Chương 052: Núi Tuyệt Long, Văn Trọng chầu Trời

Chương 052: Núi Tuyệt Long, Văn Trọng chầu Trời



Chương 052: Núi Tuyệt Long, Văn Trọng chầu Trời





Tân Hoàn thưa:

– Nếu đi hai đường này không được thì đến núi Huỳnh Hoa, rồi qua ải Thanh Long.

Văn Trọng nói:

– Chúng ta trở về ải Thanh Long cũng được. Ta muốn trở về Triều Ca viện binh, nhưng nếu đi một mình thì dễ, ta có thể đi đường nào cũng được, ngặt vì có đám tàn quân theo ta, ta không nỡ bỏ. Ðến ải Thanh Long ta sẽ để chúng ở lại đấy nghỉ ngơi cũng tiện.

Nói rồi lại dẫn binh đi. Ði được một buổi lại gặp quân mai phục chặn đường, trong rừng nổ một tiếng pháo lớn, hai cây cờ đỏ trương lên, Na Tra cầm giáo lướt ra nạt lớn:

– Văn Trọng! Ðừng hòng về nước. Ðây là nơi đưa ngươi về chầu trời rồi đó.

Văn Thái Sư nổi giận, ba mắt trợn trừng, nạt:

– Khương Thượng quả thật khinh ta rồi nên mới sai con nít ra đón đường mạt sát. Như vậy mà gọi là đại thần à?

Nói rồi giục kỳ lân đến đánh.

Ðặng Trung, Tân Hoàn, Kiệt Lập, Dư Khánh cũng xông vào trợ chiến, vây Na Tra vào giữa.

Na Tra một mình đấu với năm tướng nhưng không nao núng chút nào, cây giáo trên tay bay lượn như rồng bay phượng múa, nên chỉ trong vài hiệp, Na Tra đã đâm Kiết Lập một giáo nhào xuống ngựa chết. Thuận tay, Na Tra lấy Càn Khôn Quyện quăng lên, đánh Ðặng Trung nhào xuống ngựa chết tốt và hồn bay về đài Phong Thần.

Văn Trọng thấy mới giao đấu hơn vài hiệp mà mất hai tướng nên nản lòng, giục kỳ lân chạy dài.

Na Tra phóng đến chận đám quân lại nói lớn:

– Hàng đầu thì khỏi chết, nghịch mạng ắt không dung.

Phân nửa binh chạy sau sợ quá quay lại xin hàng.

Na Tra liền thâu quân về.

Văn Trọng chạy riệt cho đến chiều mới dừng lại vườn điểm binh lại thì thấy chỉ còn có một vạn người, lòng hổ thẹn khôn cùng, ngước mặt than:

– Ta thuở nay đánh Ðông dẹp Bắc, không hề thất bại, nay đem binh chinh phạt Tây Kỳ lại thảm bại một cách nhục nhả như thế nầy còn mặt mũi nào dám nhìn quân vương.

Tân Hoàn thấy vậy an ủi:

– Xin Thái Sư chớ buồn nảo, việc binh thắng bại là lẽ thường miễn mình còn sống là khi về đến Triều Ca sẽ đem binh đi báo thù không muộn.

Sáng hôm sau, Văn Trọng dẫn đám tàn quân đi đến giờ tị thì đến núi Huỳnh Hoa.

Bổng một tiếng pháo lệnh nổ vang, tiếp theo một tướng kéo cờ đỏ xông ra trước mặt, nạt lớn:

– Ta vâng lệnh Thừa Tướng chờ người ở đây đã lâu. Nay binh hao tướng chết sao Thái Sư không hàng đi còn đợi lúc nào nữa?

Văn Trọng nhìn xem thấy tướng đó là Hoàng Thiên Hóa nổi giận mắng:

– Phản tặc! Dám nghịch mạng với ta không sợ chết sao?

Dứt lời giục kỳ lân sấn đến đánh nhau.

Hai người đánh nhau đến ba mươi hiệp bất phân thắng bại.

Tân Hoàn và Dư Khánh nổi nóng áp vào trợ chiến.

Hoàng Thiên Hóa thấy vậy trá bại, Dư Khánh thừa thắng đuổi theo. Hoàng Thiên Hóa quay lại lấy Hỏa Long Phiêu vụt ngang trúng ngay đầu Dư Khánh nhào lăn xuống ngựa chết tươi.

Tân Hoàn thấy bạn bị giết hét như sấm bay đến đánh nhầu.

Hoàng Thiên Hóa lấy Toàn Tâm Ðinh nhắm cánh Tân Hoàn phóng tới, làm cho Tân Hoàn bị thương nơi cánh phải sa xuống.

Văn Thái Sư hoảng kinh giục ngựa chạy qua hướng Ðông Nam. Tân Hoàn cũng co giò chạy theo bén gót.

Ði đến chiều tối, Văn Thái Sư đến một hòn núi, lòng buồn bã, liền dừng quân lại dạo quanh mấy vòng rồi ngậm bài thơ giải muộn như sau:

Ðoái lại non xanh lụy chứa chan

Ba quân ngậm thở với ngùi than

Tưởng rằng thắng trận về thăm chúa

Nay đã hao binh chạy túng đường

Mới biết lòng trời xui biến cải

Cho hay vận nước khiến gian nao

Thật là một giấc chiêm bao đấy

Song giữ gan trung tợ đá vàng.

Văn Thái Sư ngâm xong, lòng buồn vô hạn.

Cơm nước xong đến canh hai, xảy nghe trên núi pháo nổ binh reo vang dậy.

Văn Trọng bước ra ngoài xem thử thì thấy Tử Nha và Võ vương cỡi ngựa trên núi, uống rượu vui cười. Còn các tướng thì chỉ tay xuống núi la ó:

– Văn Thái Sư bại binh ở đó.

Văn Trọng tức giận giục kỳ lân bay lên núi. Nhưng vừa đến chân núi thì một tiếng pháo nổ vang không còn thấy một ai nữa cả. Văn Thái Sư tức muốn ói máu, nghiến răng kèn kẹt quay kỳ lân trở lại, nghe một tiếng pháo nổ, tứ bề binh bao phủ và la lớn:

– Phải giữ thật cẩn thận kẻo Văn Thái Sư trốn thoát.

Văn Thái Sư tức giận định xông vào phá vòng vây thì lại nghe tiếng pháo nổ nữa, trên núi Tử Nha và Võ vương vỗ tay cười lớn:

– Văn Thái Sư danh tiếng mấy mươi năm nay bị thất trận còn mặt mũi nào trở lại Triều Ca.

Văn Trọng hét:

– Cơ Phát! Ðồ thất phu sao dám chế nhạo ta như thế.

Nói rồi giục kỳ lân bay lên núi, nhưng nửa đường lại gặp Lôi Chấn Tử từ trong hang đá bay ra thình lình vung chùy đập đến làm cho Văn Trọng thất kinh trờ tới, nên con Hắc kỳ lân bị chùy của Lôi Chấn Tử đập trúng đứt làm hai đoạn, Thái Sư nhào lăn xuống độn thổ đi mất.

Tân Hoàn lúc nầy cánh đã mạnh, bay lên hét lớn:

– Lôi Chấn Tử! Ðừng hòng chạy thoát, có ta đến đây.

Không ngờ Dương Tiển núp trong hang đá thả chó ra cắn bắp vế của Tân Hoàn chặt cứng không chạy được nên bị Lôi Chấn Tử bay đến đánh một chùy chết tốt.

Giết Tân Hoàn xong, Lôi Chấn Tử và Dương Tiển thâu quân về Tây Kỳ thưa lại.

Nói về Thái Sư Văn Trọng thấy kỳ lân đứt làm hai đoạn, Tân Hoàn bể đầu chết, lòng buồn vô hạn than:

– Ta đem hai mươi vạn quân chinh Tây không ngờ thất cơ chỉ còn mấy chục nhơn mã, tướng sĩ đều chết hết, kỳ lân cũng không còn, chỉ còn một mình trơ trọi biết tính sao đây? Bởi Thiên tử lỗi đạo nên trời dứt vận Thành Thang, dân oán binh sầu, chư hầu chẳng phục. Ta tuy lấy lòng son đền nợ nước nhưng cũng không xong.

Sáng ngày, Văn Thái Sư tìm những binh sĩ bị lạc, kết thành đoàn, đi nữa. Ngặt vì lương đã hết, binh sĩ đều mỏi mệt đau ốm đói khát, nhiều người phải ngất xỉu ngoài đường.

Văn Thái Sư lần vào xóm đông nhà, sai lính đi xin nhờ một bữa. Khi đoàn quân thất thểu vào xóm thì gặp một ông già đứng chờ trước cửa, hỏi:

– Các cậu đến xóm tôi có việc gì cần gấp?

Quân nhơn đáp:

– Văn Thái Sư đi chinh Tây, bị bại trận nên kéo vào đây lương thực hết phải vào làng xin ăn nhờ.

Ông già nghe nói động lòng, ra thỉnh Văn Thái Sư vào nhà thết đãi và nói:

– Tiện dân không hay Thái Sư đến đây mà nghinh tiếp, xin Thái Sư miễn chấp.

Văn Thái Sư tạ ơn, dùng một bữa cơm rau cùng quân sĩ rồi kiếm chỗ nghỉ ngơi.

Ðêm ấy Văn Thái Sư không sao ngủ được nghĩ đến hoàn cảnh của mình. Biết Trụ vương là một hôn quân, thờ một hôn quân là bất hiếu, nhưng lúc thái bình hưởng lộc nước, đến lúc bất loạn bỏ vua là một điều Văn Trọng không thể làm. Hơn nữa, Văn Trọng được Tiên vương phó thác cơ nghiệp mà không sửa chữa được hôn quân, thà chịu chết chớ không thể bỏ nước.

Sáng hôm sau Văn Thái Sư từ giã ông lão và hỏi:

– Ông tên họ chi xin cho biết để ngày sau đền đáp?

Ông lão nói:

– Tôi họ Lý, tên Kiệt, vốn là kẻ quê mùa sống nơi đây đã lâu.

Văn Thái Sư truyền quân lính ghi tên họ ông lão, rồi cùng nhau thẳng đến ải Thanh Long.

Chẳng ngờ đường lạ không có người hướng dẫn nên lạc vào rừng. Ðang lúc bối rối, bỗng nghe có tiếng đốn củi của một tiều phu gần đó.

Văn Trọng truyền quân đến hỏi thăm đường.

Ông tiều thấy có quan quân đến chắp tay lạy nói:

– Chẳng hay các ông đến dậy tôi việc chi?

Quân nhơn nói:

– Không có việc gì cả, ông đừng sợ, chúng tôi là qua triều đình đi lạc đường, xin hỏi thăm lối về ải Thanh Long.

Ông tiều vừa chỉ tay vừa nói:

– Ði thẳng hướng Tây Nam độ mười lăm dặm, qua khối gò Bạch Hạc thì đến đường lớn. Ðường ấy là đường vào ải Thanh Long.

Quân về thưa lại, Văn Thái Sư cứ theo lối chỉ của ông Tiều mà tiến bước.

Ði được hai mươi dậm thì đến núi Tuyệt Long, đường sá gập ghềnh, non cao lổm chổm. Nhìn lên sườn núi thấy Vân Trung Tử đang đứng nơi đó.

Văn Thái Sư lấy làm lạ hỏi lớn:

– Ðạo huynh đi đâu đó.

Vân Trung Tử nói:

– Tôi vâng lệnh Nhiên Ðăng đợi anh đã lâu, nơi Tuyệt Long nầy là chổ tử địa, sao anh chưa chịu hàng đầu?

Văn Thái Sư cười lớn nói:

– Vân Trung Tử tưởng ta là con nít, nên khi dễ như vậy. Ngươi có phép gì trị ta nổi sao?

Vân Trung Tử hỏi:

– Ngươi dám lại gần ta chăng?

Văn Thái Sư liền bước tới.

Vân Trung Tử vỗ tay một cái, sấm sét nổi lên, dưới đất mọc lên tám cây trụ cao hơn ba trượng, bề trên một trượng chia làm: Càn, Khảm, Cán, Chẩn, Tốn, Ly, Khôn, Ðoài.

Văn Thái Sư đứng chính giữa nói lớn:

– Phép độn ngũ hành ai ai cũng biết, có lạ lùng gì đâu mà dọa ta.

Nói rồi bắt ấn trị hỏa đứng một hồi lâu rồi kêu Vân Trung Tử nói:

– Phép ngươi dở ẹt như vậy, không lẽ ta đứng đợi hoài. Thôi ta giã biệt nhé!

Nói rồi nhảy lên một cái, định thoát ra khỏi các cây trụ đó.

Chẳng ngờ Vân Trung Tử đã chực sẳn, lấy cái bình bát của Nhiên Ðăng chụp xuống tám cây trụ. Như đậy nút chai.

Văn Thái Sư nhảy lên, đụng đầu té xuống.

Vân Trung Tử ở ngoài làm phép thêm lửa.

Khá thương Văn Thừa Tướng vì nước liều mình!

Văn Trọng là một tôi trung nghĩa nên lúc chết hồn bay về Lộc đài chầu vua Trụ.

Khi ấy vua Trụ đang uống rượu với Ðắt Kỷ, soàng soàng trong người, dựa ghế ngủ quên, bỗng thấy Văn Thái Sư đứng trước mặt nói:

– Tôi vâng lịnh chinh Tây ba năm trời cực khổ, nay đã bỏ mình tại núi Tuyệt Long. Xin bệ hạ tu nhơn tích đức, cầu hiền trị nước chớ mê tửu sắc mà bỏ triều đình. Nếu người can không nghe, trời giận không sợ, thì xã tắc không còn. Hãy sửa lỗi mình, họa may điềm lành trở lại. Tôi muốn tâu cho cặn kẽ, song sợ trễ giờ phạm luật khó vô đài Phong Thần. Tôi xin bái biệt.

Nói rồi bay về núi Kỳ Sơn. Thanh Phước thần cầm phướng Bá Linh dẫn vào đài an vị.

Vua Trụ giật mình thức đậy, mới hay mình chiêm bao, liền nói:

– Trẫm vừa chiêm bao thấy một điềm lạ lắm.

Ðắt Kỷ hỏi

– Bệ hạ thấy việc gì mà giật mình như vậy?

Trụ vương liền thuật các việc, Ðắt Kỷ nói:

– Hễ lòng mình tư tưởng chuyện gì, thì chiêm bao thấy chuyện ấy. Bệ hạ vì lo việc Văn Thái Sư chinh Tây nên trong giấc ngủ thấy thư thế chớ lẽ nào Văn Thái Sư thất trận.

Trụ vương nói:

– Ái khanh nói phải lắm.

Rồi bỏ qua việc ấy Trụ vương vẫn cứ uống rượu vui chơi với Ðắt Kỷ như thường.

Văn Trọng chết rồi, các đệ tử đồng về báo lại với Tử Nha.

Còn Vân Trung Tử thâu phép, trả bình bát cho Nhiên Ðăng, rồi cũng về núi.

Thân Công Báo nghe tin Văn Trọng chầu trời bèn đi tới các động, dù nơi hang cùng ngõ hẻm, kêu người đến đánh Tử Nha.

Ngày kia, Thân Công Báo đi đến núi Hiệp Long, động Thủy Long, xảy thảy một tên tiểu đồng đang đứng múa bên chân núi.

Thân Công Báo liền xuống lưng cọp thì thấy tiểu đồng ấy là một người lùn tịt, mình cao không đầy bốn thước mộc, mặt đen như cột nhà cháy.

Thân Công Báo hỏi:

– Con nhà ai mà kỳ cục vậy?

Tiều đồng bước tới lạy một cái rồi hỏi lại:

– Ðạo sĩ từ đâu đến?

Thân Công Báo nói:

– Ta ở bên hải đảo mới qua đây.

Tiểu đồng hót:

– Ðạo sĩ là người Triệt giáo hay Xiển giáo?

Thân Công Báo nói:

– Ta tu Xiển giáo.

Tiểu đồng nói:

– Như vậy là sư thúc của tôi rồi.

Thân Công Báo hỏi:

– Thầy ngươi là ai?

Tiểu đồng nói:

– Thầy tôi là Cù Lưu Tôn, còn tôi là Thổ Hành Tôn

Thân Công Báo hỏi:

– Ngươi học phép đã được bao lâu?

Thổ Hành Tôn nói:

– Chưa được trăm năm.

Thân Công Báo lắc đầu nói:

– Ta xem tướng ngươi thành tiên không được, nhưng lại có số hưởng giàu sang quyền quí.

Thổ Hành Tôn hỏi:

– Làm thế nào được hưởng giàu sang quyền quý?

Thân Công Báo nói:

– Việc ấy chẳng khó gì. Ta viết một phong thư giới thiệu, ngươi cầm xuống đưa cho Ðặng Cửu Công, quan trấn ải Tam Sơn, thì mọi việc đều tốt đẹp.

Thổ Hành Tôn nghe nói bùi tai, liền cậy Thân Công Báo viết thư, và nói:

– Nếu tôi được hiển vinh, không bao giờ quên ơn sư thúc.

Thân Công Báo hỏi:

– Ngươi thiện nghệ phép gì?

Thổ Hành Tôn nói:

– Ðệ tử có tài đi dưới đất một ngày hơn ngàn dặm.

Thân Công Báo bảo Thổ Hành Tôn biểu diễn tài nghệ xem thử.

Thổ Hành Tôn nhập thổ tức thì, rồi ở dưới đất trồi đầu lên trông rất lẹ làng.

Thân Công Báo mừng rỡ nói:

– Thầy ngươi có dây Khổn Tiên, ngươi phải kiếm một bảo vật làm món đồ nghề mới được.

Thổ Hành Tôn nói:

– Ðiều ấy tôi đã hiểu.

Thân Công Báo gật đầu, lên lưng cọp giả từ.

Còn Thổ Hành Tôn vào động ăn cắp dây Khổn Tiên và thuốc Ngọc Hổ trốn sang ải Tam Sơn lập tức.

Crypto.com Exchange



Phong thần diễn nghĩa