Chương 032 Tam quốc diễn nghĩa
HỒI 32
Cướp Ký Châu, Viên Thượng tranh hùng;
Khơi sông Chương, Hứa Du hiến kế.
Viên Thượng từ khi chém được Sử Hoán, cậy mình khỏe mạnh, không đợi binh mã của bọn Viên Đàm đến, tự dẫn vài vạn quân ra Lê Dương, gặp ngay tiền quân của Tào Tháo. Trương Liêu tế ngựa ra trước. Viên Thượng vác giáo lại đánh, chưa được ba hiệp, chống đỡ không nổi thua chạy.
Trương Liêu thừa kế đánh trận. Thượng liệu thế không địch nổi, tất cả kéo quân về Ký Châu.
Viên Thiệu nghe tin con bị thua, lo sợ quá, bệnh cũ tái phát, thổ ra hàng chậu máu, ngất đi ngã lăn xuống đất.
Lưu phu nhân vội vàng ra cứu, vực vào giường nằm. Bệnh tình Thiệu mỗi ngày một nguy. Lưu thị cho gọi ngay Thẩm Phối, Phùng Kỷ đến bên giường Viên Thiệu để bàn công việc về sau.
Thiệu bấy giờ đã ú ớ, không nói được nữa, chỉ lấy tay chỉ trỏ được thôi.
Lưu thị hỏi:
– Viên Thượng kế tự được không?
Thiệu gật đầu.
Thẩm Phối đến ngay bên giường, viết một tờ di chúc. Thiệu trở mình, kêu to một tiếng, lại thổ ra hơn một chậu huyết rồi chết.
Người sau có thơ than rằng:
Mấy đời công tướng tiếng nhà dòng,
Chí khí tung hoành cũng đã ngông.
Tuấn kiệt ba ngàn nhiều cũng phí,
Hùng binh trăm vạn có như không.
Mình dê, da hổ làm chi nổi?
Lông phượng, gan gà việc khó xong.
Đến nỗi đàn con gây vạ lẫn,
Thương thay, nỗi ấy rất đau lòng!
Viên Thiệu chết rồi, bọn Thẩm Phối lo liệu ma chay.
Lưu thị bắt năm nàng hầu yêu quý nhất của Thiệu đem giết đi. Lại sợ âm hồn những người ấy xuống chín suối còn đi lại được với Thiệu chăng. Lưu thị bèn sai gọt tóc, đâm nát mặt mũi, băm nát mình mẩy họ. Ghen tuông đến thế là cùng!
Viên Thượng lại sợ sau này họ hàng những người ấy báo thù, nên lại lùng bắt giết sạch.
Thẩm Phối, Phùng Kỷ lập Viên Thượng làm đại tư mã tướng quân, lĩnh chức mục bốn châu: Ký, Thanh, U, Tinh, rồi cáo phó khắp nơi.
Khi ấy, Viên Đàm đã cất quân ra khỏi Thanh Châu, nghe tin bố chết, liền cùng với Quách Đồ, Tân Bình bàn bạc. Đồ nói:
– Chúa công không ở Ký Châu, Thẩm Phối và Phùng Kỷ tất lập Hiển Phụ lên làm chủ, ta phải đi mau mới được.
Tân Bình nói:
– Thẩm, Phùng, hai người ắt đã chuẩn bị cách đối phó, nếu đến ngay sẽ bị tai họa.
Viên Đàm nói:
– Vậy thì làm thế nào?
Quách Đồ nói:
– Hãy đóng quân ở ngoài thành, tôi xin vào trước thăm dò xem động tĩnh ra sao đã.
Đàm nghe lời, Quách Đồ vào Ký Châu, ra mắt Viên Thượng. Thi lễ xong, Thượng hỏi:
– Anh ta làm sao không đến?
Đồ thưa:
– Bị đau, nằm ngoài trại, không vào ra mắt được.
Thượng nói:
– Di chúc của cha ta để lại, lập ta làm chủ. Ta phong anh ta làm xa kị tướng quân. Nay quân Tào đã tiến đến bờ cõi, xin anh làm tiền bộ, ta điều quân theo sau tiếp ứng.
Đồ nói:
– Trong quân không có ai bàn tính mưu kế, xin cho Thẩm, Phùng, hai người ra giúp việc.
Thượng nói:
– Ta cũng cần đến hai người ấy, sớm tối bày mưu tính kế, cho đi sao được?
Đồ nói:
– Trong hai người đó, xin cho một người đi thì thế nào?
Thượng bất đắc dĩ, sai hai người rút thăm, Phùng Kỷ rút trúng, Thượng liền hạ lệnh cho Phùng Kỷ mang ấn tín, đi theo Quách Đồ ra trại quân Viên Đàm.
Kỷ theo Đồ đến trại, thấy Viên Đàm không đau ốm gì, trong bụng áy náy. Khi Kỷ đệ trình ấn tín, Đàm nổi giận toan chém Phùng Kỷ. Quách Đồ nói nhỏ:
– Nay quân Tào đến sát bờ cõi, hãy nên khoản đãi và giữ Phùng Kỷ ở đây cho yên lòng Thượng. Đợi khi nào phá được Tào, bấy giờ sẽ về cướp Ký Châu cũng không muộn.
Đàm nghe lời, liền nhổ trại kéo quân đến Lê Dương chống cự với quân Tào. Đàm sai đại tướng là Uông Chiêu ra trận. Tháo sai Từ Hoảng đón đánh. Được vài hiệp, Từ Hoảng vung đao chém Uông Chiêu chết lăn xuống ngựa. Quân Tào thừa kế đánh bừa. Đàm thua to, thu quân kéo về Lê Dương rồi sai người cầu cứu Viên Thượng.
Thượng bàn với Thẩm Phối chỉ phái năm nghìn người đến giúp.
Tào Tháo biết quân cứu đã đến, sai Nhạc Tiến, Lý Điển đón đường giết sạch.
Đàm thấy Thượng chỉ cho năm nghìn quân đi cứu, lại bị chết cả, giận lắm, liền gọi Phùng Kỷ ra trách mắng, Kỷ nói:
– Để tôi viết thư về nói với chúa công đem quân ra cứu.
Đàm bảo Kỷ viết thư và sai ngay người đem tới Ký Châu cho Viên Thượng.
Thượng và Thẩm Phối bàn với nhau. Phối nói:
– Quách Đồ lắm mưu. Lần trước Đàm bỏ đi, không tranh giành gì, vì có quân Tào ở ngoài cõi. Nay nếu Đàm phá được Tào, tất lại về tranh Ký Châu, chi bằng không đi cứu để mượn sức Tào Tháo trừ đi.
Thương nghe, không cho quân đi cứu viện.
Sứ giả chạy về báo lại. Đàm giận lắm, liền đem chém Phùng Kỷ và bàn ra hàng Tào Tháo.
Quân do thám về mật báo với Viên Thượng. Thượng bàn với Thẩm Phối:
– Để cho Đàm hàng Tào, hợp sức lại đánh thì Ký Châu nguy mất.
Thượng sai ngay Thẩm Phối và đại tướng Tô Do ở lại giữ Ký Châu tự mình mang đại quân ra Lê Dương cứu Viên Đàm.
Thượng hỏi các tướng tá, ai dám đi tiền bộ. Hai anh em đại tướng Lã Khoáng, Lã Tường xin đi. Thượng cho ngay ba vạn quân và cho làm tiên phong, đến Lê Dương trước.
Đàm nghe tin Thượng đến cứu, mừng lắm, không nghĩ đến việc hàng Tào nữa. Đàm đóng quân trong thành, Thượng đóng ngoài thành, làm thế ỷ giốc.
Được mấy hôm, Viên Hy và Cao Cán cũng kéo quân đến ngoài thành, đóng đồn ba chỗ, ngày nào cũng đem binh ra cầm cự với Tháo.
Thượng thua luôn. Quân Tháo thắng liên tiếp.
Đến tháng hai năm Kiến An thứ tám, Tào Tháo chia đường ra đánh. Viên Thượng, Viên Hy, Viên Đàm, Cao Cán đều thua to, phải bỏ cả Lê Dương rút chạy.
Tháo dẫn quân đuổi đến Ký Châu.
Đàm và Thương vào thành giữ vững. Hy và Cán đóng trại cách thành ba mươi dặm để phô trương thanh thế.
Tháo đánh luôn mấy hôm không được. Quách Gia hiến kế:
– Viên Thiệu bỏ con trưởng lập con thứ. Mấy anh em nhà Viên hiện đang tranh giành nhau, kéo bè kéo cánh, đánh gấp thì chúng cứu nhau, trì hoãn thì chúng tranh nhau. Chi bằng rút quân về Kinh Châu, đánh Lưu Biểu, đợi khi nào anh em họ Viên có biến, ta quay lại đánh, thì chỉ một trận là xong việc.
Tháo nghe theo, sai Giả Hủ làm thái thú giữ Lê Dương, Tào Hồng đem binh giữ Quan Đô, Tào Tháo dẫn đại quân tiến sang Kinh Châu.
Đàm và Thượng thấy quân Tào Tháo rút lui, cùng nhau ăn mừng. Viên Hy và Cao Cán từ giã ra về. Viên Đàm bàn với Quách Đồ, Tân Bình rằng:
– Ta là con trưởng lại không được nối nghiệp, Thượng là con mẹ kế, lại hưởng chức lớn, ta thật áy náy trong lòng.
Đồ nói:
– Chúa công nên đem quân ra đóng ngoài thành giả vờ mời Hiển Phụ và Thẩm Phối đến uống rượu rồi phục quân đao phủ mà giết đi, việc lớn ắt xong.
Đàm theo kế ấy. Chợt có quân biệt giá Thành Châu là Vương Tu vừa đến. Đàm đem việc ấy ra bàn, Tu nói:
– Anh em với nhau như hai cánh. Nay đương định với người ngoài, lại đem chặt tay phải đi, rồi nói mình nhất định thắng thì có được không? Anh em mà xa rời nhau không thân nhau thì trong thiên hạ còn ai là người thân thiết nữa. Ông bị người gièm pha li gián cốt nhục để kiếm chút lợi, xin bịt tai lại, chớ nên nghe.
Đàm nổi giận quát đuổi Vương Tu ra, rồi sai người đi mời Viên Thượng. Thượng lại bàn với Thẩm Phối. Phối nói:
– Đây là mưu của Quách Đồ đây. Hễ chúa công đi tất có tai họa, chi bằng thừa kế đánh luôn.
Viên Thượng nghe lời, nai nịt lên ngựa, dẫn năm vạn quân ra ngoài thành.
Viên Đàm thấy Viên Thượng đem quân đến, biết mưu đã bị lộ, cũng mặc áo giáp cưỡi ngựa, đánh nhau với Thượng. Thượng mắng Đàm thậm tệ. Đàm cũng mắng lại:
– Mày bỏ thuốc độc giết bố để tranh lấy tước vị, nay lại đến giết nốt anh nữa phải không?
Hai người giáp chiến. Viên Đàm thua to, Thượng xông pha tên đạn đánh trận. Đàm phải rút quân chạy về Bình Nguyên. Thượng cũng thu quân về.
Đàm và Quách Đồ lại bàn tiến quân, sai Sầm Bích làm tướng kéo quân đi trước. Thượng tự dẫn quân ra Ký Châu.
Hai bên đối diện, cờ mở trống giong.
Bích ra trận quát mắng. Thượng muốn ra đánh, đại tướng Lã Khoáng vỗ ngựa, múa đao đánh lại Sầm Bích. Chưa được vài hiệp, Khoáng chém Sầm Bích chết lăn xuống ngựa.
Quân Đàm lại thua, chạy về Bình Nguyên.
Thẩm Phối khuyên Thượng nên đem binh đuổi đến tận nơi. Đàm không địch nổi, rút vào trong thành, giữ vững không ra.
Thượng bủa vây ba mặt.
Đàm bàn với Quách Đồ, Đồ nói:
– Nay trong thành ít lương, quân địch đang hăng khó lòng giữ nổi. Theo ý tôi, nên sai người ra hàng Tào Tháo, để Tháo đem binh đánh Ký Châu, Thượng tất phải về cứu. Tướng quân bấy giờ đánh giáp lại, chắc bắt được Thượng. Nếu Tháo phá vỡ quân Thượng thì ta thu lấy quân hắn để cự với Tháo. Quân Tháo ở xa đến, không tiếp tế luôn được, tất phải rút về. Ta vẫn giữ được Ký Bắc để tính việc tiến thủ.
Đàm nghe theo, hỏi rằng:
– Ai có thể đi theo sứ được?
Đồ nói:
– Có em Tân Bình là Tân Tỷ, tự là Tá Tri, hiện đương làm quan lệnh ở Bình Nguyên. Người ấy nói năng khéo léo, nên sai đi.
Đàm lập tức cho người đi mời. Tỷ vui vẻ đến ngay. Đàm viết thư giao cho Tỷ, rồi sai ba nghìn quân đưa đi. Tỷ vội vã mang thư đến yết kiến Tào Tháo.
Bấy giờ Tào Tháo đương đóng quân ở Tây Bình để đánh Lưu Biểu.
Biểu sai Huyền Đức dẫn quân đi trước. Chưa kịp giao chiếu thì Tân Tỷ đem thư đến trại Tháo. Thi lễ xong Tào Tháo hỏi đến có việc gì? Tỷ trình bày ý kiến Viên Đàm và đệ trình thư.
Tào Tháo xem xong bàn với các tướng. Trình Dục nói:
– Viên Đàm bị Viên Thượng đánh gấp nên bất đắc dĩ phải lại hàng, không nên tin.
Lã Kiền, Mãn Sủng cũng nói:
– Thừa tướng đã đem quân đến đây, lẽ nào không đánh Lưu Biểu mà lại giúp Đàm.
Tuân Du nói:
– Ba ông nói chưa được đúng lắm. Theo tôi, đang lúc thiên hạ lắm việc, Lưu Biểu ngồi yên giữ miền Giang Hán, không dám bước ra khỏi cõi, rõ là không có chí vùng vẫy bốn phương rồi. Còn như họ Viên giữ đất bốn châu, quân mã vài mươi vạn. Giả sử anh em hắn hòa thuận với nhau, cùng giữ cơ nghiệp của bố, tình hình thiên hạ sẽ chưa biết ra sao. Chi bằng nhân dịp anh em hắn đương đánh lẫn nhau. Đàm thế cùng đến hàng ta, trước hết, ta điều quân trừ Viên Thượng, sau có cơ hội giết nốt Viên Đàm, việc lớn thiên hạ có thể định được. Dịp tốt này không nên bỏ lỡ.
Tháo mừng lắm, mời ngay Tân Tỷ vào uống rượu và hỏi rằng:
– Họ Viên xin hàng, thực hay dối? Quân Viên Thượng ta đánh có chắc thắng được không?
Tân Tỷ thưa:
– Minh công chẳng cần phải hỏi thật hay giả, chỉ nhìn tình hình cũng đủ biết. Họ Viên mấy năm nay thua luôn. Quân tướng thì mệt nhọc ở ngoài; mưu thần thì bị giết ở trong; anh em lại hiềm khích lẫn nhau, đất nước chia xẻ, lại thêm mất mùa, đói khát, thiên tai nhân họa rất nhiều. Như thế dầu người khôn hay ngu cũng đều thấy rõ cái cơ tan vỡ rồi. Đó là dịp trời diệt họ Viên vậy. Nay xin minh công đem quân đánh Nghiệp Quận, Viên Thượng không về cứu thì mất sào huyệt, bằng về cứu thì Viên Đàm đuổi đánh mặt sau, đem thế mạnh của minh công mà đánh quân đã mỏi mệt có khác gì gió lốc quét lá vàng. Sao minh công chẳng tính nước ấy, mà lại đi đánh Kinh Châu? Kinh Châu là miền phong phú, nước hòa dân thuận, chưa dễ lay động được. Huống chi Hà Bắc bây giờ, so với các nơi là chỗ đáng lo nhất. Minh công định được Hà Bắc tất dựng được nghiệp bá. Xin minh công xét cho kĩ.
Tháo mừng lắm nói:
– Ta tiếc vì gặp Tân Tá Trị muộn quá!
Ngay hôm ấy, Tháo đốc quân về lấy Ký Châu.
Huyền Đức sợ Tào Tháo có mưu kế, không dám đuổi theo, rút quân về Kinh Châu.
Lại nói Viên Thượng được tin Tháo sang qua sông Hoàng Hà, vội vàng kéo quân về Nghiệp Quận và sai Lã Khoáng, Lã Tường đi chặn phía sau.
Viên Đàm thấy Viên Thượng rút quân, liền huy động toàn bộ binh mã ở Bình Nguyên đuổi theo. Đi chưa được vài chục dặm, bỗng tiếng pháo nổ vang, hai cánh quân xông lên, bên tả Lã Khoáng, bên hữu Lã Tường. Hai anh em chặn đánh Viên Đàm.
Đàm kìm ngựa, bảo hai tướng rằng:
– Khi còn cha ta, ta chưa từng bạc đãi hai ông. Nay sao nỡ theo em ta mà ức hiếp ta?
Hai người nghe nói liền xuống ngựa hàng Viên Đàm.
Đàm nói:
– Xin đừng hàng ta, nên ra hàng Tào thừa tướng.
Hai tướng theo Đàm về trại.
Đàm đợi quân Tào Tháo đến, dẫn hai tướng vào ra mắt Tào Tháo. Tháo mừng lắm, hẹn gả con gái cho Viên Đàm và sai ngay Lã Khoáng, Lã Tường làm mối.
Đàm đề nghị Tháo tiến đánh Ký Châu, Tháo nói:
– Hiện nay lương thảo không tiếp tế được, vận tải rất khó khăn. Ta phải qua sông Hoàng Hà, chắn nước sông Kỳ cho chảy vào Bạch Câu để mở thông đường vận lương, rồi sẽ tiến binh.
Tháo bảo Đàm hãy ở Bình Nguyên, còn mình thì dẫn quân lui về đóng ở Lê Dương, phong cho Lã Khoáng, Lã Tường làm liệt hầu, cho đi theo để sai khiến.
Quách Đồ bảo Viên Đàm:
– Tào Tháo hẹn gả con gái cho ông, chưa chắc đã thật đâu. Nay lại phong tước cho Lã Khoáng, Lã Tường và đem đi theo trong quân, đó là có ý muốn lung lạc người Hà Bắc, sau này nhất định sẽ làm hại ta. Xin chúa công nên khắc ngay hai cái ấn tướng quân, mật sai người đưa cho anh em họ Lã, sai làm nội ứng; đợi khi Tào Tháo phá được Viên Thượng, ta sẽ nhân dịp ra tay.
Đàm nghe theo, sai khắc ngay hai quả ấn, mật sai người đem đi. Hai anh em họ Lã lĩnh ấn rồi, mang trình ngay Tào Tháo. Tháo cười rộ:
– Đàm mật đưa ấn đến định nhờ các ngươi làm nội ứng, đợi khi ta phá được Viên Thượng, hắn sẽ phản ta. Các ngươi cứ nhận lấy, ta đã có chủ trương rồi.
Từ đó, Tào Tháo có ý muốn giết Viên Đàm.
Lại nói, Viên Thượng bàn với Thẩm Phối:
– Ngay quân Tào vận lương vào Bạch Câu, tất đến đánh Ký Châu, vậy nên làm thế nào?
Phối nói:
– Nên đưa hịch sai quan trưởng ở Vũ An là Doãn Khải đóng đồn ở Mao Thành, giữ suốt đường tải lương ở Thượng Đảng; sai Thư Hộc là con Thư Thu giữ Hàm Đan để làm thanh thế, còn chúa công thì nên tiến binh sang Bình Nguyên đánh gấp Viên Đàm. Giết xong Đàm bấy giờ ta sẽ đánh Tháo.
Viên Thượng mừng lắm, để Thẩm Phối và Trần Lâm ở lại giữ Ký Châu; sai Mã Diên, Trương Dĩ làm tiền phong, liền đêm mang quân đánh Bình Nguyên.
Được tin quân Thượng tới nơi. Đàm cáo cấp với Tào Tháo, Tháo nói:
– Phen này ta chắc được Ký Châu rồi!
Còn đang bàn tính thì Hứa Du từ Hứa Xương tới, nghe thấy Viên Thượng lại đánh Viên Đàm, liền vào nói với Tháo rằng:
– Thừa tướng ngồi giữ ở đây để đợi thiên lôi đánh chết hai anh em họ Viên hay sao?
Tháo cười nói:
– Ta đã định liệu cả rồi.
Liền sai Tào Hồng mang quân đi trước đánh Nghiệp Quận; Tháo tự dẫn một toán quân đánh Doãn Khải.
Quân Tào Tháo kéo đến, Khải điều quân chống cự. Khải xông lên. Tháo gọi: “Hứa Trọng Khang đâu?” Hứa Chử nhạy vọt ra, chỉ một nhát dao chém chết Khải. Quân Khải vỡ chạy tán loạn. Tháo chiêu hàng được hết, và cấp tốc đem quân lấy Hàm Đan.
Thư Hộc ra đón đánh. Trương Liêu ra ngựa giao chiến. Chưa được ba hiệp, Hộc thua chạy. Liêu đuổi theo. Khi hai ngựa gần nhau, Liêu giương cung bắn một phát, Hộc chết lăn xuống ngựa.
Tháo thúc quân đánh ập vào, quân Hộc chạy tan tác.
Rồi đó, Tháo kéo đại quân đến Ký Châu, Tào Hồng đã đến chân thành. Tháo sai ba quân đắp ụ quanh thành, và đào hầm dưới đất để đánh vào.
Thẩm Phối lập kế giữ thật vững, pháp lệnh rất nghiêm.
Tướng giữ cửa đông là Phùng Lễ, vì say rượu bỏ bê canh gác bị Phối mắng thậm tệ. Phùng Lễ tức, lẻn ra hàng Tào Tháo. Tháo hỏi mẹo đánh thành, Lễ nói:
– Chỗ cửa Đột Môn đất dày có thể đào đường hầm để vào thành.
Tào Tháo sai ngay Phùng Lễ dẫn ba trăm tráng sĩ, liền đêm hôm ấy đào đường hầm tiến vào.
Lại nói, từ khi Phùng Lễ ra hàng, Thẩm Phối đêm nào cũng lên mặt thành, trông nom quân mã. Đêm hôm ấy, Phối đứng ở cửa Đột Môn, trên gác nhìn ra ngoài không thấy có đèn đuốc gì cả. Phối nói:
– Chắc Phùng Lễ dẫn quân đi đường hầm vào rồi.
Nói đoạn, sai ngay tinh binh chuyển đá, lấp kín cửa đường hầm lại. Phùng Lễ và ba trăm tráng sĩ đều chết trong hầm.
Tháo bị thiệt nặng, đành bỏ, không dùng kế đào hầm, rút ngay về đóng trên sông Viên Thủy, đợi Viên Thượng quay binh lại.
Viên Thượng đi đánh Bình Nguyên, bỗng nghe tin Tào Tháo đã phá được Doãn Khải, Thư Hộc, quân Tào lại vây Ký Châu riết lắm, liền kéo quân về cứu.
Bộ tướng là Mã Diên nói:
– Nếu đi theo đường lớn, Tào Tháo tất có mai phục. Nên đi theo đường nhỏ từ Tây Sơn ra cửa sông Phủ Thủy, lẻn đến cướp trại Tào, chắc giải được vây.
Thượng nghe lời, tự lĩnh đại quân đi trước, sai Mã Diên, Trương Dĩ đi hậu vệ.
Quân do thám vội về báo. Tháo nói:
– Nếu chúng đi đường lớn, ta nên tránh, nếu theo đường nhỏ Tây Sơn thì chỉ một trận là có thể bắt sống được Viên Thượng. Ta đoán Viên Thượng thế nào cũng đốt lửa làm hiệu cho trong thành ra tiếp ứng. Ta nên chia quân ra mà đánh.
Mọi việc xếp đặt đâu vào đấy cả.
Viên Thượng ra khỏi cửa sông Phù Thủy, nhằm phía đông kéo đến Dương Bình, đóng quân trong một tòa đình, cách Ký Châu mười bảy dặm, một mặt dựa vào sông Phù Thủy. Thượng sai quân sĩ chứa củi khô cỏ ráo, đến đêm đốt lửa làm hiệu, rồi quan chủ bạ là Lý Phu giả làm đô đốc quân Tào, đi thẳng đến chân thành gọi to: “Mở cửa ra!”
Thẩm Phối nhận được tiếng Lý Phu, mở cửa cho vào. Vào đến nơi, Phu nói:
– Viên Thượng đã dẫn quân ở đình Dương Bình đợi tiếp ứng, nếu quân trong thành kéo ra, cũng đốt lửa lên làm hiệu.
Phối liền sai chất rơm đốt lửa để làm hiệu báo tin. Phu lại nói:
– Trong thành hết lương, phải huy động những người già yếu, tàn binh và đàn bà ra hàng. Quân Tào không phòng bị, ta đem quân theo ra đánh ngay.
Phối nghe lời.
Hôm sau, trên thành kéo một lá cờ trắng, trên viết mấy chữ to: “Trăm họ ở Ký Châu xin ra hàng.”
Tháo nói:
– Đây là trong thành hết lương, xua dân già yếu ra hàng, thế nào cũng có quân lính ra theo.
Liền sai Trương Liêu, Từ Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân phục ở hai bên cửa. Tháo cưỡi ngựa, che lọng, đến tận dưới thành.
Quả nhiên thấy cửa thành mở toang, trăm họ già trẻ dắt díu nhau, tay cầm cờ trắng đi ra. Dân đi vừa hết thì quân lính kéo ồ ra. Tháo sai người cầm lá cờ đỏ vẫy một cái, Trương Liêu, Từ Hoảng, hai bên ập vào đánh giết. Quân trong thành lại phải quay vào, Tháo tế ngựa đuổi theo đến tận cầu treo, trong thành tên nỏ bắn ra như mưa, trúng ngay chỏm mũ Tào Tháo, suýt nữa suốt đến đỉnh đầu, các tướng vội vàng cứu về.
Tháo thay áo đổi ngựa rồi lại dẫn các tướng đến đánh trại Viên Thượng. Thượng thân ra nghênh chiến. Lúc bấy giờ, các đạo quân nhất tề kéo đến, hai bên đánh nhau kịch liệt.
Thượng thua to, rút quân về đóng ở Tây Sơn, rồi sai người đi thúc Mã Diên. Trương Dĩ đem quân đến. Không ngờ Tào Tháo cho Lã Khoảng, Lã Tường đi chiêu an được hai tướng rồi.
Tào Tháo phong tước cho Diên và Dĩ, ngay hôm ấy tiến binh đánh Tây Sơn: Trước hết sai hai anh em họ Lã và Diên, Dĩ đi chẹn đường chuyển lương của Viên Thượng.
Thượng liệu kế không giữ nổi Tây Sơn, liền đêm chạy ra Lam Khẩu.
Thượng lập trại chưa xong thì lửa bốn mặt cháy ngùn ngụt, quân mai phục kéo ồ ra. Người chưa kịp mặc giáp, ngựa chưa kịp thắng yên, quân Thượng đã tan vỡ, phải rút lui năm mươi dặm; thế cùng sức kiệt Thượng buộc phải sai thứ sử Dự Châu là Am Quy đến trại Tào xin hàng.
Tháo giả vờ nhận lời, nhưng lại sai Trương Liêu, Từ Hoảng ngay đêm hôm ấy đến cướp trại. Thượng phải bỏ cả ấn tín, tiếp viện và lương thực trốn vào Trung Sơn.
Tháo đem quân ngay về đánh Ký Châu, Hứa Du lại hiến kế rằng:
– Thừa tướng sao không khơi sông Chương Hà cho nước tràn vào thành?
Tháo nghe theo, trước hết sai quân xẻ một cái hào ở ngoài thành, chu vi bốn mươi dặm.
Thẩm Phối đứng trên thành, trông thấy quân Tháo đào hào ở ngoài thành, nhưng đào nông lắm, bèn cười thầm nói:
– Chúng mày định khơi nước sông Chương Hà làm ngập thành mà đào nông thế kia thì ăn thua gì?
Rồi khinh thường không phòng bị. Đêm hôm ấy, Tào Tháo huy động thêm mười vạn quân sĩ ra sức đào xúc, vừa đến sáng rõ, hào sâu hai trượng, nước tràn vào thành ngập đến vào thước. Vả lại lương thực trong thành cũng cạn, nên quân sĩ đều chết đói.
Tân Tỷ ở ngoài thành, lấy ngọn giáo, bêu ấn tín và mũ áo của Viên Thượng lên, kêu gọi những người trong thành ra hàng.
Thẩm Phối nổi giận đùng đùng, bắt hết gia thuộc nhà Tân Tỷ, già trẻ hơn tám mươi người, đem cả lên mặt thành chém rồi quăng đầu xuống.
Tân Tỷ kêu khóc thảm thiết.
Cháu Thẩm Phối là Thẩm Vinh, vốn thân thiết với Tân Tỷ, thấy gia thuộc Tân Tỷ bị hại giận lắm, liền mật viết một lá thư xin dâng cửa thành, buộc trên đầu tên bắn ra ngoài thành.
Quân sĩ nhặt được đưa cho Tân Tỷ, Tỷ đem trình Tào Tháo. Trước hết, Tháo hạ lệnh:
– Nếu vào được thành Ký Châu, không được giết hại gia đình họ Viên, quân dân xin hàng, đều tha tội chết.
Sáng hôm sau, Thẩm Vinh mở toang cửa tây cho quân Tào vào.
Tân Tỷ tế ngựa vào trước, quân tướng theo sau.
Thẩm Phối đứng ở trên lầu mé đông nam, thấy quân Tào đã ùa vào, liền dẫn vài tên kị binh xuống liều chết chống cự, gặp ngay Từ Hoảng; Phối bị Từ Hoảng bắt sống, điệu ra ngoài thành; giữa đường gặp Tân Tỷ. Tỷ nghiến răng, mắm miệng giơ roi đập vào đầu Phối nói:
– Thằng giặc sát nhân! Hôm nay mày phải chết!
Phối mắng Tân Tỷ:
– Đồ phản tặc kia, mày dẫn Tào Tháo đánh phá Ký Châu, ta giận không băm vằm được mày ra!
Từ Hoảng giải Phối đến trước Tào Tháo, Tháo hỏi:
– Ngươi có biết ai dâng cửa thành cho ta không?
Phối nói không biết. Tháo nói:
– Ấy cháu ngươi là Thẩm Vinh đó!
Phối giận quá chỉ nói:
– Trẻ con mất dạy mới đến nỗi này!
Tháo nói:
– Hôm qua ta đến dưới thành, tên đâu mà bắn ra nhiều thế?
Phối nói:
– Hiềm rằng còn ít, còn ít!
Tháo lại hỏi:
– Ngươi trung với họ Viên như thế là đúng, nay chịu hàng ta không?
Phối nói:
– Không hàng! Không hàng!
Tân Tỷ khóc lạy xuống đất thưa:
– Gia đình tôi hơn tám mươi người đều bị tay thằng này giết hại, xin thừa tướng giết đi để rửa thù này!
Phối nói:
– Ta sống làm tôi họ Viên, chết làm ma họ Viên, không như lũ chúng mày là những thằng a dua, nịnh hót. Mau chém ta đi!
Tháo sai đem chém.
Trước khi chết, Thẩm Phối nạt quân đao phủ rằng:
– Chúa ta ở phương bắc, không thể bắt ta trông về phương nam mà chết được!
Nói xong, ngồi quỳ về phía bắc, vươn cổ đón lưỡi dao.
Đời sau có thơ rằng:
Hà Bắc lắm danh sĩ,
Ai bằng Thẩm Chính Nam?
Vua hèn, thân bị hại,
Lòng ngay, chết cũng cam.
Trung trực, nói vẫn thẳng.
Thanh liêm, dạ chẳng tham.
Chết còn ngoảnh về bắc,
Thẹn thay kẻ đầu hàng!
Thẩm Phối chết rồi, Tháo thương là người trung nghĩa, sai đem táng ở phía bắc thành Ký Châu.
Các tướng bấy giờ mời Tháo vào thành. Sắp khởi hành, thấy bọn đao phủ điệu một người đến, Tháo nhìn xem ai, té ra là Trần Lâm.
Tháo hỏi Lâm:
– Trước mày làm bài hịch cho Bản Sơ, kể tội ta ra cũng được, nhưng sao lại dám nói nhục đến cả ông cha ta?
Trần Lâm đáp:
– Mũi tên đặt trên dây cung, không thể không bắn đi được.
Tả hữu khuyên Tào Tháo giết đi. Tháo tiếc là người có tài, cho làm tòng sự.
Lại nói, con trưởng Tào Tháo là Tào Phi, tự là Tử Hoàn, năm ấy mười tám tuổi. Lúc Phi ra đời, có một đám mây xanh tía, tròn như cái lọng, phủ trên mái nhà một ngày không tan. Có người trông thấy, mật nói với Tháo rằng:
– Đó chính là khí thiên tử, công tử quý hết chỗ nói!
Lên tám tuổi, Phi đã giỏi văn, mau trí khôn, bác cổ thông kim, cưỡi ngựa bắn cung đều khá, múa kiếm cũng tài.
Hồi Tháo phá Ký Châu, Phi theo cha trong quân; vào thành, Phi đem quân tùy tùng đến thẳng phủ Viên Thiệu, xuống ngựa tuốt gươm bước vào.
Một viên tướng ngăn lại, nói:
– Thừa tướng đã ra lệnh, không ai được vào phủ Viên Thiệu.
Phi quát mắng tướng ấy phải lui, rồi xách gươm đi thẳng vào nhà sau. Vào đến nơi, thấy có hai người đàn bà ôm nhau khóc.
Phi xông lại định giết.
Thật là:
Khanh tướng bốn đời thành giấc mộng,
Một nhà cốt nhục lại lâm nguy.
Chưa biết tính mệnh hai người đàn bà ấy ra thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.