Chương 016-1 Tam quốc diễn nghĩa
HỒI 16
Cửa nha môn, Phụng Tiên bắn kích;
Sông Vị Thủy, Mạnh Đức thua quân.
Dương Đại tướng xin dâng một kế để bắt Lưu Bị. Viên Thuật hỏi kế làm sao, Đại tướng nói:
– Lưu Bị đóng quân ở Tiểu Bái. Tuy rằng dễ lấy nhưng còn Lã Bố giữ ở Từ Châu. Lần trước ta đã hứa đem vàng, lụa, lương và ngựa cho Lã Bố, nay vẫn chưa đưa thì có lẽ nó giúp Lưu Bị. Chúa công nên sai người đưa lương cho nó, trước nữa mua chuộc lấy lòng nó, để ta có sang đánh Lưu Bị nó đừng động binh, họa chăng ta mới bắt được Lưu Bị rồi, sau ta đánh Lã Bố, đánh Lã Bố rồi sau lấy Từ Châu.
Thuật nghe lời, liền sai Hàn Dận đem hai mươi vạn hộc thóc và một bức mật thư đưa cho Lã Bố.
Bố mừng lắm, trọng đãi Hàn Dận, Dận về báo với Viên Thuật. Thuật sai Kỷ Linh làm đại tướng, Lôi Bạc, Trần Lan làm phó tướng, đem vài vạn quân sang đánh Tiểu Bái.
Lưu Bị nghe tin bàn với chư tướng.
Trương Phi xin ra đánh.
Tôn Càn nói:
– Nay Tiểu Bái binh ít, lương hiếm, nên đưa thư về Từ Châu, cầu cứu Lã Bố.
Trương Phi nói:
– Lã Bố nào nó chịu cứu mình!
Lưu Bị nói:
– Càn nói phải đấy.
Liền đưa thư sang Từ Châu, thư rằng:
“Từ khi được nhờ tướng quân nghĩ đến cho tôi nương thân ở đất Tiểu Bái, tôi thực bái phục đức cao của ngài. Nay Viên Thuật muốn báo thù riêng, sai Kỷ Linh đem binh đến huyện. Nguy ở sớm tối. Phi tướng quân không ai cứu được.
Xin tướng quân đem quân đến, cứu cho nạn gấp này, thì chúng tôi hân hạnh lắm.”
Lã Bố xem xong thư, bàn với Trần Cung rằng:
– Mới rồi Viên Thuật đưa lương và gửi thư cho ta để cầu ta đừng cứu Lưu Bị. Nay Lưu Bị lại cầu cứu. Ta nghĩ Lưu Bị đóng ở Tiểu Bái vị tất có bao giờ hại được ta. Chứ như Viên Thuật nếu đánh được Lưu Bị, chắc nó lại liên kết với các tướng ở Thái Sơn để đánh ta, ta sẽ không yên được với nó. Không bằng đi cứu Lưu Bị.
Nói rồi liền điểm quân đi.
Kỷ Linh cất quân kéo bừa đi, đi đến mé đông nam huyện Bái, lập doanh trại đóng quân, ban ngày cắm cờ đỏ ối cả trên núi dưới sông; ban đêm đốt lửa sáng choang cả trên trời dưới đất.
Trong huyện Lưu Bị chỉ có hơn năm nghìn người, miễn cưỡng ra ngoài huyện bố trí lập doanh trại. Chợt có người đến báo:
– Lã Bố dẫn quân đến mé tây nam, cách huyện có một dặm, lập trại đóng quân.
Kỷ Linh thấy Lã Bố đến cứu Lưu Bị, sai ngay người đưa thư trách rằng thất tín.
Lã Bố xem xong thư cười nói rằng:
– Ta có một kế làm cho Viên, Lưu không bên nào trách được ta.
Nói rồi sai sứ sang mời cả Kỷ Linh và Lưu Bị đến ăn yến.
Lưu Bị thấy Bố mời, muốn đi ngay, Quan, Trương can rằng:
– Anh không nên đi. Lã Bố có bụng bất lương gì chăng?
Lưu Bị nói:
– Ta đối đãi nó tử tế, tất nó không hại ta.
Lưu Bị lên ngựa đi, Quan, Trương cũng đi theo đến trại Lã Bố. Khi vào chào Bố, Bố nói:
– Nay tôi đến đây để gỡ nạn cho ông. Ngày khác ông đắc chí, đừng quên tôi nhé!
Lưu Bị tạ ơn, Lã Bố mời ngồi. Quan, Trương cầm gươm đứng đằng sau, chợt có người báo:
– Kỷ Linh đã đến.
Lưu Bị nghe thấy, giật nảy mình, muốn lánh mặt đi.
Lã Bố nói:
– Nay ta mời hai ông đến để cùng bàn, không được nghi ngờ gì cả.
Lưu Bị chưa rõ tình ý làm sao, trong bụng nghi nghi hoặc hoặc.
Kỷ Linh xuống ngựa vào trại, trông thấy Lưu Bị ngồi trong trướng cũng mất vía, quay mình trở ra. Lã Bố bước lên kéo lại, như kéo đứa trẻ con. Kỷ Linh sợ nói rằng:
– Thế ra tướng quân định giết tôi à!
Bố nói:
– Đâu lại thế!
Linh lại hỏi:
– Hay là tướng quân định giết thằng tai to kia?
Bố lại nói:
– Cũng không phải.
Linh lại hỏi:
– Thế thì ra làm sao?
Bố nói:
– Lưu Bị cùng ta như anh em một nhà vậy. Nay bị tướng quân sang đây đe dọa, nên ta đến cứu.
Linh lại sợ, nói rằng:
– Nếu thế thì là tướng quân giết tôi rồi!
Bố nói:
– Có lẽ đâu thế. Tính tôi không hay đánh nhau, chỉ muốn làm cho thôi đánh nhau. Tôi nay định giải hòa cho hai ông.
Linh nói:
– Xin dám hỏi cách giải hòa thế nào?
Bố nói:
– Tôi có một phép, nhưng còn tùy lòng trời!
Nói rồi kéo Linh vào trong trướng, để hai người gặp nhau, Lưu Bị, Kỷ Linh đều có lòng nghi kị lẫn nhau.
Lã Bố ngồi giữa, Kỷ Linh ngồi bên tả, Lưu Bị ngồi bên hữu, rồi sai mở tiệc yến, uống rượu.
Rượu được vài tuần, Bố nói:
– Hai bên cùng nể mặt ta thì cùng bãi binh cả.
Lưu Bị không nói gì. Kỷ Linh nói:
– Tôi phụng mệnh chúa công tôi, đem sang đây mười vạn quân chỉ cốt bắt Lưu Bị, bãi binh thế nào được?
Trương Phi đứng sau lưng Lưu Bị nghe nói nổi giận, tuốt ngay gươm ra quát to lên rằng:
– Binh ta tuy ít, nhưng ta coi chúng mày như đàn trẻ mà thôi, mày có bằng lũ giặc Khăn Vàng hàng trăm vạn không, mà dám toan hại anh ta?
Quan Công vội vàng ngăn nói rằng:
– Hãy xem chủ ý của Lã tướng quân định thế nào, bấy giờ về trại đánh nhau cũng không chậm.
Lã Bố nói:
– Ta mời hai bên đến để giải hòa, chứ không có mời đến đây để đánh nhau.
Bên này Kỷ Linh tức giận lắm, mà bên kia Trương Phi chỉ lăm lăm muốn đánh. Lã Bố nổi giận lên mà truyền rằng:
– Quân đâu! Đem kích ra đây!
Quân đem kích ra đưa cho Lã Bố. Kỷ Linh, Lưu Bị không biết thế nào, cùng sợ mất vía.
Bố nói:
– Ta can hai bên mãi không nghe. Vậy để tùy lòng trời định quyết việc này!
Không ai hiểu Lã Bố định làm gì. Lã Bố sai quân mang họa kích ra ngoài cửa nha môn, cắm tận đằng xa cùng kiệt, rồi ngoảnh lại bảo hai người rằng:
– Từ đây ra đấy, cách một trăm năm mươi bước. Ta xin bắn một phát tên, nếu tin vào ngạnh kích thì hai bên phải bãi binh; nhược bằng bắn không tin thì mặc ý hai bên đi mà đánh nhau. Ta định như thế, ai không nghe thì ta gồm sức với bên kia để đánh.
Kỷ Linh thấy kích cắm xa thế mười phần chắc cả mười rằng: Lã Bố tài đến đâu cũng không sao bắn tin được, liền ưng theo ý Lã Bố.
Lưu Bị thì vẫn đành muốn thế rồi.
Lã Bố mời hai bên ngồi xuống, mỗi người uống một chén rượu, rượu cạn chén rồi, Bố sai đem cung lại.
Huyền Đức khấn thầm, chỉ muốn cho bắn tin là hay.
Lã Bố vén tay áo bào, đặt mũi tên, giương hết sức cung. Dây cung bật đánh tạch một tiếng, tên ra vùn vụt, mười mắt nhìn theo; chớp mắt một cái tin ngay ngạnh kích. Các tướng trên trướng dưới thềm đều reo ầm vỗ tay.
Đời sau có thơ khen rằng:
Ôn hầu bắn giỏi thật diệu li kì!
Từng ở nha môn gỡ được nguy.
Trời rụng quả nhiên hơn Hậu Nghệ!
Vượn kêu hơn hẳn sức Do Cơ.
Dây gân hổ kéo cung căng thẳng,
Tên cánh diều bay vùn vụt đi.
Đuôi báo lung lay xuyên ngạnh kích,
Hùng binh mười vạn có làm chi?
Lã Bố bắn tin họa kích rồi miệng cười ha hả, vứt cung xuống đất, cầm tay Lưu Bị và tay Kỷ Linh nói rằng:
– Ấy là trời bắt hai bên phải bãi binh đó!
Nói rồi, truyền quân sĩ rót rượu, mời mỗi người uống một cốc to làm bằng sừng trâu rừng.
Lưu Bị trong lòng mừng rỡ. Kỷ Linh thì ngồi ngẩn nửa giờ, rồi nói với Lã Bố rằng:
– Lời tướng quân dạy thì tôi phải nghe, nhưng bây giờ về nói với chúa công tôi, sao chúa công tôi tin?
Bố nói:
– Để ta viết thư cho Viên Công Lộ thì xong chứ gì?
Cửa nha môn Lã Bố bắn kích.
Rượu uống được vài tuần nữa, Kỷ Linh xin lĩnh thư về trước. Linh về rồi, Bố bảo Lưu Bị rằng:
– Không có tôi thì ông nguy nhé!
Lưu Bị lạy tạ rồi cùng với Quan, Trương trở về. Hôm sau quân mã ba nơi cùng kéo về cả.
Lưu Bị về Tiểu Bái; Lã Bố về Từ Châu; còn Kỷ Linh về Hoài Nam vào ra mắt Viên Thuật, kể hết Lã Bố bắn kích ở nha môn để giải hòa, rồi dâng trình thư của Lã Bố.
Thuật xem thư giận lắm nói rằng:
– Lã Bố lấy bao nhiêu lương thóc của ta, nay lại lấy trò trẻ con này để mà bênh Lưu Bị. Phen này ta quyết đem đại quân đi đánh Lưu Bị, xong rồi đánh Lã Bố nhân thể.
Kỷ Linh nói:
– Chúa công không nên vội vàng: Lã Bố dũng lực hơn người; vả lại có tất cả đất Từ Châu. Ví bằng Lã Bố, Lưu Bị cả hai người, đầu đuôi cùng cứu giúp lẫn nhau, chưa dễ đánh được hắn đâu. Tôi nghe vợ Lã Bố là họ Nghiêm có đứa con gái, đã đến tuần cập kê rồi. Chúa công thì có con trai. Nên sai người sang Từ Châu cầu thân với hắn. Nếu Lã Bố thuận gả con cho con chúa công, tất y phải giết Lưu Bị, kế ấy gọi là kế “Sơ bất gián thân”.
Viên Thuật nghe kết ấy, lập tức sai Hàn Dận đem lễ vật sang Từ Châu cầu hôn.
Dận đến Từ Châu, vào ra mắt Lã Bố, thưa rằng:
– Chúa công tôi mộ tiếng tướng quân, muốn cầu lệnh ái làm dâu để kết duyên Tần Tấn.
Bố vào bàn với vợ.
Nguyên Lã Bố có hai vợ, một thiếp. Vốn chỉ có họ Nghiêm làm vợ cả, Điêu Thuyền làm thiếp. Sau đến Tiểu Bái lại lấy con gái Tào Báo làm vợ hai. Họ Tào chết trước không có con; Điêu Thuyền cũng không có con nào. Duy chỉ có họ Nghiêm sinh được một con gái. Lã Bố yêu con gái ấy lắm.
Khi Bố vào bàn với vợ thì họ Nghiêm nói rằng:
– Tôi nghe Viên Công Lộ trấn ở Hoài Nam đã lâu, binh nhiều, lương lắm, có thể làm nên thiên tử nay mai. Nếu y thành được nghiệp lớn thì con ta mới có phận làm được hậu phi. Nhưng chẳng biết hắn ta có mấy con?
Bố nói:
– Chỉ có một mống mà thôi!
Vợ nói:
– Như thế thì nên gả đứt đi. Mai sau con ta dẫu chẳng hậu phi, Từ Châu ta cũng chắc được vững bền, không phải lo gì.
Bố nghe lời vợ, đãi Hàn Dận tử tế, nhận lời gả con.
Hàn Dận về trình với Viên Thuật.
Thuật lập tức sắm đủ đồ sính lễ, lại sai Hàn Dận đưa sang Từ Châu.
Lã Bố nhận lễ, mở tiệc thết đãi, lưu ở nhà khách nghỉ ngơi.
Hôm sau Trần Cung đến tận nhà khách, vào chào Hàn Dận, ngồi rồi đuổi tả hữu ra, mà bảo với Dận rằng:
– Ai hiến kế ấy, để Viên Công cùng Phụng Tiên kết dâu gia? Có phải định lấy đầu Lưu Bị chăng?
Dận giật mình, đứng dậy tạ mà nói rằng:
– Xin Công Đài đừng hở chuyện ấy.
Cung nói:
– Ta thì không nói ra, nhưng chỉ sợ việc chậm tất có người khác biết thì hỏng mất mà thôi.
Dận nói:
– Thế thì làm thế nào, xin ông dạy cho.
Cung nói:
– Để ta vào hầu Phụng Tiên, nói để đưa ngay con gái y sang. Như thế được không?
Dận mừng lắm, tạ ơn mà nói rằng:
– Nếu được thế thì Viên Công đội ơn ngài nhiều lắm.
Cung từ Dận, vào hầu Lã Bố mà nói rằng:
– Tôi nghe ông gả con gái cho con Viên Công Lộ, thực là hay lắm. Nhưng bao giờ mới cho cưới?
Bố nói:
– Hãy để thong thả sẽ bàn.
Cung nói:
Ngày xưa, từ hôm dạm đến hôm cưới bao lâu có định lệ cả; thiên tử thì một năm; chư hầu thì nửa năm; đại phu thì một mùa; thức dân thì một tháng…
Bố nói:
– Viên Công Lộ, trời cho được quốc bảo, nay mai sắp làm vua, thì theo lệ thiên tử có được không?
Cung nói:
– Không nên.
Bố hỏi:
– Thế thì theo lệ chư hầu?
– Cũng không nên.
– Thế thì theo lệ đại phu?
– Cũng không nên.
Bố tức hỏi rằng:
– Thế anh muốn bảo tôi theo lệ thứ dân hay sao?
– Không phải thế.
– Thế thì ý anh ra làm sao?
Cung thưa:
– Nay chư hầu trong thiên hạ tranh hùng với nhau. Ông cùng Viên Công Lộ kết thân, đã chắc không ai ghen ghét chưa? Nếu mà để lâu còn kén ngày lành tháng tốt, ngộ có người rình lúc giờ tốt ấy, phục binh ở nửa đường, toan chuyện bất lương, thì làm sao? Vậy bây giờ chúa công đã không cho thì thôi, mà đã ưng cho thì nhân lúc chư hầu chưa ai biết, đưa ngay con gái đến Thọ Xuân, cho ở riêng một biệt quán, rồi sẽ chọn ngày thành thân, thế có phải muôn phần vững cả, không ngại gì nữa?
Bố mừng nói rằng:
– Công Đài nói chí phải.
Vào bảo với họ Nghiêm ngay đêm hôm ấy sắm sửa đồ cưới, thu xếp ngựa quý xe thơm; sai Tống Hiến, Ngụy Tục, cùng Hàn Dận, đưa con gái đi, tiếng trống tiếng nhạc rầm rĩ, đưa ra khỏi thành.
Bấy giờ bố Trần Đăng là Trần Khuê, dưỡng lão ở nhà, nghe thấy tiếng nhạc, hỏi đày tớ việc gì, đày tớ kể chuyện cưới xin là thế. Khuê nói:
– Mẹo đó là mẹo “Sơ bất gián thân” đó. Lưu Bị nguy đến nơi!
Nói thế rồi tuy bệnh chưa khỏi cũng gắng gượng lại gặp Lã Bố và nói rằng:
– Tôi nghe tướng quân sắp chết, nên tôi đến viếng.
Lã Bố giật nảy mình hỏi:
– Vì sao lại nói thế?
Khuê nói:
– Bữa trước Viên Thuật cho đem vàng lụa đến biếu ông, là có ý để giết Lưu Huyền Đức, ông mới lấy chuyện bắn kích giải hòa. Nay tự dưng đến cầu kết dâu gia, ấy là muốn lấy con gái ông để làm tin đó. Khi nào con ông đã về nhà y, y lại sang đánh Lưu Bị để lấy Tiểu Bái. Tiểu Bái mất thì Từ Châu cũng nguy. Vả lại khi đã kết thân với y rồi, hoặc có khi đến vay lương, có khi y đến mượn binh. Ông mà cho y mượn ra, thì ông đã vất vả về y, lại còn kết oán với người khác; nếu ông không giúp, thì thân thích lìa nhau và lại gây ra sự đánh nhau. Huống chi ông đã biết rằng Viên Thuật có ý muốn xưng đế. Muốn xưng đế là làm phản, thế ra ông còn kết thân với phản tặc, thiên hạ ai còn dung ông nữa?
Bố nghe nói thất kinh mà rằng:
– Trần Cung nó làm lỡ ta!
Vội vàng sai Trương Liêu đem binh đuổi theo, đến ngoài ba mươi dặm, lôi con gái trở về, và bắt Hàn Dận đem giam lại, rồi sai người sang nói với Viên Thuật rằng: Đồ nữ trang sắm chưa đủ. Khi nào sắm sửa xong sẽ đưa con gái sang.
Trần Khuê lại xui Lã Bố cho giải Hàn Dận sang Hứa Đô nộp cho triều đình. Lã Bố còn đương tần ngần chưa định bề nào, thì có người đến báo rằng:
– Lưu Bị ở Tiểu Bái chiêu quân tậu ngựa, không biết có tình ý gì.
Bố nói:
– Ấy là việc thường của người làm tướng, có lạ gì?
Đang nói chuyện thì Tống Hiến, Ngụy Tục chạy vào báo rằng:
– Hai chúng tôi vâng mệnh minh công sai sang Sơn Đông mua ngựa, có tậu được hơn ba trăm ngựa tốt, đi về đến đầu địa giới huyện Bái, bị kẻ cướp ra cướp mất một nửa. Hỏi dò ra thì đám cướp ấy là Trương Phi, là em Lưu Bị giả làm giặc núi đến ăn cướp.
Lã Bố giận lắm, lập tức điểm binh đến Tiểu Bái đánh Trương Phi.
Lưu Bị nghe thất kinh, vội vàng dẫn quân ra đón. Khi hai bên bày trận rồi, Huyền Đức cưỡi ngựa ra mà hỏi rằng:
– Huynh trưởng có việc gì đem quân đến đây?
Bố trỏ mắng rằng:
– Ở nha môn ta vừa bắn kích để cứu mày khỏi được nạn lớn, nay cớ sao mày lại cướp ngựa của ta?
Lưu Bị nói:
– Tôi nay thiếu ngựa có sai người ra bốn mặt tìm mua, chứ có đâu dám cướp của huynh trưởng?
Lã Bố giận mắng rằng:
– Mày sai em là Trương Phi ra cướp của ta một trăm rưỡi con ngựa tốt, bây giờ lại chối à?
Trương Phi vác mâu cưỡi ngựa ra nói rằng:
– Chính ta cướp ngựa đấy! Mày làm gì nổi ta?
Bố nói:
– Thằng giặc mắt tròn kia, mày đã bao nhiêu lần khinh ta?
Phi nói:
– Sao ta cướp ngựa của mày thì mày biết tức, mày cướp Từ Châu của anh ta, sao không nói?
Bố vác kích lại đánh Trương Phi. Phi cũng vác mâu lại địch. Hai người đánh nhau hơn một trăm hiệp, chưa phân được thua, Lưu Bị sợ lỡ việc ra, vội vàng khua chiên thu quân về thành.
Lã Bố chia quân vây bốn mặt.
Lưu Bị về gọi Trương Phi trách rằng:
– Chỉ tại mày cướp ngựa của nó cho nên sinh sự thế này. Thế thì ngựa ở đâu?
Phi nói:
– Gửi cả vào các chùa.