vị tình ngươi chưa biết tính sao.
Thổ Hành Tôn thưa:
– Thiền Ngọc có bàn tính việc ấy với tôi. Xin sư thúc đem lòng thương tìm kế lưỡng toàn, thiệt là ơn lớn.
Tủ Nha nói:
– Chuyện ấy không khó gì, nếu Thiền Ngọc thật tình đầu Châu thì nàng đến khuyên phụ thân nàng rất dễ.
Ðặng Thiền Ngọc quỳ thưa:
– Tôi đã quy thuận, lẽ nào dám hai lòng. Xin Thừa Tướng cho tôi gặp mặt Phụ thân tôi, thế nào phụ thân tôi cũng nghe lời tôi mà đầu Châu lập tức.
Tử Nha nói:
– Ta chẳng nghi ngờ tiểu thơ phản phúc, chỉ lo Ðặng nguyên soái không chịu phục Châu. Vậy tiểu thơ đi trước thuyết hàng, còn ta dẫn binh theo sau nghinh tiếp. Nếu Ðặng Nguyên soái không đổi ý, thì ta lập kế bắt sống đem về đây cho tiểu thư khuyên lơn.
Ðặng Thiền Ngọc y theo lời dặn.
Lúc này Ðặng Cửu Công kéo tàn quân đóng trời cách núi Kỳ Sơn vài mươi dặm. Sáng hôm ấy Ðặng Cửu Công ngồi trước trướng có Ðặng Tú, Thái Loan, Triệu Thăng, Tôn Diệm Hồng, đồng đứng hai bên hầu hạ.
Ðặng Cửu Công nói:
– Ta chinh chiến thuở nay chưa hề đại bại. Nay đã thất trận lại lạc mất con, binh tướng đang sa vào ngõ bí, không còn biết day trở làm sao.
Thái Loan thưa:
– Xin Nguyên soái sai một người về triều viện binh, đồng thời cho kẻ tả hữu đi dò xét tin tiểu thơ để biết hung kiết.
Bỗng có quân vào báo:
– Tiểu thơ lãnh một đạo binh mã, phất cờ Tây châu trở về.
Thái Loan và các tướng nghe đều kinh hãi.
Ðặng Cửu Công truyền mời vào.
Thiền Ngọc xuống ngựa vào quỳ lạy Ðặng Cửu Công.
Ðặng Cửu Công đỡ dậy hỏi:
– Công việc ra làm sao, con nói cho cha nghe thử?
Ðặng Thiền Ngọc khóc nức nở:
– Con không dám nói!
Ðặng Cửu Công hỏi:
– Có việc gì oan ức con cứ thuật lại, không sao mà sợ?
Ðặng Thiền Ngọc thưa:
– Phận con ở chốn phòng khuê, không hay biết gì hết, bởi tại thân phụ nói lỡ lời mà sanh ra tai họa. Thổ Hành Tôn bắt con về Tây Kỳ ép duyên, nay ăn năn không kịp.
Ðặng Cửu Công nghe nói nghẹn ngào, đứng làm thinh cả buổi.
Ðặng Thiền Ngọc thưa:
– Nay con đã thất tiết, phải làm vợ Thổ Hành Tôn, nên về thưa với phụ thân mọi điều, kẻo sợ Phụ thân mang họa. Bởi Trụ vương vô đạo, thiên hạ bỏ Trụ về Châu hai phần. Cứ theo cơ trời và xót lòng người cũng thấy việc thịnh suy trong thiên hạ. Rất đổi Ma gia tứ tướng, Văn Thái Sư, và các địa tiên còn phải bỏ mình. Nay con đầu Châu rồi không phải lỗi tại con, mà tại cha đã gả con cho giặc. Nếu cha nghĩ tình cha con thương trẻ mắc nạn thì bỏ tà theo chánh, chọn chúa mà thờ, chẳng những khỏi tai nạn mà gia đình cha con sum hiệp, ấy là bỏ tối tìm sáng đi theo con đường Võ Thành Vương vậy.
Ðặng Cửu Công ngẩm nghĩ:
– Nếu đánh thì đánh không lại chúng, còn về trào thì vua ắt không tha. Tấn thối lưỡng nan, còn biết làm sao được.
Qua một lúc, Ðặng Cửu Công nói với Thiền Ngọc:
– Con ơi, lẽ nào cha lại bỏ con mà hy sinh mình cho một ông vua vô đạo. Tuy nhiên khi phải phục tùng Tử Nha, cha thấy hổ thẹn lắm.
Thiền Ngọc thưa.
– Khương Thừa Tướng tính hiền đãi sĩ, không phải kẻ kiêu căng. Nếu cha chịu đầu hàng con sẽ tin cho Thừa Tướng hay, để đến đón tiếp.
Ðặng Cửu Công thuận tình, truyền quân tướng sửa soạn đầu.
Ðặng Thiền Ngọc trở về thưa lại với Tử Nha.
Tử Nha mừng rỡ, truyền các tướng đồng đi với mình đến nghinh tiếp Ðặng Cửu Công.
Nhưng đi nữa đường đã thấy Ðặng Cửu Công dẫn binh tướng qua đầu.
Tử Nha liền chào hỏi, Ðặng Cửu Công ngồi trên ngựa bái và thưa:
– Mạt tướng tài hèn trí thấp, nay đến đầu hàng, xin Thừa Tướng rộng dung tha tội.
Tử Nha giục Tứ Bất Tướng đến nắm tay Ðặng Cửu Công nói:
– Tướng quân bỏ nghịch theo thuận, xa hôn qua phò thánh chúa, ấy là tôi một triều, có gì mà khiêm nhượng.
Ðặng Cửu Công thấy Tử Nha hậu đãi rất hài lòng. Hai người sánh vai trở về thành Tây Kỳ, truyền quân mở tiệc ăn mừng.
Vợ chồng Thổ Hành Tôn vui mừng quá sức, quan quân uống rượu say sưa.
Tử Nha chờ đến sáng đưa Ðặng Cửu Công vào yết kiến Võ vương.
Lúc ấy tại ải Tỵ Thủy, HàngVinh nghe tin Ðặng Cửu Công phản Thương đầu Châu, làm suôi với Khương Thượng, liền viết sớ sai người đem đến Triều Ca.
Bấy giờ vào phiên quan Thượng đại phu Trương Khiêm thất kinh, liền ôm sớ đến lầu Trích Tinh chờ yết kiến vua Trụ.
Nội thị trông thấy Trương Khiêm liền vào tâu:
– Nay có quan đại phu Trương Khiêm vào dâng sớ.
Trụ vương giật mình, vội đòi vào hỏi:
– Trẫm không có lệnh đòi, khanh có điều gì dâng sớ cần cấp như vậy?
Trương Khiêm tâu:
– Hàng Vinh trấn ải Tỵ Thủy vừa dâng biểu về triều, hạ thần thấy việc gấp không dám trễ nãi, mới đánh liều vào cung cấm, xin bệ hạ dung tha.
Nói rồi trải tờ sớ lên long án.
Vua Trụ xem xong nổi giận hét lớn:
– Ðặng Cửu Công mang ơn trẫm không biết bao nhiêu, nay đầu giặc Tây Kỳ thì đạo vua tôi còn gì nữa. Ðể trẫm lâm triều hội bá quan, quyết bắt hết loài phản tặc mà rửa hận.
Trương Khiêm bái lạy tạ ơn, rồi lui ra ngoài.
Kế đó Trụ vương truyền giống trống đền, các quan kinh hãi, ứng hầu đủ mặt.
Sau khi triều bái xong, Trụ vương phán:
– Ðặng Cửu Công vâng lệnh chinh Tây, đã không thắng giặc thì thôi, lại gả con cho giặc, dẫn binh tướng sang đầu Cơ Phát. Tội ấy lớn biết chừng nào, các khanh có kế gì trừ quân phản nghịch.
Quan Trung giám đại phu là Phi Liêm, quỳ tâu:
– Tây Kỳ phản lại thiên triều tội rất nặng. Song các tướng chinh Tây, hễ thắng thì dâng công, bằng thất trận trở về thì bị tội nên phải đầu giặc. Cứ như vậy biết chừng nào mới bình được Tây Kỳ. Theo ý tôi, nên dùng một người quốc thích giữ việc Tây chinh. Vì hễ hoàng thân quốc thích thì coi việc nước như việc nhà, dẫu chết cũng không hàng địch.
Trụ vương nói:
– Ðạo chúa tôi cũng như hàng quốc thích lẽ nào lại chia phân trách nhiệm.
Phi Liêm tâu:
– Tuy vậy, thân sơ có chỗ khác. Tôi xin báo cáo với ngài là Ký châu hầu Tô Hộ, cầm binh đánh Tây Kỳ chắc thắng. Bởi lẽ người ấy có quyền thế nhứt trong chư hầu, và lại thân thích với bệ hạ.
Vua Trụ khen phải, liền viết chiếu sai sứ lãnh chỉ đem cờ Mao búa Việt qua Ký châu.